Books Cội rễ - E.Heili - cuộc tìm kiếm gốc tích

Books Cội rễ - E.Heili - cuộc tìm kiếm gốc tích

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
TÁC PHẨM CỘI RỄ - E.HEILI

Là một tác phẩm rất nổi tiếng của văn học Mỹ thế kỉ 20 - Tác phẩm Cội Rễ đã đoạt giải Pulitzer, tác phẩm được chuyễn ngữ bởi dịch giả Dương Tường xuất bản năm 1984, hiện tại chưa thấy nhà nào tái bản...

Cuốn sách ra đời như một sự kiện làm chấn động cả nước Mỹ. Đó là sự tái tạo một quá khứ, khi mà những người da đen bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ, bị tước đoạt. "Cội rễ" đã làm dấy lên ở Mỹ, kể cả trong những người da trắng một trào lưu sôi nổi tìm lại gốc gác tổ tiên của mình.

Lâu lâu mới lại cầm trong tay một cuốn sách thu hút như “Cội Rễ” của E. Heili.

5148


(Trang sách đã cũ nhưng câu chữ khiến người đọc không thể quên)

Giở từng trang, từng trang giấy cũ đã ố màu năm tháng, thấy những con chữ đen mờ sao mà hấp dẫn quá, thi vị quá, từng chữ sao mà tài tình đến thế, mạch kể cứ thản nhiên, ngôn từ không cao siêu, thuật kể cũng hồn hậu giản dị mà sao nó cứ như nước chảy, mây trôi, lờ lững mà mê đắm, hờ hững mà cuốn hút. Đọc mới được một nửa cuốn sách mà như thấy cả bầu trời Phi Châu xanh rì, rừng già bí ẩn, con người chân chất và kinh Coran bỗng nhiên thân thương như tiếng kinh cầu nơi giáo đường.

Không gì buồn hơn nỗi đau lìa xa quê hương, lìa xa cội nguồn, xa cha mẹ, xa ngôi làng nhỏ nằm sâu trong rừng già Phi Châu để đến một mảnh đất xa lạ, với những âm thanh xa lạ khó hiểu. Kunta Kintê năm ấy mới mười bảy tuổi, một lần vào rừng tìm gỗ làm trống đã bị bọn Tubốp (người da trắng) bắt cóc. Cùng với rất nhiều người khác, sau những ngày lênh đênh trên biển, vượt qua dịch thổ tả và nỗi nhớ quê nhà, anh được đưa tới một đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ ngày nay. Đó là năm 1767, và miền đất Kunta Kintê vừa đặt chân đến mới chỉ là một trong những thuộc địa nhỏ của vương quốc Anh. Cho đến năm 1783, khi hiệp ước Vecxay được công nhận, mười ba bang riêng lẻ đã hợp thành hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, phải đến hai mươi năm sau, nạn buôn người mới chấm dứt trên khắp nước Mỹ bởi hiến pháp 1787. Và phải hơn bảy mươi năm sau, trải qua cuộc chiến tranh Nam Bắc (1861-1865), chế độ nô lệ mới chính thức được xoá bỏ. Khi ấy con cháu của Kunta Kintê đã trải qua thế hệ thứ tư xa quê hương, và dường như mất hẳn liên hệ với cội rễ của chính mình ở nước Gămbia xa xôi.

Thế nhưng, Kunta Kintê với nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi với quê hương xứ xở, đã để những ký ức của chính mình lại cho con cháu bằng thói quen nhắc lại nguồn gốc của tổ tiên, tiếng nói của bộ lạc mỗi khi có một thành viên mới của gia đình ra đời. Những tiếng nói lạ kỳ đó đã hằn sâu trong tâm thức của đứa trẻ E.Heili qua những buổi chiều cùng bà ngoại ngồi ở hàng hiên, ký ức về ông tổ Kunta Kintê nhất quyết không thừa nhận cái tên “Tôby” mà người da trắng đặt cho ông, nhất quyết yêu cầu đứa con gái nhỏ xíu của mình phải nhớ những tiếng Phi lạ lẫm, những hoài niệm của chính ông về vùng đất quê hương. Và những buổi chiều ấy đã thai nghén cuốn sách “Cội Rễ” mà ngày ra đời đã trở thành hiện tượng trên khắp nước Mỹ.

Người thanh niên Kunta Kintê, không bao giờ hình dung được số phận của chính mình kể từ khi chiếc bao tải đen ngòm trùm kín ánh sáng từ bầu trời Phi Châu thẳm xanh và số phận của những người con, người cháu của chính ông trên đất Mỹ. “Cội rễ” đã tường thuật lại cả những biến cố đau thương nhất của họ. Những con người mà dòng máu Phi đã chảy trong huyết quản, và sẽ còn chảy mãi đến hàng trăm hàng nghìn năm sau nữa ngay cả khi họ không thể giữ được cái tên gốc Phi cho chính mình.

Bằng dòng thời gian tuyến tính, E.Heili kể lại cuộc đời của tất cả những thành viên cốt lõi của gia tộc kể từ Kunta Kintê. Các câu chuyện đan xen với nhau thành chuỗi liên kết chặt chẽ và liền mạch. Như một dòng chảy, như một cái cây thân gỗ mà những cành, những lá đều được mô tả tỉ mỉ bằng ngòi bút chân phương của người hoạ sĩ truyền thần. Người đọc cứ thản nhiên bơi lội trên dòng sông ấy, nhẩn nha với những cành những lá xanh tươi, buồn với nỗi đau và vui với hạnh phúc của mỗi người trong số họ.

Bộ tiểu thuyết đã được dựng thành phim truyền hình và được đưa vào giáo trình giảng dạy văn học của rất nhiều truờng ở Mỹ. Không chỉ thế, nó còn dấy lên một phong trào tìm về gốc gác tổ tông không chỉ của người Phi trên đất Mỹ mà cả những người da trắng. Và làng quê Jufure ở Gămbia đã trở thành một điểm tham quan thú vị cho người khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới. Đến nỗi, có giai đoạn, chính phủ Gămbia đã phải đưa ra quy định về việc tham quan, để tránh làm ảnh hưởng đến làng quê hẻo lánh Jufure.

Bộ tiểu thuyết là tiếng nói của những người Mỹ gốc Phi trên mảnh đất mà họ đang sinh sống với lòng hoài nhớ khôn nguôi về nguồn cội của chính mình. Tiếng nói ấy là sự khẳng định về quá khứ đau thương của nước Mỹ với hàng triệu người da đen bị áp bức và kỳ thị chủng tộc. Bằng tính nhân văn của một hiến pháp dân chủ, họ đã được trả lại tự do, đã đòi được quyền khẳng đính tính Phi của mình trong đời sống xã hội, đã vươn tới những địa vị mà trước đó chỉ dành cho người da trắng. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ, sự trơ trọi, nỗi hoang mang về nguồn gốc của chính mình giống như một cơn bão âm ỉ càn quét khôn nguôi.

Và một chiều thu trên bến cảng Annơpơlix – bến cảng định mệnh đã đón chàng trai trẻ Kunta Kintê cập bến, trải qua bảy thế hệ, cháu bảy đời của ông là nhà văn, nhà báo E. Heili đã tìm được mối liên kết với quá khứ đau thương của gia tộc sau hành trình dài tìm kiếm không mệt mỏi.

Và từ đó, “Cội Rễ” ra đời…

5150

Một vài cảm nhận và trích đoạn của cuốn sách

“Cội rễ” cuốn tiểu thuyết của E. Heili - một nhà báo chuyên nghiệp người da đen sinh năm 1921, ông nổi tiếng ở Mỹ với tác phẩm “Tự truyện của Maloom X., Lãnh tụ của những người Hồi giáo da đen.” Trong tiểu sử rất khiêm tốn của ông có ghi: Ông khắc khoải khôn nguôi về cội nguồn, đã thôi thúc ông bỏ mười lăm năm để tìm lại gốc gác tổ tông mà ông biết chắc không phải ở trên đất Mỹ. Và kết cục cuộc tìm kiếm lâu dài ấy đã dẫn đến sự ra đời của CỘI RỄ.

Tôi đọc “Cội rễ” từ rất lâu nên nhiều chi tiết không còn nhớ rõ. Hôm rồi có buột miệng nói tìm đọc lại “Cội rễ” vì trong đầu lúc ấy thoáng qua cảnh Kuota tên của cậu bé bị bắt bán làm nô lệ. Tôi loay hoay tìm lại trên kệ sách của mình, tôi giở ra đóng vào nhiều bận vì mắt tôi mau mỏi, sách thì quá cũ. Trang sách hiện nay nó thế này

Tôi nhớ trong “Cội rễ” có rất nhiều tập tục của người da đen ở làng Jufurê, cách bờ biển Gămbia, Tây Phi nhiều ngày đường. Tập 1 của cuốn sách đưa người đọc đến thăm đời sống, con người, cảnh sắc nơi ngôi làng ấy một cách rất chân thực, sống động và lôi cuốn. Tôi nhớ mình đã say mê đến mức bỏ cả ngày ra ngồi đọc, hình ảnh được mô tả đẹp đến mức nó nhảy nhót trong đầu. Đến hiện tại tôi chỉ biết gõ lại bằng trí nhớ mong manh của ngày xưa.

Chỉ hai tháng sau khi “Cội rễ” ra đời sách đã bán hết gần một triệu bản, và bộ phim truyền hình dựng theo tác phẩm có số người theo dõi vượt qua phim đang ăn khách lúc đó là “Cuốn theo chiều gió” về số lượng người xem. Nó đánh thức người da màu Mỹ nỗi niềm hoài cổ, tổ tiên, và ý thức đó thôi thúc họ nhớ mãi về nguồn cội. Tập một của cuốn sách là những câu văn đầy tự hào và hoan hỉ, qua đến tập 2 thì cảm giác vui tươi không còn nữa thay vào đó là trăn trở của đời người nô lệ.

Trích:

Khi Binta hãnh diện bế đứa con mới đẻ của mình, một cụm nhỏ lớp tóc đầu tiên của nó được cạo đi, như người ta bao giờ cũng làm thế vào ngày đó, và cả đám phụ nữ đều trầm trồ khi thấy thằng nhỏ thật là đẹp xinh xắn. Rồi họ im tiếng khi Jaliba bắt đầu nổi trống. Alimamo đọc một lời nguyện trên những vỏ bầu đựng sữa chua và bánh munko, và trong khi ông cầu nguyện, mỗi người khách đưa tay phải sờ miệng một chiếc vỏ bầu-một cử chỉ biểu lộ lòng tôn trọng đối với lương thực. Rồi Alimamo quay sang cầu nguyện trên đứa bé, xin Ala cho nó sống lâu, thành công trong việc mang lại uy tín, niềm tự hào và con cái đầy đàn cho gia đình, làng bản và bộ tộc-và cuối cùng là ban cho nó sức khỏe cùng tinh thần để tôn vinh và xứng đáng với cái tên nó sắp được nhận.


Trích:

Rong ruổi đi khỏi bờ sông hướng về phía mặt trời mọc được một lúc, cuối cùng, Kuota tới chỗ bãi cỏ cao ngang đầu người bao quanh khu rừng, nơi anh sắp sửa chọn và đẵn một khúc vừa vặn bằng thân cái trống anh định làm. Nếu gỗ tươi bắt đầu khô từ hôm nay, anh đồ chừng nó sẽ sẵn sàng đủ điều kiện cho ta khoét gọt đẽo đục trong vòng một tuần trăng rưỡi nữa, áng chừng vào lúc anh và Lamin từ cuộc viễn du Mali trở về. Khi bước vào lùm cây một bên khóe mắt của Kuota bỗng thấy một sự di động đột ngột. Đó là chú thỏ rừng và loáng một cái, con chó uôlô rượt theo khi thỏ chạy trốn vào đám cỏ cao. Rõ ràng chó uôlô đuổi theo là vì tinh thần thượng võ hơn là vì kiếm mồi để chén, vì nó đang sủa nhặng lên, Kuonta biết là một con chó uôlô săn mồi không bao giờ làm ầm ĩ, nó thật sự đã đói.

Kuota tiến về phía trung tâm khu rừng, nơi có nhiều cây hơn để có thể lựa chọn một thân cây đúng tầm cỡ, với độ nhẵn và tròn hợp ý mình. Mặt đất phủ rêu mềm mại dưới chân khiến anh dễ chịu dấn sâu hơn vào khu rừng…

Đang cúi xuống một thân cây có khả năng đạt yêu cầu, anh chợt nghe thấy tiếng cành cây gãy đánh rắc, nhanh chóng tiếp theo là tiếng một con vẹt léo xéo ở trên đầu. Có lẽ là con chó trở về, anh nghĩ vậy trong nội tâm. Nhưng không có một con chó khôn lớn nào lại dẫm gẫy một nhánh cây bao giờ, anh vụt nhớ ra, đồng thời xoay người lại. Anh trông thấy nhòe nhòe một cái mặt trắng lao tới anh, một cái gậy dơ lên, anh nghe thấy tiếng chân nện thình thịch đằng sau. Tubốp!…

(Đó là 2 đoạn trích kể về sự ra đời của Kuota và ngày anh bị bọn da trắng buôn nô lệ rình bắt. Tôi lười gõ tiếp phần Kuota bị nhồi lên con thuyền lớn dong đến đất Tây Ban Nha, trên thuyền là những con người tội nghiệp khác, trong họ có người được mua ở chợ nô lệ hoặc đa phần là bị rình bắt như Kuota. Con người dưới mắt bọn buôn nô lệ thì không còn là con người.)

Trích:


Bothơ bình thản nói:”Chúng con xin lỗi là đã không viết thư, chúng con muốn đem đến cho bố mẹ món quà bất ngờ…” Cô chìa cho Cinthio cái bọc quấn mền cô ẵm trong tay. Tim đập thịch thịch, và với Uyl nghi nghi hoặc hoặc nhìn chăm chăm qua vai bà, Cinthio kéo nếp gấp trên cùng của tấm mền xuống, để lộ ra một khuôn mặt tròn, nâu…

Đứa bé trai mới được sáu tuần ấy “chính là tôi”.
 
Từ khóa
buôn nô lệ cội rễ cuộc tìm kiếm gốc tích e heili người da đen tái tạo quá khứ văn học mỹ thế kỉ 20
  • Like
Reactions: Nguyễn Minh
881
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top