Bàn về câu thơ “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du)

Bàn về câu thơ “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du)

Mỗi lần đọc Kiều, tôi như vỡ ra một điều rất mới. Lại lần giở đến câu:

"Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

trong tiềm thức cứ thắc mắc, dằn vặt, tự hỏi "những điều trông thấy" mà cụ Tố Như đang nhắc nhớ tới là những sự đích nào? Phải chăng là những cảnh huống tình ngụy trong bối cảnh nghệ thuật "rằng năm Gia Tĩnh triều Minh"? Hay có một ý đồ văn hóa sâu xa nào khác có liên đới tới Việt Nam?

Truyện Kiều từ lúc khởi sự đến nay nhận không ít những lời bình luận, ca ngợi, thậm chí cả những lời thóa mạ từ các bậc tiền bối, các cụ tư văn. Tuy nhiên, khi xét đến cùng những giá trị nhân bản trong ấy, người đọc từ nhiều địa vị lịch sử và địa vực văn hóa nhận thấy rằng chỉ có Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du mới xứng đáng đứng ở cái tầm cao diệu trên văn đàn. Vì sao lại thế? Cụ Tiên Điền tuy chỉ lấy bối cảnh của một khu vực, tập cổ một tác phẩm của tiền nhân, trước tác nên thành quả riêng tây bằng hình thức diễn đạt khác theo phong thái văn hóa Việt, thế nhưng, những tư tưởng trong đó lại mang tầm phổ quảng, vĩ mô, mang tính điển hình, tác động lên tư duy của nhiều thế hệ độc giả. Bàn về câu: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", trước nhất, người đọc cần phải xác định chính xác tiêu điểm mà Nguyễn Du phóng tầm mắt, phải hiểu "những điều trông thấy" là cái "thấy" của trực tiếp bằng những chiêm nghiệm của riêng bản thân tác giả hay là cái "thấy" của gián tiếp thông qua những tiếp xúc giữa với người, giữa người với những cuốn "phong tình có lục"?

"Tá giả tả chân" là một thủ thuật mà các tác gia cổ đại thường dùng trong sáng tác nghệ thuật hầu nhấn mạnh đến một ý đồ mang một giá trị biểu đạt nào đó đến người đọc. Nguyễn Du, trước nhất khi mượn tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, tôi đồ rằng trong ông dường như có sự đồng điệu về thân phận, nên khi viết những câu thơ đầu tiên khởi sự nên tác phẩm, tôi như cảm ngộ thấy cái lòng ưu tư, mẫn thời của ông. Thứ hai, khi mượn cái lối "giả - chân", mượn xưa để nói nay, như cách dùng của Tào Tuyết Cần khi trước tác nên Hồng Lâu Mộng, Nguyễn Du trong tâm khảm vẫn đau đáu một tâm hồn bác ái. Ngụ trong một con người khắc khổ nhường ấy lại là một tấm lòng sâu sắc, với ước vọng vạch trần những cái lề thói giả dối, xé toang cái tấm áo đa sắc mê luyến tầm mắt người đời. Sự thực, nếu đặt Kiều đúng trong không gian nghệ thuật đương biểu đạt, tức triều Minh, thì khi dựa vào câu "những điều trông thấy mà đau đớn lòng", ta có thể suy ước rằng bên trong lớp áo "bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng" đã thấu lộ cái hiểm ác tiềm tàng.

Đúng như thế! Vào thời vua Gia Tĩnh Đế triều Minh, mầm mống của sự suy bại đã bắt đầu nảy sinh ngay sau cái vẻ ngoài thái bình dưới một loạt những cải cách thay đổi toàn bộ triều chính. Các hoàng đế nhà Minh kể từ Chính Đức về sau đều là những kẻ hôn quân vô đạo, Gia Tĩnh Đế khi mới lên ngôi, ông ta dựa vào Thủ phụ đại thần Dương Đình Hòa, vạch ra hơn 20 tội lớn của tiền vương Chính Đức trong lúc cả thiên hạ vẫn giữ vững một lòng kỳ vọng, mực thước với ông ta. Không được bao lâu, Gia Tĩnh quay lưng và trở mặt với Dương Đình Hòa sau sự kiện Đại Lễ Nghị, trong tình thế nguy cấp đó, Dương Đình Hòa buộc phải treo ấn từ quan hầu bảo toàn tánh mệnh. Từ lúc đó, hoàng đế lộ rõ bộ mặt là một tên hôn quân tàn ác, trong triều, ông ta trọng dụng các "gian thần" Nghiêm Cao, Nghiêm Tung - những kẻ bất luân, ra sức lộng hành và thao túng cơ nghiệp triều cương. Ngoài biên giới, quan quân nhà Minh liên tục phải chống đỡ rất vất vả các cuộc tấn công từ Thát Đát và cướp biển Oa Quốc (tức Nhật Bản). Năm 1523 xảy ra “sự kiện tranh cống” với sứ thần Nhật Bản, triều Minh ra lệnh cấm thông thương trên biển thì nạn cướp biển càng trở nên khốc liệt, có thời điểm tấn công, quân Nụy Khấu chiếm cả Thanh Đảo, Tế Nam, Tượng Sơn, Định Hải... Trong khi đó hoàng đế chỉ suốt ngày ở trong cung và bỏ mặc triều chính. Hai sở thích lớn nhất của ông ta là bắt thật nhiều cung nữ vào cung để mua vui và ao ước trường sinh bất tử. Để hun đúc cái ao ước ấy, ông ta thường hay làm nhục cung nữ một cách bất chính. Và cũng để thỏa mãn cái khát cầu "trường sinh", vua Minh đã điều chế ra một loại "tiên dược" mà nguyên liệu chính là kinh nguyệt, mà phải là kinh nguyệt lần đầu của người đàn bà. Theo tương truyền thì đó là phương thuốc bí truyền “hồng diên hoàn” của họ Đào bày cho Thế Tông. Để đảm bảo chất lượng máu, các cô gái thường xuyên bị bỏ đói và đánh đập, hơn 200 người đã chết vì đói khát. Mùa đông năm 1542, Nghiêm Tung dâng lên nhà vua một con rùa ngũ sắc. Gia Tĩnh đế giao cho cung nữ Dương Kim Anh chăm sóc nhưng không lâu sau, rùa chết. Biết mình không thoát khỏi tội hình, Kim Anh cầu cứu Vương Ninh tần, đợi sơ hở sẽ thí mạng hoàng đế, điều này gây nên cuộc Nhâm Dần cung biến nổi tiếng trong lịch sử, là một sự kiện vô tiền khoáng hậu làm lung lay cả một thế hệ lịch sử. Một loạt những biến cố xảy ra chỉ trong một thời cai trị của vua Gia Tĩnh cho thấy "bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng" chỉ là những giả dối lấp liếm mắt đời, đến nỗi Dương Thận - cũng là một nạn nhân của vua Thế Tông sau sự kiện Đại Lễ Nghị, trong Lâm Giang Tiên đã bùi ngùi mà ngâm nên hai câu thơ:

Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

(Cổ kim vô số chuyện,
Cười nói luận đàm ngông.)

Dưới con mắt trông thấu sáu cõi, Nguyễn Du như có một niềm ưu hoài và đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ, đặc biệt căm phẫn trước những hành vi vô đạo của một kẻ được coi là "bậc tiên vương". Và vì thế, có lẽ khi chạm đến những cung bậc lịch sử của thời trước, Nguyễn Du đã cảm thấy được sự đồng ứng tương liên giữa quá khứ với hiện tại, giữa Trung Hoa trong quá khứ với Việt Nam trong hiện tại. Vậy, "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" liệu có còn một ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau nào khác nữa không?

Dường như, không một nơi nào trên thế giới, không một con người nào trên thế gian lại không chịu sự chi phối của quy luật: "Thượng hải biến vi tang điền". Thứ mà cụ Tiên Điền "trông thấy", hay chăng là cái "biến vi" vô sở bất chí không chừa một ai. Lược luận về câu thơ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" dưới hệ quy chiếu của lịch sử Việt Nam, ta có thể thấy, từ vô thỉ đến nay, không một giai đoạn, triều đại nào, chế độ nào không có biến động. Chỉ cần thu hẹp không gian vào nơi Nguyễn Du sinh hoạt lúc ấy thôi, cũng đủ căn cớ để mường tượng ra một cõi hồng trần nhiễu nhương, đầy biến động rồi vậy. Tự hỏi mấy người đọc thuần thành nào lại không nhớ đến áng văn tế thấm nhuần giá trị nhân đạo sâu xa Thập loại chúng sinh của y? Cảnh thu, hương thu, sương thu, lá thu se sắt vào lòng người những cảm giác u hoài, man mác lòng bi ai:

"Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Xót khuôn thiêng phảng phất u minh.
Thương thay thập loại chúng sinh,
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người"

Thập loại chúng sinh là ai? Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Thục, đó là "tất cả thời đại giặc giã, chiến tranh, loạn ly, tai biến, từ từ diễn lại dưới mắt tác giả như một cuốn phim thời cuộc". Những tấn trò đời nhân sinh như thế cứ nhan nhản nối đuôi nhau: Từ chuyện Chiêm Vũ trói tay ngồi trên cầu để cho lũ kiêu binh lấy đá ném chết đến chuyện Quận Huy bị đám loạn quân phanh thây ngoài phủ chúa, bị moi tim bêu đầu ngoài chợ. Ngay cả người anh thân yêu Nguyễn Khản của Nguyễn Du, một nhà nho phong lưu bậc nhất chốn kinh kỳ cũng bị lính tam phủ đốt cháy ra tro. Trịnh Tông bị nhân dân bỏ mặc đến mức đâm cổ chết trong tức tưởi. Một Cống Chỉnh ngang dọc Bắc Nam như thế, dám nói với Nguyễn Huệ: "Nhân tài Bắc Hà chỉ có một tôi thôi" mà nhất đán bị tướng Tây Sơn ném thây cho chó nhai cẩu gặm. Người y lệnh giết Cống Chỉnh - Vũ Văn Nhậm - cũng không thoát khỏi số tử, chỉ trong mấy tháng hoàn mệnh, một lòng phò chúa rốt ráo cũng bị Nguyễn Huệ sai quân đâm chết trên giường ngủ. Kìa cảnh nhân dân chạy giặc xéo tiễn lên nhau mà chết. Quân Thanh bỏ thành sang sông, đứt cầu phao làm nghẽn mạch dòng Nhị Hà... Tất cả những biến cố ấy, những cớ sự được liệt nêu ra ở trên ấy, chốn An Nam, không phải là "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" của Nguyễn Du hay sao?

Nếu thế thì một nhà nghiên cứu có tầm nên xem xét trạng huống này dưới góc độ nào? Phải thấy rằng, dù thị sát dưới quan niệm nào, ta vẫn phải nhớ một câu trong Kinh Dịch: "Thời dã, mệnh dã" (Thời vậy, mệnh vậy). Thứ nhất, mỗi thời, mỗi thế đều chất chứa những điều "đau đớn lòng", những sự gian truân, tuy từng lúc có khác nhau song cái "khổ", như trong quan niệm Phật giáo đã nhắc, mà con người phải trải qua đều thấm thía như nhau bao gồm Khổ khổ, Hành khổ, Hoại khổ. Thứ hai, lời cổ nhân có nói: "Tình thâm nhi văn minh", phán ngữ ấy dường như ứng hợp với tình cảm mà Nguyễn Du đã gửi gắm, y đã vượt qua biên giới của cá nhân, của gia đình mà vươn đến cái tình nhân loại, cảm thông với cái tình vũ trụ, nhân trần, thiên địa để rồi sáng tác nên những áng thi ca nồng nã tình đời, tình người ví như một Sở kiến hành chao chát bi ai, một Long thành cầm giả ca, Điếu la thành ca giả nặng nề thảm thiết... Đào Duy Anh khi khảo luận về Nguyễn Du có viết: "Tiên sinh lúc nào cũng bị cái lo đầu bạc nó ám ảnh". Khác với Đặng Dung: "Quốc thù vị báo đầu tiên bạch", khác với Lý Bạch: "Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ti mộ như tuyết" ám ảnh sự chẩy trôi của dòng thời gian, mà cái lo "bạch phát" của Nguyễn Du là cái đa sầu đa cảm của những lần thăng giáng vương vị, những lần thắng bại chiến chinh, những lần dâu bể liên hồi. Nói tóm lại, dù hiểu câu thơ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" trong địa vực văn hóa nào, trong hoàn cảnh, môi trường nào, những giá trị nội tại trong Đoạn trường tân thanh nói riêng và trong các sáng tác của Nguyễn Du nói chung đều mang một ý nghĩa to lớn, sâu sắc.

Truyện Kiều bao đời nay lúc nào cũng gieo vào lòng người đọc những dư ba sâu lắng, những trắc ẩn sâu xa, tuy cái "di tình tác dụng" với mỗi cá thể tiếp nhận có khác nhau song mối tương giao tình cảm giữa người với người gần như đồng nhất. Khiến ai nấy phải chạnh niềm xúc động. Thật đã đạt tới trình độ:

Đạo thông thiên địa hữu hình ngoại
Tứ nhập phong vân biến thái trung

(Đạo lý thông suốt cả trời đất, vượt ra ngoài vật hữu hình,
Thi tứ đồng nhất với gió mây, thiên hình vạn trạng biến đổi.)
 
Từ khóa
gia tĩnh triều minh nguyen du những điều trông thấy mà đau đớn lòng truyen kieu
832
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top