Chia Sẻ Các bạn học sinh Việt Nam phản ứng thế nào khi thấy đề thi Văn của Trung Quốc

Chia Sẻ  Các bạn học sinh Việt Nam phản ứng thế nào khi thấy đề thi Văn của Trung Quốc

Các bình luận thường thấy khác đó là: May mình không phải là học sinh TQ; Thật may bố mẹ mình là người Việt Nam; Đọc xong không hiểu gì hết; Đọc đề cái xỉu ngang, Chắc các bạn học sinh bên đó học tập cũng áp lực lắm…

Mình sẽ tổng hợp một số ý kiến tiêu biểu đánh giá về đề văn Trung Quốc của các bạn Việt Nam. Qua những ý kiến đó cũng thấy được một phần nào suy nghĩ và mong ước về đề thi của chính chúng ta.


đề thi Văn của Trung Quốc.jpg

(Các bạn học sinh Việt Nam phản ứng thế nào khi thấy đề thi Văn của Trung Quốc)

I. Đề thi Văn của Trung Quốc năm 2022​

ĐỀ A TOÀN QUỐC

Đọc đề, làm bài theo yêu cầu của đề.

Trong Hồng Lâu Mộng hồi 7 “Vườn đại quan thử tài đề câu đối” có một tình tiết như sau: Vườn đại quan làm vì Nguyên Phi (Giả Nguyên Xuân) đã hoàn thành, quan khách đến thăm vườn đặt tên, câu đối cho đình đài lầu các.
Có người đề đến lấy hai chữ “Dực Nhiên” (Quang đãng sáng sủa) trong câu “Hữu đình dực nhiên” trong bài “Tuý Ông Đình ký” của Âu Dương Tu để đặt.
Giả Chính cho rằng đình này ở trên mặt nước, nên nói đến nước mới phải. Theo ông nên lấy chữ “Tả” trong “Tả xuất vu lưỡng phong chi gian” (nước chảy ra từ giữa hai ngọn núi). Có người đề nghị đặt “Tả Ngọc” (Nước chảy ra từ hạt ngọc). Bảo Ngọc từ chối, cảm thấy dùng “Tẩm Phương” càng tao nhã mới mẻ. Giả Chính gật đầu ngầm đồng ý.
“Tẩm Phương” (Thấm đượm hương thơm) hai chữ vừa tả ra được cảnh đẹp của ánh nước lấp lánh cùng hoa cỏ lại vừa không lỗi thời cũ kỹ. Cũng hợp tâm ý “Tỉnh thân” của Nguyên Phi, hàm xúc kín đáo, ý tứ chu toàn.
Trong đoạn trên mọi người đề tên cho hoành phi, có người trực tiếp đề, cũng có người biến hoá để đề hoặc dựa vào hoàn cảnh để đề, như vậy đã tạo ra những hiệu quả nghệ thuật bất đồng. Những cách làm trên có thể gợi ý, dẫn dắt con người đi vào những suy xét sâu sắc hơn ở nhiều lĩnh vực rộng hơn.


Từ kinh nghiệm của bản thân trong học tập và cuộc sống hàng ngày, viết một đoạn văn.

TOÀN QUỐC B​


Nội dung thi: Đọc tư liệu dưới đây và viết theo yêu cầu.

Bắc Kinh - Thành phố của hai kỳ Thế Vận Hội tỏa sáng trên thế giới. Hai kỳ Olympic vừa thể hiện một tầm cao mới trong phát triển thể thao của Trung Quốc, vừa thể hiện sự phát triển nhảy vọt về sức mạnh dân tộc toàn diện của Trung Quốc, vừa chứng kiến bước nhảy vọt của các bạn từ một đứa trẻ ngu ngơ trở thành một thanh niên đầy triển vọng. Bằng cách trải nghiệm nó, bạn có thể cảm nhận được vinh quang của thể thao và cường thịnh của đất nước; tiến về phía trước, bạn sẽ được hòa vào làn sóng mùa xuân đang dâng trào của sự trẻ hóa đất nước. Sự xuất sắc không bao giờ kết thúc, những bước nhảy vọt không bao giờ dừng lại. Hãy kết hợp các tài liệu trên và viết một bài về chủ đề "vượt lên, lại vượt lên".

Bài viết phản ánh cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Yêu cầu: chọn góc độ phù hợp, xác định rõ khái niệm, văn phong rõ ràng và chuẩn bị tiêu đề; không sao chép, không đạo văn; không tiết lộ thông tin cá nhân; không dưới 800 từ.

* Bắc Kinh: Thành phố của Thế vận hội đôi.
- Olympic và Paralympic 2008:
+ Kết quả thi đấu: Đoàn Olympic Trung Quốc đứng nhất bảng huy chương vàng, nhì bảng tổng số huy chương, đoàn Paralympic đứng nhất bảng huy chương vàng và nhất bảng tổng số huy chương. Thành tích tốt nhất trong lịch sử.
+ Thể thao quần chúng: Thể dục thể thao quốc gia phát triển vượt bậc.
+ Điểm nổi bật về công nghệ: "Tổ Chim" là địa điểm có kết cấu bằng thép lớn nhất thế giới; tỷ lệ tái xử lý nước thải của địa điểm đạt 100%.
+ Hỗ trợ giao thông: Tuyến đường sắt liên thành phố Bắc Kinh - Thiên Tân được mở ra để giúp Thế vận hội.
+ Nền kinh tế quốc dân: GDP: 31,4 nghìn tỷ NDT (2008).

- Olympic, Paralympics mùa đông 2022
+ Kết quả thi đấu: Đoàn Olympic mùa đông Trung Quốc đứng thứ ba bảng huy chương vàng và thứ 11 bảng tổng số huy chương; đoàn Paralympic mùa đông đứng nhất bảng huy chương vàng và nhất bảng tổng số huy chương. Thành tích tốt nhất trong lịch sử.
+ Thể thao quần chúng: "300 triệu người tham gia các môn thể thao trên băng và tuyết" trở thành hiện thực.
+ Điểm nổi bật về công nghệ: Địa điểm thông minh và dịch vụ thông minh; dự báo thời tiết chính xác "cấp độ phút" và "cấp độ hàng trăm mét".
+ Hỗ trợ giao thông: Đoàn tàu cao tốc thông minh Bắc Kinh -Trương Gia Khẩu bắt đầu hoạt động; quãng đường vận hành đường sắt cao tốc quốc gia vượt hơn 40.000 km, đứng đầu thế giới.
+ Nền kinh tế quốc dân: GDP: 114,4 nghìn tỷ NDT (2021).

TOÀN QUỐC 1​


Nội dung đề: Đọc tư liệu bên dưới, viết bài theo yêu cầu.

"Bản thủ, diệu thủ, tục thủ" là ba thuật ngữ trong cờ vây. "Bản thủ" chỉ những nước đánh cờ chính quy tuân theo logic cờ vây; "Diệu thủ" chỉ ra những nước cờ hay trong dự liệu của người chơi, còn "Tục thủ" chỉ những nước cờ có vẻ như hợp lý, thế nhưng nhìn từ góc độ toàn cục thì sẽ luôn thấy tổn thất. Đối với người mới học mà nói, có lẽ bắt đầu từ "bản thủ", vững "bản thủ" rồi thì nước cờ sẽ nâng cao. Có một vài người mới học thích theo đuổi "Diệu thủ" mà xem nhẹ "bản thủ" thường hay được sử dụng. Bản thủ là cơ bản, diệu thủ là sáng tạo. Thông thường, hiểu rõ bản thủ mới có thể xuất hiện diệu thủ; Nếu không, khó tránh khỏi việc đánh ra nước cờ "tục thủ", năng lực cũng không thể nâng cao.

Tư liệu đã cho rất có tính dẫn dắt đối với chúng ta. Hãy viết một đoạn văn kết hợp tư liệu trên thể hiện suy nghĩ và nhận thức của bạn.

TOÀN QUỐC 2​


Nội dung đề : Đọc tư liệu bên dưới, viết bài theo yêu cầu.

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Đài phát thanh và Truyền hình Trung Ương đã ra mắt một phim tài liệu ngắn giới thiệu về một nhóm người nỗ lực phấn đấu trong các ngành nghề khác nhau. Họ chọn nghành nghề theo đam mê, cũng chọn phương hướng phát triển đổi mới sự nghiệp, thể hiện được sức mạnh mở cửa tương lai.

Có một nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng, để thực hiện được Hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu nhằm phục vụ cho các ngành nghề, thì "cần phải có phương pháp mới, tư duy mới, nhận thức mới". Bà dốc sức khắc phục khó khăn khoa học công nghệ, còn tham gia vào giáo dục khoa học công nghệ, bồi dưỡng thanh thiếu niên nghiên cứu rèn luyện khoa học. Có một nhiếp ảnh gia cho rằng, "Những thứ thật sự thuộc về chúng ta, là dân tộc, là máu huyết, mãi mãi trường tồn." Ông lựa chọn hấp thu chất dinh dưỡng từ trong truyền thống dân tộc, thông qua những bức ảnh nâng cao sự tán đồng của thanh thiếu niên đối với văn hóa Trung quốc. Có nhà kiến trúc cho rằng, cần thay đổi hình thức "Nghìn thành một mặt", phải trao lý tưởng và tinh thần cho kiến trúc. Ông luôn luôn nỗ lực kiến tạo những tác phẩm kiến trúc mà "Vẫn đẹp đẽ sau vài thế hệ".


Ban chi đoàn trường Trung Học Phục Hưng tổ chức hoạt động viết văn với chủ đề "Lựa chọn-Sáng tạo-Tương lai", hãy kết hợp với tư liệu trên thể hiện nhận thức và suy nghĩ của bạn.

Yêu cầu: Lựa chọn góc độ phù hợp, chủ đề chắc chắn, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không được để lộ tin tức cá nhân, không quá 800 từ.

☘️
BẮC KINH​


1f338.png
Bài viết nhỏ: Từ 3 đề bài dưới đây chọn ra 1 đề và làm theo yêu cầu, không quá 150 chữ.

(1) Hội học sinh thành lập một câu lạc mới có tên "câu lạc bộ đọc sách vui vẻ", hiện tại câu lạc bộ muốn đăng bài thông báo tuyển thành viên. Bạn hãy viết một đoạn văn cho bài thông báo tuyển thành viên này, lấy chủ đề là "Đọc sách mang lại thẩm mỹ thú vị".

(2) Trong lúc xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 mỗi người cần đảm bảo khoảng cách an toàn là 2m, một số khu vực cộng đồng đã dùng những phương thức khác nhau nhưng đầy thân thiết để đặt biển báo khoảng cách an toàn, nơi thì dùng ô che mưa giữa trời quang, nơi thì dán những bài thơ cổ trên mặt đất... Bạn hãy tự chọn một địa điểm/khu vực, căn cứ theo hoàn cảnh và đặc điểm của khu vực đó để thiết kế ký hiệu/biển báo khoảng cách an toàn 2m, trình bày lý do vì sao lại dùng ký hiệu/biển báo đó.

(3) Lấy chủ đề "Như một tia chớp" để viết một đoạn văn trữ tình hoặc một bài thơ ngắn. Yêu cầu tình cảm chân thực ngôn ngữ sinh động và có sức cảm hóa.

1f338.png
Luận văn: Từ 2 đề bài dưới đây chọn ra 1 đề, trả lời theo yêu cầu, không dưới 700 chữ.

(1) Người xưa đã từng nói "Việc học không thể dừng được" (Học bất khả dĩ dĩ), coi trọng việc học tập vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa, còn với Trung Quốc hiện nay cách hiểu của mọi người về việc học có điểm giống người xưa nhưng cũng có điểm khác biết.

Lấy chủ đề "Bàn về học tập ngày nay" để viết một bài văn nói lên suy nghĩ của bản thân về mục đích, giá trị, nội dung, phương pháp, đường lối và các phương diện đánh giá tiêu chuẩn của việc học. Yêu cầu: Luận điểm rõ ràng, dẫn chứng phong phú luận chứng hợp lý rõ ràng.

(2) Trong thời đại internet hiện nay lại thêm tình hình dịch bệnh bùng phát, rất nhiều hoạt động phải chuyển sang hướng "online", chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều trải nghiệm, kiến thức và cảm nhận liên quan tới "Online". Hãy lấy chủ đề "Online" để viết một bài văn tự sự. Yêu cầu tư tưởng và nội dung hợp lý phong phú, chi tiết, ngôn ngữ lưu loát rõ ràng.

☘️
THIÊN TÂN​


Đọc tài liệu dưới đây và viết viết văn theo yêu cầu.

"Khói lửa là khi các thành viên gia đình ngồi đoàn tụ bên nhau dưới ánh đèn thân thiết, khói lửa tượng trưng cho quốc thái dân an, là năm tháng tốt đẹp. Khói lửa là sự ấm áp hoà hợp, cần được trân trọng và bảo vệ, cũng cần dâng hiến và gánh vác. Khói lửa bình thường chính là phong cảnh đẹp nhất."

Bạn có suy nghĩ và cảm nhận gì đối với đoạn văn trên? Hãy kết hợp trải nghiệm của bạn viết một đoạn văn.
1. Tự chọn góc độ, tự đặt tiêu đề
2. Không giới hạn thể văn
3. Không ít hơn 800 từ

☘️
CHIẾT GIANG​

Đọc đề bài dưới đây và viết bài văn theo yêu cầu.

Những năm gần đây, tỉnh Chiết Giang luôn nỗ lực tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện sâu rộng chiến lược củng cố sức mạnh cho tỉnh bằng nhân tài, sáng tạo cái mới và vị trí đầu não, đi sâu thực hiện "Hành động Côn Bằng", "Kế hoạch hỗ trợ đặc biệt cho nhân tài cấp cao"... vì vậy mà đã nâng cao được chất lượng phát triển và trình độ của toàn tỉnh.
Thanh niên thời đại mới của tỉnh Chiết Giang vẫn luôn khai thác và sáng tạo cái mới ở tất cả mọi ngành nghề mọi lĩnh vực. Có thể kể đến cô gái Từ Phong Xán thuộc thế hệ sau 95, cô gái ấy trải qua mọi huấn luyện khắc khổ tại đại học hàng không không quân, đạt điểm tối đa trong bài thi sát hạch và trở thành nữ phi công đầu tiên có thể bay một mình của lục quân Trung Quốc; Hay như công nhân thanh niên Dương Kiệt - từ một người học nghề bình thường đã trở thành "thợ thủ công Chiết Giang", đạt được danh hiệu "lao động kiểu mẫu của tỉnh Chiết Giang"; hoặc như nhóm nghiên cứu phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Chi Giang - với 90% thành viên là người dưới 35 tuổi đã mạnh mẽ xông vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong nước vốn được mệnh danh là lĩnh vực "không người", giành được giải thưởng ACM Gordon Bell Prize - là cao nhất quốc tế cao quý nhất trong lĩnh vực này.


Tài liệu tham khảo trên đây có khơi gợi cho bạn cảm hứng gì về sự phát triển trong tương lai của bạn không, hãy viết bài văn để trình bày suy nghĩ của mình. Yêu cầu tự chọn góc nhìn, tự lập ý tưởng, tự nghĩ tiêu đề, hành văn rõ ràng không viết thành thơ, không ít hơn 800 chữ, không sao chép đạo nhái.

(Đề văn được dịch và đăng tại page Cbiz 360)

II. Phản ứng của học sinh Việt Nam​

1. (213 like)

Mỗi lần có đề Văn bên Trung thì nhiều bạn thường vào so sánh và cho rằng đề của Trung quá khó, đọc lên không hiểu đề muốn nói gì cả. Thật ra mình thấy đề Văn của Trung khó nhất là ở chỗ giải mã đề. Đề Văn ở kỳ thi THPT QG của VN thường rõ ràng, ngắn gọn, chỉ thẳng vấn đề, chứ ít khi mã hóa yêu cầu học sinh phải có đủ năng lực và tư duy để giải mã như vậy nên đối với nhiều bạn chưa quen sẽ cảm thấy đọc đề lên mà không hiểu gì cả, vì các bạn ít khi tiếp xúc những dạng đề vậy. Với các bạn từng làm nhiều đề nghị luận xã hội của kỳ thi HSG môn Văn chắc sẽ dễ hơn để xác định ý đồ của đề.

Theo mình, đề này một mớ chữ dài dòng như vậy nhưng tóm gọn lại có thể đưa về một vấn đề trọng tâm đó là cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề trong cuộc sống của những kiểu người khác nhau. Có người chỉ nhìn được cái bề ngoài của sự việc, mắt thấy thế nào thì cho là thế ấy; có người biết kết hợp hoàn cảnh xung quanh, tư duy thêm để nhìn vấn đề ở góc rộng hơn; cũng có người biết linh hoạt biến đổi, không cứng nhắc chấp nhất vào lối mòn tư duy và những cái bề ngoài để nhìn nhận sự vật sự việc ở chiều sâu của bản chất (như Giả Bảo Ngọc). Vậy mình chỉ cần bàn về vấn đề này và áp dụng phân tích trong đời sống, học tập là được. Đó là một hướng giải quyết đề khá cơ bản, dễ tiếp cận.

Tất nhiên, một đề Văn hay có thể có nhiều cách giải mã, nhiều tầng mã hóa. Tùy vào tư duy, trải nghiệm của từng người sẽ có những cách giải mã khác nhau, nói lên trình độ và chiều sâu trong suy nghĩ của họ. Cách giải mã của mình chỉ là một trong số đó thôi, sẽ có những bạn đưa ra các cách hiểu cao hơn, liên hệ tới những vấn đề ở tầm sâu rộng hơn. ^^

Cái gì cũng có thể cải thiện thông qua việc luyện tập, tư duy cũng thế. Khi một người làm nhiều đề cần tư duy giải mã như này thì dù tư duy của họ không quá tốt nhưng sẽ dần dần nhận ra cách xác định trọng tâm của một đề Văn. Tất nhiên, đúng là nếu tư duy ở tầm thấp thì chỉ giải mã được vấn đề ở tầm thấp, những người có tư duy tốt, giàu trải nghiệm sống thì sẽ đưa đề Văn về những vấn đề cao cấp hơn. Nên cùng một đề ấy, xem cách học sinh giải mã đề có thể biết được học sinh đó ở tầm nào. Người bình thường nhìn một chiếc lá rơi chỉ là chiếc lá rơi, nhà thơ nhìn chiếc lá rơi thấy nỗi buồn ly biệt hay lòng tiếc tuổi xuân tàn, một nhà hiền triết nhìn chiếc lá rơi có thể thấy cả một triết lý về nhân sinh, về vạn vật, vũ trụ. Cái hay của dạng đề này là ở chỗ đó.

2. (89like)


Ngày xưa là mình thích mấy kiểu hoa mỹ ẩn ý lớp lang này nọ lắm, cảm giác rất có chiều sâu, triết lý, rất hàn lâm, rất bác học. Sau này mình thích nhân cách Đông Lào hơn: "thích thì nói là thích, không thích thì nói không thì, muốn gì nói thắng ra". Thế nên cứ trực tiếp nhảy vào lòng HS như đề văn VN là tốt nhất. HS hiểu rõ đề, chỉ việc nghĩ cách giải.

Còn học sinh TQ quả này mã hoá đề sai thì chỉ có nước ngậm ngùi tự trách mình học nghệ chưa thông kiến thức hạn hẹp nên chưa hiểu được ý đề thôi, chứ mà kiểu đề này ở VN thì có mà mấy bác phụ huynh có khi đã nhảy dựng lên "ra đề không rõ ràng, tôi thích hiểu như này thì sao, đề phải đọc nhiều sách ngoài như thế, chương trình học nặng, con tôi làm sao lường được" rồi. Chưa kể báo chí còn thêm mắm dặm muối góp vui.

3.
Chương trình giáo dục, giáo án của 2 nước khác nhau nên bên đó ra đề thì bên mình phần lớn khó hiểu cũng phải, thật ra đọc mấy đề bên đó thấy cũng hay, vì vừa đọc vừa xem bàn luận cách giải đề còn giúp bản thân hiểu thêm 1 chút, nhưng không có nên đem so đo đề văn nước mình với nước họ rồi chê nước mình nhàm chán ( t từng đọc kha khá cmt như thế ), đề văn nước mình mà đổi như bên đó thì sẽ đổi phần giáo án, mà thử nghĩ học phân tích, nghị luận trong lớp đề đã dễ và lặp lại còn có 1 số bạn không chịu học thì đổi giáo án với ra mấy đề kiểu này lại bị ý kiến dữ dội.

4.
Đề dài và đánh đố thôi chứ bản chất yêu cầu của đề đâu quá khó đâu ta. Thấy đề TQ hay kiểu dựa vào một tình huống (đời thường hoặc tác phẩm) để dẫn đề, có khác gì VN đâu. Do bên mình không học sâu hoặc không học về mấy tác phẩm đó thôi chứ bản chất cách ra đề cũng có phải cao siêu diệu vợi gì đâu.

Khen một cái là bên trung đánh mạnh vào "quan điểm cách nghĩ của em về..." còn VN thì tập trung vào khả năng tổng hợp và phân tích chủ thể. Thật ra ở mức điểm cao thì bên mình cũng yêu cầu tính thể hiện quan điểm của thí sinh thôi, chủ yéu là ít có người đạt tới ngưỡng đó.

5.
Đề như này rất hay và yêu cầu tư duy nhiều nữa

Riêng t cảm thấy đề VN nó cứ đi theo lối mòn và tìm kiếm châu báu trên 1 mảnh đất nhưng nếu cày xới hết năm này qua năm khác thì lấy đâu ra châu báu nữa. Và t cảm thấy những bạn có trí tưởng tượng phong phú và tư duy nhanh nhạy nhưng chưa được trang bị những từ ngữ hoa mỹ hoặc chưa biết diễn đạt những điều bản thân hiểu và phát hiện ra 1 cách trôi chảy đều sẽ thua thiệt những bạn ko có trí tưởng tượng và tư duy cao nhưng lại ưa lối viết hoa mỹ. Nhìn đọc có vẻ rất hay đó nhưng thực sự bạn đó có thật sự hiểu vấn đề đó và tự bạn nghĩ ra rồi viết đc ko hay những thứ bạn viết đều do giáo viên đọc cho ghi ròi học thuộc theo như những cái máy.

Cái thật sự rút ra chả được chú trọng gì cả. Có thể hỏi 1 học sinh về ý nghĩa bài thì bạn đó đọc vanh vách nhưng hỏi sâu vào tại sao thì ko biết kiểu như mặc niệm luôn là Vợ Nhặt phản ánh cuộc sống đói khổ nhưng hỏi sâu vào tại sao phản ánh thì ko biết ý.

Với lại đa số giáo viên yêu cầu soạn văn nhưng nếu đọc đi đọc lại 1 tác phẩm nhiều lần thì sẽ nhàm chán. Và cái cốt lõi là học văn bài đó xong thì tự rút ra được cái gì, đây là câu hỏi tự bản thân học sinh phải trả lời nhưng giáo viên luôn trả lời hộ rồi học sinh chép y nguyên. Mặc dù đề văn là nêu cảm nhận của anh/chị nhưng phải phân tích theo trình tự mà giáo viên mong muốn xong nếu có học sinh nêu cảm nhận riêng khác biệt của bạn đó mà khác đáp án cũng gạch.

Văn thì ko có đúng có sai chỉ có hợp lý hay ko thôi. Văn ko phải học thuộc dập khuôn máy móc mà phải được viết từ chính cảm nhận của bản thân và phản ánh con người tác giả. Tất nhiên học sinh sẽ ko thể có tài năng như các nhà văn nhà thơ mà đòi hỏi ngôn từ phong phú, hay cách diễn đạt trôi chảy hoa mĩ. Riêng t thấy văn chỉ cần nêu được cảm nhận thật sự (chứ ko phải cảm nhận chung như mn) của cá nhân đó về vấn đề được bàn luận là đủ. Và chắc chắn cảm nhận sẽ ko giống nhau. Và văn chỉ thật sự là nó đúng nghĩa khi mỗi người có 1 cảm nhận riêng còn nếu ai cũng như ai thì đó ko phải văn chương.

6.
Đề dễ hiểu mà: dùng kiến thức kinh nghiệm để bàn về việc vì sao có người đặt tên đề câu đối tả cảnh trực tiếp về đình như ở ý 1 (dực nhiên-quang đãng sáng sủa), ý 2 (Tả xuất vu lưỡng…-nước chảy giữa 2 núi / hoặc “tả ngọc”-nước chảy ra từ ngọc).

Hoặc vì sao lại đặt tên đặt đối tả cảnh của đình một cách gián tiếp như ý 3 “tẩm phương”-Thấm đượm hương thơm, và có liên quan gì đến “tỉnh thân”…

Nói chung chỉ là bình luận nêu nhận xét từ nhiều góc độ của 3 người tiêu biểu phía trên. Việc này rất dễ với người đã đọc Hồng lâu mộng và từng được xem Đại quan viên ngoài đờ thực (được dựng theo truyện khi làm bản phim HLM năm 86). Việc nhét những “độc lập tự cường…” gì đó vào hot search để giải nghĩa thì chỉ là góc độ của người lớn khi phân tích đề và bình luận, chứ chỉ cần lưu ý người làm bài đều dưới 18 tuổi, lượng kiến thức có ngốn hết mớ văn học trung xưa nay thì cũng khó mà liên tưởng tới khi chỉ dừng ở mức độ văn họcb (tất nhiên là còn phải xem giáo trình dạy của trung muốn truyền đạt điều gì thông qua phân tích văn học, thì việc đưa ý độc lập tự cường gì vào thì cũng dễ hiểu).

Mỗi nước có cách dạy cách học và lượng kiến thức khác nhau không thể so sánh đề khó đề dễ giữa 2 nước. Chỉ là xem học sinh mỗi nước được phép tiếp cận kiến thức thế nào để bình luận về một đề tài tuỳ ý vậy thôi. Ví như tác phẩm “Số Đỏ” của chúng ta là câu chuyện hiện thực đau xót về giai đoạn giao thời tân cổ giao liên nhưng qua trung thì chỉ đơn giản là một tác phẩm hài chứ kg hề hiểu những ẩn ý cài cắm của Vũ Trọng Phụng vào nhân vật.

Chúc các bạn học sinh chúng ta bước vào mùa thi cử thật tốt và nhiều lạc quan phấn khởi nhé.

7. (113 like)

ultr mỗi năm đều đọc đề thi và năm nào cũng sửng sốt vì sự sáng tạo của đề bài. Thật sự, đề như này sẽ phản ánh đúng được thực lực của thí sinh vì nó đòi hỏi phải có hiểu biết thực tế và kiến thức trong sách vở chứ không chỉ học thuộc là xong :)))) Đề bài sáng tạo thì bài thi còn sáng tạo hơn nhiều, mong chờ bài văn của thủ khoa ghê.

8. (115 like)

Đề bên Trung hay hay dở mình không biết, nhưng cách một vài bạn chê đề văn Việt Nam là hiểu các bạn không hiểu đề Việt Nam rồi. Ở Việt Nam ra đề NLXH trong kỳ thi THPTQG theo hướng trực tiếp, không văn vẻ bóng bẩy như bên Trung. Còn đề NLVH thì yêu cầu học sinh chịu học và từ đó thể hiện khả năng đọc nhiều, biết nhiều để dễ dàng suy luận và thêm dẫn chứng. Từ đó chứng minh vấn đề mà đề muốn. Ví dụ như đề Văn năm 2021 là về tính nữ trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh đi, các bạn phải hiểu bài, hiểu nguồn gốc ra đời, biết cách liên hệ và chứng minh.

Đề Việt Nam không thiếu đề siêu hay và siêu khó, quan trọng là các bạn không có cơ hội để thử thôi. Chả hiểu sao chê đề Việt Nam

9.
Đến bao giờ VN mới bỏ kiểu ra đề phân tích văn học nhỉ? Đề kiểu này đa số toàn học thuộc văn mẫu rồi chép thôi, ko có tính phát huy sáng tạo thể hiện quan điểm của từng cá nhân.

10.
Văn học là Nghệ Thuật, Nghệ Thuật thì phải sáng tạo. Đến bao giờ VN mới cải cách cách thức thi ngữ văn. Trong cấu trúc đề bao giờ cũng là 3đ đọc hiểu, 2đ NLXH, 5đ NLVH. Trong đó NLXH mới là văn của người viết, mới thể hiện được tư duy thực chất, cách nhìn nhân riêng biệt của người làm, qua đó mới đánh giá được tư tưởng, cách nghĩ, sự sáng tạo của người viết. Còn NLVH là bắt buộc phải làm theo khung đóng sẵn mới có điểm, gần như là làm văn theo ý người khác, không được tự do thể hiện suy nghĩ bản thân, cũng ít có ứng dụng thực tiễn.

NLVH chỉ thi một số bài đã được học trong sách và được chuẩn bị sẵn để đi thi, vậy chẳng nhẽ phải được học thì mới làm được văn sao?

Cho nên bản thân mình thấy NLXH mới là phần đánh giá năng lực thực chất người viết, nên chiếm nửa số điểm bài thi.

11.
Bên mình thì phải có tác phẩm văn học mới liên hệ cuộc sống được. Nước người ta cho đề đúng hay, sát với thực tế lại dễ đưa văn học vào bàn luận nữa. Mong nước mình học hỏi được như vậy.

12.
Đề văn Trung Quốc hay thật sự, năm nào cũng phải thốt lên câu này mỗi mùa thi tới!! Đề thật sự rất sáng tạo!! Để làm đc đề này với yêu cầu đạt điểm cao thật sự thì nó cũng chứng tỏ đc biết bao khả năng của thí sinh rồi ấy; từ góc nhìn, suy nghĩ, sự sáng tạo, hiểu biết ko chỉ kiến thức trong sách mà còn nhiều trong thực tế, vv, từ 1 bài làm nhưng nhìn chung đc khả năng của thí sinh có thể chạm tới đâu.

Mấy bạn cũng đừng vội nói văn học VN dễ, đề trường thì dễ chứ chứ đề thi HSG thì vẫn vậy mà. Sự sáng tạo của đề hsg cũng ko kém!

13 (113like)

Đề TQ đọc đề xong quan trọng là phải mã hoá được đề, biết đề nói cái gì để mà viết nên nó khó. Nhiều khi mã hoá mỗi người một kiểu, hiểu sai ý đề là cũng hơi mệt đấy :)))

Nếu nói về đọc đề thì thích đọc đề Văn TQ vì từ nó văn vẻ. Nhưng nếu với tư cách của đứa làm đề thi thì mình chọn đề VN. Đề VN nó chỉ thẳng vấn đề cần phải phân tích nên với 1 đứa không thích nghĩ dong dài, ghét phải ngồi đoán ý người ra đề thì đấy chính là chân ái. Mình mà vớ phải đề TQ thì thi 90p chắc nghĩ hết 80p mới ra ý đề

14.
Nếu đề Việt Nam mắc cái bệnh là đề có 1 ý đòi phân tích ra trăm ý thì đề Trung Quốc là đề có 100 ý đòi gói gọn vào một bài viết, nó cũng thể hiện nền giáo dục của mỗi bên thôi, VN cho học Văn thì bài nào cũng phân tích ra cả nghìn ý không phải tác giả nghĩ, còn Trung thì bắt thông kim thông cổ sách vở chất đống. Nhìn những bài được điểm cao những năm trước là biết, em nào liên hệ được nhiều, trích dẫn được nhiều văn vẻ tiền nhân hậu nhân hóa sinh sử địa trộn hết các thể loại vào thì được điểm cao thôi, kiểu bên cho học lệch bên bắt học đều ấy, cũng chưa hẳn cái nào là tốt.

15.
Hồng Lâu Mộng là một tác phẩm kinh điển và thuộc dạng khó trong văn học Trung Quốc, tương tự như Truyện Kiều của Việt Nam, chương trình học đã giảm tải đi rất nhiều phần khó và mang tích học thuật cao của Truyện Kiều rồi, các bạn chỉ phải học những đoạn trích kinh điển và vừa sức với tư duy của học sinh THPT thôi mà mình còn thấy rất nhiều người chẳng phân tích nổi cho ra hồn để mà lồng ghép ý nghĩa về đời sống vào ấy chứ =)))) các bạn luôn đòi đề phải hay, phải khó nhưng mặt bằng chung học sinh VN có làm được những đề như vậy đâu? Giờ tích hợp hai hình thức xét tuyển và tốt nghiệp rồi mà chỉ đơn cử ra một cái đề mở rộng của Truyện Kiều liên hệ với 1 tác phẩm hiện đại và liên hệ với giá trị đời sống để thấy tính thời đại của Truyện Kiều thôi thì khoảng 80% học sinh trung bình khá tạch tốt nghiệp chứ không giỡn. BGD VN còn đang nhẹ tay với học sinh rất nhiều vì một phần mới đổi mới hình thức thi, 1 phần do dịch bệnh chứ không thì khoảng 1-2 năm nữa đề sẽ nâng lên mức khá giỏi chứ không còn trung bình khá nữa đâu =))) lúc đấy áp lực nhân đôi thì lại khóc sao Bộ ác quá.

16. (209 like)

Lại hóng xem những bài văn top của mùa thi năm nay :" Thường đọc xong thấy mở mang tầm mắt luôn á”

17 (184 like)

Thiệt ra đề văn TQ hay không phải bàn cãi rồi nhưng mn thấy cực khó bởi vì chương trình học của VN và TQ khác nhau nhiều lắm, không quen luyện đề và logic đề thế này thì nhìn sẽ khó phải rồi nhưng bảo đề VN không hay và dễ thì cx ko đúng đâu nè. Kphai vì học sinh mấy năm rồi ảnh hưởng bởi covid nên đề thi cũng như công tác chấm thi đã dễ hơn nhiều thì BGD VN hoàn toàn có thể cho những đề mang tính phân loại cực cao, điển hình là đề thi của các bạn 2000, chưa kể tới nlxh mà nlvh tích hợp 2 tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa và Hai Đứa Trẻ đã là cực khó chứ không đùa, dạng đề hay và mang tính sáng tạo cao nhưng chưa phù hợp với cách thi tích hợp tốt nghiệp và xét tuyển đại học của Việt Nam, chứ để làm đúng đủ và hay đề văn của mình không phải chuyện đơn giản đâu.

18.

Mn đừng so sánh với VN và nghĩ VN dễ :)) có khi đề mình qua bên đó lại khó ý. Các chương trình học khác nhau, chương trình ôn khác nhau, ôn đề khác nhau thì dạng đề thi cũng khác nhau thôi k có gì làm lạ.

19.

Chỉ có mình thấy mấy đề này hay nhưng không "khó" thôi à Với mình thì những đề không thể viết ra chữ nào (dạng học thuộc, theo dàn ý và đủ ý cần viết) thì mới là khó chứ dạng đề mở thể hiện quan điểm thì chỉ có trúng hoặc lệch quan điểm chứ sao mà không viết được. Quan trọng là mấy bạn có hiểu được thâm ý sâu xa của đề không thôi chứ đợt c3 đi thi hsg văn của quận là mình đã thấy sự khác bọt so với phân tích trên lớp rồi. Đề ở đâu thì cũng sẽ có khó dễ, chẳng qua là quen học thuộc rồi nên h phải nghĩ nên mới thấy nó khó thoi. Cái khó là 150 chữ kìa các bạn :)) bạn nào thử viết tiểu luận tiếng trung rồi mới thấy nó ít ỏi nhường nào :))) nên chắc là sẽ đánh giá cao ở việc sử dụng thành ngữ, ngắn gọn súc tích để đánh giá á.

Còn bạn? Bạn nghĩ sao về đề thi Văn của Trung Quốc? Liệu kết cấu đề Văn của Việt Nam có nên thay đổi?​

 
Từ khóa Từ khóa
hoạt động viết văn đánh giá về đề văn trung quốc đề thi văn của trung quốc năm 2022
767
0
1
Trả lời
Mình đã qua cái thời đi học lâu rồi. Nhưng mình thích cái cách mà bên Trung họ ra đề. Mình thấy rằng, để làm được những đề văn này, học sinh không chỉ phải tư duy giải mã đề, mà còn cần có một lượng kiến thức văn học đủ sâu, lượng từ vựng đủ lớn và kiến thức xã hội đủ rộng. Có lẽ, do chương trình học bên đó vẫn được đào tạo như vậy nên mới có thể ra đề như thế. Bởi, xét cho cùng thì 18 tuổi nói lớn thì thực sự chưa đủ chín nhưng nói nhỏ thì quả thực là không nhỏ chút nào.
 
  • Like
Reactions: VHT and Phong Cầm

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.