Dự thi Về miền hoang vắng

Dự thi Về miền hoang vắng

Truyện ngắn tham dự Cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi”


VỀ MIỀN HOANG VẮNG

(Câu chuyện này được viết dựa trên câu chuyện có thật về số phận của những con người qua các thế hệ, từ những chi tiết có thật tôi đã hư cấu thêm một số nội dung song không làm thay đổi cốt chính của câu chuyện….Tên các nhân vật đã được thay đổi)
*********
*****

Có dịp tôi thường hay vào chùa Phước Linh. Một ngôi chùa nhỏ nằm trên một ngọn đồi cao. Đứng trên đó có thể bao quát hết cảnh làng quê thanh bình, yên ả. Trước thì thường vào ngày rằm và mùng Một, nhưng dạo gần đây, nhất là khi chồng tôi bỏ đi, con gái đi học xa, một mình, tôi vào chùa thường xuyên hơn, mỗi khi có thể. Thường khi vào chùa tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, bình an và yên ả hơn. Khi thì ngồi nghe các sư tụng kinh, lúc thì cùng các sư dọn dẹp chùa…Thực ra tôi đến đây cũng chả vì cái gì cả, không cầu khấn, không tụng kinh như các bà, các cô khác, tôi chỉ muốn kiếm tìm cho bản thân mình một chút bình yên của cuộc sống.

Mỗi lần vào chùa tôi đều gặp một sư cô, dáng dong dỏng, thanh thoát vận bộ nâu sồng, đầu cuốn khăn nâu bình thản và thong thả quét chùa, từng động tác nhẹ nhàng, thanh thoát quét gom những chiếc hoa, chiếc lá của những cây hoa đại rụng quanh chùa. Mỗi lẫn nhìn sâu vào đôi mắt của sư cô tôi nhận thấy một nét buồn khó tả, một sự u uất, một sự khắc khoải chờ mong…

Hơn 40 tuổi, tôi cũng đã từng trải qua nhiều khổ đau trong cuộc sống, kể từ ngày bố bỏ mẹ con tôi đi chưa một lần quay trở lại (từ cái ngày tôi còn chưa biết gì), cho đến khi chồng tôi cũng bỏ mẹ con tôi đi. Tôi hiểu cái ánh mắt ấy của sư cô nó cũng chất chứa trong đó biết bao nỗi niềm của cuộc sống, sự mất mát, khổ đau của cuộc đời..

Trong những lần quét dọn chùa tôi đã bắt chuyện và chuyện trò với sư cô. Thì ra sư cô cũng chỉ hơn tôi dăm tuổi. Thông qua chuyện trò tôi đã bày tỏ hết tất cả những gì mình đã gặp phải trong cuộc sống mà tôi đã trải qua, những mất mát, khổ đau…, như một sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ và sự đồng cảm của những người đồng trang lứa, sư cô cũng đã kể cho tôi về cuộc đời của một con người mà hoàn cảnh còn khắc nghiệt hơn cả cuộc đời tôi….

******
****

Sau cuộc chiến Mậu Thân, Mỹ điên cuồng ra sức tìm diệt các căn cứ cách mạng miền Nam, việc tiếp tế cho các chiến trường gặp khó khăn. Các cung, chặng của đường Hồ Chí Minh liên tục bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Ta thiệt hại cả về người và phương tiện. Cần thiết phải có sự bổ sung lực lượng cho chiến trường.

Miên đã xung phong tham gia Thanh niên xung phong bổ sung vào Đoàn 559 phục vụ cho chiến trường. Nhà có hai anh em, anh cả ra đi biền biệt mấy năm không có một chút tin tức. Ngày Miên ra đi, mẹ khóc hết nước mắt “Nhà chỉ còn mỗi mình con, anh con chưa biết tin tức gì, nếu con có mệnh hệ gì mẹ sẽ sống ra sao?”, “Con sẽ không sao đâu mẹ, lần này đi vào chiến trường con sẽ dò hỏi tin tức của anh con…”, Miên chỉ biết an ủi mẹ như vậy, rồi đi.

Đêm hành quân thật yên tĩnh, kỷ luật chiến trường không cho hát hò, những chiếc xe chở những cô gái Thanh niên xung phong như Miên phải bật đèn gầm mà đi. Trời về khuya, sương giăng phủ kín trên đầu, lành lạnh. Tất cả lăn lóc trên thùng xe, nhiều lúc ngắm nhìn trời tìm sao Bắc Đẩu để định hình hướng đi của đoàn xe.

Miên ra đi với lòng háo hức của người con gái mười tám, đôi mươi mong muốn cống hiến chút sức lực nhỏ bé của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi mà cuộc chiến tranh đang khốc liệt dần lên.

Đường xấu, xe xóc lên xóc xuống, dập dềnh, cho đến khi quá mệt nó theo Miên vào giấc ngủ mộng mị của chặng hành quân….

******
****

Miên được biên chế vào một trạm trên con đường 20- Quyết Thắng từ Phong Nha, Quảng Bình đi A Ky, Ta Lê đến Phu La Nhích, tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào, là một trong những đầu cầu, đầu mối được xác định là tuyến đường chiến lược hết sức quan trọng trong công tác vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã phá đi thế độc chiến, nhưng cũng phải chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù dội xuống. Mỗi mét đường là công sức, mồ hôi và máu của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong bám đường, bảo vệ, làm nhiệm vụ cứu hộ, thông xe…trong những tháng ngày qua.

Là người mới và gần như là em út của trạm, Miên được các chị đi trước giành cho nhiều ưu hơn. Miên đã nhanh chóng hòa nhập và bắt đầu tham gia thực hiện nhiệm vụ của mình. Dù phải sống dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, ranh giới giữa sống và chết chỉ là gang tấc, Miên cùng các chiến sĩ của trạm trên đường 20- Quyết Thắng đã kiên gan chịu đựng muôn ngàn gian khổ, bom đạn của Mỹ, ngày đêm luôn bám mặt đường phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, khôi phục đường, cầu, mở đường tránh, ngụy trang các mối đường vượt trọng điểm, nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, bảo đảm cho xe pháo và bộ đội vượt đường an toàn, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Những tưởng với sức trẻ có thể vượt qua tất cả, nhưng những cơn sốt rét rừng cũng đã hạ gục Miên với những cơn rét run người cho đến những cơn sốt cao vã vượi mồ hôi…Sau những cơn sốt rét ấy, Miên từ một người con gái mười tám, đôi mươi tươi tắn tràn đầy sức sống đã phần nào trở nên hốc hác hơn, tóc đã bắt đầu rụng…nhưng vẫn không xóa nhòa đi được cái duyên con gái, cái nét đẹp ẩn chứa sâu trong con người Miên. Sau những đợt sốt rét ấy, mặc cho sự khó khăn, thiếu thốn của chiến trường, Miên vẫn không mất đi nét đẹp và cái duyên vốn có của mình.

Trong suốt những tháng ngày ấy, quanh quẩn cuộc sống chỉ có những người phụ nữ với nhau với đủ mọi lứa tuổi đã dạy cho Miên nhiều điều về cuộc sống chiến trường nhưng đồng thời cũng để lại trong Miên một nỗi niềm khắc khoải thèm chút hơi ấm đàn ông trong những đêm đứng gác ngoài trời đông giá lạnh hay nằm một mình trên chiếc phản trống không mà quờ tay bên nào cũng thấy lạnh. Chỉ trừ những lúc tham gia công việc hòa mình vào với đồng đội Miên mới cảm thấy quên đi mọi điều. Những bà chị đi trước mỗi khi ngồi không vẫn thường hay than thở: “Chả biết cuộc chiến này còn kéo dài đến bao giờ, không khéo chị em mình chết già ở cái xó rừng này mất. Giá như có một đứa con, có khi…”.

Những chuyến xe vào ra thường xuyên, những người lính lái xe vượt Trường Sơn tiếp viện cho tiền tuyến hay những chuyến xe từ tiền tuyến chuyên chở thương binh ngược ra mỗi lần qua trạm đều vẫy tay chào và gửi lại những cô gái của trạm những nụ cười tươi rói, nhưng cũng chưa có chuyến xe nào dừng lại. Thi thoảng Miên chạy với theo hỏi thăm tin tức của anh trai, những đều vô vọng, chiến trường rộng lớn, không phải ai cũng có cơ hội gặp được nhau…

Thi thoảng tay trạm phó đảo qua kiểm tra, đôi mắt láo liên ẩn dưới đôi lông mày sâu róm của gã cứ nhìn Miên chằm chằm làm Miên cảm thấy khó chịu. Mấy bà chị bảo: “Lão ấy thích mày đấy Miên ạ”. Bằng linh cảm của người phụ nữ Miên cũng cảm nhận được điều ấy nhưng mỗi thấy lần lão ấy nhìn mình, Miên lại cảm thấy gai gai người, trong người dâng lên cảm giác bất an, cảm giác như gã sẵn sàng đè nghiến Miên ra để ăn tươi nuốt sống khi có dịp. Cho nên mỗi lần lão ấy xuống kiểm tra Miên lại tìm cách lảng tránh.

Hôm ấy, khi thấy đám OV10 vè vè trên những ngọn cây lượn đi lượn lại nhiều lần, linh cảm có điều gì đó không hay, chị Lan đội trưởng đã nhanh chóng kêu tất cả xuống hầm. Cái linh cảm của người phụ nữ nhiều năm trên chiến trường đã không sai khi mà không lâu sau những trái bom từ B52 được rải xuống. Người không sao, nhưng nó phá tan hoang con đường ở cách đó không xa.
Khi tiếng bom vừa dứt, trong khói bụi mịt mù, Miên cùng mọi người đã mang dụng cụ lao đi. Cây cối ngổn ngang, mùi khói bom khét lẹt, nghẹt thở, mặt đường nham nhở, những hố bom sâu hoắm chềnh ềnh ngay giữa mặt đường. Lại hò nhau san lấp, dọn đường kịp cho nhưng chuyến xe qua. Chậm ngày nào, giờ nào là nguy hiểm rình rập chụp xuống những chuyến xe giờ ấy khi mà bọn cú vọ OV10 suốt ngày le ve săn ngay trên những đỉnh ngọn cây, thiệt hại sẽ không thể tính đếm cả người và của.

Mấy ngày liền cấp trên tăng cường cả lực lượng và phương tiện xuống tập trung khắc phục, dọn dẹp, san lấp, dáng dấp của con đường đã dần được khôi phục. Miên cùng cả đội thay ca làm ngày, làm đêm để cho kịp tiến độ, có những khi không kịp tắm rửa, ăn vội miếng cơm rồi lại tiếp tục công việc, rồi thay nhau chợp mắt một chút lấy sức. Cho đến lúc này Miên cảm thấy cũng đã mệt lắm rồi nhưng vẫn cố gắng cũng chị cùng em. Chị Lan thấy vậy lại gần bảo: “Thôi mày về tranh thủ tắm rửa và nghỉ lấy lại sức đi, nhiệm vụ còn dài, công việc thì cũng sắp xong rồi”. Miên chỉ “vâng” nhè nhẹ rồi cùng mấy chị em về nghỉ, định bụng ra con suối sau rừng tắm rửa, đã hai, ba ngày rồi chưa kịp tắm.

Mấy chị em về ngả lưng ra phản ngủ thì Miên ôm đống quần áo ra con suối phía sau cách đó không xa để tắm, con suối đó vừa là nguồn nước ăn, vừa là nơi tắm rửa của toàn đội. Giữa nơi núi rừng heo hút chả có bóng dáng đàn ông nên cũng chả cần che chắn, mỗi lần tắm đám chị em như Miên cứ hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng rồi trêu nhau cười đùa ầm ĩ. Hôm nay Miên đi một mình, sau mấy ngày liên tục đầm mình vào công việc, giờ đây mới thấy cái nhớp nháp bám vào người tạo cảm giác khó chịu, nhất là đối với những người phụ nữ dù hoàn cảnh nào cũng luôn cần phải sạch sẽ, gọn gàng.

Bỏ lại đám quần áo trên bờ như mọi khi, Miên khỏa thân trầm mình xuống dòng suối. Con suối trong vắt, róc rách chảy được che khuất bởi những tán rừng, dòng nước bàng bạc, mát lạnh lấp lánh dưới ánh trăng thượng tuần xiên xiên qua kẽ lá rọi lên thân thể Miên trắng lấp lóa. Giá như không có chiến tranh, không có bom rơi, đạn lạc ở ngoài kia thì có thể đây là một câu chuyện cổ tích về một nàng công chúa nào đó đang đùa giỡn giữa rừng sâu chờ một chàng hoàng tử bạch mã xuất hiện đến rước đi.

Dòng nước mát lạnh xóa tan đi phần nào những mệt nhọc vừa qua, nó làm cho Miên tỉnh táo hơn nhưng cũng đồng thời lại làm trỗi dậy những suy nghĩ vẩn trốn sâu trong lòng. Ừ nhỉ, chiến tranh biết bao giờ kết thúc, liệu anh trai còn hay đã mất ở chiến trường, nếu vậy mẹ già ở nhà thì sao? Không lẽ như lới các chị nói, nình sẽ chết già ở xó rừng này ư? Chả lẽ cũng nên kiếm lấy một đứa con, nhưng kiếm ở đâu khi mà những người đàn ông chỉ lướt qua như những cơn gió? Với tay trạm phó kia ư, mỗi lần nhìn gã Miên không khỏi thấy rùng mình một nỗi sợ mơ hồ. Đã có những chị ở đây mắc bệnh Hysteria (*) nặng phải đưa về hậu phương, Miên chợt rùng mình khi nghĩ nếu như mình cũng thế thì không biết sẽ ra sao nhỉ?

Vừa vuốt nước, vừa ngắm nhìn cơ thể mình trong ánh trăng rọi xuống từ thinh không, đôi bầu ngực căng tròn, mây mẩy, da thịt con gái loang loáng trong ánh trăng. Bất chợt Miên nghe tiếng cành cây khô gẫy, tiếng xào xạc của lá cây khô bị giẫm lên, tiếng chim vỗ cánh xao xác trên đầu, giật mình ngước lên bờ suối thấy thấp thoáng bóng người. Miên bỗng quát lên: “Ai đó, đứng lại”, “Tôi, tôi xin lỗi, tôi không cố ý…”, giọng đàn ông vang lên làm Miên thấy giật mình, ngường ngượng, bèn ngồi thụp xuống suối “Anh là ai? Anh quay đi để tôi lên”.

Khi Miên mặc quần áo xong đi lên, thấy bóng lưng đàn ông cao to trong bộ đồ quân phục bạc màu đang định dợm chân bước đi.
“Anh là ai? Sao lại ra đây nhìn trộm đàn bà con gái tắm thế hả?”. Miên đi đến sau lưng hỏi.

Người đàn ông quay lại, trong ánh trăng bàng bạc Miên nhìn ra gương mặt vuông vắn, cương nghị, đôi mắt lấp lánh trong đêm,, trong tay đang cần chiếc bi đông, ngập ngừng, ngượng ngùng nói: “Cô… tôi…tôi…không cố ý, tôi đang chở đạn vào Nam, chờ thông đường tranh thủ qua suối lấy bình nước…tôi…tôi…xin lỗi, tôi chưa thấy gì cả đâu…”.

Nhìn vẻ ngượng nghịu, lúng túng của người đàn ông, một chút tinh nghịch thiếu nữ nổi lên Miên định trêu đùa một chút, xong chợt thấy tồi tội, nghĩ thế nào lại thôi, Miên hỏi: “Bao giờ các anh đi?”, “Chờ thông đường xong chúng tôi phải đi luôn cho kịp, đã chờ mấy ngày nay rồi, áng chừng chắc chỉ khoảng 1 giờ nữa thôi”. “Nếu anh chưa kịp đi anh có thể ở lại trò chuyện với tôi một lúc được không? Tôi muốn hỏi thăm anh về hậu phương và tiến tuyến…”, Miên mạnh dạn dò hỏi người ấy. “Vâng, tôi cũng chưa vội đi lắm”.
Đã lâu lắm rồi không có dịp được trò chuyện với một người đàn ông lâu như thế này. Biết anh lái xe vào ra giữa hậu phương và tiền tuyến, Miên tranh thủ hỏi thăm tình hình ngoài quê hương hậu phương miền Bắc, hỏi thăm tình hình chiến sự trong Nam, là những nơi mà anh đã đi qua, hỏi thăm tin tức của anh trai….

Tin tức của anh vẫn bặt. Nhưng thông qua những câu chuyện anh kể, Miên biết anh là trai Hà Nội, xung phong vào làm lính lái xe chi viện cho miền Nam, Miên biết thêm nhiều thông tin về tình hình mọi mặt, những điều mà đài báo không đưa hết được lên. Tự dưng Miên thấy ở anh có gì đó rất cuốn hút, gần gũi. Những ý nghĩ chôn vùi bấy lâu nay chợt vùng dậy trong Miên mỗi khi nhìn nghiêng nghiêng khuôn mặt cương nghị của anh qua ánh trăng. Có gì đó bên trong thúc đẩy sự liều lĩnh trong con người Miên trỗi dậy, bất chợt Miên ngập ngừng nhìn thẳng vào mắt anh hỏi: “Anh…anh…có thể đáp ứng cho em một yêu cầu được không?”, nhìn vào đôi mắt đang nghi hoặc của anh Miên ngập ngừng “Anh…anh …có thể cho em xin một đứa con được không…?”.

Không đợi anh trả lời, đôi môi của Miên đã phủ kín lấy đôi môi của anh. Dưới ánh trăng nhạt nhòa đang mờ dần đi như sự đồng lõa, bên bờ suối chỉ còn lại tiếng lá khô xào xạc, những cành cây khô nhỏ bé tí tách gãy bên dưới hai con người đang quấn lấy nhau, hòa tan vào nhau trong nét hoang sơ và hoang dã…

Tiếng còi xe đâu đó vang vọng trong đêm thúc giục những người lính chậm trễ mau chóng lên đường. Anh mặc vội áo quần, hôn nhẹ lên trán Miên thì thầm: “Anh phải đi đây, chờ anh nhé, anh sẽ quay lại tìm em, nếu hòa bình em có về, hãy nhớ anh Quân, nhà ở Khâm Thiên. Chờ anh nhé!”. Anh bước vội theo tiếng còi xe giục giã ngoài kia và kịp dúi vào tay Miên tấm hình nho nhỏ có chữ Quân ở phía sau.

Miên vẫn chưa kịp nói cho anh biết quê mình ở đâu.

Nhưng Miên tin anh sẽ quay lại.

***********
******

Miên chậm kinh đã hai tháng. Như mọi lần cũng chỉ nghĩ chắc do điều kiện chiến trường ăn uống không đầy đủ, công việc vất vả, mùi bom đạn…làm cho rối loạn vòng kinh. Vào đây hầu như ai cũng bị như thế ít nhất cũng vài ba lần. Miên không nghĩ đến một điều gì khác. Cho đến khi cái cần cổ của Miên ngẳng ra, nổi gân xanh, những buổi đi làm về Miên lại vào rừng lùng sục săn tìm quả chua, rồi những cơn nôn ọe tăng dần, mọi người bắt đầu nghi ngờ. Có bữa chị Lan gọi riêng Miên ra hỏi: “Mày có thai phải không Miên, với thằng nào? Có phải tay trạm phó hay không, tao thấy nó cứ ve vãn, để ý mày suốt”. Miên cũng không biết có phải mình có thai hay không nữa, ở trong cái đội này nào đã có ai thực sự có thai, tất cả chỉ là mong ước, tất cả chỉ là mớ lý thuyết truyền thừa từ những người đi trước. Miên im lặng lắc đầu.

Chị Lan vạch áo Miên ra, hai bầu vú căng mẩy thâm quầng, hơi sẫm lại. “Mày không nói chúng tao biết đằng nào mà lần, nếu thực sự mày có thai bọn tao sẽ lo cho”, chị Lan kiên trì thuyết phục Miên. Từ cái ngày ấy Miên không hé răng nói chuyện đó với bất cứ một ai, những cảm xúc vui, buồn lẫn lộn, những hy vọng le lói về tương lai, những khao khát rất đàn bà sau một lần nếm trái cấm…Miên chỉ giữ kín trong lòng.

Giờ đây Miên gục đầu vào lòng chị Lan rồi kể lại mọi chuyện khi biết trong bụng mình đang mang một mầm sống của anh.
Kể từ bữa ấy mọi người tạo điều kiện cho Miên những công việc nhẹ nhàng hơn, không báo cáo lên trên để khi mọi chuyện đã rồi, Miên sinh con cả đội sẽ chăm nuôi nó như đứa con chung ở giữa núi rừng đầy bom đạn này. Mỗi ngày mầm sống cứ lớn dần lên trong Miên, nhen nhóm thêm một niềm hy vọng về một chiến thắng gần kề anh sẽ về đón mẹ con Miên.

Sự thay đổi bên trong kéo theo cả sự đổi thay ở bên ngoài. Cái bụng ngày một to lên của Miên không lạ gì với chị em ở cùng, nhưng nó lại quá lạ dưới con mắt săm xoi, cú vọ của gã trạm phó trong một lần đi kiểm tra, cho dù Miên đã cố gắng giấu đi có thể. Chính sự thường xuyên để ý đến Miên làm cho gã phát hiện ra thay đổi ở Miên.

Cái tin Miên chửa hoang được báo cáo lên chi bộ trạm, nó loang ra cả trạm, người tỏ vẻ thương cảm, kẻ ra vẻ miệt thị. Cán bộ ở trên liên tục xuống hỏi han nắm bắt tình hình, gặng hỏi xem bố đứa bé là ai. Miên chỉ im lặng lắc đầu.

Gã trạm phó hằn học đòi kỷ luật Miên đuổi về, gã bảo không thể để đứa tha hóa này trong đội ngũ được, nó sẽ làm hỏng những người khác nữa. Những chị em ở cùng kiên quyết bảo vệ cho Miên, bao nhiêu lý lẽ được đưa ra. Nhưng vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của chi bộ trạm.

Chi bộ họp mấy lần vẫn chưa ngã ngũ đối với trường hợp của Miên, người đứng ra bảo vệ, người kiên quyết đòi kỷ luật. Cuối cùng những người đòi kỷ luật Miên đã thắng. Miên ôm cái án kỷ luật, bị đuổi về khi cái bụng đã lùm lùm sắp đến ngày sinh nở. Đám chị em nước mắt ngậm ngùi chia tay Miên với lời hẹn sẽ về thăm mẹ con Miên và sẽ ngóng chờ tin của Quân cho Miên.

Ngày Miên về, ở nhà mẹ mới nhận được giấy báo tử của anh cả được một tuần. Trên ban thờ bây giờ ngoài tấm ảnh họa của bố còn có thêm tấm ảnh của anh với nụ cười rạng rỡ thời trai trẻ. Bố mất khi Miên mới 2 tuổi, trong một đợt giặc Pháp đi càn qua làng. Trong ký ức vỡ vụn của Miên không còn lưu lại nhiều những hình ảnh của bố, Miên chỉ được nhìn bố qua bức họa trên ban thờ và biết qua lời kể của mẹ. Kể từ ấy mẹ một mình nuôi hai em Miên khôn lớn. Giờ người anh mà bấy lâu nay Miên vẫn kiếm tìm tin tức đã nằm xuống ở chiến trường Nam bộ, còn Miên thì lại ra nông nỗi này. Nhìn mẹ rũ người đi trong căn nhà trống vắng, Miên biết mình lại mang về cho mẹ thêm một nỗi đau về tinh thần nữa khi mà nỗi đau khác chưa kịp nguôi ngoai. Miên chỉ biết gục đầu vào bờ vai gầy của mẹ mà khóc, mà nghẹn ngào xin lỗi mẹ, dù Miên biết dù có xin lỗi mẹ bao lần cũng không đủ.

Mẹ chỉ bảo “Thôi con về được là tốt rồi, mẹ chỉ sợ rồi đây mẹ phải sống một mình thì mẹ không thể nào sống nổi, con về đây rồi mẹ con đùm bọc nuôi nhau chờ ngày con sinh nở”. Miên cứ nghĩ đơn giản mọi cái sẽ bình yên trôi đi, nhưng không ngờ được giông bão vẫn còn đang chờ phía trước.

Cái tin Miên chửa hoang bị kỷ luật đuổi về chẳng mấy chốc theo chân Miên về đến làng rồi loang ra khắp. Những ánh mắt khinh khi, những câu nói dè bỉu, những lời cạnh khóe ở khắp mọi nơi mà Miên đi qua, từ chợ làng, trên con đê hay những con đường về nhà…Họ coi Miên là cái biểu tượng xấu của cái làng này khi mà biết bao nhiêu người ra đi và ngã xuống trong chiến tranh, trong đó có anh của Miên. Thi thoảng những cô, dì, cậu, chú của Miên qua nhà vẫn gầm gừ, nhiếc móc về đứa cháu dám bôi gio chát trấu lên tấm bằng liệt sỹ của anh nó đang treo trang trọng ở trên tường nhà, nào là cái ngữ ấy ngày xưa ấy á chỉ có cắt tóc bôi vôi mà cho trôi sông mới rửa sạch hết nỗi nhục của cái nhà này….

Những ngày đầu Miên chỉ biết khóc, khi hết nước mắt Miên cảm thấy đau, nỗi đau tận cùng vì bị cả những người thân khinh rẻ, xa lánh không thể chia sẻ cùng ai. Chỉ có mỗi mẹ Miên như con gà mẹ xòe cánh ra che chở cho gà con trước bão giông, trước những hiểm nguy rình rập.

Ngày Miên sinh con cũng là ngày Mỹ tiến hành rải thảm B52 xuống Hà Nội, những sự bận bịu đón tiếp những người dân sơ tán từ Thủ đô về làng đã làm dịu đi phần nào những mũi nhọn đang chĩa vào Miên.

Miên sinh con gái, đặt tên là Nguyệt Hạ, để tưởng nhớ về cái đêm trăng thượng tuần ngày ấy.

Những trận bom kinh hoàng qua đi, phố Khâm Thiên gần như bị xóa sổ, chiến thắng của quân và dân ta trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Hiệp định Pari được ký kết…Những điều ấy Miên không hề được biết bởi lúc đó Miên đóng cửa trong nhà chăm con. Chỉ khi những lời chỉ trích lại tiếp tục nổi lên Miên mới biết những người dân Thủ đô tản cư đi sơ tán tránh bom Mỹ đã quay trở về và những làn đạn chỉ trích ấy lại tiếp tục chĩa vào mẹ con Miên.

Sức chịu đựng trong mỗi con người đều có giới hạn của nó, khi mà mọi cái đã vượt ngưỡng buộc con người ta phải có những việc làm để phá tan những điều ấy. Trước những điều tiếng của dân làng, Miên luôn nung nấu một ý định, phải đi tìm bố về cho con gái, không thể để nó lớn lớn mang tiếng là đứa con côi cút không có bố, và cũng là để rửa đi những nỗi đắng cay mà Miên đã phải chịu đựng bấy lâu nay.

Ngày con được sáu tháng, Miên ôm con đưa cho mẹ: “Con nhờ mẹ chăm cháu hộ con, con phải đi tìm anh ấy, tìm bố của con con về…”. Miên chỉ mang theo tấm ảnh đen trắng có chữ Quân đằng sau, rồi đi trong nước mắt.

********
******

Nguyệt Hạ lớn dần lên nhờ củ khoai, củ sắn của làng quê, trong tình yêu thương hết mực của bà ngoại và trong cả những ánh mắt thiếu thiện cảm, những lời nói cạnh khóe của người làng.

Mỗi lần đi chơi, đi học về bị đám bạn trêu đùa ác ý, Nguyệt Hạ lại ôm cổ bà hỏi: “Ngoại ơi, bố mẹ con đâu hả ngoại, sao đám bạn con toàn gọi con là đứa con hoang không cha hở bà?”. Bà ngoại chỉ biết ngoảnh mặt đi che những giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má nhăn nheo ậm ừ: “Bố mẹ con đi công tác xa lắm, chưa về với con được, rồi bố mẹ sẽ về với con. Là các bạn trêu con thôi, con đừng để ý nhé”. Nguyệt Hạ chỉ biết “Vâng”, vùi mặt vào mái tóc đã bắt đầu bạc của bà hít hà chút hương bưởi còn sót lại, rồi lại chạy đi chơi. Trẻ thơ, dễ nhớ, dễ quên. Bà ngoại chỉ lặng lẽ lắc đầu, tỉ mẩn ngồi khâu lại cái áo rách vai cho cháu.

Chiến tranh đã qua đi, hòa bình lập lại, nhưng tin tức về bố và mẹ vẫn mãi tận nơi đâu. Nguyệt Hạ không biết mặt mẹ, chỉ được nhìn qua tấm ảnh ngoại còn giữ được cất sâu trong cái gối đầu giường.

Nhìn ảnh mẹ Nguyệt Hạ thấy mình giống mẹ đến lạ, từ mái tóc mượt mà óng ả, từ khuôn mặt tròn trịa, ánh mắt, đôi môi….Chính vì lẽ đó càng lớn, mỗi khi ra ngoài Nguyệt Hạ luôn nghe thoảng thoảng đâu đó những lời bóng gió “Rồi nó cũng lại giống con mẹ nó thôi, dòng đĩ thõa…”.

Thời gian không làm nguôi ngoai đi nỗi bực tức, hờn căm của người làng về vết nhơ mà mẹ của Nguyệt Hạ mang về làng. Mẹ ra đi, con ở lại chịu những nặng nề đè nén. Càng lớn, Nguyệt Hạ chắp nối các thông tin rời rạc và biết được sự thật về mẹ của mình. Về gặng hỏi bà, được bà kể hết lại những gì về mẹ Nguyệt Hạ chỉ biết ôm bà mà khóc, thương cảm cho nỗi đau mà mẹ phải gánh chịu, không biết giờ này mẹ đã tìm được bố hay chưa, mẹ còn đang lưu lạc ở phương trời nào hay chiến tranh đã cướp mẹ đi như đối với bác. Một ý nghĩ nung nấu xuất hiện trong đầu Nguyệt Hạ, phải đi tìm mẹ, dù thế nào cũng phải tìm được mẹ.

17 tuổi, với một ý nghĩ nung nấu ấy trong đầu, Nguyệt Hạ chắp ghép, thu thập các thông tin rời rạc về người bố mới chỉ nghe qua các lời kể của mẹ cho bà, về người mẹ bao năm không về, Nguyệt Hạ dự kiến những nơi mẹ có thể đi và vạch ra cho mình con đường đi tìm mẹ.

Nơi đầu tiên Nguyệt Hạ tìm đến là khu phố Khâm Thiên, nơi mà chứa đựng thông tin mơ hồ về gia đình của bố. Nhưng tất cả những gì mà người dân ở đó nhớ được là ngày trước có người tên Quân, nhưng sau trận tàn phá của B52 năm 1972, hầu như tất cả đều không còn tin tức, không biết mất trong trận bom đó hay lưu lạc nơi đâu, cũng chẳng thấy ai về lại, có lẽ là chết hết đợt ấy rồi. Và những năm trước cũng có người con gái về đây hỏi thăm tin tức nhưng rồi cũng lại đi luôn.

Lần theo những cung chặng đường hành quân vào Nam thời chiến tranh, Nguyệt Hạ lần tìm từng chút thông tin nhưng đều vô vọng. Chiến tranh đã qua lâu, người mất, người còn, những ký ức đau khổ về cuộc chiến ai cũng muốn cất giấu nó đi, quên lãng nó đi.
Trong một lần Nguyệt Hạ dừng chân ở bên cầu Hiền Lương, cây cầu vắt qua sông Bến Hải là biểu tượng chia cắt hai miền đất nước của một thời, Nguyệt Hạ định bụng sẽ từ đây lần ngược lên hướng Tây tìm lên con đường 20- Quyết Thắng mà một thời mẹ đã từng ở đó. Với tấm ảnh của mẹ bà đưa trước lúc lên đường, Nguyệt Hạ gặp được bà Lan, người phụ trách đội của mẹ trong những năm tháng chiến tranh. Nhà bà Lan nằm ỏa làng ngay gần cầu Hiền Lương, trong lúc Nguyệt Hạ vào hỏi thăm tin tức của mẹ bà đã ngờ ngợ, cho đến khi đưa tấm ảnh của mẹ ra, bà Lan chợt ôm chầm lấy Nguyệt Hạ rồi khóc: “Con ơi, sao cuộc đời mẹ con con lại khổ đến như thế này, mẹ đi bố cho con, con đi tìm mẹ…”. Qua những gì bà Lan kể lại, Nguyệt Hạ đã hình dung ra những năm tháng vất vả đi tìm bố như thế nào.

Ngày ấy, sau khi Miên bị kỷ luật đuổi về, cả đội u ám, buồn bã, thương cảm nhưng không thay đổi được quyết định của c ấp trên. Ai cũng dặn nhau rằng sau này hết chiến tranh sẽ cùng nhau trở về chia sẻ và chăm sóc đứa bé cùng Miên.

Nhưng ai biết được chữ ngờ. Cùng với chiến dịch ném bom Hà Nội cuối năm 1972, Mỹ tiến hành rải thảm cả các con đường chiến lược vận chuyển hàng hóa vào Nam. Trong một lần như thế toàn đội đã bị chôn vùi dưới lớp đất sâu của núi rừng khi mà một quả bom thả trúng hầm, chỉ còn có bà Lan sống sót vì bữa ấy đi họp trên trạm. Những lời hứa với mẹ con Miên bị chôn vùi ở nơi rừng sâu, ở con đường 20- Quyết Thắng cùng với biết bao người con gái đang độ xuân thì.

Bà Lan gần như phát điên, tâm trí lúc tỉnh lúc mê, suốt ngày chỉ lảm nhảm gọi tên các chị em của mình. Cấp trên phải cho bà chữa trị. Mãi gần khi giải phóng khi các liệu pháp tâm lý từng bước có hiệu quả, bà Lan tỉnh dần thì về lại quê sinh sống. Khi biết mình không còn khả năng có con bà Lan quyết định ở vậy không lấy chồng, tháng ngày vui vầy với vườn rau, ruộng đồng. Mỗi lần nhớ lại chuyện xưa bà lại đau nhói cõi lòng, chợt nghĩ rằng Miên trong cái rủi lại có cái may. Nếu không thì….

Khi bà Lan về nhà một thời gian thì gặp Miên đang lang thang bên cầu Hiền Lương với tấm ảnh đen trắng của Quân trên tay ngày ngày chặn các xe vận tải chở hàng phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh để hỏi dò tin tức. Những chiếc Zin, Gát, thậm chí cả xe tăng đang ùn ùn tiến bước vào Nam đều bị chặn lại và cũng đều nhận lại những cái lắc đầu không biết.

Bà Lan đưa Miên về nhà. Thì ra Miên cũng đã từng về Khâm Thiên tìm Quân nhưng tất cả đều tan hoang sau trận rải thảm B52, người ta chỉ biết cả nhà Quân đều bị chôn vùi trong trận bom ấy, còn Quân thì không rõ sống chết ra sao. Miên lại đi, lần ngược theo con đường 20 một thời gian đã gắn liền với cuộc sống của Miên. Lại hỏi thăm miệt mài những chuyến xe vào ra, có người bảo hình như gặp đâu đó trong Nam, mà giờ nó chạy tuyến đường 1 rồi thì phải, lại nhen nhóm lên trong Miên niềm hy vọng. Miên định tìm đến chỉ huy Đoàn 559 để hỏi, nhưng không biết ở đâu, những người được hỏi cũng chỉ lắc đầu không biết vì bí mật quân sự.

Miên lại lặn lội xuôi về hướng đồng bằng. Cho đến khi gặp được bà Lan, kể lại những chuyện đã qua, hai chị em chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Thắp cho những người đồng đội xấu số nén hương trên ban thờ nhà bà Lan xong, hai chị em cùng đồng hành lên đường theo đoàn xe vào Nam. Bà Lan bảo “Tao sẽ đi với mày, chứ một mình mày đi tao thấy vất vả quá, có gì chị em đùm bọc lẫn nhau”.

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi kéo theo sự tan vỡ hàng loạt các thế trận phòng thủ của quân Ngụy Sài Gòn trên toàn tuyến. Các tỉnh duyên hải miền Trung lần lượt được giải phóng, từ Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên. Những chiếc xe tăng được chở trên những chuyến tàu ùn ùn kéo vào Nam cho kịp chiến dịch. Những chiếc xe hàng bon bon trên những con đường đã thông như những con kiến cần mẫn chuyên chở hàng vào Nam, trên những chuyến xe ấy có hai người phụ nữ bám theo đi tìm một người đàn ông trong niềm vui chiến thắng.

30.4.1975, trong niềm vui chiến thắng vỡ òa của toàn dân tộc, có hai người phụ nữ nhỏ bé len lỏi trong rừng người, rừng cờ, trong niềm vui bất tận ở đất Sài Gòn- Gia Định kiên trì hỏi thăm tin tức. Trong niềm vui ấy, họ chỉ nhận được những cái lắc đầu ái ngại, niềm vui chiến thắng không xóa đi được nỗi buồn trong sâu thẳm của Miên. Lang thang khắp đất Sài Gòn, hỏi thăm các đơn vị tiếp quản đều vô vọng, Miên cảm giác như kiệt sức, như mất dần đi niềm hy vọng vẫn le lói trong tim bấy lâu nay. Kèm theo đó là nỗi niềm nhớ con đến quay quắt, không biết giờ này ở nhà con nó đã lớn từng nào rồi, nó có biết mẹ nó vẫn còn đang lang thang kiếm tìm bố về cho nó hay không?

Được một thời gian bà Lan nhận được tin mẹ mất, vội bắt xe trở ra chịu tang mẹ. Định khuyên Miên bỏ cuộc về với con, nhưng nhìn sự quả quyết trên gương mặt Miên bà Lan lại thôi, bảo Miên nếu có tin tức gì thì báo cho chị biết. Kể từ ấy bà Lan cũng không có tin tức gì của Miên, cứ ngỡ rằng Miên đã về quê với con. Ai ngờ, giờ lại gặp con gái Miên bước chân đi tìm mẹ của mình.
“Bây giờ con định thế nào?”. Nguyệt Hạ trầm tư khi nghe bà Lan hỏi.

“Con vẫn phải vào Nam một chuyến bác ạ”. Nguyệt Hạ vẫn nuôi một niềm hy vọng, như mẹ ngày nào vẫn mang trong mình niềm hy vọng tìm thấy bố giữa biển người mênh mông….

*******
****

“A Di đà Phật! Con tỉnh rồi à?”

Nguyệt Hạ giật mình tỉnh dậy, đầu vẫn còn ong ong, người đau ê ẩm, cảm giác mệt rã rời, thấy trên người đắp một tấm chăn mỏng, đâu đó mùi hương trầm lẩn quất, thơm thơm, tiếng chuông chùa âm vang đâu đó. Nguyệt Hạ thấy mình đang nằm trong một căn phòng nhỏ, đơn sơ, bày biện đơn giản, bên chiếc giường nhỏ có một nhà sư đang ân cần nhìn mình. Nhà sư nhỏ nhắn trong chiếc áo màu vàng đất.

“Con đang ở đâu đây sư?”.

“Đây là chùa Long Huê. Đêm hôm qua sư cô của chùa ra đóng cửa chùa thấy con lịm đi trước cửa bèn đưa con vào đây. Chắc con mệt quá, với lại thời tiết ở đây đợt này thay đổi thất thường, đang có đợt lạnh con phong phanh thế, chắc không chịu được nên lả đi. Con cứ nghỉ ngơi ở đây cho lại sức, nếu không có gì gấp khi nào khỏe hãy đi, có gì con cứ bạch với sư của chùa. Ta là Thích Diệu Hoa, trụ trì ở đây”.

“Vâng, con cảm ơn sư”. Nguyệt Hạ định nhổm dậy nhưng cơ thể vẫn mệt rã rời, lại nằm xuống. Lúc này một sư cô bưng lên bát cháo nóng còn đang bốc khói để xuống cái kệ đầu giường. Sư Diệu Hoa bưng lên định bón cháo cho Nguyệt Hạ, nhưng Nguyệt Hạ cố nhỏm người dậy đỡ lấy bát cháo “Sư để con”, rồi vừa thổi vừa ăn từng miếng cháo, nhớ lại nhưng ngày vừa qua.

Với ít tiền bà Lan dúi vào tay trước khi vào Nam, Nguyệt Hạ chỉ đủ sống qua mấy ngày, rồi vừa lang thang tìm mẹ vừa tranh thủ tìm đủ các việc để làm, vừa kiếm sống, vừa lấy tiền đi các nơi dò hỏi tin tức của mẹ. Đất nước đang thời kỳ đầu đổi mới, nhiều nơi bung ra làm ăn, kiếm việc làm cũng dễ. Với lại không đâu dễ kiếm sống hơn ở đất Sài Gòn này, chỉ cần có sức lao động, làm bất cứ gì cũng có thể kiếm ra tiền.

Cứ như vậy với đôi chân của mình, lúc nào xa thì bắt xe, không thì đi bộ, Nguyệt Hạ bươn bả gần như khắp đất Sài thành, từ các cơ quan, đơn vị, các trại thương binh, tâm thần, bệnh viện…với tấm ảnh của mẹ trên tay để hỏi thăm. Nhưng biển người mênh mông, tìm kiếm một con người đã từ lâu cũng chỉ gọi là ngang qua thành phố này quả là điều không hề dễ. Với sức vóc của một người con gái yếu đuối, mỏng manh lần đầu tiên rời bỏ lũy tre của làng để đi đến xứ lạ quê người, Nguyệt Hạ đã cảm thấy mình đã kiệt sức sau bao nhiêu ngày tìm mẹ trong vô vọng. Nguyệt Hạ dự định thôi không tìm mẹ nữa, quay về với bà rồi thi vào một trường nào đó rồi sống tiếp những tháng ngày tiếp theo, rồi dần dà tìm kiếm thông tin của mẹ.

Tối hôm qua, sau khi rửa bát thuê cho một quán phở xong, đút mấy đồng tiền công vào túi, mua cái bánh mì, vừa đi trên phố vừa trệu trạo nhai, Nguyệt Hạ cảm thấy chán chường và mệt mỏi, định làm thuê vài bữa nữa đủ tiền quay ra Bắc.

Thời tiết Sài Gòn bất chợt đổi thay không báo trước. Chợt đâu những con gió lành lạnh ùa về làm cho người đi đường phải khép thêm vạt áo. Nguyệt Hạ phong phanh trong tấm áo mỏng manh, chợt cảm thấy run rẩy trong cơn gió, bèn nghé vào cổng một ngồi chùa tránh gió. Ngồi chơ vơ giữa trời ngẫm lại những gì đã qua, Nguyệt Hạ cảm thấy cám cảnh cho thân phận đơn côi của mình, tự dưng nước mắt cứ trào ra và rồi thiếp đi trong mệt mỏi lúc nào không biết. Cho đến khi tỉnh lại ở nơi đây.

Ăn xong bát cháo nóng Nguyệt Hạ đã thấy tỉnh táo hơn, khỏe hơn lên một chút. Cho đến khi cảm thấy trong người hết mệt bèn ngồi dậy đi dạo quanh chùa. Những hàng cây xòe tán phủ dọc các con đường đi, những tượng phật hiền từ, những tiếng tụng kinh rì rầm của các nhà sư, những tiếng chuông chùa vang vọng giữa thinh không…một không khí tĩnh lặng, phảng phất có gì đó trang nghiêm nơi cửa chùa làm cho Nguyệt Hạ thấy lòng mình lắng lại. Đứng trước tượng Phật Quan Âm Bồ Tát trước chùa, Nguyệt Hạ thầm cầu khấn cho mình mau tìm được mẹ, cho mình có cuộc sống bình yên…

Trong những ngày ở lại chùa Nguyệt Hạ thường ngồi nghe các sư trong chùa tụng kinh, niệm phật, lúc đầu nghe tiếng mõ, tiếng tụng kinh đều đều, cảm giác như muốn buồn ngủ, sau dần Nguyệt Hạ cảm nhận như có sự đốn ngộ trong mình. Rồi những buổi ngồi nghe sư Diệu Hoa nói về nhân duyên, nhân quả trong cõi phật, Nguyệt Hạ cảm ngộ ra nhiều điều cho bản thân mình. Nguyệt Hạ đã cởi lòng tâm sự mọi chuyện của mình với sư, đưa cho sư xem tấm hình của mẹ.

“Nếu đúng đây là mẹ con thì có lẽ ta đã từng gặp rồi”. Sư Diệu Hoa trầm ngâm như đang nhớ lại những sự việc trong quá khứ.
“Sư đã gặp mẹ con thật sao?”. Nguyệt Hạ vui mừng hỏi. Chả nhẽ đi mòn gót chân không thấy, lúc định buông xuôi lại gặp. Chả nhẽ những lời cầu khấn của mình đã đến tai Bồ Tát, Nguyệt Hạ thầm nghĩ.

“Cách đây khoảng chục năm, khi đó ta đang tu tại chùa Giác Lâm thì có một người phụ nữ đến chùa xin xuống tóc đi tu. Nhìn dáng vẻ dường như có nỗi khổ gì đó trong lòng, lớn lắm chứ không ít. Sư trụ trì lúc đó thấy vậy bảo cô chưa dứt được bụi trần không nên xuống tóc vội, và cho ở lại chùa. Cho đến khi cô ấy thật sự lấy lại sự thanh thản trong lòng, tâm đã tịnh, không còn vương vấn những nỗi trần ai nữa sư trụ trì mới xuống tóc cho cô ấy vào tu trong cõi phật. Sau khi ta về đây thì nghe đâu cô ấy đã ra Huế theo sư Diệu Thuần đi làm trụ trì ngoài đó rồi thì phải”. Sư Diệu Hoa kể cho Nguyệt Hạ những điều mình đã thấy, rồi bảo “Ta cũng không chắc lắm đấy có phải mẹ con hay không, nhìn tấm hình của mẹ con ta chợt nhớ đến cô ấy, cũng ánh mắt ấy, gương mặt ấy. Ta cho con cái địa chỉ ngôi chùa ngoài Huế, con ra đấy tìm xem. Thôi thì vạn sự tùy duyên, nếu đúng đấy là mẹ con thì con đã có thể thỏa cõi lòng, nhưng ta chắc sư ấy sẽ không trở về cõi tục nữa đâu. Còn nếu không phải, con cũng nên thanh thản về với cuộc sống của mình con ạ. Mọi sự rồi cũng qua. Mọi cái đều có nhân quả của nó, ta tin trời phật sẽ không phụ lòng con”.

Ghi cái địa chỉ, chào các sư trong chùa, Nguyệt Hạ lại tiếp tục ra đi với niềm hy vọng, mong mỏi cuối cùng, nếu như không gặp được mẹ cô quyết định quay về bên bà với những ấp ủ cho tương lai.

********
*****

Lần theo địa chỉ sư Diệu Hoa cho, Nguyệt Hạ đến ngôi chùa ở Huế hỏi thăm sư Đàm Nhẫn thì được biết sư Đàm Nhẫn đã không còn tu ở đấy nữa mà đã chuyển lên một ngôi chùa nhỏ hẻo lánh ở trên núi lâu rồi.

Giắt trong mình niềm hy vọng mong manh cuối cùng, Nguyệt Hạ vượt qua những con đường núi quanh co, vắng vẻ, cheo leo, một mình lên ngôi chùa vô danh trên núi theo lời chỉ dẫn. Lên đến nơi trong chút nắng chiều hiu hắt còn sót lại xuyên qua kẽ lá nhảy múa trên những viên đá cổng chùa, lưng áo Nguyệt Hạ đã thấm đẫm mồ hôi, gom chút sức lực còn lại vin cổng chùa ngồi thở. Ngôi chùa nhỏ im ắng đứng chơ vơ trên đỉnh núi, cô độc giữa trời chiều hoang vắng, trong tiếng lá khô rơi xào xạc, đâu đó tiếng chim về tổ xao xác giữa thinh không…

Nghe tiếng động một chú tiểu ở đâu đó chạy ra hỏi “A Di Đà phật! Thí chủ lên thắp hương chùa hay tìm ai?”

“Mô phật! Chú cho hỏi có sư Đàm Nhẫn ở chùa không ạ?”. Ở chùa mấy hôm Nguyệt Hạ đã học được ngôn ngữ nhà chùa phần nào, lễ phép hỏi chủ tiểu.

“Mô phật! Trụ trì đang tụng kinh trong chùa, thí chủ không gấp có thể vào chùa ngồi chờ..”.

Nguyệt Hạ theo chú tiểu ra sau chùa múc nước rửa ráy qua loa rồi vào chái chùa ngồi đợi với nỗi hồi hộp cứ dâng lên trong lòng. Liệu sư có phải mẹ của mình hay không? Nếu phải sư có nhận mình hay không, mẹ có tìm được bố hay chưa? Mình phải hỏi mẹ xem tại sao bao nhiêu năm mẹ ra đi không một lần trở về với bà, với mình? Không được, như thế chắc sẽ chạm vào nỗi đau trong lòng mẹ. Dù gì nếu đúng là mẹ, được gặp mẹ là tốt lắm rồi….Bao nhiêu câu hỏi, suy nghĩ nảy sinh trong đầu Nguyệt Hạ trong lúc ngồi chờ đợi.

Bên trong những tiếng tụng kinh đều đều vẫn vang vọng hắt ra, vương vất giữa không trung rồi vỡ vụn giữa trời chiều.

“A Di Đà phật! Thí chủ có chuyện chi cần gặp bần ni sao?”. Đang mải suy nghĩ Nguyệt Hạ giật mình bởi tiếng nói sau lưng. Ngước mắt nhìn lên Nguyệt Hạ chợt thấy một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng mình, có gì đó trong sâu thẳm bất chợt trỗi dậy để thấy một sự thân quen, gắn kết đến diệu kỳ.

“A Di Đà phật! Xin hỏi sư là sư Đàm Nhẫn”. Nén lại nỗi lòng, Nguyệt Hạ hỏi.

“Mô phật! Bần ni đúng là Đàm Nhẫn”. Sư nhìn Nguyệt Hạ chăm chú, đôi mắt phẳng lặng như nước hồ thu. “Mời thí chủ vào trong uống trà, có gì ta đàm đạo”.

Nguyệt Hạ theo sư vào trong mà lòng rối bời không biết bắt đầu từ đâu. Mẹ. Đây đúng là mẹ rồi. Không thể khác được. Những nét quen thuộc của bà, của mình trên gương mặt sư không thể lẫn đi đâu được. Bây giờ chả nhẽ hỏi sư có phải mẹ con không? Có nhớ đứa con gái bé bỏng ngày nào mẹ để lại cho bà không? Hỏi thẳng như thế có đường đột quá không, nhỡ chỉ là giống thôi, không phải thì sao. Nhưng dù gì thì cũng phải hỏi cho ra nhẽ.

Sư pha một ấm trà nhài thoảng thoảng thơm. Đấy, lại là trà nhài. Bà vẫn hay bảo với Nguyệt Hạ, hồi mẹ mày ở nhà cũng hay thích uống trà nhài là gì.

“Thí chủ tìm bần ni có chuyện gì vậy?”. Sau khi nhấp một ngụm trà, sư Đàm Nhẫn ngước lên hỏi.

“Con muốn hỏi thăm sư về một người”. Nguyệt Hạ bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Và những câu chuyện của mẹ, của mình, của bà, của người bố mới chỉ nghe tên, của những người nữ thanh niên xung phong ngày nào được Nguyệt Hạ xắp xếp kể lại và cả hành trình tìm mẹ của mình với bao nhiêu gian lao, vất vả với niềm hy vọng chỉ cần được gặp mẹ một lần. Vừa kể những giọt nước mắt ngắn dài cứ chảy dài trên đôi má, chảy lần xuống đôi bàn tay đang nắm chặt vào nhau lẫn trong tiếng ấm ức, đôi mắt chờ mong đang nhìn vào sư để tìm câu trả lời…

Sư vừa nghe Nguyệt Hạ kể câu chuyện của đời mình, đời những người xung quanh mình bằng đôi mắt chăm chú và vẫn phẳng lặng như mặt hồ thu, những thớ thịt gương mặt sư thi thoảng giật giật khe khẽ, phải tinh ý lắm mới nhận được ra. Những điều ấy không qua được cặp mắt chăm chú của Nguyệt Hạ.

Cuối cùng Nguyệt Hạ quyết định hỏi thẳng sư: “Sư có phải là mẹ Miên của con không?”, rồi ngước đôi mắt đẫm lệ đợi chờ.
“Mô phật! Ta rất thấu hiểu và thông cảm cho tình cảnh của con. Nhưng ta rất tiếc phải nói với con rằng, ta không phải mẹ Miên của con đang kiếm tìm. Ta tứ cố vô thân không còn ai thân thuộc, cuộc đời ta cũng đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, ta không muốn nhớ lại nữa. Ta quy y cửa phật chỉ cầu mong sự thanh thản, bình an cho lòng mình. Giờ ta không còn ai thân thích nữa. Ta giờ ở đây sớm tối bầu bạn với núi rừng, với tiếng chuông chùa nhang khói cầu siêu cho những anh linh đã ngã xuống cho mảnh đất này. Ta cầu mong con sớm tìm lại được mẹ của mình. Nay trời tối rồi, con ở đây dùng bữa cơm chay với nhà chùa rồi mai con hãy về kẻo muộn”.

Nghe sư nói vậy lòng Nguyệt Hạ chợt chùng xuống, mặc dù nhận ra sự thay đổi cách xưng hô một cách vi diệu ở sư, nhưng những gì sư nói vẫn làm Nguyệt Hạ hụt hẫng, thất vọng.

Đêm nằm Nguyệt Hạ cố tìm ra một lí do để mẹ không nhận lại mình. Bởi cô biết chắc chắn đấy là mẹ của mình. Phải có gì đó làm mẹ không nhận lại đứa con, cái núm rốn của mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày đã bao năm nay không một lần gặp mặt. Hay tại mình mà mẹ mất mặt với họ hàng, chòm xóm, mẹ phải ra đi để trốn tránh nỗi nhục nhã này…có phải chăng? Nếu thế mình gặp lại mẹ càng làm cho mẹ thêm căm ghét mình hơn? Hay mẹ đã đoạn tục với cõi trần như sư Diệu Hoa đã nói, không còn bất cứ điều gì vương vấn với cõi trần ai đầy bụi bặm này nữa…hay…hay…hay…

Bao nhiêu giả thuyết được đưa ra để tìm một câu trả lời. Nguyệt Hạ trằn trọc cả đêm trên tấm phản, thi thoảng nghe đâu đó nhẹ nhàng trong gió tiếng trở mình của sư Đàm Nhẫn ở phòng bên…

Gần sáng chập chờn trong giấc ngủ mộng mị, Nguyệt Hạ chợt tỉnh giấc bởi tiếng tụng kinh văng vẳng đâu đó cùng với tiếng quét sân xào xạc của chú tiểu trước chùa. Trong lòng đã quyết, Nguyệt Hạ đi ra chào sư “A Di Đà phật! Chào sư, con đi”. “Con cầm nắm cơm đi đường mà ăn không đói, đường phía trước còn dài”. Sư đặt vào tay Nguyệt Hạ nắm cơm còn nóng hổi “Chúc con bình an!”.
Đút nắm cơm vào túi. Ra trước cổng chùa Nguyệt Hạ quỳ gối hướng vào chùa gập mình lạy ba lạy rồi đứng dậy quả quyết bước xuống núi. Đi được ba bước bất chợt ngoái lại, thấy sư Đàm Nhẫn đang nhìn theo chợt ngoảnh mặt đi đưa tay lên che mặt như đang gạt đi dòng nước mắt nóng ấm.

Dù gì đi nữa lòng Nguyệt Hạ cũng đã thấy thanh thản hơn, chắc chắn mẹ có nỗi niềm riêng không thể nói.
Với Nguyệt Hạ tương lai vẫn còn đang phía trước.

Đằng đông mặt trời đang ló dạng, tưới ánh nắng ban mai lên khắp núi rừng…

*********
****

Sau bao ngày đằng đẵng ngóng con, chờ cháu, khi thấy Nguyệt Hạ về nhà một mình, lòng bà ngoại chợt chùng xuống. Nhìn đứa cháu nhỏ nhoi, bé bỏng hốc hác và gầy rộc đi trong cơn gió heo hút bà chỉ biết ôm cháu vào lòng, vuốt ve mái tóc rồi bảo “Con về là tốt rồi, ngoại mong con từng ngày”, ngoại thương đứa cháu vừa mới sinh ra đã phải chịu bao miệt thị của miệng đời, sống côi cút thiếu thốn tình cảm mẹ, cha, nó nào có lỗi lầm gì, mẹ con nó nào có lỗi lầm gì. Tất cả chỉ tại chiến tranh. Thế rồi chưa đầy 20 tuổi nó lại một thân một mình bươn chải dọc đất nước để tìm mẹ, để rồi lại trở về trong đớn đau, thất vọng. Sau khi nghe Nguyệt Hạ kể lại hành trình tìm mẹ của mình bà chỉ thở dài rồi bảo “Thôi con ạ, chắc mẹ con có nỗi đau riêng không muốn cho con biết, chứ không người mẹ nào nỡ dứt bỏ giọt máu của mình đẻ ra đâu con. Con về đây rồi bà cháu mình nương tựa vào nhau, con còn tương lai phía trước, cố gắng học rồi kiếm lấy cái nghề mà sống con ạ..”. Những lời ngoại nói với mẹ năm nào nay lại được nói lại với Nguyệt Hạ.
Thôi, những gì thuộc về quá khứ hãy để cho nó qua. Bố giờ không biết sống chết nơi nào, chỉ cầu chúc cho ông nếu còn sống hãy sống cho tốt và có cuộc sống hạnh phúc, không biết ông có biết rằng có giọt máu rơi của ông năm nào đang cầu chúc cho ông hay không. Còn mẹ đã gửi thân nơi cửa thiền, chỉ mong sao mẹ sống bình an, thanh thản, không còn vướng bận bụi trần ai, quên đi những khổ đau cuộc đời đã mang lại cho mẹ. Mình sẽ chăm sóc ngoại cho đến cuối đời. Nguyệt Hạ thầm nhủ như vậy.
Nguyệt Hạ quyết định bỏ lại sau lưng với những dòng ký ức ngổn ngang, bỏ lại tất cả những sự dè bỉu, miệt thị của người thân, xóm làng, bước qua tất cả thiếu thốn, khó khăn để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Nguyệt Hạ lao vào ôn thi những kiến thức đã ngủ quên để thi Đại học.

Năm đầu tiên thi Sư phạm, thiếu 1 điểm, không đỗ. Không nản chí, năm sau đăng ký thi 2 trường là An ninh và Kinh tế đều đủ điểm đỗ. Nguyệt Hạ định vào An ninh, nhưng với cái hồ sơ mơ hồ về thân phận người cha, Nguyệt Hạ bị loại, dù cho đủ điểm. Vậy là vào học Kinh tế.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng khá, Nguyệt Hạ xin vào làm kế toán một công ty trên thành phố. Ngoài công việc ra, rảnh rỗi Nguyệt Hạ lại tranh thủ về thăm ngoại, chăm sóc ngoại. Mỗi lần về Nguyệt Hạ chỉ thích vùi mặt vào mái tóc đã ngả màu của ngoại mà hít hà các mùi hương của quê nhà trên tóc ngoại, từ hương bưởi, bồ kết, hương nhu….Mỗi lần như thế ngoại lại mắng “Tiên sư bố nhà cô, lớn tướng rồi, vẫn như con nít ấy. Lấy chồng đi cho ngoại có chắt bế”, rồi mắt ngoại lại hướng nhìn về xa xăm. “Con chả lấy chồng đâu, con sẽ sống với ngoại đến già, lấy chồng mệt lắm…”.

Mỗi lần nhìn ánh mắt ấy Nguyệt Hạ biết rằng trong lòng ngoại vẫn chưa hề nguôi ngoai về người con gái của ngoại ở nơi xa. Và Nguyệt Hạ cũng biết trong sâu thẳm lòng mình vẫn không thể quên đi được hình ảnh nhà sư Đàm Nhẫn trong ngôi chùa trên đỉnh núi, trong buổi ban mai quay đi gạt dòng nước mắt, dù nhiều lúc dặn lòng phải quên đi quá khứ….

Thi thoảng rảnh rỗi hai bà cháu hay cùng nhau lên chùa làm công quả. Nguyệt Hạ cũng muốn đi lên chùa để cảm nhận sự tĩnh lặng hơn và cũng cảm thấy mình có nhân duyên hơn với nhà chùa sau lần được nhà chùa cứu giúp.

Một ngày đang làm nhận được điện báo bà ngoại ở nhà ngã gãy chân. Bỏ dở công việc Nguyệt Hạ về ngay. Bà đợt này có vẻ yếu hơn, trong một lần ra giếng múc nước đã trượt chân ngã, hàng xóm phát hiện ra. Nguyệt Hạ đưa ngoại đi viện băng bó. Nhưng xương cốt người già khó liền hơn con trẻ, nằm viện một thời gian, xương chưa liền nhưng ngoại đòi về nhà, ngoại bảo không chịu được mùi bệnh viện.

Sức khỏe của ngoại ngày một yếu dần. Dù cho Nguyệt Hạ mời cả bác sỹ trên tỉnh về khám, chữa. Mỗi lần nhìn ngoại cố gắng trệu trạo nuốt từng thìa cháo cho đứa cháu vui lòng, Nguyệt Hạ lại thấy nhói lòng. Nhiều lúc nghe ngoại chép miệng thở dài “Giá như ngoại được nhìn thấy mẹ con lần cuối” thì trong lòng Nguyệt Hạ lại muốn quay trở vào Huế cho dù bằng giá nào cũng phải kêu mẹ ra cho bà thỏa ước nguyện.

Lòng đã quyết, Nguyệt Hạ nhờ cô, dì, chú, bác ở nhà chăm sóc bà mấy ngày rồi bắt xe vào Huế tìm mẹ về cho bà.

Lần ngược lên đỉnh núi khi xưa đã từng lên, Nguyệt Hạ thấy cảnh sắc mấy năm qua hầu như vẫn không có gì thây đổi, chỉ có cây cối rậm rạp, tốt hơn lên, ngôi chùa vẫn thế nhưng có vẻ hoang phế hơn xưa. Từng lớp rêu phủ xanh bên ngoài lớp tường gạch. Trong chùa vẫn sạch sẽ, u tịch, thi thoảng từng chiếc lá chao nghiêng trong gió đậu xuống sân chùa. Vẫn văng vẳng đâu đó tiếng gõ mõ, tụng kinh đều đều. Không biết sư Đàm Nhẫn có còn tu ở đây hay không? Nguyệt Hạ tự hỏi.

50265747_1487032094762574_7177943103934824448_n.jpg

Chào chú tiểu ngoài sân chùa xong, Nguyệt Hạ đi vào trong chùa, nhận thấy bóng dáng quen thuộc của sư Đàm Nhẫn trên bồ đoàn đang tụng kinh, Nguyệt Hạ nhẹ nhàng quỳ xuống bên cạnh làm lễ với chư phật ở trên.

“Thí chủ quay lại đây có việc gì không? Thí chủ đã tìm được mẹ chưa?”. Sau khi tụng kinh xong ra bàn trà sư Đàm Nhẫn hỏi Nguyệt Hạ.

Thời gian không có, Nguyệt Hạ không rào trước đón sau nữa mà vào luôn thẳng vấn đề: “A Di Đà phật! Con biết là sư trước đây có nỗi khổ trong lòng, giờ sư đã vào cõi tu hành, con cũng không muốn quấy quả sự u tĩnh của sư nếu như không có việc hẳng đặng đừng. Con biết sư là mẹ của con, sư có thể không nhận con, con biết vậy là được rồi. Nhưng sư không thể không nhận đấng sinh thành ra mình được, sư có biết bà ngoại con giờ đã rất yếu rồi không, ngoại có thể về với Phật tổ bất cứ lúc nào, nguyện vọng cuối cùng của ngoại chỉ là muốn gặp lại người con gái của ngoại đã lưu lạc bao lâu nay thôi, bác mất ngoại đã không được nhìn mặt bác, giờ ngoại sắp về cõi niết bàn chả nhẽ ngoại cũng không gặp được con của ngoại hay sao?”, giọng Nguyệt Hạ vừa mang vẻ lạnh lùng, vừa mang vẻ cầu khẩn. Định bụng không rơi nước mắt nhưng rồi nó vẫn cứ tự tuôn rơi.

“Con cũng không định vào đây lẫn nữa đâu, con muốn giờ phút này ở bên chăm sóc ngại cơ, nhưng vì ước nguyện của ngoại, con phải lặn lội vào đây, chỉ muốn nói với sư vài điều vậy thôi. Còn tùy sư quyết định. Nếu con có quấy quả sư tu hành của sư, khi về con sẽ sám hối với Phật tổ và cầu người tha thứ”. Nguyệt Hạ ngậm ngùi nói rồi đứng dậy “Con chào sư con về, không ngoại con mong”.
Bước ra sân, Nguyệt Hạ nghe tiếng sư gọi với ở phía sau “Con chờ ta”. Giao công việc lại cho chú tiểu xong sư Đàm Nhẫn sóng bước cùng Nguyệt Hạ xuống núi.

“Con nói đúng, đi tu không phải là nhất thiết phải vứt bỏ tất cả phía sau lưng, có những điều nên buông bỏ, nhưng có những điều không thể buông bỏ. Một khi tâm đã không an thì làm sao tu được. Cảm ơn con đã giúp ta hiểu ra”. Nghe sư nói Nguyệt Hạ chợt cảm thấy trong lòng vui vui.

Trên đường về dù gấp gáp nhưng hai mẹ con Nguyệt Hạ cũng tranh thủ tạt vào nhà bà Lan bên cầu Hiền Lương. Sự gặp mặt sau bao năm xa cách mừng mừng, tủi tủi, biết bao nhiêu chuyện để nói. Bà Lan giờ cũng đã yếu đi nhiều.

Thời gian gấp, chỉ kịp hàn huyên ít câu chuyện, thắp nén nhang cho đồng đội đã khuất, hai người lại phải đi ngay.
Thấy con gái về bà ngoại mừng lắm, như được tiếp thêm sức sống, bà vui vẻ, đối mắt hấp háy sáng lên, ăn được nhiều hơn, sức khỏe cảm giác như dần dần hồi phục, Sư Đàm Nhẫn (không, với mẹ thì vẫn là cô Miên năm nào) chỉ biết ôm mẹ già trong nước mắt và nói lời xin lỗi ngàn lần. Mẹ chỉ cầm tay Miên bảo “Con đã vất vả, cực khổ quá rồi…Con về là mẹ vui lắm rồi. Bao năm qua con đã làm gì và lưu lạc tận những nơi đâu? Còn bố con bé thì sao?”. Bà ngoại hỏi mà ánh mắt ngước nhìn sang cháu ngoại. Đó cũng là câu hỏi Nguyệt Hạ muốn nghe thấy câu trả lời từ mẹ. “Bố cháu..bố cháu…mà thôi mẹ ạ, những chuyện đã qua con không muốn nhắc lại và nhớ lại làm gì nữa. Con chỉ mong mẹ mạnh khỏe sống nốt quãng đời còn lại là con vui lắm rồi, con không mong gì hơn nữa…”.
Bà ngoại hồi phục nhanh chỉ là chút đốm lửa tàn trước gió, chợt bùng lên rồi tắt lịm. Bà ngoại đi sau khi mẹ Nguyệt Hạ về được gần 1 tháng.

Lo cho mẹ xong, sư Đàm Nhẫn xin lên tu ở ngôi chùa gần làng, đồng thời cũng mang tro cốt của mẹ đã hỏa táng gửi vào chùa để ngày đêm hương khói. Nguyệt Hạ đi làm lại, thi thoảng lên chùa vừa thăm mẹ, vừa khói nhang cho bà, cho bác, vừa để tĩnh tâm, cầu mong cho bố ở nới nào đó bình an, hạnh phúc. Từ ngày mẹ về, đưa lại chiếc ảnh của bố đã được ép cẩn thận cho, lúc ấy Nguyệt Hạ mới biết mặt bố mình qua ảnh, từ trước toàn hình dung qua lới kể của bà. Nhiều lúc Nguyệt Hạ muốn phóng to ảnh bố cho lên ban thờ, nhưng rồi nghĩ thế nào lại thôi. Nguyệt Hạ kẹp ảnh của bố trong ví, lúc nào cũng mang theo mình.

Mẹ về được một vài năm thì phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Nguyệt Hạ muốn đưa mẹ đi chữa trị, nhưng mẹ một mực không đi, “Đừng để tốn kém thêm con ạ. Mẹ biết sức khỏe của mình, có lẽ những năm tháng trong chiến trường, rồi những năm mẹ phiêu bạt khắp nơi đã ươm mầm bệnh trong mẹ rồi. Mẹ sẽ thanh thản về với bà, với bác con ở cõi niết bàn. Mẹ chỉ lo cho con một thân một mình côi cút trên cõi đời này thôi. Nếu có điều kiện hãy cứ nghe ngóng tin tức của bố con, mẹ cũng chưa gặp được ông ấy…”.
Mẹ chỉ nói với Nguyệt Hạ những điều như vậy rồi xuôi tay về với bà ngoại. Nguyệt Hạ cũng gửi mẹ lên chùa.

Chỉ còn lại một mình, Nguyệt Hạ cảm thấy vắng vẻ, trống trải khi ở trong căn nhà của ngoại để lại, không còn một ai thật sự thân thích bầu bạn sớm chiều. Nguyệt Hạ cũng buông bỏ không kiếm tìm thông tin về bố của mình nữa. Thi thoảng ý nghĩ gửi thân lên chùa trong những tháng ngày còn lại cứ xuất hiện trong đầu Nguyệt Hạ.

Trong một lần gã trưởng phòng mới về cơ quan giở trò sàm sỡ, Nguyệt Hạ quyết định viết đơn xin nghỉ việc, về làng rồi xin vào chùa xuống tóc đi tu. Là ngôi chùa mà mẹ tu trước khi mất. Nguyệt Hạ cảm thấy rằng mình có duyên với cõi phật mất rồi. Nguyệt Hạ nhẹ lòng vào chùa mà không vướng bận điều gì, hằng ngày hương khói cầu cho những người thân yêu đã về cõi niết bàn mau siêu thoát. Hành trang mang theo chỉ có tấm ảnh đen trắng của người lính lái xe năm nào vượt Trường Sơn đã vô tình để lại trên cõi đời này một giọt máu đơn côi với cô thanh niên xung phong bên con suối, dưới ánh trăng thượng tuần, giờ đây không biết sống chết ra sao.

********
*****

Tôi thẫn thờ ngồi nghe câu chuyện của sư cô trong một buổi chiều nhạt nắng, bên dưới gốc cây hoa đại thoang thoảng thơm. Cảm giác như câu chuyện ở miền nào đó xa lắm, không phải của một người như sư cô. Tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn sư. Bố tôi bỏ mẹ con tôi đi từ khi tôi còn nhỏ tí không còn đọng lại chút ký ức nào trong tôi. Lớn lên mẹ không kể, tôi cũng không gặng hỏi mẹ về bố, chỉ lặng lẽ làm bạn, sống với mẹ. Tôi học xong ra trường, về dạy ở gần đây. Rồi tôi lấy chồng, sinh con, những tưởng rằng cuộc sống yên ả trôi đi. Nhưng rồi chồng tôi ngoại tình, bỏ mẹ con tôi đi theo cái mà anh ta gọi là tiếng gọi của tình yêu. Tôi những tưởng rằng mình đã là vất vả, cực khổ lắm rồi, nhưng so với sư cô tôi thấy mình may mắn hơn nhiều vì vẫn còn có mẹ, có con gái bên mình. Hoàn cảnh gần tương tự như nhau dễ dẫn đến những điều đồng cảm.

Sau khi kể cho tôi nghe xong câu chuyện của đời mình, sư cô lấy trong người ra một tấm hình đen trắng chìa ra trước mặt tôi rồi bảo “Đấy ông ấy đấy, người bố tôi mới chỉ được ngắm qua hình, tôi không trách gì ông ấy cả, vì có ông tôi mới hiện hữu trên cõi đời này, tôi hằng ngày vẫn luôn cầu chúc cho ông ấy bình an, hạnh phúc ở phương trời xa nào đấy, nếu như ông còn sống….”.

Nhìn kỹ tấm hình, dù đã mờ đi ít nhiều nhưng những nét đặc trưng trên khuôn mặt vẫn không mất đi. Càng nhìn tôi càng sững người, cảm giác lạnh buốt sống lưng, mắt tôi chợt mờ đi, tai ù không nghe thấy lời sư cô đang nói. Vẫn ánh mắt ấy, nụ cười ấy, gương mặt ấy, dù cho có khác đi chút ít do góc chụp, nhưng không thể sai được, người đàn ông ấy không khác gì người đàn ông trong tấm ảnh kẹp trong cuốn album của mẹ tôi, người mà tôi phải gọi bằng Cha….

*******
*****

“….ngày….tháng….năm….

Em!

Anh không biết mình nên bắt đầu với em như thế nào.

Có lẽ khi đọc những dòng chữ này xong em sẽ cho anh là người người đàn ông chẳng ra gì, rồi mai này con nó lớn nó cũng sẽ cho rằng anh là người bố đã từng phụ bạc mẹ nó mà ra đi.

Dù sao đi nữa anh cũng đã rất cảm ơm em trong những tháng ngày qua đã cho anh một gia đình ấm êm, một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Cám ơn em khi đã dám đón nhận anh, một kẻ gần như tàn phế từ chiến trường trở về với thân hình không còn lành lặn, mà thiếu khuyết so với mọi người.

Anh đã có những tháng ngày cực khổ, mất hết niềm tin và hy vọng, anh chỉ muốn chết đi cho xong cái kiếp người của mình, nhưng em đã mang đến cho anh chút ánh sáng cuối con đường.

Anh cũng đã kể cho em nghe về gia cảnh, cuộc đời mình, nhưng cũng có những chuyện anh vẫn mãi giưc nguyên trong lòng để chỉ là của riêng anh mãi mãi khi mà quá khứ đã lùi xa, chiến tranh đã qua đi và anh những tưởng mọi cái đã chôn vùi sâu xuống ba tấc đất, nhưng rồi, cũng chẳng ai học được chữ ngờ…

Anh đã kể cho em nghe về gia đình anh đã mất trong trận bom tàn phá phố Khâm Thiên, khi anh ở chiến trường ra thì bố mẹ, em gái anh cùng với ngôi nhà, tất cả đã thành tro bụi, chỉ chỉ có thể đắp cho họ những ngôi mộ gió với một nỗi buồn đau, khắc khoải khôn nguôi, giá như ngày đó anh ở đó cùng họ, được ra đi cùng họ…

Anh đã kể cho em nghe về cái ngày vượt Trường Sơn định mệnh ấy của anh. Khi lái xe vượt sang đất Lào đã bị bom Mỹ đánh trúng đội hình, anh đã bị thương vào đầu, bị mất một bàn tay. Anh đã phải nằm bên đất bạn Lào, chuyển về Tây Nguyên điều trị. Rồi anh được chuyển ra Bắc về trạm thương binh nơi em là y sĩ, anh đã được em chăm sóc, đã đem lòng yêu thương anh, đã chấp nhận kết bạn trăm năm với anh…

Nhưng có một điều anh chưa bao giờ kể với em, bởi anh muốn giữ nó cho riêng mình. Đó là trong những năm tháng chiến tranh, làm bạn với chiếc vô lăng, một lần anh được một cô gái thanh niên xung phong ngỏ lời xin một đứa con trong một lần tình cờ anh đi lấy nước chờ thông đường vượt tuyến. Anh đã được nghe những câu chuyện về những nữ thanh niên xung phong trong những câu chuyện của bạn bè, đồng đội, về sự thiếu thốn tình cảm, sự thiếu thốn hơi hướm đàn ông của họ. Thực lòng lúc ấy anh nửa muốn giúp, nửa lại không, nhưng rồi mọi cái đã đến. Lần đầu tiên của anh với người con gái ấy làm cho anh không thể quên được cô ấy, anh chỉ kịp biết cô ấy tên Miên, trên cung đường 20- Quyết Thắng, chứ không kịp biết cô ấy quê ở đâu. Anh dự tính nếu có dịp qua anh sẽ nói với cô ấy hết mọi dự định của mình mà hôm đó anh chưa kịp nói.

Thế rồi cuộc chiến cứ cuốn anh đi, chiếc xe của anh đã băng qua mọi nẻo đường chiến dịch, nhưng cũng chưa có lúc nào quay lại con đường 20 ấy. Cho đến một lần chở thương binh quay ra trên con đường ấy anh biết tin cả đội đã trúng bom hy sinh hết cả. Anh đã thất vọng, nghĩ rằng mình chẳng còn gì để mà hy vọng trên cõi đời này nữa, gia đình mất, người con gái anh thương cũng hy sinh, anh chỉ kịp lên chỗ cô ấy ở thắp nén hương cầu mong cô ấy ở nơi nào đó biết được tấm lòng của anh. Nếu không vì cuộc chiến chưa tàn thì anh đã không còn thiết sống nữa…với anh mọi cái đã hết cả rồi.

Thế rồi, vừa qua khi anh tham gia cuộc gặp mặt các chiến sĩ lái xe năm xưa gặp nhau lần đầu khi cuộc chiến tranh đã qua đi anh bất chợt nghe được tin cô ấy vẫn còn sống và có con với anh, và cô ấy đã từng đi tìm anh thì anh biết rằng mình không thể cứ bình lặng sống cuộc sống của mình bỏ mặc mẹ con cô ấy được em ạ.

Hôm ấy một người lính lái xe tăng năm xưa trên đường vào Nam đã gặp cô ấy ở Huế, cô ấy đã mang hình anh hỏi thăm và có nói đi tìm bố cho con gái. Hôm ấy anh ta chỉ nhân câu chuyện kể cho mọi người nghe, chứ không biết người cô ấy tìm là anh, vì anh ấy không biết anh. Qua câu chuyện, khi hỏi kỹ càng thì anh biết đó chính là Miên, chứ không còn ai khác.

Cho nên anh phải đi tìm Miên, tìm con gái, giọt máu anh đã bỏ rơi bao năm nay mà không biết, bấy lâu nay anh cứ cho rằng cô ấy đã hy sinh cùng đồng đội, trong lòng anh đã để tang cô ấy mà đâu biết cô ấy đang cực khổ tìm anh…

Anh sẽ phải đi tìm cô ấy, bằng mọi giá…

Anh biết em sẽ hụt hẫng, đau khổ, nhưng anh tin em sẽ vượt qua. Khi con lớn em cho nó biết hay không là quyền của em. Có thể anh không xứng đáng với em, với tình yêu em giành cho anh nhưng anh vẫn muốn nói với em rằng: anh yêu em.

Hãy tha thứ cho anh, nếu có thể…

Còn nếu không hãy cứ coi như anh là thằng đàn ông bỏ đi, em nhé…

Yêu em. Hôn em….
Hoàng Quân”


Sau khi tôi về mang theo cục thắc mắc to tướng hỏi mẹ thì được mẹ mang ra một lá thư đã cũ đưa cho tôi, giấy đã ố màu, trên đó là những nét bút cứng cỏi đã phai màu mực theo thời gian…

Đọc xong, mẹ nhìn tôi nói “Mẹ không nói với con bấy lâu nay vì mẹ muốn con sống bình an, thanh thản không bị vướng bận về những điều trong quá khứ…”, tôi không biết nói gì. Chỉ tự hỏi: Bố tôi, giờ đang ở đâu?


HẾT
TG: Nguyễn Công Đức

***************

(*)Bệnh Hysteria gọi nôm na là bệnh Thiếu đàn ông, trong bảng phân loại bệnh quốc tế nó được gọi là rối loạn phân ly, thường gặp ở phụ nữ. Khi bị bệnh sẽ gây rối loạn cảm xúc: kêu khóc, cảm xúc hỗn độn, nói không chuẩn, không ăn nhập với chủ đề xung quanh, gào thét không rõ lý do, ý thức bị rối loạn

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
cau chuyen chùa phước linh cuộc chiến ngôi chùa nhỏ người lính trong tim tôi so phan tham dự cuộc thi viết văn thanh niên xung phong vào chùa
1K
2
2

CÔNG ĐỨC

Thành Viên
6/12/20
34
45
18,000
44
Xu
0
Như Chú tác giả có đề cập từ ngay đầu tác phẩm: dựa trên câu chuyện có thật. Truyện ngắn này xuyên suốt là câu chuyện được kể về cuộc đời của nữ Thanh niên xung phong vào chiến trường (Quảng Trị) tên Miên. Chuyện có thật song dưới ngòi bút được kể có nút thắt, nút mở nhiều lần. Và lần cuối cùng: "Bố tôi, giờ đang ở đâu? " là niềm khắc khoải không chỉ của nữ nhân vật tôi - người lắng nghe toàn bộ câu chuyện mà còn với cả độc giả chúng ta. Và nhân vật tôi ấy cũng không ngờ, cô cũng chính là một người ở chính trong câu chuyện ấy - lịch sử gia đình.

Với cá nhân, cháu có hơi tiếc một chút là nhân vật - cô Miên không được khắc hoạ chi tiết hơn.
VanhoctreTruyện này là câu chuyện đầu tiên viết về người lính, mất 2 năm liền mới hoàn thành được, có lẽ cũng vì lần đầu viết nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc khắc họa nhân vật...
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top