Ăn phải trông nồi, ngồi phải trông hướng

Ăn phải trông nồi, ngồi phải trông hướng

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Từ ngàn xưa, ông bà mình đã dạy ăn phải trông nồi, ngồi phải trông hướng. Nghĩa là từ những chuyện nhỏ nhất như ngồi ăn cơm cùng gia đình, cùng tập thể mình phải biết nhìn mọi người xem đã đầy đủ chưa, sắp xếp chỗ ngồi có hợp lí không? Ngày xưa còn thiếu thốn, cơm ăn có khi chưa đủ no, không chỉ bởi no bụng mình mà ăn cạn miếng cháy cuối cùng, phải xem còn ai chưa ăn để phần lại, xem người khác ăn đã no chưa, mỗi người nhìn nhau nhường một chút, tất cả mọi người đều hài lòng. Ngoài ra còn chuyện vai vế trong mâm cơm Việt. Ngày xưa còn có nồi cơm tro, tất cả thành viên quây quần trong chiếu xoay quanh mâm cơm tròn, không thể để người già và khách ngồi đầu nồi xới cơm, đĩa đồ ăn ngon (thường tính là thịt thà) sẽ được xếp gần khách hơn.... Những quy định trong mâm cơm ấy dần dà thành những ý nghĩa rộng hơn khi con người trưởng thành hơn, đi ra xã hội. Đó là việc mỗi người phải nhìn vào tình huống hoàn cảnh để xử lí khéo léo theo hoàn cảnh đó. Không thể mời người Hindu ăn heo bò, cũng không thể mời người theo đạo Phật ăn thịt cá, không thể ép trẻ em ăn chay...Không thể đi Chùa mặc quần áo ngắn, đi đám ma mặc váy xòe, đi đám cưới đội khăn tang. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có văn hóa riêng, kiêng kị riêng. Mỗi nhà có quy định riêng về giờ giấc, quy định, mỗi người cũng có thói quen riêng, tính nết riêng.... chúng ta cần học cách quan sát và tìm cách hợp lí nhất để hài hòa lối sống. Không thể luôn nghĩ cho mỗi bản thân mình, sống theo ý thích của mình.

ăn trông nồi ngồi trông hướng.png
n phải trông nồi, ngồi phải trông hướng)

Có thời, dạy trẻ thơ, người ta quá chú trọng tới những phẩm chất cao siêu đến thành diệu vợi. Nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: đi đứng, ăn nói, ứng xử... Nói chung là hành vi của con người. Phẩm giá của mỗi người được xác lập dần dà từ đó. Bởi, con người trước hết là con người xã hội, chúng ta phải quan hệ với người khác trong cộng đồng. Nhỏ là một gia đình. Rộng hơn là làng xã, phố phường, cơ quan... Từng người mẫu mực làm thành cộng đồng người mẫu mực. Khi ấy thì, nói như Chế Lan Viên:

Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn


Một trong những lời khuyên bảo liên quan tới điều vừa nói được người xưa đúc kết thành câu tục ngữ quen thuộc: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Khởi đầu từ những việc rất cụ thể: ăn thế nào? ngồi thế nào? Chẳng là xưa kia, sống trong đại gia đình dòng tộc, thường chẳng dư giả gì. Cơm ăn lắm khi cũng thiếu. Đông người ăn, còn hết, nhiều ít lắm khi không để ý. Nhất là khi có thực khách. Chuyện mời ăn ở thôn quê như... cơm bữa. Tỏ thân tình, mật thiết mà! Vậy nên rất dễ "lố"- "lố" một cách vô tình. Tốt nhất là hãy để ý tới nồi cơm để tránh những gì nên tránh. Đẹp mặt mình mà cũng vừa lòng người khác. Ăn trông nồi là thế! Còn ngồi trông hướng? Hướng ở đây không hẳn là bốn phương, tám hướng. Hướng là vị thế ngồi trong tương quan với người khác. Tùy ở cương vị, giới tính và tuổi tác. Trong gia đình và ngoài xã hội. Phải nhận biết để điều chỉnh hàng vị. Có sự khác biệt nhất định giữa chủ và khách, giữa yếu nhân và người thường, giữa già và trẻ, giữa nam và nữ... Cũng cần phải lưu tâm đến không khí: trọng thể hay thân mật, vui vẻ hay buồn đau, thân hay sơ... Tất cả phải được xác định cho rành rọt. Để ứng xử cho phải nhẽ!

Tuy nhiên, ý nghĩa của câu Ăn trông nồi, ngồi trông hướng từ lâu đã được mở rộng, đúng hơn là được bồi đắp, không còn chỉ là chuyện ăn, chuyện ngồi nữa. Nó nhắc nhở chúng ta cần có phong thái, cử chỉ thích hợp trong một tình huống nhất định. Cuộc đời lại rộng dài. Chẳng thể có cách thức chung, lời giải chung cho mọi nơi, mọi lúc. Tốt nhất là thấm nhuần những quy tắc. Dựa vào đó, mỗi người vận vào tình huống của mình. Đó là người tinh nhạy và là người tự trọng. Họ ý thức được phẩm giá của mình và biết hành xử theo phẩm gía ấy.

Tôi nhớ một lần ăn ở một nhà hàng. Đập vào mắt tôi là hai hình ảnh hoàn toàn tương phản. Một thanh niên chân gác lên ghế, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả, thỉnh thoảng cười ré lên với người bạn ngồi đối diện. Anh ta thuộc một thang bậc giá trị. Còn đây, một người đàn bà trung niên, có lẽ là một viên chức, lại thuộc một thang bậc giá trị khác. Chị ăn diện không sang trọng, cũng không diêm dúa, nhưng ngay ngắn và đúng mực. Lúc ấy khách đông. Chị nhanh chóng chọn một chỗ trống, kéo ghế đúng tầm, ngồi xuống. Rồi chị cầm đũa, thìa, và cơm, xỉa răng, uống nước... rất là thận trọng, lịch thiệp. Dường như mọi động thái dù là rất nhỏ nhất ở nơi chị đều được cân nhắc. Vì chị là người có ý thức về phẩm cách, giá trị của mình. Gía mà ai cũng được như vậy, cuộc sống sẽ đẹp, sẽ đáng sống biết bao!

Một chuyện khác, ở Liên Xô cũ. Hôm ấy, tôi cùng một người bạn thôn quê mới sang theo diện xuất khẩu lao động đi trên một chuyến tàu hỏa Lêningrát. Chung quanh hầu như không có người Việt nào, trừ hai chúng tôi. Tôi hiểu, tốt nhất là nên im lặng. Nói tiếng nước mình giữa những người xa lạ là không nên. Nếu không thể không nói thì nên nói nhỏ và chớ dơ tay, càng không nên chỉ chỉ chỏ chỏ. Bạn tôi lại không thế, cứ oang oang. Rồi vung tay, múa chân. Tôi đỏ mặt vì mắc cỡ. Đầu tiên tôi nhắc nhẹ nhàng. Không hiệu quả. Đã thành thói quen mất rồi. Chịu không nổi, chẳng cần ý tứ gì nữa, tôi thẳng thừng yêu cầu anh ta ngồi im và yên lặng. Bạn tôi buộc lòng phải nghe theo, trong bụng chắc tấm tức lắm! Biết làm sao được!

Nên dạy cho con trẻ từ lúc nhỏ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy. Để khi bước vào đời, chúng luôn có ý thức về hành vi của mình. Giá trị của mỗi người trong cộng đồng tùy thuộc ở ý thức ấy.

T/g: Phạm Quang Trung​
 
Từ khóa
ăn phải trông nồi chuyện ăn chuyện ngồi ngồi phải trông hướng người xưa đúc kết thành câu tục ngữ ung xu
363
2
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top