Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Tóm tắt tác phẩm: Mở đầu tiểu thuyết là nhân vật trung tâm là Lịnh, người bạn tù mang số hiệu 2910 của nhân vật xưng tôi. Anh được miêu tả là người trí thức tài hoa vướng lụy vì hoài bão, một lòng vững vàng hướng về Cánh Mệnh tại trại an trí V.B. Lịnh chưa từng uống rượu, che giấu tâm tư trong vỏ bọc lý tưởng. Lịnh không dự bữa tiệc mà ông đội cố ý sắp đặt để anh em giải khuây, để không bị hiểu nhầm anh đưa cho nhân vật tôi cuốn vở “Tâm sự của nước độc”. Câu chuyện kể về Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo. Từ ngày vợ cậu mất vì tai nạn tàu hỏa, cậu đâm ra rượu chè, bỏ bê việc ấp, và đặc biệt căm ghét máy móc hay những món đồ công nghệ tiên tiến. Sau hôm chè chén và văn nghệ hôm giỗ Mợ Lãnh, chủ ấp không lần nào khóc và uống rượu nữa. Bá Nhỡ, người được vợ chồng cậu Lãnh Út cứu khỏi án tử hình, cũng là người vun vén công việc thay Lãnh Út, thấy thế thì lo lắng, cầu đoàn người múa hát nhà nghề vực dậy tâm hồn cậu chủ, nhưng cậu nhất quyết ra lệnh bãi. Vào một đêm mưa, Cậu muốn uống rượu, trong cơn say Cậu đánh tiếng muốn nghe tiếng hát cô Tơ. Bá Nhỡ vui lòng, chạy tìm tin tức cô Tơ khắp nơi và mời về cho bằng được. Sự tình không dừng lại ở đó, cô Tơ có lời hứa cùng người chồng đã khuất là ông Chánh Thú sẽ không hát nữa trừ khi có người đệm bằng cây đàn thờ dựng trong buồng. Cây đàn ấy làm từ gỗ quan tài người trinh nữ, chứa đựng một thứ bùa yểm nào đó. Người sử dụng cây đàn, rất nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí ông Chánh Thú dưới cung Thủy Tinh để ông đầu thai về trần gian. Một lần là ông khách vùng Bắc vì mạng còn vững nên chỉ bị liệt nửa bên người, còn lần này là chính Bá Nhỡ muốn dùng thân hiến tế, cứu Lãnh Út khỏi cơn mê. Một năm sau có chùa Đàn mọc lên ở ấp Mê Thảo. Về sau, ấp Mê Thảo sang tay người ngoại quốc. Lãnh Út cố giữ lại hai mẫu tự điền và chùa Đàn được dựng lên trong khoảng đó. Mưỡu cuối dưới dạng một bức thư bộc bạch với sư thầy Tuệ Không của nhân vật tôi mở ra một điểm nhìn mang chất “cách mạng” thường thấy ở các tác phẩm văn xuôi giai đoạn này. Lịnh 2910 là Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo ngày trước, từ o bế cái sống cá nhân chuyển sang một lý tưởng mới cao cả hơn, đó là lý tưởng của Đảng. Đồng nhất sư thầy với cô Tơ và oán trách, đi tu là một cách chối bỏ đời sống, là cách tự tử dần, không xứng đặt cạnh thay đổi nhiệt thành của Lãnh Út (hay Lịnh 2910). Lời khuyên, sự động trong hành động phát triển của con người nghệ sĩ thời kháng chiến.

Cũng như những sáng tác giai đoạn trước, tác phẩm Chùa Đàn vẫn còn đậm chất “yêu ngôn” của một Nguyễn Tuân duy mỹ. Nhưng việc thêm vào phần Dựng và Mưỡu cuối, tác phẩm làm rõ rệt sự giằng xé giữa hai tiếng nói bên trong tâm hồn nhà văn, một là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, một là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Đó là một tâm thế chung của các văn nghệ sĩ trước biến thiên của cuộc đời, đặc biệt mâu thuẫn rõ rệt với trường hợp Nguyễn Tuân - “người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật”. Chùa Đàn là móc giữa phân cách một Nguyễn Tuân say mê cái đẹp và một Nguyễn Tuân giác ngộ Cách Mạng. Chùa Đàn là tác phẩm ma mị, quái đản chốt sổ danh sách những sáng tác lấy cảm hứng “yêu ngôn” của Nguyễn Tuân, cũng là tác phẩm thuần túy nghệ thuật cuối cùng. Vì sau đó, ông theo Cộng Sản và sáng tác của ông nhằm phục vụ tuyên truyền cho chế độ. Lý do Nguyễn Tuân cho phép những yếu tố ma quỷ xuất hiện trong tác phẩm mình không phải hù dọa, hay tạo yếu tố kinh dị, kích thích sự tò mò của người đọc. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đăng có đưa ra nhận xét rằng: “Nguyễn Tuân [...] luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt… những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”. Hiện thực bóp nghẹt cái tôi sáng tạo của nghệ sĩ, buộc nó phải lựa chọn một phe để phó thác. Nhưng lựa chọn thế nào cũng có sự mất mát riêng. Những cảm xúc khác biệt đan xen này đã tạo nên một tác phẩm kiệt tác trong văn học - nghệ thuật.

Về tên nhan đề, hình dung về một ngôi chùa không có một pho tượng Phật để thờ cúng, mà ở đó người ta thờ cây đàn đáy, thờ nghệ thuật một cách nghiêm trang và thành kính. Ở đó, tín ngưỡng duy nhất là cái đẹp, cái nghệ thuật thuần túy, chứ không phải một tư tưởng, một trường phái vĩ mô về cuộc đời. Tuy tác phẩm về sau nằm trong mạch văn sám hối, lột xác theo Cách mạng nhưng chúng ta vẫn thấy sự miễn cưỡng trong quá trình phá kén ấy. Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh tỏ thái độ: “Vừa giác ngộ cách mạng được ít ngày, tác giả Yêu Ngôn, cũng như của Vang Bóng Một Thời, Thiếu Quê Hương. . . làm sao đã có thể lột xác ngay được”. Cái giữ chân phe "nghệ thuật vị nghệ thuật" ở lại với ông chính là một “thân nhộng” mềm oặt, sinh động còn sót lại ấy. Chùa Đàn vẫn là một ngôi miếu tôn thờ cái đẹp. Cây đàn trong tác phẩm không phải ai cũng có thể chạm vào và gảy ra tiếng nhạc, mà phải là người tuyệt nhiên trân trọng nghệ thuật, không màng danh lợi, vươn tới sự tuyệt hảo trong thẩm mỹ mới có thể gảy dây âm. Thêm một điểm, kết cấu Chùa Đàn như một vở ca trù. Mà đối chiếu thời gian lịch sử, ca trù là một nét văn hóa thời trung đại, phảng phất trong sinh hoạt, và là trò tiêu khiển phục vụ đời sống tinh thần của tầng lớp trí thức trung lưu. Ở Tâm sự của nước độc, tuyến nhân vật đều mê đắm với loại hình nghệ thuật ca trù, chúng ta cảm nhận được Nguyễn Tuân đã áp bộ lọc của ký ức vào trong phần này, niềm nuối tiếc về một thời đã qua. Bằng chứng là sự thay đổi và lựa chọn của ba nhân vật chính: Bá Nhỡ quyên sinh vì nghệ thuật, Lãnh Út tìm thấy lý tưởng nơi Cộng sản, cô Tơ khép lại tiếng ca, sống âm thanh nơi chùa chiền thanh tịnh. Và ở đầu phần Dựng, ông đội và các tù nhân đều mong cầu nghe lại một bài ca đúng điệu cho thỏa cuộc đời.

Đi sâu vào tác phẩm, chi tiết Lãnh Út không khóc, không nói mà chỉ ra mồ hôi tóc trong trận giỗ vợ làm mình liên tưởng đến hình ảnh cây đàn dựng bên góc bàn thờ vã mồ hôi như tắm vào những đêm áp giỗ ông Chánh Thú. Đó là một cảm giác cô đơn, lẻ loi của kẻ độc hành vì mất đi người bạn đồng hành. Hay ở cách hiểu khác, cả hai đều thèm khát được vùng dậy, được người khác khơi gợi để cống hiến. Đây là hình ảnh hình bóng “cách mạng” chính thức đầu tiên mình nhìn thấy trong tác phẩm. Vào thời điểm sau giải phóng miền Bắc, tình hình xã hội - chính trị rất nhiều biến động, đặc biệt là nạn đói năm Ất Dậu, khiến lòng người trở nên bất an, lo sợ. Đồng bào trong nước nói chung đều còn một khoảng không sâu thẳm cần được lấp đầy. Có thể Cách mạng là một cách để bình ổn tinh thần người dân lúc đó, song những người làm nghệ thuật cũng không thể “sống chết mặc bay”. Mỗi công dân đều phải khai thác triệt để giá trị từ bản thân để cống hiến hết mình cho lý tưởng, cho đời, cho đất nước. Suy nghĩ lánh nạn ở một nơi chay trường, thanh tịnh, bất động trong sự vận động của đời sống là sai, là hèn, là nên từ bỏ. Cụ thể ở phần Mưỡu cuối, nhân vật tôi chỉ thẳng những người như sư thầy Tuệ Không, cô Tơ là đánh bạc gian, là đứng bên rìa cuộc sống, dù được hưởng thụ vật chất được tạo ra bằng lao động của cuộc đời. Một lần nữa, tinh thần hưởng ứng đấu tranh, anh dũng, thâm nhập vào hiểm nguy được thể hiện làm sáng rực lý tưởng cách mạng chớm nở ở Nguyễn Tuân.

Nhiều nhà phê bình chê trách Nguyễn Tuân đưa phần cuối một cách gượng ép vào tác phẩm, làm phá vỡ tính thẩm mỹ thiêng liêng vốn có. Nhưng đối với người không chuyên nghiên cứu như mình, vẫn thấy ở phần Mưỡu cuối có cái hay riêng. Nhờ nó mà cái hiểu về sự phân thân trong tác phẩm càng rõ ràng. Lịnh chính là Lãnh Út, sư thầy Tuệ Không là cô Tơ, và phải chăng tôi chính là Bá Nhỡ? Và tất cả đều là bản thân Nguyễn Tuân. Một người vốn trải qua những mất mát vì hoàn cảnh mà đâm ra mất lý tưởng, một người vốn phải chết lại được cứu sống và hết lòng với ân nhân, một người khao khát cất tiếng hát, dâng tặng nghệ thuật cùng với tri âm. Cả ba nhân vật đều hợp nhất với tâm lý hỗn mang của các nghệ sĩ trên văn đàn lúc ấy. Cũng nhờ phần cuối mà văn chương Nguyễn Tuân dần hòa hợp hơn với phương hướng sáng tác nhằm tuyên truyền, vận động. Lời vận động ở mưỡu cuối thẳng thừng, sắc bén đã soi tỏ hành trạng người trí thức ở buổi đầu nền độc lập. “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc cách mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tợ ạ”. Tô màu cách mạng trên một tác phẩm đầy yếu tố linh dị, huyễn hoặc, đúng thật chỉ có ngòi bút tài hoa Nguyễn Tuân mới có thể nghĩ đến. Mục đích thêm vào phần Dựng và Mưỡu cuối bên cạnh Tâm sự của nước độc để ca ngợi Cách mạng. Nguyễn Tuân đã hoàn thành mục tiêu xuất sắc. Một Lãnh Út tuyệt vọng sau cái chết của Bá Nhỡ đã thề độc “không bao giờ cầm đến một chén nào của cuộc đời này” và trở nên cực kỳ tỉnh táo, hoạt động cách mạng sôi nổi, hướng niềm tin vào Đảng. Con người trong tác phẩm văn xuôi giai đoạn 1945-1975 được thể hiện trước hết ở tư cách đại diện cộng đồng, được đặt giữa dòng chảy lịch sử và những biến cố của cuộc sống xã hội. Sự thay đổi của Lãnh Út thành Lịnh 2910 vừa thích nghi được với thời cuộc đó, vừa thể hiện tinh thần mới mẻ, tích cực nhờ sự dẫn dắt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đúng là có phần cực đoan khi buộc cô Tơ lên ngọn đầu đài mà chỉ trích và cho rằng để thực hiện con đường đã chọn, theo Cộng sản, buộc diệt bỏ con người cũ. Thông qua hai đề từ, ta có thể thấy điều đó. Đâu cần phải thế, những cái đặc điểm vốn có trong con người ông cũng có cái hay để tiếp tục phát huy. Theo mình, nó chưa bao giờ là cũ để bị diệt, bị thay thế.

Tác giả khẳng định: “Còn có dục vọng nào chính đáng sâu sắc rộng đẹp bằng ý thức Cách Mệnh” là hợp lý trong hoàn cảnh tác phẩm. Bởi thời ấy, đói nghèo, chết chóc, khổ đau, chính những con người vô sản ấy kết nối với nhau trở thành một chuỗi mắt xích vững bền. Tư tưởng cách mạng khi ấy đúng là một phần đã an ủi được nhiều nhóm đang run rẩy, bất an. Phần nhắn gửi sư thầy Tuệ Không, nhân vật tôi có bộc lộ hi vọng về một ngày mới trong tương lai sáng sủa hơn, văn minh hơn. Có lẽ đó là những cốt lõi nhà văn muốn đề cao và gửi gắm niềm tin vào Nhà nước đương thời.

Ai trong chúng ta đều phải trải qua những bước ngoặt của cuộc đời, ở từng bước ngoặt sẽ là một ta khác với cách xử lý hoàn toàn khác. Có thể do còn non trẻ trong cách tiếp nhận, sự phân vân thể hiện quá mức rõ rệt, lựa chọn của Nguyễn Tuân làm ảnh hưởng uy tín của ông trên văn đàn nhưng đó không hẳn là lựa chọn sai. Bởi tài năng của ông đủ làm tốt cho dù có đứng ở phe phái nào. Sự thêm thắt này mình cho rằng không phải vì Nguyễn Tuân sợ sệt mà đâm ra đổi trắng thay đen, ông chỉ đang uốn nắn thân mình để phù hợp cho từng thời kỳ. Và giai đoạn ấy, ông có lẽ đã nghĩ lựa chọn phục vụ Cách mạng là lựa chọn đúng.
Thêm
CHÙA ĐÀN - CẢM HỨNG “YÊU NGÔN” THOÁNG MÀU CÁCH MẠNG
30
0
0
Võ Thị Hảo là một trong số các nhà văn nữ Việt Nam giành nhiều trang văn của mình cho người phụ nữ. Hôm nay, nhân đọc Người sót lại của rừng cười, chúng ta cùng nhìn lại một chút về nhân vật Thảo trong truyện. Cô là “người sót lại của rừng cười”, trở về với cuộc sống thời bình, nhưng cái kết của truyện lại là một sự ra đi không rõ ràng của nhân vật. Có điều gì bất ổn ư? Với bài viết nhỏ này, người viết xin được rõ ràng bày tỏ ý kiến của mình như một lời khẳng định: Ra đi, “người sót lại của rừng cười” ấy đã tự định nghĩa được chính mình. Và cho những đồng đội “rừng cười” hôm nao!

Câu chuyện về những cô gái ở rừng cười ấy đã ám ảnh, ám ảnh đến ghê người chúng ta. Họ cứ như những bóng ma vật vờ trong tiếng cười của chính mình, tự chơi đùa với chính mình. Và trở nên điên dại. Điên dại vì những khao khát bản năng của người phụ nữ, vì thèm, vì thèm! Nhưng chao ôi, chưa bao giờ họ trở nên điên dại với nhiệm vụ. Người đọc không khỏi khắc khoải mãi hình ảnh “Như có phép lạ, các cô gái đang cười sằng sặc bỗng im bắt, bàng hoàng rồi sực tỉnh, vơ ngay lấy súng, nhảy vội xuống đất chĩa vào Hiên định bóp cò”. Hình ảnh ấy có phải chỉ được giải thích bằng “phép lạ”? Có lẽ chỉ khoảng khắc nhỏ ấy thôi, Võ Thị Hảo đã cho hiên nguyên hình cái tinh thần không thể giải thích của những nữ chiến sĩ rừng cười. Họ ở lại cái nơi kinh hoàng giết mòn con người ấy, một nơi chỉ có thứ an ủi duy nhất là hình ảnh về Thành-người yêu cuả Thảo, chàng hoàng tử chung của mấy chị em, nhờ nó nuôi dưỡng thứ duy nhất không chết mòn, trái tim người đang sống vì cuộc chiến tranh đang diễn ra.

Quá khứ đã lùi đi nhưng chưa bao giờ là xa xôi. Có lẽ bởi con người ta có hoài niệm. Vì thế mà ta có thể sống ở thực tại. Nhưng nhân vật Thảo đã sống ở cái thời thực tại ra sao?

Ám ảnh như tiếng cười khanh khách của rừng cười duy nhất còn sót lại, của những gì đớn đau nhất. Bóng ma của thời chiến bước về với con người thời bình. Thảo tìm về với con đường được làm người phụ nữ, được sống đúng những bản năng của mình. Tưởng như được thỏa những ước mơ về một hạnh phúc đời thường. Nhưng, một cô sinh viên năm nhất nép mình bên giường tầng với những trang nhật ký đầy ám ảnh; nhưng, một con người với hai loại giấc mơ, hoặc là tuổi thơ hoặc là chiến tranh; còn thứ cô cần nhất để bắt nhịp cô với cuộc sống hiện tại thì nó ở đâu? Cô trở lại với chàng hoàng tử của mình, hình ảnh đã giúp cô và các bạn của cô bám víu lấy để sống tiếp, hướng về. Nhưng, là một tình yêu đều đặn vào các tối thứ bảy, đầy những cảm giác bất ổn, mỏng manh được gợi lên qua những lo sợ, những im lặng của Thảo và Thành. Tất cả là những mảnh vụn duy nhất của riêng cô, chẳng ai hiểu, chẳng ai chạm tới cả. Cô đã sống trọn với những nỗi đau, với ký ức, với tình yêu mà mình có. Để….người ta yên tâm rằng Thảo đã điên, người ta yên tâm dè bửu, chê trách, yên tâm coi Thảo là một kẻ phụ tình….yên tâm bỏ mặc con người cuối cùng, sót lại của rừng cười.

Thảo có “yên tâm” trở thành kẻ cô đơn như thế? “Yên tâm” trở thành kẻ lạc loài giữa cộng đồng người của mình?

Và cô rơi về chốn nào, để giữ cho được hình ảnh của một chàng hoàng tử hào hiệp tất cả rừng cười đều tôn sùng về Thành. Và cô rơi về chốn nào? “xuôi tàu”, có chuyến tàu nào cho cô về lại rừng cười? Hay có tấm vé nào khác cho cô lại bước vào cuộc đời mới. Có thể có nhiều cách giải thích cho sự ra đi của Thảo nhưng người viết thì cho rằng, phải, cô trở về chứ không phải ra đi. Tinh thần của rừng cười, những con người của rừng cười vẫn ở lại nơi đây với những giá trị đủ đầy chưa bao giờ bị mờ đi.

Cho tới tận cùng Thảo vẫn những lời nói của chị Thắm. “Thảo ơi! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!”

Đây chính là điều người viết muốn khẳng định. “Người sót lại của rừng cười”, thứ khiến cô đã sống được ở rừng cười, tình yêu, chính nó cũng đã cho cô con đường bước về với cuộc sống bình thường. Cô đã giành trọn cho nó. Nhưng cũng chính khi ấy, cô đau đớn mà nhận ra rằng, nó không như cô đã nghĩ và đã tin tưởng. Phải, cô ra đi, chẳng có gì là bất ổn cả. Nó phù hợp với tâm lý của cô, phù hợp với tinh thần của những người chiến sĩ dũng cảm và mạnh mẽ nhất của rừng cười. Cô yếu mềm ư, cô chạy trốn ư? Không, là cô lựa chọn, lựa chọn sống hết lòng với rừng cười, với những con người ở rừng cười. Họ đáng được trân trọng. Tôi cho rằng ấy là hành động quyết liệt của Thảo. Và là tiếng nói vững vàng nhất của Võ Thị Hảo. Cô ra đi vì chính mình, và vì những đồng đội của cô, giữ cao nhất lòng tự trọng của mình, giữ cao nhất vị trí của đồng đội mình. Không có chỗ cho sự thương hại, không có chỗ cho những phụ thuộc, cô đã đặt viên gạch cuối cùng quan trọng cho những người như mình. Họ, đã có thể tự định nghĩa được chính mình!

Đây chỉ là một góc nhỏ trong tác phẩm, nhưng đã cho ta thấy được ý thức nữ quyền rất rõ. Võ Thị Hảo đã hướng ngòi bút của mình về người phụ nữ bằng một giọng văn đầy thấu hiểu và cảm thông mang đậm đặc trưng nữ quyền phân tâm học và đòi hỏi chúng ta cùng nhìn nhận. Một ngách tối nhỏ thôi nhưng cần lắm giữa đời này.

—————————
Trích bài viết của Vũ Thị Dung (Khoa Văn Học - Ngôn Ngữ - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM
Thêm
  • Like
Reactions: Thích Văn Học
525
1
0
Nhờ diễn đàn định nghĩa giúp tác phẩm văn học là gì? :ngo::ngo:

Chẳng là đọc nhiều nên đôi khi ngáo ngơ, băn khoăn văn học là gì, Tác phẩm văn học là gì? Tại hay đi chém gió quá mà chém đúng với dân chuyên văn nên phải tới Văn Học Trẻ hỏi bài :bigsmile: :bigsmile:
Thêm
360
0
0
Mình đọc sách khá nhiều, trong đó sách văn học không ít. Những sách văn học Việt Nam mình thích là những truyện hồi kháng chiến, truyện về các dân tộc miền núi, Tây Nguyên. Và cả văn học nước ngoài chọn lọc nữa. Nhưng đôi khi mình hay vẩn vơ hỏi: Văn học là gì?

Không biết bạn nào có hay quên/thắc mắc vu vơ khái niệm văn học giống mình không? Hãy cùng thảo luận để nhớ lâu :ngo::ngo:
Thêm
1K
0
0
Một yếu tố không thể thiếu khi phân tích một tác phẩm ấy là giọng điệu. Giọng điệu là gì? Nó được hiểu là: thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của một nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn qua cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm mặc dù đã có tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật. (Theo Từ điển thuật ngữ văn học)

Một nhà văn có phong cách bao giờ cũng tạo cho mình một giọng điệu riêng, nhờ đó chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa các nhà văn.
Cùng xem bài viết của GS Hoàng Ngọc Hiến về giọng điệu trong văn chương để hiểu thêm về một khái niệm văn học quan trọng này.

Giọng điệu trong văn chương​

Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Quan niệm này nhấn mạnh một đặc trưng của văn học (phân biệt văn và những loại hình nghệ thuật khác). Ở ta, có một thời giảng văn là giảng chính trị. Sau khi nắm được đặc trưng nói trên, việc truyền đạt các nội dung của tác phẩm văn học được thực hiện trên cơ sở bám lấy từ. Nhưng phương pháp dạy văn bám lấy từ (cho đúng với đặc trưng các bộ môn) thường được thực hiện hết sức thô thiển, máy móc, trong thực tiễn dạy văn của nhiều giáo viên văn, “bám lấy từ” có nghĩa là:

– Chỉ ra trong câu, trong đoạn của bài văn một số từ và nói rằng nội dung như thế này, như thế kia là ở những từ này, từ nọ (học sinh cũng làm như vậy).

– Tinh tế hơn, thì chỉ ra trong câu hoặc đoạn văn những mỹ từ pháp: điệp ngữ, ẩn dụ, đảo ngữ, so sánh, điệp âm, hoán dụ…
Đây là bám lấy từ một cách hình thức, là chủ nghĩa hình thức trong dạy văn, hiệu quả có khi còn tồi tệ hơn cách dạy nói chính trị hoặc xã hội học thoát ly văn bản. Đặc biệt học sinh thường bám lấy từ một cách hết sức vụng dại, ngô nghê.
Cái hay của bài văn không phải ở bản thân những từ và mỹ từ pháp ấy, mà chính là ở nội dung được truyền đạt một phần và chỉ một phần thôi nhờ vào những từ và mỹ từ pháp ấy.

Chỉ những câu thơ có “nhãn tự” thì chỉ ra được những “ nhãn tự” là đầy đủ ý nghĩa, những câu thơ như vậy là rất hiếm. Giáo viên nhiều khi chỉ làm công việc gọi tên những mỹ từ pháp trong bài văn. Điều quan trọng trong giảng văn là nói cho được nội dung đã khởi sắc hơn, lấp lánh hơn nhờ vào mỹ từ pháp như thế nào. Không nói được những điều này thì việc gọi ra tên những từ và mỹ từ pháp trở thành một việc làm vô nghĩa. Bám lấy từ chỉ là một việc làm vô nghĩa. Bám lấy từ chỉ là một cách để làm sáng tỏ nội dung. Còn nhiều cách khác. Giáo viên có thể tạo ra nhiều liên tưởng bên ngoài văn bản, bên ngoài tác phẩm. Bám lấy từ chỉ là bước đầu để tiếp cận nội dung của bài văn có khi là ở “ sự im lặng giữa những từ”.

Cách dạy văn bám lấy từ như đã nói ở trên đương trở thành một tai họa phổ biến ở trường phổ thông, thực chất là một cách làm việc vu vơ, lười nghĩ.

“Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Ngôn từ không chỉ bao gồm từ, mỹ từ. Trong tác phẩm văn học, câu văn phải có hồn. Ngay trong một bài viết lý luận mà câu văn có hồn thì còn “văn học” hơn một bài thơ giàu hình ảnh nhưng câu thơ không có hồn (điều này có thể cảm nhận được rất rõ mặc dù nói cho ra được điều này không dễ). Câu văn có hồn là câu văn có giọng, ngữ điệu, bởi vì từ ngữ của bài văn được chọn có thông báo nhiều điều quan trọng nhưng bài văn không có giọng đọc lên vẫn nhạt nhẽo vô vị. Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất là năng lực bắt được trúng cái giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết. Bắt được giọng đã khó, làm cho học sinh cảm nhận được cái giọng càng khó, công việc này đòi hỏi sáng kiến và tài tình của giáo viên. Về phương diện này quan điểm của nhà nghiên cứu văn học M.B. Khravchenko tiếp cận tác phẩm văn học như một “ kết cấu các giọng điệu”, như một “ hệ thống các ngữ điệu”, như một “gam ngữ điệu” là một luận điểm có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng đối với công việc giảng văn. “Hơi văn”, “văn khí”, “giọng văn”…đó là những khái niệm rất cơ bản của các tác phẩm văn học.

Người Pháp có câu “Cest le ton qui commande la musique” (Chính cái giọng chi phối bài nhạc). Ở những áng văn hay, cái giọng của câu văn mở đầu có ý nghĩa quyết định cho sự cảm nhận cảm hứng chủ đạo và nội dung của toàn bộ tác phẩm. Nhà văn Marquer có thuật lại sau khi viết xong truyện Giờ rủi ro, ông đã đầy đủ tư liệu để viết Trăm năm cô đơn nhưng ông không thể nào cầm bút viết vì chưa tìm được giọng. Mãi năm năm sau ông mới tìm được giọng thích đáng: đó là cách kể của một bà già nói về những chuyện hoang đường, siêu nhiên bằng một giọng hết sức tự nhiên. Chỉ khi ấy, tác giả mới viết được. Phải mấy năm mới tìm ra giọng. Hóa ra giọng kể có khi còn quan trọng hơn câu chuyện được kể rất nhiều! Muốn hiểu Truyện Kiều phải bắt được cái giọng của tác giả trong sáu câu triết luận mở đầu. Điều quan trọng trong đoạn mở đầu này không chỉ ở luật oái oăm, ác hại trong “cõi người ta”: tài mệnh tương đố, bỉ sắc tư phong, hồng nhan bạc mệnh. Điều quan trọng hơn cả là cái giọng mỉa mai, hờn mát, đay đả của tác giả khi nói đến những luật này:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau


Tác giả không thản nhiên ghi nhận cái luật oái oăm này. Thái độ tác giả bao hàm nhiều sắc thái. Từ “khéo là” có bao nhiêu nghĩa thì cái giọng của tác giả biểu hiện ở đây có bấy nhiêu sắc thái: mỉa mai, hờn mát, bỡn cợt, châm chọc… “Tài mệnh tương đố” không phải là tư tưởng của Truyện Kiều. Triết lý của Truyện Kiều là ở cái giọng của tác giả khi nói về tư tưởng này, nói ở chữ “khéo là” xen vào câu “tài mệnh tương đố”.

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen


Cũng như cách phân tích ở trên, “bỉ sắc tư phong”, “hồng nhan bạc mệnh” không phải là tư tưởng đích thực của Truyện Kiều. Ở đây cái giọng của tác giả rất rõ. Trước luật cõi đời và luật của trời, Nguyễn Du là một người đáo để với cái giọng đay đả, đay nghiến của ông: “Lạ gì…” ở đây bộc lộ một thái độ dè bỉu, bực tức, chán ngán. Khi ta nói “ lạ gì anh ấy” thì hoặc là ta dè bỉu, hoặc là ta bực tức, hoặc là ta chán ngán…anh ấy, chắc không phải là một thái độ thiện cảm.

Cái giọng văn của Nguyễn Du khi nói đến luật “hồng nhan bạc mệnh” bao hàm một thái độ đối với “trời xanh”, một cái giọng xẵng và có thái độ xấc. Với thái độ ấy và cái giọng ấy, nhà thơ có chửi luôn cả trời thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nếu như “ trời xanh quen thói” thì sự “ má hồng đánh ghen” không thể là một điều tốt lành. “ Quen thói “ có nghĩa là làm theo quán tính. Có thể nói “ quen thói hại người”, không bao giờ nói “quen thói giúp người”. Làm điều thiện, dù rất nhỏ bao giờ cũng đòi hỏi sự nỗ lực. Mỗi lần làm điều thiện là một lần nỗ lực mới. Có thể làm điều thiện theo quán tính, nhưng như vậy có còn là thiện nữa không?

Trong câu tục ngữ “Ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì “nói không nên lời” là một sự đau khổ của con người. Năng lực văn nhất thiết phải bao hàm năng lực nói nên lời. Có ý, có từ đấy nhưng vẫn lúng túng chưa thành câu, hoặc câu văn có thành thì tẻ nhạt, bởi vì còn thiếu cái quan trọng nhất: thiếu khẩu khí, thiếu hơi văn, chưa có ngữ điệu, giọng điệu thích đáng. “Vạ miệng” nhiều khi chỉ là do không tìm được một giọng thích đáng để trình bày chân lý. Khi người ta có cảm hứng, dường như giọng và ngữ điệu nảy sinh trước và từ ngữ dường như được gọi đến thể hiện ngữ điệu và giọng điệu thành lời, thành câu. Lời và văn hình thành như vậy thường rất hoạt. Người giỏi văn không chỉ là dồi dào ý, giàu từ ngữ mà còn giàu ngữ điệu, giọng điệu. Mỗi lần cần đến, có thể tìm được ngay giọng nói hoặc ngữ điệu thích đáng. Vả chăng, ý hình thành chưa rõ, chưa dứt khoát nhừo giọng điệu trở thành rõ hơn, dứt khoát hơn. Người dạy văn giỏi tạo ra nhiều ngữ điệu, giọng điệu thích đáng, đa dạng, ăn sâu vào cảm nhận của học sinh và đây là một phần quan trọng trong tiềm lực văn của học sinh. Cảm hứng nào, giọng điệu ấy; nhưng cũng có thể ngược lại, giọng điệu định hướng sự hình thành cảm hứng. Ở trường phổ thông, đặc biệt cấp cơ sở, học thuộc lòng để thuộc ngữ điệu, tiết tấu cũng như đọc diễn cảm để thấm các giọng điệu của bài văn là hết sức quan trọng. Cũng phải thể tất cho giáo viên văn đôi khi “nói trạng” ở lớp. Tuy có lan man ngoài đề nhưng sự giàu có ngữ điệu và giọng điệu ở người có tài “trạng” sẽ để lại sự cảm nhận của học sinh những điều có khi còn quý giá hơn kiến thức. Đấy là chưa nói không khí hào hứng tạo ra trong lớp hết sức cần thiết cho sự cảm thụ văn học. Nói trạng hay cũng là một tài năng.

giọng điệu văn chương Hoang Ngoc Hien.jpg

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011)

“Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Dạy văn không chỉ có dạy ngôn từ, còn có một mục tiêu cơ bản hơn là xây dựng và bồi dưỡng ý thức ngôn từ. Có ý thức về sức khỏe còn quan trọng hơn là có sức khỏe. Có ý thức về ngôn từ là có ý thức về tính tích cực chủ động và khả năng sáng tạo của mình trong việc tiếp nhận và sử dụng vốn ngôn từ của xã hội. Là người có ý thức – không cứ gì trong đọc văn hay đọc sách báo, mà ngay cả trong giao tiếp hằng ngày- thường xuyên nhặt nhạnh những từ ngữ độc đáo, những cách nói đích đáng, những cách diễn đạt thần tình làm giàu cho vốn từ ngữ của mình, thường xuyên tiếp nhận những giọng điệu, ngữ điệu làm giàu cho khẩu khí, văn khí của mình.
Để bồi dưỡng ý thức ngôn từ cho học sinh, ở những lớp dưới, có thể cho các em làm quen với những cách nói láy, chơi chữ tài tình. Ở những lớp trên, có thể phân tích từ nguyên của từ, cảm nhận sự lấp lánh nghĩa đen và nghĩa bóng trong ngôn ngữ, cảm nhận sự trả lại nghĩa đen cho từ được dùng theo nghĩa đen, giúp cho các em thử nghiệm việc xé những cụm từ cố định để làm sống lại nghĩa của từ bị lờn mòn trong cụm từ cố định…Chẳng hạn, thường ta nói “ đau lòng”, khi Nguyễn Du nói “ đau đớn lòng” thì cụm từ cố định “đau lòng” bị xé ra và đau đớn làm sống lại ý nghĩa đích thực của từ “đau”. Tìm những thủ pháp nhằm kích thích, bồi dưỡng ý thức ngôn từ của học sinh, đó là một lĩnh vực còn mới mẻ của giáo học pháp giảng văn và đương chờ đợi những tìm tòi, sáng kiến của giáo viên văn học.

Có thức ngôn từ là có ý thức về sức mạnh của ngôn từ. Hơn ai hết, các nhà văn có ý thức về sức mạnh này. “Tôi biết sức mạnh của ngôn từ…ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người” ( Maiakovsky). Nghĩa của ngôn từ càng hèn kém đi thì xã hội càng ít thành đạt trong tất cả những biểu hiện của nó. Ngôn từ là chìa khóa cho “tất cả”.

Hoàng Ngọc Hiến
(In trong Những ngả đường vào văn học, NXB Giáo dục, 2006)
Thêm
Giọng điệu trong văn chương
513
3
2
Văn hóa là một phạm trù rất rộng, là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra để gắn kết chặt chẽ với nhau vì vậy có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm văn hóa.

Theo Cristina De Rossi: “Văn hóa bao gồm tôn giáo, thức ăn, những gì chúng ta mặc, cách chúng ta mặc, ngôn ngữ, hôn nhân, âm nhạc, những gì chúng ta tin là đúng hay sai, cách chúng ta ngồi vào bàn, cách chúng ta chào đón du khách, cách chúng ta cư xử với những người thân yêu, và hàng triệu thứ khác” (dẫn theo Kim Ann Zimmermann, 2017). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Mỗi tác phẩm văn chương hướng đến miêu tả đối tượng trung tâm là con người thì tác phẩm đó ít nhiều mang những nét đặc trưng về văn hóa của dân tộc, đất nước nơi nhà văn được sinh ra, được tắm mình trong nền tảng giá trị văn hóa đó.

Lê Nguyên Cẩn cho rằng: “Tính văn hóa (la culturalité) của tác phẩm văn học là tính chất đặc thù gắn liền với mỗi tác phẩm văn học. Nó cho thấy tác phẩm văn học không chỉ toát lên vẻ đẹp ngôn từ mà còn là vẻ đẹp tâm hồn qua cách ứng xử và cách tiếp nhận, xử lý cuộc sống của một dân tộc hay một cộng đồng người nhất định. Nó không chỉ là quan niệm về con người được thể hiện qua sự khéo léo của nghệ thuật ngôn từ mà còn cả chuẩn mực ứng xử của cộng đồng, dân tộc trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Mỗi tác phẩm văn học đều mang trong nó tính văn hóa đặc trưng của dân tộc, của đất nưc nơi tác phẩm được sinh ra”. Tác phẩm thể hiện rõ nhất chân dung con người và thời đại là yếu tố thu hút người đọc khám phá suy ngẫm và góp phần quan trọng tạo nên giá trị tác phẩm. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra mỗi tác phẩm văn học là sự kết hợp đan cài của nhiều mã khác nhau để tạo ra các hệ thống tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm. Bàn về mã văn hóa (cultural code), Jenny Hyatt và Helen Simons (1999: 28) nhận định: “Sự hiểu biết về văn hóa thường được thể hiện thông qua việc sử dụng mã. Các mã là một hệ thống bí mật của các từ, ký hiệu hoặc hành vi, được sử dụng để truyền tải các thông điệp bị ràng buộc theo ngữ cảnh”.

Như vậy, nói đến mã văn hóa trong tác phẩm văn học có thể hiểu đó là tất cả các tín hiệu, các ký hiệu “ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, hình tượng con người, thiên nhiên, phong cảnh, cách nói, kiểu nói, cách tổ chức văn bản nói chung, nhằm chuyển tải tới độc giả một nội dung, một thông điệp, hoặc mang tính riêng, hoặc mang tính chung” (Lê Nguyên Cẩn). Khai thác tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hóa chính là khám phá, bóc tách các lớp vỏ ngôn ngữ để hiểu được “bí ẩn” hệ thống các mã trong văn bản, cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa các mã để tạo thành ý nghĩa bề sâu trong văn bản.

Nét văn hóa được phản ánh trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.png

NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐƯỢC PHẢN ÁNH TRONG “VANG BÓNG MỘT THỜI” CỦA NGUYỄN TUÂN​


Nguyễn Tuân lớn lên trong thời buổi có nhiều thăng trầm biến đổi về văn hóa với sự xâm nhập của văn minh phương Tây thời Pháp thuộc. Sự xâm nhập này tác động đến những nền nếp sinh hoạt cổ đang ngày càng đi vào tàn lụi. Ông đã lựa chọn những nét văn hóa tiêu biểu của cuộc sống. Bằng tài năng của mình ông đã biến những nét văn hóa ấy trở thành chất liệu nghệ thuật đắc dụng góp phần làm nên những trang văn cuốn hút thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người với đầy đủ bản sắc văn hóa của một thời kỳ lịch sử nhất định. Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã gợi ra sinh khí, hồn cốt của văn hóa, phong tục Việt Nam. Đọc tập truyện, người đọc như được dẫn dắt vào một thế giới xa xưa với những nét văn hóa rất đẹp như: đánh thơ, thả thơ, làm đèn trung thu, một buổi thưởng trà, những nét phong tục tập quán, cách ăn mặc, ứng xử, đối đãi, nhân cách đẹp và nếp sống văn hóa... Những cảnh ấy tạo nên nét văn hóa xưa cũ của một thời vang bóng, gợi tới những gì xa xưa, trầm mặc, tĩnh lặng và ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Có thể nói, tập truyện đã làm sống lại những nét văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

1. Dấu ấn văn hóa ứng xử​

Văn hóa ứng xử là một nét văn hóa biểu hiện lối suy nghĩ, cách cư xử, những hành động, sự giao tiếp giữa con người với con người, rộng hơn nữa là biểu hiện cách ứng xử giữa con người với tự nhiên. Cách ứng xử có văn hóa thể hiện phẩm chất đạo đức, nhận thức của cá nhân hay cộng đồng xã hội được quy định bởi tư tưởng, phong tục, tập quán, luật lệ trong mỗi thời kỳ lịch sử được truyền từ đời này sang đời khác vừa có sự thay đổi vừa có sự kế thừa tạo thành nét văn hóa ứng xử có tính truyền thống. Và lối suy nghĩ, hành động ứng xử được xem là có tính văn hóa khi hành động đó được mọi người thừa nhận và cho là phù hợp. Nguyễn Tuân rất chú trọng miêu tả văn hóa ứng xử giữa người và người, ứng xử giữa các quan hệ xã hội. Trong công trình Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa, Lê Nguyên Cẩn (2014: 18) cho rằng: “Tác phẩm văn chương thường trình bày một câu chuyện trong đó các nhân vật được đặt trong quan hệ giao tiếp với nhau, đối thoại với nhau, trong một phạm vi ứng xử văn hóa với nhau... Các ứng xử đó đều mang đặc trưng văn hóa dân tộc, tạo ra màu sắc dân tộc”. Trong Vang bóng một thời, dấu ấn văn hóa ứng xử được thể hiện rất đậm nét. Con người ứng xử với nhau bằng tình cảm gần gũi, gắn bó, đúng mực thể hiện tình yêu thương, sự tôn trọng giữa con người với con người. Đó là sự ứng xử tình nghĩa của một nhà sư với cụ Sáu trong Những chiếc ấm đất, ứng xử của những người phong lưu sành uống trà với một người ăn xin biết trân trọng và thưởng thức một thú thưởng trà tinh tế, hay cách ứng xử của một người chủ nhà với người lão bộc đã giúp cho thú vui thanh nhã của những người “đánh thơ”. Văn hóa ứng xử ấy thể hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa người với người mà Nguyễn Tuân luôn trăn trở thể hiện và khẳng định. Chẳng hạn: “Ông Kinh Lịch là một người trọng cái sạch sẽ của tâm hồn, nói to cùng mọi người là ông không thu tiền hồ. Ông chỉ yêu cầu ai được thơ nhiều nhất thì nên cho người lão bộc nhà ông một số tiền nhỏ mọn để đền lại cái công nó làm dầu, làm đèn, nấu cháo và bưng biếu. Ông Kinh lại còn khẩn khoản với mọi người đừng nên làm huyên náo nhà cửa lên” (Đánh thơ, tr. 63). Suy nghĩ, hành động của ông Kinh Lịch cho thấy một nét ứng xử đầy tính văn hóa. Ông thể hiện một thái độ tôn trọng và sự quan tâm với chính người ăn kẻ ở trong nhà.

Ở một truyện khác, Nguyễn Tuân cũng xây dựng nhân vật với hành động ứng xử, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp trong bản chất của người Việt. “Ngày xưa, anh em đã có dịp được hầu cáng quan Án nhà nhiều chuyến lắm. Cụ ngày xưa thường có săn sóc đến anh em chúng tôi. Giờ là ngày mùa, những được tin cô gọi, anh em cứ xuống ngay là vì anh em nghĩ đến cái tình quan Án ngày xưa hay thương đến. Còn tiền nong, thôi, cô cho thế nào cũng được. Chúng tôi không dám kỳ kèo” (Nguyễn Tuân, 2005: 75). Hành động ứng xử của nhân vật trong đoạn văn trên thể hiện lối sống có tình, có nghĩa của người Việt Nam, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.

Tôn sư trọng đạo cũng là một biểu hiện của nét văn hóa ứng xử truyền thống tốt đẹp, cao quý của người Việt Nam. Nguyễn Tuân đã thể hiện nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này chỉ bằng một chi tiết rất giản dị: “Có người học trò cũ ở Sơn Tây về qua Hà Nội, biết ông cử Hai có con, đem biếu thầy học cũ một cái bánh dẻo mặt trăng, mặt bánh to một thước, thế nào lại nhằm ngay vào giữa hôm ông cử Hai thử đèn xẻ rãnh. Ông bày đèn ra sân, đốt hết cả mười bấc cháy sáng. Ông bày luôn ra sân bộ đồ trà, mời cụ Thượng ra ngồi vào cái ghế đẩu đã để sẵn trước đèn. Cụ Thượng ngồi, ăn bánh, uống nước và trịnh trọng như một người được mời tới để định giải thưởng cho đèn xẻ rãnh. Rồi cả nhà, mỗi người một miếng, trông vui vẻ lạ” (Đèn đêm thu, tr. 122). Người học trò luôn nhớ về người thầy của mình và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét văn hóa thiêng liêng, cao quý của người Việt.

Ngoài văn hóa ứng xử đối với con người, Nguyễn Tuân cũng rất đề cao sự ứng xử của con người đối với thiên nhiên, bộc lộ sự nâng niu, trân quý những giá trị, những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng: “Cụ muốn nói rằng người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng kia. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng, phó mặc chúng ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn lá cũng không hay, thì chơi hoa làm gì cho thêm tội” (Hương cuội, tr. 84). Đối xử với cỏ cây như người bạn tâm giao, tri kỷ, đó là cách đối xử “của người tài tử”, của người biết đặt mình vào vũ trụ, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, đó cũng là cách để lắng lại, làm thanh sạch tâm hồn mình.

2. Dấu ấn văn hóa nhân cách​

Nguyễn Tuân đã thể hiện một nét văn hóa rất đẹp trong con người đó là văn hóa nhân cách. Nhân cách biểu hiện trong “tổng hòa những mối quan hệ xã hội” của con người. Bàn về vấn đề nhân cách, Hoàng Chí Bảo cho rằng: “Mỗi một cái Tôi nhân cách đều mang dấu ấn của nhân cách xã hội, chịu ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh xã hội, điều kiện sống, truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như trình độ và tính chất phát triển của xã hội đương thời” (Hoàng Chí Bảo, 2010). Trong Vang bóng một thời, văn hóa nhân cách được Nguyễn Tuân thể hiện thông qua những hành động, triết lý nhân sinh của nhân vật. Nhà văn để nhân vật bộc lộ nhân cách đáng trọng trong những hành động của cuộc sống hàng ngày: “Cứ một cái lối đánh cờ của cậu tôi cũng thấy được một phần cái tương lai của cậu. Nhiều nước cờ bắt bóng, chiếu rứ, có vẻ tài tử lắm. Tôi nghiệm ra cậu không hay rình chiếu bí. Đáng để ý nhất trong lối xuất quân, là cậu đánh mấy ván đều vào pháo đầu cả. Người hào hùng đánh cờ bao giờ cũng vào ngay pháo đầu. Đánh cờ tức là người đấy. Rồi cậu cứ nghiệm mà xem, trong mười kẻ tầm thường, nhút nhát, không khoáng đạt là có đến chín người ghểnh tượng ở nước đầu” (Ngôi mả cũ, tr. 78). Thông qua việc đánh cờ, một thú chơi tao nhã tiêu khiển trong cuộc sống đời thường mà người ta có thể đánh giá được nhân cách của cả một con người. Sự đánh giá ấy đồng thời thể hiện nhân sinh quan, triết lý, sự trải nghiệm của chính người đã thấy được nét nhân cách đáng trọng của người đối diện.

Trong bóng một thời, Nguyễn Tuân thường đúc kết và đưa ra những lời triết lý, đánh giá về nhân cách của con người, về cách nhìn của con người từ sự chiêm nghiệm, suy tư đối với con người và cộng đồng xã hội. Qua đó, khẳng định cách ứng xử, lối suy nghĩ đúng đắn về bản chất của con người trong đời sống xã hội. Ông cha ta vốn có truyền thống đánh cờ, thả thơ, ngâm vịnh. Đánh cờ là một thú vui tiêu khiển, qua việc đánh cờ mà người chơi có thể rút ra rất nhiều triết lý nhân sinh đầy ý nghĩa. Những chiêm nghiệm, suy tư, đánh giá về con người, về cuộc đời từ việc đánh cờ được Nguyễn Tuân thể hiện đậm nét trong một vài tác phẩm. Trong truyện Ngôi mả cũ, nhân vật thể hiện một cái nhìn sâu sắc về nhân sinh, thế sự: “Cậu thua vì đã khinh thường con tốt biên của tôi và để nó lọt qua hà. Rồi lại cho nó nhập được vào cung. Một con tốt lọt qua sông là cái giá trị nó bằng nửa sức con xe rồi. Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế. Tha hồ mà phá phách. Mạng nó đổi lấy quân nào nó cũng lấy làm sở nguyện rồi kia mà” (Ngôi mả cũ, tr. 78). Mỗi con người, sự vật đều có giá trị riêng trong thế giới này. Ý nghĩa triết lý được đúc kết giản dị mà sâu sắc từ chính những thú chơi tao nhã hàng ngày.

Nói đến văn hóa nhân cách, trong Vang bóng một thời không thể không nói đến Chữ người tử tù. Trong tác phẩm này, văn hóa nhân cách của con người được bộc lộ xúc động hơn bao giờ hết, đó là nhân cách thiện lương trong sáng đầy khí phách của nhân vật Huấn Cao, nhân cách đẹp của một viên quản ngục biết trọng người tài và trân quý cái đẹp: “Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đi phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” (Chữ người tử tù, tr. 95). Hai nhân cách tham chiếu và tỏa sáng cho nhau, tôn vẻ đẹp nhân cách cho nhau.

3. Dấu ấn văn hóa sinh hoạt đời thường​

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân cũng nói rất nhiều đến nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt đời thường. Những thú chơi tao nhã, những tục lệ đẹp đẽ đã trở thành nét văn hóa truyền thống mà nhà văn đã hết sức trân trọng miêu tả, thể hiện đậm nét trong những tác phẩm như: Thả thơ, Đánh thơ, Chữ người tử tù, Những chiếc ấm đất, Chén trà sương... Nguyễn Tuân miêu tả những nét văn hóa của một thời đã tàn, một thời đã qua bằng tất cả niềm tiếc nuối, chạnh lòng. Đã từng có một thời người ta say mê thơ phú, thưởng thức thơ phú và xem việc “thả thơ” như một thú vui tinh thần rất đẹp: “Trên mặt nước sông thu, tiếng ngâm của một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn nào” (Thả thơ, tr. 57).

Trong truyện “Chữ người tử tù”, văn hóa truyền thống chơi chữ, say mê thư pháp cũng được Nguyễn Tuân đề cao và thể hiện thông qua việc miêu tả tài năng viết chữ của ông Huấn Cao, cũng như sự say mê, tôn kính của viên quản ngục đối với nét đẹp ở từng con chữ. Tục xin chữ và cho chữ vốn là một nét văn hóa mang đậm truyền thống trọng chữ nghĩa của người Việt Nam. Viên quản ngục trong tác phẩm này cũng là người biết trọng, biết quý cái đẹp, và ông khát khao muốn duy trì truyền thống văn hóa trọng chữ nghĩa từ bao đời nay: “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời” (Chữ người tử tù, tr. 94). Chính tấm lòng tha thiết với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã khiến nhà văn không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc về một nét văn hóa cổ truyền rất đẹp đang dần bị mai một, tàn lụi trong thời buổi văn hóa phương Tây đang “xâm thực” mạnh mẽ vào truyền thống văn hóa phương Đông. Trong sinh hoạt đời thường, việc thưởng thức tách trà và ngâm ngợi vài câu thơ đã trở thành một nét sinh hoạt đời thường dân dã của người Việt, có khi được nâng lên thành một nét văn hóa ứng xử đầy tình nghĩa giữa người với người trong cuộc sống đời thường.

Đối với các nhà Nho xưa, trà được xem như một người bạn tâm giao, là thú tiêu khiển lúc thanh nhàn, ẩn dật. Trầm lặng thưởng thức một tách trà cũng là cách để người ta suy ngẫm về cuộc đời, về thế thái nhân tình, buông bỏ những ưu phiền trong cuộc sống.

Trong Vang bóng một thời, nét văn hóa sinh hoạt này được Nguyễn Tuân miêu tả tỉ mỉ từ cách lựa chọn loại trà, lựa chọn nước, đồ dùng để pha trà, và đặc biệt là có những người bạn tri âm để cùng thưởng thức một ấm trà thơm. Dù cuộc sống của họ có cơ hàn, lỡ vận thì các nhà Nho vẫn duy trì nét sinh hoạt dân dã, thanh đạm này trong cuộc sống thường nhật. Đối với họ, việc thưởng trà là một cách để tiêu khiển, nhưng đồng thời cũng là cách để họ thể hiện một phong cách sống rất riêng và độc đáo: “Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ” (Những chiếc ấm đất, tr. 50). Trong một truyện khác, Nguyễn Tuân thể hiện cách nhân vật thưởng trà cũng tinh tế, cầu kỳ: “Cả ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm” (Chén trà sương, tr.110). Uống trà cũng là một cách “vận động thần khí để tiết ra ngoài những cái nặng nề trong cơ thể, đón khí lành của trời đất”, mà để có một ấm trà thơm hương vị của đất trời, cụ Ấm đã chăm chút làm bằng cả cái tâm từ chọn nước, đun nước đến pha trà. Lúc thưởng trà là lúc cụ Ấm chiêm nghiệm suy tư về thế thái nhân tình, là cách thể hiện một nét văn hóa ứng xử đầy tinh tế, thi vị: “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lý” (Chén trà sương, tr. 108). Còn cụ Sáu trong truyện “Những chiếc ấm đất” nghiện trà tàu nhưng lại rất kén chọn nước dùng để pha trà. Cụ khăng khăng phải xin cho được nước giếng của nhà chùa ở đồi Mai xa làng nửa ngày đường gánh về mới chịu pha trà. Cụ Sáu tâm sự với nhà Sư: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng nhà chùa đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà” (Những chiếc ấm đất, tr. 50). Trong Vang bóng một thời, người đọc dễ dàng nhận thấy nét văn hóa sinh hoạt rất đẹp của các nhà Nho xưa, đó là văn hóa thưởng thức ngâm vịnh thơ ca. Trong các dịp đối ẩm, hoặc lúc thanh tịnh họ thường ngâm ngợi những câu thơ đầy ý vị để bộc bạch tâm sự, hoặc là để thư giãn cho tinh thần. Nét văn hóa của sinh hoạt này có lẽ được tiếp nối từ truyền thống ngâm vịnh thi ca khởi nguồn từ Tao đàn nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XV. Văn hóa thưởng thức ngâm vịnh là thú vui tao nhã của các nhà nho trong các dịp năm hết tết đến: “Mấy cụ đều khen lẫn nhau là thơ hay. Trong cái êm ấm của chiều xuân sớm, tiếng ngâm thơ quyến rũ cả đến tâm hồn một người lão bộc. Bõ già, chiều mồng một tết tự nhiên mặt sáng tỏ hẳn lên. Cái đẹp của tiệc rượu ngâm thơ lây cả sang người bõ” (“Hương cuội”, tr. 88). Trong sinh hoạt hàng ngày, có những nhà Nho lại chọn ngâm vịnh như là một thú tiêu khiển không thể thiếu để vui thú cảnh điền viên: “Sáng nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kỳ diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết ra hết ngoài những cái nặng nề trong cơ thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm và một phép vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh” (Chén trà sương, tr. 109)

Lối uống rượu thưởng hoa của ông cụ Kép với mấy người bạn già tâm giao cũng rất cầu kỳ, lạ đời, độc đáo; uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha, rồi ướp với hoa lan ủ kín trong lồng bàn phất giấy, khi cuộc rượu bắt đầu, mở lồng bàn ra thì mùi hương lan dìu dịu bay tỏa vào không gian. Các cụ vừa thưởng rượu, vừa thong thả ngâm thơ trong một không khí đầm ấm, thanh lương: “Rồi mỗi chén rượu ngừng là một bài thơ ngâm trong trẻo. Cứ thế cho tàn hết buổi chiều” (Hương cuội, tr. 88). Họ uống rượu để suy ngẫm, để thưởng thức cái dư vị nhàn tản, thanh đạm của cuộc sống. Việc uống rượu ngâm thơ cũng là một thú vui truyền thống của các nhà Nho xưa.

4. Dấu ấn văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật​

Tiếp cận tác phẩm từ góc độ văn hóa học hướng đến khai thác những giá trị văn hóa được biểu hiện trong tác phẩm qua hệ thống ngôn ngữ, thế giới hình tượng được mô tả. Qua đó, người đọc hình dung được những dấu ấn văn hóa của thời đại. Mỗi tác phẩm văn học được hình thành dựa trên những nền tảng văn hóa lịch sử nhất định. Dựa trên các phương diện như ngôn ngữ, kết cấu, hình tượng nghệ thuật, nhân vật, ngữ cảnh để tìm ra dấu ấn văn hóa của dân tộc, thời đại là một cách tiếp cận có thể bắt rễ sâu vào tác phẩm để giải mã các ký hiệu trong tác phẩm ấy. Ngôn ngữ là một yếu tố nghệ thuật tạo nên phong cách sáng tác riêng của mỗi nhà văn. Tiếp cận thế giới hình tượng trong tác phẩm, người đọc phải từng bước khám phá những vỉa tầng ngôn ngữ để có thể hiểu được ý nghĩa ẩn tàng trong chỉnh thể nghệ thuật ngôn từ ấy. Ngôn ngữ hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa của một cộng đồng nhất định. Người đọc muốn cảm nhận được những giá trị văn hóa ấy cần phải có trí tưởng tượng, sự hiểu biết, sự trải nghiệm văn hóa của cộng đồng ấy. Nhà văn là người thẩm thấu văn hóa thời đại mà họ đang sống. Bằng tài năng sáng tạo, nhà văn sẽ thể hiện được những giá trị văn hóa qua ngôn ngữ nghệ thuật để mang lại giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm văn học. Ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt tư tưởng của con người và cũng là đối tượng để người ta khám phá tư tưởng, văn hóa của con người trong các vỉa tầng ngôn ngữ. Ngôn ngữ gắn liền với tư duy, gắn liền với văn hóa của con người mỗi thời đại. Do vậy, “Văn học nghệ thuật tác động tới tư tưởng, tình cảm người đọc không phải bằng lôgic lý trí, bằng ngôn ngữ chính luận mà chủ yếu bằng thi pháp nghệ thuật và ngôn ngữ hình tượng” (Lã Nguyên). Nhà văn xuất thân từ môi trường văn hóa nào ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng dấu ấn từ môi trường văn hóa đó.

Trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã “phục nguyên không gian văn hóa”, con người văn hóa bằng một sự trau chuốt chắt lọc câu chữ trên từng trang viết. Hà Văn Đức cho rằng: “Nguyễn Tuân kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ cổ xưa với ngôn ngữ hiện đại, sử dụng mặt mạnh của ngôn ngữ nhiều ngành nghệ thuật “để làm giàu có thêm cho ngôn ngữ văn học”. Những trang văn của Nguyễn Tuân cho thấy một tài năng độc đáo trong việc sử dụng, lựa chọn ngôn từ tinh tế và sâu sắc. Ông đã thể hiện sự tài hoa, uyên bác của mình qua việc sử dụng ngôn ngữ trong Vang bóng một thời. Bằng sự am hiểu vốn văn hóa của dân tộc, bằng cách sử dụng từ ngữ đầy tinh tế, ông đã viết nên những trang văn giàu tính tạo hình, sinh động và mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Trong Chữ người tử tù, sự miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và những từ ngữ Nguyễn Tuân lựa chọn để miêu tả góp phần thể hiện rất rõ hoàn cảnh, cử chỉ, dáng điệu bộc lộ được khí chất và tâm trạng của từng nhân vật: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực...” (Chữ người tử tù, tr. 96). Những câu chữ miêu tả đặc sắc đầy đường nét, giàu tính chất tạo hình trên một lần nữa cho thấy: “Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy về ngôn ngữ dân tộc; đồng thời cũng khẳng định thêm sự phong phú, chính xác về kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội” (Tôn Thảo Miên).

Nguyễn Tuân sử dụng dày đặc những từ ngữ miêu tả, bộc lộ rõ nét vẻ cổ kính, để dẫn dắt người đọc về lại những khung cảnh một thời quá khứ xa xưa. Không khí của một tiệc rượu đậm chất văn hóa của các nhà nho xưa được phác họa qua ngòi bút của ông: “Dứt tiếng cụ Kép, tất cả bốn cụ đều úp lòng tay vào nhau thi lễ và giơ tay chỉ thẳng vào giữa, mời nhau ai cao tuổi xin nhắp chén trước đi. Tiệc rượu bắt đầu. Bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng thèm say lắm” (Bữa rượu máu, tr. 87). Hay trong truyện Chén trà sương, ông mô tả sự chăm chút kỹ lưỡng của cái thú uống trà giữa các bậc hàn nho: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính” (Chén trà sương, tr. 108).

Câu văn của Nguyễn Tuân tạo ra sự khoan thai, đĩnh đạc, thong thả trong giọng điệu khi ông nói về những nét sinh hoạt văn hóa của các bậc nho sĩ. Cấu tạo câu văn của ông thường nhiều thành phần kết hợp với các biện pháp tu từ để tạo nên hiệu quả nghệ thuật độc đáo: “Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc, râu bạc, mặc áo lông trắng, lom khom tỉa những lá úa trong đám lá xanh. Cụ Kép nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý” (Bữa rượu máu, tr. 80). Trong nhiều truyện, Nguyễn Tuân sử dụng câu văn tương đối dài, khai triển nhiều thành phần trong một câu. Ông phát triển câu văn một cách rất tự nhiên, tạo ra sự miên man trong giọng kể. Khẳng định tài năng trong việc lựa chọn ngôn từ, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật đầy giá trị đặc sắc của tác giả tập Vang bóng một thời, Nguyễn Đình Thi đã ca ngợi: “Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy của tiếng Việt Nam và ông làm công việc tạo ra những cái chưa có, sự sáng tạo ấy do tự học, tự tìm tòi trong trường đời, trong ngay nội tâm mình và trong văn hóa dân tộc ta và các dân tộc khác” (dẫn theo Phan Cự Đệ và tập thể tác giả, 2005: 610). Nguyễn Tuân đã lựa chọn ngôn từ thể hiện với một giọng văn rất riêng cho tập truyện Vang bóng một thời, để lại dấu ấn khác lạ trong sự nghiệp sáng tác của ông, và cũng ghi dấu ấn độc đáo không lẫn với bất kỳ giọng văn nào trước và sau ông.

THAY LỜI KẾT​

Có thể thấy, qua tác phẩm Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã miệt mài đi tìm và cố gắng lưu giữ lại nét đẹp trong đời sống xã hội và văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông hướng ngòi bút miêu tả vào những chuyện xưa, về một thời quá khứ để bày tỏ nỗi lòng mình. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Tác giả chỉ định dùng những nét đơn giản để ghi lại mấy cảnh xưa có những tính cách đặc Việt Nam. Cái tiếng vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua mà ngày nay người ta tưởng như còn văng vẳng và thấp thoáng”. Trong Vang bóng một thời, người ta nhận thấy những nét văn hóa truyền thống còn đậm nét của người Việt. Tất cả được thể hiện qua thế giới nhân vật với tiếng nói, dáng điệu, cách ứng xử mang đậm dấu ấn nét đẹp xưa, đúng như Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Vang bóng một thời đã giữ người ta lại với những hình ảnh gần gũi nhất của dân tộc”.

(Trích bài: DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TẬP TRUYỆN VANG BÓNG MỘT THỜI CỦA NGUYỄN TUÂN PHẠM THỊ LƯƠNG - TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 4 (272) 2021| Đại học Bạc Liêu)
Thêm
Nét văn hóa được phản ánh trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân
4K
3
2

Seoul

Thành Viên
29/12/22
11
8
1,000
Xu
43,015
Mình khoái nhất trong Vang bóng một thời của cụ Nguyễn Tuân là hình ảnh "chém" của tay đồ tể. Chém sao cho không đứt hết mà phải còn dính lại chút..

Người viết là nghệ thuật, chém gió là...
 
Trong mảng văn học hiện thực phê phán, Nam Cao là tác giả đến muộn trong khi Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... đã tạo dựng được chỗ đứng chắc chắn cho riêng mình với những tác phẩm nổi danh. Ở mảnh đất tưởng chừng đã được cày xới kĩ càng, Nam Cao vẫn tìm được cho mình một phong cách riêng biệt, tỏa sáng với một số lượng lớn tác phẩm đặc sắc, góp phần đưa dòng văn học hiện thực lên một đỉnh cao mới. Bài viết này sẽ viết về Phong cách văn học đặc sắc của Nam Cao và có so sánh sự khác biệt với các nhà văn cùng thời.

I. Tìm hiểu chung về phong cách văn học, phong cách của nhà văn, biểu hiện của nó.​

1. Phong cách văn học​

Phong cách nghệ thuật là tính độc đáo có ý nghĩa thấm mĩ của một hiện tượng văn học (nền văn học của một dân tộc, một thời đại văn học, một trào lưu văn học, sự nghiệp sáng tác của tác giả…) Các yếu tố tạo nên phong cách văn học: hệ thống các hình tượng, các phương thức biểu hiện nghệ thuật Phong cách văn học làm cho quá trình phát triển của văn học không phải là sự lặp lại nhàm chán mà là sự tiếp nối của những phát hiện nghệ thuật mới mẻ, giàu ý nghĩa.

2. Phong cách nghệ thuật của nhà văn​

Biểu hiện ở việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, con người thông qua những hình tượng nghệ thuật đôc đáo và những phương thức, phương tiện biểu hiện đặc thù, in đậm dấu ấn cá nhân. Ví dụ, Hoài Thanh nói về phong cách nghệ thuật của Xuân Diệu thời thơ mới: "Một tâm hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón, một con người ân ái đa tình… ham yêu, biết yêu…" (Lời tựa tập Thơ thơ - 1938) Những yếu tố tạo nên phong cách nghệ thuật của tác giả: Yếu tố chủ quan (thế giới quan, tâm lí, cá tính sinh hoạt..), khách quan (tác giả chịu ảnh hưởng từ phong cách văn học của một dân tộc, thời đại, trào lưu, kiểu sáng tác Phong cách nghệ thuật của tác giả có sự thống nhất, lặp đi, lặp lại, có qui luật của các yếu tố nghệ thuật trong một loạt tác phẩm.

Phong cách nghệ thuật là gì?​

Nói phong cách nghệ thuật nhà văn là nói đến một hệ thống những nét riêng biệt, độc đáo trong cách nhìn về thế giới và con người, nó thể hiện qua các phương thức, phương tiện nghệ thuật in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Những nét riêng biệt, độc đáo đó có sự thống nhất, lặp đi lặp lại trong những sáng tác của nhà văn và nó tạo cho nhà văn một “chân dung tinh thần” riêng, không thể lẫn với ai. (Một cách diễn đạt khác về phong cách: Trong sáng tác văn học, nhà văn tạo ra được những dấu ấn riêng biệt, độc đáo trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, biểu hiện rõ cái độc đáo qua các phương diện nội dung và hình thức của từng tác phẩm, nhà văn đó được gọi là nhà văn có phong cách nghệ thuật.) Cũng có tác giả đa phong cách, nhưng không phải tác giả nào cũng có phong cách. Chỉ những nhà văn thực sự tài năng, có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, có ý thức nghệ thuật độc đáo mới có phong cách. Giai đoạn văn học 1930- 1945 là giai đoạn phục hưng của nền văn học dân tộc, một chặng đường ngắn mà hình thành khá nhiều cây bút có phong cách. Dựa vào thành tựu trong sáng tác của các nhà văn, chúng ta có thể nêu ra các tác giả văn xuôi hiện thực có phong cách rõ rệt là Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao

3. Những biểu hiện để xác định một nhà văn có phong cách nghệ thuật​

- Cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật đối với cuộc đời
- Giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác.
- Nét riêng trong lựa chọn đề tài, chủ đề, đối tượng miêu tả.
- Tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật.

a) Cái nhìn​

Trước hết nhà văn có những khám phá mới mẻ trong cách nhìn cuộc sống. Chẳng hạn, cùng là nhà văn hiện thực trước cách mạng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, nhưng Nam Cao quan tâm nhiều về nỗi khổ đến mức bi kịch của người trí thức. Nam Cao cũng cắt nghĩa được nguyên nhân sâu xa của nỗi khổ của họ và lên tiếng đánh động xã hội. “Người nọ, người kia không đáng để ta khinh ghét. Cái đáng nguyền rủa là cái xã hội kia. Nó đã tạo ra những con người tham lam và ích kỷ.” (Sống mòn). Phát hiện và phát biểu như vậy là đáng quý, nhưng cái “hơn người” của Nam Cao là luôn băn khoăn về nhân phẩm của con người và ý thức báo động con người hãy giữ lấy nhân phẩm của mình trước những cái nhỏ mọn. Đó chính là chiều sâu của cái tâm nhà văn, nó định hướng cách nhìn đời và nhìn người của tác giả.

b) Dấu ấn sáng tạo của tác giả còn bộc lộ ra qua các yếu tố thuộc phương diện nội dung của tác phẩm. Chọn lựa đề tài, triển khai cốt truyện, xác định chủ đề, xác lập tứ thơ, mỗi nhà văn sáng tạo ra “đất” riêng của mình. Cũng hiện thực tăm tối trước 1945, Ngô Tất Tố phát hiện ra “vùng trời tối đen như mực” của người nông dân, trong khi Thạch Lam quan tâm đến những đứa trẻ phố huyện có cuộc sống “một ngày như mọi ngày”, đến ước mơ cũng không biết ước mơ điều gì.

c) Giọng điệu của tác phẩm​

Vì vậy người ta hay nói giọng trào phúng của Vũ Trọng Phụng, giọng triết lý của Nam Cao. Ngay ở Nam Cao cũng có giọng trào phúng, nhưng đã có người chỉ ra rất cụ thể như sau: “So với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng thì Nam Cao có nhiều điểm khác biệt.Tiếng cười của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là tiếng cười hướng ngoại, còn tiếng cười của Nam Cao là tiếng cười hướng nội.”

d) Biểu hiện rõ nhất của cá tính sáng tạo làm nên phong cách nghệ thuật nhà văn là ở hệ thống các phương thức, phương tiện nghệ thuật được nhà văn sử dụng trong tác phẩm.​

Đó là nghệ thuật xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ, tổ chức kết cấu v.v bộc lộ sự “cao tay” của nhà văn. Tài hoa và uyên bác là phong cách của Nguyễn Tuân trong việc vận dụng ngôn ngữ, ở lĩnh vực này thì Vũ Trọng Phụng để lại ấn tượng ở ngôn ngữ nhân vật đạt mức độ cá tính hóa cao nhất.

e) Sáng tạo để làm nên cái riêng, cái mới lạ trong các phương diện trên, song mỗi nhà văn có phong cách phải “thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo, vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững nhất quán ”(Ngữ văn 12,tập 1,Nxb giao dục, 2009).

Không chỉ có thế, bất cứ sự sáng tạo ra cái độc đáo nào đòi hỏi phải nằm trong tầm đón nhận của độc giả, nghĩa là phải có hiệu quả thẩm mỹ, đem lại sức hấp dẫn bền lâu cho người đọc.

g) Phong cách nghệ thuật định hình ở một nhà văn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ngoài yếu tố chủ quan là quan niệm nghệ thuật chi phối sáng tác, thì hơi thở của dân tộc và thời đại cũng thổi không khí vào sáng tác của tác giả. Cần lưu ý là mỗi tác giả có phong cách nghệ thuật không nhất thiết phải có đầy đủ các biểu hiện như đã chỉ ra ở trên.

II. Những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nam Cao​

1. Nam Cao thường viết về những cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh trong cuộc sống hàng ngày, qua đó triết lí về cuộc đời, đặt ra vấn đề có ý nghĩa to lớn về cuộc sống và nghệ thuật.​

Nam Cao thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao, thể hiện những triết lí sâu sắc về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật. Truyện Sao lại thế này? viết về sự đổi thay của một người phụ nữ từ một người vợ nhà quê, mất nết thành bà Hưng Phú có tư cách của một người đàn bà quí phái với nhiều đức tính tốt đẹp. Bà Hưng Phú giàu sang, lịch thiệp bây giờ, trước đây là vợ cũ của Hiệp. Hồi ấy, thị cứng như một cái đanh, bẩn thỉu, và cục mịch. Trong con mắt của Hiệp, thị là một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh bủng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, thì cắm cúi mắt chẳng lúc nào rơi cái bát. Thị xấu tính đến mức cả làng ai cũng biết thị đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và hay ăn vụng. Một đứa con gái như thế, vậy mà hơn mười năm sau, khi được sống trong hoàn cảnh khác đã thay đổi từ hình dáng đến tính tình đến mức ngay cả Hiệp cũng không nhận ra đó là vợ cũ của mình nữa. Bà Hưng Phú trong con mắt của Hiệp bây giờ là người đàn bà lịch sự có tài nói chuyện, có giáo dục, có tư cách, có tâm hồn. Bà biết vui mà không lả lơi, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Cách trang điểm của bà cũng vậy: đẹp nhưng nhũng nhặn. Qua Sao lại thế này? Nam Cao lên tiếng phê phán những thành kiến ngu ngốc, và nhất là nhấn mạnh tầm quan trọng của hoàn cảnh đối với việc hình thành tính cách của con người. Hoàn cảnh đổi rất có thể là người đổi, tâm tính đổi.Kể về anh cu Lộ trong Tư cách mõ, Nam Cao kể việc Lộ ngang nhiên trơ tráo ngồi ăn, phè phỡn một mình một mâm. “Mùa đến, hắn vác một cái đòn càn có quấn mấy sợi thừng ở một cột đầu, đi hết ruộng nọ đến ruộng kia…đến xin bà, hay thầy, hay cô lượm lúa…Mồm hắn nói, tay hắn lượm…”. “Tết đến, ngày mùng một, bố con hắn xách một bao chè với năm quả cau đến mừng tuổi các ông quan viên để kiếm cỗ ăn và kiếm tiền phong bao. Rồi mùng năm mùng sáu, vợ chồng hắn lại đi tua nữa, để xin bánh chưng, bánh thừa…”

Qua đó, Nam Cao đã phác họa cho ta thấy một hình ảnh người nông dân bị thống trị bóc lột, có lúc đã thay đổi được số phận mình nhưng đó chỉ là những hành động tự phát riêng lẻ, xuất phát từ sự liều lĩnh. Chưa bao giờ có ý thức cải tạo xã hội, thay đổi kiếp người, chưa được hướng dẫn bởi ánh sáng của bất cứ lí tưởng xã hội nào.

Vấn đề triết lý dường như xuyên suốt trong hầu hết tất cả các sáng tác của Nam Cao. Có thể nói, cảm hứng triết lý đã trở thành cảm hứng nghệ thuật trong phong cách nghệ thuật của Nam Cao. Gần như truyện nào ta cũng thấy câu hỏi “Chao ôi, ở trên đời này có cái gì bền vững mãi đâu?”. Cũng như có lúc Nam Cao lên tiếng bằng tiếng nói phẫn uất: “Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành?”. Tất cả tạo nên một giọng điệu đặc trưng rất Nam Cao: giọng triết lý với đa sắc điệu. Khi thì đắng cay chua chát, lúc lại hài hước, dí dỏm. Kết quả của lối triết lý trong sáng tác của Nam Cao là do sự quan sát tinh tế cùng với ý thức chiêm nghiệm về cuộc đời và nỗi đau đáu thương người.

Viết về người trí thức nghèo, Nam Cao tập trung khai thác tấn bi kịch tinh thần của họ. Hoài bão, khát vọng và hiện thực không dễ dàng dung hòa trong bất cứ xã hội nào. Hiện thực ấy được Nam Cao khéo léo chuyển tải qua câu chuyện xung đột trong gia đình Hộ- một nhà văn. Riêng Hộ vi phạm quy tắc tình thương hay nhiều nhà văn đều có thể vi phạm như Hộ? Đó là bi kịch của tầng lớp trí thức tiểu tư sản khi gánh nặng cơm áo gia đình buộc họ phải sa một chân vào sự tàn nhẫn, nhỏ nhen,… Tuy nhiên, ở Đời thừa, nhiều triết lý khác hiện ra rất dễ nhận thấy và có thể xem đó là những triết lý đúng đắn về bản chất của sự sáng tạo: “…không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khời những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Nam Cao đã đặt ra những vấn đề xã hội rộng lớn đòi hỏi một cuộc cách mạng xã hội tiến bộ mới mong giải quyết được. Cũng vậy, vấn đề dấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, vấn đề bảo vệ nhân cách trước áp lực tha hóa của hoàn cảnh, vấn đề cái xấu của người lớn trước mặt trẻ con, bi kịch “sống thừa” của người trí thức, những cái chết ngay trong lúc còn đang sống, chết cả trong lúc nó, chết trong đau khổ của sự nhẫn nhục, cam chịu theo triết lý tôn giáo, triết lý tình thương, sự công bằng… Tất cả những vấn đề ấy, mặt nổi là vấn đề triết lý vẫn còn đòi hỏi buộc người đọc tiếp tục suy ngẫm…

Nghiên cứu tác phẩm Nam Cao, sách “Văn học Việt Nam thế kỉ XX” (Phan Cự Đệ) có nhận định thật xác đáng: “Ở truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta thường thấy hai tầng ý nghĩa: Một tầng ý nghĩa gắn với tình tiết sự việc và câu chuyện mà nhà văn muốn trần thuật lại; và tầng thứ hai, là những đúc kết có tính chất khái quát, triết lý…”

2. Nam Cao có tài đặc biệt trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật. Ngòi bút của ông có thể thâm nhập vào những quá trình tâm lý phức tạp, những ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn con người; từ đó dựng lên được những nhân vật tư tưởng vừa có tầm khái quát lớn vừa có cá tính độc đáo.​

Nam Cao là một bậc thầy trong cách kể chuyện: vừa hết sức chân tình vừa mang tầm khái quát cao. Người đọc có cảm tưởng nhân vật không hề hư cấu, tất cả đều rất thật. Từ những chuyện xoàng xĩnh đời thường như không có gì để nói, Nam Cao đã làm nổi bật lên những vấn đề có ý nghĩa to lớn về xã hội, nhân sinh với cách vào chuyện, dân chuyện tự nhiên lôi cuốn, kết cấu rất thoải mái, mới nhìn dường như tùy tiện nhưng kì thực rất chặt chẽ.Nam Cao có sở trường miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật. Ngòi bút của ông có khả năng đi sâu vào những ngõ ngách, tâm tư sâu kín cùng những diễn biến phức tạp trong nội tâm con người. Truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám là truyện ngắn tâm lí.

Nam Cao dẫn ta nhập vào dòng suy nghĩ, dòng chảy tâm trạng của nhân vật. Tính chất “đang suy nghĩ”, “đang đối thoại”, “đang độc thoại”, “đang nói chuyện trong tâm tưởng” của nhân vật là một nét đặc trưng trong các sáng tác của Nam Cao. Nếu như nhân vật văn xuôi của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa chủ yếu là nhân vật hành động, nhân vật tính cách , thì đến Nam Cao đã sáng tạo ra kiểu nhân vật tự ý thức, ý thức về số phận, về kiếp mình. Câu chuyện là dòng tâm lí vận động không ngừng. Cảnh vật và thời gian cũng thấm đẫm tâm lí nhân vật. Như quá trình say rồi tỉnh của Chí Phèo được miêu tả một cách rất biện chứng qua cuộc gặp gỡ với Thị Nở. Từ một thằng lưu manh say khướt, sau một cuộc đụng chạm xác thịt mang tính chất bản năng và cơn cảm nặng, khiến Chí tỉnh táo hẳn lên để lặng nhớ kỉ niệm, lắng nghe cuộc đời. Sau những tháng ngày chìm dài trong cơn sau, lần đầu tiên Chí thấy mình tỉnh. Anh nghe thấy những âm thanh của cuộc sống, đó là tiếng chim hót, tiếng người thợ thuyền gõ mái chèo đuổi cá, tiếng người đi chợ về…Những âm thanh tuy rất quen thuộc với những người bình thường nhưng sao lại xa lạ với Chí quá. Nó khiến hắn nhận thức được rằng thì ra cuộc sống ngoài kia vẫn đang tốt đẹp duy chỉ có hắn bị đẩy ra đứng bên lề xã hội.

Trong giờ phút tỉnh rượu hiếm hoi, Chí Phèo nhớ lại một quá khứ đã qua, một quá khứ với những giấc mơ rất đỗi bình thường: “có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ôi! Cái ước mơ giản dị tưởng như ai cũng dễ dàng có được mà bàn tay Chí không thể với tới. Chí bỗng nhận ra thực trạng đáng sợ của đời mình “hắn đã già”, “ngoài bốn mươi tuổi đầu”. Nhìn lại cuộc đời mình Chí chẳng có gì ngoài một con số không: không nhà không cửa, không họ hàng thân thích , không mảnh đất nương thân. Thậm chí đời hắn còn là một con số âm khi hắn còn mất cả nhân cách người. Một tương lai tối mịt đang chờ Chí “đói rét, ốm đau và cô độc”. Chưa bao giờ Chí thấy lo sợ như bây giờ, đến một lúc nào đó không còn đủ sức mà giật cướp nữa, hắn sẽ sống bằng gì? Sự hoang mang lo lắng làm hắn sắp khóc nếu Thị Nở không đến. Thị Nở xuất hiện với bát cháo hành và lần đâu tiên Chí được người khác cho. Cũng phải thôi, từ trước đến nay có ai cho hắn cái gì bao giờ, “hắn phải dọa nạt hay giật cướp”. Chính vì thế mà “thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt.” Hình như Nam Cao rất tin vào những giọt nước mắt, đối với ông những giọt nước mát ấy là sự thể hiện của một nhân cách đang tìm về. Và thật đúng trong giờ phút đón nhận bát cháo hành, biểu hiện của tình yêu thương mà lần đầu tiên Chí được hưởng, thì cũng là lúc bản chất người bấy lâu nay trỗi dậy “Ôi sao mà hắn hiền” là hắn nhận thấy mình “thèm lương thiện. Hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Vậy bằng cách miêu tả nội tâm nhân vật, Nam Cao đã làm rõ quá trình thức tỉnh của Chí Phèo như là một quá trình tự ý thức của nhân vật. Vì thế tính cách nhân vật thể hiện rất chân thực.Với “Đời thừa”, một trong những đoạn văn điển hình cho kĩ thuật này là đoạn kết thúc, thể hiện quá trình xám hối của nhân vật sau một đêm say rượu và có những hành vi vũ phu với vợ con. Qúa trình này được bắt đầu bằng một cảm giác, một cảm nhận thuần túy thể xác, có ý thức “hắn tỉnh dậy”, “hắn thấy mình mẩy đau như dần, đầu nặng, miệng khô và đắng”… Cảm giác thân xác đó thúc đẩy một cử chỉ “đưa tay với ấm nước” và chính cái ấm nước đầy, hãy còn ấm ấy đã đánh thức sự thức tỉnh của ý thức về sự ý tứ của Từ. Và liền đó, ý thức đánh thức một tâm trạng: buồn. Và sau đó là kí ức, là nhớ. Cứ thế hành động lôi cuốn suy nghĩ nhân vật trôi đi trong “nhớ”, trong “hoảng sợ”, trong những suy nghĩ miên man về vợ, về mình và cuối cùng bật ra tiếng khóc “Nước mắt hắn bật ra như một quả chanh mà người ta bóp mạnh”. Chuỗi tâm lí này được dồn nén trong một đoạn văn ngắn và điều quan trọng là mỗi “mắt xích” trong chuỗi đều có sự liên kết với những “mắt xích” khác. Đó là kết quả của một nguyên nhân trước đó và đến lượt mình lại là nguyên nhân của một kết quả nối tiếp.

Từ việc miêu tả tâm lí nhân vật, Nam Cao dựng lên nhân vật có tầm khái quát lớn hay còn gọi là nhân vật điển hình. Ông hay viết về một người, từ đó dựng lên thành nhiều người, viết về một người đàn bà mà thành cả xã hội nữ giới, viết về một cậu con trai mà thành một tầng lớp thanh niên. Chí Phèo là hình tượng có tính quy luật, là sản phẩm của sự áp bức ở nông thôn. Sự tha hóa của Chí Phèo khá phổ biến và trở thành nỗi ám ảnh của Nam Cao. Ta bắt gặp một tạng nhân vật như Chí Phèo trong một số tác phẩm khác như Trạch Văn Đoành (“Đôi móng giò”), Lộ (“Tư cách mõ”) và ngay trong truyện “Chí Phèo” còn có Năm Thọ, Binh Chức và thấp thoáng một Chí Phèo con sắp ra đời.Viết Chí Phèo, Nam Cao muốn ném ra giữa cuộc đời một thằng “cùng hơn cả dân cùng” điển hình cho những nỗi khốn khổ, tủi nhục nhất của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến. Chí Phèo không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không một tấc đất cắm dùi. Mới đẻ ra Chí đã bị vứt bên một lò gạch cũ bỏ không, trở thành một món hàng mua bán. Suốt quãng đời từ thuở còn thơ “bơ vơ hết đi ở nhà này lại đi ở nhà nọ” đến tuổi thanh niên làm công điền cho ông Bá Kiến, Chí Phèo phải làm thân trâu ngựa của người cố nông lao động cực khổ ở nông thôn.đẩy Chí Phèo vào hoàn cảnh không được sống đúng với bản chất, như điều mình mong muốn: là người lương thiện mà phải sống bất lương, là người lao động chân chính mà phải đi ăn cướp, muốn thân thiện mà lại phải đi phá hoại hạnh phúc của mọi người… Chính nhà tù thực dân, sự áp bức bóc lột nặng nề, thủ đoạn thống trị độc ác và nham hiểm của giai cấp thống trị, những thành kiến, định kiến tồi tệ và thái độ hắt hủi nhục mạ của những người xung quanh đã đẩy Chí Phèo càng ngày càng xa dần đồng loại của mình, trở thành một “con vật lạ”, “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. Đẻ ra anh cố nông hiền như đất là một bà mẹ tội nghiệp, khốn nạn nào đó đã lén lút vứt con ở cái lò gạch cũ. Còn đẻ ra thằng Chí Phèo chuyên rạch mặt ăn vạ là cả cái xã hội thực dân phong kiến đầy bất công, vô nhân đạo.

3. Ngôn ngữ của Nam Cao hết sức tự nhiên, sinh động, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng. Trong sáng tác của Nam Cao có sự chuyển hóa giữa ngôn ngữ người kể chuyện với ngôn ngữ nhân vật góp phần đắc lực vào việc miêu tả tâm lí nhân vật.​


Đọc truyện Nam Cao, ta nhận ra ở đây một hệ thống ngôn ngữ hết sức tự nhiên, sinh động gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Có những đoạn văn, tác giả chỉ sử dụng một kiểu ngôn ngữ đặc sệt chất đời thường, là ngôn ngữ của quần chúng, nhân dân lao động: “ Cái đầu thì trọc lốc, cái răng thì trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết.” (Chí Phèo); “Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là Kèo, là Cột, là Hạ, là Đông. Là gì cũng còn dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch Văn Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai.” (Đôi Móng Giò); “Ối làng nước ôi! Cứu tôi với… Ối làng nước ôi! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! ” ( Chí Phèo) Có thể nói hơn bất kì một nhà văn khác cùng thời , ngôn ngữ Nam Cao cho đến bây giờ vẫn tỏ ra không cũ với thời gian, cả về mặt từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp. Những lớp ngôn ngữ ấy đã ăn sâu vào đời sống của nhân dân. Mỗi khi nhắc đến kẻ lưu manh, người ta vẫn thường hình dung ra cái dáng vẻ “cơng cơng”, “gớm chết” của Chí Phèo như một hình ảnh tiêu biểu. Sức sống ngôn từ của Nam Cao là ở đấy.Nam Cao đã đem ngôn ngữ làng quê vào truyện một cách tự nhiên. Đó là những cách ví von, những cách suy nghĩ, nói năng, cách diễn đạt đặc thù của người nông dân Bắc Bộ:

“chõ mõm vào”, “đầu gio mặt muối”, “chạy xạc cả gấu váy”, “buồn cười chửa”… Có thể nói chất giọng, ngôn ngữ nông dân Bắc Bộ chi phối nhiều đến yếu tố văn chương của Nam Cao và là một trong những đăcj điểm quan trọng tạo nên phong cách nghệ thuật Nam Cao, đặc biệt trong việc thể hiện tâm lí nhân vật.

Nam Cao có khả năng lựa chọn ngôn ngữ riêng phù hợp với tính cách và hoàn cảnh cụ thể của nhân vật. Đây là ngôn ngữ của Bá Kiến quát mấy bà vợ đang xưng xỉa với chồng: “ Các bà đi vào nhà. Đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì!”, với người làng, lão dịu giọng nhưng vẫn tỏ ra thế bề trên: “Các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ. Có gì mà xúm lại như thế nào?” Với Chí Phèo đang rạch mặt ăn vạ, hắn tỏ ra ngọt dịu, vừa dụ dỗ, vừa ra uy: “Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế? Còn ngôn ngữ Chí Phèo cũng “đặc” Chí Phèo: hỗn láo, thực dụng, dọa dẫm: “ Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng”. Nhưng với Thị Nhở hắn tỏ vẻ thân tình hơn: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”. Qua những ngôn ngữ ấy, bản chất nhân vật được hiện lên đầy đủ, chân thực. Qua cách nói chuyện ta nhận ra sự gian manh, theo đời của Bá Kiến…Đặc biệt, Nam Cao thường tạo nên sự chuyển hóa giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật. Người trần thuật – tác giả ở đây đã nhập vai ( chứ không nhập thân) vào nhân vật. Người trần thuật thâm nhập vào cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng của nhân vật và trần thuật bằng chính giọng điệu của nó. Trong những trường hợp như thế, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật trên thực tế bị thủ tiêu, điểm nhìn của cả hai phía đều hòa nhập làm một. Như khi mở đầu truyện “Chí Phèo”: “hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “ chắc nó trừ mình ra!” “ Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật, tức chết đi được mất!”

Chinh sự đa dạng, đan xen, biến hóa của ngôn ngữ đã góp phần làm nên phong cách nghệ thuật nhà văn Nam Cao.

4. Truyện NC thường kết cấu theo dòng tâm lí của nhân vật, mạch tự sự của tác phẩm Nam Cao, thường đảo lộn trật tự của thời gian, không gian tạo nên lối kết cấu vừa linh hoạt vừa hết sức chặt chẽ.​

Truyện Nam Cao thường kết cấu theo dòng tâm lí nhân vật. Mạch tự sự của truyện không theo trật tự thời gian – không gian, tạo nên một lối kết cấu linh hoạt, chặt chẽ. Truyện của Nam Cao không đi theo trình tự cuộc đời nhân vật mà tuân theo trình tự tâm lí. Do vậy kết cấu tâm lí trở thành đặc điểm của văn xuôi hiện đại. Truyện không có cốt truyện hoặc mờ dần vai trò của cốt truyện, thì từ đó “nghệ thuật của nội dung càng tăng thêm giá trị, ý nghĩa của truyện ngắn. Có thể kể ra hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng, mà hình thức của truyện là không có cốt truyện như “Tội ác và trừng phạt” (Đốtxtôiepki), “Ông già và biển cả” (Hemingway), “Đỏ và đen” (Xtăngđen)…Khảo sát văn Nam Cao chúng ta thấy nhà văn có kiểu kết cấu độc đáo. Các nhà văn Việt Nam trước Nam Cao tài năng trong việc kể, còn Nam Cao đem tâm lý nhân vật ra xâu chuỗi thành những truyện ngắn, tiểu thuyết đầy sức lôi cuốn với độc giả. Tiểu thuyết “Sống mòn” đã xoay quanh câu chuyện mấy tri thức tiểu tư sản và mấy thầy cô giáo. Truyện không tìm thấy một cốt truyện rõ ràng trong truyện truyền thống, song dòng tâm lí nhân vật đã tạo sức hấp dẫn bạn đọc, thậm chí có người không ngớt thán phục “Tiên sư nhà văn Nam Cao” (Mượn ý của truyện “Đôi Mắt”).

Văn học hiện đại trên thế giới đã có một tư duy mới về kết cấu tác phẩm. Theo A.Robbe-Grillet “Từ lâu cốt truyện không còn là nền tảng của tiểu thuyết nữa”, Proust – nhà văn Pháp nhấn mạnh “Cốt truyện tan ra để tái kết lại phục vụ cho một kết cấu thời gian tâm lý. Trong sự vận động cho đến ngày nay của văn xuôi hiện đại, vai trò của cốt truyện càng giảm, nhường chỗ cho ngòi bút công phá vào chiều sâu tâm lý nhân vật. Truyện hiện đại khám phá những góc khuất tâm hồn. Nhà văn Nam Cao ngay từ những năm 1930 – 1945 đã chọn lối kể chuyện theo dòng tâm lý ở hầu khắp tác phẩm và ông quả là cây bút khá nhạy cảm với quan niệm văn xuôi hiện đại.Để xây dựng nhân vật theo dòng tâm lý, nhà văn sử dụng kết hợp thủ pháp độc thoại nội tâm, hai yếu tố đó trở thành đối tượng miêu tả trực tiếp của nghệ thuật. Hãy đến với những dòng tâm lý của Chí Phèo, đặc biệt là giai đoạn sau khi gặp Thị Nở. Lúc đầu hắn đến với thị chỉ là theo bản năng cộng với cơn cảm lạnh thì sau khi thức dậy, hắn như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Đây là lần thứ nhất hắn tỉnh. Những cảm giác của hắn đã bắt đầu sống dậy hắn nghe thấy “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng cười nói của những người đi chợ”, “anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, những tiếng quen thuộc ấy ngày nào chả có nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy. Những kí ức xưa quay trở về. Hắn nhớ hắn từng có ước mơ giản dị như bao người khác “Một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm…”. Hắn thấy mình già nhưng vẫn còn cô độc. Chính sự chăm sóc nhiệt tình cùng với bát cháo hành là liều thuốc giải độc cho tâm hồn bất hại của Chí Phèo, khiến lương thiện nổi dậy trong hắn nhưng ngờ đâu cánh của cuộc đời vừa mới mở đã bị đóng sầm ngay trước mặt vì sự phản đối của bà cô Thị Nở. Cuộc đời Chí Phèo chấm dứt từ đây. Nam Cao thật tài tình khi phác hoạ những dòng suy nghĩ ẩn chứa sâu trong tâm hồn Chí Phèo.

Nói chung văn xuôi hiện đại đến Nam Cao đã tạo ra “một bước tiến dài trong kết cấu”. Nhờ xây dựng cốt truyện theo dòng tâm lý nhân vật, truyện ông thường mở đầu những trắc ẩn trong tâm hồn nhân vật hoặc phần cuối câu chuyện được đưa lên trước. Truyện ngắn “Lão Hạc” cái ý định bán chó được đưa lên đầu câu chuyện, sau đó tác giả để cho nhân vật ông giáo kể về đứa con của lão, rồi nỗi đau của ông già phải bán đi cậu Vàng (con chó) gắn bó với mình. Như vậy, ở truyện của Nam Cao, kết cấu tâm lý đâu chỉ phù hợp với nhân vật người trí thức mà tác giả đã vận dụng kết cấu hiện đại này để miêu tả nội tâm của người nông dân.Ở truyện ngắn “Một đám cưới”, tác giả đã “khai bút” bằng cảm giác của nhân vật Dần trong một buổi sáng. Sau đó, tác giả mới kể lại tâm lý của một cô gái khi xa nà đi ở. Cuối cùng là diễn biến tâm lý ngày đầu tiên đi về nhà chồng.

“Đời thừa” được bắt đầu ở chính giữa mạch truyện đồng thời trong toàn bộ văn bản truyện, Nam Cao không tuân thủ trật tự tự nhiên của các tình tiết sự kiện. Được mở đầu bằng cảnh Hộ ngồi đọc sách một cách khắc khổ và tràn ngập hạnh phúc. Nam Cao đột ngột cắt đứt mạch kể để ngược về quá khứ, trình bày lại cuộc đời của Hộ trước khi lấy Từ. Hành vi cao thượng của y cứu vớt cuộc đời Từ và quãng đời của y trước khi lấy Từ. Sau đó mạch truyện lại quay về với cảnh Hộ đọc sách để tiếp tục “chạy” theo diễn biến của cốt truyện. Lối kể này không chỉ tạo nên một không khí cuốn hút người đọc nhập thẳng vào không khí căng thẳng của thế giới nghệ thuật trong truyện đồng thời tạo nên một lối kết cấu linh hoạt, chặt chẽ.Tiếp cận truyện của Nam Cao, độc giả đối diện với kiểu tính chất “đang suy nghĩ”, “đang độc thoại”,…của nhân vật. Dòng tâm lý nhân vật được vận động không ngừng. Các yếu tố không gian, thời gian được lược bỏ đi nhiều.

Tóm lại truyện Nam Cao thường kết cấu theo dòng tâm lý nhân vật. Mạch tự sự của truyện không theo trật tự thời gian, không gian, tạo nên một lối kết cấu linh hoạt, chặt chẽ.

5. Về giọng điệu, văn NC vừa tỉnh táo, sắc lạnh vừa nặng trĩu suy tư và đằm thắm thương yêu. Hai giọng văn đối lập nhau cứ chuyển hoá qua lại, tạo nên những trang viết thú vị, hấp dẫn.​

Trước hết là cách gọi tên nhân vật Chí là “hắn”, cách miêu tả về cuộc đời khi từ từ trở về bắt đầu bằng tiếng chửi: “Hắn vừa đi vừa chửi. Hắn chửi đời…chửi cả làng Vũ Đại”.Giọng lạnh lùng khách quan, tỉnh táo ,sắc lạnh là đặc trưng của Nam Cao. Ở đây Nam Cao tách mình ra khỏi nhân vật, ông đứng bên ngoài sự thất trần trụi, vẫn tự nhiên khách quan kể về quá trình tha hóa của Chí Phèo như thiếu thiện cảm với nhân vật: “Hắn về lớp này trông khác hẳn. Trông đặc như thằng săng đá…”. Ta thấy giọng của Nam Cao dường như khắc nghiệt tàn nhẫn lạ lùng. Ông miêu tả tình yêu của Từ đối với chồng “Từ yêu chồng bằng một tình yêu của một con chó đối với chủ nuôi” trong Đời Thừa. Đôi khi ta thấy nhà văn như muốn nghiêng về cái ác khi điễn tả dòng tâm lí của nhân vật Hộ: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Thế nhưng bên trong cái sắc lạnh ấy ta lãi cảm nhận một tình yêu dạt dào dành cho những nhân vật đau khổ của mình. Sau khi miêu tả quá trình tha hóa của Chí Phèo, ta thấy ông đã dành những trang văn riêng để nói lên những biến thái tinh vi trong tâm trạng của một con quỉ làng vũ Đại muốn trở thành người lương thiện. Tả cảm giác của Chí Phèo khi tỉnh dậy sau một cơn say dài, nghe những âm thanh của cuộc sống thường nhật: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá. Có tiếng cười nói của những người đi chợ…”. Đoạn tả Chí Phèo với cảm giác lần đâu tiên nếm hương vị cháo hành, hương vị của tình yêu: “ Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: Những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?”. Nam Cao trân trọng khát khao muốn làm người lương thiện của Chí. Những lời ấy thống thiết xúc động biết bao: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Họ sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của người lương thiện”. Cái cảm thông đau đớn của ông khi biết Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người: “Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”.Dường như ta thấy thấm đẫm trong những giọt nước mắt của Hộ sau khi đánh Từ thấp thoáng niềm cảm thông cảu nhà văn trước bi kịch của người nghệ sĩ không giải quyết được những mâu thuẫn giữa nghệ thuật và tình yêu thương con người. “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc…Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay nhỏ bé cả Từ vào ngực mình mà khóc”. Nam Cao thương cảm cho số phận và bi kịch của văn sĩ Hộ. Những giọt nước mắt chất chứa bao nhiêu tâm trạng, có tình yêu thương, có sự hối hận, nỗi đau tủi nhục. Người đọc không thể quên sau bao nhiêu lần lầm lỡ, Hộ vẫn giữ nguyên vẹn trái tim nhạy cảm đối với thân phận bất hạnh, cuối cùng vẫn đứng vững trên lẽ sống nhân đạo.

Giọng của Nam Cao vừa tỉnh táo sắc lạnh, vừa trữ tình đằm thắm tin yêu. Từ đó cho thấy một tấm lòng nhân đạo cao cả của Nam Cao đối với con người, đó là lòng yêu thương, sự tin tưởng lớn lao dành cho các nhân vật. Nam Cao như đang muốn tâm tình, thỏ thẻ đằng sau giọng lạnh lùng ấy.Hai giọng điệu này tuy đối lập nhưng có sự chuyển hóa qua lại giúp giải quyết vấn đề. Giọng điệu của Nam Cao là giọng khách quan đến lạnh lùng, tác giả như đứng ngoài dùng con mắt tỉnh táo để kể chuyện thế nhưng trong giọng lể của tác giả người ta lại bắt gặp Nam Cao trong nhân vật, như để thấu hiểu cảm thông cho chính nhân vật trữ tình. Có sự chuyển hóa tự nhiên giữa hai giọng điệu này: “Ấy là lúc hắn lò dò về đến sân. Hắn đang đi bỗng giật mình. Một con chó đang thùi thùi trong bụi dong ở đấu sân nhảy choàng ra. Một tí nữa là nó đớp vào chân hắn. Hắn nhảy cẫn lên một cái và hắn sực nhớ ra rằng: Nhà hắn có một con chó vện , con chó vện ấy hay trong gà hóa cuốc, nên lắm lúc chực đớp cả chân người…Hắn gật đầu luôn mấy cái vì sung sướng nghĩ ra điều ấy. Chao ôi! Chính cái đói đã đẩy con người vào cái không còn sĩ diện. Cái ăn sao mà lớn lao, mà to tát quá”. Nhà văn vẫn gọi nhân vật đằng sau những chữ “hắn”, “thị”, “y” như không hề có chút thiện cảm nào với nhân vật của mình. Thế nhưng nếu không tin yêu thì làm sao giọng văn lại như bùng nổ, như tha thiết khát khao cháy bỏng đến vậy: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Gọi “hắn” nhưng trong cái tiếng ấy ta thấy tác giả đã khéo léo gọi ra trong lòng độc giả cả phần lí trì lẫn phần tình cảm.Bên trong cái giọng thản nhiên như khi miêu tả cái chết của anh Đĩ Chuột trong “Nghèo”, người đọc vẫn có thể nhận ra cái giọng xót thương đối với một kiếp người “Anh Đĩ Chuột rít hai hàm răng lại, hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bẫy, sau cùng nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi thừng lũng lẳng”. Nhà văn phẫn uất chọn một cái chết đau khổ, đến khi chết vẫn không thể nhẹ nhàng thanh thản. Cái phẫn uất ấy xuất phát từ chính tấm lòng yêu thương cùa tác giả đối với nhân vật cảu mình.Sau cái nụ cười thản nhiên vui vẻ trước cảnh nghèo khổ- mâm cơm tết “cơm trắng, cá ngon, giò đây mâm, bành chưng rền lắm” cả nhà ngồi lặng im, Nam Cao cảm thấy như uất nghẹn, cái nghẹn đầy ứ của chính ông Đồ. Ông Đồ cứ nghẹn mãi, đôi mắt ông ầng ậc nước mắt. Uất quá, ác quá mà không thể nói ra được.Ông đã khiến cho người đọc phải thấm thía lâu dài, phải suy nghĩ bằng chính giọng điệu thản nhiên đến lạ lùng.Bằng cái giọng mỉa mai châm biếm trong “Những truyện không muốn viết”, người đọc dễ tinh ý nhận ra thái độ nghiêm túc, tin tưởng vào phần tốt đẹp của con người. Viết chuyện “buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn hay con lợn, nhưng biết dâu đấy? …Tôi sợ có người lại nhận mình là buồng cau, cây chuối, cục đất. buổi hoàng hôn hay con lợn để mà không bằng lòng. Bởi thế, tuy chẳng muốn, tôi đành lại lấy tôi ra để viết cho yên chuyện”. Mọi diễn biến oay quanh trục, một giọng điệu thản nhiên nhưng lại luôn tin tưởng vào những giá trị thực sự của những sự việc nhỏ nhất và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống.

Tóm lại, Nam Cao đã viết bằng một chất giọng đối nghịch, bề ngoài lạnh lùng, bên trong trữ tình, xuất phát từ lối văn kể chuyện “nghiêm nghị và hài hước, trân trọng năng niu, và nhạo, đay mỉa”. Qua đó cho thấy một tấm lòng nhân đạo cao cả luôn suy tư về cuộc đời và trân trọng tin yêu nhân vật của mình.

Phần mở rộng: Điểm khác về phong cách nghệ thuật của Nam Cao so với các nhà văn cùng thời.​


Cần tìm ra những nhà văn tiêu biểu cùng thời với Nam Cao để so sánh. Ta có thể kể đến các nhà văn thuộc lãng mạn hoặc hiện thực, nhưng khó nhất vẫn là khi so sánh với các nhà văn cùng viết về hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... Dựa vào 4 biểu hiện chính tạo nên phong cách sáng tác của một nhà văn để đưa ra những điểm so sánh.

Điểm giống nhau của các tác giả cùng thời là cùng nhìn thấy và bất mãn trước hiện thực xã hội, nhưng cách phản ánh vào tác phẩm lại hoàn toàn khác nhau.

- Trong cách nhìn cuộc sống, cùng là nhà văn hiện thực trước cách mạng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, nhưng Nam Cao quan tâm nhiều về nỗi khổ đến mức bi kịch của người trí thức. Nam Cao cũng cắt nghĩa được nguyên nhân sâu xa của nỗi khổ của họ và lên tiếng đánh động xã hội. “Người nọ, người kia không đáng để ta khinh ghét. Cái đáng nguyền rủa là cái xã hội kia. Nó đã tạo ra những con người tham lam và ích kỷ.” (Sống mòn). Cái “hơn người” của Nam Cao là luôn băn khoăn về nhân phẩm của con người và ý thức báo động con người hãy giữ lấy nhân phẩm của mình trước những cái nhỏ mọn. Đó chính là chiều sâu của cái tâm nhà văn, nó định hướng cách nhìn đời và nhìn người của tác giả.

- Trong giọng điệu, người ta hay nói giọng trào phúng của Vũ Trọng Phụng, giọng triết lý của Nam Cao. Ngay ở Nam Cao cũng có giọng trào phúng, nhưng đã có người chỉ ra rất cụ thể như sau: “So với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng thì Nam Cao có nhiều điểm khác biệt. Tiếng cười của Nguyễn Công Hoan là kiểu pha chút hài hước, Vũ Trọng Phụng là tiếng cười châm biếm, hướng ngoại, còn tiếng cười của Nam Cao là tiếng cười hướng nội, có chút cay đắng.” giọng văn NC vừa tỉnh táo, sắc lạnh vừa nặng trĩu suy tư và đằm thắm thương yêu. Hai giọng văn đối lập nhau cứ chuyển hoá qua lại, tạo nên những trang viết thú vị, hấp dẫn.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật, Tài hoa và uyên bác là phong cách của Nguyễn Tuân trong việc vận dụng ngôn ngữ, ở lĩnh vực này thì Vũ Trọng Phụng để lại ấn tượng ở ngôn ngữ nhân vật đạt mức độ cá tính hóa cao nhất, Nam Cao đa phần là ở việc khắc họa tâm lí nhân vật qua giọng điệu, cử chỉ. Ngòi bút của ông có thể thâm nhập vào những quá trình tâm lý phức tạp, những ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn con người; từ đó dựng lên được những nhân vật tư tưởng vừa có tầm khái quát lớn vừa có cá tính độc đáo. Ngôn ngữ của NC hết sức tự nhiên, sinh động, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng. Trong sáng tác của NC có sự chuyển hóa giữa ngôn ngữ người kể chuyện với ngôn ngữ nhân vật góp phần đắc lực vào việc miêu tả tâm lí nhân vật.

- Phạm vi đề tài: Nam Cao tập trung vào 2 đề tài chính là viết về người nông dân và tri thức tiểu tư sản. Đề tài hẹp nhưng ý tứ rộng.
Nam Cao không chủ ý phản ánh những vấn đề, những hiện thực lớn lao của xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945. Nhà văn cũng chọn những hiện tượng tưởng như nhỏ nhặt đời thường của hai đối tượng để tạo dựng câu. chuyện. Nhưng triết lý về đời sống qua các “tiểu tiết” trong văn xuôi Nam Cao quả là không nhỏ. Nếu như với Ngô Tất Tố, nhà văn nổi tiếng viết về xung đột giai cấp gay gắt và phản ảnh bức tranh nông thôn toàn cảnh thì Nam Cao ít hướng đến phạm vi miêu tả rộng như thế. “Ông đã khai thác được cái chiều sâu, cái mạnh nước ngầm ẩn chứa bên trong và nâng lên một tầm khái quát cao hơn. Ở truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta thường thấy hai tầng ý nghĩa: Một tầng ý nghĩa gắn liền với những tình tiết, sự việc và câu chuyện mà nhà văn muốn trần thuật lại và tầng ý nghĩa thứ hai là những đúc kết có tính chất triết lý khái quát”. (Phan Cự Đệ)

Chúng ta rất may mắn có được những cây bút văn học như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Vũ Trọng Phụng .v.v...và càng vui mừng sự xuất hiện của cây bút văn xuôi Nam Cao. Đời sống và đời văn không dài, nhưng tác giả đã đóng dấu ấn phong cách nghệ thuật trên từng trang viết. Nổi bật trong phong cách sáng tác của NC : Ngôn ngữ trần thuật đa giọng điệu, ngôn ngữ rất đời nhưng cũng rất văn. Đây là cây bút tài hoa trong việc biểu đạt ngôn ngữ nhân vật gần với lời ăn tiếng nói ngoài đời của đối tượng, từ đó khắc họa tính cách nhân vật.
Nếu như nhân vật văn xuôi của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa chủ yếu là nhân vật hành động, nhân vật tính cách, thì đến Nam Cao đã sáng tạo ra nhân vật tự ý thức. Nhà văn đã thể hiện nhu cầu của con người hiện đại : tìm hiểu mọi ngóc ngách bên trong tâm hồn con người....


Xem thêm bài viết trong mục Lí luận văn học:
Văn học – nghệ thuật ngôn từ
Nguyễn Bính - người giữ hồn quê
Giá trị xã hội và ý nghĩa của văn học
Giá trị hiện thực của tác phẩm văn học
Hình tượng nghệ thuật và đặc trưng của hình tượng nghệ thuật

Chủ đề văn học là gì? Các chủ đề văn học phổ biến
(Sưu tầm, tổng hợp)
Thêm
  • Like
Reactions: Vanhoctre
6K
1
0
1669982845780.png


Mấy ngày qua, nhà thơ Nguyễn Thành Phong viết về Văn nghệ trẻ hồi nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Nguyễn Thành Phong và tôi làm cùng nhau năm đầu tiên.

Có rất nhiều chuyện hay về tờ báo này. Tôi ghi nhật ký hàng ngày trong một thời gian dài nên rất chính xác. Lúc nào đó sẽ đưa lên cùng bản chụp những trang nhật ký viết tay.

Nhưng có một chuyện tôi rất nhớ. Đó là việc tôi in một bài phê bình thơ của một nhà phê bình. Trong bài phê bình đó có một phần phê phán thơ tôi khá nặng nề.

Khi báo ra, gặp tôi, nhà phê bình ấy tỏ ra rất ngại ngùng. Tôi thì vẫn vui vẻ và pha trà mời bác ấy.

Nhiều năm sau, gặp tôi bác ấy hỏi: vì sao mình phê phán thơ Thiều mà Thiều không giận? Tôi cười và nói: vì anh phê phán thơ em một cách chân thành cho dù em không đồng quan điểm với anh về cách đọc thơ.

Khen có hai đường: khen chân thành và khen cơ hội. Phê phán cũng như thế.

Có những người phê phán một tác phẩm văn học rất thẳng thắn. Tôi rất trọng thái độ đó. Nhưng phê phán một tác phẩm văn học cho dù thẳng thắn, chân thành nhưng không hiểu đúng, không tiếp cận được bản chất tác phẩm lại là việc khác.

Sự chân thành, thẳng thắn khi đánh giá một tác phẩm văn học không đồng nghĩa với sự đúng. Nhưng nếu coi sự chân thành và thẳng thắn của mình khi đánh giá một tác phẩm văn học là duy nhất đúng thì mình đã mắc một sai lầm và biến thành kẻ độc đoán.

Tôi là một kinh nghiệm cho chính tôi. Hồi 30 tuổi, tôi đã không thể hiểu và chấp nhận một tác phẩm mà người khác đánh giá cao. Nhưng đến 50 tuổi thì tôi thấy tác phẩm ấy hay thật. Vì sao? vì tôi đã lớn lên trong cuộc sống và hiểu biết hơn nghệ thuật.

Một đứa trẻ lên 3 không nói dối khi nhìn thế giới xung quanh, nhưng đâu phải lúc nào nó cũng đúng. Nhưng rồi nó sẽ lớn lên và thay đổi cách nhìn.

Để sự chân thành và thẳng thắn của mình có ích cho sự phát triển thì mình phải học rất nhiều và không bao giờ coi là đủ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Thêm
SỰ PHÊ PHÁN CHÂN THÀNH VÀ THẲNG THẮN
  • Like
Reactions: VHT Books
416
1
0
Chủ nghĩa hiện thực - với tư cách là một phương pháp sáng tác - gắn liền với một một trào lưu văn học xuất hiện ở Tây Âu thế kỷ XIX. Ph.Ăng-ghen, tronglá thư gửi nữ văn sĩ Anh Hac-cơ-net vào năm 1888, đã phát biểu một định nghĩa có tính kinh điển về chủ nghĩa hiện thực: “Theo tôi, ngoài chi tiết chân thực, chủ nghĩa hiện thực còn đòi hỏi sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Như vậy, từ thực tiễn của văn học Tây Âu thế kỷ XIX, đặc biệt là văn học Pháp với những tác phẩm của Ban-dắc, Ăng-ghen đã xác định hai nét đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa hiện thực: “chi tiết chân thực” và “những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu, lý luận ở ta đã dựa trên định nghĩa nổi tiếng nói trên của Ăng-ghen làm cơ sở chủ yếu để nghiên cứu, xem xét, đánh giá các trào lưu và tác phẩm văn học. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của trào lưu văn học hiện thực thế giới đã bổ sung những thực tiễn sáng tác mới. Bên cạnh chủ nghĩa hiện thực truyền thống, đã song song tồn tại những loại hình chủ nghĩa hiện thực hiện đại, điều mà các nhà kinh điển chưa có điều kiện đề cập tới. Trong số đó có một loại hình chủ nghĩa hiện thực mà một số nhà nghiên cứu gọi là chủ nghĩa hiện thực tâm lý.

Chủ nghĩa hiện thực tâm lý.png

1. Khái niệm chủ nghĩa hiện thực tâm lý​

Chủ nghĩa hiện thực tâm lý là một thể loại văn học nổi tiếng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đây là một thể loại tiểu thuyết hướng về nhân vật , vì nó tập trung vào động cơ và suy nghĩ nội tâm của các nhân vật. Đây là khái niệm để chỉ một chủ nghĩa hiện thực đi sâu khám phá hiện thực của tâm hồn, “một chủ nghĩa hiện thực trong ý nghĩa cao nhất, một chủ nghĩa hiện thực khám phá con người bên trong con người...".

Một nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lý tìm cách không chỉ thể hiện những gì các nhân vật làm mà còn giải thích tại sao họ lại có những hành động như vậy. Thường có một chủ đề lớn hơn trong các tiểu thuyết hiện thực tâm lý, với việc tác giả bày tỏ quan điểm về một vấn đề xã hội hoặc chính trị thông qua sự lựa chọn của các nhân vật của mình.

Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực tâm lý không nên nhầm lẫn với văn bản phân tích tâm lý hay siêu thực, hai phương thức biểu đạt nghệ thuật khác phát triển mạnh trong thế kỷ 20 và tập trung vào tâm lý theo những cách độc đáo.

2. Dostoevsky và chủ nghĩa hiện thực tâm lý​

Một ví dụ tuyệt vời về thể loại này (mặc dù bản thân tác giả không nhất thiết phải đồng ý với việc phân loại) là "Tội ác và Trừng phạt" của Fyodor Dostoevsky .

Cuốn tiểu thuyết năm 1867 này (lần đầu tiên được xuất bản dưới dạng một loạt các câu chuyện trong một tạp chí năm 1866) tập trung vào sinh viên Nga Radion Raskolnikov và kế hoạch của ông ta để giết một kẻ cầm đồ phi đạo đức. Raskolnikov cần tiền, nhưng tiểu thuyết dành rất nhiều thời gian tập trung vào việc tự phân biệt đối xử của mình và những nỗ lực của ông để hợp lý hoá tội ác của ông.

Trong suốt cuốn tiểu thuyết, chúng tôi gặp những nhân vật khác, những người tham gia vào các hành vi bất hạnh và bất hợp pháp do tình hình tài chính tuyệt vọng của họ: em gái của Raskolnikov lên kế hoạch kết hôn với một người đàn ông có thể đảm bảo tương lai của gia đình mình.

Để hiểu được động cơ của nhân vật, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về các điều kiện của đói nghèo, đó là mục tiêu bao quát của Dostoevsky.

3. Chủ nghĩa hiện thực tâm lý Mỹ: Henry James​

Tiểu thuyết gia người Mỹ Henry James cũng sử dụng chủ nghĩa hiện thực tâm lý để có hiệu quả lớn trong tiểu thuyết của ông. James đã khám phá các mối quan hệ gia đình, những ham muốn lãng mạn và đấu tranh quyền lực quy mô nhỏ thông qua ống kính này, thường là chi tiết siêng năng.

Không giống như tiểu thuyết hiện thực của Charles Dickens (những khuynh hướng phê bình trực tiếp về những bất công xã hội) hoặc các tác phẩm hiện thực của Gustave Flaubert (được tạo thành từ những mô tả xa hoa, tinh xảo của nhiều người, địa điểm và vật thể khác nhau), tập trung chủ yếu vào cuộc sống nội tâm của các nhân vật thịnh vượng.

Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông - bao gồm cả "Chân dung của một quý bà", "The Turn of the Screw", và "The Ambassadors" - những nhân vật xuất hiện thiếu tự nhận thức nhưng thường có những năm không được hoàn thành.

4. Nam Cao - nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lý​

Đánh giá Nam Cao sáng tác theo phương pháp của chủ nghĩa hiện thực tâm lý, chúng ta vẫn khẳng định ông là nhà văn hiện thực đúng với nghĩa nghiêm ngặt của từ này. Ông cũng đề cập trực diện đến cái đói và miếng ăn; phản ánh cuộc sống của những con người bị “áo cơm ghì xuống đất”. Nhưng với Nam Cao, phản ánh cái hiện-thực-đói không chỉ là sự báo động về nạn đói vật chất đơn thuần mà hơn thế, là lời cảnh báo về phẩm giá con người trước cái đói. Nam Cao luôn hiện ra như một trí tuệ luôn băn khoăn trước câu hỏi làm gì để giữ nhân phẩm con người trước sức công phá dữ dội của hoàn cảnh. Vì thế, ông đã chọn một lối đi riêng trong cách tiếp cận thẩm mỹ đối với hiện thực, công phu tìm kiếm những sự thật kín đáo, tiềm ẩn đằng sau những mâu thuẫn hiện diện trong xã hội, đi sâu khám phá hiện thực của tâm hồn con người.
Nói một cách công bằng thì tâm lý, tính cách con người bao giờ cũng là đối tượng phản ánh của văn học mọi thời đại, bởi lịch sử văn học xét cho cùng là lịch sử tâm hồn một dân tộc. Tuy nhiên, cái để làm nên một Nam Cao trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam, cái để chúng ta có thể mạnh dạn gọi ông là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lý là ở chỗ Nam Cao không chỉ dừng ở việc mô tả tâm lý nhân vật như cách hiểu, cách làm thông thường, mà ông đã tiếp cận tâm lý con người với ý thức triết học, và về mặt nghệ thuật, với Nam Cao, tâm lý là điểm tựa của kiến tạo văn bản, nội tâm nhân vật là đối tượng miêu tả trực tiếp; tính cách nhân vật chủ yếu được khắc họa bằng đường dây tâm lý. Đi sâu vào tác phẩm Nam Cao, người đọc có thể nhận ra trong mỗi nhân vật của ông - cho dù là nông dân hay trí thức tiểu tư sản - đều mang trong mình những cuộc vật lộn nội tâm dữ dội, những sự dằn vặt, cắn rứt, khổ sở về bản thân mình và cả trong suy nghĩ đối với những người chung quanh. Những câu chuyện của Nam Cao thường không thể kể lại được vì nó được dệt nên chỉ bởi những hồi ức, những nỗi buồn vui của nhân vật, mặc dầu những hồi ức, những nỗi buồn vui ấy đều gắn liền với hiện thực đời sống xã hội Việt Nam trước 1945. Khi đã xác định tâm lý con người là đối tượng phản ánh, Nam Cao thường không chọn bối cảnh rộng lớn để đưa vào tác phẩm như nhiều nhà văn hiện thực khác. Ông đã soi chiếu vào những không giản nhỏ hẹp để trên đó, nhân vật hiện ra với triền miên trong những suy nghĩ, qua đó bộc lộ tính cách, bộc lộ tình cảm, thái độ xã hội của mình. Thời gian trong tác phẩm Nam Cao dường như cũng ngưng đọng, quẩn quanh, bị tãi ra, kéo dài miên man. Nó là một thứ thời gian tâm trạng.
Con người hiện hữu của Nam Cao thường hay hồi tưởng lại thời gian quá khứ để quên đi những nỗi khổ về vật chất và tinh thần hiện tại. Nam Cao không né tránh, trái lại, ông đặc biệt thành công với những "ca" tâm lý phức tạp nhất, những tâm trạng chứa chất nhiều mâu thuẫn. Và chính ở đó, bức tranh hiện thực về đời sống và tính cách nhân vật càng được khắc họa đến mức điển hình sống động. Ông đã khám phá nhiều khía cạnh khác nhau, thậm chí tương phản nhau trong cùng một tính cách. Vì vậy về mặt thi pháp phản ánh, Nam Cao cũng phải thể hiện nhân vật rất đa dạng, đa chiều trong tính phức hợp và khả năng lưỡng phân của nó. Không phải là hiếm trên những trang truyện của Nam Cao, những tâm trạng như thế này: "ngay lúc ấy hắn nghẹn ngào trong cổ. Nh ưng chỉ một lúc sau, hắn đã bật cười"(Xem bói); hoặc: "giọng y nửa đứng đắn, nửa đùa. Nói xong, y cười ăng ắc. Tiếng cười thái quá ấy nghe còn đau đớn hơn tiếng khóc. Tiếng cười im, mặt y dãn ra ngay, trở nên buồn rười rượi" (Sống mòn). Nam Cao biệt tài trong việc mô tả tâm trạng dở cười dởkhóc, dở say dở tỉnh. Nó là cái ngoại hiện của những tấn bi kịch bên trong con người. Diễn tả những tình cảm phức tạp của nhân vật, NamCao sử dụng những từ ngữ có sức gợi lớn. Nhân vật của Nam Cao khóc: "Mắt lão ầng ậng nước", "nước mắt ứa ra òng ọng", "thầy rân rấn nước mắt", "mắt bu ầng ậng nước”, “khóc ằng ặc như người nuốt phải ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng", " khóc ngằn ngặt" ... Và cười: "Cười khành khạch", "cười sằng sặc", "cười hừng hực", "cười sòng sọc", "tiếng cười nảy lên đành đạch", "hắn ngửa mặt lên trời cười ặc ặc" v.v... Tâm trạng dỗi hờn cũng là một biểu hiện tâm lý phức tạp của nhân vật Nam Cao. Nhân vật của Nam Cao vốn cũng "hay tủi thân, hay khóc như những bà già". Chẳng hạn một văn sĩ Điền trong truyện Nước mắt: "Điền vẫn ngồi cúi mặt. Một nỗi chua xót gần như thuộc về thể chất ứ lên trong lòng Điền", "Điền cực lắm. Hắn thấy một lớp buồn tủi nữa chất thêm vào lòng!'. Và một anh giáo Thứ: "Thứ đột nhiên thấy nổi lên trong lòng một nỗi uất ức tối tăm. Nó nâng một cục gì lên, lấp họng y "... Những nhân vật nông dân hay người lao động khác của Nam Cao cũng có lúc mang một tâm trạng dỗi hờn như thế. Thai trong truyện Làm tổ: "Cổ hắn cứ nghèn nghẹn suốt từ giờ cho đến tối. Có lúc nước mắt hắn ứa ra một chút. Hắn ngao ngán quá”. Và Mô (Sống mòn): “Mặt nó sưng lên, như giận dỗi ai. Nó giận trời, giận đời, giận mẹ vợ, giận ô tô, giận chiến tranh, giận tất cả mọi người. Tìm cái dùi trống không thấy, nó nhặt ngay một thanh củi tạ, đạp loạng choạng mấy tiếng, rồi quăng ngay ra ngay giữa lối đi". Khi khắc hoạ tính cách nhân vật bằng đường dây tâm lý, Nam Cao sử dụng phổ biến lối trần thuật hoá thân vào nhân vật. Đến Nam Cao, văn xuôi Việt Nam đã trở thành giọng văn mang tính “phức điệu”. Thế giới nội tâm nhân vật được nhà văn trần thuật lại theo phương thức lời nửa trực tiếp, trong đó lời trần thuật ẩn dưới dưới lời nhân vật, điều này đặc biệt gây ấn tượng so với nhiều tác giả văn xuôi hiện thực lúc bấy giờ. Nam Cao buộc người đọc phải luôn theo dõi sự biến hoá của giọng văn, bị cuốn hút vào đó, thực chất là bị cuốn hút vào sự chuyển biến các trạng thái tâm lý nhân vật. Và cũng theo đó, Nam Cao sử dụng đầy hiệu quả kỹ thuật dòng ý thức gắn liền với độc thoại nội tâm, trong đó tư tưởng nhân vật luôn luôn lướt từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác như dòng sông chảy không ngừng. Đây là quan niệm động về tâm lý, trái với quan niệm tĩnh cho rằng tư tưởng có những đoạn, khúc, có giới hạn phân minh.

Phương thức này là biểu hiện một cách tinh vi của trạng thái ý thức của nhân vật diễn biến một cách quanh co phức tạp, theo những quy luật bất ngờ của sự sống. Độc thoại nội tâm là cách nhân vậttự nói chuyện với chính mình, gần như không có sự can thiệp của tác giả. Đây cũng là biện pháp nghệ thuật rất phổ biến ở Nam Cao.

5. Các ví dụ khác về chủ nghĩa hiện thực tâm lý​

Sự nhấn mạnh của James về tâm lý học trong tiểu thuyết của ông đã ảnh hưởng đến một số nhà văn quan trọng nhất của thời đại hiện đại, bao gồm Edith Wharton và TS Eliot.

"The Age of Innocence" của Wharton đã đoạt giải Pulitzer cho tiểu thuyết viễn tưởng vào năm 1921, đưa ra quan điểm của người trong cuộc về xã hội tầng lớp trung lưu. Tiêu đề của cuốn tiểu thuyết là mỉa mai kể từ khi các nhân vật chính của Newland, Ellen, và May, hoạt động trong các vòng tròn mà là bất cứ điều gì nhưng vô tội. Xã hội của họ có những quy định nghiêm ngặt về những gì là và không phù hợp, mặc dù những gì cư dân của nó muốn.

Như trong "Tội ác và Trừng phạt", các cuộc đấu tranh nội tâm của các nhân vật của Wharton được khám phá để giải thích hành động của họ, trong khi cùng lúc cuốn tiểu thuyết vẽ một bức tranh không tốt về thế giới của họ.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Eliot, bài thơ "The Love Song of J. Alfred Prufrock," cũng rơi vào thể loại chủ nghĩa hiện thực tâm lý, mặc dù nó cũng có thể được phân loại là chủ nghĩa siêu thực hay chủ nghĩa lãng mạn. Đó chắc chắn là một ví dụ về văn bản "dòng ý thức", như người kể chuyện mô tả sự thất vọng của anh ấy với những cơ hội bỏ lỡ và tình yêu đã mất.

(PC sưu tầm và tổng hợp)
Thêm
Chủ nghĩa hiện thực tâm lí
785
3
0
Trong sự hình thành và phát triển nền văn học của một dân tộc, văn hóa dân gian đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, sáng tác dân gian là một trong những cơ sở, nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học của dân tộc. Chính đời sống tinh thần của mọi thời đại đã chứng kiến mối quan hệ giữa folklore – văn hóa dân gian và văn học là một quá trình thực tế và liên tục. Sự ảnh hưởng của sáng tác dân gian truyền thống không chỉ bó hẹp ở một ngành hay một lĩnh vực nào đó mà diễn ra trên một phạm vi rộng, bao gồm cả văn học, sân khấu, âm nhạc, vũ đạo, hội họa, kiến trúc, điêu khắc…

Folklore hay còn gọi là văn hóa dân gian, là toàn bộ kho trí thức, trí tuệ, cách nhận thức của dân chúng, là toàn bộ các lĩnh vực sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân. Văn hóa dân gian tồn tại và phát triển từ lâu đời. Thuở mà con người chưa có chữ viết, văn hóa dân gian được truyền bá chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng, bằng các động tác làm mẫu để người khác làm theo…

Việc tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa dân gian nói chung với văn học viết là một vấn đề được giới nghiên cứu ngữ văn và folklore rất quan tâm. Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu luôn chú ý tới mối quan hệ giữa folklore và văn học dân gian; mối quan hệ giữa folklore và văn học viết và mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết.

Trước hết là vấn đề mối quan hệ về nội dung tư tưởng giữa hai loại hình nghệ thuật văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian là kho trí tuệ quý báu của nhân dân lao động, đem lại cho văn học viết sự lựa chọn đề tài bởi đề tài trong văn học dân gian vô cùng rộng lớn, đủ màu sắc, trên mọi bình diện của đời sống, không bị giới hạn bởi những quan niệm đề tài sang hèn, cao thấp. Các tác giả có thể lấy văn học dân gian làm ngữ liệu cho những tác phẩm của mình. Nội dung của những câu chuyện dân gian dưới ngòi bút của những nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu thuyết… bỗng trở nên hấp dẫn đến kỳ lạ. Các tác giả của dòng văn học viết đã lấy chính nội dung của những câu chuyện dân gian làm nội dung chính trong các tác phẩm của mình.

Và "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình cho việc ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết về phương diện nội dung tư tưởng. Một trong những nội dung tư tưởng lớn lao, cao cả nhất của "Truyện Kiều" là tình thương bao la, bát ngát cho những kiếp người đau khổ, đặc biệt là phụ nữ:

“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
(Truyện Kiều)

Vậy thử hỏi, cái tình cảm lớn lao đó, một khi đã không phải trên trời rơi xuống cho Nguyễn Du thì từ đâu đến là chính? Từ cuộc sống và tâm lý trưởng giả hay từ cuộc sống và tâm lý dân gian? Từ nền văn học bác học đã có trước Nguyễn Du hay từ nền văn học dân gian truyền thống? Không ai là không trả lời được rằng Nguyễn Du đã học tập cái tinh thần nhân đạo ấy ở quần chúng nhân dân, thông qua ca dao, dân ca; và học tập qua cách sống, nét văn hóa của quần chúng. Ông từng xác nhận: “Thôn ca sơ học ma tang ngữ” – từ nhỏ học lời người trồng dâu, trồng đay qua những bài hát nơi thôn xóm, đó là một minh chứng cho tinh thần học tập, tiếp thu những giá trị truyền thống đẹp đẽ của văn học dân gian, văn hóa dân gian của Nguyễn Du nói riêng và các tác giả văn học viết nói chung.
Thêm nữa ngôn ngữ văn học dân gian và ngôn ngữ văn học viết đều là ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng khác nhau về mức độ gọt giũa của ngôn từ, về sự có mặt hay vắng mặt của dấu ấn cá tính sáng tạo của chủ thể trên ngôn ngữ tác phẩm. Ra đời sau nên ngôn ngữ văn học viết được gọt giũa, trau chuốt mà mang đậm phong cách của từng nghệ sĩ. Văn bản đã hình thành là cố định, có tính duy nhất nên bản thân người sáng tạo thường mất rất nhiều thời gian, công sức để có dấu ấn của mình. Đọc tác phẩm văn học, sức hấp dẫn chính là ở sự mới mẻ. Cùng là một hình ảnh vầng trăng, Nguyễn Du viết:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
(Truyện Kiều)

Muộn hơn, Tố Hữu không thể lặp lại và viết:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
(Việt Bắc)

Đến Nguyễn Duy:

“Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
(Ánh trăng)

Rõ ràng, cùng một hình ảnh nghệ thuật, qua bàn tay của mỗi người nghệ sĩ lại hiện lên với một dáng vẻ khác nhau, mới lạ và chất chứa bao tình cảm. Trong khi đó, người nghệ sĩ dân gian thường không cần gia công nhiều, không mất nhiều thời gian vì trong tay họ lúc nào cũng sẵn có thứ bảo bối truyền nhiều đời, tạm gọi là các công thức truyền thống. Trong ca dao, dân ca, chúng ta cứ ngân nga mãi không bao giờ biết chán những câu:

“Hỡi cô tát nước bên đàng.
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”

Ngôn từ trong sáng tác dân gian mộc mạc, giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hơn nữa, ngôn ngữ này không phụ thuộc nhiều vào văn bản như ngôn ngữ của văn học viết mà phụ thuộc vào môi trường diễn xướng, gắn liền với tính tập thể và truyền miệng. Cùng một câu ca dao nhưng qua hình thức đối đáp giao duyên của từng vùng miền đã có sự thay đổi về mặt ngôn từ trên một nội dung sẵn có.

Văn học dân gian có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ, sâu sắc đối với nền văn học viết. Nhưng ngược lại, văn học viết cũng có những tác động trở lại đối với văn học dân gian. Chẳng hạn, các tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao, những nhân vật trong "Truyện Kiều", "Lục Vân Tiên"… là những ví dụ tiêu biểu. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình cho hiện tượng một tác phẩm văn học bác học đã được dân gian hóa một cách cao độ hiếm có. Kiệt tác này được dân gian hóa bằng nhiều phương diện, nhiều hình thức biểu hiện trong đó có bói Kiều là điều đáng nói nhất.
Cũng cần phải nói thêm rằng sở dĩ có hiện tượng trên là vì những câu thơ mộc mạc, dân dã, thể hiện đời sống của người dân lao động như trên vốn thường hay xuất hiện trong ca dao, dân ca. Đó là những lời thơ gần gũi, quen thuộc với người bình dân. Vì vậy, họ đã coi và biến chúng trở thành lời ăn, tiếng nói hàng ngày của mình. Như vậy, các tác giả dân gian đã sử dụng văn liệu, thi liệu của văn học viết để làm cho đời sống tinh thần của họ ngày càng trở nên phong phú hơn, sinh động hơn. Hơn nữa, các tác giả dân gian cũng học tập được nhiều điều bổ ích từ sáng tác của các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Họ đã khai thác không ít điển cố, điển tích, từ ngữ, hình ảnh… trong văn học viết để đưa vào các bài vè, câu hát… của họ.

Rất nhiều ngôn từ, điển tích của văn chương bác học đã đi vào dân gian:

- “Anh xa xem như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều và Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi”

- “Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Mối sầu tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”

Các từ Thúy Kiều, Kim Trọng, tinh đẩu, tào khê được các tác giả dân gian lấy từ nguồn văn học bác học.

Tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa "Truyện Kiều" của Nguyễn Du với thơ ca dân gian có thể coi như một trường hợp tiêu biểu đầy hứng thú cho vấn đề này. Theo một số thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng hai trăm trường hợp dân ca, ca dao và "Truyện Kiều" chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Có đến hàng trăm câu Kiều lấy ý, lấy hình ảnh, motip trong ca dao dân ca và ngược lại cũng có số lượng tương đương những câu ca dao dân ca là những câu thơ Kiều hoặc được giữ nguyên hay đã cải biên ít nhiều. Ví dụ như :

"Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
Chắc đâu trong đục mà chờ
Hoa thơm mất tuyết biết nương nhờ vào đâu…"
(Ca dao )

"Nàng rằng đã quyết một bề
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần,
Đục trong thân vẫn là thân
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình"
( Truyện Kiều )

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng…"
(Ca dao )

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường".
(Truyện Kiều)

Với một số câu vừa dẫn hay cả quá trình tìm hiểu thật khó để có thể xác định rõ từ ca dao đã ảnh hưởng đến câu thơ trong "Truyện Kiều" hay ngược lại. Hay nói một cách khác đó chính là mối quan hệ giữa thơ ca dân gian với thơ ca bác học đặc trong mối quan hệ hai chiều. Theo lẽ thông thường ta luôn nghĩ thơ ca dân gian cho nhiều hơn nhận, mà về bản chất nó cũng dễ thấy, dễ nhận diện hơn. Tuy nhiên trong thực tiễn lịch sử văn học với các hiện tượng văn học mà cụ thể ở đây là ca dao dân ca với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du thì việc ca dao dân ca ảnh hưởng từ văn học bác học cũng không phải là không có, thậm chí còn rất mạnh mẽ. Điều này sẽ còn phải khai thác, chứng minh làm rõ hơn nữa trong tương lai.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Văn học Việt Nam thế kỉ X đến thế kỉ XIX – Những vấn đề lý luận và lịch sử _ Nxb Đại học quốc gia Hà Nội ( Trần Ngọc Vương chủ biên)

Sưu tầm
Thêm
2K
0
0

Trang cá nhân

Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Hiện tại có cuộc thi nào không các bạn
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. hưnga @ hưnga:
    cho em hỏi xu có những tác dụng gì ạ
Top