Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi

Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Bàn về thơ và giá trị của thơ xưa nay có rất nhiều quan niệm, ý kiến từ những nhà thơ về việc thế nào là thơ, thế nào là câu thơ hay. Mỗi nhà thơ lại có một quan điểm về thơ, tuy nhiên, hầu hết đều công nhận tính hàm súc của nó, trong đó có Lưu Trọng Lư đã nói: Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi.

Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi.png

Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi​


Tự buổi đầu xuất hiện, văn chương đã là cầu nối từ tâm hồn tác giả đến trái tim bạn đọc, làm nên “sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại”, đặc biệt trong đó phải nói đến thơ ca. Bởi, dung lượng của một bài thơ thường không lớn và dàn trải như truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch, … nên buộc lòng người sáng tác phải cân, đo, đong, đếm kĩ càng từng con chữ, phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Nhược bằng không, vần thơ ta viết nên sẽ mất đi cái chất “thơ” đặc trưng rồi trở nên nhạt nhòa, vô vị. Bàn về vấn đề này, Lưu Trọng Lư đã khẳng định: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”

Thơ là tiếng nói của cảm xúc, của tình cảm. Mà tình cảm, cảm xúc của con người thì nhiều cung bậc phức tạp, phong phú, nhiều góc khuất sâu kín không phải lúc nào cũng cần và cũng có thể thổ lộ ra bằng lời. Cho nên thơ cần những khoảng lặng, cần sự cô đọng, hàm súc để truyền tải những cung bậc cảm xúc ấy. Đặc trưng ngôn từ của thơ là sự ngắn gọn. Dung lượng ngắn nhưng thơ lại đòi hỏi truyền tải cảm xúc mãnh liệt, sâu sắc, nhiều cung bậc biến động tinh vi, phức tạp. Tất yếu thơ cần có sức gợi, cần một “chiều không gian thứ tư” để truyền tải, chưa đựng cảm xúc ấy. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã đưa ra nhận định hoàn toàn chính xác, đó cũng là quy luật của ngôn ngữ thơ ca: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng đã từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như “đong từng ngao” (Chế Lan Viên), mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật “lắng ở ô nề” và “đọng ở bề sâu”. Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ. Làm sao có thể truyền tải hết tâm tư này, trăn trở này bằng thứ ngôn từ cẩu thả, hời hợt hay vô vị, tầm thường? Ngôn ngữ thơ phải như đóa hoa. Ban đầu khi vừa đến tay người đọc, đóa hoa ngôn từ mang vẻ đẹp e ấp, dịu dàng. Nhưng khi đã được người đọc tiếp nhận và ngẫm nghĩ, đóa hoa ấy sẽ nở rộ và khoe sắc, trở nên nồng nàn, quyến rũ hơn bao giờ hết. Và cái nồng nàn, quyến rũ kia chủ yếu xuất phát từ sự cô đọng và sức gợi của thơ. Nhờ sự cô đọng, hàm súc, thi nhân có thể thông qua con chữ truyền tải những điều ý nhị, sâu kín của cảm xúc, dễ đi vào lòng người, gây được ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc.Sự cô đọng hàm súc như một một khoảng trắng trong bức tranh thủy mặc để ngừoi đọc tịnh tâm lại, chiêm nghiệm về tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ gửi gắm. Không những vậy, sức gợi còn làm nên sức hấp dẫn, thu hút của bài thơ. Bởi nhờ đó, mỗi bài thơ là một hành trình khám phá trái tim của những trái tim đồng điệu. Sức hấp dẫn của thơ không phải là những điều đã nói, mà là ở những điều chưa biết, cần phải kiếm tìm. Nhờ khoảng lặng mà người đọc và nhà thơ gần gũi hơn, đồng cảm hơn, như Tố Hữu từng nhận xét : “Thơ, là cái đó: sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội rất đa dạng và tinh tế.”

Trong truyền thống văn chương Nhật Bản, thơ haiku nắm giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc kết tinh tâm hồn quý giá của người Nhật suốt bao thế hệ. Thơ haiku dung hợp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung. Chính vì thế mà thơ haiku mang hơi thở của Thiền tông, in đậm dấu ấn của thế giới u huyền, thoát tục, đồng thời chứa đựng trong mình bức tranh thiên nhiên rộng lớn với những âm thanh màu sắc đặc trưng cho bốn mùa, được thể hiện dưới một hình thức ngắn gọn, cô đọng. Chính đặc điểm cô đọng, hàm súc này đã tạo nên sức gợi độc đáo và dấu ấn riêng biệt cho những bài thơ thuộc thể loại này. Ta có thể thấy điều đó được thể hiện rõ nét qua các bài thơ của Basho, điển hình như bài được viết khi tác giả rời Ê-đô trở về quê cũ sau mười năm sinh sống, lao động và học tập:

“Đất khách mười mùa sương
Về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương”


Vẫn là tứ thơ trong bài Độ Tang Càn của Giả Đảo nhưng bài thơ của Basho hàm súc hơn. Hai dòng đầu đề cập đến hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên rất rõ: bước đi và ngoảnh lại. Về thăm quê sau nhiều năm xa cách, ai cũng đầy tâm trạng. Nhưng thông thường, người ta chỉ hướng đến nơi sẽ đến, nhất là nơi ấy lại là quê hương sau bao ngày xa cách. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy. Niềm mong ước được trở về quê hương đã thể hiện ở dòng thơ đầu tiên. Khi cất bước thăm quê, Ê-đô vẫn là đất khách. Trên đất khách nên nhớ và khao khát về thăm quê. Nhưng khi đã cất bước ra đi thì lại "ngoảnh lại". Và "đất khách" thành "cố hương". Ê-đô lại trở thành quê hương, lại gắn bó máu thịt với người ra đi. Bài thơ đã thể hiện tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước của nhà thơ. Đồng thời nó cũng đã ghi lại được phút giây rất đỗi thiêng liêng trong mỗi con người. Người ta chỉ có thể nhận ra sự quý giá của một cái gì đó khi đã sắp mất đi. Con người chỉ thấy mình gắn bó với mảnh đất ấy khi mình phải cất bước ra đi, phải rời xa nó. Với thể loại haiku, Basho đã thể hiện thành công và chính xác một trong rất nhiều những trạng thái tình cảm của con người. Từ "đất khách" mở đầu, từ "cố hương" kết thúc, vẫn chỉ một đối tượng, đã diễn tả và ghi lại được phút giây bừng ngộ chân lí của nhân vật trữ tình. Đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy vần thơ đầy cảm xúc của Chế Lan Viên trong “Tiếng hát con tàu” cũng nói về tình cảm gắn bó với một vùng đất, gắn bó mãi rồi cũng từ lạ thành quen, thậm chí được xem như quê hương thứ hai của chính mình:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
[…]
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”


Có người từng nhận xét: "Cảm thức thẩm mĩ của haiku, nhất là haiku của Basho có những nét rất riêng, rất cao và tinh tế… Haiku chỉ gợi chứ không tả". Cũng chỉ “gợi” mà không “tả”, nhưng tác giả đã mang lại một cảm giác lạnh giá trong cơn mưa phùn của mùa đông Nhật Bản, từ đó thể hiện được tấm lòng sâu sắc, nhân hậu của chính ông dành cho con người thông qua hình tượng chú khỉ con giữa trời mưa buốt lạnh :

“Mưa đông giăng đầy trời
Chú khỉ con thầm ước
Có một chiếc áo tơi”


Ở đây, “chú khỉ con” có thể được xem là hình ảnh đại diện cho những người nông dân Nhật phải ra đồng giữa mưa đông gió rét, hoặc cũng có thể là đại diện cho đứa trẻ đang co ro, tím tái trong cái lạnh khắc nghiệt. Bài thơ đã khái quát hoá một vấn đề rất lớn và rất phổ biến của nhân sinh, đó là khao khát, là ước mơ. Miêu tả không chi tiết, từ ngữ không cầu kì, trau chuốt, nhưng “chú khỉ con” được nhân hóa đã nói lên ước mơ rất chính đáng của con người về cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn, đồng thời cũng thể hiện sự thương cảm, xót xa của thi nhân trước số phận con người đói kém trong mùa đông u tịch lạnh giá. Đó mới thực là sức gợi phi thường của thơ haiku.

Nhưng nếu nói về sức gợi trong thơ thì chỉ haiku thôi là chưa đủ. Bởi vẫn còn rất nhiều bài thơ khác mang vẻ đẹp “ý tại ngôn ngoại”, cô đọng và hàm súc nhưng vẫn đủ làm rung động trái tim bạn đọc nhiều thế hệ. “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử là một tác phẩm như thế. Có thể nói, với sáng tạo ngôn từ nghệ thuật mới mẻ và đặc sắc, xây dựng thành công nhiều tầng nghĩa qua các hình tượng khác nhau, thi sĩ họ Hàn đã làm nên một tuyệt tác cho làng thơ nước nhà, xứng đáng là ngôi sao sáng của bầu trời Thơ mới.

"Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”


Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi "nắng mai lên"... Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ đến một miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có gió, nhưng “ gió theo lối gió". Cũng có mây, nhưng "mây đường mây". Mây gió đôi đường, đôi ngả:

"Gió theo lối ,gió/mây đường mây".

Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi tả một không gian gió, mây chia xa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ "gió" và "mây" được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách nên mới cảm thấy gió mây đôi ngả đôi đường như tình và lòng người bấy nay. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mặc Tử. Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay". Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hoá thành "dòng nước buồn thiu", càng thêm mơ hồ, xa vắng. "Buồn thiu" là buồn héo hon cả gan ruột, một nổi buồn day dứt triền miên, cứ thấm sâu mãi vào hồn người. Hai tiếng “buồn thiu” là cách nói của bà con xứ Huế. Bờ bãi đôi bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy "hoa bắp lay". Chữ “ lay" gợi tả hoa bắp đung đưa trong làn gió. Hoa bắp, hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người. Hai câu thơ thất ngôn với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.

Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng, cảnh đêm trăng trên Hương Giang ngày nào. "Dòng nước buồn thiu" đã biến hoá kì diệu thành "sông trăng" thơ mộng:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?".


Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử được nhiều người ngợi ca, kết tinh rực rỡ bút pháp nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Một vần lưng tài tình. Chữ "đó" cuối câu 3 bắt vần với chữ "có" đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm "có chở trăng về kịp tối nay?". "Thuyền ai" phiếm chỉ gợi lên bao ngỡ ngàng bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến đợi "sông trăng" là một nét vẽ thơ mộng và độc đáo. Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu thơ nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người (vì người xa cách chia li) mà chỉ "chở trăng về". Phải "về kịp tối nay" vì đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng. Con thuyền tình của ước vọng nhưng đã thành vô vọng. Bến sông trăng trở nên vắng lặng vì "thuyền ai" chỉ là con thuyền mồ côi.

Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng, cảnh đẹp một cách mộng ảo. Cả ba hình ảnh ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm trạng cô đơn, thương nhớ đôi với cảnh và người nơi thôn Vĩ. Như ta đã biết, thời trai trẻ, Hàn Mặc Tử đã từng học ở Huế từng có một mối tình đơn phương với một thiếu nữ thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng thi sĩ tài hoa, đa tình và bất hạnh, đang sống ưong cô đơn và bệnh tật, nhớ Vĩ Dạ là nhớ cảnh cũ người xưa. Cảnh "gió theo lối gió, mây đường mây", cảnh "thuyền ai đậu bến sông trăng đó" là cảnh đẹp mà buồn. Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng. Khổ thơ trên đây, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều thấm đẫm tình thương nhớ và một nỗi "buồn thiu" lẻ loi, vần thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Thơ Hàn Mặc Tử, đúng là thơ trữ tình hướng nội "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này". Có thể thấy, Hàn Mặc Tử đã làm chủ “cuộc chơi ngôn từ” một cách rất rõ ràng khi xây dựng được hệ thống ngôn từ cô đọng, khúc chiết nhưng vẫn rất gợi hình, gợi cảm, mở ra nhiều tầng nghĩa mới trong khâu tiếp nhận văn học của độc giả, từ đó làm nên sức sống mãnh liệt cho “Đây thôn Vĩ Dạ”

Tô Đông Pha có nói : “Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ. Song, lời dừng mà ý không tả hết được, lại càng tuyệt” (Lê Quý Đôn dịch). “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”, bởi từ đó có thể gợi ra trong tâm trí người đọc vô vàn màu sắc, hình ảnh, âm thanh và hình tượng mang những chiều sâu chưa nói hết, thôi thúc họ phải tìm hiểu, ngẫm nghĩ, hòa mình vào con chữ để thấm nhuần ý tứ và cảm thụ trọn vẹn giá trị ngôn từ trong tác phẩm. Bài học rút ra cho các nhà thơ của hôm nay và mai sau là phải mài giũa ngòi bút của mình sao cho thật sắc bén để viết nên những vần thơ không cần hoa mĩ nhưng đủ hàm súc và sức gợi để làm nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn chương đối với tâm hồn bạn đọc. Ấy mới thật là vần thơ trác tuyệt.

Nhà thơ Nga Maiacopxki đã nói:

“Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong triệu năm dài”


Chính những chữ được thu về sau bao dụng công sang tạo của nhà thơ sẽ khiến “triệu trái tim trong triệu năm dài” phải ngân lên khúc ca của sự đồng điệu, hòa quyện nơi tâm hồn. Đó là lí do mà từ buổi bình minh của văn chương đến nay, thơ vẫn là tri kỉ lớn nhất của trái tim nhân loại.



NGUYỄN HỒNG ANH​
 
Từ khóa
câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi haiku chỉ gợi chứ không tả lưu trọng lư ngôn ngữ thơ phải như đóa hoa quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca sự im lặng giữa các từ thơ haiku thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích văn chương nhật bản
2K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top