sáng tác CẬU

sáng tác CẬU

CẬU

Lóng rày tôi hay nằm chiêm bao. Hơn một năm nằm chiêm bao thấy cậu hai lần. Lần nào cậu cũng không nói gì. Lần nào cậu cũng mặc cái quần tây đen với cái áo sơ mi trắng đã ngả vàng. Tôi thấy cậu mới đi đâu về, bình thản đóng cửa rồi đi vào phòng, không nhìn cũng không nói. Bình yên như khói. Bà Lượng ngồi uống trà nói với theo.

- Cha, coi bộ vụ này khó cho thằng Thắng à nghen

- Gì đâu mà khó, chết đi sống lại cậu con còn làm được. Mấy dụ đó nhằm nhò gì. Hề hề


Mà, vụ đó là vụ gì?

***

Chị ba cũng chiêm bao thấy cậu. Lần đầu là đêm cậu mới mất. Cậu hỏi, “Sao người ta bu qua nhà tui nhiều dị, chị ba. Bộ có vụ gì hả?” nghe nhẹ hều. Ừ, người ta bu lại làm đám ma cho mầy. Bộ mầy hổng biết mầy chết rồi hả Thắng? Chị khóc nghẹn, ai cũng khóc nghẹn. Tôi nghe có cái gì dâng lên cổ, rồi có gì đó tràn ra mi. Tôi cũng không tin, tôi không biết. Cậu còn nằm đây mà. Người ta nói cậu chết rồi. Người ta thay đồ, đắp mền kín người, lấy khăn đắp mặt cho cậu. Người ta còn để thêm nải chuối xanh lên bụng, cắm nến dưới giường cậu nằm nữa.

Cậu nằm đó mà nghe bên ngoài có người bàn. Hỏi thằng này chết năm nay nhiêu tuổi, để coi bữa nay đánh số gì. Anh/chị mua vé số đi, chiều nay xổ trúng phóc…Nghe mà tức đỏ con mắt. Tôi lại nghe loáng thoáng bên ngoài ai kể, đầu năm thầy coi bói, nói nhà này tới giữa năm thằng này có chuyện. Lớn lắm. Hoặc là bị thương tích gãy dò gãy cẳng nặng nề nếu không thì nó phải chết. Vớ vẩn hay không tôi không biết. Tôi còn đang ngơ ngác thậm chí còn chưa hề cảm nhận được cảm giác mình vừa mất đi người thân.

Ai biết chuyện cũng kêu tội nghiệp quá, cái thằng hiền khô, chưa con cái gì. Mà, sao nó chết vậy con?

***

Tôi nhận điện thoại của dì Thư hồi hơn chín giờ sáng, lúc đó tôi còn ngồi soạn kế hoạch chuẩn bị báo cáo dự án. Người ta nói linh cảm của phụ nữ rất đúng. Lần này cũng vậy, có điều gì đó thôi thúc tôi nghe máy thật nhanh. “Cậu Thắng bị té giàn giáo. Nặng lắm. Đang chuyển lên Cần Thơ”

Điện thoại của Tôi liên tục rung từ đó cho đến hơn bốn giờ chiều. Tất cả căng như dây đàn. Chỉ có cậu nằm đó, máu nhuộm tấm ga trắng thành đỏ, mà nhìn cậu vẫn an nhiên. Đi theo trong xe cấp cứu có mẹ cậu, tôi gọi là bà dì.

- Cho cậu T vào bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, con gửi trường khoa điều trị giúp.

- Xe đi qua chỗ đó rồi, ông dượng kêu chở qua Đa Khoa Trung Ương.

- Quay lại đi

- Không kịp rồi con ơi

- Con đem tiền qua. Dặn bác sỹ xài dịch vụ tốt nhất, tiền bạc không thành vấn đề.

Tôi cũng mạnh miệng thật. Lương văn phòng năm triệu mỗi tháng chỉ vừa đủ sống thành phố loại ba như Cần Thơ... Kệ. Miễn cậu sống là được.

Miễn cậu sống là được. Vậy sao linh cảm lần này không ổn chút nào. Cậu từng bị té giàn dàn, chấn thương cột sống. Thì cũng chuyện xui rủi, nhưng rồi điều trị kịp thời cậu vẫn khỏe lại như thường. Lần đó tôi không lo mấy, hay tại lần đó tôi còn nhỏ?

Tôi lục lại trong đầu các mối quan hệ mà mình có được sau hơn 3 năm bươn chải ở cái đất Cần Thơ này. Lục tung tất cả, gọi cho tất cả mà tuyệt nhiên không tìm được mối quan hệ nào ở bệnh viện mà cậu sắp vào.

Xin phép sếp xong tôi băng ra đường. Nắng tháng 4 vàng nóng mà sao cứ thấy trong người đổ lạnh. Tôi bỗng nhớ cậu tôi.Cậu có gương mặt thanh thoát, đẹp trai nhất trong số các cậu; người cao gầy. Mỗi lần cậu vào nhà chơi rất thích ra vườn khóm lựa hái mấy trái chín tới. Cậu hay nhậu với ba tôi, còn nhắc nhỏ

- Để em làm đồ nhắm, chứ mình nhậu đừng có làm phiền người khác. Hỏng hay anh hai ơi.

Nhớ mới hồi tháng 2 năm ngoái cả nhà đi hỏi vợ cho cậu, vui như tết. Bữa đàn trai qua rước dâu cậu còn kêu “Qua đây chải đầu, vuốt keo cho cậu nhìn bảnh trai coi mậy”. Tôi nhớ tôi còn chính tay thắt cái cravat chú rể thật chỉnh chu rồi đeo cho cậu. Trong hình cưới cậu cười tươi ơi là tươi.

2 tháng sau thì vợ cậu có em bé, là song thai nhưng không giữ được. Ngoại nói, vợ chồng bây còn trẻ, thủng thẳng rồi có đứa khác. Đừng có buồn nghe con.

Nửa năm sau ngày cưới thì mợ bỏ cậu, nói là đi Sài Gòn làm kiếm tiền, ở đây nghèo quá. Cậu đi theo năn nỉ mợ về nhưng bất lực. Cứ vậy, cậu đi đi về về giữa hai nơi.

Ở quê cậu làm thợ hồ. Thợ khéo lắm. Ai cũng khen. Tôi cũng nghĩ bụng, thợ hồ chỉ có mỗi cậu được nhất cùng. Đợi mai mốt mình xây nhà phải kêu cậu mới ưng bụng. Giống như cái nhà bà dì đang ở bây giờ nè. Một tay cậu xây. Nhà lớn và đẹp nhưng trong nhà không có gì, ngoài nợ. Cái nhà này cậu xây hồi chuẩn bị đám cưới cậu. Bây giờ để lại cho ai? Cậu đi khi tôi còn chưa đủ tiền mua gạch. Rồi mai này tích cóp đủ tiền, ai sẽ thay cậu xây nhà cho ưng được bụng tôi?



4818

Ảnh: Phát Dương - Văn Học Trẻ​

Bà con chòm xóm kêu “Đứt ruột. Sinh nghề tử nghiệp. Tội nó còn trẻ quá. Mà bà cũng đừng buồn. Con nó như vầy khỏe thân cho nó. Đời mình khổ quài sống chưa chắc yên ổn hơn nó bây giờ đâu, nghen".

Bà ngoại khóc rũ rượi, bà dì càng rũ rũ rượi. Bà dì kể, mắt ầng ậc nước vô hồn, “chiều hôm trước ngày nó chết, tao với ổng đi rẫy về tối mịt mà không dưng tao lại xách dao ra cố dọn đám cỏ bên mép nhà. Chắc khiến dọn để con nó chết có chỗ che rạp mần đám cho nó. Phải chi bữa đó nó đừng có đi mần thì nó đã không chết.”

Tôi đỡ bà ngồi dậy, chèn 1 cái gối đằng sau lưng. Hàng xóm không nở về, nấn ná ở lại cho nhà có người mới mất đỡ lạnh. “Cũng trời phật khiến, mọi ngày nó đi mần là khóa cửa phòng, vậy mà bữa nay nó không khóa. Để tui còn vô lấy quần áo cho nó đem theo xuống dưới. Trong xe nó, nó còn đem theo bộ quần áo nữa. Chắc tính để chết còn có bộ đồ sạch mà thay. Cái thằng kỳ, mọi ngày mày đâu có vậy con”. Rồi bà lại lả đi. Chắc lúc đó trong đầu bà dì lại nhớ cái khoảnh khắc cậu bước trên giàn giáo, rồi đột ngột miếng ván bắt ngang bị gãy. Cậu té đập đầu vô đống gạch, máu tuôn ra. Bức tường cao mới xây còn ướt bị động đổ ập lên người cậu. Chắc đau con tui lắm. Rồi người ta bới gạch, bới cát đưa cậu ra, cậu kêu “Con đau quá. Chắc con chết quá”. Nhiêu đó. Rồi cậu không nói được nữa.


Tôi đã luôn tự trách phải chi mình nhiều tiền hơn hay nhiều mối quan hệ hơn có lẽ cậu tôi đã được cứu. Tôi không quên được cảnh cậu nằm trên giường bệnh, xung quanh các loại dây nhợ, ống thở. Máu cậu tuôn ra không cầm được. Máu thấm ướt tấm ga giường, từ đầu tới tận hông. Nhìn cậu như đang ngủ, chỉ xanh xao một chút. Bác sỹ chạy ra chạy vào. Cứ năm mười phút lại có lệnh ép tim, truyền máu, thay ga giường, truyền dịch,...Bác sỹ nói năm ăn năm thua.

Sếp kêu tôi cứ yên tâm ở lại bệnh viện lo việc nhà. Nhưng tôi cũng hiểu công việc ở cơ quan đang rất gấp. Tôi định quay lại làm xong việc sẽ trở lại bệnh viện ngay. 4 giờ 10 phút có cuộc gọi đến từ số máy dì Thư. Cậu mất rồi.

***

Tôi nhớ lúc quay lại tôi đã ghé mua cho cậu bộ đồ mới, là một cái quần tây đen và một cái áo sơ mi màu trắng. Vì lúc đi vội vã, đâu ai ngờ cậu sẽ chết mà đem theo quần áo thay cho bộ đồ đầy máu. Tôi cũng nhớ lúc chờ nhận xác dì Thư đã nói bà dì không được khóc, “mẹ khóc anh hai đi hong yên. Mẹ còn phải ráng lo đám cho anh nữa mẹ”. Và cả lúc tôi dìu bà ra băng ghế đá ngồi tạm, bà móc cái điện thoại cũ kỹ ra gọi “Alo, Lượng hả. Ừ, thằng con tao nó đi mần bị té chết queo rồi. Ừ…”. Cứ vậy bà gọi cho họ hàng, nghe như nói chuyện của ai, nghe nhẹ bâng mà biết câu từ vô hồn vô nghĩa, biết là lòng dạ đau thấu trời thấu đất rồi. Dám chắc lúc đó bà dì cũng không biết, không nhớ mình nói cái gì đâu. Nghĩ mà thấy đời bà dì khổ quá. Là chị em ruột mà ngoại tôi êm ấm hạnh phúc còn bà dì bất hạnh từ chồng tới con. Hay vì khác họ nên cuộc đời cũng được sấp mâm khác nhau. (Bà cố tôi có hai người con gái. Bà ngoại từ nhỏ khó nuôi nên thầy kêu lấy họ khác để ma quỷ không nhận ra, không bắt đi mất. Nuôi được đứa này thì mới được cả đứa sau. Vì vậy dù là chị em ruột nhưng bà ngoại mang họ Nguyễn còn bà dì mang họ Mai). Cuộc đời con người ta sanh ra là phận nữ đã khổ lắm rồi. Cả đời bà dì đã chọn sai chồng để đến nỗi thân tàn cùng kiệt. Bây giờ đến cả con chết đi ngay trước mắt mình mà nó kêu mình đừng khóc. Ai cam cho được.

Tôi cũng biết mình không được khóc, phải gượng dậy để còn lo nhiều chuyện. Mẹ nói với tôi, “Con chắc dạ, ở gần để đỡ bà dì. Lỡ bả có xĩu...”. Rồi mẹ quay đi, quệt nước mắt. Khuya tôi và mẹ nằm nghỉ tạm trong phòng cậu. Nơi mà mới tối qua thôi cậu vẫn còn ở đây. Tôi nghĩ trong bụng, không biết đêm qua cậu có biết đấy chính là đêm cuối cậu còn được nằm ở căn phòng này hay không, đêm qua cậu có ngủ ngon không, có ngờ ngợ hay linh cảm điều gì không? Suốt những ngày tang lễ tôi đã luôn ở đó chứng kiến những người mình yêu thương vật vã, ngã quỵ rồi lại đứng lên, rồi ngất xĩu. Dì Thư buộc khăn tang cho con Phèn. Nó cứ nằm lỳ mấy ngày bên linh cữu, không chịu rời đi.

Tất cả diễn ra nhanh tới nỗi tôi chưa kịp nhớ, nhanh như một bộ phim lộn xộn, nhòe và âm thanh thì đứt đoạn.

Mợ về không kịp nhìn cậu lần cuối.

Người ta nói “ông trời có mắt”, rồi lại nói “vô rừng ai người ta đốn cây cong, người ta lựa cây ngay mà đốn”. Vậy là vì cậu là “cây ngay” nên ông trời đốn sớm hay tại vì ông trời không có mắt đây?

Lần sau nếu có chiêm bao gặp cậu, tôi rất muốn bản thân đủ tỉnh táo để nhớ ra cậu đã không còn nữa. Như vậy tôi mới đủ dũng khí để nhắn rằng: cậu hãy yên tâm.

Mỹ Thuận.
 
484
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top