Baivanhay Cảm nhận bốn câu thơ cuối bài "Tương tư" - Nguyễn Bính

Baivanhay Cảm nhận bốn câu thơ cuối bài "Tương tư" - Nguyễn Bính

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 19
Cùng với một số nhà thơ khác, Nguyễn Bính đã tạo nên trường phái thơ “chân quê” trong phong trào thơ Mới 1930 - 1945. Nguyễn Bính một lòng trở về với những con người đời thường chân chất, trải lòng cùng những mối duyên e ấp, vụng dại của một thời kì làng mạc yên bình. Thơ Nguyễn Bính đầy màu sắc ca dao dân ca và phong vị văn học dân gian, vừa quen vừa lạ. Đặc biệt bốn câu cuối bài thơ "Tương tư" làm nổi bật những nội dung đó.

6194


Cảm nhận 4 câu thơ cuối bài thơ "Tương tư" của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, Nguyễn Bính lại gắn bó và hấp thụ tinh hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian cả về nội dung lẫn hình thức. Thơ ông biểu hiện cảnh quê, thắm được tình quê, hồn quê nước Việt với một sắc thái lãng mạn. Người ta gặp trong thơ Nguyễn Bính những hình ảnh bình dị, thân quen: hàng cau, giàn trầu, rặng mùng tơi, cây bưởi, thôn Đoài, thôn Đông. Hoài Thanh, trong “Thi nhân Việt Nam” cho biết, Nguyễn Bính vào tuổi 20 đã làm gần một ngàn bài thơ. Nguyễn Bính sử dụng nhiều loại thơ, điệu thơ, nhưng thành công nhất là thơ lục bát. Ở những bài thơ ấy, “ ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta”, ta cảm thấy một điều đáng quý vô ngần, đó là “hồn xưa của đất nước”.

Bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình yêu. Kết thú bài thơ, nhà thơ đặt ra câu hỏi khiến người đọc, những ai đã từng yêu không khỏi ngậm ngùi, xót xa:

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài, nhớ giầu không thôn nào?”


Đoạn thơ trên đây trích trong bài thơ “Tương tư”, rút trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang’’ (1940) của thi sĩ Nguyễn Bính. Bài thơ gồm 20 câu lục bát; 16 câu đầu nói về nỗi buồn nhớ tương tư, trách móc tủi hờn: “Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”… Bốn câu cuối nói lên niềm mong ước của chàng trai đa tình về một tình yêu hạnh phúc với một thiếu nữ khác thôn chung làng.

Cấu trúc song hành đối xứng, bốn câu thơ liên kết thành hai cặp, gắn bó với nhau rất hồn nhiên, tự nhiên như duyên trời đã định giữa nhà em và nhà tôi, giữa em và anh, giữa thôn Đoài với thôn Đông, giữa cau với giầu vậy. Giọng thơ thì thầm ngọt ngào như một lời cầu mong, ao ước khao khát. Từ chỗ gọi “nàng”: “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” đã chuyển thành tiếng “em” gần gũi, thân thiết yêu thương: “Nhà em có một giàn giầu …” Cách xưng hô từ “tôi” – “nàng” dần đến “em” – “anh” thân thiết hơn, phong tình và yêu thương hơn.

Giầu (trầu) với cau đã cố kết bền đẹp từ ngàn xưa, nên bây giờ mới có sự tương giao tương hợp như một thiên duyên đẹp kì lạ:

“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng”


Điệp ngữ “ nhà … có một” làm cho ý thơ vang lên khẳng định về một sự sóng đôi tồn tại. Tuy rằng “hai thôn chung lại một làng” chẳng xa xôi mấy, nhưng “giàn giầu” nhà em và “hàng cau liên phòng” của nhà anh vẫn còn ở về hai phía không gian. Nhà em và nhà anh mới chỉ “có một” chưa chưa có đôi. Chữ một trong 2 câu thơ rất ý vị, nó đã nói lên ước mong về hạnh phúc lứa đôi: duyên giầu – cau cũng là duyên lứa đôi bền chặt, sắt son, thủy chung.

Trong bài “Tương tư”, Nguyễn Bính sử dụng nhiều câu hỏi tu từ để diễn tả nỗi buồn tương tư “gỡ mãi chẳng ra”: Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? Bao giờ bến mới gặp đò? Và khép lại bài thơ, chàng trai tự hỏi mình trong mơ ước và hi vọng:

“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?’’


Cả một trời thương nhớ, đâu chỉ tôi nhớ nàng, anh nhớ em, mà còn có “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông”. Cảnh vật cũng dan díu nhớ mong: “Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?” Một lối nói bỏ lửng, rất tế nhị, duyên dáng, đậm đà. Anh tự hỏi mình, và cùng thổ lộ cùng em. Câu hỏi tu từ với cấu trúc bỏ lửng đã thể hiện một tình yêu chân thành về một mơ ước hạnh phúc tốt đẹp. Ước mơ ấy thật nhân văn.

Đoạn thơ cho thấy vẻ đẹp riêng trong thơ tình của Nguyễn Bính. Tác giá vận dụng sáng tạo chất liệu văn học dân gian như giầu – cau, thôn Đoài – thôn Đông, câu thơ lục bát giàu vần điệu, nhạc điệu để nói lên nỗi khao khát tình yêu hạnh phúc của lứa đôi. Một tình yêu đằm thắm, chân quê. “Tương tư” thấm vào nỗi buồn, nhưng đoạn kết đã mở ra một chân trời hi vọng.

Xem thêm: https://forum.vanhoctre.com/forums/tuong-tu-nguyen-binh.305/
 
Từ khóa
lỡ bước sang ngang mộc mạc nguyen binh tự nhiên tuong tu
401
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top