Dự thi Cha là tất cả, mặt trời của con

Dự thi Cha là tất cả, mặt trời của con

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Người ta thường bảo rằng nắng Hà Nội đặc biệt vì cái nóng ngột ngạt và sặc mùi khói xe.

Mấy ngày này, trời vừa hửng sáng đã chiếu rọi muôn vàn tia nắng gay gắt. Nhất là những con đường chẳng có nổi một bóng cây, mặt đường bốc hơi không khác gì lò sưởi. Hinh nhìn 60 giây đèn đỏ, cảm giác như cơ thể mình sắp bị cái nắng nóng bao trùm. Mặc dù Hinh đã mặc hai lớp áo, bịt khẩu trang, đeo kính râm, nhưng cả người nhễ nhại mồ hôi trông như bị luộc chín.

Thời buổi này, không có học thức thì phải chịu vất vả thôi. Dẫu nắng, dẫu mưa, Hinh vẫn chạy xe khắp nơi giao hàng ngoài đường.

Hinh năm nay đã ba mươi ba tuổi, gương mặt anh gầy, trên trán rất nhiều nếp nhăn. Ánh mắt anh xa xăm, trông rất buồn, có lẽ anh luôn nhớ mong về người vợ đã mất khi vừa hạ sinh đứa con gái đầu lòng.

Hinh quê ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa, vùng đất nghèo mà người ta hay nói là “ăn rau má, phá đường tàu”. Ngày ấy cuộc sống dưới quê mưa lũ khó khăn nên Hinh cùng vợ quyết định lên Hà Nội thuê một gian nhà trọ nhỏ sinh sống.

Nghĩ lại, Hinh thực sự thấy thương bé Phương. Vì kinh tế lúc ấy chỉ đủ trả tiền trọ, bỉm sữa và chi tiêu trong nhà, nên khi Phương được vài ngày tuổi đã nằm trong địu theo Hinh đi giao hàng khắp phố.

Thoáng cái đã tám năm trôi qua, giờ Phương đi học rồi, không phải nắng mưa chạy ngoài đường cùng anh nữa. Còn biết phụ anh nấu cơm, rửa bát, giặt đồ.

Mặc dù công việc vất vả, đồng lương ít ỏi nhưng vào cuối tuần anh vẫn tranh thủ dành thời gian đưa Phương đi chơi, dạo phố, ăn bún riêu trên phố Bát Đàn, kem Tràng Tiền hoặc bánh tôm ở Hồ Tây,...

Lúc ấy trông Phương cười hiền, làn da bánh mật nhìn rất khỏe, tóc hơi ánh nâu và tết gọn gàng. Ngày nghỉ hay học thì Phương cũng chỉ mặc áo đồng phục của trường. Một tay Phương ôm lấy Hinh, một tay nghịch ngợm đón nhận những tia nắng.

Chạy quanh khắp đường Hà Nội, có ba mươi sáu phố phường thì đường nào, ngóc ngách nào Hinh cũng biết. Thậm chí nếu có nhắm mắt lại, Hinh vẫn thấy rõ trong đầu hình ảnh con đường Phan Đình Phùng với hai hàng sấu rất to đứng hai bên, tạo ra không gian xanh mát. Vào ngày hè, những tia nắng nghịch ngợm luồn qua từng kẽ lá, chỉ đủ cho Hinh thấy những góc nắng nhỏ chiếu xuống mặt đường.

Hay trên con đường Hoàng Diệu, nơi in dấu những công trình lịch sử, nơi có những ngôi biệt thự được xây theo kiến trúc của Pháp. Chúng khoác trên lưng lớp áo màu vàng, khi ánh nắng chiếu rọi trông sắc màu thật hài hòa và tinh tế, vừa giữ được nguyên nét cổ kính theo năm tháng, mà vẫn mang một nét hiện đại riêng.

Dưới cái nắng, cái mưa, dưới những áp lực của cuộc sống đời thường, ít ai trong số những người đi đường chậm lại một nhịp để ngắm nhìn Hà Nội vào một ngày hè oi bức.

Hinh lại khác!

Hinh nhớ, cứ vào hè thì Hà Nội rực rỡ muôn màu còn hơn cả mùa xuân. Có màu tím của hoa bằng lăng, có Phượng vĩ nở rộ chào hè bằng sắc ánh đỏ, hay hoa hướng dương vàng sẫm một mảnh trời gần bãi đá sông Hồng,... hoặc hương thơm ngọt ngào thoang thoảng của hoa sứ ở hè phố.

Đó từng là nơi anh cùng vợ đặt chân đến Hà Nội trong những ngày đầu từ quê mới lên. Đó là kỉ niệm còn sót lại duy nhất khiến anh cảm thấy cuộc sống này vẫn còn những ý nghĩa tươi đẹp. Và…anh kể Phương nghe về một Hà Nội yên bình đến thế.

Một hè Hà Nội không chỉ có nắng gắt và khói bụi, mà còn có góc trời xanh cùng những lời thì thầm của gió. Phương sẽ hiểu được trong câu chuyện mà Hinh kể, cho dù có những ngày vất vả, khó cùng vẫn sẽ có muôn điều tốt đẹp đang chờ ta, chỉ cần chúng ta luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống.

Hinh sẽ kể cho Phương nghe về Hà Nội vào một ngày nắng, nhưng cũng hãy nhớ đến những ngày hè ở quê hương. Nắng to lắm mà mưa thì cũng nhiều. Vì nằm trong vùng gió Lào khô và nóng nên nhiều lúc nhiệt độ tăng cao.

Buồn nhất là những ngày mưa bão, mưa như trút nước khiến nhiều thôn xóm ngập ngang nhà, đồ dùng, động vật hay hoa màu bị tàn phá nặng nề và trôi theo dòng nước lũ,... Chỉ sau một đêm, người thì trắng tay, người thì ra đi mãi mãi.

Và Hinh dặn Phương hãy nhớ đến mùa hè ở các tỉnh thành khác nữa, họ vượt nắng, vượt mưa, họ san sẻ cho quê mình những gói mì đậm hương vị của lòng nhân ái.

Nhưng, Phương thích nghe nhất về một mùa hè tám năm trước, mùa hè mà Phương vẫn còn nằm trong bụng mẹ và cách mẹ chỉ vài lớp da. Khoảng thời gian mà mẹ bầu đến tháng thứ bảy rồi vẫn còn ốm nghén chẳng ăn được gì nhiều.

Mùa hè mà ở đó Phương được mẹ vỗ về che chở, những câu chuyện khổ cực từ khi lấy cha mẹ chẳng biết kể với ai, chỉ tâm sự với Phương. Một mùa hè mà nắng rất nắng, hễ cha đi làm là mẹ tắt quạt để tiết kiệm vài số điện, và đến ngày cận sinh vẫn lén cha để làm việc nhà.

Mùa hè năm ấy chính tay mẹ đã phơi cho Phương từng chiếc áo quần bé xíu để chuẩn bị đón Phương chào đời. Nhưng vào một ngày cuối hè không xa xôi, mẹ chỉ kịp ôm Phương vào lòng trong căn phòng cấp cứu rồi cùng mùa hè đi mất.

/…/

Hôm nay là buổi học cuối trước khi nghỉ hè, sân trường vẫn rộn rã những nhóm học sinh túm năm tụm ba trước khi chỉ còn tiếng ve kêu vào kỳ nghỉ sắp tới.

Nhưng, đừng quên mai là ngày tổng kết năm học, cô giáo đã đưa cho cả lớp giấy mời họp phụ huynh. Ai cũng lo lắng sợ bố mẹ phát hiện ra mình làm việc riêng trong giờ và bị điểm kém. Còn Phương, Phương lo cha phải đóng nhiều tiền học, tiền sinh hoạt lớp,... lo những vết nắng vết mưa ngày một đè nặng trên vai người cha lao động kham khổ.

Tối, Hinh tắm xong thì thấy Phương đang ngồi bàn học, trên tay Phương là bài văn tả mẹ được điểm mười đỏ chót. Ánh mắt Phương đăm chiêu, mải nghĩ ngợi đến mức Hinh đứng cạnh hồi lâu mà em không hề hay biết.

Mãi đến khi cảm nhận được bàn tay ai đó chạm nhẹ vào vai mình từ phía sau, khẽ giật mình, Phương nói nhỏ:

“Cha !”

Hinh vuốt nhẹ mái tóc Phương, mái tóc dày dặn giống như mẹ của Phương ngày còn sống. Anh bảo:

“Phương học giỏi quá !”

“...”

“Phương có nhớ mẹ không?”

“...”

Lúc này, Phương mới giật mình nhận ra có lẽ mình đã làm cha lo, liền nói:

“Không ạ, mẹ lúc nào cũng trong tim con mà”

Nhưng cho dù có hiểu chuyện đến mấy, Phương vẫn chỉ là một đứa trẻ tám tuổi, nước mắt Phương rưng rưng.

Phương nhớ mỗi giờ tan học, có những ngày Hinh đang dở chuyến xe nên thường tới đón muộn một chút. Phương ngồi đợi anh, lặng lẽ nhìn các bạn học khác được mẹ đón đưa. Những ánh mắt dịu dàng và cử chỉ quan tâm của một người mẹ dành cho con mà chưa bao giờ Phương có được.

Phương chỉ thấy mẹ qua tấm ảnh trên bàn thờ, đó cũng là tấm ảnh duy nhất mẹ chụp để làm chứng minh thư. Chứ ảnh mẹ thời con gái, lúc lấy cha thì bị mưa bão cuốn đi hết rồi. Thế nên mẹ cười, mẹ khóc, hay lúc mẹ tức giận trông như thế nào Phương cũng chẳng biết.

Giá như, thi thoảng mẹ về gặp Phương trong giấc mơ, cho Phương được thấy mẹ… cho dù chỉ là một chút.

Hinh khẽ ôm Phương vào lòng, không chỉ riêng Phương mà anh cũng không kìm được những giọt nước mắt.

Từng câu từng chữ trên trang giấy trắng làm Hinh thấy xót xa trong lòng.

“Mẹ em là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên đời.

Mặt mẹ rất nhỏ, mũi nhỏ, miệng nhỏ, chỉ có đôi mắt là to. Kỷ niệm của em và mẹ không nhiều, chủ đủ vừa vặn chín tháng mười ngày mẹ bầu em ốm nghén. Giờ thì,... mẹ đã đi xa rồi.

Có lẽ ông trời thương em, nên đã mang đến cho em thêm một người mẹ.

Người mẹ thứ hai của em rất gầy, vào mùa hè da mẹ đen bóng vì đổ mồ hôi. Vùng trán giữa hai lông mày rất nhiều nếp nhăn nhưng cũng không bằng đôi bàn tay chai sạm, gầy guộc nổi đầy gân xanh to bằng cái đũa.

Mẹ em làm nghề giao hàng nên quanh năm ngày tháng phải đi khắp các nẻo đường, dẫu nắng dẫu mưa, vô cùng vất cả. Em tự hứa sẽ chăm chỉ học bài để sau này lớn lên, đi làm có tiền, mẹ đỡ phải lo lắng sớm khuya vì em nữa.

Hằng ngày, mẹ tết tóc cho em rồi đưa em đến trường. Những bữa trưa đầy đủ món ăn ngon mà mẹ đã chuẩn bị cho em từ sớm.

Em thích nhất là ngày chủ nhật được mẹ lai đi khắp phố phường. Ở đó, mẹ sẽ kể cho em nghe về Hà Nội, một Hà Nội từng lưu giữ những kỷ niệm mà cho dù có tươi đẹp đến đâu thì cũng chẳng quay về được nữa.

Người mẹ đó em thường gọi là … cha.”


Hà Nội về đêm cũng giống như tâm hồn ta vậy, đều rũ bỏ mọi thứ nhộn nhịp ồn ào để hòa quyện với cái tĩnh lặng trong đêm tối. Mà Hà Nội dường như không có bóng đêm, vì khi mặt trời dần lặn xuống thì cũng là lúc thành phố lên đèn. Không như quê, cả con đường chỉ có một ngọn sáng ở đầu làng là duy nhất. Hà Nội về đêm chính là nhẹ nhàng như vậy, sau một ngày trời vất vả, có lẽ Hà Nội cũng muốn nghỉ ngơi.

Sáng, sân trường nhộn nhịp tiếng xe cộ kêu inh ỏi, tiếng cô bán bánh đúc hàng rong, tiếng các bạn học sinh háo hức nô đùa,... tất cả hòa quyện lại với nhau tạo ra một thứ âm thanh rộn rã.

Ở một góc phượng nở rực rỡ, Phương thấy gia đình của Linh đang chụp những bức ảnh kỉ niệm. Dưới gốc phượng, bầu trời xanh, tấm ảnh như lưu giữ khoảng khắc mùa hè của tuổi học trò rực rỡ. Linh là bạn cùng lớp của Phương, một cô bé hoạt bát, nhí nhảnh. Phương thường thấy mẹ của Linh đón đưa Linh đi học mỗi ngày, và trong bài văn mà Linh kể, mẹ bạn ấy là thợ may nên hầu như những bộ quần áo Linh mặc đều được tận tay mẹ thiết kế.

Phương ủ rũ đi vào lớp học. Hôm nay cha có việc bận đột xuất nên chỉ có thể đưa em đến trường rồi quay lại sau.

Trong lớp học, tiếng cô giáo nhận xét về kết quả học tập một năm vừa qua của các bạn học sinh, từng phụ huynh cùng học sinh đứng lên nhận giấy khen và đón nhận những lời động viên trong năm học tới. Mọi người ai cũng chú tâm lắng nghe và chờ đợi đến tên mình, chỉ có Phương là ngồi lo lắng thấp thỏm ngóng cha.

Một năm học qua đi, ngày tổng kết cuối năm chính là ngày mà các bậc phụ huynh dành thời gian quan tâm con cái nhất. Các bạn ai cũng đều có cha mẹ đi cùng, chỉ có Phương, Phương đã không còn mẹ, giờ em chỉ mong cha kịp quay về trường, cùng em đón nhận danh hiệu học sinh xuất sắc nhất.

Từng khoảnh khắc trôi qua là từng phút giây Phương trông ngóng.

Khi cô giáo gọi đến tên mình, Phương bắt đầu tủi thân rơi nước mắt. Mặc dù em biết cha bận, cha làm tất cả chỉ để có tiền cho em một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng…

Phương cúi gằm mặt, đôi bàn tay nhỏ khẽ bấu chặt vào nhau.

Tiếng cô giáo cất lên một lần nữa:

“Em Lê Thanh Phương và phụ huynh có mặt ở đây không ạ?”

“Có…có tôi đây ạ. Tôi… tôi là mẹ của cháu Lê Thanh Phương”

Tiếng nói hớt hải, vội vã, từng câu từng chữ như mang theo hơi thở nặng nề. Có vẻ như người nói câu nói đó đã mất sức do chạy quá nhanh.

Nắng cuối tháng năm, nắng như đổ lửa, cái nắng như cắt da cắt thịt mà chỉ những con người lao động vất và chạy khắp nơi trên nẻo đường mới cảm nhận được rõ. Chứ nhân viên văn phòng, lúc tan làm thì nắng đã dần tan đi.

Trước cửa lớp học, một bóng người nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ, dáng người thô kệch, đội chiếc tóc giả bị gió cuốn rối tung. Người ấy cố vuốt những lọn tóc gọn gàng, để lộ khuôn mặt đánh phấn bị loang lổ. Người ấy trông nhễ nhại mồ hôi, quần áo thậm chí còn không vừa, trông như được phối từ hai bộ quần áo khác.

Phương vội chạy đến ôm người ấy, người ấy vừa là cha, vừa là mẹ. Cho Phương sinh mệnh, cho Phương cuộc đời, cho Phương sống trong ngôi nhà chẳng giàu có gì nhưng đong đầy yêu thương.

Tấm lưng quen thuộc của cha gầy trơ xương, chiếc áo vẫn còn thoang thoảng mùi của mẹ.

Đôi mắt Phương long lanh ngấn lệ, nhưng khoé miệng khẽ mỉm cười hạnh phúc. Dường như lúc này Phương chẳng để ý đến những lời xì xào xung quanh về cách ăn mặc của cha, giọng Phương nhẹ nhàng, như lời tỏ tình của gió:

“Cha ơi, con thương cha nhất trên đời”

Bạn biết không? Sẽ có một ngày chúng ta nhận ra, tình yêu đâu cần những tia nắng, bởi trong trái tim mỗi chúng ta… đều có một mặt trời.
 

Đính kèm

  • cha va con gai.jpg
    cha va con gai.jpg
    21.3 KB · Lượt xem: 289
Sửa lần cuối:
719
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top