Dự thi Chạp mộ

Dự thi Chạp mộ

Ngày tôi còn bé, Tết năm nào tôi cũng được ông nội, bác trai – anh trai bố tôi, các anh chị họ và bố dẫn đi “mời các cụ về ăn Tết”, mãi đến sau này tôi mới hiểu tục lệ đó là đi chạp mộ.

Thời các anh các chị tôi chưa đi học xa, dịp Tết nào cả đại gia đình chúng tôi nối đuôi nhau ra đồng chạp mộ các cụ. Ngày xưa các cụ mất chưa có bãi tha ma nên ông nội tôi chôn cất các cụ ở khoảng đất xa nhà hướng nam, nay là giữa đồng ruộng mênh mông. Theo thời gian, những ngôi mộ quanh đó cũng được đưa về nghĩa trang của xã nhưng nhà tôi vẫn chưa chọn được thời điểm thích hợp để đưa các cụ về nơi ở mới, thành ra bao nhiêu năm nay, các cụ vẫn ở giữa đồng xanh trước nhà.

Sớm 27 tháng Chạp, ông nội tôi dẫn đầu “đoàn tàu” đi “mời cụ về nhà ăn Tết”. Những hạt nắng sớm khe khẽ luồn vào mái tóc hoa tiêu của nội rồi lại phất phơ bay trong gió xuân. Bác trai tôi trong chiếc áo khoác ca ki màu bã trầu đã cũ, có hai cái túi rõ to trước ngực,to béo khệ nệ đi sau. Bố tôi dong dỏng người cầm cuốc, hai ống quần màu vôi vữa xắn cộc đến gối. Hai anh họ tôi cầm móng, chị họ tôi cầm đồ cúng, còn hai chị em tôi lít nhít đi sau cùng. Sớm lạnh đến nỗi thở ra khói, đám chúng tôi thích thú lắm, thi thoảng thổi thật mạnh để hơi của mình bay thật xa vào khoảng không. Bờ ruộng nhỏ lắm nên chúng tôi chỉ đi được một hàng. Gặp đoạn bờ bé quá mà ai nấy đều đi chân hình chữ bát để không bị ngã. Đôi chỗ rất gồ ghề, chỗ thì đất cứng, chỗ thì bì bõm nên ai cũng cắm mặt xuống đất để đi.

Ông nội tôi ngoái lại đằng sau thấy mấy anh chị em tôi nối đuôi nhau đi chạp mộ các cụ thì phấn khởi lắm. Ông cười hiền từ hỏi:

- Mấy đứa giỏi quá! Đã mỏi chân chưa?

Ông đi đầu hàng hỏi mà chúng tôi chẳng nghe thấy gì, về sau bác tôi truyền lời của ông đến bố tôi, bố tôi lại truyền cho các anh các chị họ tôi:

- Ông bảo hai đứa mày đã mỏi chân chưa?

- À, chúng con chẳng mỏi gì cả. Chúng tôi cười khì khì.

Rồi anh họ tôi hét to lên:

- Chúng nó khỏe lắm ông yên tâm. Tiếng cười của các anh chị tôi làm “đoàn tàu” thêm vui nhộn.

Ông tôi chẳng nghe rõ lại hỏi:

- Nó nói gì vậy?

- Thôi bố tập trung đi đi kẻo ngã đấy! Bác tôi sốt ruột quá nhắc ông.

Bố tôi lại tiếp lời bác:

- Bố đi cẩn thận kẻo các cụ kéo cho ngã xuống ruộng bây giờ.

Chỉ có vậy là cả đoàn người cười như nắc nẻ.

Nắng mai cùng với gió xuân hây hẩy mơn man cùng dòng mương gợn lên những làn sóng nhỏ lăn tăn, thi thoảng tôi cúi nhìn xuống dưới mặt nước để xem chiếc mũ len đỏ mẹ mới mua, rồi cười khúc khích với con em đi sau cùng. Xa xa thấp thoáng một vài ngôi mộ chưa được di dời cũng được người thân đang làm cỏ, vệ sinh lại. Cuối cùng cũng đến bờ ruộng nhỏ nhất mà năm nào đi tôi cũng trực ngã. Đi qua đoạn khó nhất này là đến mộ của hai cụ. Độ này là nước ngập ruộng nên bố cắp nách hai đứa tôi sang bên mộ cụ. Hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, bờ tường vữa đã ngả màu hoen ố, đầu hai cụ gối hướng Tây Bắc, chân hướng Đông Nam. Nội nhắc bác tôi rằng sau này cứ hướng hai cụ nằm mà đặt nội như vậy. Thế rồi mỗi người một tay, hai anh tôi cắt cỏ, chị tôi nhặt nhạnh những chiếc túi bóng, nắm rạ khô còn vương vãi quanh mộ. Bằng những nhát móng chắc nịch, bố tôi đưa những khối đất mới đắp lên mộ để đôn cao cho sạch cỏ. Bác trai tôi sửa soạn đồ lễ để cúng mà bà nội, mẹ tôi và bác dâu chuẩn bị từ sớm. Giữa cánh đồng lộng gió, phải ba bốn người chúng tôi quây lại mới thắp được nắm nhang cho ông nội khấn.

Xong đâu đấy, cả nhà chúng tôi đứng thành hai hàng bên mộ, cùng chắp tay thành kính trước ngực. Ông nội tôi tay run run, miệng lầm rầm khấn, khói nhang làm ánh mắt ông nheo lại, vài phút sau mắt ông đỏ đậm nhạt nhòa. Tôi ngước mắt lên nhìn theo làn mây trắng, thầm nghĩ chắc các cụ vui lắm vì được cháu con thăm nom và sửa soạn cửa nhà.

Năm nào cũng vậy, khi cúng xong, ông nội tôi ôn lại những câu chuyện cũ. Hai cụ nằm dưới kia là bố mẹ của ông nội tôi. Cụ bà sống thọ ngoài chín mươi thì mất. Không rõ ngày xưa cụ bị bạo bệnh gì mà trước lúc lâm trung, cụ ho một tiếng, ôm lấy ngực, miệng ộc máu, thốt lên tiếng gọi cuối cùng:

- Kế ơi!

Ông nội tôi đang làm vườn lúc bấy giờ chạy thật nhanh vào đỡ cụ. Cụ ngã ở trước hiên. Ông nội đỡ cụ trên tay, cơ man là máu. Lúc ấy tay cụ còn ghì chặt vào vai ông. Đó là lần cuối cùng ông được nghe giọng người mẹ của mình.

Trong năm anh chị em nội thì ông vẫn luôn miệng bảo tôi có dáng đi giống cụ bà nhất. Tôi rất hãnh diện vì điều đó.

Nỗi nhớ, niềm thương hai cụ ánh lên trên gương mặt gầy gộc đầy những nếp nhăn, những vết chân chim, đồi mồi của ông tôi. Phút trầm mặc ấy khiến chúng tôi nao lòng mà nhớ về nguồn cội. Một thoáng, hai anh tôi đã thắp xong những nén nhang cho các ngôi mộ quanh đó. Trời xanh vẫn xanh, mây trắng vẫn trắng chỉ có con người mới không tồn tại vĩnh viễn với thời gian nhưng sự reo rắc về lòng biết ơn tổ tiên luôn được ông bền bỉ nhắc nhở con cháu.

Dần dà, năm cháu nội của ông tôi cũng lớn, người đi học xa, người lập gia đình. Rồi “đoàn tàu” đi chạp mộ các cụ cứ ngắn dần theo năm tháng. Để bây giờ nội tôi cũng rời xa cõi hồng trần để về nơi tiên tổ. Sẽ chẳng còn đoàn người dài như năm xưa đi chạp mộ cho nội của tôi nữa. Tết năm nay là cái Tết đầu tiên của nội nơi chín suối. Dù chúng tôi đã lập gia đình hết, cũng chẳng mấy khi về thăm nội khi nội còn sống nhưng trong tâm can luôn sôi bỏng một mối tình máu mủ ruột rà. Tết này là Tết đầu tiên con không được nhìn thấy nội. Chẳng còn nhìn thấy ánh mắt canh bánh chưng xanh, chẳng còn nhìn thấy ánh lửa bập bùng vào mỗi sớm và chẳng còn được nhận bao lì xì thắm đỏ mùng 1 Tết. Tất cả đã trở thành kí ức mà mỗi khi nhớ lại lòng tôi lại quặn thắt một nỗi nhớ về nội vô ngần.
10405364_460434954101582_352666237722729632_n.jpg

Ông bà nội của tôi ngày còn sống
 
756
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top