Dự thi Ân tình gửi mẹ

Dự thi Ân tình gửi mẹ

“Ngôn ngữ trần gian như túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ yêu!”
(Khuyết danh)


Khuya trở mình, thu đôi bàn chân lạnh cóng vùi sâu trong lớp chăn bông, nghe từng giọt gianh rơi xuống tí tách bên hiên am bé nhỏ, cơn gió rít liên hồi sau vách kéo theo tiếng lộp độp trên nền đất, vài cành cây khô khốc vụt rơi, chút ánh đèn leo lắt của ngọn bấc trong đêm khuya tĩnh lặng cũng tàn theo gió, chắc mẩm mưa đã về với núi những ngày đông.

Sớm dậy, thấy những trái táo thơm lừng nơi chái am bị gió quật ngã đã được đàn chim ăn đến mươi phần, quả vương vãi đầy dưới gốc. Tôi nhặt lên vài quả nếm thử, đưa mắt ngó ra sân, rưng rưng nghĩ lại chuyện quê nhà.

Cũng đã gần hai năm nay kể từ khi dịch bệnh đau thương bao trùm lên đất nước, tôi chẳng thể về quê thăm mẹ một ngày nào. Thời gian cứ đằng đẵng trôi xa, mẹ cũng ngày một già theo năm tháng, ấy vậy mà con đường về nhà mãi chẳng thể gần hơn. Những cuộc thăm nom đơn thuần chỉ là cuộc điện thoại hỏi han sớm tối, để mẹ đỡ thấy cô quạnh hơn những lúc một mình. Có đôi lần tôi ngỏ ý mời mẹ lên ở cùng đặng tiện bề chăm sóc, nhưng cũng chỉ được mươi hôm là mẹ lại cuồng chân, chỉ muốn về quanh quẩn với giếng nước, hàng cau, bụi chuối, vui với bà con làng xóm thuần hậu dưới quê nhà.

Bởi vậy, suốt mấy mươi năm trời, dẫu có lưu lạc nơi phương trời xa ngái hay bận việc học hành dùi mài kinh sử, tôi cũng thu xếp mỗi năm về thăm mẹ một lần vào dịp tết, những mong ngồi bên Người xoa dịu đôi bàn tay chằng chịt những đường gân xanh già cỗi đang cuồn cuộn nổi lên, hằn sâu bao năm tháng vất vả hi sinh nuôi con khôn lớn thành người.

Tiếng chuông gió leng keng trên những cây thông già giữa đại ngàn bao la rộng lớn càng làm tôi cảm thấy nhớ mẹ đến nao lòng. Đưa tay hứng những cánh đào phai đang chập chờn với gió, trong một thoáng phiêu linh, tôi có cảm giác như mình đang từng bước trở về miền đất hứa, nơi bóng mẹ đổ dài bên nếp nhà xưa, mong manh như vệt khói lam chiều.

Rất nhiều năm sau này tôi mới hiểu cánh cửa gỗ kẽo kẹt đã bị phủ mờ bởi những lớp rêu xanh bao giờ cũng được mẹ khép hờ khuya sớm là để đợi tôi về. Mỗi lần như vậy là mẹ lại quên xỏ dép, bước thấp bước cao, chạy lại ôm tôi vào lòng rồi nức nở, tiếng hỏi han lạc giọng thấy thương nhiều.

Trong những giấc mơ sầu xứ, tôi luôn thấy hình dáng mẹ già nua, tảo tần khuya sớm với mái tóc bạc phơ vương đầy bồ hóng. Mẹ đang tất bật đem chăn chiếu ra phơi ngoài nắng sớm, sàng lại bao gạo vừa mới xát, nhặt nhạnh mớ hành khô treo lên gác bếp, sắp lại đống củi khô, pha lại buồng chuối đã chín vàng quá nửa để dâng cúng tổ tiên trong những ngày sắp cùng tháng chạp, nướng vài quả bồ kết nấu cùng nồi mùi già, lá bưởi, sả, hương nhu để tắm rửa gội đầu, nghe hương thơm dậy mùi khắp xóm, cứ ngỡ như mùa xuân đã về trước hiên nhà.

Ngăn kí ức kia tôi lại thấy mẹ cặm cụi ngồi đan áo bên ánh đèn dầu le lói giữa đêm khuya. Chiếc bóng mẹ cong cong hằn in trên vách lá đơn sơ, như đôi quang đã cùng mẹ gánh gồng suốt bao mùa mưa nắng. Giờ mẹ đã chân chậm, mắt mờ, đôi tay không còn thoăn thoắt nữa, chiếc quang gánh xưa kia nay nằm yên trên gác bếp, chỉ kịp hồi sinh sau tấm lưng của mẹ đã còng. Cơn gió bấc từ nơi cánh đồng sương muối cứ hun hút tràn qua ô cửa nhỏ, len lỏi cả vào từng lọn tóc dẫu đã được mẹ quấn gọn trong chiếc khăn vấn bạc màu. Bộ quần áo mỏng tang màu gụ cũng chẳng đủ giữ ấm làm mẹ khẽ rùng mình, kèm theo tiếng ho khan, bỏng rát nơi cuống họng. Đôi bàn tay run run theo nhịp gió, mẹ lần từng đường kim mũi chỉ, những mong kịp sớm mai có bộ quần áo lành lặn trong lễ thế phát xuất gia của con mình. Chợt thấy đêm dài như nỗi nhớ hằn sâu vào vũng buồn nơi mắt mẹ, đôi mắt thầm lặng đợi chờ và dõi theo bước đi của con suốt cả chặng đường đời. Cả thập kỷ trôi qua mà mỗi lần nhớ lại đôi mắt ấy, trái tim tôi vẫn khắc khoải rưng rưng như những ngày đầu xa quê theo thầy học đạo.

Tôi cứ nương theo vùng tâm tưởng lan man mà nhớ về những tháng năm tuổi thơ bình dị, được trưởng dưỡng trong tình thương của mẹ, bởi máu, mồ hôi và cả những giọt nước mắt ngược dòng. Để rồi bất chợt nhận ra rằng
mẹ thì xa vắng nơi biển đời miên viễn mà tôi vẫn chỉ là gã cùng tử lang thang khắp cõi Ta Bà, mãi vẫn chẳng thể tìm được viên minh châu trong chéo áo.

Giữa
núi non trập trùng sương khói với gió rét mưa bay. Tôi nép mình trong chiếc áo len mẹ may từ những ngày thơ trẻ, giờ áo đã sờn vai phần nhiều bởi bụi thời gian, nhưng thật ấm như vòng tay yêu thương của mẹ thuở nào.

“Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương”
(Trần Trung Đạo)


Những tưởng, giữa cái cõi phù sinh nhất thiết giai không này chẳng còn gì lưu luyến với người xuất sĩ, ấy vậy mà nghĩa nặng tình thâm tựa biển hồ lai láng vẫn là suối nguồn yêu thương, nuôi nấng con trong chốn “Không Môn” đi trọn kiếp tu hành.

Người đã điểm tô cho cuộc đời con những gam màu bình yên và vẹn tròn như thuở còn nằm nôi vô tư lự, khiến những khổ đau trong cõi trần gian cũng lắng dịu và đẹp đẽ đến vô cùng.

Con xin cúi xuống hoài vọng tới
quê hương và niệm ân trước từ dung của mẹ. Bằng tuệ giác và tỉnh thức trong từng hơi thở, con biết rằng mẹ đang biểu hiện và tiếp nối nơi con với bước đi thênh thang, vô ngại, trên con đường hành đạo trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.
Núi những ngày sắp cùng tháng chạp!

Tác giả: Cỏ Phong Sương

Cophongsuong.jpg

 
Từ khóa
ân tình mùa đông tình mẹ
764
9
2

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Bài viết hoàn hảo không tì vết. Hấp dẫn về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật. Ấn tượng nhất là tác giả đã khắc họa rất chân thật hình ảnh của mẹ vừa mang tính điển hình vừa mang tính riêng biệt. Văn phong vừa trữ tình tha thiết vừa dạt dào cảm xúc, rất gần với những câu thơ văn xuôi. Hình như tôi thấy mẹ tôi cũng ẩn hiện sau câu chữ của tác giả. Cảm ơn tác giả đã nói hộ lòng tôi!
 
  • Like
Reactions: Ngu Van

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top