Newsfeed

Văn Học Trẻ - forum.Vanhoctre.com | Nuôi dưỡng tình yêu văn chương, cuộc thi viết văn; học văn, những bài văn hay. Tác phẩm văn học chọn lọc, lí luận văn học, ...

BBT đề xuất

Bài viết mới

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
TRẢI NGHIỆM VỀ ĐẠI DỊCH COVID – 19



Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2021​



Gửi thím Thúy kính yêu!

Thím ơi, dịch bệnh bên Nga sao rồi hả thím? Thím vẫn giữ sức khỏe đấy chứ ạ? Xứ sở băng tuyết lạnh giá như vậy, thím phải măc thật ấm nhé! Con không biết rõ tình hình dịch bệnh bên đó nghiêm trọng thế nào, mà con chỉ biết diễn biến dịch bệnh Covid – 19 ngay tại đất nước Việt Nam, ngay tại gia đình mình, con kể cho thím nghe về con virut xấu xí đó nhé!



Thím có biết không, vài ngày đầu sau năm mới Tết Nguyên đán, con đã nghe trên tivi, đài báo về sự xuất hiện của con virut Corona, được cho rằng tìm thấy ở Thành phố Vũ Hán - Trung Quốc. Thoạt đầu gia đình mình vẫn bình thản lắm thím ạ. Ngay cả con nữa, con chẳng đề phòng gì đâu, vì chỉ nghĩ đó là loại virut gây bệnh cúm mùa bình thường. Tuy nhiên chỉ trong vòng một vài ngày thôi, đã có vài người chết đột ngột. Xem những video người đàn ông đang đi lại bình thường trên đường mà bỗng ngất đi, ngã ngay xuống mặt đường, và tắt thở, con mới run sợ đến lạ. Ôi thế ra con virut nhỏ bé này mà lại giết chết được người sao? Hoang mang, lo lắng, con vội vàng lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm tin tức. Nhưng rồi, con lại càng hoang mang hơn, bởi trên các trang mạng, chỉ cần có smart phone thôi là đã có thể ngồi ở nhà Livestream và bảo “Tôi đang ở Vũ Hán – Trung Quốc” là đã nhen lửa lo lắng cho hàng trăm nghìn người rồi. Con tự hỏi tại sao họ lại độc ác quá thế? Chỉ vì muốn câu view, câu like mà nhẫn tâm đem lại sự bất an cho dư luận, đưa tin đồn thất thiển, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Biết không thể tin tưởng những video tự phát trên mạng xã hội, con chỉ theo dõi tin tức “chính cống” từ kênh truyền hình VTV của Nhà nước, các trang báo nổi tiếng là uy tín. Con chăm chỉ cập nhật tin tức mỗi ngày.



Chỉ trong vòng một tuần thôi mà số người mắc bệnh và số người chết đã tăng lên đột ngột. Bởi vì đây là loại virut lan truyền trong không khí, rất khó kiểm soát, lại thêm tâm lý chủ quan của mọi người lúc đầu dịch, nên mới lây lan nhanh chóng như thế . Người người, nhà nhà nói chuyện với nhau về Covid – 19, khắp các trang mạng cũng chỉ cập nhật về chủ đề này, cả thế giới sục sôi lên vì Covid.


Ngay trong gia đình mình, từ ông bà cho đến ba mẹ đều đã biết sự nguy hiểm của dịch bệnh, thế nên ông bà nhắc nhở chúng con mặc ấm suốt thôi. Ba mẹ con quan tâm hơn đến việc ăn uống, lúc nào cũng dặn phải ăn chín uống sôi mới đảm bảo được sức khỏe. Dịch bệnh vẫn cứ ngày càng nghiêm trọng, đến khi dịch bùng phát tại Việt Nam, khiến người dân mình điêu đứng hết cả. Khắp các siêu thị, chợ lớn, tiệm nhỏ, mọi người đổ xô đi mua đồ ăn, thịt cá, mì tôm, xà phòng rửa tay,… Chen lấn xô đẩy, người ta giành nhau mua đồ ăn cho thật nhanh, thật nhiều. Bởi tâm lý không mua nhanh thì hết chứ sao! Đặc biệt nhất là vấn đề khẩu trang thím ạ. Đây vốn là loại vật dụng thiết yếu hàng ngày, tuy nhiên nhiều người cũng đâu có sử dụng, cứ nghĩ không dùng cũng chẳng hề hấn gì đâu. Cơ mà virut Corona lây lan trong không khí nên ở Việt Nam mình, họ đổ xô đi mua khẩu trang ngay lập tức. Giống như ở siêu thị, các tạp hóa, hiệu thuốc chật kín người. Hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi khắp nơi, tăng giá gấp bốn, gấp năm lần bình thường, đúng là tỏ lòng người chỉ qua chiếc khẩu trang. Nhưng người dân vẫn sẵn sàng mua chứ, để đảm bảo luôn khỏe mạnh thím nhỉ? Bên đó thím cũng nhớ đeo khẩu trang nha thím, bảo vệ cơ thể từ những việc nhỏ đơn vậy thôi ạ!



Đáng lo nhất vẫn là vấn đề lương thực. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định toàn dân tự cách li tại nhà 14 ngày, con lại đâm lo lắng. Hàng ngày con xuống bếp kiểm tra thùng gạo mấy lần, con cứ chỉ sợ hết gạo để ăn. Rồi lại mở tủ lạnh năm lần bảy lượt xem còn thịt cá, rau tươi không? Vì siêu thị đóng cửa hết rồi, không biết dịch bệnh còn kéo dài đến bao giờ. Bà thấy con cứ lấm lét xuống bếp thì biết ngay, bà cứ bảo con đừng lo, nhà mình vẫn còn nhiều đồ ăn bà mua trước dịch rồi. Con bớt lo hơn, nhưng cũng thấy bữa cơm ít đi món thịt, thêm vào chút rau, mà vẫn ấm cũng cơm nhà thím nhỉ?



Có lẽ đối với lũ học sinh chúng con, việc chờ đợi tin tức hàng ngày, Bộ giáo dục thông báo nghỉ học là cứ thế mà vui sướng thỏa thích. Ở nhà tha hồ mà ăn chơi, ngủ nướng, ngủ cho bù những ngày dậy sớm đi học thím ạ. Tuy nhiên chúng con vẫn học Online tại nhà, chỉ cần có thiết bị kết nối với Internet là con được gặp lại thầy cô, bạn bè con, vui khôn tả. Học Online tiện lợi lắm thím, con không phải ì ạch đạp xe đến trường xa nữa, cứ ngồi tại nhà mà học thôi, mưa chẳng tới mặt, nắng chẳng tới đầu, kỉ niệm thời Covid của con đó!



Những ngày ở nhà, ăn ngủ nhiều, nhưng con vẫn không quên tập thể dục. Ngày nào con và các em cũng thi nhau tập luyện, nhảy nhót theo những video trên tivi, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa gắn kết với anh em, nghĩ mà vui lắm thím ạ. Hạnh phúc hơn nữa, là con có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Trước đây con chỉ có đi học rồi về nhà, ăn uống rồi lại học bài, thì bây giờ con đã ăn chậm hơn, kể cho ông bà nghe nhiều câu chuyện hơn, xem phim cùng cả nhà, ấm áp và hạnh phúc. Lúc này con lại biết ơn con virut Corona, nhờ nó mà gia đình mình gắn kết hơn, kỉ niệm lại ùa lúc con đang viết những dòng này. Tiếc quá, thím vẫn chưa về được Việt Nam để cùng gia đình quây quần đầm ấm.



Con số người chết vẫn cứ ngày một tăng nhanh trên thế giới. Người chết hàng loại ở bệnh viện, trại dã chiến, số lượng không thể thống kê hết được. Nhìn thấy những cảnh tượng ấy trên tivi, con xót xa lắm. Đúng là mạng sống đáng quý như thế, lơ là là tuột ngay khỏi tầm tay. Con đã biết trân trong cuộc đời vô thường này. Thấy gia đình, thấy đoàn tụ ấm cúng là con tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình.



Thím hãy giữ gìn sức khỏe nhé! Thím mặc ấm vào nữa đó, ông bà ở nhà cứ hỏi thím không biết có khỏe không, công việc thế nào rồi? Nhưng mà thím đừng lo nhé, con đang cố gắng giúp đỡ ông bà nhẹ bớt gánh nặng công việc nhà. Thím hãy cứ yên tâm làm việc, thỉnh thoảng gọi điện cho ông bà là được rồi ạ. Con mong ngày thím trở về.



Những trải nghiệm mùa Covid , con đã kể cho thím nghe rồi. còn nhiều câu chuyện lắm ạ, nhưng con đành gác lại cho bức thư sau. Thím giữ sức khỏe nhé! Bây giờ con đi học bài đây ạ, đến giờ học của con rồi. Con chào thím nhé! Dịch bệnh bên Liên bang Nga như thế nào, thím hãy viết thư cho con biết nhé. Con mong thư của thím.



Thân gửi thím yêu!

Cháu gái của thím


Nguyễn Thị Minh Hòa

4149
Thêm
Bài dự thi viết thư UPU lần thứ 50: trải nghiệm của em về đại dịch Covid- 19
2K
2
2
Viết thư Quốc tế UPU hay Viết thư Quốc tế dành cho giới trẻ (Tiếng Anh: International Letter-Writing Competition for Young People; Tiếng Pháp: Concours International De Compositions Épistolaires Pour Les Jeunes) [1] là cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học dưới hình thức lá thư do Liên minh Bưu chính Quốc tế (gọi tắt là UPU) phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNESCO) và một số tổ chức chuyên môn khác của Liên Hợp Quốc (tùy theo chủ đề hằng năm) tổ chức thường niên dành cho Thiếu niên trên toàn Thế giới, đến nay đã chạm mốc 48 năm (tính từ 1971 - 2019). Với tuổi đời xấp xỉ nửa thế kỷ, đây được xem là cuộc thi đầu tiên dành cho Thiếu niên (dưới 16 tuổi) với truyền thống lâu đời và quy mô lớn nhất thế giới (tính đến thời điểm này); đồng thời cũng được đánh giá là cuộc thi có uy tín, được tổ chức khắc nghiệt và chặt chẽ nhất trong tất cả các cuộc thi Quốc tế (về lĩnh vực giáo dục) đã và đang được tổ chức trên thế giới.

Chú-Cuội.png

Viết thư sẽ thúc đẩy giới trẻ gìn giữ văn hoá truyền thống và tiếp nhận văn hoá đương đại tốt hơn.​

Đương kim Quán quân UPU Quốc tế là Chara Phoka, đại diện đến từ Cộng hòa Síp. Chara đã được trao giải tại Trụ sở Liên minh Bưu chính Thế giới, thành phố Bern, Thụy Sỹ với sự tham dự, chứng kiến của Đại diện các Tổ chức Quốc tế cùng Đại biểu đại diện cho gần 200 Quốc gia trên thế giới vào 9/10/2018.

Lịch sử ra đời

Tại Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới lần thứ XVI được tổ chức tại Tokyo Nhật bản năm 1969, với sự tham gia của 133 Quốc gia, đã đưa ra ý kiến chính thức số hiệu C67/1969 (formal opinion C67) về việc tổ chức Cuộc thi viết thư dành cho thiếu nhi này. Sau 3 năm lên kế hoạch, xây dựng ý tưởng tổ chức; Hội đồng Điều hành của UPU kỳ họp năm 1971 đã xem xét và ra Quyết định số CE 7/1971 về việc tổ chức Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU. Đồng thời Hội đồng Điều hành thông qua những nguyên tắc tổ chức triển khai cuộc thi và giao cho Văn phòng Quốc tế có các biện pháp thích hợp để triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Mỗi năm, Trụ sở chính của UPU tại Bern - Thụy Sĩ sẽ ra một đề tài (trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc), các nước thành viên tiếp nhận đề tài của cuộc thi sau đó triển khai rộng rãi bằng các phương tiện thông tin đại chúng trong đất nước của mình, chấm và chọn ra bài xuất sắc nhất để gửi dự thi Quốc tế. Vượt qua khuôn khổ của một cuộc thi viết văn, sáng tác các tác phẩm văn học thông thường, Viết thư Quốc tế UPU đã trở thành hoạt động mang tính xã hội cao, thu hút đông đảo tuổi trẻ học đường vào hoạt động lành mạnh, thiết thực và là hình thức giáo dục công dân rất hiệu quả đối với thiếu nhi. Thông qua các chủ đề được lựa chọn, đông đảo học sinh trên toàn thế giới đã được tham gia bàn luận, đề xuất ý tưởng về những vấn đề nóng, đang được xã hội quan tâm.[2] Viết thư Quốc tế UPU đã được rất nhiều tổ chức giáo dục trên toàn thế giới đánh giá là một trong số ít những cuộc thi về lĩnh vực Văn học, dành cho giới trẻ, có truyền thống lâu đời, mang sức hấp dẫn và thuyết phục mạnh mẽ cùng tính giáo dục lớn nhất thế giới. Việt Nam là một thành viên của UPU và cũng là một trong tốp đầu những đất nước hưởng ứng nhiệt tình cuộc thi tầm cỡ Quốc tế này.

Các giải thưởng Quốc tế hằng năm đều được chọn lọc rất kỹ càng bởi Ban giám khảo cấp Quốc tế. Một điểm đáng chú ý nữa, để đoạt được cơ hội dự thi Quốc tế, học sinh phải vượt qua hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu bài dự thi khác ở cuộc thi cấp Quốc gia của nước mình. Những năm gần đây, việc chọn lọc bài thi dự thi Quốc tế đã được một số nước thực hiện kỹ càng hơn như Trung Quốc, Barbados, Tây Ban Nha, Liên Bang Nga, Liban, Brazil, Ukraina, Cộng hòa Séc, Việt Nam,... Tất cả các bài thi chất lượng nhất đến từ rất nhiều nước trên thế giới sẽ được chấm chọn một cách công bằng và khách quan nhất bởi đội ngũ Ban giám khảo Quốc tế (là những người có chuyên môn liên quan, uy tín cao từ các tổ chức khắp thế giới) để chọn ra một số rất ít bài đoạt giải.

Mục đích của cuộc thi góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi, tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ và giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.[3]

Giám khảo Quốc tế
Mỗi năm, tùy vào chủ đề khác nhau, Ban tổ chức sẽ điều động các Giám khảo tham chấm khác nhau. Tại cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47- năm 2018, danh sách các Giám khảo Quốc tế được mời chấm thi bao gồm[4]:

1. Ngài GS. Isabelle Mili, Giáo sư khoa Tâm lý và Khoa học Giáo dục, Đại học Geneva- tốp 2 trường Đại học nổi tiếng nhất của Thụy Sĩ. Đồng thời, bà là Giám đốc Viện Giáo dục giáo viên Đại học (IUFE).

2. Ngài Nancy Pope, giám đốc quản lý Cục Lịch sử, viện bảo tàng Quốc gia Smithsonia (Hoa Kỳ).

3. Ngài GS. B. Robert Kreiser, Giáo sư Đại học George Mason (Hoa Kỳ).

4. Ngài Michael Hamish Glen, nhà đồng sáng lập Hội Liên hiệp Nghiên cứu, Giải thích Di sản châu Âu.

5. Ngài Jonathan Seaton, nhà đồng sáng lập Tổ chức Giáo dục Quốc tế Twinkl and Publishing Education (Vương Quốc Anh).

6. Ngài Alexandrina Iremciuc, Giám đốc truyền thông Nhà xuất bản Giáo dục Geneva (Thụy Sĩ).

Quá trình chấm thi, công bố kết quả và trao giải Quốc tế

Theo truyền thống, căn cứ vào quyết định đã ban hành của Hội đồng Điều hành Quốc tế, cuộc thi sẽ nhận từ 60 đến 100 bức thư xuất sắc nhất, mỗi Quốc gia sẽ chỉ được quyền cử một đại diện tương đương với một tác phẩm dự thi. Thời gian nhận các tác phẩm muộn nhất là 30/4 hằng năm. Bắt đầu từ tháng 5, công tác chấm thi sẽ được tiến hành.

Đầu tiên, Văn phòng Quốc tế sẽ đề cử và lập danh sách các Giám khảo dự định, sau đó gửi thông báo kèm giấy mời đến các nước liên quan (nơi các giám khảo đang làm việc) để tập trung điều động họ trong thời gian sớm nhất; một điểm lưu ý là các Giám khảo mà UPU chọn không bao giờ nằm trong thành phần Giám khảo cuộc thi của các Quốc gia, họ là những chuyên gia có uy tín ở các Tổ chức Quốc tế tại Pháp, Thụy Sĩ, Vương Quốc Bỉ, Vương Quốc Anh...

Ngay sau khi tập trung được đầy đủ thành viên trong Hội đồng Giám khảo Quốc tế, các bài thi sẽ bắt đầu được tiến hành khảo thí không công khai. Văn phòng Quốc tế sẽ chỉ chuyển cho các Giám khảo bản dịch mà các Quốc gia đã cung cấp (trong trường hợp ngôn ngữ được sử dụng trong bài thi không phải là tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa, Ả-rập, Tây Ban Nha) hoặc bản đánh máy lại (trường hợp bài thi đã được trình bày bằng một trong các ngôn ngữ chính thức kể trên), đồng thời lược bỏ toàn bộ họ tên thí sinh, tên Quốc gia tham gia dự thi để bài thi được chấm chọn một cách công minh nhất.

Các Giám khảo được Ban tổ chức Quốc tế điều động sẽ chấm thi độc lập. Trong thời gian chấm thi, tất cả thành viên Hội đồng Khảo thí phải ký cam kết với Ban tổ chức: không tiết lộ bất kỳ thông tin gì liên quan đến bài thi (điểm số, nhận xét, đánh giá,...) với những cá nhân không liên quan, kể cả các giám khảo còn lại, nhằm bảo đảm tính độc lập, bí mật của quá trình chấm thi. Đội ngũ chịu trách nhiệm vận chuyển túi bảo mật bài thi đến nơi làm việc của Hội đồng Giám khảo cũng như thu nhận lại bài thi/ kết quả chấm thi đều là những cá nhân được huấn luyện bài bản, rút ra từ Bộ phận Bảo an của Ban tổ chức. Trong thời gian Hội đồng Giám khảo thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ phận Bảo an sẽ liên tục điều động nhân lực để bảo đảm an toàn cho cả Giám khảo và bài thi; các thiết bị bảo mật như: máy ghi hình, thiết bị ghi âm, chống khủng bố cũng hoạt động 24/24, tránh các tình huống không mong muốn có thể xảy ra.

Ngay sau khi nhận được kết quả chấm từ Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức Quốc tế sẽ triệu tập một cuộc họp kín mang tính thảo luận, cân nhắc và xem xét về tổng thể của các bài thi (điểm số đã chấm, cách trình bày,...) và đưa đến quyết định cuối cùng về bài thi của các ứng cử viên. Khi cuộc họp mật này kết thúc cũng sẽ là thời điểm kết quả chính thức được Bộ phận Bảo an chuyển đến Văn phòng Quốc tế. Ban tổ chức sẽ đăng tải Danh sách học sinh đoạt giải Quốc tế trên trang web của UPU, đồng thời gửi điện báo về các Quốc gia có học sinh đoạt giải. Đặc biệt, giải Nhất sẽ được đích thân Tổng Giám đốc Liên minh Bưu chính Quốc tế gửi thông báo kèm thư chúc mừng đến đơn vị thường trực cấp Quốc gia. Danh sách toàn bộ tác giả đoạt giải cũng sẽ xuất hiện trong công văn của UPU, gửi đến tất cả 191 Quốc gia thành viên. Ngay sau khi công bố kết quả, Thư ký của Ban tổ chức Quốc tế cũng sẽ nhanh chóng gửi điện báo đến đơn vị thường trực ở Quốc gia có học sinh đoạt giải Nhất, yêu cầu hoàn tất mọi thủ tục cần thiết cho chuyến đi nhận giải tại Trụ sở Liên minh Bưu chính Thế giới (hoặc một địa điểm khác tương đương.)

Trao giải Quốc tế

Trước đây, Giải Nhất quốc tế (bao gồm bằng chứng nhận, huy chương vàng, hoa và quà tặng lưu niệm) sẽ được trao tại trụ sở Liên minh Bưu chính Thế giới (Bern - Thụy Sĩ) bởi lãnh đạo Liên Hợp Quốc; UPU và UNESCO (chuyến đi sang Thụy Sĩ cũng là một trong các giải thưởng của Ban tổ chức Quốc tế); các giải còn lại (bao gồm giải Nhì, Ba và giải Khuyến khích) sẽ được ban Tổ chức Quốc tế gửi qua đường bưu điện về Cơ quan thường trực của các Quốc gia có học sinh đoạt giải Quốc tế với thư ủy quyền trao tặng của Tổng Giám đốc UPU.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2018, cuộc thi lần thứ 47, Ban Tổ chức Quốc tế sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba Quốc tế tại trụ sở Liên Minh Bưu chính Thế giới. Giải Nhất vẫn sẽ được trao trực tiếp cho thí sinh; riêng giải Nhì và Ba sẽ được Ban tổ chức trao cho Đại sứ nước có học sinh đoạt giải tại Thụy Sĩ. Đại sứ Quán nước đó sẽ chủ động chuyển Bằng chứng nhận và Huy chương về cho học sinh nước mình.

Quốc gia có học sinh đoạt giải Nhất Quốc tế có thể tổ chức buổi lễ trao giải cấp nhà nước của họ trước khi học sinh đoạt giải cùng phái đoàn sang Thụy Sĩ nhận giải chính thức. Các Quốc gia có học sinh đoạt giải Nhì, Ba và Khuyến khích thường sẽ tự bố trí hình thức trao giải thưởng phù hợp cho học sinh nước mình.

Giải thưởng Quốc tế

Huy chương Vàng cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU- một trong số ít huy chương được chế tác bằng vàng ròng nguyên khối trên thế giới.

Huy chương (Nhất, Nhì, Ba)

Huy chương Đồng của cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Phiên bản năm 1999.
Giải Nhất, Nhì, Ba Quốc tế sẽ nhận được 1 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng (tương ứng) của Ban tổ chức cuộc thi. Mặt trước của Huy chương khắc logo của Liên minh Bưu chính Quốc tế, mặt sau của Huy chương sẽ được chuyên gia khắc tên của người chiến thắng đã giành được giải thưởng, năm chiến thắng và tên Quốc gia chiến thắng (bằng tiếng Anh/ tiếng Pháp). Mỗi năm, theo kế hoạch, huy chương chỉ có 3 chiếc (1 huy chương vàng trao tặng giải Nhất, 1 huy chương bạc dành cho giải Nhì và 1 huy chương đồng trao tặng giải Ba), tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ (một số bài thi được xếp cùng một giải thưởng do chất lượng quá đồng đều; hay không có bài thi nào đáp ứng được yêu cầu của giải thưởng) thì số huy chương được đặt khuôn sẽ nhiều hơn (hoặc ít hơn) 3 chiếc. Đặc biệt, Huy chương Vàng được chế tác bằng vàng ròng nguyên khối, chạm khắc rất tinh xảo. Chính vì vậy mà nó được xem là một trong những chiếc huy chương quý hiếm và danh giá nhất hành tinh.

Phó Tổng Giám đốc Liên minh Bưu chính Thế giới trao Huy Chương Vàng cho Đương kim Quán quân Chara Phoka, Cộng hòa Síp, giải Nhất Quốc tế UPU 47-2018
Bằng chứng nhận (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích)

Bằng chứng nhận phiên bản 2010 và đã không còn được sử dụng để trao giải Quốc tế.

Bằng chứng nhận dành cho tất cả các thí sinh đoạt giải Quốc tế của cuộc thi. Đây là phiên bản chỉ được sử dụng trong hai năm để trao giải (2015, 2016).
Bằng chứng nhận (Diploma) sẽ được cấp cho tất cả các thí sinh đoạt giải chính thức của cuộc thi (bao gồm cả giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích). Văn bằng này sẽ được tính như là một thành tích Quốc tế về Giáo dục mà thí sinh có thể sử dụng trong nhiều trường hợp cần thiết (như lập hồ sơ xin học bổng Quốc tế, cộng điểm khi xét chuyển cấp, hưởng các chính sách ưu tiên, khuyến khích trong nước cũng như ở mọi địa điểm chấp nhận văn bằng trên thế giới, v...v...). Bằng chứng nhận sẽ được đích thân Tổng Thư ký Liên minh Bưu chính Quốc tế (Trưởng Ban tổ chức) ký xác nhận.

Các phần thưởng khác: Giống đa số các cuộc thi Quốc tế khác về lĩnh vực Giáo dục (như Olympic Quốc tế Toán, Vật Lý, Hoá học,...), Viết thư Quốc tế UPU sẽ không có phần thưởng tiền mặt cho các thí sinh đoạt giải mà giải thưởng này sẽ do các Quốc gia tự quyết định. Tuy nhiên, thí sinh đoạt giải sẽ nhận được nhiều phần thưởng có giá trị tinh thần mang tính chất kỷ niệm như: Poster, Tem, Logo,... Riêng Bộ tem là phần thưởng có giá trị lớn nhất, có dấu xác nhận của Universal Postal Union và không bày bán trên thị trường, có thể liệt vào danh sách "Tem cực hiếm".

Một số chủ đề thi

- “Thư cho em bé không nhà ở, trong đó em hãy bày tỏ ý nghĩ của mình về bổn phận và trách nhiệm của cả loài người trong việc cải thiện điều kiện cho những người không có nơi ăn chốn ở.” - UPU lần thứ 16 (1987)

- “Hành trình của một lá thư” - UPU lần thứ 17 (1988)

- “Bạn hãy nói cho tôi nghe bằng cách nào chúng ta có thể bảo vệ được thiên nhiên và tô điểm cho Trái đất này bằng cỏ hoa và cây xanh” - UPU lần thứ 18 (1989)

- “Các bạn trẻ, chúng ta cần phải làm gì để đấu tranh chống nạn đói trên thế giới” - UPU lần thứ 19 (1990)

- “Tại sao hôm nay tôi viết thư cho mẹ?” - UPU lần thứ 20 (1991)

- “Bức thư của một thủy thủ trên tàu Christophe Colombia khi tìm ra châu Mỹ gửi cho một em bé ở thế kỷ XX” - UPU lần thứ 21 (1992)

- “Bạn ơi, bạn hãy bảo tôi, bằng cách nào những người trẻ tuổi chúng ta có thể giúp đỡ các trẻ em ở một nước đang có chiến tranh” - UPU lần thứ 22 (1993)

- “Ngay cả những bức thư nhỏ cũng đi xa” - UPU lần thứ 23 (1994)

- “Thư cho một người bạn để hiểu về đất nước mình” - UPU lần thứ 24 (1995)

- “Niềm thích thú khi viết một bức thư” - UPU lần thứ 25 (1996)

- “Thư gửi một người mà tôi ngưỡng mộ nhất – UPU lần thứ 26 (1997)

- “Tôi viết thư cho một người bạn (trai hoặc gái) để nói cho bạn ấy rõ quan niệm của tôi về những quyền của con người” – UPU lần thứ 27 (1998)

- “Tôi viết thư cho một người bạn (trai hoặc gái) để nói rõ Bưu chính đối với tôi có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hàng ngày” – UPU lần thứ 28 (1999)

- “Tôi viết bức thư này để nói lời cảm ơn” – UPU lần thứ 29 (2000)

- “Tôi viết bức thư này cho bạn để nói về tình bạn và những sự khác biệt của chúng ta” – UPU lần thứ 30 (2001)

- “Lá thư gửi cho người mà em thấy thiếu vắng” – UPU lần thứ 31 (2002)

- “Tôi viết lá thư này cho bạn để trao đổi làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn” – UPU lần thứ 32 (2003)

- “Tôi viết thư trao đổi với bạn: Thiếu nhi chúng mình có thể làm gì để góp phần xóa đói giảm nghèo – UPU lần thứ 33 (2004)

- “Thư gửi nhân vật cổ tích mà em yêu thích” – UPU lần thứ 34 (2005)

- “Tôi viết thư cho bạn: Các dịch vụ bưu chính đã giúp tôi nối liền thế giới như thế nào?” – UPU lần thứ 35 (2006)

- “Hãy tưởng tượng bạn là một động vật hoang dã, nơi sinh sống của bạn đang bị đe dọa bởi những biến đổi của thời tiết và môi trường. Bạn hãy viết một bức thư gửi con người trên Trái đất, bày tỏ với họ xem con người có thể làm gì nhẵm giúp bạn sống sót” – UPU lần thứ 36 (2007)

- “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung” - UPU lần thứ 37 (2008)

- “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn” – UPU lần thứ 38 (2009)

- “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao sự hiểu biết về HIV/AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng” - UPU 39 (2010)

- "Hãy tưởng tượng mình là một cây đang sống trong một khu rừng. Em hãy viết thư cho 1 người nào đó để giải thích vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng” - UPU 40 (2011)

- “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội Olympic Games có ý nghĩa gì đối với mình” - UPU 41 (2012)

- “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý” - UPU 42 (2013)

- “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào” - UPU 43 (2014)

- “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó” - UPU 44 (2015)

- "Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi" - UPU 45 (2016)

-"Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và giải quyết vấn đề đó như thế nào?" - UPU 46 (2017)

-"Hãy tưởng tượng bạn là một bức thư du hành vượt thời gian. Bạn muốn truyền tải thông điệp gì đến độc giả của mình?" - UPU 47 (2018)

-"Hãy viết một bức thư về người hùng của bạn" - UPU 48 (2019)

Tại Việt Nam

Cuộc thi được nhà nước Việt Nam chính thức công nhận là cuộc thi hợp pháp và được các Bộ, Ban ngành (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Vietnam post và Báo Thiếu niên Tiền phong) phối hợp Tổ chức thường niên từ năm 1987 (có 2 năm bị gián đoạn) đến nay đã 26 năm. Cuộc thi diễn ra khoảng 5 tháng (từ giữa tháng 10 năm trước và kết thúc vào giữa tháng 2 năm sau) thu hút đông đảo học sinh cả nước tham gia. Ban tổ chức quốc gia sẽ thành lập ra 2 đội ngũ giám khảo là Thường trực ban giám khảo (Ban sơ khảo)[5] và Ban giám khảo chính thức (Ban chung khảo)[6] để tiến hành chấm bài.

Cơ cấu giải thưởng của Việt Nam gồm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 30 giải Khuyến khích cùng với các giải phụ khác. Tại vòng Chung khảo, sau khi tìm ra 4 bức thư có điểm số cao nhất, Ban Chung khảo sẽ mở một cuộc họp, dưới sự chủ trì của Trưởng ban Giám khảo (thường là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: nhà thơ Trần Đăng Khoa); các ủy viên sẽ trao đổi, thảo luận kỹ sau đó tiến hành bỏ phiếu kín để chọn 1 giải Nhất. Bài thi chiếm được 60% (hoặc hơn) số phiếu bầu từ Ban chung khảo Quốc gia sẽ được chọn trao giải Nhất và được các chuyên gia của Ban tổ chức dịch sang đồng thời cả tiếng Anh và tiếng Pháp, đại diện cho Việt Nam dự thi Quốc tế tại Tổng hành dinh của Liên minh Bưu chính Thế giới (thành phố Bern, Thụy Sĩ).[7]

Đương kim Quán quân UPU Việt Nam là em Nguyễn Thị Mai (Hải Dương) - UPU 48. Nguyễn Thị Mai đồng thời là Đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại UPU 47-2018 cấp Quốc tế.

Sự kiện lớn:

Ngày 9/10/2017, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, báo Thiếu niên Tiền phong và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ Kỷ niệm tròn 30 Việt Nam tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU (1987-2017); Trao giải Khuyến khích Quốc tế cuộc thi Viết thư Quốc tế lần thứ 46 và Phát động cuộc thi Viết thư Quốc tế lần thứ 47-2018. Tham dự buổi Lễ, có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ- Ngành Trung ương (Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Trung Tá;...), các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Quốc gia; các Cựu Quán quân UPU Việt Nam (Các thí sinh đã từng đoạt giải Nhất Quốc gia) qua 30 năm cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam.


Danh sách các thí sinh đoạt giải Nhất Quốc gia cuộc thi tại Việt Nam (1987-2019) (Quán quân cấp Quốc gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)

Năm Cuộc thi lần thứ Họ và tên thí sinh Trường (thời điểm đoạt giải) Tỉnh/TP Thành tích Quốc tế Ghi chú

2019 48 Nguyễn Thị Mai THPT Nam Sách, Huyện Nam Sách Hải Dương Đã gửi bài dự thi Chưa có kết quả Quốc tế

2018 47 Nguyễn Thị Bạch Dương THCS Nguyễn Trãi, Huyện Nam Sách Hải Dương Giải Ba (HCĐ)

2017 46 Nguyễn Đỗ Huyền Vi THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu Đà Nẵng Giải Khuyến khích

2016 45 Nguyễn Thị Thu Trang THCS Nguyễn Trãi, Huyện Nam Sách Hải Dương Giải Nhất (HCV)

2015 44 Trương Hải Nam THCS Lê Hữu Lập, Huyện Hậu Lộc Thanh Hóa Giải Khuyến khích

2014 43 Phạm Phương Thảo THCS Chu Văn An, Quận Ngô Quyền Hải Phòng Giải Khuyến khích

2013 42 Đào Thụy Thùy Dương THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu Đà Nẵng Giải Khuyến khích

2012 41 Nguyễn Đăng Quý Minh THPT Nhân Chính, Quận Thanh Xuân Hà Nội Không đoạt giải

2011 40 Huỳnh Minh Hiếu THCS Hoa Lư, Quận 9 TP. Hồ Chí Minh Không đoạt giải

2010 39 Hồ Thị Hiếu Hiền THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu Đà Nẵng Giải Nhất (HCV) Giải Nhất (HCV) đầu tiên

2009 38 Nguyễn Đắc Xuân Thảo THCS Nguyễn Khuyến, Quận Hải Châu Đà Nẵng Giải Nhì (HCB) Giải Nhì (HCB) đầu tiên

2008 37 Hồ Thị Quế Chi THPT Chuyên Bắc Ninh, TP. Bắc Ninh Bắc Ninh Giải Khuyến khích

2007 36 Hồ Bảo Duy THCS Lê Văn Tám, Quận Bình Thạnh TP. Hồ Chí Minh Không đoạt giải

2006 35 Mai Thị Lan Anh THCS Ngô Đồng, Huyện Giao Thủy Nam Định Không đoạt giải

2005 34 Phan Hoàng Phương Thanh THCS Quang Trung, Huyện Điện Bàn Quảng Nam Không đoạt giải

2004 33 Phạm Quế Oanh THCS Lê Quý Đôn, TP. Lào Cai Lào Cai Giải Ba (HCĐ)

2003 32 Võ Thị Thu Thảo THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quận Sơn Trà Đà Nẵng Không đoạt giải

2002 31 Phạm Lan Phương THCS Bàng La, TX. Đồ Sơn Hải Phòng Không đoạt giải

2001 30 Trương Quế Chi THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội Hà Nội Không đoạt giải

2000 29 Trần Thị Minh Thư THCS Trần Hưng Đạo, Huyện Kiến Thụy Hải Phòng Không đoạt giải

1999 28 Tô Hồng Vân THCS Ngô Sỹ Liên, Quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh Giải Ba (HCĐ)

1998 27 Trần Thị Phượng Quỳnh THCS Nguyễn Khuyến, Quận Hải Châu Đà Nẵng Giải Khuyến khích

1997 26 Phan Vũ Hoàng Anh THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Nha Trang Khánh Hòa Không đoạt giải

1996 25 Nguyễn Thu Thủy Tiên Trường THCS Thực hành Sư phạm, ĐHSP Đà Nẵng Đà Nẵng Không đoạt giải

1995 24 Trương Thị Bích Tâm THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột Đăk Lăk Không đoạt giải

1994 23 Nguyễn Võ Hoàng Anh THCS Nguyễn Du, TP. Huế Thừa Thiên - Huế Không đoạt giải

1993 22 Trần Thị Thanh Thủy THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang Khánh Hòa Giải Ba (HCĐ) Giải Ba (HCĐ) đầu tiên

1992 21 Hoàng Hương Thủy THCS Tam Khương, Quận Đống Đa Hà Nội Giải Khuyến khích Giải Quốc tế đầu tiên

1991 20 Việt Nam không tham gia

1990 19 Việt Nam không tham gia

1989 18 Việt Nam không tham gia

1988 17 Lê Thị Hoàng Quyên THCS Kim Đồng, Thành phố Tây Ninh Tây Ninh Không đoạt giải

17 Nguyễn Việt Hùng THCS Thanh Tuyền, Huyện Bến Cát Bình Dương

(Sông Bé cũ)



Không dự thi Việt Nam không chọn được giải Nhất Quốc gia

17 Nguyễn Lê Phương THCS Trung Tâm, Huyện Trấn Yên Yên Bái

(Hoàng Liên Sơn cũ)



Không dự thi Việt Nam không chọn được giải Nhất Quốc gia

17 Chu Xuân Giao Xóm 1, xã An Ninh, Huyện Tiền Hải Thái Bình Không dự thi Việt Nam không chọn được giải Nhất Quốc gia

1987 16 Lương Thanh Bình Tiểu học Trưng Trắc, Quận Hai Bà Trưng Hà Nội Không đoạt giải

Một số thay đổi của cuộc thi (Việt Nam)

- Từ năm 1997, xét thấy tầm quan trọng của cuộc thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định công nhận học sinh đoạt giải chính thức cấp Quốc gia của cuộc thi UPU là Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn (tương ứng với giải). Tuy nhiên, 20 năm sau, năm 2017, do nhiều phản ánh từ dư luận, xét thấy không công bằng với học sinh tham gia kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Nguyễn Thị Nghĩa) đã có cuộc họp với đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, chính thức dừng việc công nhận học sinh đoạt giải Quốc gia UPU là HSG Quốc gia môn Ngữ văn. Như vậy, kể từ năm 2018 trở đi, học sinh đoạt giải UPU không còn được hưởng các chính sách ưu tiên của HSG Quốc gia môn Ngữ văn.

- Ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh Việt Nam đi thi và đoạt giải Nhất, Nhì, Ba Quốc tế tương ứng với Huy chương Vàng, Bạc và Đồng. Mãi đến năm 2013, bắt đầu từ cuộc thi lần thứ 42, Bộ xem xét lại và đã quyết định trao tặng bằng khen cho cả học sinh đoạt giải Khuyến khích Quốc tế. bởi số lượng giải thưởng Quốc tế là rất ít (1 Nhất, 1 Nhì, 1 Ba và tối đa không quá 5 giải Khuyến khích Quốc tế mỗi năm trên toàn thế giới).

- Từ năm 1999, theo đề nghị của Ban Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã quyết định trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các em đoạt giải Nhất, Nhì Quốc gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Phần thưởng này vẫn đang tiếp tục được trao tính đến nay (năm 2019).

Nguồn Wiki
Thêm
Viết thư Quốc tế dành cho giới trẻ (International Letter-Writing Competition for Young People)
1K
0
0

Trang cá nhân

“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Truyện này tớ đăng đầu tiên ở Wattpad (khi ấy học lớp tám), giờ đọc lại thấy sến thật sự nhưng khi tớ cho chị họ xem bản thảo thì chị ấy lại khen hay. Tớ cũng nhen nhóm ý định phát triển bộ này thành truyện dài luôn nhưng mà hồi ấy tớ chưa đủ thời gian, đến giờ thì bản thân lại không theo kịp cảm xúc khi ấy.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau
"Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa."
Cung Chúc Tân Xuân Giáp Thìn 2024!
An Khang Thịnh Vượng
Vạn Sự Như Ý~
Trò chuyện trực tiếp
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. Thích Văn Học @ Thích Văn Học:
    Hiện tại không có giá trị qui đổi gì em nhé
Top