Dự thi Cảm nhận-Mùa hè quê nội thuở đã xa

Dự thi Cảm nhận-Mùa hè quê nội thuở đã xa

E
Esther
  • Thành Viên 16
“Bà ơi bà,
Cháu yêu bà lắm!
Tóc bà trắng,
Màu trắng như mây.
Cháu yêu bà,
Cháu nắm bàn tay.
Khi cháu vâng lời,
Cháu biết bà vui…”

Tôi nghe tiếng hát của đứa cháu năm tuổi mà bất giác nhớ về một mảnh kí ức của thuở xa xăm. Rồi chợt hồi tưởng lại mấy dòng văn “Mùa hè quê nội thuở đã xa” của Phùng Văn Định đọc được trên diễn đàn Văn Học Trẻ cách đây vài hôm, lòng tự nhiên chùng chình đến lạ. Nó là một tản mạn trôi nổi giữa cảm xúc và nghệ thuật, giữa thiên nhiên với con người (cụ thể là bà nội của tác giả). Tất cả như hòa huyện tấu lên đoản khúc tâm tư của một đứa cháu “thấy mình đã lớn” với người bà kính mến và với “giàn mồng tơi” bà trồng làm tôi thấu hiểu nhiều điều.

Một thước phim kỉ niệm tua đi tua lại trong tôi. Mở ra trước màng giác thứ chân chất của quê nội. Xa rời những bộn bề, lắng lo của đời sống thành thị, tác giả lui về với khoảnh vườn xanh tươi mơn mởn ở dưới quê đồng cỏ nội. Tôi soi trong cái xúc cảm tô trên con chữ của Định, lại thấy phản chiếu ước muốn của mình, ấy là mong mỏi về thăm quê, thăm lại những người thân yêu dưới làng mạc xóm cũ. Chắc không chỉ riêng tôi hay tác giả mới có cảm giác ấy mà hẳn là trong chúng ta, đôi lần nảy nở vài khát khao như thế. Quay lại với chuyến tàu khứ hồi về một mùa hè xưa cũ của Văn Định, tôi không khỏi xúc động trước cách tác giả miêu tả mấy luống rau nhà mình và ấn tượng cả cách Định “tỉ mẩn đếm đi đếm lại xem bao nhiêu luống”. Cách tác giả đối đãi với thứ có thể được xem như kỉ vật ấy mới “dễ mến” làm sao! Tôi mường tượng Định như đứa trẻ ngây ngô ngấm nghía rồi thi thoảng chôn cất vài ba kỉ niệm tươi đẹp của mình sau mấy luống rau. Dù có lớn, có trưởng thành cách mấy khi ta về với thân yêu, với hoài niệm thì ta bỗng hóa một thân hồn non dại, để vô ưu, vô lo với đời sống vô thường, để trải lòng với thiên nhiên cây cỏ, đẻ chúng tựa hồ ôm ta vào lòng mà xoa dịu nhiều vết thương vây lối con tim. Dường như cảm xúc dâng tràn, lâng lâng theo nhịp đập kí ức khiến “đứa trẻ trưởng thành” năm nào, giờ ngồi lại viết về trải nghiệm quá khứ một thời. Rồi thì bằng thủ pháp liệt kê, tác giả định ra trên trang văn muôn hình vạn trạng cái loại rau cỏ, cái khu vườn nên thơ ấy cứ hiển hiện trước mắt tôi, “nào là luống rau dền, kia lại luống rau ngót, rồi luống rau mồng tơi, đám rau đay tím, liếp rau muống, cà pháo, rau thơm các loại. Rau dền trắng, rau dền đỏ là một luống hình chữ nhật được nội đánh luống chạy dọc với hướng mặt trời. Rau xanh non mơn mởn. Cây đều nhau, thi nhau vượt lớn trong vườn.” Không quá tỉ mỉ, chi tiết trong lối đặc tả về các loại cây rau nhưng việc Định kể ra hàng loạt như thế càng khến tôi thêm hiểu rõ về người viết. Một người am tường về vườn quê, một trái tim thấu hiểu và “dày” lòng cảm xuyến với khu vườn của nội, và cả một đứa cháu dành vẹn trọn tình cảm với người dày công chăm sóc, vun trồng.

Đồng thời, trong tác phẩm tác giả đã không quên điểm qua sự cần mẫn của bà nội: “Cứ nhìn luống rau từng ngày lớn dần, tôi lại thấy sự siêng năng hằng ngày của nội.”; “Nội tôi chọn giống cũng từ những lần trồng trước. Cây nào to, khỏe trong luống là nội lấy thanh cây nứa cắm cạnh bên đánh dấu lại làm giống và không được ai hái lá.”; “ Nội hái khoảng bằng nén tay cứng là được bữa canh không tốn lấy một đồng đi chợ.”; “Lúc nào nội cũng ngoài vườn chăm sóc chúng. Lúc thì nhổ cỏ, khi thì bắt sâu. Nội gánh nước ao làng bằng hai thùng sắt về tưới cho chúng. Khi cây rau còn bé tí, nội tưới bằng vòi sen cho cây không bị ngả nghiêng. Khi rau lớn, nội dùng gáo dừa có cán tưới quanh gốc trông thành thục lắm.” Kể ra cũng phải khâm phục công sức của nội Định. Thông qua cách người cầm bút viết về bà mình, tôi thêm thấm thía câu ru hời:

“À ơi cháu ngủ cho ngoan
Tiếng Bà ru cháu chứa chan tình người
Bà thương yêu cháu nhất đời
Sẵn sàng vì cháu thiệt thòi bản thân
Bà không ngủ được bao lần
Chỉ vì thương cháu có cần chi đâu.”

Tấm lòng bao la, cao cả của người bà trong cuộc sống, có khi nào quên nghĩ về đứa con đứa cháu. Bà chăm chút cho từng khóm rau, chí ít là cũng dành cho con cháu, nấu cho mấy đứa nhỏ vừa bữa canh “rau dền nấu với con hến sông” hay “tuốt lá rồi vò nát nấu chung với mướp hương cùng với thịt con hến sông”,… Nghĩ mà thương! Bởi “bao nhiêu món ăn từ rau làm ở mảnh vườn chứa chất hương quê thấm đượm nỗi vất vả mà nội gửi gói vào sao thoảng nghĩa tình đến khó quên.” Câu văn hay lời thủ thỉ của chính hồn tác giả đã lột tả cảm khái yêu thương, biết ơn khôn xiết với người bà hồn hậu. Đẹp! Đẹp cả lòng người và hồn chữ nghĩa!

Nhưng, người chắp bút nên mấy hồn chữ nghĩa đẹp đẽ ấy lại khiến tôi xiêu lòng xót xa trước sự ra đi của bà của một mùa hè tươi sáng. “Đó cũng là mùa hè cuối cùng… Nghĩ lại, hai hàng nước mắt cứ ứa ra và nghèn nghẹn nơi cổ họng. Nội đã bỏ tôi cùng các em của cô ra đi mãi mãi chốn bình yên nơi khoảng trời xa thẳm.” Lời văn dung chứa cả một nỗi thương nhớ đến quặn lòng của Định. Cái “bần thần liếc nhìn các luống rau mới ngày nào cùng nội vun trồng chăm sóc,”, cái mơ hồ “không biết nó có còn dáng vẻ như xưa” khi thiếu bóng chăm sóc của bà. “Mới ngày nào xa nội “ mà giờ đây đã là lần cuối cùng. Tôi thấy đồng cảm với tác giả biết bao và cũng cảm ơn vì đã cho tôi một chuyến hè về với “quê nội thuở đã xa” ấy, cho tôi cùng nhớ, cùng mong về nơi chốn mộng xanh này. Cái kết dầu hơi buồn não nề nhưng cũng dư vang nhiều giọt nước mắt. Nhờ bài viết mà tôi đã cảm nhận hơn nhiều điều lớn lao trong mối quan hệ bà cháu. Vì tôi còn có bà, tình cảm ấy mong rằng mãi lớn như những khóm rau mọc sau hè, mãi tươi xanh mơn mởn.

Gom chung lại từ đầu đến cuối, tuy không phải là chủ đề mới mẻ nhưng tình cảm bà cháu-mùa hè chưa bao giờ là cũ với những người chân thành. Bằng một giọng văn mà tôi cho rằng rất đỗi nhẹ nhàng, không quá sướt mướt, cầu kì trong hình thức mài giũa chữ nghĩa, chỉ đẫm trong đó là một tình cảm chân thật, mộc mạc, giản dị, đầy tính thôn quê nhưng rất có cảm xúc và chất thơ. Phùng Văn Định, tôi không biết Định có thành công hơn nữa trong sự nghiệp văn chương hay không, nhưng trước mát Định đã thành công trong việc dẫn dắt tôi vào thế giới chân chất của mình. Để giờ đây, tôi lại nghe lòng mình thổn thức:

“Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.”
ảnh: google
vr.jpg
 
639
4
1

Phùng Văn Định

Thành Viên
31/5/21
117
242
43,000
55
Xu
616,983
Mình viết, bạn cảm nhận làm tôi "rơi nước mắt" vì thương bà. Cứ ước bà sống mãi để hờn, để giận, để thương nhưng...bà đã về nơi "thiên cảnh cuối trời" tự bao giờ. Tiếc! Cám ơn bạn.
 
  • Like
Reactions: Ngu Van and Esther

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top