Biểu hiện quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong triết học trong văn học hiện thực 30 - 45

Biểu hiện quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong triết học trong văn học hiện thực 30 - 45

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
1. Khái quát về văn học hiện thực 1930-1945

1.1 Tình hình xã hội


Một giai đoạn lịch sử tuy chỉ 15 năm , nhưng trải qua bao biến cố, gồm bao sự kiện quan trọng, tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của con người .

a, Sự ra đời của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương 03-02-1930:

Sự ra đời của Ðảng cộng sản đã tạo ra một bước ngoặt quyết định cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, đã chấm dứt tấm bi kịch của những người yêu nước mà không tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Do vai trò độc quyền cách mạng của Ðảng, do đường lối chiến lược sách lược vững vàng sáng suốt của Ðảng đã đoàn kết và phát huy được mạnh mẽ tính tích cực, tính sáng tạo của quần chúng nhất là công nông.

Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó:

Ngay sau khi Ðảng ra đời 3-2-1930 cao trào Xô Viết 1930-1931. Chính quyền cách mạng được thành lập, bước đầu thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân.
Mặt trận dân chủ Ðông Dương được thành lập năm 1936-1939.
Tháng 6-1940 Pháp đầu hàng Ðức. Tháng 91940 chúng mở cửa Ðông Dương cho Nhật vào. Hai tên đế quốc tàn bạo cùng một lúc đàn áp bóc lột nhân dân ta làm cho đời sống nhân dân kiệt quệ, dẫn đến nạn đói khủng khiếp 1945.

Nhưng chính thời kì này phong trào cách mạng lên cao hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng tháng 9-1940, nhân dân Bắc Sơn nổi dậy. Tháng 11-1940 khởi nghĩa Nam Kì bùng nổ. Tháng 5-1941, Mặt trận Việt minh thành lập, một cao trào giải phóng dân tộc bùng lên, cả nước sục sôi chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tháng 8-1945, cách mạng thành công, chấm dứt chế độ thuộc địa Pháp, Nhật, thành lập nước Việt nam dân chủ cộng hòa.

b, Khủng hoảng kinh tế 1929-1933:

Thực dân Pháp ra sức bòn vét bóc lột dân thuộc địa để bù đắp cho những thiệt hại của chúng và dốc vào chiến tranh: tăng sưu, thuế, bắt phu, bắt lính, mở công thải, lạc quyên, lạm phát giấy bạc .v.v...

Ðông Dương thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa thừa ế của chính quốc, kể cả lúa mì năm 1933, Ðông Dương phải bỏ ra 1500 triệu Frăng để mua 50 vạn tấn lúa mì ế của Pháp. (báo Ðàn bà mới-1934).

c, Cách mạng Tư sản thất bại, ngày 09-02-1930:

Giai cấp tư sản Việt Nam phát triển khó khăn yếu đuối. Giai cấp này một mặt mâu thuẫn với đế quốc Phong Kiến, mặt khác lại phụ thuộc vào chúng.

Ðịa vị kinh tế non yếu, mỏng manh khiến tư sản dân tộc mất hết khả năng chiến đấu, nếu không có một lực lượng nào thực sự lãnh đạo thì họ chỉ còn có một thái độ là thỏa hiệp với đế quốc (Lê Duẫn-Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam-trang 31).

Giai cấp tư sản Việt Nam chủ trương chính trị trước sau là chủ nghĩa cải lương

Tư sản dân tộc Việt Nam phần lớn là do địa chủ chuyển thành hoặc dính liền với địa chủ thành một thứ tư sản địa chủ khiến cho thái độ chống Phong kiến của nó cũng không dứt khoát

Giai cấp tư sản Việt Nam làm cuộc bạo động Yên Bái ngày 9-2-1930 nhưng thất bại, tầng lớp tiểu tư sản trí thức hoang mang tới cao độ, họ cùng với giai cấp tư sản tìm đường thỏa hiệp với thực dân, hoặc chỉ còn thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc bằng con đường văn chương.

d, Cách mạng Vô Sản khi cao trào lúc thoái trào:

Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao nhất là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Do những điều kiện khách quan, chủ quan chưa đầy đủ, phong trào bị thất bại.

Bọn đế quốc một mặt điên cuồng khủng bố, dùng cả máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình, mặt khác ra sức xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, nói xấu và vu khống Liên Xô hòng chia rẽ quần chúng với Ðảng.

Từ cuối năm 1931, cách mạng Việt Nam bước vào thời kì thoái trào.

Từ cuối năm 1932, phong trào lại dần dần hồi phục.

Cuối năm 1933, bóng đen chiến tranh phát xít đe dọa nhân loại. Dưới sự lãnh đạo của quốc tế cộng sản, một phong trào rộng rãi chống phát xít và chiến tranh lan rộng trên thế giới. Ở Pháp, Mặt trận nhân dân thành lập và dành được thắng lợi trong kì tuyển cử tháng 5-1936. Lợi dụng thời cơ đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, mặt trận thống nhất Ðông Dương ra đời, tạo nên một phong trào dân chủ sâu rộng chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc bao gồm công, nông, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, viên chức v.v... và một số tư sản.

Bọn đế quốc phải nhượng bộ. Hàng nghìn tù chính trị được trả lại tự do, luật lao động được ban hành, báo chí tiến bộ được công khai xuất bản.

Tháng 9-1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Mặt trận dân chủ tan vỡ. Lợi dụng tình thế đó, bọn thống trị Ðông Dương thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta vừa giành được. Ðảng phải rút vào bí mật. Thời kì này phong trào cách mạng lên cao, một phong trào giải phóng dân tộc bùng lên, cả nước sục sôi chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tháng 8-1945 dưới sự lãnh đạo của Ðảng cách mạng Việt Nam dành được thắng lợi, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

e, Một xã hội rối ren, đen tối về kinh tế cũng như về kiến trúc thượng tầng.

Nền kinh tê kiệt quệ dưới ách thực dân phong kiến:

Chế độ sưu thuế, chế độ bắt phu bắt lính của thực dân Pháp và chế độ Phong kiến.

Xã hội Việt Nam là một địa ngục, khắp nơi nạn đói hoành hành, bọn đầu trâu mặt ngựa tác oai tác quái, người chết hàng loạt và khủng khiếp nhất là nạn đói vào mùa xuân năm 1945, hai triệu người bị chết đói.

Những thế lực thống trị mâu thuẫn nhau:

Mâu thuẫn giữa thực dân phong kiến.
Mâu thuẫn giữa phong kiến với tư sản.
Mâu thuẫn giữa tư sản với thực dân.
Những lực lượng đối kháng giao tranh, có những chiến tuyến rõ rệt như cách mạng, phản cách mạng; có người yêu nước nhưng hoang mang, có người lơ láo, bàng quang, lẩn trốn...

f, Chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa vô cùng xảo quyệt của thực dân ngày càng nhào nặn xã hội Việt Nam vào cái khuôn khổ có lợi cho chúng.

Thực dân Pháp tiếp tục khai thác nền kinh tế nước ta.
Thực dân Pháp tiếp tục chính sách ngu dân, số người mù chữ chiếm đến 90% dân số.
Chế độ kiểm duyệt gắt gao, cấm đoán tất cả sách báo tiến bộ trong và ngoài nước.
Thực dân Pháp đưa vào nước ta đủ thứ rác rưởi của văn hóa Tư Sản phản động phương Tây, cùng với cặn bã phong kiến, chúng gọi là kết hợp Văn minh Âu Mỹ với Quốc hồn quốc túy An Nam.

g, Một ý thức mới, một tâm lí mới lan tràn.

Ý thức tâm lí tư sản và tiểu tư sản:

-Trí thức, thành thị âu hóa, chịu ảnh hưởng của những sinh hoạt mới, của giai cấp mới và của văn hóa tư sản phương Tây.
-Lối sống hưởng lạc phát triển ở thành thị: ăn mặc theo mốt thời trang, lối sống tài hoa son trẻ, vui vẻ trẻ trung, dạy họ cách hưởng thụ cuộc đời một cách hiện đại và thú vị nhất.
-Báo chí tư sản, tiểu tư sản nhất là tờ báo Phong hóa, Ngày nay thường huấn luyện phụ nữ cách cải tiến y phục, huấn luyện thanh niên cách chinh phục gái đẹp.
-Giai cấp tư sản Việt Nam thất bại về mặt kinh tế và chính trị hoang mang, dao động, xoay ra đấu trang về mặt văn hóa chống giáo lí phong kiến để đòi tự do cá nhân:
-Chống giáo lí phong kiến như cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chồng, chế độ đa thê v.v...
-Ðề cao hạnh phúc cá nhân, đề cao tình yêu lứa đôi.

1.2 Khái quát về dòng văn học hiện thực 30-45

a. Quá trình phát triển văn học trong 15 năm: có 2 bộ phận (bộ phận văn học vô sản và bộ phận văn học tư sản, tiểu tư sản nằm trong phạm trù ý thức hệ tư sản). Có 3 thời kỳ:

- Thời kỳ 1930-1935: Xu hướng văn học phê phán có từ trước 1930 đến thời kỳ này phát triển hơn và xác định rõ ràng hơn về phương pháp thể tài. Đây là giai đoạn nổi lên tên tuổi của các cây bút : Nguyễn Công Hoan (Ngựa người người ngựa – 1934, Kép Tư Bền – 1935, Lá ngọc cành vàng – 1935, Ông chủ – 1935), Tam Lang (Tôi kéo xe – 1932), Vũ Trọng Phụng (Cạm bẫy người – 1933, Kỹ nghệ lấy Tây – 1934, Dân biểu và dân biểu – 1934), Ngô Tất Tố (Dao cầu thuyền tán – 1935). Hai thể loại chính của văn học hiện thực trong giai đoạn này là truyện ngắn và phóng sự.

- Thời kỳ 1936-1939: Văn học hiện thực phê phán phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc:Vấn đề nông dân, nông thôn được đặt ra trong tác phẩm hiện thực phê phán Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố... Văn học hiện thực trong giai đoạn này phát triển phong phú về thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự...), đáng chú ý là bên cạnh những tập truyện ngắn (Hai thằng khốn nạn – 1937, Đào kép mới – 1937,Sóng vũ môn – 1938 của Nguyễn Công Hoan, những truyện ngắn đăng trên báo chí cách mạng của Nguyên Hồng), phóng sự (Tập án cái đình – 1939, Việc làng – 1940 của Ngô Tất Tố) có những bộ tiểu thuyết đánh dấu sức sống, sự kết tụ của lao động nghệ thuật ở mức độ sâu sắc điển hình của văn học hiện thực : bộ ba Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê (1936) của Vũ Trọng Phụng; Tắt đèn (1937) của Ngô Tất Tố; Cô làm công (1936), Bước đường cùng (1938) của Nguyễn Công Hoan, Bỉ vỏ (1938) của Nguyên Hồng. Đáng lưu ý là trong giai đoạn này, có một mối liên hệ tương đối mật thiết giữa một số nhà văn hiện thực (Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng) và phong trào cộng sản.

Vấn đề phong kiến thực dân được nêu lên một cách gay gắt trong các tác phẩm hiện thực phê phán: Số đỏ, Giông tố của Vũ Trọng Phụng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố...

Tác phẩm hiện thực phê phán không dừng lại ở truyện ngắn, phóng sự mà đã phát triển mạnh mẽ thể tài tiểu thuyết. Ðây chính là một thành công lớn của văn học hiện thực phê phán thời kì này.

- Thời kỳ 1939-1945:Văn học hiện thực phê phán có sự phân hóa:

Có nhà văn thì chết (Vũ Trọng Phụng);

Có nhà văn không viết tiểu thuyết nữa chuyển sang khảo cứu dịch thuật như Ngô Tất Tố.

Có nhà văn mắc phải sai lầm như Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyết Thanh Ðạm.

Một thế hệ nhà văn hiện thực mới ra đời:Nam Cao, Nguyễn Tuân, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Ðình Lạp, Bùi Hiển, ...

Đây là thời kỳ diễn ra những diễn biến phức tạp trong đời sống chính trị ở Đông Dương (Chiến tranh thế giới bùng nổ, các hoạt động khủng bố của thực dân...), một mặt, văn học hiện thực không có được sự phát triển phong phú về số lượng và đội ngũ như giai đoạn trước năm 36 nhưng mặt khác, trong giai đoạn này, xuất hiện những nhà văn kết tụ được toàn bộ những thành tựu nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam trước năm 1945 điển hình là Nam Cao. Các nhà văn tiêu biểu cho giai đoạn này là Nam Cao (Chí Phèo, Một đám cưới, Một bữa no, Lão Hạc, Trăng sáng, Đời thừa...), Tô Hoài (Quê người, Giăng thề...), Kim Lân, Bùi Hiển (Ma đậu, Nằm vạ)...Nhà văn hiện thực vẫn tiếp tục miêu tả cuộc sống tăm tối của người nông dân Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao; Sống nhờ của Mạnh Phú Tư. Cuộc sống bế tắc mòn mỏi của người trí thức tiểu tư sản cũng được các nhà hiện thực đề cập một cách sâu sắc Sống mòn, Ðời thừa, Trăng sáng của Nam Cao. Các nhà văn nêu lên mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị với tầng lớp nhân dân lao động.

b. Đặc điểm nổi bật

- So với những sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn, sáng tác của các nhà văn thuộc khuynh hướng hiện thực có sự mở rộng về phạm vi phản ánh và sự thay đổi về chủ đề, đề tài.

- Văn học hiện thực mở rộng phạm vi phản ánh của tác phẩm, từ những sinh hoạt gia đình, sự tha hóa của giới tư sản, “thượng lưu” trong xã hội đến cảnh khốn cùng của các tầng lớp dân nghèo ở nông thôn và đô thị.

- Trong quá trình phản ánh, đặc biệt trong giai đoạn 1936 – 1939, nhà văn tập trung miêu tả những xung đột, đối kháng gay gắt của các tầng lớp người trong xã hội. Cái nhìn mang tính lý tưởng, thậm chí không tưởng của các nhà văn trong Tự lực văn đoàn bị giải thể. Thái độ, cảm quan phê phán của các nhà văn đối với thực tại xã hội được tô đậm một cách sâu sắc, dưới mọi hình thức, đặc biệt là dưới hình thức của cái cười (Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và trên một phương diện, kể cả Nam Cao)

- Hai chủ đề được tập trung miêu tả một cách đậm nét là sự tha hóa và sự bần cùng, sự tăm tối trong đời sống.

- Thái độ của các nàh văn hiện thực đối với những tầng lớp dân nghèo cũng có những nét khác biệt với những nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Có đời sống gần gũi với những người cùng khổ, các nhà văn hiện thực đã xây dựng được những phong cách sáng tác hết sức đa dạng : cái nhìn đầy tinh thần cảm thương và sự trân trọng đối với người nghèo trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng; cái nhìn hiện thực tỉnh táo, sắc lạnh của Nam Cao; cái nhìn đầy mầu sắc trào lộng, chua chát về hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Sáng tác của các nhà văn hiện thực vừa thể hiện được một cái nhìn có tính đồng cảm chân thành của những người cùng cảnh ngộ với đời sống của những người nghèo, vừa biết phát hiện ra những giá trị tinh thần tốt đẹp trong họ (điển hình là trường hợp Nguyên Hồng)

- Các sáng tác của các nhà văn hiện thực được sáng tác trên cơ sở một vốn sống và thực tế sáng tác phong phú, nhiều nhà văn trước khi sáng tác những tác phẩm hư cấu là những cây bút phóng sự tài năng (Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố), mỗi nhà văn là người am tường một mảng hiện thực đời sống (Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp gắn với những tệ đoan của xã hội đô thị, Ngô Tất Tố là cây bút am tường đời sống làng xã, Nam Cao là nhà văn của những người trí thức nghèo, là “người thư ký trung thành” của không gian làng Đại Hoàng...)

- Trong hai mảng hiện thực tâm hồn và hiện thực sinh hoạt, các nhà văn hiện thực chủ yếu đi sâu vào mảng hiện thực sinh hoạt của các tầng lớp người trong xã hội. Đây là một nét đặc trưng trong sáng tác của các nhà văn hiện thực nhưng cũng là một trong những điểm hạn chế trong sáng tác của họ.

- Sáng tác của các nhà văn hiện thực phản ánh những nét tương đồng với phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa trên thế giới

- Cái nhìn về hiện thực của họ đa dạng, phong phú và giàu vốn sống hơn các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Khuynh hướng tìm kiếm cái đẹp thơ mộng, lãng mạn về hiện thực bị kiềm chế, nhà văn tập trung miêu tả những mặt tương phản, những nghịch cảnh, những mặt trái của đời sông. Cái nghịch dị trở thành một phạm trù thẩm mỹ được nhiều nhà văn hiện thực sử dụng.

- Không gian tác phẩm được mở rộng, trên cơ sở đó, các nhà văn đã xây dựng được nhiều hoàn cảnh có tính điển hình, mà trên đó, tác phẩm vận động và phát triển.

- Thành tựu lớn của những nhà văn hiện thực là xây dựng được những tính cách có tính điển hình, có sự vận động một cách lôgích, vừa mang ý nghĩa tiêu biểu cho những vấn đề xã hội bức xúc đương thời, vừa mang dấu vết cá nhân hóa một cách sâu sắc.

- Được xây dựng trên cơ sở một vốn sống phong phú nên sáng tác của các nhà văn hiện thực có được những thành công đáng ghi nhận về ngôn ngữ văn học.

- Đưa được tiếng nói của các tầng lớp người vào sáng tác văn học, đặc biệt, đạt được những thành công trong việc cá tính hóa ngôn ngữ nhân vật, xây dựng được những bức “chân dung ngôn ngữ nhân vật”

- Tạo được sự đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật.

2. Biểu hiện của sự mâu thuẫn trong văn học hiện thực 30-45
2.1. Lý luận về mâu thuẫn trong văn chương


Mâu thuẫn nghệ thuật (MTNT) của tác phẩm văn chương là một phạm trù của phép biện chứng nghệ thuật, biểu hiện những hiện tượng xung đột, mâu thuẫn trong nội dung phản ánh của văn chương, trong sự vận động của văn chương trong ý thức tiếp nhận của người đọc, nhất là trong mối tương quan giữa nội dung và hình thức của văn chương. MTNT là nhân tố cơ bản chi phối kết cấu của một văn chương, tạo nên đặc trưng của cấu trúc văn chương.

MTNT của văn chương là một phạm trù với hàm nghĩa hết sức phong phú và có nhiều cấp độ. Vì vậy, khi bàn về MTNT của văn chương, mỗi nhà nghiên cứu có thể tiếp cận nó trên các cấp độ và khía cạnh khác nhau.

a,M.B Khrapchenko nhấn mạnh xung đột như là một yếu tố giữ “vai trò quyết định trong cấu trúc của văn chương nghệ thuật”. Tác giả cho rằng xung đột không chỉ tồn tại trong văn chương tự sự mà cũng tồn tại trong thơ trữ tình, và xác định “… bất kỳ những xung đột nào của văn chương cũng phản ánh bằng cách này hay cách khác những mâu thuẫn của cuộc sống hiện thực”. Như vậy, khái niệm “xung đột” trong văn chương được Khrapchenko xác định như là sự phản ánh mâu thuẫn trong đời sống thực tại. Chẳng hạn, đó là xung đột giữa cá nhân và xã hội với những biểu hiện đa dạng, nhiều mặt như: mâu thuẫn giữa những nhu cầu chân chính của dân tộc, của nhân dân với thể chế xã hội chuyên quyền, tồi tệ; mâu thuẫn giữa thói nhỏ nhen, ti tiện của cuộc sống với những nguyên tắc và những chuẩn mực của sự hoạt động sáng tạo tích cực, giữa sự hủ lậu và ngu dốt với sự phát triển của văn hoá, của tri thức, với sự tiến bộ của xã hội loài người…

b) A.Ia. Esalnek cho rằng những mâu thuẫn thực tế của bản thân thực tại được phản ánh và khúc xạ rõ nét qua sự tương phản, sự đối lập hay tính chất phản đề của các tính cách. Tác giả nêu lên một loạt phản đề của các tính cách được xây dựng trong các văn chương của Lermontov, Chekhov, ...

A.Ia. Esalnek còn chú ý đến những mâu thuẫn, đối lập bên trong bản thân các tính cách – nhất là những tính cách đặc biệt phức tạp và phát triển – được nhà văn trình bày trong một tương quan phức tạp của các mặt tích cực và tiêu cực, trong sự biến đổi và phát triển. Chẳng hạn, những mâu thuẫn bên trong tính cách nhân vật Grigory Melekhov trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Sholokhov.

Tác giả cũng chú ý đến “tính mâu thuẫn trong sự đánh giá của tác giả có thể bộc lộ ở những văn chương”. Chẳng hạn, trong Truyện kể về binh đoàn Igor, tác giả vô danh đã bày tỏ lòng khâm phục chân thành đối với các tráng sĩ Nga dũng cảm, nhưng đồng thời lại lên án cuộc hành quân đơn độc vào thảo nguyên của họ đã dẫn đễn chỗ diệt vong và khiến kẻ thù đánh vào nước Nga cổ...

Ngoài ra, theo Esalnek, đôi khi còn nảy sinh trong văn chương mâu thuẫn giữa khuynh hướng suy lí với khuynh hướng nghệ thuật, khuynh hướng hình tượng.

c) L.S. Vygotski, trong Tâm lý học nghệ thuật, cũng khẳng định: “tính chất mâu thuẫn vốn nằm trong cấu trúc của bất kỳ một văn chương nghệ thuật nào”, và nhấn mạnh: “trong một văn chương nghệ thuật bao giờ cũng có hàm chứa một mâu thuẫn nào đó, một sự không ăn khớp bên trong nào đó giữa chất liệu với hình thức”. Theo ông, mâu thuẫn này làm dấy lên những cảm xúc đối lập (đối nghịch) nhau, gây nên hiệu quả thực sự của văn chương nghệ thuật.Tác giả đã phát hiện một số kết cấu đối lập trong văn chương thể hiện mâu thuẫn biện chứng giữa nội dung và hình thức, gây nên hiệu quả “cảm xúc đối nghịch” hay catacxit trong phản ứng thẩm mĩ của người đọc sau đây:

- Kết cấu “chất liệu” đối nghịch với “hình thức”, chẳng hạn, chất liệu đá “nặng nề” được nhà điêu khắc tạo cho dáng thanh thoát.

- Kết cấu đối nghịch “hơi văn” nhẹ nhõm, thanh thoát lại toát ra từ sự khắc phục chất liệu nặng nề, vẩn đục của một chuyện đời phàm tục.

- Kết cấu nội dung truyện đối nghịch với tiết tấu lời văn kể truyện, chẳng hạn, trong Iliat, nỗi đau buồn, thảm thương do cái chết của Hector gây ra lại được kể bằng câu thơ khoan thai, bình thản.

- Kết cấu đối nghịch được bao hàm trong số phận nhân vật bi kịch : tột độ của sự diệt vong đồng thời là tột độ của niềm hoan thắng của nhân vật bi kịch.

- Kết cấu đối nghịch được tạo ra từ những ý nghĩa tương phản của hành động được xem xét từ những bình diện khác nhau, chẳng hạn, trong truyện ngụ ngôn Con Sói và con Cừu non, chú Cừu non càng thanh minh cho mình tốt bao nhiêu thì càng đi gần tới chỗ chết.

d) Trong Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Huỳnh Như Phương cũng nhấn mạnh: “… xung đột nghệ thuật là nhân tố cơ bản tạo nên bản sắc của cấu trúc văn chương … Và sự đa dạng của xung đột sẽ làm xuất hiện sự đa dạng của kết cấu văn chương. Có xung đột biểu hiện qua sự đè nén, giằng co, cưỡng ép giữa các thế lực. Có xung đột được nhận diện bằng sự đấu trí căng thẳng giữa hai tính cách. Có xung đột thể hiện bằng cuộc tranh luận về chính kiến giữa những tính cách đang tìm cách thuyết phục nhau bằng lí lẽ của mình. Lại có xung đột diễn ra giữa hai mặt của một tính cách, tạo nên sự giằng xé bên trong nội tâm nhân vật.”

Theo tác giả, “Biểu hiện dưới dạng xung đột xã hội hay xung đột nội tâm, xung đột nghệ thuật trong văn chương phơi bày sự mâu thuẫn, cọ xát, va chạm và đối chọi nhau giữa các phương diện của đời sống bên ngoài và thế giới tâm linh của con người”.

e) Phan Huy Dũng cũng khẳng định rằng: “MTNT đặc thù là hiện tượng có thực và phổ biến”, và nhấn mạnh việc phát hiện và nghiên cứu MTNT đặc thù của văn chương giúp “định giá văn chương một cách khoa học và sâu sắc hơn, đồng thời giúp cho sự tiếp nhận diễn ra có hiệu quả hơn. Điều này (...) đặc biệt có ý nghĩa đối với việc DH văn chương trong nhà trường phổ thông”. Tác giả đã “nhận diện” một số loại hình MTNT của văn chương như sau:

- Hiện tượng chênh nhau giữa nội dung sự việc và giọng điệu trần thuật.

- Hiện tượng vận động “lạc hướng” của tiến trình sự kiện so với xác định dứt khoát ban đầu của tác giả.

- Hiện tượng phối hợp đầy ngẫu hứng giữa những mô típ truyền thống với nội dung hoàn toàn mới.- Hiện tượng xung khắc giữa mô hình kết cấu lôgic với nội dung trữ tình. v.v...

Tóm lại, việc phát hiện và khái quát hóa một số loại hình MTNT của văn chương có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc dạy học văn chương ở phổ thông. Nó chẳng những giúp giáo viên tạo kích thích sự tìm tòi sáng tạo, thúc đẩy tính tích cực hoạt động của học sinh mà còn giúp nắm bắt đầy đủ và sâu sắc bản thể của văn chương, phân tích chiều sâu ý nghĩa của các khái quát nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học văn chương.

2.2 Mâu thuẫn giữa giai cấp – giai cấp

Giai đoạn 1930 – 1945, nhân dân ta không chỉ chịu đựng một tầng áp bức bóc lột của địa chủ, cường hào phong kiến mà còn phải chịu xiềng gông của Nhật – Pháp thay nhau đày đọa nhân dân lao động bằng đủ các biện pháp.

Trước hết về mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân – địa chủ phong kiến, văn học hiện thực 30-45 dựng lên rất nhiều tên địa chủ ngự trị sau những lũy tre làng, đại diện cho giai cấp phong kiến bóc lột nhân dân. Đó là Nghi Lại trong “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan), là Nghị Quế trong “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố), là Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo”. Nghị Lại, Nghị Quế, Bá Kiến đều chung bản chất bóc lột người và vun vén làm giàu. Nếu ở Nghị Lại tàn bạo và tham lam, Nghị Quế thể hiện một sự ngu dốt trắng trợn trong lời nói và hành động thì Bá Kiến gian hùng và mưu mô. Bá Kiến là một tên địa chủ thủ đoạn xảo quyệt, biết củng cố địa vị thống trị của mình bằng tất cả sự lọc lõi và khôn ngoan của một kẻ hiểu sự đời.

“Chí Phèo” là câu chuyện xảy ra ở làng Vũ Đại. Vùng quê ở đó có rất nhiều mối quan hệ phức tạp,chồng chéo: ở đó có những tên địa chủ độc ác đại diện cho tầng lớp thống trị(Bá Kiến, Đội Tảo…); có những tay đâm thuê, chém mướn (Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ); có những người lao động lương thiện, nghèo khổ, tàn tạ theo thời gian và năm tháng( Chí Phèo, cô cháu Thị Nở…). Bá Kiến đại diện cho tầng lớp địa chủ trong làng Vũ Đại. “Cụ” là một trong những kẻ luôn gây ra những mâu thuẫn trong các phe cánh, một tay chuyên “lấy những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò” và là một tên chuyên bóc lột dân lành bằng mánh khóe. Bá Kiến đứng đầu nắm trong tay rất nhiều quyền hành trong cái làng Vũ Đại nhiều mâu thuẫn, bức bối và phức tạp ấy. Bá Kiến được đặt vào một vị trí trang trọng trong xã hội, khi nhà văn phác họa nên một lai lịch của một kẻ già đời trong nghề bóc lột : gia đình bốn đời làm tổng lý, bản thân Bá Kiến từng là lý trưởng, chánh tổng; cha truyền con nối trong thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ người khác. Những kẻ như thế, vẫn được gọi bằng ông, bằng cụ một cách tôn kính. Uy quyền của Bá Kiến không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi của một làng, mà "cụ Bá" là "bá hộ, tiên chỉ, chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu". Vốn là một người nông dân lương thiện, hiền lành, chăm chỉ, giàu lòng tự trọng nhưng bị Bá Kiến đẩy đi ở tù với một lí do mơ hồ ( có lần tác giả đã hé lộ lí do đó: Bá Kiến muốn tất cả trai làng đi ở tù), Chí Phèo trở về với trạng thái mất hết cả nhân hình lẫn nhân tính. Chính vì hiểu đời, hiểu người nên Bá Kiến có thể biến Chí Phèo từ một kẻ đối nghịch thành tay sai của mình. Điều nguy hiểm nhất ở Bá Kiến là tội ác được hắn nâng lên thành nghệ thuật để cai trị kẻ khác “ lấy tên đầu bò để trị những thằng đầu bò”. Đoạn Chí Phèo đến nhà Bá Kiến xin đi ở tù là một minh chứng. Bá Kiến rất nham hiểm khi đẩy Chí Phèo đến nhà Đội Tảo. Vì một trong hai kẻ này chết đều có lợi cho cụ. Chính sách cai trị “mềm nắm rắn buông”, "nắm lấy đứa có tóc", đặc biệt là những thủ đoạn rất nham hiểm :"Hãy vất người ta xuống sông rồi hãy vớt nó lên để cho nó đền ơn, hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi hãy vất trả lại năm hào vì "thuơng anh túng quá"". Chưa một nhà văn nào lại giúp người đọc hình dung ra tội ác đáng sợ đến ghê tởm như Nam Cao. Với tất cả các thủ thuật trị người ấy, Bá Kiến quả là một kẻ "khôn róc đời" và đã phá tan cơ nghiệp của biết bao gia đình, đập nát hạnh phúc của bao người. Không chỉ độc ác, nham hiểm Bá Kiến còn là một kẻ dâm ô và trác táng. Dù đã có 4 người vợ nhưng “cụ Bá” vẫn tìm cách lợi dụng và thông dâm với vợ Binh Chức. Cụ có “đức tính” ghen ghét với tất cả trai trẻ trong làng và cụ chỉ muốn cho tất cả những trai trẻ ấy đi ở tù. Đoạn văn quả có thể làm chúng ta bật cười vì sự ghen tuông của một ông lão đã ngoài sáu mươi, nhưng ta bỗng giật mình vì chứng tích của sự ghen tuông đáng buồn cười ấy bỗng hiện ra : một thằng điên, một thằng say, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, sẵn sàng đâm chém bất cứ ai - ngày xưa nó cũng là một thằng trai trẻ…Như một quy luật tất yếu “con giun xéo mãi cũng quằn”, kẻ mưu mô, nham hiểm ấy cuối cùng cũng phải lãnh một kết thúc bi thảm. Chí Phèo rút dao đâm chết Bá Kiếnvà giết chết chính mình. Nam Cao viết về bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo sâu sắc bao nhiêu càng thể hiện được tội ác của Bá Kiến. Và một quy luật tất yếu: ở đâu có mâu thuẫn, ở đó có đấu tranh để phủ định bài trừ lẫn nhau. Mặc dù hành động của Chí Phèo chỉ là hành động tạm thời, không giải quyết được triệt để mâu thuẫn đó, sẽ lại có người như Bá Kiến thay chân hắn để gây nên các mối mâu thuẫn khác, như Lý Cường – con trai Bá Kiến chẳng hạn, nhưng nó cũng thể hiện một điều: sẽ có những Chí Phèo con khác ra đời thay thế để phản kháng lại. Đó là quá trình “chuyển hóa qua lại giữa các mặt thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”.

Trong Tắt đèn, Ngô Tất Tố thể hiện mâu thuẫn trước Cách Mạng tháng Tám, thuế má là tai họa khủng khiếp nhất đối với người nông dân. Xoáy sâu vào thuế thân-một thứ thuế vô nhân đạo trong chính sách thuế khóa dã man của chế độ thuộc địa, tắt đèn đã phơi bày đến tận cùng bản chất bóc lột xấu xa, bẩn thỉu của chế độ thực dân nữa phong kiến Việt Nam. Tắt đèn từ từ mở ra tấn bi kịch căng thẳng, ngột ngạt ngay từ phút đầu: nông thôn trong những ngày đóng thuế. Làng Đông Xá dường như bị phong tỏa, bị đặt trong tình trạng “báo động”. Từ mờ sáng, cổng làng đã bị đóng kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập và suốt trong năm ngày liền “mõ thét đánh” rùng rợn. Ngô Tất Tố đã đặt các nhân vật của mình vào một hoàn cảnh điển hình, một không khí ngột ngạt, oi bức, nông dân trong làng cứ như “kiến bò trong chảo lửa”, chạy phía nào cũng bị bao vây bởi bọn thống trị bóc lột. Trong hoàn cảnh điển hình như thế, những mâu thuẩn cơ bản của xã hội, những tính cách của các nhân vật sẽ có điều kiện bột lộ một cách toàn vẹn. Tắt đèn tập trung tố cáo chính sách thuế khóa nặng nề - vốn là một tai họa khủng khiếp nhất đối với người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt là thuế thân – một thứ thuế bất nhân. Tắt đèn làm nổi bật mâu thuẩn giai cấp gay gắt trong lòng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Tác phẩm tố cáo, lên án gay gắt bản chất tàn ác, xấu xa của bọn thống trị: bọn địa chủ độc ác (vợ chồng nghị quế) keo kiệt; bọn cường hào gian tham, thô lỗ; bọn quan lại dâm ô (quan phủ Tư Ân), bỉ ổi; bọn lính tráng, tay sai đầu trâu mặt ngựa tàn ác. Tất cả hùa nhau lại cấu kết với thực dân, thi nhau hà hiếp, bóp đàu, bóp cổ, đẩy người nông dân khốn khổ đến bước đường cùng. “Tắt đèn” đã vạch trần sự bưng bít che giấu của giai cấp thống trị về cuộc sống khốn khổ, bần cùng ở nông thôn. Tắt đèn còn lên án một bộ máy thống trị ở nông thôn: quan lại, nghị viên, địa chủ, tàn nhẫn vô nhân đạo. chúng chỉ chờ cơ hội để đục khoét, cướp đoạt của cải của nhân dân.

Về mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân – thực dân, tác phẩm có đề cập đến chính là “Lão Hạc” – Nam Cao. Thông qua chi tiết anh con trai lão Hạc vì quẫn tiền đi đồn điền cao su từ đó không trở về, Nam Cao đã nói lên một hiện thực về sự vơ vét bóc lột của thực dân. Bao nhiêu trai tráng được bắt đi đồn điền cao su để rồi “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, thậm chí chôn xác dưới những gốc cao su.

Có mâu thuẫn là có đấu tranh, một lần nữa quy luật triết học của Mác về mâu thuẫn cho thấy đây là một yếu tố tất nhiên. Cách mạng tháng Tám – 1945 chính là một minh chứng rõ ràng về sự đấu tranh để xóa bỏ các mâu thuẫn tồn tại trong xã hội bấy lâu, giải thoát con người khỏi thống khổ.

2.3 Mâu thuẫn tình cảm – lý trí, bên trong – bên ngoài

Trong truyện Đời thừa của Nam Cao, đó là mâu thuẫn người trí thức nghèo - văn sĩ Hộ - có ý thức tự khẳng định, muốn nâng cao giá trị đời sống cá nhân bằng một sự nghiệp có ích cho xã hội bị gánh nặng cuộc sống cơm áo đè bẹp, không thể thực hiện được “hoài bão lớn” của mình mà phải sống một cuộc sống “vô ích”, một cuộc “đời thừa”… Nam Cao đã miêu tả rất thành công xung đột nội tâm của nhân vật Hộ, thể hiện ở mâu thuẫn không thể lựa chọn dứt khoát một trong hai hay dung hòa giữa sống với lí tưởng văn chương và sống theo lẽ sống tình thương, khiến Hộ rơi vào bế tắc, sa vào tấn bi kịch tinh thần đau đớn của một con người có hoài bão cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị, lại phải viết thứ văn chương “vô vị, nhạt nhẽo” như “một kẻ bất lương, đê tiện”, “một kẻ vô ích, một người thừa” ; hơn nữa là bi kịch của một con người sống theo lẽ sống tình thương, hi sinh tất cả vì lòng thương lại chà đạp lên lẽ sống tình thương của mình, như một kẻ tồi tệ, khốn nạn, bị huỷ hoại nhân cách.

Trong “Tắt đèn” – Ngô Tất Tố, đã không biết bao nhiêu lần chị Dậu đã phải đấu tranh trong nội tâm giữa ý chí và tình cảm để đưa ra quyết định: bán con cứu chồng, đánh quan nha để bảo vệ chồng, chống lại lão quan già dê để bảo vệ mình. Lý trí nói cho chị biết cần phải nhẫn nhục, nhưng tình cảm , lòng tự trọng lại không cho phép chị làm thế.

Như Chí Phèo, miệng nói phải giết chết con đĩ Nở, vì từ chối tình cảm của hắn, bỏ đi cơ hội cuối cùng được làm người của hắn, nhưng chân hắn lại bước đến nhà Bá Kiến để kết liễu Bá Kiến và chính mình, hắn thực sự tỉnh táo để hiểu Bá Kiến mới là nguồn cơn cho mọi đau khổ bi đát của cuộc đời mình. Hành động và lời nói của hắn mâu thuẫn nhưng vô cùng thống nhất, logic với diễn biến câu chuyện về cuộc đời hắn.

3. Ý nghĩa của quy luật trong việc phản ánh hiện thực và tình cảm con người

Từ những mâu thuẫn trong tác phẩm văn học, văn học đã thể hiện được những mối quan hệ mâu thuẫn gây nhức nhối trong xã hội. Phong kiến, thực dân thay nhau chồng lên cổ người nông dân nghèo những thứ bóc lột, áp bức vô lí, để rồi Chí Phèo tỉnh ngộ ra bi kịch cuộc đời mình, giết Bá Kiến rồi tự tử, lão Hạc ăn bả chó để chết, chị Dậu chạy trong đêm đen thẳm như cái tiền đồ trước mặt chị. Vừa tố cáo hiện thực cũng đồng thời ca ngợi các giá trị tốt đẹp của con người, giữa những con người cùng giai cấp đáy cùng. Một bát cháo của Thị Nở dành cho Chí Phèo cũng khiến cho cuộc đời hắn nảy sang trang mới, một bát cháo của bà hàng xóm cũng khiến vợ chồng chị Dậu hiện lên chút ánh sáng le lói trong chuỗi đen tối bất tận. Hiện thực đen tối, con người vẫn luôn phải đấu tranh từng ngày, chống chọi vượt lên số phận.

4. Kết luận

Mâu thuẫn có tính khách quan, phổ biến và rất đa dạng phong phú, mâu thuẫn này mất đi thì sẽ có mâu thuẫn khác nảy sinh. Quá trình vận động của mâu thuẫn biểu hiện rất rõ ràng trong các tác phẩm hiện thực giai đoạn 30 – 45. Có mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân – địa chủ, vô sản – thực dân , mâu thuẫn trong chính bản thân tâm lí con người...tuy đối lập, mâu thuẫn nhưng chúng thống nhất và cùng tồn tại với nhau, mâu thuẫn này mất đi sẽ có mâu thuẫn khác nảy sinh. Qua việc vận dụng quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập để tìm hiểu một số tác phẩm trong nhà trường thuộc văn học hiện thực 1930 – 1945 để thấy rõ được tính tất yếu về mâu thuẫn và đấu tranh mà các nhà văn hiện thực đã phản ánh. Từ đó thấy được hiện thực của cả một xã hội đầy biến động và rối ren một thời.
 
Từ khóa
mâu thuẫn trong văn chương quy luật thống nhất đấu tranh văn học hiện thực 30 45
941
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top