Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Bài viết mới

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Học kì 1 sắp hết và môn văn 10 sẽ thi hết kì. Và để đạt điểm cao, chúng ta cần tham khảo một số đề trước. Dưới đây chúng ta cùng chia sẻ một số đề mới và thảo luận nhé.



I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Có lần thần Đi-ô-ni-dốt hiện ra, cho vua Mi-đát được ước một điều. Mi-đát vốn tham lam nên nói ngay:
- Xin Thần cho mọi vật tôi chạm đến đều hóa thành vàng!
Thần Đi-ô-ni-dốt mỉm cười ưng thuận.
Vua Mi-đát thử bẻ một cành sồi, cành đó liền biến thành vàng. Vua ngắt một quả táo, quả táo cũng thành vàng nốt. Tưởng không có ai trên đời sung sướng hơn thế nữa!
Bọn đầy tớ dọn thức ăn cho Mi-đát. Nhà vua sung sướng ngồi vào bàn. Và lúc đó ông mới biết mình đã xin một điều ước khủng khiếp. Các thức ăn, thức uống khi vua chạm tay vào đều biến thành vàng. Mi-đát bụng đói cồn cào, chịu không nổi, liền chắp tay cầu khẩn:
- Xin Thần tha tội cho tôi! Xin Người lấy lại điều ước để cho tôi được sống!
Thần Đi-ô-ni-dốt liền hiện ra và phán:
- Nhà ngươi hãy đến sông Pác-tôn, nhúng mình vào dòng nước, phép màu sẽ biến mất và nhà người sẽ rửa sạch được lòng tham.
Mi-đát làm theo lời dạy của thần, quả nhiên thoát khỏi cái quà tặng mà trước đây ông hằng mong ước. Lúc ấy, nhà vua mới hiểu rằng hạnh phúc không thể xây dựng bằng ước muốn tham lam.
(Điều ước của vua Mi-đát, trích Thần thoại Hi Lạp, Nhữ Thành dịch)

Lựa chọn đáp án đúng:

1. Nội dung chính của câu chuyện là ?

A. Mong muốn của vua Mi-đát và sự giúp đỡ của thần Đi-ô-ni-dốt
B. Những ước muốn của vua Mi-đát
C. Ước muốn tham lam của vua Mi-đát
C. Niềm hạnh phúc của vua Mi-đát

2. Đâu là lời người kể chuyện?

A. Xin Thần cho mọi vật tôi chạm đến đều hóa thành vàng!
B. Xin Thần tha tội cho tôi! Xin Người lấy lại điều ước để cho tôi được sống!
C. Có lần thần Đi-ô-ni-dốt hiện ra, cho vua Mi-đát được ước một điều.
D. Nhà ngươi hãy đến sông Pác-tôn, nhúng mình vào dòng nước, phép màu sẽ biến mất và nhà người sẽ rửa sạch được lòng tham.

3. Chi tiết nào giúp vua Mi-đát hiểu ra điều ước của mình là khủng khiếp?
A. Vua Mi-đát thử bẻ một cành sồi, cành đó liền biến thành vàng
B. Các thức ăn, thức uống khi vua chạm tay vào đều biến thành vàng
C. Vua ngắt một quả táo, quả táo cũng thành vàng nốt
D. Nhà vua sung sướng ngồi vào bàn

4.. Nhân vật vua Mi-đát trong câu chuyện trên là người như thế nào?

A. Nhu nhược, bù nhìn
B. Tham lam, ngu ngốc
C. Khôn ngoan, tư lợi
D. Xảo trá, gian tham.

5. Bài học mà nhà vua Mi-đát hiểu ra là gì?

A. Hạnh phúc không thể xây dựng bằng ước muốn tham lam;
B. Không nên ước những điều ngu ngốc;
C. Trước khi ước điều gì cần phải suy nghĩ chín chắn
D. Không gì quý giá bằng miếng ăn.

6. Ý nghĩa của câu chuyện trên là gì?

A. Ngưỡng mộ sự màu nhiệm của điều ước;
B. Tôn vinh trí tuệ của thần Đi-ô-ni-dốt;
C. Trân trọng khát vọng giàu sang của con người;
D. Phê phán những ước muốn tham lam của con người.

7. Ý nào không nêu đúng lý do khiến chi tiết “Các thức ăn, thức uống khi vua chạm tay vào đều biến thành vàng” là chi tiết tiêu biểu, không thể lược bỏ:

A. Tăng kịch tính cho câu chuyện
B. Làm nổi bật sự tham lam của vua Mi-đát
C. Giúp người đọc hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu chuyện
D. Cho thấy ước muốn của vua Mi-đát là ngu ngốc và khủng khiếp

Trả lời các câu hỏi:

8. Chỉ ra và nêu tác dụng của chi tiết thần kì được sử dụng trong câu chuyện.

9. Thông điệp có ý nghĩa nhất anh(chị) rút ra được sau khi đọc xong câu chuyện.

10. Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm: “Hạnh phúc không thể xây dựng bằng ước muốn tham lam” không? Vì sao?


II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Điều ước của vua Mi- đát

------ Hết ------
Thêm
391
0
0
Bóng nắng gần tới đỉnh đầu. Sư cụ chùa Đồi Mai thủng thẳng trở về trai phòng. Nhà sư già gỡ chiếc nón tu lờ, sắp ngồi vào thụ trai thì có tiếng con trẻ gọi ở ngoài cổng chùa. Một chú tiểu lễ phép bước lên tam cấp:

– Bạch cụ, có người con trai cụ Sáu xin vào.

– Vậy chú vẫn đóng cửa chùa đó à? Chú ra mở mau không có người ta phải đứng nắng lâu. Cổng nhà chùa bao giờ cũng nên để ngỏ. Từ giờ chú nên nhớ: sáng sớm tụng kinh nhật tụng và thỉnh chuông xong là phải mở rộng cửa chùa và tối đến, lúc nào học xong kệ thì mới đóng. Kẻo nữa khách thập phương họ kêu đấy.

Tiểu ra được một lát thì một người con trai trạc mười bảy tuổi xúng xính trong chiếc áo dài thâm, chân xéo lấm, tay bưng cái khay tiến vào tăng xá, vái sư cụ:

– Bạch cụ, thầy con cho con mang xuống biếu cụ bình trà đầu xuân. Và xin phép cụ cho ra giếng chùa nhà gánh một gánh nước.

Nhà sư già đã quen với những việc biếu và xin mượn này ở dưới cụ Sáu, khẽ cất tiếng cười. Trên khuôn mặt khô xác, nụ cười không có gì là ấm áp thiết tha. Nó chỉ đủ là hiền lành thôi.

– Thế cháu đựng nước bằng cái gì?

– Dạ có người nhà quẩy nồi và gánh đi theo còn chờ ở ngoài.

– Ai di đà phật? Nắng này mà đi từ làng trên xuống tận đây lấy nước, cụ Sáu nhà có công quá. Cháu ngồi nghỉ chân đã. Để già bảo chú tiểu đưa tên bộc ra giếng. Cháu đi từ sớm, chắc bây giờ đã ngót dạ rồi; sẵn oản chuối vừa hạ xuống, già ép cháu thụ một ít lộc Phật.

– Bạch cụ, cháu ăn mặn ở nhà vẫn còn lửng dạ.

Sư cụ chùa Đồi Mai không nài thêm và vẫn chỉ cười rất thuần hậu.

– Cháu có biết cụ Sáu nhà đến xin nước ở chùa đây đã mấy năm nay rồi không? Gần mười năm. Uống trà tàu như thầy cháu thì cũng có một. Cứ nước giếng chùa đây mới chịu pha trà. Lắm lúc già tự hỏi về cái tiền thân của thầy cháu xem là như thế nào. Nghĩ đến cái nhân duyên của thầy cháu với nhà chùa đây, thực cũng là bền và kỳ lắm cháu ạ.

Thoáng thấy tên lão bộc đã quảy xong gánh nước đang ngơ ngác tìm mình và làm ướt cả khoảng giữa sân chùa lát toàn đá tảng xanh, người con cụ Sáu, với cái từ tốn của một thư sinh ngồi hầu chuyện bực phụ chấp đã xuất gia, liền vội vàng đứng dậy xin phép về.

– Bạch cụ, cháu vội phải về, vì ở nhà hôm nay có khách uống trà. Có lẽ thầy cháu ở nhà đang chờ nước về.

Nhà sư già cũng vội theo bọn xin nước ra tới thềm ngoài. Sư cụ rút trong tay áo vải rộng ra một chiếc quạt thước, xòe rộng hết cả nan quạt, nghiêng che đầu cho đỡ nắng và bảo chú tiểu:

– Chú chạy mau ra vườn, bẻ mấy cành lá đào.

Rồi cụ giữ con cụ Sáu lại:

– Ấy, ấy, thong thả một chút. Thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa nó đỡ sóng ra ngoài và về đến nhà, nước vẫn mát.

Bọn xin nước vái chào nhà sư. Trên con đường đất cát khô, nồi nước tròng trành theo bước chân mau của người đầy tớ già đánh rỏ xuống mặt đường những hình ngôi sao ướt và thẫm màu. Những hình sao ướt nối nhau trên một quãng đường dài ngoằn ngoèo như lối đi của loài bò sát. Ví buổi trưa hè này là một đêm bóng trăng dãi, và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần.

Ánh nắng già dặn buổi trưa nung đốt mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớp không khí bốc từ mặt đất. Giống như vệt khói nhờ, nắng vờn qua những màu xanh bóng loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm. Đứng trong cổng chùa từ bề cao nhìn xuống cái thấp dưới chân mình, nhà sư già nheo nheo cặp mắt, nhìn cái nắng sáng lòa. Bọn người xin nước chỉ còn là mấy cái chấm đen, mỗi chuyển động lại làm tung lại phía sau mình một chùm cát bụi mờ mờ. Gió nồm thổi mạnh, nhiều cơn, đã đem cả mảnh bụi trần kia vào lọt cổng ngôi chùa cao ráo. Nhà sư nghĩ đến cụ Sáu, thở dài tỏ ý tiếc cho một kiếp chúng sinh còn vướng mãi vòng nghiệp chướng.

Cụ Sáu vốn đi lại với chùa đây kể ra đã lâu. Từ trước cái hồi nhà sư già tới trụ trì. Mấy pho tượng Phật Tam thế bằng gỗ mít đặt ở trên bệ và mấy pho Kinh in giấy đại thừa là của cụ Sáu cúng đấy. Cái chuông treo ở trên nhà phương trượng cũng là của ông cụ Sáu cúng vào hồi trùng tu lại chùa. Và mỗi lần nhà chùa lập phả khuyến thì ông cụ Sáu đứng đầu sổ. Chùa Đồi Mai ở xa làng mạc biệt lập trên một khu đồi nên cũng ít bị phiền nhiễu bởi đám tạp khách. Thỉnh thoảng trong bọn khách đến chơi, ông cụ Sáu được sư cụ biệt đãi nhất. Tháng một lần, nhà sư già lại giữ ông cụ Sáu lại ăn một bữa cơm chay và lần nào từ biệt, nhà sư cũng chân thành tặng khách một rò lan Chu Mặc. Thường thường mỗi lần gặp gỡ, thể nào hai ông già cũng kéo nhau ra cái giếng nước mà chuyện vãn rất lâu. Nhà sư ít nhời, trầm tĩnh ngắm bóng cụ Sáu trong lòng đáy giếng sâu. Cái bóng nhà sư già ít khi được đậu hình cho lâu trên phiến gương nước giếng mát lạnh: chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch đá tổ ong, thánh thót rớt xuống, tiếng kêu bì bõm. Ông cụ Sáu tỳ tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà. Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: “Là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị. Mà bạch cụ, chúng tôi không hiểu tại sao ngọn đồi này cao mà thủy lại tụ. Địa thế chùa này, xem ra còn dụng võ được…”. Chừng như sợ cụ Sáu bàn rộng tới những chuyện không nên trao đổi với kẻ tu hành đã lánh khỏi việc của đời sống rồi, sư cụ vội nói lảng sang chuyện mấy cây mít nhà chùa năm nay sai quả lắm. Rồi kéo cụ Sáu vào trai phòng dùng một tuần nước. Theo một ước lệ rất đáng yêu đặt ra từ ngày mới làm quen với nhau, đã mươi năm nay, bao giờ uống nước trà của nhà chùa, ông cụ Sáu cũng được cái vinh dự pha trà và chuyên trà thay nhà chùa.

Dạo này, chắc ông cụ Sáu bận việc nhiều nên đã mấy tuần trăng rồi mà không thấy vãn cảnh chùa uống nước thăm hoa, để cho sư cụ cứ nhìn mấy chậu Mặc lan rò trổ hoa mà tặc lưỡi. Cùng bất đắc dĩ phải ngắt cắm vào lọ con vậy. Dạo này cụ Sáu chỉ cho người nhà xuống xin nước giếng thôi. Và trưa hôm nay lúc lặng ngắm hai thầy trò người con ông cụ Sáu đem nước ra khỏi chùa, lúc trở vào, nhà sư già thở dài cùng sư bác chờ đấy: “Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. Nhưng một ngày kia, nếu không có trà tàu mà uống nữa thì cái ông cụ Sáu này sẽ còn khổ đến bực nào. Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật!”.

Ông cụ Sáu, hôm nay lấy làm thích cái người khách lạ đó lắm. Người khách lạ vừa kể cho chủ nhân nghe một câu chuyện cổ tích. Lê trôn chén vào lợi chiếc đĩa cổ vài ba lần, người khách kể:

“Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho giáp được mặt chủ nhân rồi có xin gì thì hắn mới xin. Có một lần hắn gõ gậy vào đến lớp giữa một nhà phú hộ kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem tên ăn mày định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm thừa hay là canh cặn, hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho hắn “uống trà tàu với!”. Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa định xược với bọn họ đến lúc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà: “Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa được lấy gì làm khoái hoạt lắm”. Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái lạy chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đường. Mọi người cho là một thằng điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì, ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu”.

Ông cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên:

– Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm song ấm quý.

– Cổ nhân cũng bịa ra một chuyện cổ tích thế để làm vui thêm cái việc uống một tuần nước đấy thôi. Chứ cụ tính làm gì ra những thứ người lạ ấy. Ta chỉ nên cho nó là một câu giai thoại.

– Không, có thể như thế được lắm mà. Tôi chắc cái lão ăn mày này đã tiêu cả một cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị gậy. Chắc những thứ trà Bạch Mao Hầu và trà Trảm Mã hắn cũng đã uống rồi đấy ông khách ạ. Nhưng mà, ông khách này, chúng ta phải uống một ấm trà thứ hai nữa chứ. Chẳng nhẽ nghe một câu chuyện thú như thế mà chỉ uống với nhau có một ấm thôi.

Thế rồi trong khi cụ Sáu tháo bã trà vào cái bát thải rộng miệng vẽ Liễu Mã, ông khách nâng cái ấm quần ẩm lên, ngắm nghía mãi và khen:

– Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức màu gan gà. “Thứ nhất Thế Đức gan gà; – thứ nhì Lưu Bội; – thứ ba Mạnh Thần”. Cái Thế Đức của cụ, cao nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có cao mấy.

Cụ Sáu vội đổ hết nước sôi vào ấm chuyên, giơ cái ấm đồng cò bay vào sát mặt khách:

– Ông khách có trông rõ mấy cái mấu sùi sùi ở trong lòng ấm đồng không? Tàu, họ gọi là kim hỏa. Có kim hỏa thì nước mau sủi lắm. Đủ năm cái kim hỏa đấy.

– Thế cụ có phân biệt thế nào là nước sôi già và nước mới sủi không?

– Lại “ngư nhãn, giải nhãn” chứ gì. Cứ nhìn tăm nước to bằng cái mắt cua thì là sủi vừa, và khi mà tăm nước to bằng mắt cá thì là nước sôi già chứ gì nữa.

Chủ khách cả cười, uống thêm mỗi người hai chén nữa. Cụ Sáu tiễn khách ra cổng với một câu:

– Thỉnh thoảng có đi qua tệ ấp, xin mời ông khách ghé thăm tôi như một người bạn cũ. Mỗi lần gặp nhau, ta lại uống vài tuần nước. Hà, hà.

Năm ấy nước sông Nhĩ Hà lên to. Thảo nào mấy nghìn gốc nhãn trồng trên mặt đê quanh vùng, vụ đó sai quả lạ. Cái đê kiên cố đã vỡ. Nhưng vốn ở cuối dòng nước chảy xiết, nhà cửa cụ Sáu chưa đến nỗi bị cuốn phăng đi. Lúc nước rút, ở cái cổng gạch nguyên vẹn, hai mảnh giấy hồng điều đôi câu đối dán cửa vẫn còn lành lặn và nét chữ vẫn rõ ràng:

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu

Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai*.

Năm sau, quãng đê hàn khẩu, chừng hàn không kỹ, lại vỡ luôn một lần nữa. Cái cổng gạch nhà cụ Sáu vẫn trơ trơ như cũ. Nhưng lần này thì đôi câu đối giấy hồng điều, gió mưa đã làm bợt màu phẩm mực, ngấn nước phù sa đã phủ kín dòng chữ bằng những vạch bùn ngang dày dặn.

Ông khách năm nọ – cái người kể câu chuyện ăn mày sành uống trà tàu – đi làm ăn xa đã mấy năm, nhân về qua vùng đấy, nhớ nhời dặn của cụ Sáu, đã tìm tới để uống lại với ông già một ấm trà tàu nữa. Nhưng người khách hỏi nhà ông đến, người khách đã bùi ngùi thấy người ta bảo cho biết rằng nhà cụ Sáu đã bán rồi. Thấy hỏi thăm tha thiết, người vùng ấy mách thêm cho ông khách: “Có muốn tìm cố Sáu thì ông cứ xuống Chợ Huyện. Cứ đón đúng những phiên chợ xép vào ngày tám thì thế nào cũng gặp. Chúng tôi chỉ biết có thế thôi”.

Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói giấy giắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ.

Những buổi có phiên chợ, cụ Sáu ngồi ghé vào nhờ gian hàng tấm của người cùng làng, bày ra trên mặt đất có đến một chục chiếc ấm mà ngày trước, giá có giồng ngay cọc bạc nén cho trông thấy, chửa chắc cụ đã bán cho một chiếc. Có một điều mà ai cũng lấy làm lạ, là cụ bán lũ ấm đất làm hai lớp. Mấy kỳ đầu, cụ bán toàn thân ấm và bán rất rẻ. Còn nắp ấm cụ để dành lại. Có lần vui miệng, cụ ghé sát vào tai người bà con: “Có thế mới được giá. Có cái thân ấm rồi, chẳng nhẽ không mua cái nắp vừa vặn sao? Bán thân ấm rẻ, rồi đến lúc bán nắp ấm, mới là lúc nên bán giá đắt. Đó mới là cao kiến”.

Cụ Sáu cười hề hề, rồi vội quay ra nói chuyện với bạn hàng đang mân mê những cái thân ấm đất đủ màu, cái thì dáng giỏ dâu, cái thì múi na, hình quả vả, quả sung, quả hồng. Cụ đang bảo một ông khách:

– Thế nào tôi cũng tìm được nắp cho ông. Cứ phiên sau lại đây thế nào cũng có nắp. Không, đúng ấm tàu đấy mà. Nếu không tin ông cứ úp ấm xuống mặt miếng gỗ kia. Cho ấm ngửa trôn lên. Cứ xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm đều cắn sát mặt bằng miếng gỗ thì biết. Nếu muốn thử kỹ nữa, quý khách thả nó vào chậu nước, thấy nó nổi đều, cân nhau không triềng, thế là đích ấm tàu.

Nguyễn Tuân – Vang bóng một thời
---
Trong bộ truyện “Vang bóng một thời”, tác giả Nguyễn Tuân viết thêm một truyện ngắn về chủ đề Trà. Và đây cũng là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học về thú chơi này. Truyện viết về thời phong kiến, đói – nghèo – khổ, cái thực tại ấy khiến con người ta điêu đứng. Ấy vậy nhưng, lẩn trong đó, vẫn có những góc nhỏ an nhiên, nơi mà người ăn xin cũng biết thưởng trà, nơi ông già dù trong cảnh bần cùng vẫn nghĩ về từng chiếc ấm đất. Trà là vậy đó, cảm được hay không là tùy ở mỗi người.
Thêm
432
0
0

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện “Kho báu của Patrick”.

AC99EB86-5D59-457D-96E6-F7D213CAC74B.jpeg

Ảnh sưu tầm

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. Dàn ý

1. Mở bài


- Giới thiệu về chủ đề của truyện kể.
- Tóm tắt nội dung, khái quát chủ đề.

2. Thân bài

a. Phân tích, đánh giá chủ đề


- Nội dung: kể về hai vợ chổng nghèo Patrick và quá trình thay đổi tính cách của Patrick khiến cuộc đời của người vợ rơi vào những khổ đau, bất hạnh. Cuối cùng vì tấm long hiếu thảo của mình, vợ của Patrick được lên thiên đình còn Patrick thì nhận hậu quả thích đáng.
- Chủ đề: Kể về những kẻ có lòng tham, bạc tình phụ nghĩa trong xã hội.
- Ý nghĩa/giá trị của chủ đề: .Lên án tham vọng của con người trong mọi thời đại.

b. Phân tích, đánh giá hình thức của truyện kể

- Dựng bối cảnh/tình huống/cốt truyện
+ Tình huống truyện độc đáo, tự nhiên khiến người đọc phải tự suy ngẫm và đúc kết ra bài học cho bản thân.
+ Cốt truyện liền mạch.
- Xây dựng nhân vật điển hình cho những kẻ tham lam.
- Yếu tố hư cấu, hoang đường.

3. Kết bài

Ý kiến đánh giá -“Kho báu của Patrick” là câu truyện đặc sắc. Truyện có nhiều bài học ý nghĩa.

II. BÀI LÀM CỦA HỌC SINH

Truyện cổ tích luôn là kho tàng vô tận của văn học dân gian Việt Nam và văn học của các nước trên thế giới. Những câu chuyện cổ tích luôn mang đến bao điều thú vị và đút kết nên những bài học, thông điệp sâu sắc và ý nghĩa. Patrick’s archives là một truyện cổ tích như thế. Đây là truyện cổ tích của Thái, sáng tác cuối năm 1990 được Nine Nattawat chấp bút. Câu chuyện được dịch ra tiếng Việt là “Kho báu của Patrick”. “Kho báu của Patrick” được đánh giá cao cả về nội dung và hình thức nghệ thuật.

“Kho báu của Patrick” là một tác phẩm có tình huống truyện gây bất ngờ và éo le làm cho giá trị của tác phẩm hoàn toàn được nâng cao. Cụ thể, tác phẩm kể về hai vợ chổng nghèo Patrick, cư trú ở một vùng thảo nguyên nghèo đói. Để sống sót, Patrick đã từ biệt vợ hiền ra thành thị lập nghiệp. Chưa được bao lâu, cơ ngơi được gầy dựng, anh là chủ tiệm lụa nhất nhì nơi phố chợ xa hoa. Lúc đầu, anh thường viết thư gửi và vài đồng bạc lẻ về cho vợ. Sau này, những lá thư bắt đầu thưa vắng dần cho đến khi vợ anh không nhận được bức thư nào nữa. Về phía vợ anh – Mai, hàng ngày ở nhà chăm lo cho mẹ chồng bị mù hai mắt và đứa con thơ còn còn đỏ hỏn của Patrick. Gửi bao nhiêu thư cũng không thấy hồi đáp, cô đành dùng số tiền để dành mua cơm, phân phát cho dân làng vì nạn đói tràn lan. Không bao lâu, cơm gạo và tiền bạc cũng chẳng còn. Cô càng ngày càng xanh xao.Còn mẹ chồng thì đói đến sắp rã rời. Vợ của Patrick đành cắt lấy thịt mình đem nướng cho bà ăn. Bao nhiêu thư cô gửi cho chồng đều bị anh không đọc mà đốt đi. Vì thế mà anh đã mất đi một người vợ con của mình. Thấy cuộc đời của vợ Patrick quá bất hạnh, một vị thần tối cao đã cử thiên thần đem đem vợ con và mẹ của Patrick lên thiên đình. Cô được cứu sống và phụ bếp cho cung đình. Còn Patrick ngày càng làm ăn thua lỗ, tiền nhà hóa hư không. Từ đó Patrick về lại quê nhà sống, rồi chết dần chết mòn vì nghèo đói.

Hình ảnh Patrick được tác giả khắc họa là một con người có bản chất tham lam, vũ phu, phụ bạc, có mới nới cũ. Qua đó, hình ảnh của Patrick không chỉ ám hiệu đến cuộc đời thời xưa mà còn trong xã hội bây giờ. Truyện lên án hạng người tham vọng của con người trong mọi thời đại. Có một ai đó đa từng nói rằng lòng tham giống như lửa, nếu không kiềm chế sẽ thiêu trụi cả thảo nguyên. Dục vọng tựa như nước, nếu không kiềm chế được sẽ dâng lên cuồn cuộn ngất trời.

Lấy chất liệu từ hiện thực đời sống, tác giả xây dựng nhân vật một cách chân thật. Patrick đã bộc lộ rõ sự tham lam và dục vọng. Mạch truyện liền mạch kể về người chồng trăng hoa để lại vợ con ở quê nhà. Trái ngược vơi bản tính xấu xa của Patrick, người vợ là một người con dâu chuẩn mực. Mai - vợ Patrick hi sinh thân mình vì mẹ chồng. Tình tiết Mai cắt thịt nuôi mẹ chồng già yếu và đói khát là chi tiết làm độc giả đau đến nhói lòng. Chi tiết ấy đã ngợi ca lòng hiếu thảo, chung thủy của Mai, tạo nên giá trị giáo huấn cho câu chuyện. Xây dựng hình ảnh nhân vật tương phản giúp cho việc khắc họa chân dung của hai nhân vật trở nên chân thật và sinh động hơn rất nhiều. Giống như con người thật từ đời sống bước vào trang văn và ngược lại.

Sau khi Mai trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc hàng loạt hình ảnh và chi tiết hư cấu được thêm vào câu chuyện. Vị thiên thần đã ban cho Mai cùng mẹ và con đặc ân được lên cung đình. Điều đó làm cho truyện vừa mang hơi thở của đời thường nhưng cũng mang những đặc trưng của một truyện cổ tích. Những yếu tố hoang đường càng làm cho tác phẩm trở nên kì ảo, li kì, hấp dẫn đồng thời thể hiện rõ quan niệm và triết lí nhân sinh. Đó là triết lí ở hiền gặp lành giống như quan niệm triết lí trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam.

Tác phẩm lên án lối sống tham lam của con người. Câu chuyện mở đầu và kết cấu với motip khá quen thuộc. Truyện mang tính giáo huấn cao, kết cấu truyện đơn giản nhưng phản ánh hiện thực sâu sắc. Hình ảnh Patrick là một người có nhiều tham vọng trái ngược hoàn toàn với nhân vật Mai chung thủy, hiếu thảo và trách nhiệm qua đó tôn vinh cái thiện cái đẹp và phê phán lên án cái xấu cái ác.

Qua câu chuyện “Kho báu của Patrick” bản thân đã hiểu được thông điệp to lớn từ tác giả Nine Nattawat. Nên biết rằng dù cuộc sống hiện tại có khó khăn, có chật vật cũng đừng để đồng tiền chi phối. Tiền quan trọng nhưng nó không phải là kho báu. Gia đình và hạnh phúc mới chính là kho báu lớn nhất của mỗi người.​
.......................................
Triều Anh biên tập!
Thêm
Quan niệm ở hiền gặp lành trong truyện cổ tích "Kho báu của Patrick", Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
456
0
0
Giới thiệu, phân tích, đánh giá về truyện cổ hay về một tác phẩm văn học là kiểu bài văn nghị luận mới được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10, sách Chân trời sáng tạo. Để làm tốt kiểu bài văn nghị luận này, cùng Triều Anh tham khảo đề bài, hướng dẫn và bài làm sau:
1462659A-7425-4167-A34B-AEBF74696A9F.jpeg

Ảnh sưu tầm

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện Ếch ngồi đáy giếng
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
I. Dàn ý

1. Mở bài


- Giới thiệu về chủ đề của truyện kể
- Tóm tắt nội dung, khái quát chủ đề

2. Thân bài

a. Phân tích, đánh giá chủ đề


- Nội dung: Một chú ếch sống ở dưới đáy giếng cùng các con vật nhỏ, coi trời bằng vun. Một lần mưa lớn ếch ta được đưa ra khỏi giếng. Vì huênh hoang mà bị chú trâu dẫm chết.
- Chủ đề: Kể về những kẻ có tầm nhìn hạn hẹp.
- Ý nghĩa/giá trị của chủ đề: Lên án, phê phán những kẻ thiếu hiểu biết lại huênh hoang, tực đắc. Bài học về sự khiêm tốn và không ngừng học hỏi.

b. Phân tích, đánh giá hình thức của truyện kể

- Dựng bối cảnh/tình huống/cốt truyện
+ Tình huống truyện độc đáo, tự nhiên tuy đơn giản mà mang giá trị tinh thần cao, khiến người đọc phải tự suy ngẫm và đúc kết ra bài học cho bản thân.
+ Cốt truyện liền mạch, cô đọng, bao hàm nhiều ý nghĩa và bài học sâu sắc.
- Xây dựng nhân vật gần gũi, lấy loài vật để nói về truyện con người. Thể hiện qua những hành động cử chỉ để thể hiện tính tự đắc của nhân vật chú ếch. Qua đó càng tô đậm được chủ đề của câu truyện.

3. Kết bài

Ý kiến đánh giá - Ếch ngồi đáy giếng là một câu truyện ngụ ngôn đặc sắc. Bài học trong câu truyện áp dụng được vào thực tế.

II. BÀI LÀM CỦA HỌC SINH

“Ếch ngồi đáy giếng”
là một trong những truyện ngụ ngôn xuất sắc, được trích trong Thu Thủy (thiên thứ 17) của sách Trang Tử. Tác phẩm được đánh giá cao về giá trị chủ đề và hình thức nghệ thuật sâu sắc. Truyện còn gây ấn tượng cho người đọc bởi nhiều bài học ý nghĩa.

Tác phẩm kể về chú ếch sống trong một cái giếng nọ, xung quanh chú là những con vật nhái, cua, ốc nhỏ bé. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, chú ếch nghĩ vũ trụ chỉ có thế, bầu trời bé như cái vung. Còn chú ta chính là chúa tể nơi đây. Mỗi lần ếch cất tiếng kêu ồm ộp đều làm các con vật xung quanh sợ hãi khiến chú càng huênh hoang. Một lần trời mưa to làm nước trong giếng dâng tràn đưa ếch ra khỏi đáy giếng. Ếch rất bất ngờ khi thấy bầu trời bên ngoài rộng lớn vô cùng, khác xa so với bầu trời mà chú ta vẫn thấy khi ở trong giếng. Ếch cất tiếng kêu để ra oai nhưng chẳng có gì thay đổi khiến nó bực bội. Cuối cùng vì mãi nhìn lên trời, không thèm để ý xung quanh nên ếch đã bị chú trâu đi ngang qua dẫm chết.

Truyện có chủ đề mới mẻ nhưng lại không hề xa lạ trong đời sống xã hội. Đó chính là tầm nhìn hạn hẹp của một số người. Và đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại huênh hoang, tự đắc. Những kẻ tự cho mình là tài giỏi hơn người khác hay tự xem mình là cái rốn của vũ trụ. Qua đó cũng nhắm nhủ với người đọc cần đề cao tinh thần tự học tập, tìm tòi, nghiên cứu và bài học về sự khiêm tốn, cẩn trọng.

Không chỉ hấp dẫn về chủ đề, “Ếch ngồi đáy giếng” còn có hình thức nghệ thuật đặc sắc như tình huống truyện độc đáo, nhân vật gần gũi, tự nhiên…

Điểm đặc sắc của một câu chuyện kể chính là tình huống truyện. Mà ở trong “Ếch ngồi đáy giếng” đã thể hiện rất tốt điều này. Tình huống truyện trong tác phẩm là chú ếch sống trong đáy giếng, coi trời bằng vung, để rồi khi ra khỏi miệng giếng vì sự huênh hoang của mình mà bị trâu đi ngang qua dẫm chết. Cái chết thảm thương nhưng lại xứng đáng cho những kẻ thiếu nhận thức mà còn hay vênh váo. Tình huống tuy đơn giản nhưng đã khiến người đọc phải suy ngẫm, từ đó đúc kết và hiểu thêm nhiều bài học về cuộc sống.

Cùng với cách xây dựng cốt truyện độc đáo là hình tượng nhân vật được "đắp nặn" nên trong truyện “Ếch ngồi đáy giếng”. Tác giả đã dùng con vật (cụ thể là chú ếch) để nói về chuyện con người. Qua những sự việc, cử chỉ, suy nghĩ và hành động như “ngày ngày lên miệng giếng”, “cất tiếng kêu ồm ộp làm các con vật xung quanh sợ hãi”. “câng câng mặt lên”, “cất tiếng ra oai”,… tất cả đã dựng lên hình ảnh của một con người thiển cận thông qua nhân vật chú ếch được nhân hóa. Càng đọc kỹ ta sẽ càng thấm thía các bài học quý báu được lồng trong tác phẩm “Ếch ngồi đáy giếng”.

Truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” tuy có dung lượng ngắn nhưng lại mang đầy đủ các yếu tố cần có của một câu chuyện kể. Có nội dung, tình huống truyện, nhân vật,… Sử dụng hình ảnh chú ếch càng khiến câu truyện gần gũi và tự nhiên hơn. Truyện được kể ngắn gọn, hàm súc, mang nhiều ý nghĩa và thông điệp.

Qua những tìm hiểu về truyện “Ếch ngồi đáy giếng” ta có thể thấy đây là một tác phẩm đặc sắc. Chủ đề của truyện là sự lên án, phê phán dành cho những người có tầm nhìn hạn hẹp như chú ếch trong truyện. Các hình thức nghệ thuật như tình huống truyện và nhân vật giúp truyện càng thêm lôi cuốn, hấp dẫn người đọc bởi sự liền mạch, logic. Tất cả các yếu tố vừa nêu đã giúp cho người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được bài học mà câu chuyện mang đến: hãy ham học hỏi, khiêm tốn và tích lũy kiến thức kinh nghiệm.

Thực tế hiện nay cho thấy, có rất nhiều bạn trẻ chính là hình ảnh của chú ếch trong câu chuyện. Thay vì học tập, hoàn thiện bản thân, các bạn lại đắm chìm trong các cuộc vui, chạy theo trào lưu các hiện tượng xã hội, chủ quan và còn dửng dưng để lại những hậu quả không nhỏ cho bản thân, gia đình và xã hội. Hãy xem "Ếch ngồi đáy giếng" và cái kết của chú ếch kia là một bài học to lớn giúp chúng ta thay đổi bản thân mình.
.....................................
Triều Anh biên tập​
Thêm
Các bài học ý nghĩa của truyện Ếch ngồi đáy giếng, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
1K
0
0
Giới thiệu, phân tích, đánh giá về truyện cổ hay về một tác phẩm văn học là kiểu bài văn nghị luận mới được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10, sách Chân trời sáng tạo. Để làm tốt kiểu bài văn nghị luận này, cùng Triều Anh tham khảo đề bài, hướng dẫn và bài làm sau:

5BCEA43B-5720-4E0E-86D6-21F38D52F1E4.jpeg

Ảnh sưu tầm

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của văn bản Thần chết và người mẹ.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
I. Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện.

2. Thân bài

a. Giới thiệu về chủ đề của truyện kể


- Tóm tắt nội dung, khái quát chủ đề: Hành trình tìm lại con của người mẹ ở nơi ngự trị của Thần Chết và cuối cùng “Chấp nhận sự thật”.
- Ý nghĩa/giá trị của chủ đề: Tình mẫu tử to lớn của người mẹ vượt lên trên cả giới hạn bản thân.

b. Giới thiệu về hình thức của truyện Thần chết và người mẹ

- Dựng bối cảnh/ tình huống/ cốt truyện.
+ Bối cảnh nhân gian thời kì xưa cổ.
+ Tình huống: Người mẹ bị Thần Chết bắt con đi và con đường tìm con của bà.
+ Cốt truyện thần thoại có yếu tố huyền ảo, kì bí.
- Nhân vật xây dựng: nhân vật người mẹ và đứa bé là con người bình thường. Thần Chết là vị thần quyền năng, hiểu lí lẽ.
- Sự kết hợp lời của người kể chuyện và lời của nhân vật.

3. Kết bài - Ý kiến đánh giá về truyện Thần chết và người mẹ

Đây là một tuyệt tác mang chủ đề về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc vượt lên trên cả giới hạn của bản thân cùng thông điệp ý nghĩa, đáng suy ngẫm rằng: “Hãy chấp nhận những gì ở thực tại”.
II. BÀI LÀM CỦA HỌC SINH

Mỗi cá nhân trong từng thời đại khác nhau luôn cần nhận thức được rằng các tác phẩm văn học trước hết là những kiệt tác nghệ thuật đúng nghĩa. Bởi thứ mà chúng ta mang lại cho con người ở bao thế hệ không chỉ là giá trị về lịch sử văn hóa mà còn là giá trị về tinh thần thông qua hàm ý ẩn chứa bên trong các tác phẩm văn học. Đơn cử là với câu truyện “Thần Chết và người mẹ” của nhà văn Andersen. Truyện sáng tác năm 1847, được công nhận là một trong số những tác phẩm văn học thần thoại với chủ đề về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc và cảm động nhất.

Xuất phát điểm là một truyện ngắn mang tính hàm súc, nhưng truyện “Thần Chết và người mẹ” vẫn để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả bởi ý nghĩa của chủ đề là bài học về tình mẫu tử vượt lên trên cả giới hạn bản thân. Truyện kể về một bà mẹ bị Thần Chết cướp con đi. Quá đau lòng, người mẹ đã chấp nhận đánh đổi tất cả và vượt qua mọi chướng ngại để tìm đến nơi Thần Chết ngự trị. Đó là một chặn đường khổ ải gian truân. Từ việc ôm bụi gai, đổi tóc hay thậm chí là hi sinh đôi mắt, bà vẫn không ngần ngại bất cứ điều gì. Và rồi khi đến được nơi của Thần Chết, người mẹ lúc bấy giờ lại phải đưa ra hai lựa chọn nhằm quyết định cuộc sống trong tương lai của con trai bà một cách gián tiếp…

Bằng kinh nghiệm phong phú của mình nhà văn Andersen đã không khỏi làm người đọc cảm thán và ngỡ ngàng trước sự tinh tế đạt đến độ hoàn mĩ trong cách viết truyện của ông. Khi ngay từ đầu truyện, từ việc ẩn dụ về sự ra đi của đứa trẻ đến việc ông tạo ra những người chỉ đường hay thử thách đặt ra cho người mẹ cũng đủ thấy tất cả đều thực sự hiện lên như một chuỗi mắt xích không thể tách rời, làm bật lên chủ đề truyện kể.

Xét về cách tạo dựng tình huống truyện, ta có thể dễ dàng nhận ra sự kì công trong cách nhà văn dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trái ngược với tưởng tượng ban đầu về nơi ngự trị của Thần Chết chắc hẳn phải là một vùng tăm tối, lạnh lẽo thì nhà văn Andersen lại khắc họa nơi ấy là một ngôi nhà kính mơ mộng đầy hoa đua nở, khung cảnh đẹp tựa tranh tưởng chừng chỉ có ở Thiên đàng. Tuy vậy mà mỗi chi tiết ấy đều mang một ý nghĩa to lớn được họa nên bằng nghệ thuật biểu trưng như việc mỗi bông hoa là đại diện cho một sinh mệnh con người và trong đó có một hoa chính là mạng sống của đứa trẻ. Đây cũng là một trong những chi tiết quan trọng nhất của cả truyện.

Đã có rất nhiều độc giả bày tỏ rằng, họ rất thích cách nhà văn Andersen tạo ra một mạch truyện ngắn nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, thích cách ông để Thần Chết xuất hiện như một nhân vật phản diện rồi cuối cùng lại trở thành chìa khóa hóa giải mọi vấn đề. Nhiều người đọc chỉ đơn thuần yêu cái cách ông tạo ra một tình huống xoa dịu tinh thần nhân vật chỉ bằng những câu thoại hết sức chân thành, thiết thực và đáng chiêm nghiệm. Trong truyện, ngay khi biết được Thần Chết muốn lấy đi bông hoa sinh mệnh của con mình, vì quá hoảng sợ, người mẹ đã dọa sẽ nhổ sạch những bông hoa khác. Thấy vậy, Thần Chết đã nói một câu khiến bà như trấn tỉnh: “Ngươi nói ngươi đau khổ, vậy mà giờ đây ngươi lại muốn một bà mẹ khác phải đau khổ như ngươi sao”. Câu nói ấy dường như đã chạm trúng vào trái tim đang bị bóp nghẹt của một người làm mẹ. Vì dù có chua xót cách mấy thì đến cuối cùng bà vẫn phải tin rằng con của bà đã ra đi mãi mãi và điều đó càng không đồng nghĩa với việc bà có quyền tước đoạt đi sinh mệnh của bất kì ai.

Trong đoạn kết truyện, Thần Chết đã cho người mẹ xem hai viễn cảnh trong tương lai của con bà. Một bên là cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên còn lại là cuộc sống khổ cực, gian lao. Thấy vậy người mẹ liền hỏi Thần rằng đâu mới là viễn cảnh thật của con bà nhưng chỉ nhận được lời này “Thiên cơ bất khả lộ”. Cuối cùng người mẹ cũng nhận ra sai lầm ngu ngốc của mình rồi quỳ xuống van xin Thần: “Con xin lỗi Thần, nếu tương lai của nó là khổ hạnh thì xin ngài hãy mang nó đi, mang nó về ngay chốn Thiên đàng”. Cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương đã từ lâu bao trọn tâm hồn độc giả khi nghe lời nói này. Đó không đơn thuần là một lời khẩn cầu của một con người hèn mọn trước tử thần mà nó chính là bao nỗi khát khao từ một người làm mẹ. Và giác ngộ cuối cùng của bà cũng là một trong hai ý nghĩa chủ đề của toàn bộ câu truyện: “Mỗi chúng ta đều nên chấp nhận nhũng gì ở thực tại. Nó có thể là buồn, vui, bi đác hay chia ly. Tất cả đều là số mệnh của con người”.

Quả thật rất khó để một tác phẩm truyện ngắn lại có thể mang nhiều tầng ý nghĩa như cách mà nhà văn Andersen đã làm với truyện “Thần Chết và người mẹ”. Không chỉ là truyện kể thông thường, dưới ngòi bút của ông, nó xứng đáng trở thành một huyền thoại nhờ vào hình thức bộc lộ chủ đề và nét đặc sắc nghệ thuật qua cách xây dựng hình tượng nhân vật và cốt truyện có phần mới lạ, độc đáo. Khác với những truyện thần thoại chỉ chú trọng tôn lên hình ảnh các vị thần và thường dùng hình ảnh con người để làm điểm tựa nâng đỡ. Truyện “Thần Chết và người mẹ” lại hoàn toàn đổi mới khi ta thấy nhân vật chính cũng là con người và hình tượng Thần Chết được xây dựng như một nhân tố “cầm cân nảy mực” hóa giải mọi khúc mắc. Đây cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng riêng của tác phẩm.

Người ta thường nói nghệ thuật là một thuộc tính trong văn chương và việc bộc lộ nó ra làm sao cho khéo lại là một thử thách khó nhằn đối với người nghệ sĩ. Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên một tác phẩm hay nhưng quan trọng nhất đó là cách xây dựng nhân vật và tình huống truyện sao cho đủ để thể hiện rõ được chủ đề chính của tác phẩm. Với truyện kể “Thần Chết và người mẹ” nhà văn Adersen đã thành công khắc họa thật sinh động, tinh tế và khéo léo tất cả mọi yếu tố đó rồi tạo nên một tuyệt tác đặc sắc cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Hơn hết là làm nổi bật lên chủ đề về tình mẫu tử thiêng liêng sâu nặng cùng một thông điệp ý nghĩa rằng: “Hãy chấp nhận những gì ở thực tại”.
...........................................
Triều Anh biên tập!
Thêm
Tình mẫu tử cao đẹp trong truyện Thần chết và người mẹ của tác giả Andersen, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
12K
0
0
Thư lại dụ Vương Thông là bức thư số 35 trong “Quân trung từ mệnh tập” được Nguyễn Trãi vào khoảng tháng 2 năm Đinh Mùi (1427) nhằm phân tích tình hình khó khăn của nhà Minh và vạch rõ nguy cơ bại vong của quân giặc nếu vẫn ngoan cố giữ thành chờ viện binh. Cùng Triều Anh tìm hiểu kĩ hơn văn bản này qua bài tham khảo sau:

4CBC34CE-0127-43F6-AD4D-F8C89736B0CF.jpeg

Ảnh sưu tầm

I. Tìm hiểu chung

1. Quân trung từ mệnh tập


Quân trung từ mệnh tập là một tập hợp các thư từ và mệnh lệnh trong quân đội do Nguyễn Trãi biên soạn trong giai đoạn kháng chiến chống Minh; tác phẩm là tập văn chiến đấu sắc sảo, đanh thép với lập luận chặt chẽ, phân tích sáng rõ, lời lẽ cứng rắng, lúc mềm dẻo linh hoạt, thành công sử dụng chiến thuật “đánh vào lòng người”.

2. Thư lại dụ Vương Thông (Tái dụ Vương Thông thư)

Thư dụ lại Vương Thông là bức thư số 35 trong “Quân trung từ mệnh tập” được Nguyễn Trãi vào khoảng tháng 2 năm Đinh Mùi (1427) nhằm phân tích tình hình khó khăn của nhà Minh và vạch rõ nguy cơ bại vong của quân giặc nếu vẫn ngoan cố giữ thành chờ viện binh.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Mục đích và đối tượng và hình thức của văn bản

a. Mục đích, đối tượng


- Mục đích của bức thư: thuyết phục giặc đầu hàng.
- Đối tượng hướng tới của bức thư: Tổng binh Vương Thông (tướng nhà Minh).

b. Tác dụng của văn bản nghị luận dưới hình thức bức thư

- Phong cách nghị luận: luận điểm phải rõ ràng, lí lẽ, lập luận phải chặt chẽ, đanh thép, dẫn chứng phải có cơ sở để thuyết phục đối tượng về mặt lí trí.
- Phong cách bức thư (phong cách sinh hoạt):từ ngữ gần gũi, thân thiết, tha thiết để thuyết phục.
Kết hợp cả hai hình thức này, tác giả vừa đánh vào mặt tâm lý vừa đánh vào mặt lý trí đối phương nên càng tang hiệu quả cho bức thư dụ hàng tướng giặc.

2. Luận điểm, lí lẽ và bằng chứng giàu tính thuyết phục

" Kể ra... Sao đáng để cùng bàn việc binh được?

- Luận điểm: “Kể ra người dung binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi”
=> Luận điểm về thời thế - biết rõ thời thế để tiến lui phù hợp mới là người dung binh giỏi.
- Lí lẽ: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi”.
=> Khi có được thời thế, hay hành động hợp thời thế, thì dù gian khó cũng sẽ đi đến thành công; khi không có thời thế, hay hành động không hợp thời thế, thì dù đang hùng mạnh cũng sẽ đi đến thất bại. Sự thay đổi này sẽ diễn ra rất nhanh. Người dung binh giỏi là phải biết điều này.
- Bằng chứng: “Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đáng để cùng bàn việc binh được?”
=> Tướng giặc không hiểu biết thời thế, lại dung lời lẽ ngụy biện để tự dối mình, dối người, đấy là bằng chứng của sự kém cỏi, không đáng mặt cầm quân và khó thể thành công.

3. Từ ngữ, câu văn xác đáng - Vạch trần tội ác của giặc Minh (phần 2)

- Một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự giả trá của quân Minh là trái với “mệnh trời”:
“Xưa kia Tần thôn tính sáu nước, chế ngự bốn phương, mà đức chính không sửa, nên thân mất nước tan. Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy mấy năm nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy”, “huống hồ con cháu vua Trần, mệnh trời đã cho, lòng người đã theo, thì Ngô làm sao có thể cướp được!”.
- Tác giả đã dung cách “gậy ông đập lưng ông” để vạch trần bản chất giả danh của giặc Minh khiến chúng không thể chối cãi.

4. Sự đanh thép trong việc dùng lí lẽ và bằng chứng khi chỉ ra nguyên nhân thất bại của giặc Minh (phần 3)

* Những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch trong phần 3:
- Lũ lụt làm giặc hư hại về cơ sở vật chất, tổn thất quân lương.
- Đường sá, cửa ải đều bị nghĩa quân Đại Việt đóng giữ, không viện binh nào của giặc tới cứu được.
- Quân mạnh ngựa khỏe của nhà Minh phải dành để đối phó quân Nguyên ở phía bắc nên phía nam không thể lo được.
- Phát động chiến tranh liên tiếp nhiều năm làm dân nhà Minh khổ sở, bất mãn.
- Trong triều đình nhà Minh thì bạo chúa, gian thần nắm quyền, nội bộ xâu xé nhau.
- Nghĩa quân Đại Việt đồng lòng quyết chiến, hăng hái tinh nhuệ, khí giới, lương thực đầy đủ, quân giặc bị vây trong thành thì mệt mỏi nản lòng.
* Điều đã tạo nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này:
- Thứ nhất là cách phân tích rõ ràng, xác đáng kèm theo dẫn chứng từ những thực tế trước mắt không thể phủ nhận.
- Các nguyên nhân cũng được sắp xếp theo một hướng trình tự hợp lí, đi từ thực tế khó khăn về thiên thời (thiên tai lũ lụt), địa lợi (đường tiếp viện bị ngăn trở, biên giới phía bắc đã thu hút hết binh lực tinh nhuệ) đến nhân hòa (dân chúng bất mãn, nội chiến trong triều, quân bị vây lâu ngày kiệt sức nản lòng), cho thấy giặc hoàn toàn không có gì cả “thời” lẫn “thế”.
- Thêm vào đó, cách diễn đạt nêu nguyên nhân bằng những dẫn chứng lí lẽ phân tích và dẫn chứng ra trước rồi mới kết lại bằng một câu rắn rỏi: “Đó là điều phải thua thứ...” khiến câu văn như lời phán quyết đanh thép, chắc nịch, quyết đoán không ai có thể phủ định.

5. Tác dụng của những gợi ý cho Vương Thông

Sau khi nêu ra sáu điều phải thua đó với quân giặc, Nguyễn Trãi đã gợi ra hai lựa chọn cho tướng giặc:
- Chấp nhận đầu hàng, nộp đầu tướng giặc đã gây nhiều tội ác là Phương Chính, Mã Kỳ thì sẽ tránh được thương vong cho quân giặc và tất cả được an toàn về nước.
- Không đầu hàng thì phải tiếp tục giao chiến (tức là nhận lấy thất bại) chứ không thể trốn tránh một cách hèn nhát, nhục nhã.
- Tác dụng: Việc gợi ra những lựa chọn như vậy cho thấy Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn luôn thể hiện lập trường “chí nhân” “đại nghĩa”, lòng yêu chuộng hòa bình và luôn biết tận dụng sức mạnh của ngòi bút văn chương chính luận để thực hiện “tâm công”, tránh đổ xương máu cho cả đôi bên.

6. Nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi

- Bố cục của bài văn nghị luận luôn chặt chẽ, mạch lạc; các phần nối kết với nhau theo một trình tự lô-gic không thể tách rời hay đảo ngược vị trí.
- Các lí lẽ luôn đi kèm bằng chứng cụ thể nên có sức thuyết phục cao, không thể bác bỏ.
- Từ ngữ và các biện pháp tu từ được chọn lọc thích đáng với nội dung cần biểu đạt và có sức biểu cảm cao tạo nên giọng văn phù hợp, kích thích tâm trí người đọc theo đúng ý đồ của người sáng tác.
- Lối viết thay đổi linh hoạt tuỳ hoàn cảnh, mục đích viết và đối tượng hướng tới.​
......................................................
Chúc các em học tốt!
Thêm
Trọng tâm kiến thức văn bản nghị luận Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
907
0
0
Tư tưởng xuyên suốt các áng văn chính luận của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân. Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực từ việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng bút pháp thích hợp đến kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén. Cùng Triều Anh tìm hiểu một văn bản văn chính luận như thế qua bài soạn dưới đây:

588DF578-A861-4F8F-AE2B-FD5FB23C304E.jpeg

Ảnh sưu tầm

I. Quân trung từ mệnh tập

Quân trung từ mệnh tập là một tập hợp các thư từ và mệnh lệnh trong quân đội do Nguyễn Trãi biên soạn trong giai đoạn kháng chiến chống Minh; tác phẩm là tập văn chiến đấu sắc sảo, đanh thép với lập luận chặt chẽ, phân tích sáng rõ, lời lẽ cứng rắng, lúc mềm dẻo linh hoạt, thành công sử dụng chiến thuật “đánh vào lòng người”.

II. Thư lại dụ Vương Thông (Tái dụ Vương Thông thư)

Thư dụ lại Vương Thông là bức thư số 35 trong “Quân trung từ mệnh tập” được Nguyễn Trãi vào khoảng tháng 2 năm Đinh Mùi (1427) nhằm phân tích tình hình khó khăn của nhà Minh và vạch rõ nguy cơ bại vong của quân giặc nếu vẫn ngoan cố giữ thành chờ viện binh.

III. Trước khi đọc/sgk trang 40


Bài thơ Bảo kính cảnh giới - bài 57 của Nguyễn Trãi có câu: "Đao bút phải dùng tài đã vẹn". Hình ảnh "đao bút" đã nói lên quan niệm gì về vai trò của nhà văn và văn chương trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm?

Trả lời

- Hình ảnh “đao bút”: hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng, cây bút của thi sĩ cũng chính là lưỡi đao sắc bén.
- Quan niệm của tác giả qua hình ảnh “đao bút”: Nguyễn Trãi xem cây bút của thi nhân trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm cũng là vũ khí chiến đấu vừa khích lệ chiến sĩ vừa đả kích quân thù.

IV. Đọc văn bản

1. Câu 1, sgk trang 40 – theo dõi

Những từ nào được nhắc lại nhiều lần trong đoạn này? Điều đó có ý nghĩa gì?

Trả lời

- Những từ ngữ được nhắc lại nhiều lần trong đoạn (1) là: “thời” và “thế” nhắc lại 3 lần, nhằm nhắc đến nguyên tắc cơ bản của những người dùng binh giỏi là phải biết rõ thời thế để tiến lui phù hợp.
- Tác giả nêu cụ thể: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy”.
Qua đó, tác giả chỉ ra điểm yếu nhất của đối phương trong hoàn cảnh hiện tại.

2. Câu 2, sgk trang 41 – suy luận

Tác giả nhắc đến những chuyện xưa nhằm mục đích gì?

Trả lời

Tác giả đã nhắc lại những chuyện xưa ở Trung Quốc (chuyện nhà Tần thôn tính 6 nước bị thất bại; nội chiến bên trong, việc Trương Phụ; chuyện Lưu Bị thời Tam Quốc; Y Doãn; Thái Công; Mộ Dung; Thạch Lặc) với các mục đích:
- Nhắc chuyện nhà Tần: Nêu lại việc “đức chính không sửa” sẽ dẫn đến thất bại, dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để vạch rõ luận điệu sảo trá của giặc Minh, đồng thời nhận xét đúng đắn về tình thế hiện giờ của bọn chúng. Đây là một chứng cứ lịch sử hùng hồn.
- Nêu tên những con người xuất chúng (Y Doãn, Thái Công; Mộ Dung, Thạch Lặc): Tăng thêm lí lẽ cho sự thất bại tất yếu của quân giặc.

3. Câu 3, sgk trang 42 – theo dõi

Chỉ ra các nguyên nhân tác giả cho rằng quân giặc tất yếu phải thua?

Trả lời

Các nguyên nhân mà tác giả cho rằng quân giặc tất yếu phải thua:
- Thiếu lương thực, “ngựa chết, quân ốm”.
- Không có viện binh, viện binh đã thua, nếu viện binh có đến cũng không làm gì được.
- Trong nước còn phải lo phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến miền Nam.
- Gây chiến tranh liên tiếp, dân sống không yên, nhao nhao thất vọng.
- Gian thần chuyên chính, bạo chúa giữ ngôi, nội bộ lục đục.
- Quân ta trên dưới đồng lòng, anh hùng tận lực, quân giặc lại đang mỏi mệt.

4. Câu 4, sgk trang 42 – suy luận

Giải pháp tác giả đưa ra hợp lý như thế nào cho cả đôi bên?

Trả lời

Giải pháp tác giả đưa ra hợp lý cho cả đôi bên:

- Đưa ra 2 lựa chọn cho tướng giặc: Một là, nộp thủ cấp của Phương Chính, Mã Kì thì an toàn về nước, bảo toàn lực lượng, hòa hảo lại thông, can qua dứt hẳn, sẽ được cầu đường sửa sang, thuyền ghe sắm đủ, thủy bộ hai đường, tùy theo ý muốn, Đại Việt sẽ giữ phận chư hầu. Hai là, bày trận nghinh chiến, quyết một trận được thua chứ không nên ở chúi trong xó hang cùng mà mang cái nhục khăn yếm.
→ Thông qua giải pháp mà tác giả đưa ra thể hiện đức hiếu sinh, lập trường chí nhân đại nghĩa, yêu chuộng hòa bình thực hiện thành công chiến thuật “mưu phạt tâm công”. Về phía ta không dấy động can qua, nhân dân được yên ổn. Đồng thời thể hiện niềm tin tất thắng, sự rõ ràng trong việc đánh giá tình hình ta và địch đặc biệt là trong hành động thách thức, khiêu chiến, sỉ nhục kẻ thù.

V. Sau khi đọc, sgk trang 43

1. Câu 1. Cho biết mục đích và đối tượng của bức thư. Việc tác giả chọn cách nghị luận dưới hình thức một bức thư có tác dụng như thế nào?


- Mục đích của bức thư: thuyết phục giặc đầu hàng.
- Đối tượng hướng tới của bức thư: Tổng binh Vương Thông (tướng nhà Minh).
Đây là bài văn nghị luận đặc biệt được viết dưới hình thức một bức thư nên thể hiện cả hai chức năng và phong cách của hai thể loại khác nhau. Bài văn nghị luận yêu cầu luận điểm phải rõ ràng, lí lẽ, lập luận phải chặt chẽ, đanh thép, dẫn chứng phải có cơ sở để thuyết phục đối tượng về mặt lí trí. Bức thư cần lời lẽ mềm dẻo, tinh tế, sự bày giải cần tận tình, tha thiết, chỉ rõ thiệt hơn để thuyết phục đối tượng về mặt tâm lý, tình cảm.
Kết hợp cả hai hình thức này, tác giả vừa đánh vào mặt tâm lý vừa đánh vào mặt lý trí đối phương nên càng tang hiệu quả cho bức thư dụ hàng tướng giặc.

2. Câu 2. Trong đoạn trích dưới đây, câu văn nào nêu luận điểm, câu văn nào nêu lí lẽ, bằng chứng?

“Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đáng để cùng bàn việc binh được?”


- Trong đoạn trích trên, câu văn nêu luận điểm là: “Kể ra người dung binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi”
=> Luận điểm về thời thế - biết rõ thời thế để tiến lui phù hợp mới là người dung binh giỏi.
- Trong đoạn trích trên, câu văn nêu lý lẽ: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi”.
=> Khi có được thời thế, hay hành động hợp thời thế, thì dù gian khó cũng sẽ đi đến thành công; khi không có thời thế, hay hành động không hợp thời thế, thì dù đang hùng mạnh cũng sẽ đi đến thất bại. Sự thay đổi này sẽ diễn ra rất nhanh. Người dung binh giỏi là phải biết điều này.
- Trong đoạn trích trên, câu văn nêu bằng chứng: “Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đáng để cùng bàn việc binh được?”
=> Tướng giặc không hiểu biết thời thế, lại dung lời lẽ ngụy biện để tự dối mình, dối người, đấy là bằng chứng của sự kém cỏi, không đáng mặt cầm quân và khó thể thành công.

3. Câu 3. Ở phần 2, tác giả nhiều lần vạch rõ sự giả trá, gian dối của quân Minh và cho rằng như thế là trái với "mệnh trời". Hãy dẫn ra một số từ ngữ, câu văn cho thấy điều đó. Theo bạn, vì sao việc nói đến "mệnh trời" lại cần thiết trong bức thư này?

- Một số từ ngữ, câu văn cho thấy sự giả trá của quân Minh là trái với “mệnh trời”: “Xưa kia Tần thôn tính sáu nước, chế ngự bốn phương, mà đức chính không sửa, nên thân mất nước tan. Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy mấy năm nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy”, “huống hồ con cháu vua Trần, mệnh trời đã cho, lòng người đã theo, thì Ngô làm sao có thể cướp được!”.
- Việc nói đến “mệnh trời” lại cần thiết trong bức thư này vì triều đình phương Bắc luôn cho mình là “thiên triều”, tướng giặc minh theo lệnh “thiên tử” thi hành “thiên mệnh” đem quân sang nước ta để giúp “phù Trần diệt Hồ”. Bọn giặc làm gì cũng nhân danh “mệnh trời” nhưng thực ra đó là ngôn ngữ xảo trá, lừa bịp để cướp nước ta. Do đó, tác giả đã dùng cách “gậy ông đập lưng ông”, vạch rõ sự chính danh và giả danh kèm theo chứng cớ thực tế khiến đối phương không thể biện bạch được.

4. Câu 4. Khái quát những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch rõ trong phần 3. Điều gì đã tạo nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này?

Những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch trong phần 3:
- Lũ lụt làm giặc hư hại về cơ sở vật chất, tổn thất quân lương.
- Đường sá, cửa ải đều bị nghĩa quân Đại Việt đóng giữ, không viện binh nào của giặc tới cứu được.
- Quân mạnh ngựa khỏe của nhà Minh phải dành để đối phó quân Nguyên ở phía bắc nên phía nam không thể lo được.
- Phát động chiến tranh liên tiếp nhiều năm làm dân nhà Minh khổ sở, bất mãn.
- Trong triều đình nhà Minh thì bạo chúa, gian thần nắm quyền, nội bộ xâu xé nhau.
- Nghĩa quân Đại Việt đồng lòng quyết chiến, hăng hái tinh nhuệ, khí giới, lương thực đầy đủ, quân giặc bị vây trong thành thì mệt mỏi nản lòng.
Điều đã tạo nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này: Thứ nhất là cách phân tích rõ ràng, xác đáng kèm theo dẫn chứng từ những thực tế trước mắt không thể phủ nhận. Các nguyên nhân cũng được sắp xếp theo một hướng trình tự hợp lí, đi từ thực tế khó khăn về thiên thời (thiên tai lũ lụt), địa lợi (đường tiếp viện bị ngăn trở, biên giới phía bắc đã thu hút hết binh lực tinh nhuệ) đến nhân hòa (dân chúng bất mãn, nội chiến trong triều, quân bị vây lâu ngày kiệt sức nản lòng), cho thấy giặc hoàn toàn không có gì cả “thời” lẫn “thế”. Thêm vào đó, cách diễn đạt nêu nguyên nhân bằng những dẫn chứng lí lẽ phân tích và dẫn chứng ra trước rồi mới kết lại bằng một câu rắn rỏi: “Đó là điều phải thua thứ...” khiến câu văn như lời phán quyết đanh thép, chắc nịch, quyết đoán không ai có thể phủ định.
5. Câu 5. Trong phần 4, tác giả đã gợi ra cho Vương Thông những lựa chọn nào? Từ đó, bạn hiểu gì về cách ứng xử của Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn?

Sau khi nêu ra sáu điều phải thua đó với quân giặc, Nguyễn Trãi đã gợi ra hai lựa chọn cho tướng giặc:
- Chấp nhận đầu hàng, nộp đầu tướng giặc đã gây nhiều tội ác là Phương Chính, Mã Kỳ thì sẽ tránh được thương vong cho quân giặc và tất cả được an toàn về nước.
- Không đầu hàng thì phải tiếp tục giao chiến (tức là nhận lấy thất bại) chứ không thể trốn tránh một cách hèn nhát, nhục nhã.
=> Việc gợi ra những lựa chọn như vậy cho thấy Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn luôn thể hiện lập trường “chí nhân” “đại nghĩa”, lòng yêu chuộng hòa bình và luôn biết tận dụng sức mạnh của ngòi bút văn chương chính luận để thực hiện “tâm công”, tránh đổ xương máu cho cả đôi bên.

6. Câu 6. Nêu những lưu ý trong cách đọc hiểu văn bản nghị luận mà bạn rút ra được sau khi đọc Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi. Nhận xét về nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi.

Những lưu ý trong cách đọc hiểu văn bản nghị luận mà bạn rút ra được sau khi đọc “Thư lại dụ Vương Thông” của Nguyễn Trãi:
- Trước hết, cần thấy được luận đề chính (vấn đề chủ yếu đưa ra để bàn luận) của VB nghị luận. Trong “Thư lại dụ Vương Thông”, đó là thời và thế. Đây chính là đầu mối của hệ thống luận điểm sẽ được triển khai ở những đoạn sau.
- Tiếp đó, cần thấy rằng hệ thống luận điểm của bài văn nghị luận chính là nhằm phân tích, diễn giải rõ và chứng minh cho tính đúng đắn của luận để được nêu ra ở đoạn đầu. Trong Thư lại dụ Vương Thông, đoạn thứ hai phân tích và chứng minh cho hành động không hợp thời của giặc Minh, đoạn thứ ba phân tích và chứng minh cho sự thất thế của quân giặc với sau điều phải thua và đoạn cuối cùng chỉ ra cho quân giặc con đường hành động hợp thời thế là như thế nào để tránh được bại vong. Đoạn cuối này đã chứng minh tinh đúng đắn của luận để về thời và thế: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hoá ra yếu, yên lại chuyển nguy”.
Nhận xét về nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi:
- Bố cục của bài văn nghị luận luôn chặt chẽ, mạch lạc; các phần nối kết với nhau theo một trình tự lô-gic không thể tách rời hay đảo ngược vị trí.
- Các lí lẽ luôn đi kèm bằng chứng cụ thể nên có sức thuyết phục cao, không thể bác bỏ.
- Từ ngữ và các biện pháp tu từ được chọn lọc thích đáng với nội dung cần biểu đạt và có sức biểu cảm cao tạo nên giọng văn phù hợp, kích thích tâm trí người đọc theo đúng ý đồ của người sáng tác.
- Lối viết thay đổi linh hoạt tuỳ hoàn cảnh, mục đích viết và đối tượng hướng tới.
...................................................................​
Chúc các em học tốt!
Thêm
Thư lại dụ Vương Thông - Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
1K
0
0
Bình Ngô dại cáo là bản tuyên bố trước toàn thể nhân dân về công cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Bài cáo được Nguyễn Trãi viết theo lệnh Lê Lợi, trong đó thể hiện được tâm huyết, ý chí của người lãnh tụ nghĩa quân và của chính Nguyễn Trãi. Cùng Triều Anh tìm hiểu bài cáo qua bài trọng tâm kiến thức sau:

bình ngô.png
Ảnh sưu tầm

Xem thêm:
Soạn văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

1. Mục đích, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa của bài cáo:

- Mục đích: công bố rộng rãi cùng toàn dân về công cuộc dẹp yên giặc Minh thắng lợi.
- Hoàn cảnh ra đời: sau chiến thắng đánh đuổi giặc Minh xâm lược.
- Ý nghĩa của bài cáo: Bài cáo có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập.

2. Bố cục, hệ thống luận điểm của bài cáo:

- Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa
- Phần 2: Bản cáo trạng hùng hồn, đẫm máu về tội ác của kẻ thù
- Phần 3: Bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
- Phần 4: Lời tuyên bố độc lập

3. Lí lẽ, bằng chứng trong từng luận điểm:

a. Luận đề chính nghĩa

* Tư tưởng nhân nghĩa là tiền đề cơ sở lí luận cho cuộc kháng chiến


- Nhân nghĩa có nghĩa thương người mà làm theo lẽ phải (nhân là lòng thương người, nghĩa là lẽ phải).
- Nhân nghĩa trong tư tưởng của Nguyễn Trãi:
+ Yên dân: nhân dân được sống yên bình, hạnh phúc trong một đất nước độc lập.
+ Trừ bạo: diệt kẻ tàn bạo xâm lược đất nước và bọn tham tàn trong nước.
=> Cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa là lấy dân làm gốc, vì dân mà diệt trừ bọn tàn bạo.

* Chân lí về độc lập dân tộc

- Nguyễn Trãi khẳng định mỗi dân tộc có quyền bình đẳng vì mỗi dân tộc đều có: nền văn hiến riêng, có phong tục tập quán, có các triều đại làm chủ, có các anh hùng hào kiệt.
=> Các dân tộc có quyền bình đẳng như nhau. Lời văn khẳng định quyền độc lập, tự chủ của dân tộc.
- Thái độ của tác giả:
+ So sánh các triều đại của Việt Nam với các triều đại của Trung Hoa.
+ Gọi các vị vua Đại Việt là “đế”.
=> Thể hiện ý thức cao độ về độc lập chủ quyền của tác giả.

b. Tội ác của kẻ thù

- Giặc Minh xâm lược, cai trị nước ta và gây ra biết bao tội ác:
+ Lừa dối nhân dân ta.
+ Tàn sát dã man những người vô tội.
+ Bóc lột nhân dân ta bằng chế độ thuế khóa nặng nề.
+ Bắt phu phen, phục dịch.
+ Vơ vét của cải.
+ Hủy hoại nền văn hóa Đại Việt.

- Thái độ căm phẫn của nhân dân:
+ Hình ảnh phóng đại “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi” lấy cái vô cùng của tự nhiên để nói về tội ác của giặc Minh.
+ Câu hỏi tu từ “lẽ nào...chịu được”: Tội ác không thể dung thứ của giặc
=>Bản cáo trạng đanh thép về tội ác dã man của giặc minh, đồng thời là thái độ căm phẫn, tức giận khôn cùng của nhân dân ta.

c. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

* Hình ảnh người anh hùng Lê Lợi
- Nguồn gốc xuất thân: là người nông dân áo vải “chốn hoang dã nương mình”
- Lựa chọn căn cứ khởi nghĩa: “Núi Lam Sơn dấy nghĩa”
- Có lòng căm thù giặc sâu sắc, sục sôi: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống...”
- Có lí tưởng, hoài bão lớn lao, biết trọng dụng người tài: “Tấm lòng cứu nước...dành phía tả”.
- Có lòng quyết tâm để thực hiện lí tưởng lớn “Đau lòng nhức óc...nếm mật nằm gai...suy xét đã tinh”.
=> Lê Lợi vừa là người bình dị vừa là anh hùng khởi nghĩa

* Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

- Buổi đầu gian khổ:
+ Những thiếu thốn về quân trang và lương thực: binh yếu, có khi lương cạn, nhân tài ít
+ Tinh thần của quân và dân: Gắng chí, quyết tâm (Ta gắng chí khắc phục gian nan), đồng lòng, đoàn kết (sử dụng 2 điển tích dựng cần trúc, hòa nước sông)
=> Giai đoạn đầu đầy khó khăn, thử thách, nhờ sự lạc quan, đồng lòng, đoàn kết, biết dựa vào dân đã giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua mọi khó khăn.

- Giai đoạn phản công và thắng lợi của ta:
+ Những trận tiến quân ra Bắc: trận Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động
+ Chiến dịch diệt chi viện: trận Chi Lăng, Mã Yên, Xương Giang
=> Biện pháp liệt kê tái hiện không khí chiến trận máu lửa, sục sôi với những chiến thắng giòn giã liên tiếp của quân ta cũng như sự thất bại nhục nhã, ê trề của địch.

- Thất bại của giặc Minh:
+ Nghệ thuật cường điệu, nói quá miêu tả những thất bại thảm hại của giặc.
+ Binh lính cởi áo giáp xin hàng
+ Tướng giặc tham sống sợ chết cởi áo giáp xin hàng
- Khí thế và cách ứng xử của quân, dân ta:
+ Nghệ thuật cường điệu: Gươm mài đá, đá núi phải mòn….
+ Cách ứng xử vừa khôn khéo vừa nhân nghĩa của nghĩa quân: “Thần vũ chẳng giết hại … nghỉ sức”
=> Nghệ thuật đối lập đã thể hiện rõ những nét đối cực trong cuộc chiến giữa ta và địch, từ tính chất cuộc chiến cho đến khí thế, sức mạnh, những chiến công và cách ứng xử

d. Lời tuyên bố độc lập:

- Giọng điệu trang trọng, hào sảng cho thấy niềm tin và những suy tư sâu lắng của tác giả
- Sử dụng những hình ảnh về tương lại đất nước như “xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới, thái bình vững chắc”, các hình ảnh của vũ trụ “kiền khôn, nhật nguyệt, ngàn thu sạch làu”

4. Từ ngữ, thủ pháp nghệ thuật, giọng điệu tạo tác dụng biểu cảm:

- Vận dụng, kết hợp chi tiết hình ảnh cụ thể, khái quát, lối liệt kê liên tiếp
- Dùng những câu văn giàu cảm xúc, hình tượng
- Giọng văn, nhịp điệu thay đổi linh hoạt
- Lời văn uất hận trào sôi, kết hợp với niềm thương cảm tha thiết, khi nghẹn ngào, khi căm tức, khi ngợi ca, sảng khoái tự hào.
......................................................​
Chúc các em học tốt!
Thêm
Trọng tâm kiến thức  bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, Bài 7, Chân trời sáng tạo
  • Like
Reactions: Vanhoctre
1K
1
0
Cáo là một thể văn chính luận vừa có chức năng thông báo vừa có chức năng nghị luận về một vấn đề trọng đại liên quan liên quan đến đất nước, dân tộc. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn sau để hiểu hơn về thể cáo.

bình ngô.png
Ảnh sưu tầm

Xem thêm:
Trọng tâm kiến thức bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

I. Trước khi đọc/sgk trang 33

Bạn biết những tác phẩm nào trong văn học Việt Nam gắn với các sự kiện trọng đại, thể hiện sâu sắc tình cảm yêu nước, tự hào dân tộc? Hãy kể tên tác phẩm và tác giả.

Trả lời:

Tác phẩm nào trong văn học Việt Nam gắn với các sự kiện trọng đại, thể hiện sâu sắc tình cảm yêu nước, tự hào dân tộc
- Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt) – ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào dân tộc.
- Phò giá về kinh (Trần Quang Khải) – tình yêu nước, tự hào dân tộc.
- Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) – tình cảm yêu nước, ý thức tự chủ tự cường, tự hào dân tộc.
- Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) – tình cảm yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, tự hào dân tộc.

II. Đọc văn bản:

1. Suy luận/ sgk trang 34:


Tác giả nêu ra quan niệm về nhân nghĩa ở đầu bài cáo nhằm mục đích gì?


Trả lời:
- Nội dung đoạn mở đầu bài cáo: quan niệm về nhân nghĩa.
- Mục đích: để làm tiền đề (cơ sở lí luận) cho toàn bài cáo - cho thấy khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa vì chính nghĩa và hành động đi cướp nước của giặc Minh là phi nghĩa.

2. Theo dõi/ sgk trang 35

Ở đoạn 2, tác giả cho thấy giặc Minh đã gây ra những tội ác gì trên đất nước ta?


Trả lời:
Những tội ác của giặc Minh trên đất nước ta:
- Mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ” để cướp nước ta.
“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
…Bọn gian tà bán nước cầu vinh”
- Áp bức bóc lột nhân dân: “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “dối trời lừa dân”, “gây binh kết oán”, “bại nhân nghĩa”, “nặng thuế khoá”, …
=> Những tội ác tàn bạo, gây ra bao đau thương cho dân tộc ra: “trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, “nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.

3. Dự đoán/sgk trang 35

Dựa vào những hình ảnh ở cuối đoạn 3a (“Nhân dân....lấy ít địch nhiều”), bạn hãy dự đoán về diễn biến tiếp theo của cuộc khởi nghĩa.

Trả lời:
- Hình ảnh cuối đoạn 3a:
+ “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;
Tướng sĩ một long phụ tử, hoà nước song chén rượu ngọt ngào
…Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”
- Dự đoán: đại nghiệp đánh đuổi giặc Minh hoàn toàn thắng lợi vì sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của quân và dân; tài dung binh của Lê Lợi.

4. Tưởng tượng/sgk trang 38

Bạn hình dung như thế nào về khí thế chiến thắng của nghĩa quân trong đoạn 3b?


Trả lời:
Không khí chiến thắng ở đoạn 3b:
- Đó là một không khí chiến thắng như chẻ tre, quân ta chiến thắng vang dội, quân Minh thất bại thảm hại.
- Khí thế chiến thắng được thể hiện qua:
+ “Trần Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”
+ “Ninh Kiều máu chảy thành song, tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”
+ “ Đánh một trận, sạch không kình ngạc/Đánh hai trận, tan tác chim muôn”


5. Suy luận/sgk trang 39

So sánh các đoạn trên, giọng nghị luận ở đoạn này có gì khác biệt?

Trả lời:
- So với các đoạn trên, giọng nghị luận ở đoạn này mang tính chất tổng kết toàn quá trình khởi nghĩa, mở ra hi vọng cho đất nước sau khi đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm.

III. Sau khi đọc:

1. Câu 1/trang 39 sgk


Xác định hoàn cảnh ra đời, mục đích viết của bài cáo. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết Bình Ngô đại cáo là một văn bản nghị luận?


Trả lời:
- Hoàn cảnh ra đời của bài cáo:
Bình Ngô đại cáo là bài cáo viết bằng văn ngôn do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt.
- Mục đích viết của bài cáo:
Công bố trước toàn thể nhân dân về sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống giặc Minh.
- Những dấu hiệu giúp nhận biết Bình Ngô đại cáo là một văn bản nghị luận:
+ Bố cục: 4 phần – Nêu luận đề chính nghĩa, tố cáo tội ác của giặc Minh, kể lại quá trình chinh phạt giặc Minh, tuyên bố hoà bình lập lại.
+ Lí lẽ, bằng chứng thuyết phục: Ta chính nghĩa - giặc Minh phi nghĩa.

2. Câu 2/trang 39 sgk
Có người nhận định rằng: Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc và tính chất tuyên ngôn ấy thể hiện rõ ngay trong phần mở đầu của bài cáo. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.


Trả lời:
- Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước toàn thể nhân dân về công cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Nước ta giành được độc lập và trên cương vị ngang hàng với các nước khác.
- Tính chất của tuyên ngôn ấy thể hiện rõ ngay trong phần mở đầu của bài cáo.
Đại Việt hội đủ các yếu tố của một quốc gia đọc lâp:
+ Có nền văn hiến lâu đời
+ Có lãnh thổ riêng biệt
+ Có phong tục tạp quán
+ Có các triều đại hùng mạnh
+ Có hào kiệt.

3. Câu 3 /trang 39 sgk

Chứng minh "nhân nghĩa" trong câu mở đầu: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo là một tư tưởng quan trọng xuyên suốt cả bài cáo. Lời mở đầu này cùng với những câu văn tiếp theo ở phần 1 có quan hệ nối kết như thế nào với các phần 2, 3a, 3b, 4 trong bài cáo?

Trả lời:
"Nhân nghĩa" là tư tưởng xuyên suốt bài cáo và được thể hiện nhất quán trong cách phần:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

- Phần 1:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
…Chứng cớ còn ghi”
Nhân nghĩa là trừ bạo để yên dân, gìn giữ chủ quyền dân tộc, chống lại bọn cướp nước. Đây chính là lí do có công cuộc bình Ngô.

- Phần 2:
“ Vừa rồi
…Ai bảo thần dân chịu được”
Nhân nghĩa là phơi bày những tội ác của giặc Minh trong niềm thương xót sâu sắc đối với nhân dân, căm phẫn đối với bọn cướp nước.

- Phần 3:
“ Ta đây
…Cũng là chưa thấy xưa nay »
Nhân nghĩa là “Đem đại nghĩa để thắng gian tà/Lấy chí nhân để thay cường bạo”; ở lòng hiếu sinh mà để cho dân nghỉ sức, cho giặc con đường sống.

- Phần 4:
“Xã tắc từ đây vững bền
...Ai nấy đều hay”
Nhân nghĩa thể hiện ở niềm tự hào của một dân tộc dã chiến thắng trong tư thế chính nghĩa.

4. Câu 4 /trang 39 sgk

Dựa vào bố cục của văn bản, hãy tóm tắt các luận điểm chính trong bài cáo và nhận xét về cách tổ chức, sắp xếp hệ thống luận điểm của tác giả. (Có thể dùng lời, bảng biểu hay sơ đồ tư duy).


Bài cáo đưa ra một hệ thống gồm 4 luận điểm. Ở mỗi luận điểm đều có những lí lẽ và bằng chứng cụ thể để chứng minh, thuyết phục.

- Luận điểm 1: Nước Đại Việt là một nước có độc lập, chủ quyền và truyền thống đấu tranh bất khuất bảo vệ độc lập, chủ quyền ấy.
=> Nêu ra thực tế về đất nước Đại Việt có độc lập, chủ quyền từ nhiều đời và chứng cứ từ sách sử ghi lại về những thất bại nhục nhã của các triều đại phương Bắc khi đem quân sang xâm lược nước ta.

- Luận điểm 2: Giặc Minh xâm phạm độc lập, chủ quyền đất nước và gây ra vô số tội ác với nhân dân Đại Việt.
=> Nêu ra cụ thể, sinh động, có sức khái quát sinh động về những tội ác “trời không dung đất không tha” mà giặc Minh đã gây ra trên đất nước ta.

- Luận điểm 3: Quân dân Đại Việt khởi nghĩa chống giặc, trải qua bước đầu khó khăn đi đến thắng lợi rực.
=> Nêu ra những khó khăn trong buổi đầu khởi nghĩa và quyết tâm rèn tài luyện chí của nghĩa quân, nhờ đó dẫn đến giai đoạn phản công thuận lợi và giành chiến thắng trước kẻ thù.

- Luận điểm 4: Tuyên bố hòa bình, độc lập, mở ra vận động tươi sáng cho đất nước
=> Nói lên nguyên nhân và ý nghĩa lớn lao thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

5. Câu 5/ trang 39 sgk

Phân tích cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 1 hoặc phần 2 của bài cáo.


Trả lời:

* Cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 1 của bài cáo:

- Lí lẽ: Đại Việt là một nước văn hiến, có lịch sử lâu đời.
- Bằng chứng: Bằng chứng về các triều đại trong lịch sử Việt Nam và các anh hùng hào kiệt đã bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm.
Trong phần 1, lí lẽ và bằng chứng đi liền với nhau. Bằng chứng được nêu ra ngay sau lí lẽ, làm sáng rõ và chứng minh cho lí lẽ.

* Cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 2 của bài cáo:

- Lí lẽ: "Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa".
- Bằng chứng: "Nướng dân đen... Tan tác cả nghề canh cửi".

6. Câu 6/trang 39 sgk

Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3a (hoặc phần 3b) của bài cáo.


Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3b của bài cáo:
- Đây là phần nói về giai đoạn phản công thắng lợi của quân đội ta
- Vấn đề nghị luận: chính nghĩa tất thắng phi nghĩa, “đại nghĩa”, “chí nhân” tất yếu sẽ thắng “hung tàn”, “cường bạo”.
- Những câu văn kể về chiến thắng nhanh chóng, bất ngờ (“sấm vang, chớp giật”, “trúc chẻ, tro bay”), giòn giã, liên tục của quân ta (“Ngày 18…; Ngày 20…; Ngày 25; Ngày 28…), kể về sự tự tin, chủ động của ta, tư thế bế tắc, bị động của giặc (“Thuận đà, ta đưa lưỡi dao tung phá; Bí nước, giặc quay mũi giáo đánh nhau”), kể về tinh thần phấn chấn, hào hùng của ta, tâm trạng hoang mang, sợ hãi của giặc (“Đánh một trân sạch không kình ngạc; Đánh hai trận tan tác chim muông”, “quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật;… quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân”)
- Những lời nghị luận sắc bén thể hiện tình thế “bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt” của kẻ phi nghĩa và “chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công” của người chính nghĩa.
=> Tự sự và nghị luận đã kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên giọng điệu riêng cho bài cáo: đanh thép, hào hùng.

7. Câu 7 /trang 39 sgk

Cách sử dụng từ ngữ, các thủ pháp nghệ thuật (liệt kê, đối, ẩn dụ, thậm xựng,...) trong việc xây dựng hình ảnh, tạo nhịp điệu ở bài báo cáo có tác dụng biểu cảm như thế nào?


Bài cáo đã sử dụng các thủ pháp liệt kê, ẩn dụ, thậm xưng, điển cố…
- Liệt kê: các triều đại độc lập của ta ngang hàng với các triều đạt của Trung Quốc (“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”); liệt kê các chiến thắng của ta chống quân Nam Hán, Tống, Nguyên, Mông (“Lưu Cung tham công nên thất bại; Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong; Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô; Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”); liệt kê các tội ác của giặc (“Người bị ép xuống biển…; Kẻ bị đem vào núi…; Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng; Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt”)
=>Tác dụng minh chứng cụ thể và tạo cảm giác mức độ nhiều, liên tục.
- Ẩn dụ: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Tội ác của giặc đã gây ra cho nhân dân); “Nổi gió to quét sạch lá khô; Thông tổ kiến phá toang đê vỡ” (Hình dung về cách đánh trận của quân ta, chọc vào đúng chỗ yếu của giặc để công phá),…
=> Tác dụng gợi liên tưởng, gợi lên những ý nghĩa sâu xa, làm cho câu văn, bài văn thêm hàm súc, giàu hình ảnh và có sức biểu cảm cao.
- Thậm xưng: “…trúc Nam Sơn không ghi hết tội;…nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (cảm xúc căm thù và khinh bỉ quân giặc tàn ác); “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; Voi uống nước, nước sông phải cạn”) (cảm xúc phấn khích tự hào về sự lớn mạnh của quân đội ta); “Ninh Kiều máu chảy thành sông…nhơ để ngàn năm”; “Lạng Giang, Lạng Sơn…máu trôi đỏ nước”, Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày…cỏ nội đầm đìa máu đen” (cảm xúc tự hào về chiến thắng của quân đội chính nghĩa, đồng thời vừa chê cười, khinh bỉ, vừa cảm thấy đáng tiếc cho quân giặc tham lam, ngoan cố đến ngu xuẩn đã tự chuốc lấy thất bại thảm thương.
=>Tác dụng kích thích cảm xúc đến cao độ

8. Câu 8 /trang 39 sgk

Nhận xét về sự thay đổi giọng điệu nghị luận của bài cáo qua từng đoạn. Theo bạn, việc xem Bình Ngô đại cáo là một "thiên cổ hùng văn" có thích đáng không? Vì sao?


* Nhận xét về sự thay đổi giọng điệu
- Phần 1: giọng điệu trang trọng, đĩnh đạc như một tuyên ngôn độc lập trước toàn dân, gợi cảm xúc tự tôn và tự hào dân tộc.
- Phần 2: giọng điệu thống thiết và căm giận khi kể tội ác của giặc, cảnh khổ của dân, gợi cảm xúc đau xót và căm phẫn.
- Phần 3a: giọng điệu tâm tình, thiết tha, gợi cảm xúc khâm phục và thôi thúc. Phần 3b: giọng điệu hưng phấn, hùng tráng gợi cảm xúc phấn khích, hào hứng.
- Phần 4: giọng điệu hào sảng, gợi cảm xúc sảng khoái, tự hào.

* Lí giải nguyên nhân Bình Ngô đại cáo là án thiên cổ hùng văn
- Bình Ngô đại cáo là áng văn tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh mười năm kiên trì, gian khổ và đi đến thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn.
- Bài cáo là kết tinh của tình cảm yêu nước thương dân sâu sắc, của tư tưởng chí nhân đại nghĩa, một giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, và cũng là đỉnh cao của nghệ thuật viết văn chính luận có tác dụng lay động người một cách sâu sắc.
- Bài cáo không chỉ thể hiện tâm huyết và bút lực của một người mà còn là của cả một dân tộc, cả một thời đại hào hùng. Không chỉ người đọc đương thời mà người đọc các thế hệ sau đều cảm nhận được những cung bậc cảm xúc đau thương, căm phẫn, phấn khích, tự hào, sảng khoái trào dâng mãnh liệt trong lòng khi đọc tác phẩm.
- Vì thế, bài cáo xứng đáng được xem là một áng “thiên cổ hùng văn” trong văn học nước nhà.​
..............................................
Chúc các em học tốt!
Thêm
Bình Ngô đại cáo, Ngữ văn 10, Bài 7, Chân trời sáng tạo
831
0
0
Nguyễn Trãi không những là nhà thơ trữ tình giàu cảm xúc mà còn là nhà văn chính luận tài năng. Trong chương trình Ngữ văn 10, sách Chân trời sáng tạo, đã dành trọn bài 7 để giới thiệu về Nguyễn Trãi và các tác phẩm thơ văn của ông, đặc biệt là văn chính luận. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn Tri thức Ngữ văn về Cuộc đời sự nghiệp thơ văn và Văn chính luận của nguyễn Trãi nhé!

0196A9BD-55B8-4689-BC9A-6FEC16524874.jpeg

Ảnh sưu tầm

TRI THỨC NGỮ VĂN VỀ NGUYỄN TRÃI VÀ VĂN CHÍNH LUẬN CỦA NGUYỄN TRÃI

I. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi, sgk trang 29

1. Giới thiệu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của tác giả Nguyễn Trãi.

- Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, tác giả văn học lớn thế kỉ XV. Ông là nhà chiến lược quân sự tài ba đã góp công lớn trong cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi.
- Nguyễn Trãi đã có những đóng góp đặc sắc cho tư tưởng yêu nước thương dân truyền thống và nâng nó lên một tầm cao mới trong thời đại của mình.
- Xem dân là gốc của nước nên suốt đời Nguyễn Trãi đeo đuổi tư tưởng nhân nghĩa “trừ bạo, yên dân”, hướng đến việc đưa nhân dân thoát khỏi cuộc sống lầm than dưới ách cai trị của giặc Minh và đem lại cuộc sống thái bình ấm no hạnh phúc cho họ.
- Năm 1980, Unesco đã tổ chức kỉ niệm trọng thể năm sinh của ông, công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới.

2. Nguyễn Trãi đã để lại một sự nghiệp văn chương phong phú và đa dạng.

- Về văn: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí…
- Về thơ: Ông có những đóng góp quan trọng cả về chữ Hán lẫn chữ Nôm.
+ Ức Trai thi tập (tập thơ chữ Hán, 105 bài)
+ Quốc âm thi tập (tập thơ chữ Nôm, 254 bài).

3. Thơ văn Nguyễn Trãi thể hiện tấm lòng ưu ái sắc son, tâm hồn phong phú, nồng hậu yêu thương đối với con người và vạn vật và một nhân cách thẳng ngay, cao thượng.

Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi là “bài ca yêu nước và tự hào dân tộc” (Phạm Văn Đồng):

- Với tư cách người anh hùng nhà chiến lược quân sự trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Nguyễn Trãi đã để lại những áng văn xuôi nghị luận hùng hồn, sắc bén. Các bài văn nghị luận tiêu biểu:
+ Thư dụ hàng: Thư lại dụ Vương Thông, Thư gửi Phương Chính.
+ Cáo: Bình Ngô đại cáo.

- Trong tư cách nhà thơ, Nguyễn Trãi để lại những bài thơ trữ tình tinh tế thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước, nhân dân, là người đặt nền móng cho thơ ca tiếng Việt phát triển và có những thành tựu rực rỡ. Các bài thơ tiêu biểu:
+ Dục thúy sơn
+ Bảo kính cảnh giới – bài số 43
+ Thuật hứng – bài 24.

II. Văn nghị luận, sgk trang 31

1. Khái quát về Văn nghị luận.

- Khái niệm:
Văn nghị luận là loại văn bản chủ yếu sử dụng lí lẽ và bằng chứng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một quan điểm, quan điểm.
- Yêu cầu của văn bản nghị luận
+ Sử dụng lí lẽ và bằng chứng nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một quan điểm, tư tưởng.
+ Chính kiến, luận đề, lí lẽ trong văn bản nghị luận phải nhất quán, chặt chẽ, rõ ràng, thuyết phục.
+ Sức mạnh của văn bản nghị luận là ở tính hệ thống của luận điểm; chặt chẽ của lập luận; bằng chứng xác thực; tình cảm, cảm xúc chân thành của người viết, người nói.
- Văn nghị luận trung đại
+ Mang các đặc điểm của văn nghị luận nói chung.
+ Có một số khác biệt: Tính quy phạm về thể văn và ngôn ngứ; có tính chất tổng hợp “bất phân” giữa văn, với sử, với triết.
2. Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội trong văn bản nghị luận.
Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội là điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội liên quan đến văn bản nghị luận, giúp hiểu rõ mục đích viết, nội dung của văn bản.
Ví dụ: Bình Ngô đại cáo ra đời trong bối cảnh nhân dân ta chịu nhiều áp bức bóc lột của giặc Minh. Giúp ta hiểu rõ lòng căm thù và ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nhân dân thế kỉ XV.​
...............................................
Chúc các em học tốt!
Thêm
Văn bản nghị luận - tác giả Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
964
0
0

Trang cá nhân

“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. Thích Văn Học @ Thích Văn Học:
    Hiện tại không có giá trị qui đổi gì em nhé
  2. hưnga @ hưnga:
    cho em hỏi xu có những tác dụng gì ạ
Top