“Cỏ ven đường”: Chứng từ quyết toán một cuộc đời

“Cỏ ven đường”: Chứng từ quyết toán một cuộc đời

Nguyenmaihoa
Nguyenmaihoa
  • Thành Viên 27 đến từ Hà Nội
Tiểu thuyết “Cỏ ven đường” là một tác phẩm tự truyện, ở đó Sōseki hòa quyện giữa tiểu sử bản thân với hư cấu văn chương để tổng kết lại một cuộc đời, một sự nghiệp văn chương có đủ vinh quang và cay đắng
Văn hào Natsume Sōseki bước vào văn nghiệp ở độ tuổi 40, sáng tác trong khoảng hơn 10 năm, nhưng được xem là một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Nhật Bản. Trong 10 năm sáng tác đó, tiểu thuyết “Cỏ ven đường” (Lam Anh dịch, I Love Books và NXB Thế giới phát hành 2021) được xem là tiểu thuyết hoàn chỉnh cuối cùng của ông.

Khắc họa đời sống nội tâm

Cũng giống như nhiều tác phẩm khác của Sōseki, tiểu thuyết “Cỏ ven đường” thiên về khắc họa đời sống nội tâm nhân vật hơn là xây dựng một cốt truyện hấp dẫn, nhiều cao trào để thu hút độc giả. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Kenzō, làm nghề dạy học nhưng đối với anh, đó chỉ là công việc giúp trang trải cuộc sống, một đời sống thường nhật lặp lại nhàm chán và mệt mỏi.

Khao khát của Kenzō cũng giống khao khát mà sau này thôi thúc Virginia Woolf viết nên tác phẩm “Căn phòng riêng” (nguyên tác: “A Room of One’s Own”) khi bà xác quyết rằng một phụ nữ muốn viết văn phải có tiền và một căn phòng riêng. Kenzō là nam giới nhưng anh cũng cần những điều kiện đó để bảo đảm đam mê đọc và viết của mình.

Trong thư phòng tĩnh lặng nơi thế giới vật chất tầm thường bị bỏ bên ngoài, cả những mối quan hệ gia đình, vợ chồng cũng đừng hòng quấy nhiễu. Những điều ấy giống như ngọn cỏ ven đường, chỉ làm vướng chân lữ khách trên đường kiếm tìm cái đẹp của nghệ thuật.
4481

Bìa cuốn sách ‘Cỏ ven đường’ ấn hành tại Việt Nam​
Ta nhớ lại tác phẩm “Gối đầu lên cỏ”, thuộc vào giai đoạn đầu sáng tác của Sōseki, ở đó một họa sĩ từ TP Tokyo tìm về miền sơn cước để bước vào một thế giới đẹp diễm ảo. Hình ảnh “gối cỏ” cũng là gối mộng, nơi nhân vật chính nằm xuống để bước vào cuộc du miên.

Đến “Cỏ ven đường”, cỏ mộng đã biến thành thứ cỏ thô ráp, xấu xí và vô nghĩa cứ bám riết mọc ven con đường đi kiếm tìm chân – thiện – mỹ của người nghệ sĩ. Thứ cỏ ấy cần bị cắt lìa, đoạn tuyệt và trong tác phẩm của mình, Kenzō đã thực hiện những hành động đoạn tuyệt không kém phần gay gắt nhất là cuộc đoạn tuyệt với người cha nuôi thông qua hành động mua lại chứng từ nhận con nuôi.

Ngoài đời thật, Sōseki cũng hành động tương tự, ông đã bỏ tiền ra mua lại giấy nhận con nuôi từ người cha nuôi Shiohara Shōnosuke để tuyệt giao. Trong “Cỏ ven đường”, ta cũng có thể thấy nhiều chi tiết được lấy ra từ tiểu sử của Sōseki. Chính vì điều này, nhiều nhà phê bình nhận định tiểu thuyết “Cỏ ven đường” là một tác phẩm tự truyện, ở đó Sōseki hòa quyện giữa tiểu sử bản thân với hư cấu văn chương để tổng kết lại một cuộc đời, một sự nghiệp văn chương có đủ vinh quang và cay đắng.

Nơi nhà văn trút tư tưởng của mình

Lúc cuối đời, Sōseki bị hành hạ bởi bệnh tật về thể xác lẫn tinh thần. Sự bi quan trong đời sống thật, nhà văn đã đem trọn vẹn vào tiểu thuyết. Bầu không khí nặng nề ảm đạm, không gian tù đọng, các nhân vật cũng như trong một bức tranh tĩnh, nơi mà những suy nghĩ u mặc trầm buồn của họ toát ra trở thành không khí của tác phẩm. Sự tồn tại của họ cũng như những chiếc bình rỗng, nơi nhà văn trút tư tưởng của mình vào đó.

Cho nên nếu buộc phải kể lại cốt truyện của “Cỏ ven đường” thì chỉ cần vắn tắt trong đôi câu. Điều mà tiểu thuyết này mang lại chính là cảm giác tế vi, những trầm tư mặc tưởng của nhân vật chính. Kenzō giống một triết gia khắc kỷ hơn là một nghệ sĩ lãng mạn, anh suy tư về mọi lẽ và những suy tư ấy khiến anh đau khổ.

Khác với một số tác phẩm thời kỳ đầu, Sōseki càng viết càng cuộn sâu vào bên trong đời sống nội tâm với những suy nghĩ u ẩn dường như không tìm được điểm bắt đầu hay kết thúc. Tiểu thuyết “Cỏ ven đường” cũng thế, nó dường như là nội cỏ mênh mông không tìm được điểm dừng, kết truyện cũng không hẳn là kết, như thể tác giả chỉ trình bày một khoảnh đời trong cuộc đời dài của các nhân vật, còn lại đây là những dư âm cứ khẽ khẽ ngân lên: Ta biết rồi, Kenzō sẽ sống tiếp cuộc đời trầm uất của mình; các nhân vật vẫn tiếp tục một đời sống bên ngoài tác phẩm, cùng một cách họ từ cuộc sống bên ngoài bước vào trang sách.

Có thể xem “Cỏ ven đường” như tác phẩm nhà văn viết ra để quyết toán cuộc đời mình nhưng rồi như lời nhân vật Kenzō nói về tờ giấy nhận con nuôi, cuộc đời đa đoan đâu hẳn dễ một lần là dứt được: “Trên đời hầu như không có chuyện gọi là thanh toán. Một khi chuyện gì đã xảy ra thì vẫn còn đó mãi. Chỉ là nó nhiều lần thay hình đổi dạng, thành ra cả người khác lẫn bản thân mình đều không biết thế thôi”.

Sau “Cỏ ven đường”, Natsume Sōseki bắt tay viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng “Ánh sáng – Bóng tối” (tên gốc: “Meian”) nhưng chưa kịp hoàn thành thì đã đột ngột qua đời. Sự nghiệp ngắn, sáng tác chưa hẳn đồ sộ so với nhiều nhà văn đồng hương, nhưng ảnh hưởng và tình yêu của hậu thế dành cho Sōseki rất lớn. Trong 20 năm (1984 – 2004), chân dung ông được in trên tờ 1.000 yen Nhật.
Nguồn: Banluanvanhoa.com
 
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top