Nhà Cảm nhận bài thơ "Ngày trở về nhà"

Nhà Cảm nhận bài thơ "Ngày trở về nhà"

Tôi đã dành ra vài ngày để đọc bài thơ “ngày trở về nhà” của bạn Dâu Tây trước khi quyết định viết đôi lời cảm nhận. Để thấy rằng tôi đã dành tình cảm yêu mến đối với bài thơ này nhiều đến nhường nào.
Mới đầu chợt nghe tên tác giả là Dâu Tây, tôi và hầu hết các độc giả hẳn đã nghĩ tác giả là một người nhỏ tuổi mới có biệt danh dễ thương như vậy. Nhưng sau khi đọc bài thơ, tôi cơ hồ nhận ra tác giả phải là người từng trải, có tâm hồn vô cùng nhạy cảm trước cuộc đời mới có thể viết ra những dòng chữ mượt mà giản dị nhưng sâu sắc đến vô cùng.
Đọc toàn bộ tác phẩm chúng ta dễ dàng nhận thấy ngụ ý của tác giả đã chia bài thơ làm hai phân đoạn trước và sau khi trở về nhà.
Mở đầu bài thơ, bằng chất giọng tự sự nhưng rất đỗi trữ tình, tác giả đã khắc họa cho chúng ta thấy một người con “tha hương cầu thực” chịu bao nhiêu đắng cay, đớn đau và tủi nhục của cuộc đời bằng những câu thơ giàu chất liệu hình ảnh sống động:
“Đôi chân mỏi mòn
Hốc mắt thâm quầng
Với những tủi hờn giữa cuộc đời đầy lợi danh được mất.
Vết sẹo trong tim cứ dày lên chồng chất
Chỉ đến khi mệt nhoài
Hai hàng mi đẫm lệ.”
Vâng, phải đến khi đối mặt với những lọc lừa dối trá, đối mặt với những trăn trở ngổn ngang giữa lợi danh được mất đang cuộn trào trong tâm khảm khiến mình mệt nhoài tưởng như không còn sức lực, chỉ biết “quờ quạng vào màn đêm tìm bờ vai nương nhờ, gắng gượng” trong vô thức - giữa căn phòng trọ cô đơn, thì chàng trai kia mới nhận ra có một nơi bao dung chúng ta trước tất thảy những sóng gió của cuộc đời. Đó chính là “cha mẹ nơi quê nhà đang đợi chờ ôm ấp vỗ về con.”
Những tưởng sau bao năm bôn ba nơi đất khách quê người để vất vả mưu sinh thì ngày trở về sẽ là thành công trong sự nghiệp, trong tiền tài danh lợi, để làm “rạng danh dòng dõi”, “cha mẹ không phải tất bật một nắng hai sương lo ruộng đồng cuối mỗi buổi chiều hôm.”
Nhưng dịch bệnh Covid như một cơn lốc xoáy đổ ào xuống dải đất hình chữ S thân thương, khiến biết bao người giấc mơ còn dang dở, trong đó có chàng trai – nhân vật chính của bài thơ.
Đại dịch tràn lan khiến chỉ thị giãn cách xã hội của chính phủ đưa ra ngày một dài hơn, lệnh phong tỏa trong các tỉnh, thành phố - nơi chủ yếu tập trung người lao động từ mọi miền tổ quốc, khiến cho họ ưu phiền nghĩ về những ngày thất nghiệp đang bộn bề sắp tới, tất bật với những nỗi lo về cơm áo gạo tiền suốt những tháng ngày dài đằng đẵng phía sau. Có những người phải lựa chọn về quê giữa tâm dịch vì biết mình không thể trụ lại nơi thành phố đầy bất an khi nhìn đâu cũng thấy corona và chết chóc, cũng không ngoại trừ những vị khách bất đắc dĩ mắc kẹt tại thị thành, bữa ăn hàng ngày chỉ biết mong chờ từ sự hỗ trợ của chính phủ cùng tấm lòng hảo tâm của những mạnh thường quân – người mình từng xem là “người dưng nước lã”. Thế mới đủ để chúng ta thấy hết được cái tình người của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết: “Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu.”
Thật may mắn vì chàng trai trong bài thơ này, khi đối mặt với sự cùng cực thì vẫn còn một nơi là nhà để trở về an trú, dù là về với hai bàn tay trắng thì vẫn được chào đón, yêu thương.
“Hành trang hồi hương là chiếc mũ cối ba đưa để che nắng che mưa,
Cuốn nhật ký xa quê,
Chiếc ba lô sờn rách,
Bên trong có vài bộ áo quần, khung ảnh gia đình, giấy tờ tùy thân…ngày ra đi mẹ xếp
Và vài gói mì tôm, ăn trong lúc đói giữa đường.”
Đọc đến đây sao mà chua xót quá, nó làm tôi nhớ đến video từng dòng người phải chạy xe cả nghìn cây số về quê lánh nạn, như những đàn chim di cư về phương Nam để kiếm thức ăn, tránh mùa đông lạnh giá. Họ bị kiệt sức, bị đói, bị khát, nhưng trước sự sống – còn thì họ không còn lựa chọn nào có thể tốt đẹp hơn. Người Tây phương có câu: “không nơi nào bằng nhà mình” (There is nothing like home), đi đâu cũng không bằng trở về quê hương của chính bản thân mình.
“Quê hương đi về trên mỗi bàn chân
Bao nhiêu con đường mở ra độ lượng." - bài hát Tâm An
Qua đoạn hai, tác giả đã làm tôi xúc động đến nghẹn ngào khi khắc họa hình ảnh người cha người mẹ “đang ngồi tựa lưng nơi bậu cửa trước hiên nhà” ngóng chờ con trai mình trở về.
Mẹ vẫn luôn là người ấp áp và ngọt ngào, chẳng thể nào che giấu được nỗi lòng của mình trước đứa con dù ‘mái tóc đã điểm sương” thì vẫn là cậu con trai bé bỏng trong lòng mẹ.
“Mẹ bước thấp bước cao
Lại gần
Véo má
Quờ khắp mặt mũi chân tay
Rồi ôm con nức nở
Như tiếng trẻ thơ chưa kịp lớn bao giờ.”
Tiếng khóc nức nở đó của người mẹ hẳn là tiếng mừng vui, hạnh phúc khi thấy con mình trở về bình an với hình hài vẹn nguyên như ngày xa cha mẹ, xa quê. Cũng là tiếng khóc sưởi ấm cõi lòng của chàng trai sau những năm tháng mệt nhoài trên con đường danh lợi. Tiếng khóc ấy của những người mẹ sẽ còn vọng vang trong trái tim chúng ta cho tới suốt cuộc đời.
“Cha vẫn đứng bên hiên nhà
Cay đắng ngược vào trong
Ánh mắt xa xăm đượm buồn, xót xa cho một kiếp phù du phận đời cánh mỏng.”
Câu thơ trên, tác giả đã khắc họa cho chúng ta thấy hình ảnh người cha mạnh mẽ nhưng chan chứa yêu thương. Dù có như thế nào thì cũng vẫn che giấu nỗi đau để làm điểm tựa vững chãi cho cả gia đình.
Kết thúc bài là những câu thơ khá mượt mà uyển chuyển:
“Mấy đứa em thơ cứ tíu tít nói cười
Thấy anh hai về là mừng vui như nhà có hội
Đứa hái mướp nấu rau đay mùng tơi, đứa làm cả muối xổi
Bữa cơm nhà thơm mùi khói rạ
Chiều quê!”
Hình ảnh bữa cơm giản dị nhưng đầm ấm với món canh rau đay và cà muối xổi khiến chúng ta nhớ đến nao lòng. Đọc tới đoạn này chỉ muốn gác lại tất cả những bộn bề cuộc sống để trở về ngồi lại bên gia đình trong bữa cơm chiều như ngày còn tấm bé. Không biết bao lâu rồi chúng ta chưa được sum họp với người thân. Thương gì đâu!
Qua bài thơ này tôi cũng muốn gửi tới tác giả cũng như tất cả mọi người lời chúc luôn mạnh khỏe, bình an. Mong cho những người con đang phải "tha hương" bớt được nỗi lo cơm áo gạo tiền, mong dịch bệnh qua nhanh để cuộc sống của tất cả mọi người được trở lại với quỹ đạo vốn có của mình. Mong yên vui về đến mọi nhà!
5794
Ảnh: Mẹ già ngóng chờ con. Nguồn: sưu tầm Internet
Người viết cảm nhận: Tài Khôn
 
Sửa lần cuối:
592
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top