Dự thi Bản tình ca mùa đông

Dự thi  Bản tình ca mùa đông

Hải Anh boo
Hải Anh boo
Khi những cơn gió bấc ùa về cũng là lúc mùa đông bắt đầu đến gõ cửa từng ngôi nhà. Nó đi qua từng con phố, lùa cả vào những con ngõ và hòa mình vào thiên nhiên nơi làng quê nghèo chân chất. Ở đó có vợ chồng lão già sống dưới mái nhà đơn sơ nhỏ bé.

Xóm làng ở đây thân nhau nhiều lắm, ai cũng biết đến vợ chồng lão. Tốt bụng, nhân hậu, có thằng con trai thì lên phố làm ăn, một năm về vài ba lần. Hai vợ chồng cứ ở cái ngôi nhà rách nát đó, không tránh được gió to cũng chả chịu nổi bão lớn. Đó chỉ là nơi tạm trú của hai người già chứ không thể gọi là nhà. Hằng ngày, vợ chồng lão làm đủ thứ việc, nào đi làm ruộng, nào đi làm thuê kiếm đôi ba đồng. Nhiều lần, trời mưa gió rét bà lão còn tranh thủ đi ra đồng mò ít cua ít tép về ăn. Hoặc khi không có gì làm, hai người lại ăn rau cho qua bữa.

Mùa đông đến cũng là lúc lúa trên đồng cạn, đồng sâu bắt đầu vào hạt, rồi lúa chín vàng, uốn cong đuôi trâu. Đó cũng là khi nước trong các thửa ruộng, trong những kênh mương trút dần, để trơ ra những vũng nước róc rách, lao xao cơ man tôm cá.... Những cơn gió bấc thổi ngang qua khiến ai cũng phải rùng mình vì cái rét cắt da cắt thịt. Bầu trời không còn trong xanh, nắng cũng dần tắt lịm, ông mặt trời thường ngày thức dậy rất sớm nhưng dường như nay cũng trốn đi ngủ đông. Trên nền trời chỉ còn lại một màu xám xịt không khỏi gợi cảm giác thê lương , ảm đạm. Cây cối trước nhà lão cũng trút hết lá, chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu, khô quắt như những cánh tay gầy guộc trông thật đáng thương. Những chú chim không còn cất tiếng hót chào ngày mới mà chúng rủ nhau đi về phương Nam tránh rét.

Nhưng lạ thay, có đôi chim họa mi từ phương nào bay tới đậu trên cành cây khô héo trước nhà lão. Hằng ngày, chúng cất tiếng hót vang cả một khoảng trời. Tiếng hót đó thanh thoát, trong veo gieo từ bầu trời cao bao la xuống ngôi nhà bình yên như những giọt ngọc, nghe thật thích tai!

Chúng hằng ngày bay xuống, đậu trên cành cây khô héo mà cất tiếng hót. Bà lão nhìn chúng rồi bắt đầu lẩm bẩm:

- Chúng mày không đi tránh rét hay sao? Sáng nào cũng thấy đậu ở nhà tao thế. Tao nghèo lắm, không có gì cho bọn mày ăn đâu.

Đôi chim họa mi cùng cặp mắt long lanh, vươn cổ mình ra cất cao tiếng hót như muốn đánh thức vạn vật thoát khỏ trạng thái ngủ đông. Âm thanh tiếng chim trong trẻo, hòa cùng cái nắng mùa đông tạo nên một khung cảnh náo nhiệt, ấm áp, làm xóa tan sự u ám, lạnh giá của mùa đông. Nó như liều thuốc bổ giúp vợ chồng lão già bớt cô đơn và u sầu. Từ khi có tiếng chim, vợ chồng ông già đỡ buồn hẳn, chúng mang lại cho đôi già này những giai điệu nghe rất vui tai, đôi lúc lại nhẹ nhàng da diết...

Ông lão vốn là người yêu nhạc, trong nhà có một cái máy nghe nhạc than cổ xưa từ mấy chục năm rồi. Ở làng đó, chỉ nhà nào giàu mới có để làm “món ăn” tinh thần, nhưng đây là món quà thằng con trai nhà ông trước khi đi làm ăn xa mua cho bố một cái để bố khỏi u buồn. Chính vì thế, dù nhà có nghèo như nào, ông nhất quyết cũng không bán mà giữ cho riêng mình. Ông thường bảo với bà:

- Bán đi thì được tiền đấy, vài ba đồng cũng đủ cho tôi với bà ăn mấy tháng...Nhưng... đó là kỉ niệm mà con trai chúng ta tặng mình, nghèo khó đến mấy cũng không thể bán.

Lục tìm trong chiếc hòm cũ kĩ, ông lôi vài cái đĩa đã phủ đầy những hạt bụi ra, cầm khăn lau sạch rồi lắp vào chiếc máy nghe nhạc cổ. Nó đã cũ đến nỗi ông cảm tưởng chỉ cần mạnh tay một chút là mọi thứ có thể rụng rời. Tiếng nhạc mới du dương làm sao! Ông đắm chìm trong những giai điệu bất hủ thời xưa, ông ngân nga vài ba câu trong sự hạnh phúc sung sướng như muốn quay về thời thiếu niên - hồi mà ông còn sung sức, đi đây đi đó để biểu diễn cho các đồng đội của mình nghe.

Tiếng nhạc hòa cùng thiên nhiên nơi làng quê bình dị, tạo một cảm giác thư giãn, đắm say vì những thứ ở nơi đây. Đôi chim họa mi hằng ngày bay tới, quấn quít lấy nhau, cùng nhau cất cao tiếng hót của mình. Dù sáng hay chiều, tiếng chim đó cứ ngân vang tạo một bản giao hưởng nhẹ nhàng, đôi lúc lại thanh thoát như thúc đẩy con người ta sống dậy bởi những khó khăn cuộc sống. Tiếng hót đó dần trở nên quen thuộc với vợ chồng lão già, bà lão đi ra đồng từ trưa, chiều về đã nghe thấy tiếng hót thanh thoát của lũ chim. Ông lão ngồi trong nhà thưởng trà, đọc sách cùng sự líu lo của đôi họa mi. Dần dần, đôi chim đó như một thứ gì đó rất quen thuộc, quấn quít lấy ngồi nhà của ông lão. Có lần, trong bữa cơm, ông bảo với bà:

- Bà này, hay tôi làm cho chúng một cái tổ để chúng có nơi trú ngụ. Để chúng chơi vơi trong mùa đông lạnh giá này, tội thật!

Bà lão nghe vậy cũng gật gù, những nếp nhăn bắt đầu xô lại, nhìn thấy đôi chim ngoài kia lại bắt đầu nghĩ tới đứa con nhà mình. Nó đi làm ăn xa, lâu lâu mới về vài ba bữa, nhưng nào có khá giả gì, cũng chỉ làm thuê làm mướn cho người ta. Vì bố mẹ quá nghèo, không đủ tiền cho con ăn học đàng hoàng nên con mới quyết định rời quê lên phố để kiếm chút tiền đổi đời, may ra có khá giả hơn bố mẹ nó ở quê...

Những cơn gió lạnh cùng làn sương giăng mờ ảo buổi sớm che khuất cả đồi núi phía sau, che phủ cả ngôi làng khiến nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh. Giọt sương sớm mai long lanh, lung linh đọng lại trên những cây cải mà bà trồng trong vườn, đọng cả trên những khóm súp lơ trắng làm nổi bật cả khu vườn, trông thật đẹp làm sao! Mùi từ đồng lúa phả vào cùng mùi hương của đất, của đám cỏ dại ven bờ đã tạo nên một bầu không khí nồng nàn, đậm chất làng quê quen thuộc. Ông lão đã dậy từ rất sớm, lựa chọn những bó rơm khô mà dày nhất để chuẩn bị làm tổ cho chúng. Khi ông mặt trời đã dậy, chiếu những tia nắng ấm áp đầu tiên lên vạn vật, khi đó cũng là lúc đôi chim họa mi bay đến cành cây cất tiếng hót líu lo. Mùa đông này, tiếng chim hót sẽ hay hơn, giọng trong trẻo và thanh hơn. Đặc biệt, nó đã có một nơi trú ngụ do chính tay lão già làm tặng chúng. Đôi họa mi hót xong thích thú bay vào “căn nhà mới” của chính mình. Đây sẽ là chiếc tổ ấm áp để chúng có thể tránh những cơn gió lạnh mùa đông hay thậm chí là “ sinh con đẻ trứng” tại nơi này. Và từ đó, mỗi ngày đôi chim đó sẽ từ tổ bay ra rồi hót líu lo, nó làm cho tâm trạng của vợ chồng lão già thêm vui sướng và thoải mái. Bà vợ lão liền lục tìm trong nhà những hạt ngô, hạt thóc còn sót lại, ném lên nóc nhà mà nói to:

- Nhà tao cũng nghèo lắm, chúng mày hằng ngày hót hay như thế, tao chỉ có vài hạt này để trả công thôi...

Có lẽ, trong thế giới tự nhiên có lẽ chỉ có loài chim là ồn ào náo nhiệt nhất. Cũng giống như con người dùng ngôn ngữ và lời ca tiếng hát không chỉ làm phương tiện giao tiếp mà còn là cách để giãi bày tâm tư tình cảm của mình. Kể từ lúc đôi chim họa mi về đây sinh sống mọi thứ náo nhiệt hơn hẳn. Những ngày ấm, chúng tranh thủ kéo nhau ra cánh đồng nhặt thóc rơi vãi, sưởi ấm thân hình bé nhỏ của mình trong sự ấm áp của những tia nắng. Đến khi chắc dạ lại rủ nhau về đậu trên mái nhà của vợ chồng lão già. Chúng nhảy nhót, trêu ghẹo nhau chí chóe, inh ỏi cả nhà lão. Bọn trẻ con trong làng thấy nhà ông lão có tổ chim liền thích thú đến trêu đùa nhưng đều bị bà lão đuổi đi hết.

Ở gần đó có có thằng Mão- một tên chuyên săn bắt chim, trộm chim rồi bán cho mấy bọn buôn lậu trên thị xã. Nhiều nhà nuôi chim đã bị mất, đều nghi là do hắn lấy nhưng không thể nào có chứng cứ mà bắt hắn. Nghe đồn nhà lão có đôi chim họa mi rừng đẹp, hót hay, hắn rình rập nhắm mục tiêu rồi về nhà chuẩn bị những dụng cụ để chuẩn bị bắt chim. Nhưng vừa đi qua nhà lão, đã gặp phải ông già, hắn liền trở mặt, giả vờ tươi cười chào hỏi ông lão:

- Lão già đấy à! Ái chà, bây giờ lão còn có sở thích nuôi chim nữa hả? Đôi họa mi này đẹp đấy!

Ông lườm Mão rồi nói to:

- Chúng không phải mục tiêu cho mày săn bắt đâu, ra chỗ khác.

- Ấy chết, tôi nào đã làm gì. Chim của ông tôi sao dám động vào.

Ông lão không nói gì, bỏ vào nhà. Mão đứng đó nhìn lên tổ chim, nhếch mép cười đểu rồi nghĩ bụng “ Chúng mày chết với tao”.

Tối hôm đó, hắn bịt kín mặt, cầm cây sào, lấp vào bức tường to chờ mấy nhà tắt đèn đi ngủ rồi rình đến cây trước nhà vợ chồng ông lão. Khi đã cảm thấy an toàn, hắn liền lấy cây sào, chọc vào tổ chim để chúng bay xuống lưới mà hắn đã sắp đặt sẵn. Đôi chim họa mi khi thấy có tiếng động ở tổ của mình thì choàng tỉnh, mở to đôi mắt ngái ngủ, trân trân khó chịu nhìn thẳng vào ánh đèn mà Mão đang soi. Chúng nó thấy ánh sáng mà không khỏi hoảng loạn, kêu la inh ỏi, đập cánh xoàng xoạc. Bà lão trong nhà nghe thấy tiếng động lạ, giật mình lay ông lão thức tỉnh:

- Ông ơi, hình như tiếng chim nhà mình, ông mau dậy xem thế nào.

Ông già ngái ngủ nghe bà lão nói thế liền bừng tỉnh, cầm vội cái đèn pin ra trước nhà soi. Thì ra là thằng Mão, dù nó có bịt kín nhưng nhìn vào đôi mắt có vết sẹo con rết thì ông không thể nhầm với ai khác. Nhìn thấy ánh đèn, hắn giật mình, định chạy trốn nhưng bị ông lão túm lấy, hắn liền dùng hết lực đẩy mạnh ông lão lăn xuống đất. Đàn chim hoảng loạn bay ra khỏi tổ, trốn từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Mão nhìn thấy ông già ngã nhào xuống, tay đập vào thành tường mà thấy bàng hoàng. Mặt nhăn nhó chửi thề:

- Chết tiệt! Nói rồi hắn chạy đi mất.

Bà lão hốt hoảng chạy ra đỡ ông dậy:

- Ông làm sao thế? Sao lại bị thương thế này!

-Là thằng Mão đấy bà. Tôi không ra nhanh là mấy con chim kia chết rồi, nhưng giờ nó sợ bay đi đâu trốn rồi, chắc sẽ không quay về nhà mình nữa đâu.

Bà nhìn ông nói mà mặt buồn rầu, đôi mắt rưng rưng vừa thương đôi chim vừa xót ông lão. Bà lẩm bẩm chửi:

- Tiên sư nhà thằng Mão, mày làm gì không làm lại đi làm cái nghề ăn trộm thất đức này.

-Thôi, mau đỡ tôi vào nhà, bà chửi như này cũng không ích gì đâu.

Loay hoay một hồi đỡ ông lão vào nhà, bà ân cần lấy những dụng cụ y tế trong nhà ra xử lý vết thương. May sao chỉ bị sứt ngoài da không quá nặng, nhưng hình như ngoài sây sát ngoài da thì khớp chân ông đang bị đau nhức. Cú ngã vừa rồi khiến chân tay ông tê cứng lại. Ông vốn bị thoái hóa khớp gối, mùa đông đến khiến bệnh của ông ngày càng thêm đau nhức. Vừa nãy bị ngã, chân ông bị chẹo xuống, giờ càng đau thêm.

Sáng hôm sau, khi ông mặt trời đã ban xuống vạn vật những tia nắng ấm áp. Mọi thứ dường như bừng tỉnh sau làn sương mờ ảo tối qua. Cây bàng khô héo trước nhà dường như cũng đang vươn mình để đón những ánh nắng đầu tiên của buổi sớm, rũ mình khỏi sự xơ xác của những ngày u ám. Bà con trong làng í ới gọi nhau ra chợ mua bán, người thì ra đồng xem những mảnh đất nào tươi xốp, mảnh đất nào khô cằn mà chuẩn bị chovụ xuân sắp tới.Người thì mang lưới đi bắt vài con cá trong ao... Mọi thứ vội vàng hơn, tất bật hơn, duy chỉ có ông lão vẫn đang nằm ì trên giường cùng chiếc chân đau nhức của mình. Sau cú ngã nhào đêm qua, chân ông dường như tê cứng, không thể đi lại dù chỉ vài bước nhỏ. Bà thấy ông như thế cũng đành phải ở nhà chăm sóc ông.

Hôm nay, trong căn nhà ngập tràn ánh nắng, ông ngồi trên chiếc giường ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Thời tiết hôm nay thích thật! Dù có lạnh nhưng nhờ có nắng mà nó ấm áp hơn phần nào. Ông nhìn sang chiếc cây ngoài kia mà suy nghĩ “ Từ nay chắc đôi chim sẽ không đến hót nữa, nó sợ nhà mình rồi! Không biết chúng bay đi đâu, tối qua chúng có làm sao không?”. Đang chìm đắm trong những suy nghĩ của chính mình, bỗng nhiên ông nghe thấy tiếng hót từ đâu rất quen thuộc, tiếng hót đó làm xóa tan những suy nghĩ miên man của ông. Nhìn thấy đôi họa mi, ông khẽ mỉm cười rồi nói:

- Tao tưởng mày sẽ không đến nhà tao nữa.

Tiếng họa mi tha thiết, trong veo, hót vang cả khu nhà ông. Đôi chim cứ thi nhau hót không ngừng tạo thành một bản nhạc vui tươi, lúc ngân vang da diết, khi trầm bổng êm dịu. Chúng hót rất bài bản, từ trước đến nay, chưa bài nào trùng với bài nào. Nó khiến cho tâm trạng của ông lão vui lên hẳn, bà lão từ trong bếp nghe thấy tiếng chim cũng vui vẻ hào hứng, bà khẽ mỉm cười mà tự nhủ: “ Thì ra chúng mày vẫn không quên hai thân già này”.

Tình cờ lúc đó, Mão đi ngang qua nhà ông, thấy đôi chim vẫn ở đó, hắn liền nghĩ kế làm chết đôi chim kia. Chạy ù về nhà, Mão chuẩn bị những con mồi tẩm độc thật ngon cho chúng. “Chỉ cần một ít thôi, đôi họa mi của lão già kia cũng sẽ ngừng hót mãi mãi”- Hắn nghĩ bụng cười đểu.

Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, chiều hôm đó, đôi chim vẫn còn hót líu lo, trêu đùa nhau trên cành cây khô héo, lúc thì bay lượn trên mái nhà hai vợ chồng già. Mão nhân lúc không ai để ý, ném vội con mồi lên nóc nhà. Họa mi thích thú tưởng được bà lão cho ăn mà thi nhau bay tới. Khi biết mình ăn phải bả, họa mi cũng biết mình không thể sống trên cõi đời này nữa, kêu “ác” một tiếng rồi lăn “pịch” một phát xuống đất, nhắm tịt mắt lại mà từ biệt cõi đời này. Cái mỏ của nó thâm lại, thân mình lạnh toát, đôi cánh rũ xuống mà đè lên nhau. Bà lão đang chuẩn bị ra vườn hái rau thì nhìn thấy cảnh tượng đau thương này. Bà hốt hoảng gọi ông lão:

- Ô...ông... ông ơi.... hai con chim kia chê..chết...chết rồi.

Ông nghe thấy thế, bỏ nhanh quyển sách xuống, cầm chiếc gậy chống vội, liễng khiễng bước ra ngoài sân thì nhìn thấy cảnh tượng thật đau lòng. Đôi chim họa mi rơi xuống nền đất trong cái thời tiết lạnh giá của mùa đông. Cánh con này đè lên đầu con kia, đôi mắt nhắm tịt, thân hình bé nhỏ nằm co cóp một chỗ. Hai ông bà nhìn nhau không nói lên lời, bà không cầm nổi xúc động mà nước mắt nóng hổi lăn dài trên hai gò má nám xịt. Ông lão không nói gì, chết lặng trong sự lặng yên. Đôi chim họa mi đó sáng nay còn tới thăm ông lão rồi hót líu lo, nhảy múa trên cành cây khô khốc kia. Sao bây giờ, nó không hót nữa mà nằm bất động trên cái nền đất lạnh lẽo này. “ Này, bọn kia, mau dậy hót cho tao nghe đi chứ, chúng mày mọi hôm ồn ào lắm mà, sao đột nhiên lại im lặng như vậy. Dậy hót đi, tao có nhiều đồ ăn cho chúng mày lắm! Chúng mày sẽ không bị đói hay lạnh đâu”. Những dòng cảm xúc trong ông tuôn trào, ông bắt đầu khóc. Khóc như mất đi điều gì quý giá nhất trong cuộc sống này... .Vì... đã từ lâu, ông coi chúng như những đứa con trong gia đình. Tiếng hót chúng đã in sâu vào trái tim ông. Thì ra, đó là tiếng hót cuối cùng của chúng mà ông được nghe. Thì ra, đó là bản tình ca cuối cùng, bản tình ca kết thúc mà không báo trước, bản tình ca đầy ân tình và sự thương yêu mà đôi họa mi dành tặng cho lão già. Nó không phải là bản nhạc hay nhất nhưng nó xuất phát từ những điều tuyệt vời nhất, được ông cảm nhận và trân trọng từng phút giây.

Ông nhìn xung quanh, thấy chiếc khăn thêu chữ quen thuộc. Đôi mắt kiên định, tay nắm chặt chiếc khăn đó như biết thủ phạm là ai. Là thằng Mão, chắc chắn là nó. Vì đây là chiếc khăn do mẹ nó tặng trước khi mất. Mà ở cái làng này, ngoài nó ra thì chẳng có ai làm cái chuyện thất đức đó cả. Chẳng ai hết... Ông vội cất chiếc khăn vào túi rồi sẽ lấy nó làm vật chứng để báo cho công an xã. Ông sẽ phơi bày hết mọi tội lỗi của hắn, chắc chắn hắn sẽ phải đối diện với pháp luật. Nghĩ thế rồi, ông lặng lẽ lấy chiếc hộp rồi đem xác đôi họa mi bỏ vào rồi đi chôn.

- Yên nghỉ nhé! Nếu có kiếp sau, hãy sống một cuộc đời thật hạnh phúc và dài lâu. – Ông thì thầm...

Bầu trời như tối sầm lại, tiếng gió thét ngoài kia như tiếng gào thương tiếc cho những sinh linh bé nhỏ. Lúc sống thì lấy tiếng hót của mình mua vui cho loài người, làm rộn ràng cả bầu trời cao. Nhưng tại sao loài người nỡ lòng nào lại hủy hoại cuộc đời chúng, khiến chúng trở nên đau thương như vậy...

Một mai thức giấc, vợ chồng lão già sẽ không còn nghe thấy tiếng hót líu lo của loài chim nữa, sẽ không được thức giấc bằng những giai điệu vui tươi, những “bản nhạc” độc nhất do chúng “sáng tác” nữa. Tiếng hót của đôi chim họa mi kia sẽ đọng mãi trong lòng của đôi vợ chồng già này, đó sẽ là bản tình ca hay nhất, bản tình ca có chúng ta, bản tình ca của mùa đông...
1642350330393.png

( Ảnh: Sưu tầm)
Tác giả: Nguyễn Hải Anh
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
bắn chim họa mi làng quê.
651
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.