Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Bài viết mới

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Cao Bá Quát nổi tiếng là một thần đồng, học giỏi và rất thông minh. Ông là người có nhân cách cứng cỏi, phóng khoáng, lại giỏi quảng giao nên hầu hết những danh sĩ đương thời đều là bạn tốt của Cao Bá Quát. Với tài năng và cá tính của ông khi ra làm quan cho triều đình, ông không chịu được cảnh quan trường bon chen, danh lợi thối nát, càng về sau ông càng nhận ra sự mục ruỗng của chế độ nên đã đứng lên khởi nghĩa. Sau sự kiện này, Cao Bá Quát và cả dòng dòng họ bị xét xử, toàn bộ những bút tích của ông đều bị tiêu hủy. Nhưng với tấm lòng mến mộ hiền tài, nhân dân khắp nơi vẫn lưu lại được, tập hợp lại thành một số lượng khổng lồ các sáng tác đương thời của ông. Người ta ngợi ca ông: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” vì ở đó, Cao Bá Quát là thiên tài về văn chương thi phú đương thời.
Kẻ sĩ cô đơn trong Sa hành đoản ca.png

(Kẻ sĩ cô đơn trong Sa hành đoản ca)
Chu Thần - Cao Bá Quát (1809 1855), một hiện tượng hiếm quí trong thơ Trung đại mà có lẽ cho đến nay, người đời vẫn chưa đánh giá một cách sâu sắc, đích thực về ông nhất là mảng thơ Hán tự đặc biệt phong phú, nổi bật của nhà thơ họ Cao.

Nếu gọi ra điệu hồn riêng trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát có thể khái quát trong mấy chữ này: Một hồn thơ phóng khoáng, đôn hậu và cũng đầy kiêu hãnh, sâu sắc.

Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên cát) -Thi phẩm đặc sắc được đưa vào trong chương trình ngữ văn lớp 11( Sgk Ngữ văn 11, từ năm học 2007), Cao Bá Quát thực sự đã kết đọng trong lòng độc giả những cảm nhận khó quên về một Người và cũng là một Lớp Người: Nhà Nho tài tử- Những kẻ sỹ, nghệ sỹ mang tình yêu chân thành đến mức tôn thờ Cái-Đẹp: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời (Ta) chỉ biết cúi đầu trước hoa mai).

Những Kẻ sỹ -Nghệ sỹ, chân thành và kiêu hãnh trong cảm hứng trước thiên nhiên mà giãi bày tâm nguyện:

“Bất kiến ba đào tráng
An tri vạn lí tâm”

(Nếu không thấy được sóng hung/Làm sao biết được tấc lòng muôn phương).

Muốn thẩm định thi phẩm “Sa hành đoản ca”, học sinh cần nắm bắt đời và thơ của thi sỹ họ Cao, từ đó cần chỉ ra nét riêng, điệu riêng của thơ Chu Thần. Đấy chính là tâm thế bức xúc của một thi nhân trước bao điều bất công, ngang trái; Trước bao điều thực giả hỗn độn giữa sa mạc-cuộc đời! Cảm thức được điều đó, mới nhận ra, mới tường minh chất bản ngã, bản lĩnh của Cao Bá Quát. Nhà thơ họ Cao đã chọn hình thức biểu hiện của thơ ngũ ngôn, phù hợp với giọng điệu tâm tình cho những câu thơ khơi mở:

“Trường sa phục trường sa
Nhật nhập hành vi dĩ
Khách tử lệ giao lạc”

(Bãi cát dài lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời đã lặn chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi)

Những câu thơ đầu của “Sa hành đoản ca”, mở ra một hiện trạng, một cảnh ngộ và cũng là sự lên tiếng đầy bức xúc, bức bối của nhân vật trữ tình( Khách tử). Không gian, thời gian từ những câu thơ trên như đe dọa, như dồn lữ khách tới cái bi thương của hoàn cảnh: ngày sắp tàn rồi, mà trước mắt nhìn và tâm thức, vẫn trải mở dằng dặc, mênh mang ngỡ đến khôn cùng cát và cát (Trường sa phục trường sa). Thực cảnh bãi cát dài ấy, đem đến cảm giác thật rùng mình, choáng ngợp và bao phủ - Đi một bước như lùi một bước. Hình ảnh bãi cát dài vì thế, có thể khơi gợi cảm hứng từ hiện thực khách quan, “được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị” (Sách giáo khoa lớp 11-Tập 1, trang 40). Ví dụ như:

Bài ca ngắn đi trên bãi cát có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi hội, phải đi qua những sa mạc đầy nắng gió, bởi vậy ông đã viết bài thơ này. Mượn hình ảnh những người đi trên bãi cát để hình dung con đường mưu cầu danh lợi đáng ghét mà ông buộc phải theo đuổi. Mở đầu bài thơ là hình ảnh những bãi cát dài nối tiếp nhau:

Bãi cát dài lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước

Thực ra, tôi vẫn chưa thật nhất trí với cách cảm nhận có phần giản đơn và “thật thà” như vậy.

Hình ảnh “Trường sa phục trường sa” trong thơ Cao, thực sự bức bách như nỗi ám ảnh tâm tưởng. Thế nên, sự lên tiếng của nhân vật trữ tình mới quá đỗi chân thực và xúc động: Khách tử lệ giao lạc (Lữ khách trên đường nước mắt rơi).

Từ hình ảnh về con người nhỏ bé, mong manh giữa biển cát mênh mông-Biển cát cuộc đời, (tất nhiên hình ảnh trường sa vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa là một ẩn dụ tượng trưng), giúp cho bài thơ của Cao Bá Quát, lại mở tiếp ra một cấp độ nữa của cảm xúc và suy tư.

Cao Bá Quát đã mượn và tựa vào tích xưa-“Ông tiên ngủ kĩ” để gửi gắm sự sáng tạo riêng của mình trong cách nghĩ, cách nhìn vào cuộc đời và con người :

Quân bất học tiên gia mĩ thụy ông
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng

( Anh không học được tiên ông có phép ngủ kĩ
Cứ trèo non lội nước mãi,bao giờ cho hết ta oán)

Về hình thức và giọng điệu của hai câu thơ trên, mới đọc, cứ ngỡ như những lời “Tiên trách kỉ”, “Tự trách kỉ”. Đọc và ngẫm kĩ, lại hóa ra lời phản ứng quyết liệt của Kẻ sỹ-Thi nhân giầu bản lĩnh và cá tính. Làm sao có thể học “Ông tiên ngủ kĩ”, để mà làm ngơ, để mà nhắm mắt, để mà “mũ ni che tai” trước bao cảnh ngổn ngang, chất chồng như cát, như núi, như nước giữa cuộc đời-nhân thế. Cao Bá Quát lên tiếng chối bỏ dạng người an phận (mà thời nào chẳng có!), để rồi nhà thơ chuyển sang một góc nhìn hiện thực-hiện thực đập vào mắt và chấn động tâm can về đời, về người:

Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu
Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng

(Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời
Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số, tỉnh bao người?)

Sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong phán xét, Cao Bá Quát đã thực sự vẽ dựng nên một bức tranh cuộc đời, cũng là bức tranh nhân sinh:

Phần đông con người-tầm thường, mang bản chất tham lam, vị kỉ và bon chen. Thế nên,tự cổ chí kim, bọn người ấy mới khốn khổ, mới vội vã, mới xô bồ trên con đường danh lợi: Xưa nay phường danh lợi/ Tất tả trên đường đời

Cũng chính vì ham, vì mê mải trên con đường danh lợi, mà bọn người thuộc số đông ấy thật dễ bị dẫn dụ, bị cám dỗ, bị mê hoặc bởi bao nhiêu thứ mĩ tửu dậy đưa hương từ đời, từ tửu điếm-Nhân sinh:

Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số, tỉnh bao người

Những câu thơ của Cao tiên sinh, như chiếu một góc nhìn trong tâm thế vừa thầm lặng cô đơn, lại cũng vừa thầm lặng kiêu hãnh. Nỗi cô đơn và niềm kiêu hãnh của một con người không muốn và không thể tan hòa trong đám chúng sinh tầm thường mưu cầu danh lợi. Mượn những hình ảnh hiện hữu đơn phương từ những danh lợi nhân, nhà thơ-Nhà Nho tài tử, đã tạo nên thế tương phản, đối lập thầm lặng mà quyết liệt giữa cái tầm thường với cái thanh cao; giữa cái ồn ã sục sôi từ thiên hạ với cái lặng lẽ, cao ngạo từ Con người-bản thể của kẻ sỹ chân chính.

Cao Bá Quát cũng đồng thời nói lên một sự thực mang tính quy luật: Người tỉnh trên cõi thế, giữa thời tao loạn, luôn là người gánh chịu nỗi cô đơn ! Cô đơn nên mới vất vưởng, khốn khổ trên Sa-Mạc-Đời mà cũng là hoang mạc của thân phận.

Tứ thơ của Sa hành đoản ca vận động đến những câu thơ cuối bài, thực sự chất chứa đầy day dứt, trăn trở như sắp bùng phát cơn bão tố của lòng người:

Trường sa trường sa nại cừ hà

(Bãi cát dài, bãi cát dài biết tính sao đây?)

Một câu thơ, một câu hỏi-Tự nó ngân vang lời bi thiết trước hiện trạng như bế tắc, bần cùng khi con người đi đường mà chưa tìm ra đường. Chỉ thấy trước mắt, thật nhiều ám ảnh, ghê rợn: Thản lộ mang mang úy lộ đa (Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt!)

Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát, chợt cất lên tiếng thơ, tiếng hát, khởi phát tự lòng người, thật lạ !

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca

( Hãy nghe ta hát khúc đường cùng)

Cái hay và ấn tượng trong những con chữ của Cao tiên sinh là ở chỗ : Nhà thơ dùng chữ Ca (hát) chứ không dung chữ Thuyết (nói). Thế nên, không thể Thính ngã nhất xướng cùng đồ thuyết ( hãy nghe ta nói lời đường cùng).

Nỗi bi phẫn, u uất trong lòng, làm sao chỉ giải tỏa bằng lời nói thường tình? Phải cuồng ca, sảng ca-những lời ca dậy lửa, dậy sóng từ con tim đang ngập tràn nỗi đau và niềm kiêu hãnh khôn cùng! Khúc ca bi tráng của Cao Bá Quát đã đến độ cao trào của cảm hứng! Trước cảnh tượng điệp trùng vây bủa của núi, của sóng, của cát…phải biết tìm giải thoát cho số phận:

Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp
Nam sơn chi nam ba vạn cấp

(Phía bắc núi bắc núi muôn trùng
Phía nam núi Nam sóng muôn đợt)

Nhà thơ họ Cao chợt tìm đến mà hạ bút kết lại Sa hành đoản ca trong một câu thơ thật lạ. Và, cũng chính vì lạ mà chợt nâng cao và rộng mở tầm cảm xúc và suy tư cho toàn bộ thi phẩm. Tứ thơ cũng đột khởi dâng trào từ hình thức câu nghi vấn :

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

(Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?)

Bài thơ khép lại bằng câu hỏi với bao nhiêu băn khoăn, u uất. Nhưng, cũng chính từ câu chữ ấy, lại đánh thức sự tung phá và giải thoát cho con người và cảnh ngộ. Với Cao Bá Quát, con đường giải thoát cho số phận mình là tìm đến và tham gia cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương (1854) chống lại triều Nguyễn. Từ buồn đau, bế tắc và cô đơn, trước bãi cát mịt mùng nghiệt ngã của cuộc đời-Cao tiên sinh tìm đến và kiêu hãnh giữa thiên nhiên khoáng đạt, vĩnh hằng như tâm sự của ông trong một bài thơ chữ Hán khác - Quá Dục Thúy sơn (Qua núi Dục Thúy) :

Thiên địa hữu tư sơn
Vạn cổ hữu tư tự
Phong cảnh dĩ kì tuyệt
Nhi ngã diệc lai thử

(Trời đất có núi ấy
Muôn thủa có chùa này
Phong cảnh đã kì tuyệt
Lại thêm Ta đến đây)


Nhà thơ, nhà phê bình vh Trần Trung​
Thêm
Kẻ sĩ cô đơn trong Sa hành đoản ca
567
0
0
Cao Bá Quát (1808 — 1855) là nhà thơ lỗi lạc của nước ta trong thế kỉ 19. Ông để lại trên một nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. bài phú "Tài tử đa cùng phú" và bài thơ chữ Hán "Sa hành đoản ca" được nhiều người ca ngợi. "Sa hành đoản ca" nghĩa là bài ca ngắn đi trên bãi cát nói lên bi kịch của kẻ sĩ trên bước đường công danh. Chúng ta cùng soạn bài "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" của Cao Bá Quát để hiểu hơn về tác phẩm này nhé!


Bố cục:
- Phần 1 (4 câu đầu): hình ảnh đi trên bãi cát và người đi trên bãi cát
- Phần 2 (6 câu tiếp theo): tâm trạng suy tư của người đi đường
- Phần 3 (còn lại): sự bế tắc của người đi đường

Câu 1 (trang 42 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):

Ý nghĩa tượng trưng của các yếu tố thực người đi trên bãi cát

+ Con đường công danh, con đường đời vô cùng xa xôi, trắc trở, gập ghềnh
+ Con người đi trên bãi cát vẫn tất tả bước về phía trước vì danh lợi, hào nhoáng

→ Cao Bá Quát về sự cần thiết của đổi mới giáo dục qua cái nhìn chán ghét lối học cũ mưu cầu danh lợi

Câu 2 (trang 42 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):

Các câu thơ liên kết lo-gic với nhau:

+ Danh lợi (chỉ việc học hành, thi cử làm quan) là khái niệm xâu chuỗi toàn bộ đoạn thơ
+ “Không học được tiên ông phép ngủ - Trèo non lội suối giận khôn vơi”: thể hiện nỗi chán nản của nhà thơ vì tự hành hạ mình theo đuổi công danh

- Bốn câu thơ còn lại nói về cám dỗ của chuyện công danh với đời người

+ Những kẻ ham lợi danh phải tất tả ngược xuôi, nhưng ở đời chẳng ai thoát khỏi cám dỗ lợi danh
+ Danh lợi cũng giống như thức rượu làm u mê con người

→ Tác giả khuyên cần thoát khỏi con u mê danh lợi

Câu 3 (trang 42 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):

- Tâm trạng chán nản, mệt mỏi của tác giả khi đi trên bãi cát

+ Tầm cao tư tưởng thể hiện ở chỗ nhà thơ nhìn ra tính vô nghĩa của lối học khoa cử theo công danh
+ Cuối cùng ông vẫn bị cuốn vào dòng người đi trên bãi cát ấy

→ Cao Bá Quát nhìn thấy sự vô nghĩa, hời hợt của con đường công danh theo lối cũ

Câu 4 (trang 42 sgk Ngữ văn 11 Tập 1):

Bài ca ngắn đi trên bãi cát thuộc loại cổ thể có sự tự do về vần, nhịp điệu, kết cấu

+ Nhịp điệu được tạo từ sự thay đổi độ dài ngắn của câu và cách ngắt nhịp
+ Ngắt nhịp linh hoạt 2/3; 3/5 có khi 4/3
+ Nhịp điệu diễn tả sự gập ghềnh, trắc trở

Luyện tập (trang 42 sgk Ngữ văn 11 Tập 1)
Cao Bá Quát hăm hở tìm lý tưởng nhưng không thành

+ Chín năm cứ ba năm một lần đi thi không đỗ tiến sĩ
+ Về sau được nhận chức tập sự ở Bộ Lễ
+ Tình thương, trọng người tài nên gây tội và bị đi đày ở
+ Ông nhận ra nhiều điều bất công từ sự bóc lột của triều đình nhà Huế

→ Ông ý thức được sự tầm thường của danh lợi, và chế độ vì vậy ông khao khát làm nên điều ý nghĩa, lớn lao hơn cho đời, dẫn tới cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Nguyễn

Xem thêm tại: https://forum.vanhoctre.com/forums/bai-ca-ngan-di-tren-bai-cat-cao-ba-quat.299/
Thêm
Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Cao Bá Quát
486
0
0
Sa hành đoản ca được Cao Bá Quát viết ra khi ông đã nếm trải nhiều cay đắng trên con đường công danh, hoạn lộ. Con đường công danh hay con đường đấu tranh cho tự do, chính nghĩa thì đều cần dũng cảm và khó khăn cả. Bài ca đã thể hiện phần nào cốt cách thi sĩ Cao Bá Quát

Tìm hiểu bài: Sa hành đoản ca - Cao Bá Quát
(Bài ca ngắn đi trên bãi cát)

I. Đọc-hiểu

1. Tác giả
Cao Bá Quát (1808 - 1855), tự là Chu Thần, quê ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Học giỏi, nổi tiếng thần đồng (Thần Siêu, Thánh Quát). Đỗ cử nhân, làm một chức quan nhỏ dưới triều Nguyễn rồi làm giáo thụ Quốc Oai, Sơn Tây. Nổi tiếng danh sĩ Bắc Hà. Tên tuổi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương, Sơn Tây. Tử trận, bị tru di tam tộc. Là nhà thơ lớn của dân tộc trong nửa đầu thế kỉ XIX. Tác phẩm còn lại: 1353 bài thơ và 21 bài văn bằng chữ Hán, vài chục bài thơ Nôm và bài phú Nôm kiệt tác: "Tài tử đa cùng phú". Tình cảm thắm thiết đối với quê hương, vợ con và bằng hữu dào dạt trong nhiều bài thơ của Cao Bá Quát. Ý tưởng mới lạ, khí phách hào hùng, văn chương hoa lệ… là cốt cách thi sĩ Chu Thần Cao Bá Quát.

2. Xuất xứ
- Bài thơ "Sa hành đoản ca" được Cao Bá Quát sáng tác vào thời gian nào? Nhóm biên tập cuốn "Thơ chữ Hán Cao Bá Quát" đã xếp bài thơ này vào loạt bài "làm trong khi đi thi Hội" (Nam hành tập). Qua bài thơ "Từ biệt học trò lên đường thi Hội" ta thấy, nhà thơ còn hăm hở về đường công danh. Theo chúng tôi, "Sa hành đoản ca" chỉ có thể được Cao Bá Quát viết sau những năm dài lận đận và nếm nhiều cay đắng trên con đường hoạn lộ!

3. Chủ đề
Nhà thơ chua chát suy ngẫm về con đường đời, ghê sợ về bả công danh, tự thương mình và thương hại cho phường danh lợi xưa nay.

II. Đọc-cảm thụ


"Sa hành đoản ca" chỉ có thể được Cao Bá Quát viết ra khi ông đã nếm trải nhiều cay đắng trên con đường công danh, hoạn lộ? Có thể trên đường từ Huế ra Bắc đi nhận chức Giáo thụ huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, ông mới viết bài thơ này(?).

"Ca" là một thể loại của thơ cổ; câu thơ dài, ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng và âm điệu, vần điệu. Bài thơ của Cao Bá Quát gồm có 16 câu thơ ngũ ngôn và thất ngôn đan xen vào nhau.

"Sa hành đoản ca" nói về một người đang lặn lội trên bãi cát dài, khi tóc đã ngả màu sương, suy ngẫm về đường đời và cái bả công danh.

Bốn câu thơ đầu gợi tả bãi cát. Hình ảnh "trường sa" điệp lại trong câu thơ "Trường sa phục trường sa" gợi lên bãi cát dài và rộng bao la, mênh mông, kéo dài đến vô tận. Đó là những bãi cát nằm dọc con đường thiên lí thuộc hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị dằng dặc nơi khúc ruột miền Trung. Người lữ khách đi một bước lại như lùi một bước. Nước mắt lã chã tuôn rơi. Mặt trời đã lặn nhưng người lữ khách vẫn còn đi. Câu thơ ngũ ngôn với điệp ngữ và tương phản đã làm nổi bật sự cực nhọc, mệt mỏi của người đang lầm lụi đi trên bãi cát dài:

"Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc".

(Bãi cát dài, bãi cát dài!
Mỗi bước lại như lùi
Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ
Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi).

Tám câu thơ tiếp theo nói lên cái giá phải trả đối với hạng người hám danh lợi. Không học được "phép ngủ kĩ" của tiên ông Hạ Hầu Ấn ngày xưa mà vẫn "cứ trèo non, lội nước mãi" cho khổ! Tự hỏi mình rồi lại tự trách mình: Vì hám danh lợi nên phải "tất tả" ngược xuôi:

"Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung".

(Xưa nay phường danh lợi
Bôn tẩu trên đường đời).

Trên đời, kẻ hám danh lợi khác nào người say rượu. Người say rượu cũng như kẻ hám công danh thì nhiều vô số, còn kẻ tỉnh thì ít. Đó là nguyên nhân mọi bi kịch của người đời:

"Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng".

Nghệ thuật so sánh giữa "tỉnh giả thiểu" với "tuý giả đồng" đã làm nổi bật chất triết lí về sự hám danh lợi của người đời.

Nếu Lý Bạch hơn nghìn năm về trước từng cảm nhận: "Hành lộ nan, hành lộ nan! Đa kì lộ, kim an tại?" (Đường đi khó, đường đi khó! Nhiều ngả rẽ giờ đang ở nơi nào?) thì trong "Sa hành đoản ca", Cao Bá Quát cũng viết:

"Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều".

Khách lữ hành không chỉ cảm thấy đường đi khó mà còn cảm thấy đường đời lắm ngả, biết đi về đâu, biết chọn hướng nào, nẻo đường nào? Giữa bãi cát dài bao la mênh mông, người lữ khách như bị lạc lối, băn khoăn tự hỏi: "Biết tính sao đây?". Hơn bao giờ hết, lữ khách mới thấm thía con đường đời, con đường danh lợi "bằng phẳng thì mờ mịt", mà "đường ghê sợ thì nhiều".

Cao Bá Quát coi đó là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm. Nổi tiếng thần đồng nhưng chỉ đỗ cử nhân; mấy lần thi Hội đều hỏng. Dưới chế độ phong kiến, không phải cứ có tài, có chí là công thành danh toại. Có lúc Cao cất lời than: "Trượng phu ba mươi tuổi, chẳng nên danh gì!". Mãi đến năm 32 tuổi, ông mới được vua nhà Nguyễn triệu vào kinh bổ làm hành tẩu bộ Lễ - một chức thư lại quèn! Sau đó là những năm tù đày, đi "dương trình hiệu lực" sang đến tận In-đô-nê-xi-a... Câu thơ "Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều" đã được Cao Bá Quát viết bằng nước mắt, tiếng thở dài và máu.

Khép lại bài thơ là khúc ca "đường cùng". Phía Bắc và phía Nam, trước mặt và sau lưng, núi nhấp nhô "muôn trùng", núi lượn sóng "muôn đợt". Cặp câu song hành sử dụng hình ảnh biểu tượng đã tô đậm cái khó của con đường đời. Lữ khách tự hỏi và khẽ trách mình. Kết thúc bài thơ là một câu hỏi đầy ám ảnh:

"Bài ca đường cùng nghe ta hát
Phía bắc núi Bắc, núi muôn lớp,
Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt,
Anh đứng làm chi trên bãi cát?".

Người lữ khách đã và đang sống trong tâm trạng buồn cô đơn và mệt mỏi. Biết đi đâu về đâu khi mặt trời đã lặn, lặn từ lâu rồi! Biết tìm hướng nào khi tóc đã ngả màu sương?

"Sa hành đoản ca" là lời than của người lữ khách về sự gian truân trên đường đời, về sự mờ mịt ghê sợ của con đường danh lợi. Bài thơ là một bài học, một triết lí về con đường danh lợi và cái giá của khách danh lợi trên mọi nẻo đường gần xa, xưa và nay phải trả giá nặng nề, đau đớn. Hình tượng bãi cát dài và người đi trên bãi cát dài lúc mặt trời đã lặn, nước mắt chảy ra cứ ám ảnh mãi hồn người. Phường danh lợi xưa nay, “Người tỉnh ít, người say giống nhau”. Càng suy ngẫm, ta càng thấy chua chát!

***
Cảm nhận của em về bài thơ "Sa hành đoản ca" của Cao Bá Quát.

Bài làm


Cao Bá Quát (1809 - 1854) là nhà thơ lỗi lạc của đất nước ta trong nửa đầu thế kỉ XIX. Trước tác của ông còn để lại ngót 1.500 bài thơ chữ Hán, 21 bài văn xuôi và một ít bài thơ Nôm.

Thơ văn Cao Bá Quát đã thể hiện tráng chí của một kẻ sĩ hăm hở vào đời, đồng thời nói lên bi kịch của một đấng tài trai không gặp thời, gặp vận. Thời trẻ, ông từng hát: "Ngã dục đăng cao sầm - Hạo ca kí vân thuỷ" (Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất - Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước). Nhưng trong bài "Sa hành đoản ca", ông lại viết:

"Trường sa, trường sa, nại cừ hà !
Thản lộ mang mang uý lộ đa".

(Bãi cát, bãi cát, ngao ngán lòng
Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng !)


"Sa hành đoản ca" (Bài hát ngắn đi trên bãi cát) chỉ có thể được Cao Bá Quát viết ra khi ông đã nếm trải nhiều cay đắng trên con đường công danh, hoạn lộ ? Có thể trên đường từ Huế ra Bắc đi nhận chức Giáo thụ huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, ông mới viết bài thơ này. (?)

"Ca" là một thể loại của thơ cổ; câu thơ dài, ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng và âm điệu, vần điệu. Bài thơ của Cao Bá Quát gồm có 16 câu thơ ngũ ngôn và thất ngôn đan xen vào nhau.

"Sa hành đoản ca" nói về một người đang lặn lội trên bãi cát dài, khi tóc đã ngả màu sương, suy ngẫm về đường đời và cái bả công danh.

Bốn câu thơ đầu gợi tả bãi cát. Hình ảnh "trường sa" điệp lại trong câu thơ "Trường sa phục trường sa" gợi lên bãi cát dài và rộng bao la, mênh mông, kéo dài đến vô tận. Đó là những bãi cát nằm dọc con đường thiên lí thuộc hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị dằng dặc nơi khúc ruột miền Trung. Khách lữ hành đi một bước lại như lùi một bước. Nước mắt lã chã tuôn rơi. Mặt trời đã lặn nhưng người lữ khách vẫn còn đi. Câu thơ ngũ ngôn với điệp ngữ và tương phản đã làm nổi bật sự cực nhọc, mệt mỏi của người đang lầm lụi đi trên bãi cát dài:

"Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc".


(Bãi cát dài, bãi cát dài !
Mỗi bước lại như lùi
Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ
Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi).

Tám câu thơ tiếp theo nói lên cái giá phải trả đối với hạng người hám danh lợi. Không học được "phép ngủ kĩ" của Tiên ông Hạ Hầu Ấn ngày xưa mà vẫn "cứ trèo non, lội nước mãi" cho khổ ! Tự hỏi mình rồi lại tự trách mình: Vì hám danh lợi nên phải "tất tả" ngược xuôi:

"Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lộ đồ trung".

(Xưa nay phường danh lợi
Bôn tẩu trên đường đời.)


Trên đời, kẻ hám danh lợi khác nào người say rượu. Người say rượu cũng như kẻ hám công danh thì nhiều vô số, còn kẻ tỉnh thì ít. Đó là nguyên nhân mọi bi kịch của người đời:

"Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu
Tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng".


Nghệ thuật so sánh giữa "tỉnh giả thiểu" với "tuý giả đồng" đã làm nổi bật chất triết lí về sự hám danh lợi của người đời.

Nếu Lý Bạch hơn nghìn năm về trước từng cảm nhận: "Hành lộ nan, hành lộ nan ! Đa kì lộ, kim an tại ?" (Đường đi khó, đường đi khó ! Nhiều ngả rẽ giờ đang ở nơi nào ?) thì trong "Sa hành đoản ca", Cao Bá Quát cũng viết:

"Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây ?
Đường bằng phẳng thì mờ mịt, đường ghê sợ thì nhiều".


Khách lữ hành không chỉ cảm thấy đường đi khó mà còn cảm thấy đường đời lắm ngả, biết đi về đâu, biết chọn hướng nào, nẻo đường nào ? Giữa bãi cát dài bao la mênh mông, người lữ khách như bị lạc lối, băn khoăn tự hỏi: "Biết tính sao đây ?". Hơn bao giờ hết, lữ khách mới thấm thía con đường đời, con đường danh lợi "bằng phẳng thì mờ mịt", mà "đường ghê sợ thì nhiều".

Cao Bá Quát coi đó là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm. Nổi tiếng thần đồng nhưng chỉ đỗ Cử nhân; mấy lần thi Hội đều hỏng. Dưới chế độ phong kiến, không phải cứ có tài, có chí là công thành danh toại. Có lúc Cao cất lời than: "Trượng phu ba mươi tuổi, chẳng nên danh gì !". Mãi đến năm 32 tuổi, ông mới được vua nhà Nguyễn triệu vào kinh bổ làm hành tẩu bộ Lễ - một chức thư lại quèn ! Sau đó là những năm tù đày, đi "dương trình hiệu lực" sang đến tận In-đô-nê-xi-a... Câu thơ "Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng" đã được Cao Bá Quát viết bằng nước mắt, tiếng thở dài và máu.

Khép lại bài thơ là khúc ca "đường cùng". Phía Bắc và phía Nam, trước mặt và sau lưng, núi nhấp nhô "muôn trùng", núi lượn sóng "muôn đợt". Cặp câu song hành sử dụng hình ảnh biểu tượng đã tô đậm cái khó của con đường đời. Lữ khách tự hỏi và khẽ trách mình. Kết thúc bài thơ là một câu hỏi đầy ám ảnh:

"Bài ca đường cùng nghe ta hát
Phía bắc núi bắc, núi muôn lớp,
Phía nam núi nam, sóng muôn đợt,
Anh đứng làm chi trên bãi cát ?".


Người lữ khách đã và đang sống trong tâm trạng buồn cô đơn và mệt mỏi. Biết đi đâu về đâu khi mặt trời đã lặn, lặn từ lâu rồi ! Biết tìm hướng nào khi tóc đã ngả màu sương.

"Sa hành đoản ca" là lời than của người lữ khách về sự gian truân trên đường đời, về sự mờ mịt ghê sợ của con đường danh lợi. Bài thơ là một bài học, một triết lí về con đường danh lợi và cái giá của khách danh lợi trên mọi nẻo đường gần xa, xưa và nay phải trả giá nặng nề, đau đớn. Hình tượng bãi cát dài và người đi trên bãi cát dài lúc mặt trời đã lặn, nước mắt chảy ra cứ ám ảnh mãi hồn người.Phường danh lợi xưa na, “Người tỉnh ít, người say giống nhau”. Càng suy ngẫm, ta càng thấy chua chát!
Thêm
534
0
0

Trang cá nhân

“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. Thích Văn Học @ Thích Văn Học:
    Hiện tại không có giá trị qui đổi gì em nhé
Top