Đệ nhất xứ cù lao - Cù lao Giêng (An Giang)

Đệ nhất xứ cù lao - Cù lao Giêng (An Giang)

Nằm giữa sông Tiền, bốn bề sông nước mênh mang, cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, có chiều dài 12km, chiều rộng khoảng 7km với những khu vườn mướt xanh, sum sê cây trái. Trên cù lao này có nhiều công trình kiến trúc độc đáo từ thời Pháp thuộc vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Cù lao Giêng bao gồm địa phận của ba xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (Chợ Mới) của tỉnh An Giang. Cù lao có diện tích chiều dài khoảng 12km cùng chiều rộng 7km với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển. Cù lao Giêng còn nhiều tên gọi khác như cù lao Dầu Nước, Dinh Châu hay Diên, Riêng... Cái tên cù lao Giêng có nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng đây là cù lao được hình thành đầu tiên nên lấy tên là Giêng – nghĩa là tháng đầu tiên của một năm. Cũng có giả thuyết cho rằng Giêng là từ đọc chệch đi của “doanh”. Bởi lẽ, cù lao Giêng là vùng đất địa linh nhân kiệt với những dấu son cách mạng từ phong trào kháng chiến những năm 1930.

3976

"Cù lao Giêng - vẻ đẹp xanh của vùng đất Chợ Mới". Ảnh sưu tầm​

Nhà thờ cù lao Giêng

Nhà thờ cù lao Giêng ở xã Tấn Mỹ, là một tòa kiến trúc cổ, được linh mục Gafignol (thường gọi là cha Nho) khởi công xây dựng từ năm 1875, dưới thời vua Tự Đức. Việc xây dựng một công trình lớn trên đất cù lao lúc bấy giờ vô cùng khó khăn.

Kiến trúc nhà thờ cù lao Giêng mang phong cách Roman, phần lớn vật liệu được đem từ nước Pháp qua. Năm 1887, đời Đồng Khánh, công trình hoàn thành. Trải hơn 120 năm, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà thờ cù lao Giêng vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn.

3977

"Nhà thờ là điểm nhấn của xứ cùa lao". Ảnh sưu tầm​

Ngôi thánh đường uy nghi, thâm nghiêm với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược, tạo thành một kiến trúc rất bề thế, ngoạn mục và hoành tráng.

Cù lao Giêng, còn có những ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc truyền thống với rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao quanh bốn phía. Sân nhà thường có những chậu kiểng cổ với nhiều dáng hình mang màu sắc triết lý cuộc sống như thế “tam cang ngũ thường”, “tam đa”, “Thái sơn”, “mẫu tử”, “cầu hiền"… rất đa dạng và phong phú.

Tu viện Chúa Quan Phòng

Gần nhà thờ cù lao Giêng là Tu viện Chúa Quan Phòng thuộc dòng nữ tu Providence. Tương tự như phần lớn các công trình ở đây, tu viện được xây dựng năm 1874 dưới chế độ đô hộ của Pháp. Chính vì vậy mà công trình ít nhiều đến nay vẫn giữ được lối kiến trúc Châu Âu, mang đậm sự rêu phong cổ kính, tạo cảm giác hoài cổ từ ánh nhìn đầu tiên.

3978

"Một Tu viện cổ kính nằm ngay trung tâm xứ cù lao". Ảnh sưu tầm​

Ngày nay, trong khuôn viên Tu viện Chúa Quan Phòng trồng nhiều cây xanh và thả nuôi một số lượng lớn các loại cá nên tạo được cảm giác bình yên và gần gũi khi du khách đến tham quan. Tuy nhiên, do đây là nơi tu hành nên nếu muốn tham quan, du khách cần liên hệ trước.

Nhà thờ Rạch Sâu

Đây là công trình kiến trúc nằm trên địa phận của xã Bình Phước Xuân. Kiến trúc không đặc sắc như các đền thờ, đền chùa khác nhưng nhà thờ Rạch Sâu có bố cục hài hòa và được xem là linh hồn của vùng đất cù lao Giêng. Bởi lẽ, khi đến với nhà thờ Rạch Sâu, du khách như thấy lại một thuở khai hoang vùng đất này.

Di tích cách mạng lịch sử

Cù lao Giêng được xem là một trong những dấu son chói lọi của trang sư cách mạng miền Tây Nam Bộ. Ngày nay, cù lao Giêng vẫn còn hiện hữu nhiều công trình cách mạng các cấp, trong đó có cả cấp quốc gia. Các di tích cách mạng ấy như một chứng tích của các chiến công oanh liệt những năm chống thực dân – đế quốc. Chúng ta có thể kể đến các di tích như: Di tích Cột Dây Thép, di tích đình Tấn Mỹ...

3979

"Di tích cột dây thép". Ảnh sưu tầm​

Chùa Đạo Nằm

Thành Hoa Tự do Hòa thượng Tịnh Nghiêm cho xây dựng vào năm 1953. Ông là người ở làng Hoà An (tỉnh Đồng Tháp), là tu sĩ Phật giáo nhưng lại có cách tu luyện khá lạ, đó là “nằm”. Tên chùa Đạo Nằm, hay chùa Ông Đạo Nằm ra đời từ đó.

3980

"Huyền bí và cũng đầy tinh tế, linh thiêng". Ảnh sưu tầm​

Chùa Đạo Nằm được trang trí bằng các sắc màu rực rỡ của Phật giáo, đặc biệt là các ngôi mộ được đính những mảnh gốm sứ Biên Hòa rất độc đáo và đẹp mắt. Nằm giữa không gian cây cối xanh mát, mang lại vẻ tĩnh lặng của chốn thiền môn, Thành Hoa Tự quả thật là một điểm tham quan đặc biệt khi đến với Cù Lao Giêng An Giang.

Chùa Phước Thành

Tọa lạc ngay tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chùa Phước Thành là một ngôi chùa đặc biệt ở An Giang đã được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam với công trình Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng lớn nhất.

Chùa Phước Thành được Hòa thượng Thích Bửu Đức khai sơn tạo lập năm 1872, hiện nay do Hòa thượng Thích Huệ Tài – Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang trụ trì.

Người dân nơi đây còn gọi chùa Phước Thành bằng tên gọi khác là chùa Chim. Tương truyền ngày xưa, sau khi Hòa thượng Thích Bửu Đức (người khai sơn tạo lập chùa Phước Thành) xuất gia tầm đạo 9 năm ở vùng Bảy Núi thì trở về quê hương (xã Bình Phước Xuân) tiếp tục tu hành. Đến một ngày có đôi chim Hồng Hạc từ Bảy Núi bay về thu hút hàng ngàn con chim khác tập trung bay lượn rợp cả cánh đồng, từ đó, Hòa thượng Thích Bửu Đức đã chọn nơi đây để dừng chân và xây chùa Phước Thành vào năm 1872. Tên chùa Chim cũng được dân gian truyền tai nhau từ đó.

3981

"Khung cảnh bạt ngàn tuyệt đẹp đầy sắc xanh của xứ cù lao Giêng". Ảnh sưu tầm​

Công trình do nghệ nhân Phạm Văn Hải và trợ lý Thích nữ Như Thơ thực hiện, Hòa thượng Thích Huệ Tài kiến trúc nghệ thuật. Với cách thiết kế mới lạ và đặc sắc khi ở phía trước chùa có 2 hành lang nối lên cao, đứng từ đây du khách có thể ngước nhìn bức tượng Phật một cách rõ nét nhất để thấy hết được sự vĩ đại cũng như sự đồ sộ của bức tượng.

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa, dưới chân tượng Phật A Di Đà còn có những biểu tượng mô phỏng Tháp Rùa, chùa Một Cột, vịnh Hạ Long và hòn Phụ Tử… được tạc bằng đá trắng. Tất cả đã tạo nên khung cảnh chùa Phước Thành vô cùng đặc sắc, biến ngôi chùa thành điểm đến tâm linh thu hút du khách khi đến Cù lao Giêng.

Các khu du lịch nhà vườn

Cùng với các công trình mang nhiều dấu ấn khác nhau, cù lao Giêng cũng chú trọng mở rộng du lịch địa phương với hình thức tham quan các vườn cây ăn trái. Đây là hình thức du lịch song song quảng bá hình ảnh và thương hiệu địa phương. Du khách đến tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng những vườn cây trĩu quả, thấy cách người nông dân chăm sóc cây mà còn được thưởng thức tự do các loại cây trái ở đây.

3982

"Khu du lịch nhà vườn". Ảnh sưu tầm​
Tác giả: Lê Tuấn
 
Từ khóa
chùa phước thành chùa đạo nằm di tích cách mạng lịch sử du lịch nhà vườn nhà thờ cù lao giêng nhà thờ rạch sâu tu viện chúa quan phòng
672
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top