Dự thi Cồn cào nhớ những tết xưa - Nguyễn Thị Minh

Dự thi Cồn cào nhớ những tết xưa - Nguyễn Thị Minh

Năm nào chả Tết, vậy mà cứ nhớ, cứ thương đến lạ. Giữa cái đủ đầy, “giảm” thiêng của Tết nay, lại thấy cồn cào, rưng rưng nhớ những Tết xưa. Rồi lại muốn được ngồi con thuyền thời gian, khua mái chèo dòng đời hối hả để sống lại những ngày Tết ấu thơ.

Tết đến với quê tôi rộn ràng và tưng bừng lắm. Đó là lúc tiết trời từ se lạnh, chuyển sang hanh hao. Rồi cái lạnh đặc quánh lại, vo tròn thành những chiếc lá vàng ươm, đỏ au rụng xuống lòng đường khô nứt nẻ. Là khi đàn chim én chao nghiêng bay lượn trên bầu trời, cây đào chúm chím khoe hương. Tết ùa về làng tôi, là khi người lớn tất bật cày cấy cho xong công vụ. Là khi mọi người sửa sang cổng ngõ, sơn tô nhà mới. Là khi chái bếp thơm mùi rượu gạo, sực mùi dưa hành. Còn Tết đến nhà tôi khi cây mận ở đầu ngõ nở rộ, bung tỏa màu trắng tinh khiết nhưng không kém phần kiêu hãnh của loài cây miền sơn cước. Là khi mẹ thu gom trái cây trong vườn mang ra chợ, đổi về những xâu thịt, những bộ áo đồ.

Nhà tôi ngày ấy nghèo lắm. Trong kí ức tuổi thơ tôi là những bữa cơm độn khoai sắn, ăn cùng dưa cà. Họa hoằn lắm mới được bữa cơm cá, thịt. Mà là thịt rang muối, cá mài mại kho nghệ mặn chát. Vậy mà, lũ chúng tôi vẫn còn thòm thèm, bụng chưa đủ no. Mùa đông rét mướt, chăn không đủ ấm, mẹ phải lót dạ xuống dưới chiếu, bốn chị em nằm co quắp bên nhau... giấc ngủ vẫn đến an yên, nhẹ bẫng.

Vì nghèo nên chị em chúng tôi hóng tết lắm. Tết để được ăn cho thỏa thích, để được diện quần áo mới, được nhận lì xì, được đi chơi... Những ngày gần tết, chị em tôi nôn nao, thấp thỏm, chỉ mong trời nhanh tối để đi ngủ, qua một đêm tết sẽ đến gần hơn. Nhưng ngày với trẻ con thường dài hơn người lớn, và trẻ con thì không thể ngồi một chỗ. Chị em tôi lại ra nhìn cây mận, chọn cành đẹp nhất, lấy dây cột lại đánh dấu để mai mốt bố chặt mang vào nhà trưng tết, để những người hàng xóm sang xin thì không chặt phải.

Hết đánh dấu cây mận, chị em tôi lại lăng xăng giúp mẹ quét mạng nhện, sơn lại nhà mới. Lôi đống chăn mền ra giặt, cọ chùi xoang nồi cho sáng bóng, lau bàn ghế, cốc chén. Chị hai khéo tay, vào dịp tết chị mua giấy màu, ruy băng về gấp hoa thay vì mua hoa cúc vạn thọ, hoa hồng tỉ muội về trưng như mọi nhà. Hoa chị làm đẹp lắm. Hoa hồng, hoa cúc, thủy tiên, lay ơn... có cả. Lũ em út chúng tôi nhìn mà ưng mê mệt. Thằng út mọi ngày quậy nhất, nhưng là đứa có nhiều tài lẻ. Nó lấy chai nhựa, dùng kéo cắt tỉa thành cái lọ tròn trĩnh. Nan bố chẻ, nó khéo léo đan thành chiếc giỏ cắm hoa. Ấm trà đã bị sứt mẻ bố không dùng tới, nó tái chế thành bình cắm hoa độc mà lạ... Hoa chị làm, giỏ út đan, tôi với nhỏ Ba cắm tùy theo sở ý vậy mà đẹp miễn chê, trưng lên bàn không thua hoa thật, trưng lên bàn thấy mùa xuân đã về rất rộn ràng.

Dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, chị em tôi lại ra bậc cửa ngóng tết, cứ như thể tết sẽ đi qua nếu chị em tôi quên đón đợi. Mặc cái lạnh căm căm táp vào mặt mũi, xộc lên mắt cay xè, chị em tôi ngơ ngẩn ngắm cây ổi trước nhà với những chiếc lá đỏ au, vàng ruộm. Cây tre với những chiếc lá già bạc phếch, cong veo... mỗi khi cơn gió đi qua là chiếc lá chùng chiềng, chao nghiêng rồi đáp xuống mặt ao lạnh ngắt. Thằng Út không ngớt thở dài, than thở về cái sự chậm chạp của tết. Nhỏ Ba nôn nao, thấp thỏm về bộ áo đồ, đôi dép mẹ sẽ mua để diện vào dịp tết. Chị Hai ngó nghiêng ra đầu ngõ xem mẹ đi chợ mua được những gì cho ngày Tết... Một ngày với chị em tôi cứ vì thế mà dài bất tận.

28 tháng chạp, mẹ quẩy cả mùa xuân trong căn vườn mang ra chợ tết. Gánh hàng của mẹ là mấy nải chuối xanh, vài chùm ổi, buồng dừa non, dăm ba quả bưởi, mảng cầu... Tiễn gánh hàng nặng chĩu của mẹ ra ngõ, bốn chị em dõi mắt nhìn theo cho tới khi dáng mẹ khuất hẳn trong đám sương mù buổi sớm, mới chịu quay vào.

Trong căn nhà lá kè đơn sơ, bố bắt đầu làm những công việc của buổi sáng thường ngày. Bố dọn dẹp chuồng bò, cho gà vịt ăn. Chị Hai quét cửa ngõ, sân nhà. Cuối cùng, bố đong gạo nếp mẹ cất kĩ trong thùng phi ra ngâm nước, để buổi trưa gói bánh trưng. Xong xuôi công việc trời cũng vừa hửng sáng, những tia nắng non nớt của mùa cuối xuyên qua đám sương mù, phần nào hong khô cái lạnh se sắt của ngày đông. Bốn chị em líu ríu theo bố ra vườn cắt lá chuối non, lá dừa bánh tẻ mang vào nhà để gói bánh, gói nem. Chị Hai nhóm bếp, lửa bùng đỏ căn bếp nghèo nàn, tôi với nhỏ Ba chia nhau hơ cong những tàu lá chuối. Bố lấy trên gác bếp cái nia, đặt xuống sàn, để chị em tôi kê lá chuối vừa hơ xong. Chị Hai trải thêm cái chiếu, 5 bố con ngồi lọt thỏm, bắt đầu công cuộc lau sạch lá, bẻ lá dừa làm khuôn, tiếng cười nói xôn xao, ngả nghiêng cả căn bếp nhỏ.
Trưa mẹ về, gánh hàng buổi sớm giờ đổi thành những xâu thịt nặng chệt, những bó miến dong, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương... Rồi quần áo, giày dép cho bốn chị em. Trời mùa đông, mà trán mẹ rịn mồ hôi vì phải gánh bộ một quảng đường dài. Mẹ dựng cái đòn gánh vào góc sân, gọi bốn chị em ra xách đồ. Chỉ đợi có vậy, bốn chị em chạy ùa ra, hớn hở lục tung gánh hàng mẹ mua, cười hỉ hả, rồi ôm khư khư bộ quần áo mới vào lòng. Thằng Út nôn nóng xỏ luôn chân vào đôi giày mới, quýnh quýt chạy đi khoe với tụi bạn trong xóm. Trong lúc mấy chị em vẫn còn sướng rơn vì được quần áo mới, bố mẹ đã chuẩn bị xong xuôi đồ vị để gói bánh.

Đầu buổi chiều. Mẹ trải cái chiếu cói ra giữa nhà. Lần lượt từng thứ được đưa lên. Đỗ xanh nấu nhuyễn vàng ươm, gạo nếp vo sạch, lá chuối non xanh mướt, bát thịt ba chỉ thơm phức, lạt tre dẻo mềm. Bố ngồi khoanh tròn, đặt chiếc mâm nhỏ trước mặt. Lần lượt bố đặt lạt, xếp lá, dùng bát con đong gạo nếp. Bố thoăn thoắt, gói, buộc, vỗ, từng chiếc bánh hiện ra vuông vắn, tinh tươm. Lũ chúng tôi chong mắt ngồi xem, lòng thầm thán phục. Thích nhất là những chiếc bánh con mà bố gói sau cùng cho bốn chị em, nhỏ nhắn nhưng đầy ứ thịt và nhân đỗ. Sau đó bố lần lượt xếp bánh vào cái nồi to, đổ ngập nước, rồi nhóm lửa. Lửa củi bùng cháy, bốn chị em xúm xít xung quanh, hơ bàn tay vào lửa cho ấm, rồi chạy ù ra vườn đào mấy củ khoai lang vào nướng. Khoai vùi trong than hừng thì chín rộm, vàng ươm, thơm phức. Lửa cháy liêu riêu, mãi canh nồi bánh trưng, bốn chị em ngủ gục lúc nào, tỉnh dậy thì bánh cũng vừa chín, mùi thơm ngọt ngào xộc vào huyết quản, chỉ trực muốn ăn.

29 tháng chạp. Tết về chễm chệ trong ngôi nhà tôi. Từ sáng sớm bố mẹ đã dậy dọn dẹp nhà cửa. Bố chặt cành mận đã được chị em tôi chọn sẵn, trồng vào chậu kiểng, đặt chính giữa phòng khách. Oách hơn, bố mang bộ đèn nháy mua từ năm trước, quấn xung quanh cây mận, rồi cắm điện lên, sáng nháp nháy, nhìn thích mắt lắm. Bốn chị em em hì hụi thổi bong bóng treo lên cây lủng lẵng. Tụi con nít hàng xóm, chốc chốc lại chạy sang ngó vẻ thèm thuồng, thích thú, chị em tôi được dịp mà kênh kiệu. Mẹ tỉ mẫn lau dọn giường thờ, bát nhang rồi bầy mâm ngũ quả, bánh kẹo, rượu chanh, rượu gạo... Lần lượt từng thứ một được bày lên cho đến khi giường thờ chặt thít, nhìn đủ đầy, tinh tươm. Tôi theo chị Hai ra vườn hái ít rau củ dùng cho mấy ngày tết. Vì theo quan niệm của bà nội, đầu năm phải chọn ngày tốt mới được đụng đất, nếu không công việc nhà nông sẽ khó khăn, trắc trở.

Giao thừa. Tết nhảy nhót trong căn nhà tôi. Mọi đêm, chị em tôi tầm chín giờ tối đã lăn ra ngủ. Nhưng vào đêm giao thừa, chẳng đứa nào chịu đi ngủ, cứ ríu rít cùng bố mẹ chuẩn bị mâm đồ cúng. Chị Hai nhào bột, rán bánh xèo, bánh nhãn. Tôi và nhỏ Ba xắt xu hào, cà rốt làm dưa món... Mẹ luôn tay luôn việc, hết gói nem, lại chuyển sang xào thịt, nấu bánh trôi... rồi bầy biện mâm đồ cúng tổ tiên.

Đồng hồ điểm đúng 0h, mẹ thắp nhang cúng tổ, cầu nguyện một năm mới an lành. Bố mở ti vi xem màn bắn pháo hoa và lời chúc mừng năm mới. Sau đó mẹ bưng mâm cỗ đặt xuống chiếu, cả nhà ngồi quây tụ bên nhau. Bố phá lệ, rót rượu cho mấy mẹ con, cả nhà cùng nâng ly, chúc nhau những điều tốt đẹp. Trong bữa ăn, bố mẹ nói những chuyện vui, rồi phát bao lì xì mừng tuổi bốn chị em. Ăn xong, mẹ dẫn mấy chị em đi viếng chùa và hái lộc đầu năm. Chút lạnh giữa đêm xuân, những làn khói nhang cay xè, tiếng rộn ràng chúc nhau năm mới, tiếng ríu rít cười đùa của trẻ con… làm mọi người ấm lòng đến lạ. Giấc ngủ trẻ thơ đêm đó, no tròn nhất trong cả năm thiếu thốn.

Mùng một Tết, mấy chị em xúng xính quần áo mới theo bố mẹ vào nội. Nhà nội cách nhà tôi chỉ một con đường nhỏ. Ngày thường, mấy chị em vào nội suốt, khi thì mang cho nội con cá, nải chuối, vài đinh trầu, khi thì chỉ vào chơi với nội... Vậy mà, cảm giác vào nội ngày đầu năm cứ thấy rưng rưng, xao xuyến. Từ đầu ngõ đã vọng tiếng cười đùa của trẻ con, tiếng chúc mừng năm mới của người lớn. Trước sân, lũ con nít cháu chắt đang vây quanh nội để nhận lì xì là những quả bong bóng đủ màu sắc, hình thù. Không thấy dáng nội, chỉ nghe giọng nội sang sảng, ngọt lành “mùa xuân là tết ăn chơi/ trẻ con nô nức, người già vui lây”...

Tết của những ngày xưa, với tôi là mùi hăng hắc của kiệu, dưa hành, do mẹ và chị làm. Tết là mùi khói nhang thoang thoảng xen trong cái lạnh của sương đêm buổi viếng chùa đầu năm. Tết là những rãi hoa nắng nhảy múa trước sân, rụng lẫn vào màu vàng hoa cúc, tưới sắc trắng tràn trề lên những bông mận. Tết là những gì thân thương, ấm áp giữa những khó khăn, cực khổ của gia đình, làng xóm.

Giờ đây, Tết không còn đốt pháo. Không còn cảnh lũ trẻ túm tụm nhau xem pháo nổ đì đoàng rồi giành nhau những xác pháo đỏ. Cũng không mấy nhà gói bánh trưng và thức cùng nồi bánh. Trẻ nhỏ cũng không còn háo hức đợi tết về để được ăn ngon, diện quần áo mới, hay đơn giản chỉ là chen chân vào chợ tết, ngó nghiêng không khí của tết miền quê. Tết đến mọi người chỉ cần lượn chợ một vòng là có đủ... Tết đến mọi người vẫn còn chộn rộn ở phương xa lo cho cuộc sống... Mâm cơm giao thừa đủ đầy là thế, nhưng không khỏa lấp được sự trống trải của các thành viên. Lòng người vì thế mà cứ chùng chiềng, gieo neo trôi về Tết xưa thiếu thốn nhưng nồng đượm hương quê.
inbound961155365568476207.jpg
 

Đính kèm

  • inbound1940322290496601847.jpg
    inbound1940322290496601847.jpg
    45 KB · Lượt xem: 152
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Phong Cầm
642
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top