Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bảo Ninh là bút danh - ngoài ra còn rất nhiều bút danh khác như Nhật Giang, Mã Pí Lèng…. Ông sinh ngày 18 tháng 10 năm 1952 tại Nghệ An, tên thật là Hoàng Ấu Phương, là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn, trong đó thành công nhất là Nỗi buồn chiến tranh. Cùng VHT đọc bài viết sau đây để hiểu thêm về Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh.


Bao-Ninh-vhsg3.jpg

Ảnh sưu tầm


Đã hơn 30 năm từ ngày tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (tên ban đầu là Thân phận của tình yêu) của nhà văn Bảo Ninh (tên thật là Hoàng Ấu Phương, quê Bảo Ninh, Quảng Bình) ra đời và nổi tiếng khắp thế giới. Nó được xem là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học Đổi mới”… Tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng, và có những thứ tiếng có 2 phiên bản, giới thiệu ở 18 nước trên thế giới. Trên tờ quảng cáo bản dịch tiếng Trung ghi rõ “Bốn lần được đề cử giải Nobel”. Nhiều người đã đem Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đặt cùng hàng với Phía Tây không có gì lạ của Remarque, Người đọc của Bernhard Schlink (Đức), Người đua diều của Khaled Hosseini (Ba Tư). Đã có rất nhiều bài phê bình và cả những luận văn, luận án về tác phẩm này, hầu như không còn gì để viết nữa.

Dẫu vậy, số phận Nỗi buồn chiến tranh vẫn chưa xong xuôi, vẫn còn những ý kiến trái chiều. Tác phẩm sau khi xuất bản đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, rồi bị cấm từ năm 1993 đến 2005, đến 2006 lại được phép xuất bản trở lại. Sau năm 1991 đã có nhiều nhà văn có tên tuổi viết bài phê bình Bảo Ninh. Tôi nhớ tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, 2010, tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tiến ra giữa hội trường xin lỗi nhà văn Bảo Ninh vì đã viết bài phê phán ông. Năm 2011 sách được Giải thưởng châu Á của Nhật Bản (Nikkei Asia Prize). Nhưng ở Việt Nam cho đến nay tác phẩm vẫn chưa lọt vào Giải thưởng Nhà nước, mặc dù theo tôi, nó đã xứng đáng từ lâu, vì nó đứng vào hàng kinh điển thế giới. Một số trường đại học ở Mĩ đưa Nỗi buồn chiến tranh vào loại sách bắt buộc phải đọc. Nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) cũng liệt vào sách phải đọc đối với học viên lớp sáng tác mà ông phụ trách.

Bảo Ninh là nhà văn cựu chiến binh, quê Quảng Bình, sinh năm 1952 tại Nghệ An, trong một gia đình nhiều đời nho gia, bố là nhà ngữ học nổi tiếng Hoàng Tuệ, từng làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nghiên cứu về chuẩn tiếng Việt và nhiều vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của Nhà nước. Sau năm 1975, Hoàng Ấu Phương được giải ngũ, học Trường viết văn Nguyễn Du khóa III, bắt đầu viết văn từ năm 1987. Thời đi bộ đội, Phương từng đọc tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Erich Maria Remarque (1898 - 1970) viết về Thế chiến thứ nhất. Hòa bình, thân phụ nhà văn sau chuyến đi Pháp có mang về tập tiểu thuyết Cuộc đời và số phận của Grossman (1905 - 1964), viết về cuộc sống người dân Xô-viết trong chiến tranh chống phát xít. Cả hai cuốn sách có tính phản tư về lịch sử đều có ảnh hưởng đến tư tưởng và nghệ thuật của Bảo Ninh. Khi viết Nỗi buồn chiến tranh theo kiểu phản tư, không phải Bảo Ninh không biết trước những hiểm nguy đang chờ đợi ông. Nghệ thuật của ông có tính chất dấn thân và suốt thời gian hơn 30 năm, trước bao dư luận, ông vẫn giữ thái độ im lặng bình thản. Từ đây ta thấy ý thức nghệ thuật và tinh thần dũng cảm của nhà văn Bảo Ninh.

Nỗi buồn chiến tranh thuộc loại tiểu thuyết chỉ có một nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Các nhân vật khác đều là phụ, xuất hiện thấp thoáng trong các tình tiết. Kiên là nhân vật chính mang ba vai. Là người chiến sĩ sống sót sau chiến tranh của một đơn vị, không thể tự giải thoát khỏi các hồi tưởng về cuộc chiến tranh vừa qua và về các đồng đội đã mất như một chứng bệnh trầm cảm. Là người đánh mất mối tình đẹp đẽ của mình. Là người viết tiểu thuyết với ý thức sứ mệnh. Với ba vai đó, tiểu thuyết thể hiện ba nội dung cơ bản: cuộc chiến tranh khốc liệt với vô vàn chết chóc; chiến tranh và sự hủy diệt hạnh phúc đời thường; ý thức về chuyện viết văn về đề tài chiến tranh, muốn vượt qua truyền thống cũ.

Vấn đề đầu tiên đối với nhà văn là viết về chiến tranh như thế nào. Khi bắt đầu tiểu thuyết Kiên đã tự nêu câu hỏi: “Vì sao anh lại chọn chiến tranh và vì sao nhất thiết phải là nó?” (Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, 2011, các trích dẫn về sau đều lấy từ nguồn này). Anh chọn nó chính là để thay đổi nó. Vấn đề chính là ở cách nhìn về chiến tranh. Cuốn sách đã đi ngược lại với truyền thống thể hiện chiến tranh đã thành công thức. Một số người cho rằng, viết như thế là “xúc phạm” người đã khuất, vì không viết họ như những anh hùng. Nhưng chiến tranh là một đề tài rộng lớn, mà các hành động anh hùng trong chiến đấu chỉ là một phương diện. Chiến tranh còn là chết chóc, là hủy diệt, là mất mát đau thương... - những điều không thể không viết. Đất nước ta ở vào một vị trí địa chính trị thế nào đó mà thường phải đương đầu với chiến tranh và buộc phải sống còn. Sau tất cả, hòa bình thật quý giá. Đó cũng là tư tưởng của Hồ Chí Minh khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 19/12/1946. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, sang cuộc kháng chiến chống Mĩ, tiểu thuyết về chiến tranh ở Việt Nam ra đời trong nhu cầu giáo dục truyền thống anh hùng. Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Chu Lai, Nam Hà… và biết bao nhà văn Việt Nam khác đã sáng tác tiểu thuyết về chiến tranh như thế. Trước đó đã có biết bao tác phẩm phản ánh chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, Trung Quốc cũng nhằm giáo dục truyền thống anh hùng. Các tiểu thuyết chiến tranh, do yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng, đều thể hiện nhất loạt ta thắng địch thua, ta chính nghĩa địch phi nghĩa, ta dũng cảm địch hèn nhát, ta là người địch là thú vật, ta chính nghĩa thì hi sinh là chuyện lương tâm và tất yếu... Đó là công thức chung.

Là nhà văn, Bảo Ninh nghĩ: “Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui.” Cái khó ở đây là ở chỗ, đối với “những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng”, nhiều người chỉ thấy mặt cố định, mà không thấy sự đổi thay của chúng.

Là người lính đi qua chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh, sau khi chiến tranh kết thúc, đã nói lên một tiếng nói khác, có phần ngược lại: “Nỗi buồn chiến tranh”. Là nhân chứng của chiến tranh, là người đã chứng kiến biết bao chiến sĩ của ta đã hi sinh, ông đã thấy những giá trị đổi thay. Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết đã vượt lên chiến tranh. Ở đây chiến tranh chỉ là bối cảnh, còn nội dung tiểu thuyết là nỗi buồn đau triền miên mà chiến tranh để lại. Đó là nỗi buồn của chết chóc hủy diệt, nỗi buồn của tuổi trẻ phôi pha, nỗi đau của tình yêu tan vỡ. Viết về chiến tranh là viết về thể nghiệm đời sống đau đớn của những người trải qua chiến tranh, đó là quan điểm nhân văn. “Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh.” Nhà văn Kiên “thâm tâm luôn muốn viết về chiến tranh sao cho khác trước”. Bảo Ninh không miêu tả, kể chuyện về cuộc chiến, không kể lại bất cứ trận đánh nào, mà kể về suy nghĩ, cách ứng xử về cuộc chiến. Hiện lên trước mắt ta là nhân vật Kiên, người lính trinh sát năm xưa nay đi tìm và quy tập hài cốt các đồng đội đã hi sinh, với vô vàn hồi tưởng về những đồng đội và những cái chết, những biến thái tâm lí, những cơn điên dại, hồi tưởng về người yêu và tình yêu đã mất, với khát vọng viết lại “nội dung của lời trăng trối” của người lính chống Mĩ. Ông từ chối chi tiết điển hình trong quá trình phát triển của lịch sử, để viết theo dòng chảy của hồi ức và tâm trạng. Chi tiết hiện thực của ông rất nhiều, nhưng không sắp xếp theo thứ tự lí tính. Truyện của ông không có cốt truyện, không có trật tự thời gian tuyến tính, không có kết cục rõ ràng. Nhân vật của ông không sống với thời đại mới sau chiến thắng chấn động địa cầu, mà sống với quá khứ. “Không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi, mà trái lại, những tấm thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi...” Người kể chuyện trong tiểu thuyết của ông không điều khiển được cái viết: “Không phải là anh, mà là một cái gì đấy đối lập, thậm chí thù nghịch với anh đang viết, đang không ngừng vi phạm, không ngừng lật ngược tất cả những giáo điều cùng tất cả những tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất của anh. Và hoàn toàn không cưỡng nổi, mỗi ngày Kiên một dấn mình thêm vào vòng xoáy của nghịch lí hiểm nghèo ấy của bút pháp.” “Trong từng chương một, Kiên viết về chiến tranh một cách rất tùy ý như thể ấy là một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể cuộc chiến của riêng anh.” “Ngấm ngầm anh tin mình tồn tại ở đời với một thiên mệnh vô danh, thiêng liêng và cao cả, song tuyệt đối bí ẩn.” Kiên là một trường hợp điển hình của chứng PTSD (chứng rối loạn tâm lí hậu chấn thương), và nhờ hồi tưởng, nhờ viết tiểu thuyết mà vượt qua cơn bệnh. Nhưng Kiên vẫn không phải là người đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết, mà phải là một người khác tỉnh táo hơn, bởi Kiên không thoát khỏi nhân vật để thành tác giả. Khi được hỏi mối quan hệ giữa nhân vật Kiên và Bảo Ninh như thế nào, thì tác giả Nỗi buồn chiến tranh trả lời: “Kiên là nhân vật hư cấu, hoàn toàn không phải tôi, đời sống và chiến đấu của anh ta cực kì khác tôi, nhưng Kiên cũng chính là tôi.” Kiên là nhân vật hư cấu, nhưng Kiên cũng chính là Bảo Ninh. Bảo Ninh đã thay đổi cách viết về chiến tranh. Những ai đã đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sẽ không thể nào viết lại chiến tranh theo kiểu cũ được nữa.

Toàn bộ tiểu thuyết được kể bằng ngôi thứ ba với điểm nhìn duy nhất của Kiên, và nhiều khi Kiên gạt bỏ luôn ngôi thứ ba để đứng ra kể chuyện xưng “tôi” theo ngôi thứ nhất, nhất là khi nói về cách viết tiểu thuyết. Chỉ có chương cuối cùng là lời của một người đọc đặc biệt xưng “tôi” biên tập lại bản thảo dang dở và đánh giá đúng bản thảo. Cái “tôi” này cũng chẳng phải ai xa lạ, rất có thể là cái “tôi” đã xuất hiện trong văn bản. Người đọc xưng “tôi” này đã vượt qua các định kiến của những người hàng xóm, coi Kiên là “nhà văn phường”, một kẻ dị biệt, thị dân, tiểu tư sản, cực đoan, bạc nhược, để hiểu được “có chung một Nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ”. Toàn bộ tiểu thuyết được thể hiện bằng những hồi tưởng đứt đoạn của Kiên. Bảo Ninh thích dùng lối tạt lùi (flashback) để nhớ lại một chi tiết ngắn của quá khứ, làm cho cả tiểu thuyết được dệt bằng các đoạn hồi tưởng ngắn và suy ngẫm. Sẽ là ngây thơ nếu ai đó tin vào lời của nhà văn Kiên trong truyện, để tin rằng tiểu thuyết viết lộn xộn, tuỳ tiện vô thức. Chính những tạt lùi ngắn ngủi đã băm vụn cuộc chiến, để không tái hiện hoàn chỉnh nó nữa, vì ai cũng đã biết hết, mà chỉ tái hiện các mảnh vụn, những mảnh ghép làm nên “cuộc chiến của riêng Kiên” và nỗi buồn của anh mà mọi người chưa biết. Điểm nhìn của nhân vật Kiên và của người kể chuyện Kiên không trùng khít, bởi điểm nhìn sau hàm chứa một thái độ phản tư, phân tích những gì đã nhìn thấy và hồi tưởng, một điểm nhìn hậu chiến, điểm nhìn của người đã ra khỏi cuộc chiến và suy tư về nó, vượt lên nó. Nhìn bề ngoài, tất cả các chương của cuốn tiểu thuyết đều song hành trên một mặt bằng thời gian, bất cứ lúc nào Kiên đều có thể trở đi trở lại với những thời điểm quen thuộc với anh trong cuộc chiến, như thể thời gian không trôi qua. Nhưng đọc kĩ, sẽ thấy, cốt truyện chủ yếu là câu chuyện viết tiểu thuyết của Kiên. Từ chuyện đi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, Kiên nảy ra ý muốn kể lại lời trăng trối của những người đã mất, rồi tiếp theo là chuyện viết, cách viết, viết thâu đêm, viết rồi bỏ, chuyện vô vàn cái chết, chuyện gia đình của Kiên, chuyện tình tan vỡ của Kiên, chuyện Kiên bất lực với câu chuyện và biến mất, và kết thúc bằng một ai đó biên tập tiểu thuyết và tiểu thuyết đã hoàn thành. Một siêu tiểu thuyết (metafiction), trong tiểu thuyết hàm chứa một tiểu thuyết, tiểu thuyết về ý thức đổi mới cách viết một đề tài. Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh mang một chủ đề kép. Nó không chỉ nêu một cách nhìn khác về chiến tranh, mà còn đề xuất một cách viết khác về đề tài chiến tranh, đề xuất một đổi thay về phương pháp sáng tác nữa.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh còn là một tiểu thuyết xuất sắc về ngôn ngữ văn học. Toàn bộ tác phẩm không phải lời kể chuyện thông thường, mà là lời độc thoại của nhân vật do người kể chuyện mượn để làm điểm tựa, lời của nhân vật Kiên. Vì thế đọc tiểu thuyết như là đọc lời bộc bạch, trữ tình, tâm sự của một tâm hồn. “Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên. Thì ra, anh, Kiên cũng có một thời trai trẻ trung, cái thời mà giờ đây khó lòng mường tượng lại được nữa, cái thời mà toàn bộ con người anh, nhân tính và nhân dạng, còn chưa bị bạo lực của chiến tranh hủy hoại, cái thời anh cũng ngập lòng ham muốn, cũng biết say sưa, si mê, cũng trải những cơn bồng bột, và cũng ngốc nghếch ngẩn ngơ, cũng từng tan nát cả cõi lòng vì tình yêu thương đau khổ, vì ghen tuông tủi hờn và cũng đáng được ưu ái như các bạn anh bây giờ. Chao ôi, chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!” Câu văn dài với nhiều thành phần phụ, với các từ trùng điệp, lặp lại, ngân nga như thơ, như ru người đọc vào hồi tưởng mà chìm ẩn trong nhịp điệu ấy là nỗi niềm tiếc nuối vô hạn và nỗi buồn sâu thẳm. Nhà văn Diêm Liên Khoa, người đánh giá cao và giới thiệu tiểu thuyết này với độc giả Trung Quốc tỏ ý tiếc là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh giàu chất trữ tình quá. Theo ông có lẽ phải viết với lời văn giễu nhại. Ý kiến đó theo tôi không hợp. Người ta có thể giễu nhại một cuộc đại nhảy vọt, cuộc cách mạng văn hóa kệch cỡm như chính Diêm Liên Khoa đã làm trong các tiểu thuyết của ông, nhưng khó mà giễu nhại một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nhưng khúc trữ tình với khúc ai ca tuy gần mà cũng có khác nhau. Nỗi buồn chiến tranh vẫn chỉ là nỗi buồn, nỗi đau, mà chưa phải là thể loại khúc ca, bài ca. Dịch là Chiến tranh ai ca có thể làm giảm nhẹ sức suy nghĩ hàm chứa trong tiểu thuyết. Tất nhiên bản dịch của dịch giả Hạ Lộ là một đóng góp lớn đối với văn học Việt Nam, rất đáng quý.

Mới đây, Hội Văn học nghệ thuật Danube và Nhà xuất bản AB ART của Hungary đã quyết định trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube 2022 cho nhà văn Bảo Ninh, thêm lần nữa củng cố và khẳng định vị trí của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh trên văn đàn thế giới.​
...............................................
Tác giả: Trần Đình Sử
(Triều Anh sưu tầm)
Thêm
“Nỗi buồn chiến tranh”, một cách viết khác về chiến tranh
704
7
3

Thích Văn Học

Sáng tạo nội dung (content)
30/9/21
145
13
18,000
Hà Nội
forum.vanhoctre.com
Xu
950,603
Không phải câu chuyện nào cũng có thể được xướng ngôn. Không phải câu chuyện nào cũng có thể được diễn ngôn. Không phải câu chuyện nào được chứng thính cũng phản ánh được hoàn toàn bản chất thật...
 
Ngày 01/02/2023, Google Doodle thu hút sự chú ý khi hiển thị hình ảnh, tôn vinh nhà thơ Sương Nguyệt Anh. Kèm theo đó là lời giới thiệu bà là nữ tổng biên tập của đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và tưởng nhớ một cây bút tài hoa, nữ sĩ tiên phong trong công cuộc đấu tranh, khẳng định vị thế của phái nữ.

Tài sắc hơn người nhưng cuộc sống đầy bi thương​

Sương Nguyệt Anh là bút danh, còn theo các tài liệu nghiên cứu, tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê, có nơi ghi là Nguyễn Ngọc Khuê, Nguyễn Thị Xuân Khuê. Bà sinh ngày 08/03/1864, tại Bến Tre. Bà là con gái thứ 4 của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu và bà Lê Thị Điền. Ngoài bút danh nổi tiếng trên, bà còn sử dụng một số khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga hay Nguyệt Anh.

Nhà thơ Sương Nguyệt Anh.jpg

(Tranh vẽ ông Nguyễn Đình Chiểu, bà Lê Thị Điền và con gái Nguyễn Thị Khuê)
Từ nhỏ, Sương Nguyệt Anh đã thông minh hơn người và được cha dạy cho nhiều điều. Bởi nhà đông con, cha lại bị tật nên bà đã sớm thạo việc nhà, chăm lo cho gia đình và giúp đỡ cha làm thuốc. Ban ngày, chị em bà thường xem cha dạy học, chữa bệnh, đến tối thì đọc sách và tập làm thơ. Cả Sương Nguyệt Anh và người chị Nguyễn Thị Kim Xuyến đều nổi tiếng học giỏi, văn hay chữ tốt. Thậm chí, người trong vùng còn ca tụng hai người con gái của Nguyễn Đình Chiểu là “Nhị Kiều”.

Tài hoa là thế nhưng cuộc sống của Sương Nguyệt Anh không được trọn vẹn bao năm. Vào năm 1888, khi bà mới 24 tuổi đã chứng kiến cha rời xa cõi đời. Sau đó, bà cùng với người anh trai Nguyễn Đình Chúc tiếp quản lớp học của cha. Buồn thay, ông Phủ Xuyên - tri phủ Ba Tường hồi đó đã nhắm trúng bà, đến hỏi làm vợ không được thì đem lòng oán hận, dùng nhiều thủ đoạn hãm hại.

Để tránh tai họa, bà phải cùng gia đình anh trai chuyển đi nhiều nơi, sau ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân ở Rạch Miễu. Tại đây, bà nên duyên với ông Phó tổng Hòa Quới, Gia Định xưa. Ông này tên là Nguyễn Văn Tính, thường gọi là thầy Cai Tính, góa vợ nhưng tính tình hiền lành, rất được lòng dân.

Gia đình đủ đầy chưa được lâu, khi con gái đầu lòng mới 2 tuổi, chồng bà mất. Lúc này, cha mẹ đều không còn, cuộc sống chỉ còn người con gái làm chỗ dựa tinh thần. Sau này, con gái bà cũng qua đời khi vừa sinh con, để lại một người cháu ngoại.

Mất chồng khi mới 30 tuổi, dù nhiều người còn khuyên bảo nên tục huyền, song, bà ở vậy và mở trường dạy chữ Nho. Cũng từ đây, chữ Sương (trong "sương phụ") được thêm vào bút danh Nguyệt Anh, thành “Sương Nguyệt Anh” nghĩa là “Nguyệt Anh góa chồng”, tỏ rõ ý chí thủ tiết thờ chồng.

Sống giữa thời kỳ đất nước gồng mình chống quân thù, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, được sự dạy bảo của người cha “lấy ngòi bút làm vũ khí”, cả đời đấu tranh vì chủ nghĩa nhân đạo và người mẹ tảo tần, hiền dịu, bà đã sớm được tôi luyện ý chí và bản lĩnh.

Điều này đã được thể hiện rất rõ qua những áng thơ, bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Các sáng tác của bà luôn thể hiện cái nhìn sâu rộng, chân thật, đôi khi vừa căm phẫn, vừa ngang tàng. Đáng tiếc, đến nay không còn lưu giữ được nhiều tác phẩm. Song, có thể kể đến một số bài tiêu biểu như Đoan Ngọ Nhật Điếu Khuất Nguyên, Thưởng Bạch Mai, Tức Sự. Hay một số dòng thơ:

“Phong cảnh mặc dầu chia đất khác,
Nắng mưa đâu cũng đội trời chung.
Quê người tạm gởi nhành dương liễu,
Đường hoạn xin tròn phận kiếm cung
.” (Tiễn Ông Trần Khải Sơ Yừ Bến Tre Về Sa Đéc).



“Bể ái sóng ân còn lắm lúc,
Mây ngàn hạc nội biết là nơi.
Một dây oan trái vay rồi trả,
Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời.”
(Họa Thơ Ông Phủ Học).

Khi Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du vào những năm đầu của thế kỷ XX, chính Sương Nguyệt Anh cũng là người hưởng ứng nhiệt tình. Thậm chí, bà còn bán đất, gửi tiền đóng góp giúp các du học sinh đi tìm đường cứu nước. Sau này, phong trào bị đàn áp, bà cũng chẳng nản lòng, tiếp tục noi gương người cha với ý chí “Chở bao nhiêu đạo thuyền không đắm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Nữ chủ báo đầu tiên, cây bút tiên phong của phụ nữ Việt Nam​

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh lên Sài Gòn và cùng một nhóm chí sĩ yêu nước chuẩn bị xuất bản tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. Ngày 01/02/1918, số báo đầu tiên của tờ Nữ Giới Chung ra mắt, bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của làng báo Việt Nam. Tòa soạn báo được đặt tại địa chỉ số 155 đường Taberd, Sài Gòn, nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP. HCM.

Tờ Nữ Giới Chung được đặt tên với ý nghĩa là tiếng chuông của nữ giới. Ngay trong số báo đầu tiên, nữ chủ biên đã khẳng định, mục đích hoạt động là truyền bá chữ Quốc ngữ, đề cao luân lý, dạy cách sống, chú trọng đến công - nông - thương nghiệp và tiểu công nghệ, đặc biệt đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Tờ báo Nữ Giới Chung được phát hành định kỳ vào thứ 6 hằng tuần với định lượng 24 trang. Trong đó, ngoài 10 trang quảng cáo các loại hàng hóa, công ty, nhà thuốc cho người Việt thì có 14 trang nội dung với mục xã luận, văn nghệ, đức hạnh, học nghề, danh ngôn, lời hay ý đẹp và trò chuyện mẹ con. Đây cũng là tờ báo đầu tiên của nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công gia chánh, phê phán những luật lệ khắt khe mà nữ giới thời đó phải chịu. Sương Nguyệt Anh đã tập hợp được những cây viết rắn rỏi, với tư tưởng tiến bộ, sẵn sàng dùng ngòi bút lên tiếng đòi bình đẳng nam nữ. Bà từng viết:

“Từ đây xin chị em mọi người ai có điều chi hay, hoặc luận biện hoặc hài đàm, hoặc phù cùng là ca rao, cái nào không thất trung hậu, cái nào đăng mở tứ cho bọn nữ lưu, thì xin gửi đến bổn báo sẽ ấn hành, trước cho phổ thông học thức, sau lo tấn bộ cho chị em ta.”

Hay dòng thơ đề cao tinh thần quật khởi từng được đăng trên Nữ Giới Chung số 12:

“Chuông vàng gióng giả
Gửi bạn quần xoa
Phá tan giấc điệp
Tỉnh lại hồn hoa
Hỡi chị em ơi dậy dậy mà”.


Sức lan tỏa của tờ báo đã khiến mật thám Pháp e ngại. Như tác giả Bằng Giang từng viết trong Mảnh Vụn Văn Học Sử: “Bà Sương Nguyệt Anh lấy tờ báo làm diễn đàn dạy bếp núc, nữ công và làm thơ, tuyệt nhiên không để cho thực dân khai thác. Chán nản, Sarraut giải tán Nữ Giới Chung và bắt đầu khai tác những nhà tân học”.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, vì nhiều lý tưởng của báo quá mới mẻ và táo bạo so với nhận thức lúc bấy giờ làm cho không phải độc giả nào cũng tiếp cận được. Bởi những lý do này mà sau 6 tháng phát hành, Nữ Giới Chung đã bị đình bản.

Song, cũng không thể phụ nhận, những tâm huyết của Sương Nguyệt Anh cùng đội ngũ biên tập qua 22 số báo là tiếng chuông ngân mãi, thức tỉnh và cổ vũ cho không ít độc giả nữ, làm tiền đề cho những tạp chí dành cho phái nữ sau này như Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ Thời Đàm. Về sau, Sương Nguyệt Anh được mời làm chủ bút cho tờ Đèn Nhà Nam (cải biên từ Nữ Giới Chung) nhưng bà đã từ chối.

Khi sức khỏe suy yếu, mắt mù lòa dần, Sương Nguyệt Anh vẫn vừa chữa bệnh, vừa dạy học cho đến những năm tháng cuối đời. Nữ sĩ qua đời vào tháng 1/1921 tại Mỹ Chánh Hòa, hưởng dương 57 tuổi, được an táng cạnh mộ cha mẹ ở quê nhà Ba Tri, Bến Tre.

Dù đã ra đi nhiều năm nhưng nhắc đến Sương Nguyệt Anh là người ta nhớ ngay đến một nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa, người tiên phong của phụ nữ trong công cuộc khẳng định vị thế, đấu tranh vì bình đẳng giới. Trước khi được tôn vinh vào ngày 01/02/2023, Google Doodle từng liệt kê bà trong danh sách những người phụ nữ tiên phong của nhân loại, cùng với các tên tuổi như Marie Curie, Ada Lovelace...

Nguyễn Liên Phong để dành sự tri ân cho nữ chủ biên đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

“Gương tỏ đời nay trang tiết phụ
Lâu đài tiếng tốt tạc non sông”.

Hình ảnh mà Google tôn vinh có phải chính là dáng hình của Sương Nguyệt Anh?​

Nhà thơ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam.jpg

(Người phụ nữ trong bức tranh có thật là bà Sương Nguyệt Anh? Không- là GG đã nhầm lẫn)

Bức tranh một phụ nữ vấn tóc cao, đeo hoa tai mặc áo dài màu xanh trông xinh đẹp, quý phái trong dòng chữ GG đưa ra không phải là hình dáng của bà Sương Nguyệt Anh. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là người chuyên nghiên cứu về báo chí trong thế kỷ 20. Ông nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi có thấy tranh Google vẽ bà Sương Nguyệt Anh. Có lẽ họ vẽ phỏng chừng thôi. Tôi chưa thấy báo xưa nào in ảnh bà ấy".
Nguyên mẫu mà GG phỏng theo có thể là bà Đặng Kim Chi - người từng là trưởng trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh. Phó giáo sư Phan Thị Yến Tuyết - họ hàng xa với bà Đặng Kim Chi, từng tham dự lễ khánh thành Trường Sương Nguyệt Anh cũng đã khẳng định điều này. Theo bà Tuyết, nhiều học sinh thời đó vẫn nhớ hình ảnh của bà Kim Chi. Trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh thành lập năm 1971. Ðây là ngôi trường nữ đầu tiên tại Việt Nam với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp. Mô hình giáo dục này học tập các nước tiên tiến thời bấy giờ. Hiện nay, đây là Trường THCS - THPT Sương Nguyệt Anh, TP.HCM.

Nữ sĩ làm thơ, mà nhiều bài về hoa mai, thứ hoa xuân phổ biến ở miền Nam. Trong đó có câu "Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân" ( nghĩa là "Tư chất như quỳnh, cốt cách như ngọc, thiên chân trời gửi gắm cho hoa"). Có lẽ vì lẽ đó mà trong hình ảnh tôn vinh bà, ngoài tờ báo (chỉ tờ Nữ giới chung) còn có cành mai vàng gắn liền.

Một phụ nữ tuyệt vời như bà đúng là " Quỳnh tư ngọc cốt bản thiên chân".

MỘT VÀI BÀI THƠ CỦA SƯƠNG NGUYỆT ANH​

1. Cây mai​

Tài không sắc, sắc không tài,
Lá úa nhành khô cũng tiếng mai!
Ngọc ánh chi nài son phấn đượm,
Vàng ròng há sợ sắc màu phai!
Ba giềng trước đã xe tơ vắn,
Bốn đức nay tua nối tiếng dài.
Dẫu khiến duyên này ra đến thế,
Trăng thu dần xế, rạng non đoài!

Sau khi chịu cảnh goá bụa, bà Sương Nguyệt Anh được nhiều người lui tới thăm hỏi. Một nhà nho ở làng Vĩnh Kim là Hồ Bá Xuyên gửi cho bà một bài thơ, ý muốn cùng bà chắp nối:
Trời đất ghen chi chữ sắc tài,
Vườn xuân vội úa bảy phần mai!
Gương loan sửng sốt càng ngơ ngác,
Phấn vẽ dồi mài sợ kém phai.
Lặng lẽ duyên hồng tơ tóc vắn,
Vấn vương phận liễu tháng ngày dài...
Bông đào bao thủa thay đôi lứa,
Nỡ để trăng thu xế bóng đoài!

Song bà đã quyết chí ở vậy nuôi con, nên hoạ lại bằng bài thơ này.

2. Vịnh hoa bạch mai trên núi điện Bà Tây Ninh​

Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân.
Mây lành gió lạnh nương hơi chánh,
Vóc ngọc mình băng bật khói trần.
Sắc nước hương trời nên cảm mến,
Non linh đất phước trổ hoa thần.

3. Tỏ chí​

Xướng tuỳ phận đẹp vợ hoà chồng,
Kẻ mất người còn trải mấy đông.
Giai lão một câu đành lỗi hẹn,
Hiếu tư hai chữ dốc ghi lòng.
Đã quen ngon với mùi rau ốc,
Đâu nỡ vui cùng thói bướm ong.
Gương tỏ đời nay trang tiết phụ,
Lâu dài tiếng tốt tạc non sông.
(Theo Tổ quốc vn và vài nguồn tin khác)
Xem thêm các tác giả văn học khác:
Hàn Mặc Tử: Thiên thần bị đầy đọa
Người đương thời thơ mới bàn về thơ Huy Cận

Nguyễn Khải suy ngẫm về cuộc đời và văn chương
Thêm
Nhà thơ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam
566
2
1

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
439
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Sương Ngọc Anh cũng có một số bài thơ trào phúng rất hay. Hôm làm LV có đọc qua. Đúng là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
 
Hai nhà phê bình Hoài Thanh và Tạ Tỵ đã tiếp cận theo hướng phê bình nội tại, ấn tượng chủ quan khi nói về Vũ Hoàng Chương trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam và Mười khuôn mặt văn nghệ.

Bàn về Vũ Hoàng Chương.png

(Bàn về Vũ Hoàng Chương)


Trong “Mười khuôn mặt văn nghệ” Tạ Tỵ đã khai thác vấn đề tâm linh trong thơ ca và đời sống của Vũ Hoàng Chương. Vũ Hoàng Chương như một bức tượng, đứng cô độc, cô liêu trong vòm trời của quá khứ. Ông luôn trăn trở và suy nghĩ giữa sự sống và cái chết. Một người yêu thi ca, từ bỏ công danh phú quý để đi theo nghiệp thi ca. Thơ văn của Vũ vô cùng đặc biệt, nó không hề giống với bất cứ thơ văn người nào, thơ ông mang nỗi lòng, thơ mang đậm màu sắc cá nhân của tác giả. Tác giả dùng thơ ca bộc lộ những vui buồn, đau đớn và hạnh phúc, thơ vũ còn mang hơi thở nối tiếp từ kiếp trước.

Phong cách thơ của Vũ Hoàng Chương rộng lớn có phần mang màu sắc tâm linh của thế giới mộng tưởng. Tạ Tỵ dùng những lời văn tinh túy nhất để ta phòng thái sáng tác của Chương, sử dụng các từ bay bỗng như: “Cánh chim hồng hạc bây suốt vạn dặm dài, qua bao nhiêu không giận ước định. Thơ Vũ hiện diện như loài hoa quý, ngạo nghễ rung rung từng cánh mỏng cho phấn hương tan vào thinh không gửi đến mọi phương trời”. Ví thơ cũng như tâm tư Vũ như một bông hoa giữa một trời u ám, bông hoa không được tỏa sáng. Có thể thấy Vũ là người mang một suy nghĩ về thời cuộc, một người bất bình trước thực tại chỉ muốn sống mãi dưới thế giới ảo ảnh của riêng bản thân. Thơ của Vũ Hoàng Chương là một dòng thơ vừa ngọt ngào nhưng mang phần cay đắng, giữa người và quỷ trong thơ ông luôn gần gũi, không có một ranh giới nào cả, những vật tưởng chừng như vô tri vô giác như: khúc gỗ, hồn đá lại trở nên có cảm xúc, có hồn như chính con người thực thụ. Tình yêu giữa người và quỷ cũng được ông thể hiện chứ không phải một cảm giác sợ hãi, né tránh, cách thể hiện trong thơ ca của ông như nói lên một phần con người ông. Vũ Hoàng Chương hiện ra với một màu sắc mới trong thi ca, ông như người đưa những điều tâm linh vào thế giới con người một cách bình thường và nhẹ nhàng nhất, ẩn sâu bên trong có lẽ là người mang nhiều trăn trở về cuộc sống mới tìm đến thế giới như vậy.

Đáy sông chìm tiếng sóng,
Lời gió ngủ trên cao.
Quanh thuyền ngơ ngác bày sao,
Nàng Trăng còn mải xứ nào xe duyên!

Nhưng đêm nay dịu quá,
Không trăng có hề chi,
Say sưa tràn miệng cốc.
Cùng nâng, hãy uống đi!
Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ.
Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau!

Tối nay còn họp mặt,
Ngày mai đã cách xa.
Vàng xanh thay sắc cỏ,
Tươi úa đổi màu hoa.
Đường trần muôn vạn ngã ba,
Nhớ nhung muốn gặp biết là có nên.

Giờ đây chia đôi ngả,
Sông nước càng tiêu sơ.
Hồn men cay như quế,
Hồn men đắng như mơ.
Đắng cay này chén tiễn đưa,
Uống đi, uống để say sưa ngập lòng.

Cạn đi! và lại cạn!
Say rồi, gắng thêm say!
Bao nhiêu mơ, mà đắng?
Bao nhiêu quế, mà cay?
Đắng cay chút xuống bàn tay,
Nắm tay lần chót, thuyền quay mũi rồi.

Thuyền anh đi thôi nhé,
Xa nhau dần xa nhau.
Tôi về trên lưng rượu,
Đến đâu thì đến đâu.
Có ai say để quên sầu?
Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn.


(Chén rượu đôi đường - VHC )

Ám ảnh với những ảo mộng của tình yêu trong thơ ca của Vũ. Tình yêu trong thơ của Vũ Hoàng Chương mang sự đượm buồn, tiếc thương và nhung nhớ, bóng dáng những người con gái Vũ yêu thương được đan cài trong thơ ca ông. Là một thi sĩ, có tâm hồn nhạy cảm nhưng Vũ vẫn in mãi một bóng hình, bóng hình người đàn bà tên Kiều Thu. Đây cũng chính là cái tên quen thuộc trong thơ ca của Vũ Hoàng Chương. Tình yêu trong thơ ca của Vũ Hoàng Chương không hề ngọt ngào mà nó khắc khoả những hoài niệm tiếc nuối và nhớ nhung bóng hồng xưa. Qua cách Tạ Tỵ diễn đạt thì ta thấy được ở Vũ Hoàng Chương một con người đa sầu mang tâm tư và giành trọn tình yêu cho một người. Những dòng thơ tình yêu của ông như câu ai oán, một tình yêu tỉ tê trong lòng, âm ỉ và dai dẳng không thể nào ngớt được, thơ ông cũng thường sử dụng những từ chỉ thời gian thề non hẹn biển, mang phong cách của những bậc thi nhân hán học ngày xưa.

Tối qua em ngồi học,
Lơ đãng nhìn đi đâu,
Dưới đèn anh thoáng nhận.
Nét mặt em rầu rầu.
“Em buồn?” Anh gặng hỏi,
Mấy lần, em chẳng nói.
Rồi anh không biết vì sao,
Đẩy ghế đứng lên, em giận dỗi...

Rũ tung làn tóc, rún đôi vai,
Em vùng vằng,
Ôm sách vở,
Sang phòng bên,
Không học nữa,
Không cho ai vào nữa,
Cũng không thèm nghe nữa,
Lời thiết tha anh van gọi mái ngoài.

Nhưng anh nghe thổn thức
Em khóc trên gối thêu,
Nhưng anh nghe tấm tức,
Em giận hờn bao nhiêu!
Em khóc! Làm sao mà dỗ được?
Nhưng anh còn biết làm sao!
Gọi em, em nhất định,
Không mở khoá cho vào.
Từng giây từng phút lòng anh càng bối rối nao nao.

Anh vẫn nghe tiếng khóc,
Trong vạt áo len hồng.
Anh vẫn nghe tiếng nấc,
Dồn dập trên gối nhung.
Sao em khóc? Vì đâu hờn tủi?
Em buồn, có phải lỗi anh không?
Hỏi em, em chẳng nói,
Mặc anh xô cửa phòng.

Ngoài hiên vắng, gió đưa vàng rụng đến,
Ngọn tường vi, xuống mãi chiếc liềm cong.
Đêm gần khuya, sương đổ,
Anh thấy ướt vai áo.
Anh thấy lạnh trong lòng.


(Bài Hờn dỗi, Thơ say, Vũ Hoàng Chương)

Vũ Hoàng Chương một nhà thơ ảnh hưởng mang hoài niệm về những gì xưa cũ và khao khát đối thoại với bản ngã của chính mình. Vũ Hoàng Chương là một người sống với những hoài niệm xưa cũ, ông không đối diện với thực tế mà trở về để quá khứ, vũ không đối diện với thực thể mà ông đang sống, mà tìm về những Niềm tin nơi dĩ vãng của quá khứ, tìm về cái gọi là tâm linh để được như những vị thánh hiền ngày xưa như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, … Vũ dùng thế giới tâm linh để nối kết tâm hồn mình lại để được sống với những gì đã qua, một con người của quá khứ, hoài niệm và tự nhốt mình trước cuộc sống thực tại mà ông đang sống. Vũ có những giấc mơ thoát rời thực tế, sống vào cuộc ảo mộng của chính bản thân tạo nên, vũ luôn loay hoay tìm kiếm những bản ngã trong chính con người mình, vũ luôn mượn yếu tố tâm linh như một liều thuốc giải khuây cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của bản thân. Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng sâu nặng từ nền thi ca Trung Quốc thời thịnh Đường và thuyết vô vi của Lão Tử. Vũ Hoàng Chương qua ngòi bút của Tạ Tỵ là một người vô thực, thoát hoàn toàn ra khỏi hiện thực, ông bất mãn và mất niềm tin về thế giới con người, ông dần dần khép mình lại với thế giới xung quanh và mở rộng những suy nghĩ trong tiềm thức của mình, ông phát triển thế giới tâm linh hơn và cùng tâm sự với những ám ảnh, linh hồn trong suy nghĩ của mình. Ông sống và làm bạn với những người linh hồn trong tiềm thức của bản thân, ông nói chuyện với quỷ bằng những giọng tiếc nuối. Những vật vô tri như đá, gỗ, cây được Vũ khoác lên một linh hồn, linh hồn như con người, có cảm xúc và được Vũ trò chuyện như các thi nhân. ‌

Thế nhưng Tạ Tỵ còn thấy được sự đơn độc, lẻ loi trong chính con người của Vũ Hoàng Chương. Sự cô đơn ấy bắt nguồn từ suy nghĩ về thực tại, Vũ Hoàng Chương khép mình lại với con người xung quanh và mở lòng với cỏ cây, hoa lá. Vũ Hoàng Chương sinh ra trong thời đại nô lệ nên ông luôn hoài nghi và ám ảnh hiện thực đời sống, ông không tìm được tiếng nói trong cuộc sống vì thế ông dồn nén bao nhiêu nỗi cô đơn vào thơ ca, sự u uất trong tâm hồn của một thi sĩ. Vũ Hoàng Chương trăn trở về cái chết của con người, ông không xem cái chết là sự giải thoát mà ở ông nó là điều kinh khủng, vô cùng sợ hãi mà nói đúng hơn là cái chết đó là sự ảo tưởng của ông. Thơ của Vũ Hoàng chương mang màu sắc và hơi thở của phương Đông trầm mặc. Vũ Hoàng Chương muốn thoát khỏi cái thế giới này chỉ muốn đi sâu vào đời sống tâm linh vì ông đã chán ngán cõi đời, chán ngán cái nhân tình thế thái này.

Còn Vũ Hoàng Chương trong “Thi nhân Việt Nam” qua ngòi bút của nhà phê bình Hoài Thanh là một người từng trải, ông trải qua hết mọi thứ nhưng Hoài Thanh không gọi đó là truỵ lạc mà ông giải thích tất cả cái say mê của Vũ Hoàng Chương chung quy lại để phục vụ cho mục đích làm thơ của mình. Nếu như Vũ Hoàng Chương trong mắt Tạ Tỵ là một người suy tình, in mãi một bóng hình người xưa thì ở Hoài Thanh hiện lên một người chán ghét hôn nhân. Ông Vũ Hoàng Chương dùng một thái độ khinh bỉ đối với hôn nhân vì ông chỉ xem nó là sự ô uế và chỉ là sự chung chọi từ xác thịt lẫn nhau, đối với ông chính hôn nhân là cái phá vỡ bao nhiêu mộng đẹp tuổi hoa niên. Ông vẫn còn mang tư tưởng của Lão Trang. Cả hai nhà phê bình đều khai thác vấn đề tình yêu, hôn nhân và phong cách sáng tác thơ của Vũ Hoàng Chương.

Hoài Thanh và Tạ Tỵ là hai nhà phê bình lớn trong lĩnh vực văn chương. Nếu như Tạ Tỵ nhìn Vũ Hoàng Chương nhạy cảm gắng liền tâm linh vào cuộc sống thì ở Hoài Thanh lại khắc hoạ một Vũ Hoàng Chương mang đậm triết lý Lão Trang, một trong những đặc điểm của người Á Đông. Qua cách hai nhà phê bình khắc hoạ về cuộc đời sự nghiệp của Vũ Hoàng Chương, chúng ta nhận thấy ở ông là sự hoài niệm về cuộc đời, hoài niệm về quá khứ xưa cũ, loay hoay không tìm được hướng đi nên ông buộc phải tìm lại bản ngã của mình bằng ký ức.
Thêm
Bàn về Vũ Hoàng Chương
985
2
2

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
439
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết. Mình rất mê thơ Vũ Hoàng Chương nên thấy bài viết của bạn là nhanh chân chạy vào đọc liền.
 
HỒ BIỂU CHÁNH 胡表政 (1884–1958)
Tên thật là Hồ Văn Trung (胡文中), tự Biểu Chánh (表政), hiệu Thứ Tiên (次仙) , sinh tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc ấp Thành Nhứt, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) , mất ngày 4/9/1958 tại Phú Nhuận
Được xem là nhà văn tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam
585E0772-374D-4222-AF34-27D99B90C641.jpeg

Chân dung Hồ Biểu Chánh - Văn học trẻ - Ảnh sưu tầm
GIA ĐÌNH &SỰ NGHIỆP CHỐN QUAN TRƯỜNG
- Con trưởng là Hồ Văn Kỳ Trân là một nhà báo và Dân biểu VNCH
- Con thứ 7 , đại tá VNCH Hồ Văn Di Hinh, nguyên thị trưởng Đà Lạt
- Cháu đích tôn Hồ Văn Kỳ Thoại, phó đề đốc Hải quân của quân lực VNCH
- 1892-1897 Học chữ Nho
- 1904-1905 Học Chasseloup-Laubat
- 1905 đậu bằng Thành chung ( Diplome de fin d’Etudes) , thi đậu ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ là thông ngôn. Ký lục giai đoạn đó
- 1936 Đốc Phủ Sứ và được thăng làm chủ quận (quận trưởng) nhiều năm và nhiều nơi
- 1941 ông về hưu , làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
- 1946 làm cố vấn cho bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lập chính phủ Nam Kỳ tự trị nhưng chỉ được vài tháng ,khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn , dành trọn cuộc đời còn lại cho sự nghiệp văn chương
Trong giai đoạn làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm và thương người nghèo khổ.
Nói qua sự nghiệp chốn quan trường và gia đình để biết tuy “ áo dài khăn đóng” như một ông già miền Nam nhà quê nhưng ông có một nền học vấn, một sự nghiệp văn chương lẫy lừng, đồ sộ, ông chính là đại diện cho VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM, oai phong bước vào nền văn học nước nhà
Một vài kẻ hậu sinh vỗ ngực khoe chỉ đọc “Văn Chương Bác Học” với lời khinh mạn , chẳng coi cụ ra "ki lô" nào cả ,sẽ phải thấy mắc cở về sở học của mình !!!
SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG
Tập viết văn từ năm 1906 và chính thức bước vào nghiệp văn chương từ năm 1910
Chủ biên và viết cho các báo
- Đại Việt Tạp Chí
- Quốc Dân Diễn Đàn
- Nông Cổ Mín Đàm
- Công Luận Báo
- Lục Tỉnh Tân Văn
- Đông Pháp Thời Báo
Ngoài những tác phẩm tiểu thuyết, ông còn để lại cho hậu thế những tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học, tuồng , các bản dịch văn học cổ điển Tầu
- Trong thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ, vốn thành thạo chữ Nho và tiếng Pháp, ông biến đổi (nay gọi là phóng tác) một số truyện tiếng Tầu, tiếng Pháp thành truyện Việt Nam như Les Misérables (Những kẻ khốn cùng) của Victor Hugo, thành Ngọn cỏ gió đùa , Sans Famille (Vô Gia Đình) của Hector Malot thành Cay Đắng Mùi Đời với những nhân vật rặt Nam Bộ và những cái tên Nam bộ Lê văn Đó (Jean Valjean ) hay Ba Thành (Barberin) cùng gắn liền với bối cảnh Nam Bộ
Truyện của ông đơn giản, dễ hiểu cùng hướng con người đến cách sống đạo đức nên những tác phẩm của ông được đón nhận và đi vào lòng người
• Dịch thuật:
Tân soạn cổ tích (cổ văn Trung Quốc, Sài Gòn-1910)
Lửa ngún thình lình (dịch tiếng Pháp, SG, 1922)
• Thơ:
U tình lục (Sài Gòn – 1910)
Vậy mới phải (Long Xuyên – 1913)
Biểu Chánh thi văn (Tập i, ii, iii bản thảo)
• Tùy bút phê bình:
Chưởng Hậu quân Võ Tánh (Sài Gòn – 1926)
Chánh trị giáo dục (Gò Công – 1948)
Tùy bút thời đàm (Gò Công – 1948)
• Hồi ký:
Ký ức cuộc đi Bắc Kỳ (1941)
Mấy ngày ở Bến Súc (1944)
Đời của tôi: 1. Về quan trường, 2. Về Văn nghệ, 3. Về phong trào cách mạng
Một thiên ký ức: Nam Kỳ cộng hòa tự trị (Gò Công – 1948)
Tâm hồn tôi (Gò Công – 1949)
Nhàn trung tạp kỷ (tập i, ii, iii Gò Công – 1949)
• Hài kịch:
Tình anh em (Sài Gòn – 1922)
Toại chí bình sinh (Sài Gòn – 1922)
Đại nghĩa diệt thân (Bến Súc – 1945)
• Hát bội:
Thanh Lệ kỳ duyên (Sài Gòn 1926 – 1941)
Công chúa kén chồng (Bình Xuân – 1945)
Xả sanh thủ nghĩa (Bình Xuân – 1945)
Trương Công Định qui thần (Bình Xuân – 1945)
• Cải lương:
Hai khối tình (Sài Gòn – 1943)
Nguyệt Nga cống Hồ (Sài Gòn – 1943)
Vì nước vì dân (Gò Công - 1947)
• Đoản thiên:
Chị Hai tôi (Vĩnh Hội – 1944)
Thầy chùa trúng số (Vĩnh Hội – 1944)
Ngập ngừng (Vĩnh Hội)
Một đóa hoa rừng (Vĩnh Hội – 1944)
Hai Thà cưới vợ (Vĩnh Hội)
Lòng dạ đàn bà (Sài Gòn – 1935)
• Truyện ngắn:
Chuyện trào phúng, tập I, II (Sài Gòn – 1935)
Chuyện lạ trên rừng (Bến Súc – 1945)
Truyền kỳ lục (Gò Công – 1948)
• Biên khảo:
Pétain cách ngôn Á đông triết lý hiệp giải (Sài Gòn – 1942)
Gia Long khai quốc văn thần (Sài Gòn – 1944)
Gia Định Tổng trấn (Sài Gòn)
Chấn hưng văn học Việt Nam (Sài Gòn – 1944)
Trung Hoa tiểu thuyết lược khảo (Sài Gòn – 1944)
Đông Châu liệt quốc chí bình nghị (Bến Súc – 1945)
Tu dưỡng chỉ nam (Bến Súc – 1945)
Pháp quốc tiểu thuyết lược khảo (Bình Xuân – 1945)
Một lằn chánh khí: Văn Thiên Tường (BX 1945)
Nhơn quần tấn hóa sử lược (Gò Công – 1947)
Âu Mỹ cách mạng sử (Gò Công – 1948)
Việt ngữ bổn nguyên (Gò Công – 1948)
Thành ngữ tạp lục (Gò Công – 1948)
Phật tử tu tri (Gò Công)
Nho học danh thơ (Gò Công)
Thiền môn chư Phật (Gò Công – 1949)
Địa dư đại cương (Gò Công)
Hoàng cầu thông chí (Gò Công)
Phật giáo cảm hóa Trung Hoa (1950)
Phật giáo Việt Nam (1950)
Trung Hoa cao sĩ, ẩn sĩ, xứ sĩ (1951)
Nho giáo tinh thần (1951)
• Tiểu thuyết:
Ai làm được (Cà Mau 1912, phỏng theo André Cornelis của Paul Bourget)
Ái tình miếu (Vĩnh Hội – 1941)
Bỏ chồng (Vĩnh Hội – 1938)
Bỏ vợ (Vĩnh Hội – 1938)
Bức thơ hối hận (Gò Công – 1953)
Cay đắng mùi đời (Sài Gòn - 1923, phỏng theo Vô gia đình của Hector Malot)
Cha con nghĩa nặng (Càn Long- 1929)
Chị Đào, Chị Lý (Phú Nhuận – 1957)
Chúa tàu Kim Qui (Sài Gòn - 1923, phỏng theo Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas)
Chút phận linh đinh (Càn Long –1928, phỏng theo Trong gia đình của Hector Malot)
Con nhà giàu (Càn Long – 1931)
Con nhà nghèo (Càn Long – 1930)
Cư Kỉnh (Vĩnh Hội – 1941)
Cười gượng (Sài Gòn – 1935)
Đại nghĩa diệt thân (Sài Gòn – 1955)
Dây oan (Sài Gòn –1935)
Đỗ Nương Nương báo oán (Sài Gòn - 1954)
Đóa hoa tàn (Vĩnh Hội – 1936)
Đoạn tình (Vĩnh Hội –1940)
Đón gió mới, nhắc chuyện xưa (Phú Nhuận – 1957)
Hai chồng (Sài Gòn – 1955)
Hai khối tình (Vĩnh Hội – 1939)
Hai vợ (Sài Gòn – 1955)
Hạnh phúc lối nào (Phú Nhuận – 1957)
Kẻ làm người chịu (Càn Long – 1928)
Khóc thầm (Càn Long – 1929)
Lá rụng hoa rơi (Sài Gòn – 1955)
Lạc đường (Vĩnh Hội – 1937)
Lẫy lừng hào khí (Phú Nhuận – 1958)
Lời thề trước miễu (Vĩnh Hội – 1938)
Mẹ ghẻ con ghẻ (Vĩnh Hội – 1943)
Một chữ tình (Sài Gòn – 1923)
Một đời tài sắc (Sài Gòn – 1935)
Một duyên hai nợ(Sài Gòn – 1956)
Nam cực tinh huy (Sài Gòn – 1924)
Nặng bầu ân oán (Gò Công – 1954)
Nặng gánh cang thường (Càn Long-1930)
Ngọn cỏ gió đùa (Sài Gòn – 1926, phỏng theo Những người khốn khổ của Victor Hugo)
Người thất chí (Vĩnh Hội –1938, phỏng theo Tội ác và hình phạt của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky)
Nhơn tình ấm lạnh (Sài Gòn – 1925)
Những điều nghe thấy (Sài Gòn – 1956)
Nợ đời (Vĩnh Hội – 1936)
Nợ tình (Phú Nhuận – 1957)
Nợ trái oan (Phú Nhuận – 1957)
Ở theo thời (Sài Gòn – 1935)
Ông Cả Bình Lạc (Sài Gòn – 1956)
Ông Cử (Sài Gòn – 1935)
Sống thác với tình (Phú Nhuận – 1957)
Tại tôi (Vĩnh Hội – 1938)
Tân Phong nữ sĩ (Vĩnh Hội – 1937)
Tắt lửa lòng (Phú Nhuận – 1957)
Thầy Thông ngôn (Sài Gòn – 1926)
Thiệt giả, giả thiệt (Sài Gòn – 1935)
Tiền bạc, bạc tiền (Sài Gòn – 1925)
Tìm đường (Vĩnh Hội – 1939)
Tình mộng (Sài Gòn – 1923)
Tơ hồng vương vấn (1955)
Trả nợ cho cha (Sài Gòn – 1956)
Trọn nghĩa vẹn tình (Gò Công – 1953)
Trong đám cỏ hoang (Phú Nhuận – 1957)
Từ hôn (Vĩnh Hội – 1937)
Vì nghĩa vì tình (Càn Long – 1929)
Vợ già chồng trẻ (Phú Nhuận – 1957)
Ý và tình (Vĩnh Hội – 1938 – 1942)
Người vợ hiền (?)*
Những tác phẩm được chuyển thể thành phim
Con nhà nghèo (1998) ,Ân oán nợ đời (2002), Nợ đời (2002), Chúa tàu Kim Quy (2002), Cay đắng mùi đời (2007),Tại tôi (2009),Tân Phong nữ sĩ (2009),Tình án (2009), Khóc thầm (2010), Lòng dạ đàn bà (2011), Ngọn cỏ gió đùa (2013), Hai khối tình (2015), Con nhà giàu (2015),Thế thái nhân tình (2017), Duyên định kim tiền (2017),Tơ hồng vương vấn (2017), Oan trái nghĩa tình (2019)
Cũng tiếc khi những bộ phim nói trên quá nhiều hạt sạn do sự yếu kém, ẩu tả của đạo diễn
Nhà báo Hồ Hữu Tường và nhà văn Dương Nghiễm Mậu , Thụy Khuê ,đã từng nhận xét về ông
“Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông cách đây mười mấy năm trời, khi còn theo học những lớp đầu tiên bậc trung học ở Hà Nội (...) Rồi trong nhiều hoàn cảnh khác, tôi lần lượt đọc những tiểu thuyết của ông. Sau này, có một thời gian tôi đã dành thì giờ để đọc lại những gì đã đọc, đọc những gì chưa đọc với mục đích tìm hiểu, những khởi đầu của nền văn học ta, tìm hiểu những đặc tính miền Nam, quê hương thứ hai tôi yêu dấu. Quê hương miền Nam, con người, văn chương mở ra cho tôi những bàng hoàng không ít. Cuộc sống nơi những vùng sình lầy hoang vu, trong kinh rạch quyến rũ tôi, tôi không bỏ một cơ hội nào để tới những nơi đó. (...) (Dương Nghiễm Mậu)
“... Như vậy thì không thể nào ở trong cảnh thực mà có, chỉ ở trong mộng mà thôi. Nhưng tác giả viết rất tự nhiên, nên đọc tiểu thuyết, tôi sống mãi ở trong một cảnh mộng. Đến chừng xem đầu đề tiểu thuyết, tôi thấy đầu đề đó là Tỉnh mộng. Tới chừng đó tôi hay rằng câu chuyện mà Hồ Biểu Chánh đã thuật lại, đã tạo cho tôi một cảnh mộng. Tôi ở trong cảnh mộng. Rồi bây giờ tôi thấy nó là tiểu thuyết. Đây tôi mới là người tỉnh mộng. Chớ tôi không hiểu những nhân vật tỉnh mộng đó là ai nữa.Từ ấy, tôi mới có một quan niệm rõ rệt về tiểu thuyết. Té ra một tiểu thuyết hay là một tiểu thuyết tạo cho độc giả một cảnh mộng mà độc giả say mê đi vào cảnh mộng ấy, như vào cảnh thật vậy. Đến chừng đọc xong rồi, thì xếp sách nhìn lại nhan đề, mới hay là mình đã mộng. Như vậy, tôi có thể nói rằng vị giáo sư đầu tiên dạy cho tôi văn chương, dạy bản sắc của văn chương, dạy lý thuyết về văn chương, ấy là Hồ Biểu Chánh. Một tiểu thuyết, với nhan đề của nó, làm cho tôi hiểu rõ định nghiã của tiểu thuyết là gì? Những tiếng của Pháp như là Roman, của Anh Novel, Tàu là tiểu thuyết, đều không làm sao giúp tôi hiểu định nghĩa rõ rệt của loại mà trong văn chương gọi là tiểu thuyết cả “ (Hồ Hữu Tường, Nhập mộng và tỉnh mộng, Văn số 80, tưởng niệm Hồ Biểu Chánh, 15/4/1967, trang 34).
“ Nếu hình ảnh xã hội miền Bắc nằm trong toàn bộ các tác giả Bắc qua nhiều thế hệ, từ Hoàng Ngọc Phách đến Tự Lực Văn Đoàn, từ Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, đến Nguyên Hồng, Nam Cao, vv.. thì có thể nói trong Nam, tất cả tình hình xã hội, đẳng cấp, giàu nghèo, thành thị, thôn quê đều nằm trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh, qua 64 cuốn tiểu thuyết.” (Thụy Khuê)
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định , thọ 73 tuổi . Lăng mộ hiện đặt tại trong An Tất Viên, một nghĩa trang gia đình, trên một khoảng đất hơn 3500m2, đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.
Hiện nay nhiều tên đường trong nước đã mang tên Hồ Biểu Chánh : Saigon ( Phú Nhuận) Tiền Giang , Hậu Giang, An Giang, Vũng Tàu, Thủ Đức, Đồng Hới…
Phùng Văn Định sưu tầm
Thêm
Hồ Biểu Chánh sự nghiệp và cuộc đời
358
3
1
Nhà văn Albert Camus - cầu thủ bóng đá duy nhất đạt giải Nobel Văn học, nhà triết học hiện sinh, nhà văn hàng đầu của dòng văn học phi lý.... và vô vàn danh xưng dành cho ông. Cùng tìm hiểu về nhà văn nổi tiếng này trong bài viết của tôi dưới đây.

Albert camus.jpg

(Chân dung của Albert Camus)

1. Albert Camus và bóng đá​

Ông là cầu thủ bóng đá duy nhất đạt giải Nobel Văn học trên thế giới và là cầu thủ thứ 2 đtạ giải Nobel (1 cầu thủ khác đạt giải Nobel Vật lý)

Camus đã từng được người bạn Charles Poncet hỏi rằng anh ấy thích bóng đá hay sân khấu hơn – Camus được cho là đã trả lời "Bóng đá, không chút do dự." Camus theo học tại Đại học Algiers, làm thủ môn cho đội trẻ của trường từ năm 1928 đến năm 1930. Camus đã chơi cho đội trẻ Racing Universitaire Algerios (RUA) ở vị trí thủ môn. Các bình luận trận đấu thường dành nhiều lời khen ngợi cho Camus, người đã chơi dũng cảm và đầy đam mê. Tuy nhiên, căn bệnh lao đã khiến ông phải dừng lại đam mê này để chuyển sang viết báo.

Thủ môn về bản chất là vị trí kịch tính và triết lý nhất trong các vị trí bóng đá, mà bất kỳ ai đã từng thử qua đều sẽ biết. Đó chắc chắn là vị trí thuận lợi nhất để suy ngẫm về ý nghĩa của sự tồn tại và có nhiều khả năng ảnh hưởng đến người chơi quyết định điều đó, không, chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Có một cái lỗ ở giữa. Và có một tiền đạo đến ngay. Như Jim White đã viết trên The Telegraph :

"Có điều gì đó thích hợp về một triết gia như Camus đứng yên giữa hai cây gậy. Đó là một tiếng gọi cô đơn, một cá nhân bị cô lập trong một tập thể, một người chơi theo những ràng buộc khác nhau. Nếu đội của anh ấy ghi bàn, thủ môn biết rằng điều đó không liên quan gì đến anh ấy. Tuy nhiên, nếu đội đối phương ghi bàn, tất cả là lỗi của thủ môn. Đứng gác trong khung thành, Camus có nhiều thời gian để suy ngẫm về bản chất phi lý trong vị trí của mình."

“Tôi đã học được rằng bóng không bao giờ đến như bạn mong đợi,” Camus từng nói về thời gian của mình trong khung thành. “Điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi mọi người không có xu hướng trở thành những gì họ tuyên bố.” Và số của anh ấy? số 1. Đúng vậy: con số cô đơn nhất. (Cũng là một số truyền thống cho người giữ khung thành). Camus đã nói một câu nổi tiếng vào năm 1957, “điều mà tôi biết chắc chắn nhất về lâu dài về đạo đức và nghĩa vụ, tôi mắc nợ bóng đá.”

Như Camus từng nói: bóng đá và sân khấu là hai trường đại học lớn nhất đời của anh.

2. Cuộc sống của Albert Camus

Albert Camus sinh ngày 7 tháng 11 năm 1913 tại Mondovi, một ngôi làng nhỏ gần thành phố cảng biển Bonê (Annaba ngày nay) ở vùng đông bắc Angiêri thuộc Pháp. Anh là con thứ hai của Lucien Auguste Camus, một cựu quân nhân và nhân viên vận chuyển rượu, và của Catherine Helene (Sintes) Camus, một người quản gia và công nhân nhà máy bán thời gian. (Lưu ý: Mặc dù Camus tin rằng cha mình là người Alsatian và là thế hệ di cư thứ nhất, nghiên cứu của nhà viết tiểu sử Herbert Lottman chỉ ra rằng gia đình Camus có nguồn gốc từ Bordeaux và người đầu tiên Camus rời Pháp đến Algeria thực ra là ông cố của tác giả, những người vào đầu thế kỷ 19 đã trở thành một phần của làn sóng đầu tiên của những người định cư thuộc địa châu Âu tại vùng đất mới của Bắc Phi.)

Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, khi Camus chưa đầy một tuổi, cha của ông bị gọi đi nghĩa vụ quân sự và vào ngày 11 tháng 10 năm 1914, ông qua đời vì những vết thương do mảnh đạn gây ra trong trận chiến đầu tiên ở Marne. Khi còn nhỏ, điều duy nhất Camus từng biết về cha mình là ông từng bị ốm nặng sau khi chứng kiến một vụ hành quyết công khai. Giai thoại này, xuất hiện dưới dạng hư cấu trong cuốn tiểu thuyết “Người lạ” của tác giả và cũng được kể lại trong bài tiểu luận triết học “Những suy ngẫm về máy chém” của ông, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Camus và ảnh hưởng đến sự phản đối suốt đời của ông đối với án tử hình.

Sau khi cha qua đời, Camus, mẹ và anh trai của anh chuyển đến Algiers, nơi họ sống với chú và bà ngoại của anh trong căn hộ tầng hai chật hẹp của bà ở khu Belcourt dành cho tầng lớp lao động. Mẹ của Camus là Catherine, người mù chữ, điếc một phần và mắc chứng bệnh về ngôn ngữ, đã làm việc trong một nhà máy sản xuất đạn dược và dọn dẹp nhà cửa để giúp đỡ gia đình. Trong cuốn tiểu thuyết tự truyện The First Man được xuất bản sau khi ông qua đời , Camus nhớ lại giai đoạn này của cuộc đời mình với sự pha trộn giữa nỗi đau và tình cảm khi ông mô tả những điều kiện nghèo khó khắc nghiệt (căn hộ ba phòng không có phòng tắm, không có điện và không có nước sinh hoạt) một cách nhẹ nhõm. bằng những chuyến đi săn, những chuyến đi chơi cùng gia đình, những trò chơi thời thơ ấu và những cảnh đẹp như mặt trời, bờ biển, núi non và sa mạc.

Camus theo học trường tiểu học tại Ecole Communale địa phương, và chính tại đó, anh đã gặp người đầu tiên trong một loạt giáo viên kiêm cố vấn, những người đã nhận ra và nuôi dưỡng trí thông minh hoạt bát của cậu bé. Những nhân vật người cha này đã giới thiệu anh đến một thế giới mới của lịch sử và trí tưởng tượng cũng như những phong cảnh văn học vượt xa những con đường bụi bặm của Belcourt và sự nghèo khó của tầng lớp lao động. Mặc dù bị kỳ thị là một học sinh quốc gia (nghĩa là con của một cựu chiến binh phụ thuộc vào phúc lợi công cộng) và bị cản trở bởi các vấn đề sức khỏe tái phát, Camus vẫn tự nhận mình là một học sinh và cuối cùng được trao học bổng để theo học trung học tại Grand Lycee. Nằm gần quận Kasbah nổi tiếng,

Khi còn học trung học, Camus đã trở thành một người ham đọc sách (hấp thụ Gide, Proust, Verlaine và Bergson, trong số những người khác), học tiếng Latinh và tiếng Anh, đồng thời phát triển niềm yêu thích suốt đời đối với văn học, nghệ thuật, sân khấu và điện ảnh. Anh ấy cũng thích thể thao, đặc biệt là bóng đá, môn thể thao mà anh ấy đã từng viết (nhớ lại trải nghiệm đầu tiên của mình với tư cách là một thủ môn): “Tôi đã học được . . . rằng một quả bóng không bao giờ đến từ hướng bạn mong đợi. Điều đó đã giúp ích cho tôi trong cuộc sống sau này, đặc biệt là ở lục địa Pháp, nơi không ai chơi thẳng.” Cũng chính trong thời kỳ này, Camus mắc phải đợt tấn công nghiêm trọng đầu tiên của bệnh lao phổi, một căn bệnh đã hành hạ ông không ngừng trong suốt sự nghiệp của mình.

Vào thời điểm hoàn thành bằng Tú tài vào tháng 6 năm 1932, Camus đã đóng góp các bài báo cho Sud- một tạp chí văn học hàng tháng và mong muốn theo đuổi sự nghiệp báo chí, nghệ thuật hoặc giáo dục đại học. Bốn năm tiếp theo (1933-1937) là giai đoạn đặc biệt bận rộn trong cuộc đời ông khi ông học đại học, làm những công việc lặt vặt, kết hôn với người vợ đầu tiên (Simone Hié), ly dị, gia nhập đảng Cộng sản một thời gian ngắn và bắt đầu sự nghiệp sân khấu và viết lách đầy hứa hẹn. Trong số các công việc khác nhau của anh ấy trong thời gian đó là công việc văn phòng thông thường, trong đó một công việc bao gồm ghi lại và sàng lọc dữ liệu khí tượng giống như Bartleby và một công việc khác liên quan đến việc xáo trộn giấy tờ trong văn phòng cấp giấy phép ô tô. Người ta có thể hình dung rõ ràng rằng chính nhờ trải nghiệm này mà quan niệm nổi tiếng của ông về cuộc đấu tranh của người Sisyphean, sự bất chấp anh dũng khi đối mặt với Phi lý, lần đầu tiên bắt đầu hình thành trong trí tưởng tượng của ông.

Năm 1933, Camus đăng ký học tại Đại học Algiers để theo đuổi bằng cấp ngoại giao, chuyên về triết học và đạt được các chứng chỉ về xã hội học và tâm lý học trên đường đi. Năm 1936, ông trở thành người đồng sáng lập, cùng với một nhóm trí thức trẻ, của Théâtre du Travail, một công ty diễn xuất chuyên nghiệp chuyên về kịch với các chủ đề chính trị cánh tả. Camus phục vụ công ty với tư cách vừa là diễn viên vừa là đạo diễn, đồng thời đóng góp kịch bản, bao gồm vở kịch xuất bản đầu tiên của anh ấy Cuộc nổi dậy ở Asturia , một bộ phim truyền hình dựa trên cuộc nổi dậy của những người lao động xấu số trong Nội chiến Tây Ban Nha. Cùng năm đó, Camus cũng lấy được bằng và hoàn thành luận án của mình, một nghiên cứu về ảnh hưởng của Plotinus và chủ nghĩa tân Plato đối với tư tưởng và tác phẩm của Thánh Augustine.

Trong ba năm tiếp theo, Camus tiếp tục khẳng định mình là một tác giả, nhà báo và nhà hát chuyên nghiệp mới nổi. Sau khi vỡ mộng và cuối cùng bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản, anh ấy đã tổ chức lại công ty kịch của mình và đổi tên nó thành Théâtre de l'Equipe (nghĩa đen là Nhà hát của Đội). Việc thay đổi tên báo hiệu một sự nhấn mạnh mới vào chính kịch cổ điển và tính thẩm mỹ tiên phong, đồng thời chuyển hướng khỏi chính trị lao động và agitprop. Năm 1938, ông gia nhập đội ngũ nhân viên của một tờ nhật báo mới, Alger Républicain , nơi ông được giao nhiệm vụ phóng viên và nhà phê bình về mọi thứ, từ văn học châu Âu đương đại đến các phiên tòa chính trị địa phương. Chính trong thời kỳ này, ông cũng đã xuất bản hai tác phẩm văn học đầu tiên của mình— Giữa hai bên và Giữa., một tuyển tập gồm năm tác phẩm triết học và bán tự truyện ngắn (1937) và Lễ cưới , một loạt các lễ kỷ niệm trữ tình xen kẽ với những suy tư chính trị và triết học về Bắc Phi và Địa Trung Hải.

Thập niên 1940 chứng kiến Camus dần dần vươn lên hàng trí thức văn học tầm cỡ thế giới. Anh ấy bắt đầu thập kỷ với tư cách là một tác giả và nhà viết kịch nổi tiếng ở địa phương, nhưng anh ấy là một nhân vật hầu như không được biết đến bên ngoài thành phố Algiers; tuy nhiên, ông đã kết thúc thập kỷ với tư cách là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhà báo, nhà tiểu luận triết học và nhà đấu tranh cho tự do được quốc tế công nhận. Giai đoạn này của cuộc đời ông bắt đầu một cách không mấy suôn sẻ—chiến tranh ở châu Âu, sự chiếm đóng của Pháp, sự kiểm duyệt chính thức và cuộc đàn áp ngày càng rộng rãi đối với các tạp chí cánh tả. Camus vẫn không có việc làm ổn định hoặc thu nhập ổn định, sau khi kết hôn với người vợ thứ hai, Francine Faure, vào tháng 12 năm 1940, ông rời Lyons, nơi ông đã làm việc với tư cách là một nhà báo, và trở về Algeria. Để trang trải cuộc sống, anh dạy bán thời gian (lịch sử và địa lý Pháp) tại một trường tư thục ở Oran.The Stranger , cuối cùng đã được xuất bản vào năm 1942 với phản ứng tích cực từ giới phê bình, bao gồm cả bài phê bình dài và sâu sắc của Jean-Paul Sartre . Cuốn tiểu thuyết đã đưa anh ta trở nên nổi tiếng trong văn học ngay lập tức.

Camus trở lại Pháp vào năm 1942 và một năm sau bắt đầu làm việc cho tờ báo bí mật Combat , cánh tay báo chí và tiếng nói của phong trào Kháng chiến Pháp. Trong thời kỳ này, trong khi đối mặt với những đợt tái phát của bệnh lao, ông cũng đã xuất bản Huyền thoại về Sisyphus , giải phẫu triết học của ông về tự sát và điều phi lý, đồng thời gia nhập Nhà xuất bản Gallimard với tư cách là biên tập viên, vị trí mà ông giữ cho đến khi qua đời.

Sau Giải phóng, Camus tiếp tục là biên tập viên của Combat, giám sát việc sản xuất và xuất bản hai vở kịch, Sự hiểu lầm và Caligula , và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong xã hội trí thức Paris cùng với Sartre và Simone de Beauvoir cùng những người khác. Vào cuối những năm 40, danh tiếng ngày càng tăng của ông với tư cách là một nhà văn và nhà tư tưởng đã được mở rộng khi xuất bản The Plague , một tiểu thuyết ngụ ngôn và câu chuyện ngụ ngôn hư cấu về Sự chiếm đóng của Đức Quốc xã và nhiệm vụ của cuộc nổi dậy, và bởi các chuyến thuyết trình tới Hoa Kỳ và Nam Mỹ. Năm 1951, ông xuất bản The Rebel, một phản ánh về bản chất của tự do và nổi loạn và một phê phán triết học về bạo lực cách mạng. Tác phẩm mạnh mẽ và gây tranh cãi này, với sự lên án rõ ràng chủ nghĩa Mác-Lênin và tố cáo mạnh mẽ bạo lực không kiềm chế như một phương tiện giải phóng con người, đã dẫn đến một sự bất hòa cuối cùng với Sartre và cùng với sự phản đối của ông đối với Mặt trận Giải phóng Quốc gia Algérie, ông bị coi là phản động theo quan điểm của nhiều người Cộng sản châu Âu. Tuy nhiên, vị trí của anh ấy cũng giúp anh ấy trở thành một nhà đấu tranh thẳng thắn cho tự do cá nhân và là một nhà phê bình cuồng nhiệt đối với chế độ chuyên chế và khủng bố, dù được thực hiện bởi Cánh tả hay Cánh hữu.

Năm 1956, Camus xuất bản cuốn tiểu thuyết ngắn thú tội The Fall, thật không may, đây sẽ là tác phẩm cuối cùng trong số những tác phẩm lớn đã hoàn thành của ông và theo ý kiến của một số nhà phê bình là tác phẩm tao nhã nhất và bị đánh giá thấp nhất trong tất cả các cuốn sách của ông. Trong thời gian này, ông vẫn bị ảnh hưởng bởi bệnh lao và có lẽ còn bị bủa vây nặng nề hơn bởi tình hình chính trị ngày càng xấu đi ở quê hương Algeria của ông - hiện đã leo thang từ các cuộc biểu tình và các cuộc tấn công khủng bố và du kích không thường xuyên thành bạo lực và nổi dậy công khai. Camus vẫn hy vọng ủng hộ một số kiểu xích lại gần nhau cho phép người Hồi giáo bản địa và người thiểu số pied noir của Pháp chung sống hòa bình trong một quốc gia mới phi thực dân hóa và hội nhập phần lớn, nếu không muốn nói là độc lập hoàn toàn. Than ôi, đến thời điểm này, như anh đau đớn nhận ra, khả năng xảy ra một kết quả như vậy ngày càng khó xảy ra.

Vào mùa thu năm 1957, sau khi xuất bản Exile and the Kingdom, một tuyển tập truyện ngắn, Camus bị sốc khi biết tinmình được trao giải Nobel văn học. Anh ấy tiếp thu thông báo với cảm giác biết ơn, khiêm tốn và kinh ngạc lẫn lộn. Một mặt, giải thưởng rõ ràng là một vinh dự to lớn. Mặt khác, anh ấy không chỉ cảm thấy rằng bạn mình và cũng là tiểu thuyết gia đáng kính Andre Malraux xứng đáng hơn, mà anh ấy còn nhận thức được rằng bản thân giải Nobel được nhiều người coi là loại giải thưởng thường được trao cho các nghệ sĩ khi kết thúc một sự nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, như anh ấy đã chỉ ra trong bài phát biểu nhận giải tại Stockholm, anh ấy coi sự nghiệp của mình vẫn còn ở giữa chuyến bay, còn nhiều điều chưa hoàn thành và những thách thức viết lách thậm chí còn lớn hơn ở phía trước:

"Mọi người, và chắc chắn là mọi nghệ sĩ, đều muốn được công nhận. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi không thể hiểu được quyết định của bạn nếu không so sánh tác động vang dội của nó với tình trạng thực tế của chính tôi. Một người đàn ông gần như trẻ tuổi, chỉ giàu có trong sự nghi ngờ của mình, và công việc của anh ta vẫn đang được tiến hành… làm sao một người đàn ông như vậy lại không cảm thấy hoảng sợ khi nghe một sắc lệnh đột ngột đưa đến anh ta… đến trung tâm của ánh đèn sân khấu? Và ông có thể đón nhận vinh dự này với cảm xúc nào vào thời điểm mà các nhà văn khác ở châu Âu, trong đó có những nhà văn vĩ đại nhất, bị kết án im lặng, và ngay cả vào thời điểm mà đất nước nơi ông sinh ra đang trải qua những đau khổ không ngừng?'

Tất nhiên Camus không thể biết khi ông nói những lời này rằng phần lớn sự nghiệp viết lách của ông thực tế đã ở phía sau ông. Trong hai năm tiếp theo, anh ấy đã xuất bản các bài báo và tiếp tục viết, sản xuất và đạo diễn các vở kịch, bao gồm cả tác phẩm chuyển thể của chính anh ấy từ tác phẩm Ma quỷ của Dostoyevsky . Anh cũng xây dựng các khái niệm mới cho điện ảnh và truyền hình, đảm nhận vai trò lãnh đạo trong một nhà hát quốc gia thử nghiệm mới, đồng thời tiếp tục vận động cho hòa bình và một giải pháp chính trị ở Algeria. Thật không may, không có dự án nào sau này được hoàn thành. Vào ngày 4 tháng 1 năm 1960, Camus chết thảm trong một vụ tai nạn ô tô khi đang là hành khách trên chiếc xe do bạn của ông và nhà xuất bản Michel Gallimard lái, người cũng bị thương nặng. Tác giả được chôn cất tại nghĩa trang địa phương ở Lourmarin, một ngôi làng ở Provencal, nơi ông cùng vợ và các con gái đã sống gần một thập kỷ.

Khi nghe tin Camus qua đời, Sartre đã viết một bài điếu văn xúc động trên tờ France-Observateur , chào mừng người bạn cũ và cũng là đối thủ chính trị của ông không chỉ vì những đóng góp xuất sắc của ông cho nền văn học Pháp mà đặc biệt là lòng dũng cảm đạo đức anh hùng và “chủ nghĩa nhân văn ngoan cố” mà ông đã mang theo. chống lại "các sự kiện lớn và biến dạng trong ngày."

3. Sự Nghiệp Văn Chương​

Theo đánh giá trực quan của Sartre, Camus không phải là một tiểu thuyết gia mà là một nhà văn viết truyện ngụ ngôn và truyện triết học theo truyền thống của Voltaire. Đánh giá này phù hợp với nhận định của chính Camus rằng các tác phẩm hư cấu của mình không phải là tiểu thuyết có thật (Fr. romans ), một hình thức mà anh gắn liền với bức tranh toàn cảnh xã hội đông đúc và chi tiết phong phú của các nhà văn như Balzac, Tolstoy và Proust, mà đúng hơn là truyện tranh (“truyện cổ tích”) và đọc thuộc lòng (“tường thuật”) kết hợp những hiểu biết sâu sắc về triết học và tâm lý.

Về khía cạnh này, điều đáng chú ý là trong sự nghiệp của mình, Camus chưa bao giờ tự mô tả mình là một nhà tư tưởng sâu sắc hay tuyên bố mình là một triết gia. Thay vào đó, anh ấy gần như luôn tự gọi mình một cách đơn giản nhưng đầy tự hào là un ecrivain —một nhà văn. Đây là một thực tế quan trọng cần ghi nhớ khi đánh giá vị trí của Camus trong lịch sử văn học và trong triết học thế kỷ 20, vì anh không có tư cách là một nhà xây dựng hệ thống hay một nhà lý thuyết hay thậm chí là một nhà tư tưởng có nguyên tắc. Thay vào đó, anh (và ở đây một lần nữa theo đánh giá của Sartre về anh ta) là một loại nhà phê bình đa năng và triết gia thời hiện đại: người vạch trần các thần thoại, người chỉ trích gian lận và mê tín, kẻ thù của khủng bố, tiếng nói của lý trí và lòng trắc ẩn, và người thẳng thắn bảo vệ tự do—tất cả đều là một nhân vật rất giống trong truyền thống Khai sáng của Voltaire và Diderot. Vì lý do này, khi đánh giá sự nghiệp và tác phẩm của Camus, tốt nhất có thể chỉ đơn giản là hiểu theo cách nói của anh ấy và mô tả anh ấy trước hết với tư cách là một nhà văn — nên gắn thêm danh hiệu “triết học” để có độ chính xác và định nghĩa sắc nét hơn.

Ấn phẩm đầu tiên của Camus là một vở kịch có tên Révolte dans les Asturies ( Cuộc nổi dậy ở Asturias ) được viết cùng với ba người bạn vào tháng 5 năm 1936. Chủ đề là cuộc nổi dậy năm 1934 của những người thợ mỏ Tây Ban Nha đã bị chính phủ Tây Ban Nha đàn áp dã man dẫn đến 1.500 đến 2.000 người chết. Vào tháng 5 năm 1937, ông viết cuốn sách đầu tiên của mình, L'Envers et l'Endroit ( Betwixt and Between , còn được dịch là Bên trái và bên phải ). Cả hai đều được xuất bản bởi nhà xuất bản nhỏ của Edmond Charlot .

Camus chia công việc của mình thành ba chu kỳ. Mỗi chu kỳ bao gồm một cuốn tiểu thuyết, một bài tiểu luận và một vở kịch. Đầu tiên là chu kỳ phi lý bao gồm L'Étranger , Le Mythe de Sysiphe và Caligula . Thứ hai là chu kỳ của cuộc nổi dậy bao gồm La Peste ( Bệnh dịch ), L'Homme révolté ( Kẻ nổi loạn ) và Les Justes ( Những sát thủ chính trực ). Thứ ba, chu kỳ của tình yêu, bao gồm Nemesis . Mỗi chu kỳ là một cuộc kiểm tra về một chủ đề với việc sử dụng một câu chuyện thần thoại ngoại giáo và bao gồm các mô típ trong Kinh thánh.

Các cuốn sách trong kỳ đầu tiên được xuất bản từ năm 1942 đến năm 1944, nhưng chủ đề đã được hình thành sớm hơn, ít nhất là từ năm 1936. Với kỳ này, Camus đặt mục tiêu đặt ra câu hỏi về thân phận con người , thảo luận về thế giới như một nơi vô lý, và cảnh báo nhân loại về hậu quả của chủ nghĩa toàn trị.

Camus bắt đầu công việc của mình trên chu kỳ thứ hai khi ông ở Algérie , vào những tháng cuối năm 1942, ngay khi quân Đức tiến đến Bắc Phi. Trong chu kỳ thứ hai, Camus đã sử dụng Prometheus , người được miêu tả là một nhà nhân văn cách mạng, để làm nổi bật các sắc thái giữa cách mạng và nổi loạn. Ông phân tích các khía cạnh khác nhau của sự nổi loạn, tính siêu hình của nó, mối liên hệ của nó với chính trị và xem xét nó dưới lăng kính của tính hiện đại, tính lịch sử và sự vắng mặt của một vị thần.

Sau khi nhận giải Nobel, Camus đã thu thập, làm sáng tỏ và xuất bản các quan điểm nghiêng về chủ nghĩa hòa bình của mình tại Actuelles III: Chronique algérienne 1939–1958 ( Biên niên sử Algérie ). Sau đó, anh quyết định rời xa Chiến tranh Algérie vì nhận thấy gánh nặng tinh thần quá nặng nề. Anh chuyển sang kịch và chu kỳ thứ ba nói về tình yêu và nữ thần Nemesis .

Hai trong số các tác phẩm của Camus đã được xuất bản sau khi ông qua đời. Phần đầu tiên mang tên La mort heureuse ( A Happy Death ) (1970), có một nhân vật tên là Patrice Mersault, có thể so sánh với Meursault của The Stranger . Có cuộc tranh luận học thuật về mối quan hệ giữa hai cuốn sách. Cuốn thứ hai là một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành, Le Premier homme ( Người đàn ông đầu tiên ) (1995), mà Camus đang viết trước khi chết. Đó là một tác phẩm tự truyện về thời thơ ấu của ông ở Algeria và việc xuất bản nó vào năm 1994 đã gây ra sự xem xét lại rộng rãi về chủ nghĩa thực dân được cho là không ăn năn của Camus.

4. Camus, Văn học Triết học, và Tiểu thuyết viễn tưởng​

Để xác định chính xác lý do tại sao và theo nghĩa đặc biệt nào Camus có thể được gọi là nhà văn triết học, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách so sánh ông với các tác giả khác xứng đáng với danh hiệu này. Ngay lập tức, chúng ta có thể loại bỏ bất kỳ sự so sánh nào với những nỗ lực của Lucretius và Dante, những người đã đảm nhận việc mở ra toàn bộ vũ trụ học và hệ thống triết học trong thơ sử thi. Camus rõ ràng là không cố gắng gì cả. Mặt khác, chúng ta có thể rút ra ít nhất một so sánh hạn chế giữa Camus và các nhà văn như Pascal, Kierkegaard và Nietzsche - nghĩa là với các nhà văn trước hết là các nhà triết học hoặc nhà văn tôn giáo, nhưng những thành tựu về phong cách và sự tinh tế trong văn học của họ đã khiến họ bị coi là vị trí đặc biệt trong pantheon của văn học thế giới là tốt (The Myth of Sisyphus and The Rebel ) và rằng anh rất có thể đã đi theo bước chân văn học-triết học của họ nếu căn bệnh lao của anh không đẩy ông vào tiểu thuyết và báo chí và ngăn cản anh theo đuổi sự nghiệp học thuật.

Có lẽ bản thân Camus đã xác định rõ nhất địa vị cụ thể của mình với tư cách là một nhà văn triết học khi ông viết (đặc biệt là với các tác giả như Melville, Stendhal, Dostoyevsky, và Kafka): “Các tiểu thuyết gia vĩ đại là những tiểu thuyết gia triết học”; nghĩa là, những nhà văn tránh giải thích có hệ thống và tạo ra diễn ngôn của họ bằng cách sử dụng “hình ảnh thay vì lập luận” ( The Myth of Sisyphus 74).

Theo định nghĩa của riêng mình thì Camus là một nhà văn triết học theo nghĩa là anh đã (a) hình thành thế giới quan độc đáo và đặc biệt của riêng mình và (b) tìm cách truyền đạt quan điểm đó chủ yếu thông qua các hình ảnh, nhân vật và sự kiện hư cấu, và thông qua cách trình bày kịch tính hơn là thông qua phân tích phê bình và diễn ngôn trực tiếp. Anh vừa là một tiểu thuyết gia về ý tưởng vừa là một tiểu thuyết gia tâm lý, và về mặt này, anh chắc chắn được so sánh gần nhất với Dostoyevsky và Sartre, hai nhà văn khác kết hợp một quan điểm triết học độc đáo và rõ ràng, cái nhìn sâu sắc về tâm lý và một phong cách trình bày kịch tính (Giống như Camus, Sartre là một nhà viết kịch có năng suất cao, và Dostoyevsky có lẽ vẫn là nhà viết kịch tính nhất trong tất cả các tiểu thuyết gia, như Camus hiểu rõ, đã chuyển thể cả Anh em nhà Karamazov thành tác phẩm biểu diễn sân khấu.)

5. Tác phẩm​

Danh tiếng của Camus phần lớn nhờ vào ba cuốn tiểu thuyết được xuất bản trong suốt cuộc đời của anh— The Stranger, The Plague, and The Fall —và trên hai tiểu luận triết học lớn của anh— The Myth of Sisyphus và The Rebel. Tuy nhiên, tác phẩm của anh ấy cũng bao gồm một tuyển tập truyện ngắn, Exile and the Kingdom ; một cuốn tiểu thuyết tự truyện, Người đàn ông đầu tiên ; một số tác phẩm chính kịch, đáng chú ý nhất là Caligula, Sự hiểu lầm, Tình trạng bao vây, và Những sát thủ chính trực; một số bản dịch và phóng tác, bao gồm các phiên bản mới của các tác phẩm của Calderon, Lope de Vega, Dostoyevsky và Faulkner; và một loạt dài các bài tiểu luận, đoạn văn xuôi, bài phê bình phê bình, bài phát biểu và phỏng vấn được chép lại, bài báo và tác phẩm báo chí. Một bản tóm tắt ngắn gọn và mô tả về những bài viết quan trọng nhất của Camus được trình bày dưới đây để chuẩn bị cho một cuộc thảo luận lớn hơn về triết học và thế giới quan của ông, bao gồm những ý tưởng chính và chủ đề triết học thường xuyên của anh.

6. Triết học​

Để nhấn mạnh lại một điểm đã nêu trước đó, Camus trước hết coi mình là một nhà văn (un ecrivain ). Thật vậy, cố vấn luận án của Camus đã viết vào luận án của anh ấy đánh giá “Một nhà văn hơn là một triết gia.” Và vào những thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của mình, anh cũng được gắn mác nhà báo, nhà nhân văn, tiểu thuyết gia và thậm chí là nhà đạo đức học. Tuy nhiên, dường như anh chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi tự nhận mình là một triết gia—một thuật ngữ mà anh dường như gắn liền với quá trình đào tạo học thuật nghiêm ngặt, tư duy có hệ thống, tính nhất quán logic và một học thuyết hoặc nhóm ý tưởng mạch lạc, được xác định cẩn thận.

Điều này khanh có nghĩa là Camus thiếu ý tưởng hay nói rằng tư tưởng của anh khanh thể được coi là một triết lý cá nhân. Nó chỉ đơn giản là chỉ ra rằng anh khanh phải là một nhà tư tưởng có hệ thống, hay thậm chí là một nhà tư tưởng có kỷ luật đáng chú ý và chẳng hạn như Heidegger và Sartre, anh tỏ ra rất ít quan tâm đến siêu hình học và bản thể học, điều dường như là một trong những lý do khiến anh luôn nhất quán. phủ nhận rằng anh là một người theo chủ nghĩa hiện sinh. Nói tóm lại, anh không quan tâm nhiều đến triết học suy đoán hay bất kỳ loại lý thuyết trừu tượng nào. Thay vào đó, suy nghĩ của anh ấy gần như luôn liên quan đến các sự kiện hiện tại (ví dụ: Chiến tranh Tây Ban Nha, cuộc nổi dậy ở Algeria) và luôn dựa trên thực tế chính trị và đạo đức thực tế.

a. Chủ nghĩa hiện sinh​

Mặc dù Camus chủ yếu gắn liền với chủ nghĩa phi lý, anh thường được phân loại là một người theo chủ nghĩa hiện sinh, một thuật ngữ mà anh đã nhiều lần bác bỏ.

Bản thân Camus cho biết nguồn gốc triết học của anh bắt nguồn từ triết học Hy Lạp cổ đại, Nietzsche và các nhà đạo đức thế kỷ 17 trong khi chủ nghĩa hiện sinh phát sinh từ triết học thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như Kierkegaard , Karl Jaspers và Heidegger . Anh cũng cho biết tác phẩm của mình, Huyền thoại về Sisyphus , là một lời chỉ trích về các khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa hiện sinh. Camus bác bỏ chủ nghĩa hiện sinh như một triết học, nhưng bài phê bình của anh chủ yếu tập trung vào chủ nghĩa hiện sinh của Sartre , và ở một mức độ thấp hơn là chủ nghĩa hiện sinh tôn giáo. Anh cho rằng tầm quan trọng của lịch sử do Marx và Sartre nắm giữ khanh phù hợp với niềm tin của anh vào tự do của con người. David Sherman và những người khác cũng cho rằng sự cạnh tranh giữa Sartre và Camus cũng góp phần vào việc anh bác bỏ chủ nghĩa hiện sinh. David Simpson lập luận thêm rằng chủ nghĩa nhân văn và niềm tin vào bản chất con người của anh đã khiến anh khác biệt với học thuyết hiện sinh cho rằng sự tồn tại có trước bản chất .

Mặt khác, Camus tập trung phần lớn triết học của mình xung quanh các câu hỏi hiện sinh. Sự phi lý của cuộc sống, cái kết khanh thể tránh khỏi (cái chết) được nêu bật trong hành vi của anh ta. Anh tin rằng điều phi lý - cuộc sống khanh có ý nghĩa, hoặc con người khanh thể biết được ý nghĩa đó nếu nó tồn tại - là thứ mà con người nên nắm lấy. Tính chống Cơ đốc giáo, cam kết của anh đối với tự do đạo đức cá nhân và trách nhiệm chỉ là một số điểm tương đồng với các nhà văn hiện sinh khác. [81] Quan trọng hơn, Camus đã giải quyết một trong những câu hỏi cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh: vấn đề tự tử. Anh viết: "Chỉ có một câu hỏi triết học thực sự nghiêm túc, đó là tự tử." Camus coi vấn đề tự sát nảy sinh một cách tự nhiên như một giải pháp cho sự phi lý của cuộc sống.

b. Phi lý​

Nhiều nhà văn hiện sinh đã đề cập đến Phi lý, mỗi người có cách giải thích riêng về nó là gì và điều gì làm cho nó quan trọng. Kierkegaard giải thích rằng sự vô lý của các chân lý tôn giáo ngăn cản chúng ta đến với Chúa một cách hợp lý. [82] Sartre nhận ra sự phi lý của kinh nghiệm cá nhân. Những suy nghĩ của Camus về Phi lý bắt đầu với loạt sách đầu tiên của anh và tiểu luận văn học Huyền thoại về Sisyphus , ( Le Mythe de Sisyphe ), tác phẩm chính của anh về chủ đề này. Năm 1942, anh xuất bản câu chuyện về một người đàn anh sống một cuộc đời phi lý trong Người lạ . Anh cũng viết một vở kịch về hoàng đế La Mã Caligula, theo đuổi một logic phi lý, mãi đến năm 1945 mới được trình diễn. Những suy nghĩ ban đầu của anh xuất hiện trong tuyển tập tiểu luận đầu tiên của anh, L'Envers et l'endroit ( Betwixt and Between ) vào năm 1937. Các chủ đề phi lý được thể hiện tinh tế hơn trong tuyển tập thứ hai của anh của các tiểu luận, Noces ( Nuptials ) năm 1938. Trong các tiểu luận này, Camus phản ánh về trải nghiệm của Phi lý. Các khía cạnh của khái niệm Phi lý có thể được tìm thấy trong Bệnh dịch hạch .

Camus tuân theo định nghĩa của Sartre về Phi lý: "Điều vô nghĩa. Vì vậy, sự tồn tại của con người là phi lý bởi vì sự ngẫu nhiên của anh ta khanh tìm thấy sự biện minh bên ngoài". Phi lý được tạo ra bởi vì con người, vốn được đặt trong một vũ trụ khanh có trí tuệ, nhận ra rằng các giá trị của con người khanh được xây dựng trên một thành phần vững chắc bên ngoài; hay như chính Camus giải thích, Phi lý là kết quả của “sự đối đầu giữa nhu cầu của con người và sự im lặng phi lý của thế giới”. Mặc dù khanh thể tránh khỏi sự phi lý, nhưng Camus khanh trôi theo chủ nghĩa hư vô. Nhưng việc nhận ra sự phi lý dẫn đến câu hỏi: Tại sao ai đó phải tiếp tục sống? Tự sát là một lựa chọn mà Camus kiên quyết bác bỏ vì coi đó là sự từ bỏ các giá trị và tự do của con người. Thay vào đó, anh ấy đề nghị chúng ta chấp nhận rằng sự phi lý là một phần trong cuộc sống của chúng ta và sống chung với nó.

Bước ngoặt trong thái độ của Camus đối với Phi lý xảy ra trong tuyển tập bốn bức thư gửi cho một người bạn Đức giấu tên, được viết từ tháng 7 năm 1943 đến tháng 7 năm 1944. Bức đầu tiên được đăng trên Revue Libre năm 1943, bức thứ hai trên Cahiers de Libération năm 1944 , và bức thứ ba trên báo Libertés , năm 1945. Bốn bức thư được xuất bản dưới tên Lettres à un ami allemand ( Những bức thư gửi một người bạn Đức ) năm 1945, và được đưa vào tuyển tập Kháng chiến, Nổi loạn và Chết chóc .

Camus lấy làm tiếc vì đã tiếp tục coi mình là "nhà triết học của sự phi lý". Anh ấy tỏ ra ít quan tâm đến Phi lý ngay sau khi xuất bản Le Mythe de Sisyphe . Để phân biệt các ý tưởng của anh, các học giả đôi khi đề cập đến Nghịch lý của cái phi lý, khi đề cập đến "Điều phi lý của Camus".

Thế thì khái niệm Phi lý là gì?​

Trái ngược với quan điểm được truyền tải bởi văn hóa đại chúng, Phi lý, (ít nhất là theo thuật ngữ của Camus) không chỉ đơn giản đề cập đến một số nhận thức mơ hồ rằng cuộc sống hiện đại đầy rẫy những nghịch lý, phi lý và sự nhầm lẫn về trí tuệ. (Mặc dù nhận thức đó chắc chắn phù hợp với công thức của anh ấy.) Thay vào đó, như chính anh ấy nhấn mạnh và cố gắng làm rõ, Phi lý thể hiện một sự bất hòa cơ bản, một sự không tương thích bi thảm, trong sự tồn tại của chúng ta. Trên thực tế, anhlập luận rằng Phi lý là sản phẩm của sự va chạm hoặc đối đầu giữa mong muốn của con người chúng ta về trật tự, ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống và “sự im lặng của vũ trụ” trống rỗng, thờ ơ. (“Điều phi lý không có ở con người cũng như trong thế giới,” Camus giải thích, “mà ở sự hiện diện của họ cùng nhau... đó là mối ràng buộc duy nhất gắn kết họ.”)

Vì vậy, chúng ta ở đây: những sinh vật đáng thương đang tuyệt vọng tìm kiếm hy vọng và ý nghĩa trong một thế giới vô vọng, vô nghĩa. Sartre, trong bài phê bình tiểu luận của anh về Người xa lạ, đã cung cấp thêm một cái nhìn sâu sắc về ý tưởng này: “Điều phi lý, chắc chắn, không tồn tại ở con người cũng như trong thế giới, nếu bạn xem xét từng thứ một cách riêng biệt. Nhưng vì đặc điểm nổi bật của con người là 'tồn tại trong thế giới', nên cuối cùng, điều phi lý là một phần không thể tách rời của thân phận con người. Khi đó, Phi lý tự thể hiện dưới hình thức một sự đối lập hiện sinh. Nó phát sinh từ nhu cầu của con người về sự rõ ràng và siêu việt, mặt khác, vũ trụ không mang lại điều gì thuộc loại này. Đó là số phận của chúng ta: chúng ta sống trong một thế giới thờ ơ với những đau khổ của chúng ta và làm ngơ trước những phản đối của chúng ta.

Theo quan điểm của Camus, có ba phản ứng triết học khả dĩ đối với tình trạng khó khăn này. Anh lên án hai trong số đó là trốn tránh, và cái còn lại được anh đưa ra như một giải pháp thích hợp.

Lựa chọn đầu tiên rất thẳng thắn và đơn giản: tự sát. Nếu chúng ta quyết định rằng một cuộc sống không có mục đích hoặc ý nghĩa thiết yếu nào đó thì không đáng sống, chúng ta có thể đơn giản chọn cách tự sát. Camus từ chối sự lựa chọn này là hèn nhát. Theo thuật ngữ của anh ấy, đó là sự từ chối hoặc từ bỏ cuộc sống, không phải là một cuộc nổi dậy thực sự.

Lựa chọn thứ hai là giải pháp tôn giáo đặt ra một thế giới siêu việt của niềm an ủi và ý nghĩa vượt ra ngoài Phi lý. Camus gọi giải pháp này là “sự tự sát triết học” và bác bỏ nó như một sự trốn tránh và lừa đảo một cách minh bạch. Áp dụng một giải pháp siêu nhiên cho vấn đề Phi lý (ví dụ, thông qua một số loại thuyết thần bí hoặc bước nhảy vọt của niềm tin) là tiêu diệt lý trí, mà theo quan điểm của Camus là gây tử vong và tự hủy hoại giống như tự sát thể xác. Trên thực tế, thay vì loại bỏ bản thân khỏi cuộc đối đầu ngớ ngẩn giữa bản thân và thế giới giống như hành vi tự sát về thể xác, tín đồ tôn giáo chỉ đơn giản là loại bỏ thế giới gây khó chịu và thay thế nó, thông qua một loại abracadabra siêu hình, bằng một giải pháp thay thế dễ chịu hơn.

Lựa chọn thứ ba - theo quan điểm của Camus là giải pháp xác thực và hợp lệ duy nhất - đơn giản là chấp nhận sự phi lý, hoặc tốt hơn là chấp nhận nó và tiếp tục sống. Vì Phi lý theo quan điểm của anh ấy là một đặc điểm không thể tránh khỏi, thực sự xác định, của tình trạng con người, nên phản ứng đúng đắn duy nhất đối với nó là sự chấp nhận đầy đủ, không nao núng và dũng cảm. Anh ấy nói, cuộc sống có thể “được sống tốt hơn nếu nó không có ý nghĩa.”

Ví dụ xuất sắc nhất về lựa chọn dũng cảm tinh thần và nổi dậy siêu hình này là bài tiểu luận triết học thần thoại Sisyphus của Camus. Cam chịu lao động vĩnh viễn tại tảng đá của mình, hoàn toàn ý thức được sự vô vọng thiết yếu của hoàn cảnh của mình, Sisyphus vẫn tiếp tục. Khi làm như vậy, đối với Camus, anh ta trở thành một biểu tượng tuyệt vời của tinh thần nổi dậy và thân phận con người. Đứng dậy mỗi ngày để chiến đấu trong một trận chiến mà bạn biết mình không thể thắng, và để làm điều này với sự thông minh, duyên dáng, lòng trắc ẩn dành cho người khác và thậm chí là ý thức về sứ mệnh, là đối mặt với Phi lý với tinh thần của chủ nghĩa anh hùng thực sự.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Camus xem xét Phi lý từ nhiều góc độ và qua con mắt của nhiều nhân vật khác nhau—từ Caligula điên cuồng, người bị ám ảnh bởi vấn đề, đến Meursault xa cách một cách kỳ lạ nhưng đồng thời cũng chỉ quan tâm đến bản thân, người có vẻ thờ ơ. đối với nó ngay cả khi anh ta nêu gương và cuối cùng trở thành nạn nhân của nó. Trong Thần thoại về Sisyphus, Camus truy tìm nó trong các nhân vật cụ thể của truyền thuyết và văn học (Don Juan, Ivan Karamazov) và cả trong một số kiểu nhân vật nhất định (Diễn viên, Kẻ chinh phục), tất cả những người này theo một cách nào đó có thể được hiểu là một phiên bản hoặc biểu hiện của Sisyphus, anh hùng phi lý nguyên mẫu.

[Lưu ý: Một khái niệm khá khác, nhưng có thể liên quan, về Phi lý được đề xuất và phân tích trong tác phẩm của Kierkegaard, đặc biệt là trong Fear and Run rẩy and Repetition. Tuy nhiên, đối với Kierkegaard, Phi lý mô tả không phải một điều kiện thiết yếu và phổ quát của con người, mà là điều kiện và bản chất đặc biệt của đức tin tôn giáo—một trạng thái nghịch lý trong đó các vấn đề về ý chí và nhận thức không thể xảy ra một cách khách quan, tuy nhiên, cuối cùng lại có thể đúng. Mặc dù khó có thể nói liệu Camus có đặc biệt nghĩ đến Kierkegaard hay không khi ông phát triển khái niệm phi lý của riêng mình, nhưng có thể có chút nghi ngờ rằng hiệp sĩ đức tin của Kierkegaard theo một cách nào đó là tiền thân quan trọng của Sisyphus của Camus: cả hai nhân vật đều liên quan đến điều không thể và những nhiệm vụ đau đớn vô tận, mà họ vẫn tự tin và thậm chí vui vẻ theo đuổi. Trong sự thách thức tinh túy và thuyết duy ngã của hiệp sĩ, Camus đã tìm thấy một hình mẫu cho lý tưởng khẳng định anh hùng và phản kháng triết học của chính mình.]

c. Nổi loạn​

Chủ đề đồng hành với Phi lý trong tác phẩm của Camus (và chủ đề triết học duy nhất khác mà anh dành cả một cuốn sách) là ý tưởng về Nổi loạn.

Nổi loạn là gì?​

Được định nghĩa một cách đơn giản, đó là tinh thần bất chấp của người Sisyphean khi đối mặt với Phi lý. Về mặt kỹ thuật hơn và ít ẩn dụ hơn, đó là tinh thần phản đối bất kỳ sự bất canh, áp bức hoặc sỉ nhục nào được nhận thức trong thân phận con người.

Sự nổi loạn theo nghĩa của Camus bắt đầu bằng việc thừa nhận các ranh giới, các giới hạn xác định bản ngã thiết yếu và ý thức cốt lõi của con người và do đó khanh được xâm phạm—như khi một nô lệ đứng lên trước chủ nhân của mình và nói một cách thực tế “cho đến nay, và khanh xa hơn nữa”, tôi sẽ được chỉ huy. Việc xác định bản thân là bất khả xâm phạm tại một thời điểm nào đó dường như là một hành động của chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân thuần túy, nhưng thực tế khanh phải vậy. Trên thực tế, Camus đã lập luận khá dài để chỉ ra rằng một hành động phản kháng có lương tâm cuối cùng khanh chỉ là một cử chỉ cá nhân hay một hành động phản kháng đơn độc. Anh viết, kẻ nổi loạn cho rằng có “lợi ích chung quan trọng hơn số phận của chính mình” và rằng có “các quyền quan trọng hơn bản thân mình”. Anh ta hành động “nhân danh một số giá trị vẫn còn mơ hồ nhưng anh ta cảm thấy là chung cho bản thân và cho tất cả mọi người” (Kẻ nổi loạn 15-16).

Camus sau đó tiếp tục khẳng định rằng “một phân tích về sự nổi loạn ít nhất dẫn đến sự nghi ngờ rằng, trái ngược với các định đề của tư tưởng đương thời, bản chất con người thực sự tồn tại, như người Hy Lạp tin tưởng.” Rốt cuộc, “Tại sao lại nổi loạn,” anh ấy hỏi, “nếu khanh có gì vĩnh viễn trong việc gìn giữ giá trị bản thân?” Người nô lệ đứng lên và khẳng định mình thực sự làm như vậy vì “lợi ích của mọi người trên thế giới”. Trên thực tế, anh tuyên bố rằng “tất cả mọi người—ngay cả người lăng mạ và áp bức mình—đều có một cộng đồng tự nhiên.” Ở đây chúng ta có thể lưu ý rằng ý tưởng cho rằng thực sự có thể có một bản chất thiết yếu của con người thực sự khanh chỉ là một “sự nghi ngờ” theo như bản thân Camus đã từng quan tâm. Thật vậy, đối với anh ấy, nó giống như một bài viết cơ bản về đức tin nhân văn của anh ấy.chủ nghĩa hiện sinh .

Vì vậy, cuộc nổi dậy thực sự được thực hiện không chỉ vì bản thân mà còn trong tình đoàn kết và vì lòng trắc ẩn đối với người khác. Và vì lý do này, Camus đã dẫn đến kết luận rằng cuộc nổi dậy cũng có giới hạn của nó. Nếu nó bắt đầu và nhất thiết liên quan đến việc thừa nhận cộng đồng con người và phẩm giá chung của con người, thì nó khanh thể phản bội bản chất thực sự của chính nó, đối xử với người khác như thể họ thiếu phẩm giá đó hoặc khanh phải là một phần của cộng đồng đó. Cuối cùng, thật đáng chú ý, và thực sự đáng ngạc nhiên, triết lý nổi dậy của Camus, bất chấp chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa cá nhân nhiệt thành của tác giả, lặp lại đạo đức của Kant như thế nào với việc nghiêm cấm coi con người là phương tiện và lý tưởng của nó về cộng đồng nhân loại như một vương quốc của mục đích. .
Thêm
Nhà văn Albert Camus
620
4
2
Giải Nobel văn học của Pablo Neruda -0

Thi sĩ Pablk Neruda bên phải. Ảnh st

Thi sĩ Pablo Neruda (1904-1973), thành viên đảng Cộng sản Chile (PCCh) nhận giải Nobel Văn học từ người đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển trong lễ trao giải vào ngày 10/12/1971, là nhà thơ theo lý tưởng Cộng sản trên thế giới nhận được phần thưởng danh giá này.

Thi sĩ P. Neruda sinh ngày 12/7/1904 tại thị trấn Parral, miền trung Chile, với tên khai sinh đầy đủ là Neftali Ricardo Reyes Basoalto. Từ năm 13 tuổi, cậu bé Neftali đã có thơ đăng báo, đến năm 16 tuổi trở thành cộng tác viên tạp chí văn học “Selva Austral” dưới bút danh Pablo Neruda. Sở dĩ N. Basoalto lấy bút danh này để tưởng nhớ nhà thơ Czech Jan Neruda (1834-1891). P. Neruda bắt đầu nổi tiếng với các phong cách hành văn khác nhau gồm thơ siêu thực, thơ tình, sử thi, văn xuôi tự truyện và những bài tuyên ngôn chính trị công khai cổ vũ cho lý tưởng của mình. Năm 1924, P. Neruda cho xuất bản tập thơ “20 bài thơ tình và 1 bài ca tuyệt vọng” là tập thơ bán chạy nhất ở Chile, khiến P. Neruda trở thành một trong những nhà thơ trẻ nổi danh nhất châu Mỹ Latin.

Năm 1971 P. Neruda được trao giải Nobel Văn học “Vì những lời thơ phản kháng có trí tưởng tượng mãnh liệt và chất trữ tình tế nhị vang vọng khắp thế giới, cũng như qua tác phẩm thơ với tác động của một sức mạnh nguyên tố đã mang lại vận mệnh và ước mơ của cả một lục địa”, như nguyên văn lời nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển trong lễ trao giải.

Theo Cong An Nhan Dan
Thêm
Thi sĩ Pablo Neruda (1904-1973), thành viên đảng Cộng sản Chile (PCCh) nhận giải Nobel Văn học
351
3
2
Được nhắc đến với những danh xưng như: nhà thơ lạ nhất trong phong trào thơ mới, người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là nhà thơ tiên phong cho Trường thơ loạn. Dù sự hiện diện trên cõi đời của Hàn Mặc Tử chỉ như hương hoa trong khoảnh khắc, nhưng bằng tài năng xuất chúng, với nỗi đau của định mệnh nghiệt ngã, anh đã để lại cho đời một di sản quý báu với nhiều bài thơ “thần bút”, lưu lại những dấu vết bất tử theo thời gian và sống mãi bên cạnh tên tuổi chàng thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tác giả Hàn Mặc Tử qua bài viết dưới đây.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử.jpg

(Nhà thơ Hàn Mặc Tử - chân dung)​

1. Tiểu sử nhà thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử hay còn được gọi là Hàn Mạc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, còn có một số bút danh khác như Lệ Thanh, Phong Trần.. Ông là một nhà thơ khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn, đồng thời cũng là nhà thơ tiên phong cho Trường thơ loạn.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Trọng Trí đã bắt đầu sáng tác thơ dưới bút danh Phong Trần và Lệ Thanh. Đến năm 1936,ông đổi bút danh là Hàn Mạc Tử, sau đó lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau khi được bạn bè khuyên bảo, Hàn Mạc Tử đã thêm "Mặt Trăng khuyết" vào chữ "Mạc"để thành ra chữ "Mặc". Và từ đó hiệu của ông là Hàn Mặc Tử, đây là bút danh nổi tiếng nhất của Nguyễn Trọng Trí. Bút danh Hàn Mặc Tử có nghĩa là "chàng trai bút nghiên". Cũng trong năm 1936, Hàn Mặc Tử đã cho xuất bản tập thơ "Gái quê". Trước đó 1 năm, cơ thể Hàn Mặc Tử đã có dấu hiệu bị bệnh phong nhưng ông chủ quan cho rằng đó là một chứng phong ngứa chứ không nguy hiểm.

Sau khi Hàn Mặc Tử viết xong tác phẩm "Thức khuya", người bạn của ông là ông Phan Bội Châu đã đọc và thấy ấn tượng. Phan Bội Châu liền giới thiệu tác phẩm cho 1 tờ báo. Hàn Mặc Tử nhận được học bổng sang Pháp học, nhưng ông không đi và quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp.

Trong cuộc đời Hàn Mặc Tử, đã có nhiều bóng hồng đi vào hồn thơ của ông. Với cô gái Huế Hoàng Cúc, một mối tình đơn phương từ Hàn Mặc Tử, ông đã viết nhiều bài thơ cho cô gái này, điển hình như: Vịnh Hoa Cúc, Trồng hoa Cúc...Cô gái Mai Đình mang một dáng vóc nhỏ gầy, mộc mạc chân quê. Hàn Mặc Tử đã viết tập "Con gái quê" để viết về người con gái này. Ngọc Sương là một ca gái từ lâu đã yêu thầm nhà thơ Hàn Mặc Tử, chính cô gái này là cảm hứng viên nên tập thơ "Thơ điên" của ông.

Năm 1940, một nữ sinh Huế tên là Thương Thương đã mang đến cho Hàn Mặc Tử một nguồn cảm hứng mới. Thời gian này, ông sáng tác các tác phẩm như: Cuộc tình cuối cùng này đã thụ thai thành “Cẩm Châu Duyên”, “Quần Tiên Hội”…

Năm 1938 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội vì căn bênh phong, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Thân thể ông khô cứng, bàn tay bắt đầu nhăn vì phải dùng lực để hoạt động. Tuy nhiên, bác sĩ lại cho rằng, bệnh của ông là do trực khuẩn Hansen gây nên. Từ khi phát bệnh, bệnh của Hàn Mặc Tử phát triển rất nhanh, ông uống nhiều thuốc của lang băm dẫn đến nội tạng bị phá hỏng.

Ông từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi 28.

Có thể nói, nỗi đau về thể xác của Hàn Mặc Tử là vô cùng lớn, nhưng người ta không thể nghe thấy tiếng ông rên rỉ mà chỉ thấy nỗi đau đó xuất hiện trong vần thơ của ông.

Để tưởng nhớ đến một nhà thơ tài ba Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác ca khúc "Hàn Mạc Tử" để kể về cuộc đời của ông.

Năm 2004, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã thực hiện bộ phim Hàn Mặc Tử để kỷ niệm ông.

2. Tác phẩm thơ của Hàn Mặc Tử

  • Âm thầm
  • Bẽn lẽn
  • Duyên muộn
  • Đời phiêu lãng
  • Em lấy chồng
  • Gái quê
  • Hái dâu
  • Lòng quê
  • Mất duyên
  • Một đêm nói chuyện với gái quê
  • Nắng tươi
  • Nhớ chăng
  • Nhớ nhung
  • Nụ cười
  • Quả dưa
  • Sượng sùng
  • Tiếng vang
  • Tình quê
  • Tình thu
  • Tôi không muốn gặp
  • Trái mùa
  • Uống trăng
  • Biển hồn ta
  • Chơi trên trăng
  • Cô gái đồng trinh
  • Cô liêu
  • Hồn là ai
  • Một miệng trăng
  • Ngoài vũ trụ
  • Ngủ với trăng
  • Người ngọc
  • Rướm máu
  • Rượt trăng
  • Sáng láng
  • Say trăng
  • Trăng tự tử
  • Trút linh hồn
  • Trường tương tư
  • Ước ao
  • Vớt hồn
  • Biển hồn ta
  • Chơi trên trăng
  • Cô gái đồng trinh
  • Cô liêu
  • Hồn là ai
  • Một miệng trăng
  • Ngoài vũ trụ
  • Ngủ với trăng
  • Người ngọc
  • Rướm máu
  • Rượt trăng
  • Sáng láng
  • Say trăng
  • Trăng tự tử
  • Trút linh hồn
  • Trường tương tư
  • Ước ao
  • Vớt hồn
  • Bắt chước
  • Cao hứng
  • Chuỗi cười
  • Đà Lạt trăng mờ
  • Đây thôn Vĩ Dạ
  • Ghen
  • Huyền ảo
  • Lưu luyến
  • Mơ hoa
  • Mùa xuân chín
  • Sáng trăng
  • Say nắng
  • Thi sĩ Chàm
  • Thời gian
  • Tối tân hôn
  • Trăng vàng trăng ngọc
Để biết ơn những đóng góp của ông, nhiều nơi ở Việt Nam dùng tên của ông để đặt cho đường phố như:
  • Bà Rịa - Vũng Tàu (Đường Hàn Mạc Tử, phường 7, Vũng Tàu)
  • Đà Nẵng (Đường Hàn Mạc Tử, phường Thuận Phước, Hải Châu)
  • Đắk Lắk (Đường Hàn Mặc Tử, phường Tân An, Buôn Ma Thuột)
  • Huế (Đường Hàn Mạc Tử, phường Vỹ Dạ, Huế, Thừa Thiên Huế)
  • Nghệ An (Đường Hàn Mạc Tử, phường Trung Đô, Vinh)
  • Phan Thiết (con đường dẫn lên Lầu Ông Hoàng)
  • Quảng Bình (Đường Hàn Mặc Tử, phường Đồng Mỹ, Đồng Hới)
  • Thanh Hóa (Phố Hàn Mặc Tử, phường Trường Thi, Thanh Hóa)
  • Thành phố Hồ Chí Minh (Đường Hàn Mạc Tử, phường Số 12, Tân Bình và đường Hàn Mạc Tử, phường Tân Thành, Tân Phú)...

3. Phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử​

Là một trong những nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới. Thế giới văn chương của ông luôn phong phú đầy màu sắc mang đậm phong cách cá nhân. Ông đã đưa vào Thơ mới sự sáng tạo, những hình ảnh đầy ấn tượng. Thế giới nội tâm đa dạng Hàn Mặc Tử đem đến cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm để đời. Ngoài sử dụng bút pháp lãng mạn, ông còn sử dụng bút pháp tượng trưng và bút pháp siêu thực.

Đọc thơ của Hàn Mặc Tử ta bắt gặp một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu con người da diết. Một khát vọng sống đến mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Một người thi sĩ đa tài nhưng cuộc sống ngắn ngủi. Mặc dù ra đi ở tuổi đời rất trẻ nhưng sự nghiệp Thơ ca của ông vô cùng đồ sộ.

Tiêu biểu trong sáng tác của Hàn Mặc Tử có tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ - được trích trong tập Thơ điên. Khi sáng tác bài thơ này, Hàn Mặc Tử đang trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, ông đang phải chịu đựng những cơn đau giằng xé từ căn bệnh phong hàn. Thế nhưng khi đọc Đây thôn Vĩ Dạ người đọc như hòa vào một thế giới khác, nơi ấy không phải lời kêu than của một người đang lâm bệnh nặng mà ở đó là một tâm hồn yêu thương thiên nhiên, yêu thương con người da diết. Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ, một hồn thơ nặng tình, là góc nhìn mới mẻ nơi xứ Huế. Tác giả đã đem đến cho người đọc những vần thơ đầy xúc cảm, một vẻ đẹp thấm đượm nỗi buồn của xứ Huế.

Một số bài thơ cuối đời của tác giả Hàn Mặc Tử còn đan xen những hình ảnh ma quái, là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng nào, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ trong sáng, lung linh, huyền ảo, có một ma lực với sức cuốn hút diệu kì đối với người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú.

4. Hàn Mặc Tử thời trẻ

Cha Hàn Mặc Tử là một thông ngôn nên thường phải thuyên chuyển công tác nhiều nơi. Chính vì vậy mà, từ bé Hà Mặc Tử đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926).

Năm 1933, Hàn Mặc Tử vào làm cho Sở Đạc Điền Quy Nhơn và quen với Hoàng Tùng Ngâm, có họ hàng với với Hoàng Thị Kim Cúc, còn gọi là Hoàng Cúc. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Hàn Mặc Tử đã đem lòng si mê cô hàng xóm xinh đẹp, đài các. Hàn Mặc Tử đã làm một số bài thơ để tặng nàng Hoàng Cúc như “Vịnh hoa cúc”, “Trồng hoa cúc”...Nhưng Hoàng Cúc chỉ giữ mối tình trong lòng mà không thể hiện ra ngoài. Sau này, khi viết thư cho một người bạn của Hàn Mặc Tử là nhà thơ Quách Tấn, Hoàng Cúc mới nói rõ tâm tình rằng không có tình ý với Hàn Mặc Tử.

5. Cuộc sống gia đình Hàn Mặc Tử

Cha mẹ của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Văn Toản lấy, Nguyễn Thị Duy, hai ông bà sinh được 8 người con, Hàn Mặc Tử là con thứ 4 trong gia đình.

Trong đó có anh cả là Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu) cũng là người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên con đường thơ văn. Hai chị là Nguyễn Thị Như Lễ, Nguyễn Thị Như Nghĩa. Em là Nguyễn Bá Tín (người dời mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa về Ghềnh Ráng vào ngày ngày 13 tháng 2 năm 1959), Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền Nguyễn Văn Thảo.

6. Những bóng hồng đi qua cuộc đời Hàn Mặc Tử đã để lại cảm hứng trong thơ ông rất nhiều​

Hàn Mặc Tử là một người đa sầu đa cảm. Vì thế có rất nhiều hình bóng giai nhân đã đi vào thơ của Hàn Mặc Tử, và ông cũng đã đổ biết bao máu lệ để tặng cho họ những vần thơ. Nhờ tình yêu, Hàn Mặc Tử đã cống hiến cho đời những thi phẩm vừa lãng mạn vừa dữ dội.

Mộng Cầm là mối tình đầu của nhà thơ khi hai người gặp gỡ nhau tại Phan Thiết và Quy Nhơn. Hai người thề nguyền gắn bó keo sơn, cùng nhau xướng họa thi văn, hẹn hò trăm năm. Nhưng 6 tháng sau khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh, Mộng Cầm đã đi lấy chồng! Nỗi đau đớn tuyệt vọng của thi sỹ có lúc như phẫn uất, điên cuồng: “Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phủ phàng”, có lúc chợt vỡ oà thành tiếng khóc não nùng, thê thiết: “Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”.

Trong số các người tình của Hàn Mặc Tử, có lẽ không ai yêu ông tha thiết bằng nữ sĩ Mai Ðình, tên thật là Mai Thị Lệ Kiều. Mai Ðình thường gửi những bài thơ ký tên Lệ Kiều xin nhà thơ sửa và đăng báo. Từ đó tình thơ chớm nở. Biết người yêu mang trọng bệnh nhưng bất chấp sự ngăn cản của gia đình cũng như sự né tránh của người yêu, Mai Ðình vẫn gần gũi và chăm sóc ông hết mình. Sau này, khi về thăm mộ nhà thơ, nữ sĩ Mai Ðình đã viết những vần thơ nức nở:

“Bên anh, xin Chúa cho xây mãi
Nấm mồ thương nhớ, khổ thương đau
Hình anh, em khắc trong tim
Cho mai trắng nở quanh viền mộ anh”.


Và còn nhiều nữa những hình bóng giai nhân xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử, có những người để lại dấu ấn đậm nét, cũng có những người chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng tất cả đều là những nguồn thơ bất tận, được thi sĩ gửi vào những vần thơ tuyệt tác.

Trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Hàn Mặc Tử đã dốc toàn lực viết nên thi phẩm nổi tiếng, trong đó có bài “Đây thôn Vĩ Dạ” in trong tập “Đau thương” để tặng người yêu là Kim Cúc.

Đây thôn Vỹ Dạ” là giọng tình day dứt – là một lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng, đơn phương. Bài thơ còn là tình yêu thiên nhiên, yêu con người Vĩ Dạ một cách nồng cháy – nơi chất chứa biết bao kỷ niệm.

Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc.

Hàn Mặc Tử - Ngôi sao ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị.
Thêm
Nhà thơ Hàn Mặc Tử
1K
5
5
Cù Huy Cận (31 tháng 5 năm 1919 – 19 tháng 2 năm 2005), bút danh hoạt động nghệ thuật là Huy Cận, là một chính khách, từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam như Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), ngoài ra ông còn là một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Cùng tìm hiểu những thông tin về nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam - Huy Cận trong bài viết này.

Nhà thơ Huy Cận Văn học trẻ.jpg

1. Tiểu sử nhà thơ Huy Cận​

Huy Cận tên đầy đủ là Cù Huy Cận, ông sinh năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, trong một gia đình nhà nho nghèo.

Ngày còn bé Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Huy Cận cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Sau cách mạng tháng 8, Huy Cận giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng. Sau này ông làm thứ trưởng Bộ Văn Hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách công tác văn hóa và văn nghệ.

Từ năm 1984, ông là chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I,II và VII. Tháng 6, năm 2001, ông được bầu làm viện trưởng Viện hàn lâm Thơ Thế giới.

Huy Cận mất ngày 16, tháng 2, năm 2006, tại Hà Nội.

2. Phong cách sáng tác của Huy Cận​

Mỗi bài thơ của Huy Cận đều mang một phong cách đặc biệt và có một điểm chung là hàm súc, triết lý. Ông là một đại biểu xuất sắc cho phong trào thơ mới với hồn thơ ảo não. Huy Cận là một người yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp.

Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Huy Cận chia thành hai giai đoạn:​

Giai đoạn trước tháng 8 năm 1945: Năm 1940, nhà thơ Huy Cận cho in tập thơ ” Lửa thiêng” gồm những bài đã đăng trên báo từ năm 1936-1940. Tập thơ này mang một nỗi buồn da diết, thiên nhiên thì bao la, hiu quạnh. Nhưng chính tập thơ này Huy Cận trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ Mới (1932-1941) lúc bấy giờ. Ông còn nhiều tập thơ khác được in trên báo. Các tác phẩm như Kinh cầu tự (1942, văn xuôi triết lí) và Vũ trụ ca (thơ đăng báo 1940-1942)… đã mang một một màu sắc tươi mới hơn.

Giai đoạn sau tháng 8 năm 1945: Giai đoạn này thơ của Huy Cận chủ yếu là hô hào, ngợi ca cuộc sống mới, con người mới, nên giá trị nghệ thuật không cao. Ông cũng sáng tác một số tác phẩm về biển. Các tập thơ như: Trời mỗi ngày lại sáng, NChiến trường gần đến chiến trường xa, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Hai bàn tay em (thơ thiếu nhi), Họp mặt thiếu niên anh hùng, Những người mẹ, những người vợ, Ngày hằng sống ngày hằng thơ, Ngôi nhà giữa nắng, Hạt lại gieo, hững năm sáu mươi.

Thành tích và danh hiệu:

  • Năm 1996, Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
  • Tháng 06/2001, Huy Cận được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
  • Ngày 23/02/2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.
  • Ở một số thành phố đã có đường phố mang tên nhà thơ Huy Cận như Đồng Hới, Quảng Bình (nối Nguyễn Bỉnh Khiêm với Mạc Đĩnh Chi)… Ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (quê ông), có Trường Trung học phổ thông mang tên Cù Huy Cận.
Sáng tác của Huy Cận trước Cách mạng tháng 8 mang nét sầu não, buồn thương. Còn sau Cách mạng tháng 8 thì lại mang nét tươi vui. Có thể thấy rằng các sáng tác của Huy Cận luôn bám sát hiện thực cuộc sống, thời đại.

Nổi bật trong sự nghiệp thơ ca của Huy Cận có bài thơ Tràng giang (TCM), Đoàn thuyền đánh cá (Sau CM)

Tác phẩm tiêu biểu​

Bài thơ cuộc đời, Những năm sáu mươi, Lửa hồng muối mặn, Đất nở hoa, Đoàn thuyền đánh cá, Một cuộc cách mạng trong thi ca, Suy nghĩ về nghệ thuật, Hạt lại gieo, Suy nghĩ về nghệ thuật, Ngôi nhà giữa nắng, Cô gái mèo,…

3. Những nhận định về Huy Cận và bài thơ Tràng Giang​

Những nhận định về nhà thơ Huy Cận
Những nhận định về bài thơ Tràng giang
1. Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích không bao giờ tan được. (Hoài Thanh)

2. Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. (Hoài Thanh)

3. Chàng than nỗi tháng ngày vùn vụt, bảo rằng hoa xuân không đậu, đời thoảng mùi ôi, trong khi mình chưa sống hết tuổi xuân, đang độ trẻ măng của đời người! Cái tiếc sớm, cái thương người ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống. (Xuân Diệu)

4. Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai đâu! Xem suốt tập "Lửa thiêng", cái cảm giác trỗi nhất của ta là một cảm giác không gian: Ta nghe xa vắng quanh mình; ta đứng trên thiên văn dài của linh hồn, nhìn cõi bát ngát; một cái buồn vời vợi dàn ra cho đến hư vô. Huy Cận quá cảm nghe cái mênh mông, thì giọng thơ của người cũng lây cái sầu của vũ trụ. Những bài thơ đôi khi vắng vẽ quá: “Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa”, “Mái nghiêng nghiêng gửi buồn heo hút người”, hay là “Sầu thu lên vút song song”: Chỉ có trời đất ngơ ngẩn với nhau (Xuân Diệu).

5. Hương vị, đó là một đặc tính của thơ Huy Cận. Thơ ông không lộng lẫy, không kiều diễm, không chú nơi thanh sắc, không nở ra như những đoá hoa rực rỡ; thơ ông không khoe tươi. Thơ ông như nụ mùa xuân, như trái mùa hè, gói gắm lại, nhưng đầy căng nhựa thơm và mật ngọt. Ông không làm mê ta bằng màu sắc và âm điệu; ông có một sức quyến rũ lạ lùng hơn, khó hiểu hơn: là mùi thơm. Thơ ông phô bày một cái gì thầm kín, rạo rực; thơ ông không phải là rượu đã rót vào chén, thơ ông là men đương lên; thơ ông không phải hoa sẵn trên cành, thơ ông là dòng nhựa đương chuyển. Ông cảm nghe sức sống, cái nao nức của cảnh vật, cái tình ý của thiên nhiên. (Xuân Diệu)

6. Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhỏ và hay làm thinh, để cho men lòng càng rạo rực hơn nữa; một tâm hồn hãy lặng yên để nước mắt chảy, không biết khóc vì cái gì; vừa mạnh, vừa yếu, rất mới và rất xưa, rất Âu - Tây và rất Á Đông: nghĩa là cả con người, con người phức tạp của muôn thuở. (Xuân Diệu)

7. Mối buồn của thi nhân bao giờ cũng là một mối buồn vô hạn. Huy Cận cũng trở nên thi sĩ của tình cảm thống thiết, cũng tham lam đòi hỏi tình yêu, nhưng chàng thực chưa nặng tình cùng yêu mến như "Bạn chàng Xuân Diệu". (Nhà phê bình Lương An)

8. “Sở dĩ Huy Cận buồn thương như vậy là vì chàng lo sợ một ngày rất gần hạnh phúc sẽ không cười duyên với chàng nữa, mà chàng thì ham sống và tin vào cuộc đời quá. Chàng sầu vì tâm can chàng bắt chàng phải thế. Đó là một trong những lý do đã đưa chàng lên lầu thơ bất tuyệt. Mối sầu của chàng có thể cho là một mối sầu vạn cổ. (Nhà phê bình Lương An)

9. Ở Huy Cận, ta không thấy những tiếng kêu ầm ỹ, nóng nẩy như ở tác giả Thơ thơ và ta cũng không thấy cái buồn vơ vẩn và nhẹ nhàng như ở tác giả Tiếng thu. Huy Cận than thân thì ít mà góp tiếng khóc với đời thì nhiều. Cái giọng nhớ hờ, thương hão của ông đôi khi có hơi giống Tản Đà, nhưng ông lại khác Tản Đà ở chỗ có lòng tin tưởng ở đấng tối cao.

- Nếu ai hỏi tôi: thơ Huy Cận thế nào? Tôi sẽ đáp: thơ Huy Cận thanh tao, trong sáng, nhưng kém về thiết tha, thành thật, là những điều cốt yếu trong thơ của Xuân Diệu”.
(Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại quyển 3)

10.“Với những câu thơ cổ kính, phảng phất một linh hồn Đường thi, Huy Cận thành thực nhớ và ngơ ngẩn yêu những cái vu vơ mờ mịt. Ông gợi cảnh cũ, không biết rõ là cảnh Tàu hay Việt Nam, chỉ thấy xưa, thấy xa, thấy vắng lặng: đó là cả nỗi buồn mênh mang của thời gian:
Buồn gieo theo gió veo hồ,
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa.
Đồn xa quằn quại bóng cờ,
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về.

(Chiều xưa)
Nói sao hết, nói sao rõ được cái man mác rất thiết thực và rất vẩn vơ trong thơ Huy Cận? Đó chẳng phải là đáy sâu thẳm của linh hồn ta ư?” (Xuân Diệu)

11. “Với ông Huy Cận, trường “Thơ mới” tiến vượt lên một bậc nữa. Qua những bài thơ, những bài “lục bát” đặc sắc (…). Ta thấy tâm hồn thi sĩ rung động. Một tâm hồn phiền toái hơn tâm hồn ông Thế Lữ và Xuân Diệu, một tâm hồn có nhuốm màu thần bí… Muốn dập thơ theo kiểu Tây phương, muốn theo hình thức của thơ Pháp, những hộ tinh xoay quanh ba ngôi định tinh đang lúc chói lòa (Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận) cũng a dua đả phá niêm luật, đả phá âm hưởng. Họ có ngờ đàn ba ngôi “sao” ấy đã từng hiểu biết, mới có ý định cải cách, có ý định phá bỏ lề luật của người xưa”. (Lương Đức Thiệp)

12. “Cũng là vẩn vơ, nỗi buồn của Huy Cận không hẳn là nỗi buồn của tuổi hai mươi. Lòng ông quạnh hiu, vũ trụ bao la, phải đâu chỉ vì ông chưa hề “đón được tí hương ân ái”. Huy Cận buồn những nỗi buồn chung của nhân thế: buồn tiễn đưa, buồn nhớ bạn, buồn nhớ nhà, buồn chuyện đời quanh quẩn…” (Trương Chính)

13. “Điều đáng để ý là về nghệ thuật, Huy Cận tuy hưởng thụ nền học vấn phương Tây mà lại có một cốt cách rất Á Đông. Thơ ông bao la, vắng vẻ như những bức tranh Tầu, trong đó trời, mây, sông, núi choán cả phần chính. Huy Cận chú ý đến linh hồn hơn là nét vẽ và màu sắc, nên tranh ông thanh đạm lặng lẽ lạ thường. Thơ ông lại súc tích, kết đọng như thơ cổ. Nhất là về thể lục bát. Ý thơ như dồn thúc lại” (Trương Chính)
1. Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật, đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn”. Trong năm loại buồn được liệt kê ấy, Tràng giang thuộc loại thứ hai. Buồn sông dài trời rộng. Sông dài trời rộng đến bâng khuâng, đến thèm bơ vơ. (Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh - Hoài Chân)

2. “Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu Giang sơn Tổ quốc” (Xuân Diệu)

Nhận định hay về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá​

1. “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những bài thơ thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách thơ của Huy Cận. Trước cảm hứng của cuộc sống mới, nhà thơ đã không thể nào giữ yên lặng mà phải đặt bút. Có thể nói đây là một trong những sáng tác hay nhất của ông.” – Thảo Nguyên

2. “Bài thơ là cuộc chạy đua giữa con người và thiên nhiên và con người đã chiến thắng. Tôi coi đây là một khúc tráng ca, ca ngợi con người trong lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui”.(Nhà thơ Huy Cận đã chỉ ra dụng ý của mình khi viết bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá')

Mặc dù trải qua lớp bụi của thời gian thế nhưng những tác phẩm của Huy Cận vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

(VHT sưu tầm, tổng hợp)

Thêm
Nhà thơ Huy Cận
3K
2
3
Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện nay là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.

Nguyễn Quang Thiều.jpg

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh Phong Doanh​

Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô phát sóng phổ biến trên VTV trong những năm 1998.

Ông được coi là người cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là tờ An Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh Sát Toàn Cầu.. Bên cạnh đó, ông còn là chủ biên của nhiều tờ báo khác có tiếng tăm trong làng truyền thông đại chúng ở Việt Nam.

Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt.

Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ tiên phong với trào lưu hiện đại mà còn là cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. Trong anh không chỉ có con người bay bổng, ưu tư với những phiền muộn thi ca, mà còn có một nhà báo linh hoạt và nhạy bén.

Ngoài giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993, giải A cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước.

Thơ

Ngôi nhà tuổi 17 (1990)
Sự mất ngủ của lửa, 1992
Những người đàn bà gánh nước sông, 1995
Những người lính của làng, 1996
Thơ Nguyễn Quang Thiều, 1996
Nhịp điệu châu thổ mới, 1997
Bài ca những con chim đêm, 1999
Thơ tuyển cho thiếu nhi, 2004
Cây ánh sáng, 2009
Châu thổ, 2010
Tiếng vọng

Văn xuôi (Tiểu thuyết, truyện ngắn)

Mùa hoa cải bên sông, 1989 - Được chuyển thể thành phim Lời nguyền của dòng sông (1992) Đạo diễn : Khải Hưng
Tiếng gọi cuối mùa đông - Được chuyển thể thành phim Tiếng gọi bên sông (1993) Đạo diễn : Nguyễn Hữu Phần
Cái chết của bầy mối, 1991
Người đàn bà tóc trắng, 1993
Bầy chim chìa vôi
Thành phố chỉ sống 60 ngày, 1991
Vòng nguyệt quế cô đơn, 1991
Cỏ hoang, tiểu thuyết, 1992
Tiếng gọi tình yêu, 1993
Kẻ ám sát cánh đồng, 1995
Người đàn bà tóc trắng, truyện ngắn, 1996
Đứa con của hai dòng họ, truyện ngắn, 1997
Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, 1998
Người cha, truyện thiếu nhi, 1998
Bí mật hồ cá thần, truyện thiếu nhi, 1998
Con quỷ gỗ, truyện thiếu nhi, 2000
Ngọn núi bà già mù, truyện thiếu nhi, 2001
Người nhìn thấy trăng thật, truyện ngắn, 2003
Người, chân dung văn học, 2008
Ba người, chân dung văn học (in chung), 2009
Có một kẻ rời bỏ thành phố, tiểu luận, 2010
Trong ngôi nhà của mẹ,2016

Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tập thơ mới nhất của anh, Cây ánh sáng - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009 đang thu hút sự chú của dư luận và giới phê bình[1]

Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô (xem thêm làng Nhô) phát sóng phổ biến trên VTV trong những năm 1998
Sách dịch

Khoảng thời gian không ngủ, thơ Mỹ, 1997
Chó hoàng Đingô, truyện ngắn Úc, 1995
Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, 2002

Ngoài ra, Nguyễn Quang Thiều còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và và hơn 500 bài báo, bút ký, ghi chép, tiểu luận… với các bút danh như Trực Ngôn, Vương Thảo, Hạnh Nguyên, Hoàng Lê…

Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều đã được in thành sách và được giới thiệu trên các tạp chí và báo ở các nước như Mỹ, Pháp, Nga, Úc, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela, Colombia, Na Uy, Thuỵ Điển, Malaysia, Thái Lan…

Giải thưởng văn học:

– Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa.

– Giải thưởng Final cho tập thơ The Women Carry River Water của The National Literary Translators Association of America năm 1998.

Quan niệm văn học:

– Tôi viết rất nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí… Nhưng thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn. Một điều tôi muốn nói đến là: có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới.

– Điều quan trọng nhất của thơ là tạo ra sự ám ảnh và điều tệ hại nhất là thiếu trí tưởng tượng.

– Hãy sống, hãy mơ ước và sáng tạo không ngưng nghỉ trong im lặng nếu không có lý do để than thở. Khi nhà văn sống đến từng nào thì họ sẽ viết đến từng đó.

Văn chương Việt Nam chưa được thế giới chú ý nhiều, các tác giả của chúng ta không được bạn đọc săn lùng như Murakami Haruki, Mạc Ngôn... Chúng tôi từng tổ chức bốn hội nghị quảng bá văn học Việt. Các tác phẩm của tác giả trong nước cần được dịch ra nhiều thứ tiếng, để tư tưởng, tình cảm, vẻ đẹp trong ngôn ngữ, tinh thần người Việt được lan tỏa. Chúng tôi đang lên kế hoạch rõ ràng cho kế hoạch này, rất cần sự ủng hộ. Cần có chiến lược kỹ lưỡng như tuyển chọn tác phẩm - bản dịch xuất sắc, hệ thống phát hành... Tôi nghĩ chẳng cần phải đi đâu xa, hãy học hỏi Hàn Quốc trong việc quảng bá nghệ thuật, văn hóa.
Lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhân trả lời VnExpress

Tổng hợp
Thêm
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều
  • Like
Reactions: VHT Books
457
1
0
Nhà văn Fyodor Dostoevsky (11 tháng 11 năm 1821 - 9 tháng 2 năm 1881) là một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nga. Các tác phẩm văn xuôi của ông chủ yếu đề cập đến các chủ đề triết học, tôn giáo, tâm lý và chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và chính trị phức tạp của nước Nga thế kỷ XIX.
Nhà văn Fyodor Dostoevsky.png

(Nhà văn Fyodor Dostoevsky - nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Nga)​

Thông tin nhanh: Fyodor Dostoevsky​

  • Tên đầy đủ: Fyodor Mikhailovich Dostoevsky
  • Được biết đến: nhà tiểu luận và tiểu thuyết gia người Nga
  • Sinh: 11 tháng 11 năm 1821 tại Moscow, Nga
  • Cha mẹ: Tiến sĩ Mikhail Andreevich và Maria (nhũ danh Nechayeva) Dostoevsky
  • Qua đời: ngày 9 tháng 2 năm 1881 tại St.Petersburg, Nga
  • Học vấn: Học viện Kỹ thuật Quân sự Nikolayev
  • Các tác phẩm được chọn: Ghi chú từ lòng đất (1864), Tội ác và trừng phạt (1866), Kẻ ngốc (1868–1869), Ác quỷ (1871–1872), Anh em nhà Karamazov (1879–1880)
  • Vợ / chồng: Maria Dmitriyevna Isaeva (m. 1857–1864), Anna Grigoryevna Snitkina (m. 1867⁠ – ⁠1881)
  • Các con : Sonya Fyodorovna Dostoevsky (1868–1868), Lyubov Fyodorovna Dostoevsky (1869–1926), Fyodor Fyodorovich Dostoevsky (1871–1922), Alexey Fyodorovich Dostoevsky (1875–1878)
  • Trích dẫn đáng chú ý: “Con người là một điều bí ẩn. Nó cần phải được làm sáng tỏ, và nếu bạn dành cả đời để làm sáng tỏ nó, đừng nói rằng bạn đã lãng phí thời gian. Tôi đang nghiên cứu bí ẩn đó vì tôi muốn trở thành một con người ”.

Đầu đời​

Dostoevsky xuất thân từ giới quý tộc nhỏ ở Nga, nhưng khi sinh ra, đã trải qua vài thế hệ, gia đình trực hệ của ông không có bất kỳ danh hiệu quý tộc nào. Ông là con trai thứ hai của Mikhail Andreevich Dostoevsky và Maria Dostoevsky (trước đây là Nechayeva). Về phía Mikhail, nghề gia đình là giáo sĩ, nhưng thay vào đó Mikhail đã bỏ trốn, cắt đứt quan hệ với gia đình và đăng ký vào trường y ở Moscow , nơi đầu tiên anh trở thành bác sĩ quân y và cuối cùng là bác sĩ tại Bệnh viện Mariinsky cho nghèo. Năm 1828, ông được thăng chức giám định viên đại học, giúp ông có địa vị ngang hàng với một số quý tộc nhất định.

Cùng với anh trai (tên là Mikhail theo tên cha của họ), Fyodor Dostoevsky có sáu người em, năm người trong số họ sống đến tuổi trưởng thành. Mặc dù gia đình có thể mua một bất động sản mùa hè cách xa thành phố, phần lớn thời thơ ấu của Dostoevsky đã trải qua ở Moscow tại tư dinh của một bác sĩ trong khuôn viên của Bệnh viện Mariinsky, điều đó có nghĩa là ông đã quan sát những người bệnh tật và nghèo khó từ khi còn rất nhỏ. Từ khi còn nhỏ, anh đã được làm quen với văn học, bắt đầu với truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích và Kinh thánh, rồi nhanh chóng chuyển sang các thể loại và tác giả khác.

Khi còn là một cậu bé, Dostoevsky tò mò và dễ xúc động, nhưng không có sức khỏe thể chất tốt nhất. Trước tiên, ông được gửi đến một trường nội trú của Pháp, sau đó đến một trường ở Moscow, nơi ông cảm thấy lạc lõng giữa những người bạn cùng lớp quý tộc hơn của mình. Cũng giống như những trải nghiệm và cuộc gặp gỡ thời thơ ấu của anh ấy, cuộc sống ở trường nội trú sau đó được tìm thấy trong các tác phẩm của anh ấy.

Học viện, Kỹ thuật và Nghĩa vụ quân sự​

Khi Dostoevsky 15 tuổi, anh và anh trai Mikhail đều bị buộc phải bỏ dở việc học và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp quân sự tại Trường Kỹ thuật Quân sự Nikolayev của St.Petersburg, nơi được theo học miễn phí. Cuối cùng, Mikhail bị từ chối vì sức khỏe yếu, nhưng Dostoevsky đã được nhận, mặc dù khá miễn cưỡng. Anh ấy không mấy quan tâm đến toán học, khoa học, kỹ thuật hay quân đội nói chung, và tính cách triết học, bướng bỉnh của anh ấy không phù hợp với các bạn cùng lứa tuổi (mặc dù anh ấy đã giành được sự tôn trọng của họ, nếu không muốn nói là tình bạn của họ).

Vào cuối những năm 1830, Dostoevsky đã phải chịu một số thất bại. Vào mùa thu năm 1837, mẹ ông qua đời vì bệnh lao . Hai năm sau, cha anh qua đời. Nguyên nhân chính thức của cái chết được xác định là do đột quỵ, nhưng một người hàng xóm và một trong những người em của Dostoevsky đã lan truyền tin đồn rằng nông nô của gia đình đã sát hại ông. Các báo cáo sau đó cho rằng Fyodor Dostoevsky trẻ tuổi bị động kinh vào khoảng thời gian này, nhưng các nguồn tin về câu chuyện này sau đó đã được chứng minh là không đáng tin cậy.

Sau khi cha qua đời, Dostoevsky đã vượt qua kỳ thi đầu tiên của mình và trở thành một thiếu sinh quân kỹ sư, điều này cho phép anh chuyển ra khỏi nhà ở học viện và sống với bạn bè. Anh thường đến thăm Mikhail, người đã định cư ở Reval, và tham dự các sự kiện văn hóa như múa ba lê và opera. Năm 1843, ông nhận được công việc là một kỹ sư trung úy, nhưng ông đã bị phân tâm bởi các mục tiêu theo đuổi văn học. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách xuất bản các bản dịch; bản dịch đầu tiên của ông, cuốn tiểu thuyết Eugénie Grandet của Honoré de Balzac , được xuất bản vào mùa hè năm 1843. Mặc dù ông đã xuất bản một số bản dịch trong khoảng thời gian này, không có bản nào đặc biệt thành công và ông thấy mình đang gặp khó khăn về tài chính.

Sự nghiệp sớm và sự lưu vong (1844-1854)​

  • Dân gian nghèo (Poor Folk) (1846)
  • Đôi (The Double) (1846)
  • "Ông Prokharchin" (1846)
  • Bà chủ (1847)
  • "Tiểu thuyết trong chín lá thư" (1847)
  • "Vợ của một người đàn ông khác và một người chồng dưới giường" (1848)
  • "Một trái tim yếu đuối" (1848)
  • "Polzunkov" (1848)
  • "An Honest Thief" (1848)
  • "Một cây thông Noel và một đám cưới" (1848)
  • "Đêm trắng" (1848)
  • "A Little Hero" (1849)

Dostoevsky hy vọng rằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Poor Folk (Dân gian nghèo), sẽ đủ thành công về mặt thương mại để giúp ông thoát khỏi khó khăn tài chính, ít nhất là vào lúc này. Cuốn tiểu thuyết được hoàn thành vào năm 1845, và người bạn cùng phòng của ông là Dmitry Grigorovitch đã có thể giúp ông có được bản thảo trước những người phù hợp trong cộng đồng văn học. Nó được xuất bản vào tháng 1 năm 1846 và trở thành một thành công ngay lập tức, cả về mặt phê bình và thương mại. Để tập trung hơn vào việc viết lách, anh đã từ chức quân đội. Năm 1846, cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông, The Double , được xuất bản.

Khi đắm mình sâu hơn vào thế giới văn học, Dostoevsky bắt đầu nắm lấy những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội . Giai đoạn tìm hiểu triết học này đồng thời với sự đi xuống trong vận may văn học và tài chính của ông: The Double được đón nhận kém, và các truyện ngắn sau đó của ông cũng vậy, và ông bắt đầu bị động kinh và các vấn đề sức khỏe khác. Ông tham gia một loạt các nhóm xã hội chủ nghĩa, những nhóm này đã cung cấp cho ông sự trợ giúp cũng như tình bạn, bao gồm cả Hiệp hội Petrashevsky (được đặt tên theo người sáng lập Mikhail Petrashevsky), những người thường xuyên gặp nhau để thảo luận về các cải cách xã hội như xóa bỏ chế độ nông nô và tự do báo chí và bài phát biểu từ kiểm duyệt.

Tuy nhiên, vào năm 1849, vòng tròn đã bị tố cáo với Ivan Liprandi, một quan chức chính phủ tại Bộ Nội vụ, và bị buộc tội đọc và lưu hành các tác phẩm bị cấm chỉ trích chính phủ. Lo sợ về một cuộc cách mạng, chính phủ của Sa hoàng Nicholas I coi những kẻ chỉ trích này là những tên tội phạm rất nguy hiểm. Họ đã bị kết án tử hình và chỉ được ân xá vào thời điểm cuối cùng có thể khi một lá thư từ sa hoàng gửi đến ngay trước khi hành quyết, sau đó họ phải chịu án đày và lao động khổ sai. Dostoyevsky bị đày đến Siberia để thụ án, trong thời gian đó, ông bị một số biến chứng về sức khỏe nhưng vẫn nhận được sự kính trọng của nhiều bạn tù.

Trở về từ nơi lưu đày (1854-1865)​

  • Giấc mơ của Bác (1859)
  • Ngôi làng Stepanchikovo (1859)
  • Bị sỉ nhục và xúc phạm (1861)
  • Ngôi nhà của người chết (1862)
  • "A Nasty Story" (1862)
  • Ghi chú mùa đông về ấn tượng mùa hè (1863)
  • Ghi chú từ Underground (1864)
  • "Con cá sấu" (1865)
Dostoevsky mãn hạn tù vào tháng 2 năm 1854, và ông đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết dựa trên những trải nghiệm của mình, Ngôi nhà của người chết , vào năm 1861. Năm 1854, ông chuyển đến Semipalatinsk để chấp hành phần còn lại của bản án, buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Siberia. Quân đoàn của Tiểu đoàn 7 Phòng tuyến. Khi ở đó, anh bắt đầu làm gia sư cho trẻ em của các gia đình thượng lưu gần đó.

Chính trong những vòng tròn này, Dostoevsky lần đầu tiên gặp Alexander Ivanovich Isaev và Maria Dmitrievna Isaeva. Anh nhanh chóng yêu Maria, mặc dù cô đã kết hôn. Alexander phải nhận chức vụ quân sự mới vào năm 1855, nơi ông bị giết, vì vậy Maria chuyển mình và con trai đến ở với Dostoevsky. Sau khi ông gửi một lá thư xin lỗi chính thức vào năm 1856, Dostoevsky có quyền kết hôn và xuất bản một lần nữa được khôi phục; ông và Maria kết hôn năm 1857. Cuộc hôn nhân của họ không mấy hạnh phúc, do sự khác biệt về tính cách và các vấn đề sức khỏe liên tục của ông. Những vấn đề sức khỏe tương tự cũng dẫn đến việc ông được thả ra khỏi nghĩa vụ quân sự vào năm 1859, sau đó ông được phép trở về từ cuộc sống lưu vong và cuối cùng, trở lại St.Petersburg.

Ông đã xuất bản một số truyện ngắn vào khoảng năm 1860, trong đó có “A Little Hero”, đây là tác phẩm duy nhất ông viết khi ở trong tù. Năm 1862 và 1863, Dostoevsky đã thực hiện một số chuyến đi ra khỏi Nga và khắp Tây Âu. Ông đã viết một bài tiểu luận, “Ghi chú mùa đông về ấn tượng mùa hè”, lấy cảm hứng từ những chuyến du hành này và phê phán một loạt những gì ông coi là tệ nạn xã hội, từ chủ nghĩa tư bản đến Cơ đốc giáo có tổ chức và hơn thế nữa.

Khi ở Paris, ông đã gặp và yêu Polina Suslova và đánh bạc phần lớn tài sản của mình, điều này khiến ông rơi vào tình thế nghiêm trọng hơn vào năm 1864, khi vợ và anh trai của ông đều qua đời, để lại ông là chỗ dựa duy nhất của con riêng và gia đình còn sống của anh trai mình. Các vấn đề phức tạp, Epoch , tạp chí mà anh và anh trai của mình đã thành lập, đã thất bại.

Viết lách thành công và bất ổn cá nhân (1866-1873)​

  • Tội ác và trừng phạt (1866)
  • Con bạc (1867)
  • The Idiot (1869)
  • Người chồng vĩnh cửu (1870)
  • Quỷ (1872)
May mắn thay, giai đoạn tiếp theo của cuộc đời Dostoevsky thành công hơn đáng kể. Trong hai tháng đầu năm 1866, phần đầu tiên của những gì sẽ trở thành Tội ác và Trừng phạt , tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được xuất bản. Tác phẩm đã trở nên vô cùng nổi tiếng và vào cuối năm đó, anh cũng đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết ngắn The Gambler .

Để hoàn thành The Gambler đúng thời hạn, Dostoevsky đã nhờ đến sự giúp đỡ của một thư ký, Anna Grigoryevna Snitkina, người kém anh 25 tuổi. Năm sau, họ kết hôn. Mặc dù có thu nhập đáng kể từ Tội ác và Trừng phạt , Anna buộc phải bán những đồ đạc cá nhân có giá trị để trang trải các khoản nợ của chồng. Đứa con đầu lòng của họ, con gái Sonya, chào đời vào tháng 3 năm 1868 và qua đời chỉ ba tháng sau đó.

Dostoevsky hoàn thành tác phẩm tiếp theo của mình, The Idiot , vào năm 1869, và con gái thứ hai của họ, Lyubov, chào đời vào cuối năm đó. Tuy nhiên, đến năm 1871, gia đình họ lại rơi vào tình trạng tài chính tồi tệ. Năm 1873, họ thành lập công ty xuất bản của riêng mình, nơi xuất bản và bán tác phẩm mới nhất của Dostoevsky, Những con quỷ . May mắn thay, cuốn sách và công việc kinh doanh đều thành công. Họ có thêm hai người con: Fyodor, sinh năm 1871 và Alexey, sinh năm 1875. Dostoevsky muốn bắt đầu một bộ phim truyền hình định kỳ mới, A Writer's Diary , nhưng ông không đủ khả năng chi trả. Thay vào đó, Nhật ký được xuất bản trong một ấn phẩm khác, The Citizen , và Dostoevsky được trả lương hàng năm cho việc đóng góp các bài luận.

Sức khỏe giảm sút (1874-1880)​

  • Vị thành niên (1875)
  • "Một sinh vật dịu dàng" (1876)
  • "The Peasant Marey" (1876)
  • "Giấc mơ của một người đàn ông nực cười" (1877)
  • Anh em nhà Karamazov (1880)
  • Nhật ký của một nhà văn (1873–1881)
Vào tháng 3 năm 1874, Dostoevsky quyết định nghỉ việc tại The Citizen ; Sự căng thẳng của công việc và sự giám sát liên tục, các phiên tòa và sự can thiệp của chính phủ đã chứng tỏ anh ấy và sức khỏe bấp bênh của anh ấy quá sức để giải quyết. Các bác sĩ đề nghị ông rời Nga một thời gian để cố gắng phục hồi sức khỏe, và ông đã ở xa vài tháng trước khi trở về St.

Dostoevsky tiếp tục thực hiện Nhật ký nhà văn của mình , bao gồm một loạt các bài tiểu luận và truyện ngắn xoay quanh một số chủ đề và mối quan tâm yêu thích của ông. Việc biên soạn trở thành ấn phẩm thành công nhất của ông từ trước đến nay, và ông bắt đầu nhận được nhiều thư từ và khách truy cập hơn bao giờ hết. Trên thực tế, nó nổi tiếng đến mức (trong một sự đảo ngược lớn so với cuộc sống trước đó của mình), ông đã được triệu tập đến triều đình của Sa hoàng Alexander II để trình cho ông một bản sao của cuốn sách và nhận được yêu cầu của sa hoàng giúp giáo dục các con trai của mình. .

Mặc dù sự nghiệp của ông thành công hơn bao giờ hết, sức khỏe của ông bị ảnh hưởng, với bốn lần co giật trong vòng một tháng vào đầu năm 1877. Ông cũng mất đứa con trai nhỏ của mình, Alexei, vì một cơn động kinh vào năm 1878. Từ năm 1879 đến 1880, Dostoevsky nhận được một một loạt các danh hiệu và các cuộc hẹn danh dự, bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Hiệp hội Nhân từ Slav và Hiệp hội Littéraire et Artistique Internationale. Khi được bầu làm phó chủ tịch của Hiệp hội Nhân từ Slav vào năm 1880, ông đã có một bài phát biểu được ca ngợi rộng rãi nhưng cũng bị chỉ trích gay gắt, dẫn đến sức khỏe của ông càng thêm căng thẳng.

Chủ đề và phong cách văn học​

Dostoevsky bị ảnh hưởng nặng nề bởi các niềm tin chính trị, triết học và tôn giáo của ông, những niềm tin này lại bị ảnh hưởng bởi tình hình nước Nga trong thời của ông. Niềm tin chính trị của ông về bản chất gắn liền với đức tin Cơ đốc của ông, điều này đã đặt ông vào một vị trí không bình thường: ông chê chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do là vô thần và làm suy giảm xã hội nói chung, nhưng cũng không chấp nhận những sắp xếp truyền thống hơn như chế độ phong kiến và chế độ đầu sỏ . Tuy nhiên, ông vẫn là một người theo chủ nghĩa hòa bình và coi thường những ý tưởng về cách mạng bạo lực. Đức tin của ông và niềm tin của ông rằng đạo đức là chìa khóa để cải thiện xã hội được xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của ông.

Phong cách viết nổi bật của Dostoevsky là ông sử dụng đa âm - nghĩa là sự đan xen của nhiều câu chuyện và giọng kể chuyện trong một tác phẩm duy nhất. Thay vì có giọng nói bao quát của tác giả, người có tất cả thông tin và hướng người đọc đến kiến thức “đúng đắn”, tiểu thuyết của ông có xu hướng đơn giản trình bày các nhân vật và quan điểm và để chúng phát triển một cách tự nhiên hơn. Không có một “chân lý” nào trong những cuốn tiểu thuyết này, điều này liên quan chặt chẽ đến khúc quanh triết học trong phần lớn tác phẩm của ông.

Các tác phẩm của Dostoevsky thường khám phá bản chất con người và mọi tâm lý kỳ quặc của loài người. Về mặt nào đó, có những nền tảng của Gothic cho những khám phá này, như được thấy trong niềm đam mê của ông với những giấc mơ, những cảm xúc phi lý trí và khái niệm về bóng tối đạo đức và nghĩa đen, như được thấy trong mọi thứ từ Anh em nhà Karamazov đến Tội ác và Trừng phạt và hơn thế nữa. Phiên bản chủ nghĩa hiện thực của ông, chủ nghĩa hiện thực tâm lý , đặc biệt quan tâm đến thực tế cuộc sống bên trong của con người, thậm chí còn nhiều hơn chủ nghĩa hiện thực của xã hội nói chung.

Cái chết​

Vào ngày 26 tháng 1 năm 1881, Dostoevsky bị hai lần xuất huyết phổi liên tiếp nhanh chóng. Khi Anna gọi cho bác sĩ, tiên lượng rất nghiệt ngã và Dostoevsky bị xuất huyết lần thứ ba ngay sau đó. Ông triệu tập các con của mình đến gặp ông trước khi ông qua đời và nhấn mạnh rằng Dụ ngôn Đứa con hoang đàng sẽ được đọc cho chúng nghe — một câu chuyện ngụ ngôn về tội lỗi, sự ăn năn và sự tha thứ. Dostoevsky mất ngày 9 tháng 2 năm 1881.

Dostoevsky được chôn cất tại Nghĩa trang Tikhvin tại Tu viện Alexander Nevsky ở St.Petersburg, cùng nghĩa trang với các nhà thơ yêu thích của ông, Nikolay Karamzin và Vasily Zhukovsky. Số người đưa tang chính xác trong đám tang của ông không rõ ràng, vì các nguồn khác nhau đã báo cáo con số dao động từ 40.000 đến 100.000. Bia mộ của ông có khắc một câu trích từ Phúc âm Giăng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi: Trừ một bắp lúa mì rơi xuống đất và chết, nó ở lại một mình; nhưng nếu nó chết, nó sinh nhiều trái. ”

Di sản​

Thương hiệu đặc biệt của Dostoevsky về văn bản tập trung vào con người, tinh thần và tâm lý đã góp phần truyền cảm hứng cho một loạt các phong trào văn hóa hiện đại, bao gồm chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện sinh và thậm chí cả Thế hệ Beat, và ông được coi là tiền thân chính của chủ nghĩa hiện sinh Nga, chủ nghĩa biểu hiện , và phân tâm học.

Nhìn chung, Dostoevsky được coi là một trong những tác giả lớn của văn học Nga. Giống như hầu hết các nhà văn, cuối cùng ông cũng được khen ngợi hết lời bên cạnh những lời chỉ trích gay gắt; Vladimir Nabokov đặc biệt chỉ trích Dostoevsky và những lời khen ngợi mà ông đã nhận được. Tuy nhiên, ở phía đối diện của sự việc, những người nổi tiếng bao gồm Franz Kafka, Albert Einstein, Friedrich Nietzsche và Ernest Hemingway đều nói về ông và tác phẩm của ông bằng những thuật ngữ rực rỡ. Cho đến ngày nay, ông vẫn là một trong những tác giả được đọc và nghiên cứu nhiều nhất, và các tác phẩm của ông đã được dịch trên toàn cầu.


Nguồn
Frank, Joseph. Dostoevsky: Áo choàng của Nhà tiên tri, 1871–1881 . Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2003.
Frank, Joseph. Dostoevsky: Hạt giống của cuộc nổi dậy, 1821–1849 . Nhà xuất bản Đại học Princeton, 1979.
Frank, Joseph. Dostoevsky: A Writer in His Time . Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2009.
Kjetsaa, Geir. Fyodor Dostoyevsky: Cuộc đời của một nhà văn . Fawcett Columbine, 1989.

Thêm
Nhà văn Fyodor Dostoevsky
  • Like
Reactions: Nguyễn Anh Tú
735
1
0

Trang cá nhân

Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Hiện tại có cuộc thi nào không các bạn
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. hưnga @ hưnga:
    cho em hỏi xu có những tác dụng gì ạ
Top