Đề bài :Làm sáng tỏ nhận định: "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" - Andre Chenien qua các tác phẩm của Nguyễn Du

Đề bài :Làm sáng tỏ nhận định: "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" - Andre Chenien qua các tác phẩm của Nguyễn Du

Bài làm:
Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Thơ thường chú trọng đến cái đẹp, đến hình thức thể hiện mang dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Bởi thế không tự nhiên mà người xưa cho rằng "thi trung hữu họa", "thi trung hữu nhạc". Tuy nhiên, "thơ trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật" (Bielinxki). Một bài thơ hay không chỉ có hình thức nghệ thuật đặc sắc mà quan trọng, phải là những tình cảm, những rung cảm mãnh liệt, chân thành của người nghệ sĩ: "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" (Andre Chenien).
Nhận định của Andre Chenien đã khẳng định đặc trưng của thi ca và vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. "Nghệ thuật" là yếu tố hình thức tạo nên nét đặc trưng cho bài thơ. Một bài thơ có giá trị phải có những sáng tạo nghệ thuật độc đáo được làm nên từ tài năng thiên phú của người nghệ sĩ. Nhưng, "nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ" còn "trái tim mới làm nên thi sĩ". "Trái tim", đó là thế giới tâm hồn nhà thơ chứa đựng những tư tưởng, tình cảm, những rung động trước cuộc đời… Chính thế giới tâm hồn ấy đã làm nên cái hồn thơ, là yếu tố không thể thiếu của một nghệ sĩ chân chính.
Thơ là một thể loại trữ tình có cấu trúc đặc biệt với mỗi câu thơ đều là sự sắp xếp ngôn ngữ một cách có dụng ý. Một câu thơ hay bao giờ cũng là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ đa nghĩa, hàm súc với thanh nhịp, nhạc điệu; giữa cách hiệp vần, ngắt nhịp với phối thanh. Những yếu tố nghệ thuật góp phần làm tăng vẻ đẹp hình thức cho câu thơ, làm tăng sức âm vang, lan toả cho bài thơ.
Thơ là sự thổ lộ cảm xúc một cách mãnh liệt, nghĩa là trong thơ phải có tình. Nếu thơ chỉ vẻn vẹn những hình thức nghệ thuật hoa mĩ mà không có những rung cảm mãnh liệt từ trái tim người nghệ sĩ khi đứng trước cuộc đời, thì những hình thức ấy dù đẹp, dù hấp dẫn đến đâu cũng chỉ làm nên bài thơ có xác mà không có hồn. Thơ phải là tiếng nói trữ tình, tiếng nói của cảm xúc, phải là thư kí trung thành của trái tim. Tâm hồn người nghệ sĩ mới là yếu tố quan trọng làm nên những câu thơ có tầm tư tưởng, những câu thơ có thể chạm đến cõi sâu kín nhất trong tâm hồn con người.
Andre Chenien đã nhấn mạnh đến những rung cảm thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, một tác phẩm thực sự có giá trị đều phải là "một khám phá về nội dung, một phát minh về hình thức"(L.Lêônôp). Cái tài và cái tâm, "nghệ thuật" và "trái tim" đều là những nhân tố quan trọng để hình thành một tác phẩm thơ ca nổi tiếng và một nhà thơ vĩ đại. Trong hai yếu tố đó, cái tâm được coi là yếu tố cốt lõi để làm nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Và, điều đó đã được kết tụ đầy đủ trong con người đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Sinh ra và lớn lên trong những cái nôi văn hóa của đất nước cùng những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và cuộc sống phong trần đã sớm hình thành ở Nguyễn Du tài năng thi ca và một trái tim đa sầu đa cảm. Ông đã trở thành nhà thơ lỗi lạc trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Xét về hình thức thể hiện, Nguyễn Du được mệnh danh là ngòi bút thiên tài trong sáng tạo nghệ thuật. Cả thơ chữ Hán và chữ Nôm đều đạt đến độ chuẩn mực. Thơ chữ Hán thì sắc sảo, tinh luyện, thơ chữ Nôm thì xứng đáng là đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam. Trong thơ chữ Nôm nổi bật là kiệt tác "Truyện Kiều". Với "Truyện Kiều", nhà thơ đã thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình. Ta chú ý hơn cả đến nhân vật điển hình Mã Giám Sinh:
"Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao…
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng."

Chỉ bằng vài nét vẽ, Nguyễn Du đã khắc họa một cách hoàn chỉnh về diện mạo và tính cách của Mã Giám Sinh. Qua đó, gửi vào nhân vật ý nghĩa khái quát cho một hạng người giả dối, bất nhân, vô học trong xã hội.
Có ý kiến cho rằng, để lột tả bản chất của họ Mã, Nguyễn Du chỉ cần một từ "tót". Ngay từ khi chưa bước vào cuộc mua bán người đọc vẫn nhận ra đó là một kẻ vô giáo dục, không đáng tin. Bởi vậy, nhiều nhà phê bình khẳng định: "Nguyễn Du có cái tài lột tả cái thần của nhân vật chỉ bằng một từ". Không chỉ lột tả chính xác cái thần của nhân vật, nhà thơ còn lột tả chính xác cái thần của cảnh vật:
"Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa."

Từ "tận" và từ "điểm" được coi là nhãn tự của câu thơ mở ra một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp vừa có đường nét, vừa có hình khối, màu sắc. Không gian nhẹ nhàng trải dài đến vô tận với gam màu chủ đạo là xanh non. Trên nền xanh ấy xuất hiện hình ảnh cây lê mới chỉ điểm xuyết "một vài bông hoa" trắng mang đến cho bức tranh xuân vẻ đẹp mới mẻ, nhẹ nhàng, tinh khôi, tràn đầy sức sống.
Vì cái tài sử dụng ngôn ngữ mà "Truyện Kiều" đã trở thành "tòa lâu đài ngôn ngữ thi ca". Nhưng, cái tài của đại thi hào không chỉ dừng lại ở đó. Nghệ thuật chuẩn mực còn thể hiện trong nghệ thuật khai thác nội tâm, phân tích tâm lí nhân vật sâu sắc:
“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên…
Mai sau dù có bao giờ."

Chỉ bằng một từ duy nhất – "dù", Nguyễn Du đã lột tả tận cùng nỗi đau và tâm trạng của người con gái lỡ làng vì chuyện tình duyên tan vỡ. Duyên đã trao, kỉ vật đã trở thành của chung nhưng thực lòng Kiều không muốn như vậy. Tất cả chỉ là giả định, là "dù em nên vợ nên chồng", là "mai sau dù có bao giờ". Một sự lúng túng rất nhỏ nhặt trong lời nói của Kiều đã bộc lộ tài năng của thi hào.
Cũng là miêu tả tâm lí nhân vật nhưng có lẽ, tài năng tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du mới là mẫu mực:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm.
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa.
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
Buồn trông nội cỏ rầu rầu.
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trong gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."

Đoạn thơ là tả cảnh nhưng thực chất nhà thơ đang tả tình – tâm trạng lo âu, bế tắc của nàng Kiều trong khoảng lặng trước dông bão. Cảnh vật đi từ xa đến gần, mầu sắc đi từnhạt đến đậm, âm thanh đi từ tĩnh đến động diễn tả nỗi buồn ngày càng nâng cao, mở ra một tâm trạng khác nhau. Lấy cảnh để tả tình, lấy thiên nhiên để lột tả chính xác tâm trạng con người đã trở thành một bút pháp mang tính quy luật trong các sáng tác của nhà thơ:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

Chính những nét độc đáo về nghệ thuật ấy đã đem đến sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ lùng cho kiệt tác "Truyện Kiều". Nhưng sức sống lâu bền của kiệt tác trong lòng dân tộc lại là do "con mắt nhìn đến sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến nhìn đời" của đại thi hào Nguyễn Du. Con mắt đó, tấm lòng đó là một trái tim yêu mãnh liệt, một trái tim nhân đạo vĩ đại đã cảm thương sâu sắc cho nỗi khổ đau của con người:
"Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc xót xa nỗi lòng."

Trong "Văn tế thập loại chúng sinh", Nguyễn Du đã cất lên tiếng khóc cao cả và vĩ đại cho những số phận bi thảm trong xã hội mục rỗng bạo tàn, thậm chí đó chỉ là những đứa tiểu nhi "lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha". Nhưng, nhà thơ đã khóc những đứa trẻ chết yểu ấy như khóc những con người thực sự.Trái tim ông quặn thắt trước cuộc sống quá tàn nhẫn đã cướp các em đi khi chưa được nhìn ánh mặt trời. Ông đã thay lời những người mẹ, người cha mất con mà đau thương nấc nghẹn trong tiếng khóc. Ông đang sống trong cõi sống mà dường như đã chìm hẳn vào cõi chết để tìm đến chia sẻ với trăm ngàn oan hồn bạc mệnh:
"Sống đã chịu một đời phiền não.
Chết lại chờ hớp cháo lá đa."

Nguyễn Du đã mang theo khối tình đau ấy suốt cuộc đời để mỗi lần cầm bút là một lần máu rỏ, để mỗi trang viết là mỗi trang nước mắt. Biết bao lần nhà thơ đã xót xa:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

Nổi bật trong các tác phẩm của Tố Như là những phận đàn bà, là những thân phận người phụ nữ bất hạnh phải chịu nhiều đau khổ trong xã hội. Tất cả họ, dù là ai đi chăng nữa, dù là người con gái tài hoa bị cuộc đời vùi dập hay hạng người bị khinh rẻ nhất là những cô ca nhi, kỹ nữ, là những cô gái lầu xanh, đều được nhà thơ yêu thương, đau xót. Không ít lần nàng Kiều trong "Đoạn trường tân thanh" bị đánh đập, hành hạ cũng là lúc mà trái tim nhà thơ tan nát:
“Xót thay đào lý một cành
Một phen mưa gió tan tành một phen."

Nguyễn Du như hóa thân vào Kiều để cảm nhận nỗi đau đớn ê chề của một tiểu thư khuê các phải chịu nỗi đau tan vỡ mối tình đầu đẹp đẽ. Nàng rứt ruột trao đi kỉ vật, trao đi tình yêu. Dù cho lý trí cố kìm nén cũng không thể nào ngăn cản được trái tim đang gào thét:
"Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây."

Kiều cất lên tiếng khóc than cho số phận mình hay cũng chính cõi lòng nhà thơ đang rỉ máu:
"Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân."

Nguyễn Du đang hỏi chính mình, hỏi người, hỏi cả lịch sử những câu "sao…", "sao…" đau đến buốt giá, nhức nhối. Nhà thơ đang thay lời Kiều hỏi cho chính đời mình với chuỗi những bi kịch nối tiếp nhau. Không ít lần nàng cố ngoi lên, cố thoát khỏi vũng bùn đen tối để được sống thì lại bị đẩy xuống sâu hơn nữa…
Nguyễn Du đau cho đời nàng, trái tim quặn thắt trước cuộc đời nàng phải rơi vào bất hạnh, vào cảnh ô nhục "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần". Biết bao lần cõi lòng tan nát nhưng vẫn hết mực trân trọng:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa."

Sống trong cảnh bùn lầy nhơ nhớp nhưng tâm hồn Kiều phải sáng trong tựa ngọc. Nguyễn Du đã dành cho nàng một tình yêu nồng cháy với biết bao đề cao, ngợi ca:
"Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai."

Dưới ngòi bút của thi hào, Kiều hiện lên là một trang tuyệt thế giai nhân "nghiêng nước nghiêng thành" với đủ tài cầm kỳ thi họa cùng tấm lòng hiếu nghĩa đủ đường và khao khát về một tình yêu tự do, chân chính:
"Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà."
"Nàng rằng: khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa."

Kiều đẹp, Kiều tài, tình như thế nhưng rốt cuộc, nàng cũng chỉ là một kiếp má đào bạc mệnh. Tố Như thương nàng, ngợi ca nàng đồng thời cũng căm tức:
"Chém cha cái kiếp má đào.
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi."

Dường như trong xã hội xưa "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen." Nguyễn Du viết với tất cả căm phẫn dồn nén từ bấy lâu nay hướng về chế độ xã hội phong kiến đầy bất công, ngang trái. Chế độ ấy với sự ngự trị của thế lực đồng tiền, của những kẻ tàn ác tham lam, của những tư tưởng bảo thủ "trọng nam khinh nữ", "phận gái chữ tòng" đã ngang nhiên chà đạp, áp bức lên quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ. Không chỉ mình những phận đàn bà bạc mệnh mà đó cũng là lời chung cho tất cả những con người nhỏ bé, không tiền tài, không quyền lực, phái chịu đè nén dưới những chế độ hà khắc, ngang trái, vô lý:
"Phong vận kì oan ngã tự cư."
(Ta tự coi như người cùng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.)
Từ những cảm thương cho bi kịch nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du bắc nhịp cầu giao cảm để tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với những phận tài hoa bất hạnh. Từ nỗi thương người, từ tiếng khóc thương đời, Nguyễn Du cất lên tiếng khóc thương mình. Thương người gắn liền với thương mình, chủ nghĩa nhân đạo đã thấm nhuần và đạt đến đỉnh cao trong trang thơ của đại thi hào. Không một tác phẩm và tác giả cùng thời kỳ thậm chí đến tận bây giờ lại có thể viết và viết về nỗi đau người gắn với nỗi thương mình sâu sắc đến thế. Chỉ có thể là Nguyễn Du, là một nhà nhân đạo vĩ đại mới nhận ra giá trị của bản thân, mới đau nỗi đau của chính mình khi tài năng, nhân phẩm, giá trị bị vùi dập.
Trái tim nhân đạo sâu sắc gửi gắm trong những hình thức nghệ thuật độc đáo đã mang đến thành công cho tác phẩm và tên tuổi Nguyễn Du trong lòng dân tộc. Bởi thế, nhận định "nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" là lời đề cao bản chất của văn chương và yêu cầu đối với một tác phẩm có tầm vóc.
Một tác phẩm thực sự có giá trị phải là sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa nghệ thuật và trái tim. Nhà thơ phải có một trái tim đa cảm, tinh nhạy, phải biết yêu thương con người, biết đấu tranh với cái xấu, cái ác đồng thời phải gắn bó với cuộc đời "thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật đầy". Một nhà thơ chân chính phải ngày ngày lao động nghệ thuật hăng say, bền bỉ nghiêm túc và sáng tạo, cần cù như những con ong bay xa đem về hương phấn tái tạo tài tình để phấn hoa trở thành mật ngọt. Nguyễn Du là một người như thế. Mỗi câu thơ đều được viết bằng một ngòi bút thiên tài và một trái tim nhân đạo vĩ đại nên thơ văn của ông có sức sống lâu bền trong lịch sử văn học dân tộc, trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.
Thơ ca là nơi neo đậu của tâm hồn, là điểm tựa của cảm xúc, là nơi để người nghệ sĩ trải lòng kí thác tâm sự, giải phóng những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ nhất và là nơi để những tài năng thực sự được thỏa sức bay bổng. Cho nên, "Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập" (M.Proust). Đến với thế giới ấy, tâm hồn con người trở nên phong phú, tốt đẹp, thanh lọc và cao thượng hơn, trong sáng hơn. Thiếu thế giới của văn nghệ, "không gì có thể trở thành chính nó".
1666361623298.png
 
265
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top