Baivanhay Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương

Baivanhay Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 20
"Tự tình II" là một trong số ít những bài thơ mà Hồ Xuân Hương bộc lộ trực tiếp “cái tôi” đầy xúc cảm và bản lĩnh của mình trước cuộc sống.Để hiểu hơn về bài thơ, các bạn hãy cùng mình cảm nhận ý nghĩa bài thơ "Tự tình II" của Hồ Xuân Hương nhé!

5857

Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ sĩ hiếm hoi và nổi bậc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Bà xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học, sớm tiếp cận với sách vở và văn chương. Hồ Xuân Hương là người đa tài, đa tình, phóng túng, giao thiệp rộng rãi nhưng cuộc đời, tình duyên lại gặp nhiều trái ngang, bất hạnh. tất cả những tâm sự bà đều gửi gắm hết cả vào trong những vần thơ. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Bài thơ "Tự tình II" là một trong những tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ Hồ Xuân Hương.

“Tự tình II” nằm trong chùm thơ Tự tình gồm 3 bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ là lời tự bộc lộ tâm tình của tác giả, tập trung thể hiện cảm thức về thời gian và tâm trạng buồn tủi, phẫn uất và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ trước cảnh đời trái ngang.

Mở đầu bài thơ là bối cảnh không gian, thời gian làm nảy sinh, bộc lộ tâm trạng.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non”.


Thời gian là đêm khuya thanh vắng (quá nửa đêm). Đây là lúc con người thường rời khỏi cuộc sống bề bộn, đối diện với chính mình, sống thật với tâm hồn mình. Không gian hiện lên với tiếng trong canh văng vẳng điểm từng canh một. Tiếng trong canh tưởng sẽ làm không gin rộn rã lên nhưng ngược lại, nó khiến cho không gian càng thêm yên tĩnh vắng lặng. Hồ Xuân Hương vận dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Tiếng trong mệt mỏi vang lên rồi im lặng, để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng người.

Đó không chỉ là thời gian, không gian của tự nhiên mà còn là không gian, thời gian của tâm trạng. Tiếng trống cầm canh nhắc nhở con người về bước đi của thời gian. Từng khắc, từng canh trôi đi. Bóng tối ngập tràn bóng tối. Im lặng nói dài im lặng. Nhưng con người vẫn thức, vẫn chờ đợi mỏi mòn một cái gì đó.

Nếu bài thơ Tự tình I lấy cảm hứng vào lúc gà báo sáng “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” thì bài Tự tình II lại lấy cảm hứng vào lúc nửa đêm. Đó là thời khắc của hạnh phúc lứa đôi, của sum họp vợ chồng. Vì thế cũng là thời khắc người vợ lẽ hay góa phụ cảm nhận được sâu sắc nhất, đầy đủ nhất, thấm thía nhất cảnh cô đơn, nỗi bất hạnh của thân phận.

Bị tách biệt, bỏ rơi ngay trong chính cuộc sống, chính trong gia đình của mình, gần đấy mà xa đấy, có mà lại như không có khiến cho nữ sĩ vô cùng xót xa. Khát khao đến thế, mong chờ đến thế nhưng đành bất lực, nhà thơ chỉ còn biết phó mặc cho cuộc đời: Trơ cái hồng nhan với nước non

Từ “trơ” gợi lên hết nỗi chán chường, mệt mỏi của con người trong đêm vắng và trong cuộc sống vốn có nhiều bất công. “Trơ” có nghĩa là trơ trọi, cô đơn. “Trơ” còn có nghĩa là tủi hổ, bẽ bàng. mọi cảm xúc tích cực dường như đã bị triệt tiêu hết thảy, chỉ còn lại đấy một cái xác vô hồn, vô cảm mà thôi. Lại thêm “cái hồng nhan”, một cách nói cường điệu, hóm hỉnh của Hồ Xuân Hương. Vẻ đẹp của người phụ nữ bị rẻ rúng đến cùng cực. nó vốn rất quý giá, đáng được trân trọng nâng niu. Thế mà bây giờ nó được gọi là cái như một thứ đò vật không có giá trị gì.

Thủ pháp đối giữa “cái hồng nhan” và “nước non” tô đậm cảm giác đơn côi, trống vắng. Nếu câu phá đề giới thiệu về không gian và thời gian làm xuất hiện tâm trạng thì câu thừa đề đã diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn tủi và bẽ bàng về duyên phận của nhân vật trữ tình. Kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ đặc sắc đưa từ “trơ” lên đầu câu thơ có vai trò nhấn mạnh vào sự trơ trọi, lẻ loi.

Lời thơ tự tình tuy có chút tiêu cực nhưng chứa đầy bản lĩnh của Xuân Hương. Đó là thái độ phản kháng lại đối với số phận, phản kháng lại những luật lệ, ràng buộc cố hữu của xã hội phong kiến áp đặt lên số phận người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn hạnh phúc và cũng không có quyền từ bỏ cái khổ đau, bất hạnh mà họ đang phải gánh lấy.

Tâm trạng ấy cũng là tâm trạng của Thúy Kiều khi nàng bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.


Để thoát khỏi nỗi buồn đang vây bám, nhà thơ tìm đến rượu và hi vọng rằng men rượu sẽ xua đuổi nỗi buồn đi xa, làm cho tâm hồn phấn chấn lên. Đó thực sự là một lối thoát, là hành động tích cực vượt qua nghịch cảnh. Thế nhưng, càng uống lại càng tỉnh. Càng tỉnh lại càng thêm buồn:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.


Chén rượu thơm nâng cánh tâm hồn u sầu lên cao khiến nữ sĩ thấy say. Say rồi lại tỉnh. Dường như nỗi buồn trong lòng người còn sâu đậm hơn men rượu, đã hóa giải ma lực của nó rồi. Rượu không vơi cạn nỗi niềm mà khiến nỗi niềm trở nên thấm thía, đau xót hơn bởi “say lại tỉnh”. Chữ “lại” gợi lên cái vòng luẩn quẩn, trở đi trở lại trong bế tắc, xót xa, chán nản, thất vọng…

Mượn rượu để giải sầu nhưng lại vẫn trong vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó thực sự là bi kịch của Hồ Xuân Hương. Một bi kịch của số phận. Thi sĩ đắm say, tha thiết với cuộc đời nhưng rồi khi nhìn lại, lại thấy cuộc đời chẳng có gì khởi sắc, chẳng có giá trị nào tốt đẹp tương xứng với mình. Càng khao khát, càng mong cầu, càng tìm kiếm lại càng thấy nó xa vời hơn.

Thi sĩ tìm đến với trăng nhưng trăng lại trở thành hình ảnh soi chiếu thân phận: “Vầng trăng – bóng xế – khuyết chưa tròn”. Cuộc đời ấy như vầng trăng xế trên trời cao mãi khuyết vẫn chưa tròn. Đó là sự muộn màng, dở dang, tình duyên không trọn vẹn. Trăng trên trời khuyết rồi lại tròn còn cuộc đời con người chỉ có một lần được viên mãn. Tuổi xuân trôi qua mà hạnh phúc mãi chưa trọn vẹn. Câu thơ bộc lộ mãnh liệt nỗi buồn bã, chua xót trước sự éo le trong cảnh ngộ của mình. Dường như, trên khóe mắt của người con gái như ngấn lệ, hòa lẫn trong bóng trăng.

Nghệ thuật đối ở 2 câu 3 – 4, kết hợp giọng ngậm ngùi, nhấn mạnh ở những thanh trắc đã thể hiện nỗi xót xa, cay đắng cho duyên phận dở dang, lỡ làng của một người phụ nữ tài hoa, ý thức sâu sắc về giá trị bản thân. Người phụ nữ mang trong mình những giá trị tót đẹp đáng lẽ sẽ được hưởng hạnh phúc tròn đầy như quy luật của tự nhiên. Thế nhưng, họ lại gánh chịu nhiều khổ đau. Đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân đầy mãnh lực mà Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đầu tiên có nhận thức sâu sắc và dũng cảm thể hiện trong thơ.

Càng suy ngẫm càng thấy đau đớn, xót xa. Nhà thơ kêu gào trong phẫn uất:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”.


Đến đây, có sự thay đổi cả về giọng điệu và hình tượng thơ. Nghệ thuật đối kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ cùng những động từ mạnh “xiên”, “đâm” cùng các bổ ngữ “ngang”, “toạc” tạo âm hưởng mạnh, tô đậm hình tượng thơ. Cảnh thiên nhiên có sức sống mạnh mẽ qua cảm nhận của người mang sẵn niềm phẫn uất như muốn phản kháng, thách thức lại số phận nghiệt ngã. Đó cũng chính là bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ, không cam chịu của Hồ Xuân Hương trước nghịch cảnh đường đời.

Đã nhiều lần hơn thế, nữ sĩ từng muốn thay đổi mình, từng muốn chống lại cái ràng buộc bất công, phi lí của xã hội:

“Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

(Đề đến Sầm Nghi Đống)

Bà muốn được như những bậc nam nhân tranh tài đua sức. Thân gái hẳn đã kém gì đâu nhưng lại không được làm những việc mà người đàn ông có thể làm. Tài cao, chí lớn lại phải cam chịu cuộc sống nữ nhi thường tình. Thế nên, Hồ Xuân Hương quyết liệt phản kháng. Bà quyết liệt thách thức trời cao đất dày:

“Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”.


Càng quyết liệt càng thêm đau khổ. Những tưởng tất cả những cơn thịnh nộ của chế độ nam quyền ấy sẽ vùi lấp thấn gái thuyền quyên trong nhục nhã, đè bẹp ước vọng sống, ước vọng vương lên nhưng Hồ Xuân Hương vẫn vững vàng đứng giữa đất trời vô cùng ngạo nghễ:

Tài tử văn nhân đâu đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom.


Thế nhưng, đó chỉ là phép thắng lợi tinh thần mà Hồ Xuân Hương là con người duy nhất thực hiện điều ấy. Một mình bà hết sức nhỏ bé trước hệ thống tư tưởng và giáo điều vốn đã định hình và ăn sâu tận gốc rễ của con người, trở thành nếp nghĩ, nếp sống, lối ứng xử không thể nào thay đổi được. Thấy vọng, nữ sĩ trở về với chính cuộc đời mình, trong tuổi xuân muộn màng:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”


“Xuân” có nghĩa là mùa xuân của đất trời, là dòng chuyển dịch của thời gian vĩnh hằng. “Xuân” còn có nghĩa là tuổi xuân, tuổi đời thơ mộng. Lại lại có nghĩa là trở lại, là thêm một lần nữa. Từ “ngán” bộc lộ sự buông bỏ, bất lực củ con người trước nghịch cảnh. Câu thơ vừa diễn tả nhịp tuần hoàn của mùa xuân nhưng đồng thời cũng biểu hiện tâm trạng chán chường. Bởi mùa xuân đến mùa xuân đi rồi mùa xuân lại đến theo nhịp tuần hoàn của trời đất còn tuổi xuân của con người đã qua đi thì không bao giờ trở lại và lòng người không gì đau xót, chua chát hơn khi phải từng ngày, từng giờ, từng phút nhìn thấy tuổi xuân của mình đang dần bị tàn phai trong nỗi cô đơn, buồn tủi.

Nghệ thuật dùng từ thuần việt theo cấp độ tăng tiến: Mảnh tình – san sẻ – tí- con con làm tăng cấp độ nỗi buồn, nâng lên tới tột đỉnh. Cả một quảng đời nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, giờ ngoảnh lại tuổi xuân không được cuộc tình, khối tình mà chỉ mảnh tình thôi. “Mảnh tình” vốn đã nhỏ bé nay còn đem ra “san sẻ” nhiều lần rồi cuối cùng được nhận về một “tí con con”. Câu thơ nghe thật xót xa, tội nghiệp.

Hai câu kết thể hiện tâm trạng, chán chường, buồn tủi cho duyên phận song qua đó lại đồng thời thể hiện khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của nhân vật trữ tình- người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Bài thơ bộc lộ mâu thuẫn giữa khát vọng và khả năng của con người. Nhân vật trữ tình từ chỗ khát vọng vươn lên đến khi thực sự rơi vào bi kịch của chính mình. Toàn bài thơ là chuỗi diễn biến tâm trạng của bi kịch ấy. Từ cô đơn, buồn tủi đến chán chường, mệt mỏi. Từ cay đắng, xót xa đến phẫn uất, tuyệt vọng. Co người muốn vươn lên để vượt thoát số phận bất hạnh nhưng rồi cuối cùng lại vẫn rơi vào nỗi xót xa, buồn tủi. Càng khát khao càng thêm đau đớn và bế tắc.

Qua tâm trạng đầy bi kịch của nhân vật trữ tình ta thấy được nỗi niềm tâm sự, tính cách và bản lĩnh của Hồ Xuân Hương. Trong buồn tủi, người phụ nữ gắng vượt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn của bài thơ mà Hồ Xuân Hương muốn gửi đến hậu thế.

Ở bài thơ này, Hồ Xuân Hương còn tỏ rõ tài năng Việt hóa thơ Đường. Cách sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc, hình ảnh giàu sức gợi, tả cảnh sinh động trong thể thức Đường luật chứng tỏ tiếng Việt cũng có đủ sức mạnh để diễn tả mọi cung bậc trong đời sống tâm tư của con người. Bởi thế, hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương vẫn theo dòng chảy chung nhưng đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình.

Hồ Xuân Hương được đương thế ca ngợi là nữ sĩ tài sắc. Bà không những xinh đẹp mà còn ăn nói có duyên, tài ứng đối không ai sánh bằng. Đến tuổi trăng tròn, Hồ Xuân Hương cũng được cưới gả từ rất sớm như mọi con cái trâm anh thế phiệt bấy giờ. Nhưng dẫu qua hai lần đò đều không viên mãn. Cả hai lần đều làm thiếp khiến Hồ Xuân Hương mang trong lòng tâm sự buồn chán cho só kiếp của mình. Cuộc đời Hồ Xuân Hương có lẽ ứng với câu nói: Quân tử đa truân, hồng nhan bạc phận. Càng gắng gượng, bà càng thấy khổ đau.

“Tự tình II” là một bài thơ đặc sắc, điển hình cho phong cách thơ của Hồ Xuân Hương, vừa mãnh liệt vừa đằm sâu. Lời thơ cứ tự nhiên như lời tâm tình, thủ thỉ nhưng lại hết sức chuẩn mực khiến người đọc có cảm giác nữ sĩ đang nói, đang than chứ chẳng có một dụng công nghệ thuật nào. Ấy vậy mà, xem lại, tác phẩm lại hết sức chặt chẽ và tinh tế vô cùng. Bởi thế mà từ xưa, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo, được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, là "Thiên tài kì nữ" trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay.
 
Từ khóa
ho xuan huong tam trang tu tinh ii ý nghĩa bài thơ
608
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top