Hướng dẫn Đề thi HSG Ngữ Văn tỉnh Hòa Bình bảng B có hướng dẫn làm bài

Hướng dẫn Đề thi HSG Ngữ Văn tỉnh Hòa Bình bảng B có hướng dẫn làm bài

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Đề thi HSG Ngữ Văn tỉnh Hòa Bình bảng B năm học 2022 - 2023 diễn ra vào ngày 15/12/2022 vừa qua. Mình sẽ đăng gợi ý làm bài cho đề văn này, nó chỉ có tính chất tham khảo cá nhân, không phải hướng dẫn của BGD tỉnh Hòa Bình.

đề thi HSG Hòa Bình.jpg

Đề thi HSG Ngữ Văn tỉnh Hòa Bình bảng B năm học 2022 - 2023​

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.(8đ)​

Chuyện kể rằng, có một vòng tròn rất hoàn mỹ. Nó rất tự hào về thân hình tròn trĩnh đến từng milimet của mình. Thế nhưng một buổi sáng thức dậy, nó thấy mình bị mất đi một góc lớn hình tam giác. Buồn bực, vòng tròn ta đi tìm mảnh vỡ đó. Vì không còn hoàn hảo nên nó lăn rất chậm. Nó bắt đầu ngợi khen những bông hoa dại đang toả sắc bên đường, nó vui đùa cùng ánh nắng mặt trời, tâm tình cùng sâu bọ… Một ngày kia nó tìm được một mảnh hoàn toàn vừa khít và ghép vào. Nó lăn đi và nhận ra mình đang lăn quá nhanh. Đến nỗi, không kịp nhận ra những bông hoa đang cố mỉm cười với nó. Vòng tròn thấy rằng, cuộc sống khác hẳn đi khi nó lăn quá nhanh. Nó dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn đi.

Hãy bình luận về ý nghĩa triết lí của câu chuyện trên.

Các ý cần làm rõ:​

- Khái quát được ý nghĩa triết lí cuả câu chuyện về chiếc vòng tròn:​

Chiếc vòng tròn là biểu tượng của sự hoàn hảo. Bài học về cái vòng tròn cho chúng ta thấy một điều tưởng như nghịch lí đó là: đôi khi sự khiếm khuyết thiếu hụt chính là biểu hiện chứng tỏ con người là con người với ý nghĩa đúng đắn, nhân bản nhất. Đây chính là triết lí về con người bất toàn. Chính sự bất toàn là động cơ để con người hoà nhập cùng cộng đồng và vươn tới những giá trị tốt đẹp và ngày một hoàn thiện.

- Bàn luận về triết lí trên: đây là một triết lí khá sâu sắc.​

+ Triết lí này đã nhìn nhận con người và đời sống ở góc độ nhân bản, con người bao giờ cũng có phần Con và phần Người, phần ưu điểm và hạn chế, tích cực và tiêu cực. Xét từ góc độ triết học, sự tồn tại của hai mặt đối lập và thống nhất trong cùng một cá thể là một tất yếu.
+ Quá trình sống, học tập, lao động, hoà nhập với cộng đồng của con người là một quá trình học hỏi, đấu tranh, vươn đến sự hoàn thiện. Đó chính là ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa tồn tại của mỗi con người.

- Mở rộng, nâng cao vấn đề, liên hệ thức tiễn:​

+ Trong cuộc sống, mỗi con người cần biết rõ những hạn chế, khiếm khuyết của mình để khắc phục vươn lên, học hỏi mọi người, hoàn thiện bản thân; mặt khác, trong hành trình đó, con người không nên cầu toàn, không nên đòi hỏi bản thân sự hoàn hảo tuyệt đối, vì đó là điều không thể. Nên biết chấp nhận mình để hoà nhập với cộng đồng.
+ Cần có cách nhìn nhận đánh giá con người và ứng xử theo quan điểm nhân bản: đó là biết đề cao những mặt tích cực, độ lượng, chấp nhận và chia sẻ những mặt hạn chế; giúp đỡ nhau cùng hoàn thiện
-> Câu chuyện về cái vòng tròn là một thông điệp triết lí về sự tồn tại của con người. Đặt trong thời kì hội nhập và phát triển của xã hội hiện nay, triết lí nhân sinh của câu chuyện là bài học sống và ứng xử sâu sắc với tất cả mọi người. Đối với các bạn trẻ đang ở độ tuổi phát triển và hoàn thiện nhân cách thì triết lí trên càng có giá trị thực tiễn trong hành trang vào đời.

Câu 2.(12đ) Bàn về phong cách nghệ thuật của nhà văn, Antoine Compagnon cho rằng:​

Phong cách vừa hướng về một cái tất yếu đồng thời hướng về một sự tự do.

Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên. Bằng hai tác phẩm Chữ người tử tù và Người lái đò sông Đà, hãy làm rõ cái tất yếu và cái tự do trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.


Giải thích:​

- Phong cách: là những nét đặc sắc có tính hệ thống, tương đối ổn định trong sáng tác của nhà văn, thể hiện tài năng của người nghệ sĩ trong việc phát hiện và thể hiện cuộc sống, đem đến cho người đọc một cái nhìn riêng về thế giới và con người.
Cái tất yếu: những yếu tố cốt lõi, cần có mang tính thống nhất và ổn định trong phong cách nghệ thuật.
Sự tự do: tính chất linh hoạt, đa dạng, không ngừng đổi mới.
Đồng thời: sự tồn tại song song, có nghĩa là sự thống nhất trong phong cách không cản trở, cũng không mâu thuẫn với sự đa dạng, phong phú trong phong cách nghệ thuật một nhà văn.
=>Ý kiến khẳng định đặc trưng phong cách nghệ thuật của nhà văn: phong cách đòi hỏi sự thống nhất trong đa dạng, thống nhất mà vẫn cần phải phát triển, sáng tạo.

Bàn luận​

Phong cách phải hướng về một cái tất yếu

– Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có phong cách cá nhân, nghĩa là có nét gì đó rất riêng, đặc sắc, mới lạ thể hiện trong sáng tác của mình. Nói đến phong cách là nói đến nét riêng, độc đáo, đặc sắc của các yếu tố thuộc về nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm, ít thấy ở các cây bút khác.

– Phong cách thể hiện ở cách nhìn, trong hệ thống hình tượng, những phương thức thể hiện đặc thù, in đậm dấu ấn sáng tạo thể hiện một cách thường xuyên, có tính chất bền vững, nhất quán, có như vậy mới tạo ra một “chân dung tinh thần” riêng cho nhà văn.

– Không có những “cái tất yếu” đồng nghĩa với sự mờ nhạt, khi đó nhà văn không thể tạo cho mình một khuôn mặt, một chỗ đứng trong văn chương

Phong cách hướng về sự tự do

– Sự thống nhất, nhất quán trong phong cách không phải là sự lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, đơn điệu, nghèo nàn mà là nhất quán trong sự phát triển. Điều đó thôi thúc nhà văn mang đến cho văn chương những điều mới mẻ, để không tự mình lại chán mình, tự cằn cỗi.

– Cuộc sống luôn vận động và phát triển vì thế đòi hỏi hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ buộc phải tìm tòi, đổi mới, người nghệ sĩ phải không ngừng khám phá, thể hiện cuộc sống đầy phong phú và phức tạp. Cũng vì thế phong cách nghệ thuật không được đơn điệu, bất biến mà cần được bổ sung, làm mới. Nhà văn có phong cách không được lặp lại người và cũng không được lặp lại chính mình.

– Khi hoàn cảnh lịch sử xã hội thay đổi, thế giới quan thay đổi, phong cách của nhà văn một mặt giữ được sự bền vững của cái cốt lõi, tất yếu, mặt khác được bổ sung nét mới, thể hiện sự nhạy bén, nắm bắt kịp tinh thần thời đại mới của nhà văn.

– Sự tự do trong phong cách là bằng chứng về sự trưởng thành, sự vận động sáng tạo của nhà văn.

Mở rộng​

– Phong cách nghệ thuật là biểu hiện của tài năng, là cơ sở tạo nên tầm vóc và diện mạo của người nghệ sĩ. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng trong lao động nghệ thuật để vừa là chính mình vừa đổi mới mình. Một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo mới thực sự là một nhà văn chân chính.

– Bài học với người sáng tạo và tiếp nhận:

+ Mỗi nhà văn cần có trách nhiệm tự vận động để hoàn thiện phong cách nghệ thuật, góp mặt trong lịch sử văn học, bởi xét đến cùng lịch sử văn học của một dân tộc là lịch sử của những phong cách nghệ thuật.
+ Người đọc tìm hiểu phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ sẽ giúp họ nhận rõ hơn gương mặt riêng và vai trò của mỗi nhà văn trong nền văn học.

– Có thể nhận ra phong cách của nhà văn trong tác phẩm. Có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm thì có bấy nhiêu chỗ cho phong cách nhà văn thể hiện. Cụ thể:​

+ Qua cái nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật đối với cuộc đời
+ Qua giọng điệu riêng, gắn liền với cảm hứng sáng tác
+ Nét riêng trong sự lựa chọn, xử lý đề tài, xác định chủ đề, xác định đối tượng miêu tả…
+ Tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật
- Các biểu hiện của phong cách văn học không tồn tại tách rời mà bao hàm lẫn nhau hay tồn tại thông qua nhau. Tất cả tạo thành một nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho hiện tượng văn học một tính chỉnh thể toàn vẹn.

Học sinh chọn 2 tác phẩm đã cho của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ ý kiến:​

+ Phần dẫn chứng văn học đưa ra phải bám sát vấn đề lí luận đã lí giải, phải làm nổi bật nét độc đáo (cái mới) mà tác giả Nguyễn Tuân đem đến cho văn học, nghĩa là cách cảm nhận độc đáo về thế giới và hệ thống bút pháp phù hợp với cách cảm nhận ấy được tác giả thể hiện như thế nào trong tác phẩm.

+ Quá trình lấy dẫn chứng, học sinh phải nhìn nhận tác phẩm theo nguyên tắc chỉnh thể (vì các biểu hiện của phong cách văn học không tồn tại tách rời mà bao hàm lẫn nhau hay tồn tại thông qua nhau).

Phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù (click để xem bài)
Đến với đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút "Người lái đò sông Đà":
- Khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ: con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình.
- Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ: Ông lái đò được miêu tả như một dũng tướng tài năng nhưng có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa.
- Tô đậm những nét phi thường, tuyệt vời của cảnh vật, con người: Con Sông Đà hung bạo, hiểm ác, ông lái đò tài hoa.
- Vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau về đối tượng sáng tác đẽ tạo hình tượng: Con Sông Đà hung bạo và những trận thủy chiến của ông lái đò được ghi lại bằng kiến thức của văn chương, hội họa, điện ảnh, địa lí, lịch sử, quân sự, võ thuật.

Ngôn ngữ trong tác phẩm:
- Từ ngữ sắc sảo in đậm dấu ấn riêng. Ngữ nghĩa, ngữ điệu biến đổi, chuyển hóa: sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ, nắng ròn tan, nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, để thơ vào sông nước... Tác giả còn sáng tạo những từ ngữ mới, cô đọng, giàu ý nghĩa: luôn gân, luôn tim, bờm sóng...
- Diễn tả đa dạng, nhiều góc cạnh. Câu thật ngắn phối hợp với câu thật dài: đoạn tả chặng cuối vượt vòng vây thứ ba, đang viết câu chất chồng ý (... Cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền... xuyên nhanh, vừa xuyên vừa...), đã kết lại bằng một câu rất gọn, biểu thị ý hoàn thành: Thế là hết thác.
- Có khi vừa thể hiện mặt hung dữ, vừa gợi lên khía cạnh thơ mộng của đối tượng miêu tả, vừa ném ra những chi tiết rất tự nhiên, không trau chuốt (con sông đánh đòn hiểm độc nhất với con đò) vừa chắt lọc những chi tiết, những hình ảnh rất trữ tình, rất thơ (ven Sông Đà lặng tờ).


***
Đánh giá đề văn nghị luận văn học 12 điểm: Khi đọc đề và cả hướng dẫn làm bài này, có lẽ nhiều bạn sẽ cho rằng đề văn này sẽ theo hướng phân tích làm rõ phong cách sáng tác trước và sau CM của Nguyễn Tuân để chứng minh câu nói. Nhưng có một điều cần chú ý là, câu nói này có liên quan mật thiết đến triết học của Ph.Ăng ghen. Sự thống nhất giữa cái tất yếu và cái có thể cho rằng: trong toàn bộ sự vận động của tiến trình lịch sử nhân loại thì loài người tất yếu phải đi lên, phải phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, nghĩa là con người phải tất yếu bước từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do. Do vậy, câu nói này cũng có thể hiểu một cách sâu sắc rằng ta vừa phải làm rõ cái tất yếu, cái tự do trong 2 tác phẩm đã cho nhưng càng phải nói tới SỰ VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Do đó, mình sẽ đưa ra một bài văn tham khảo theo hướng này.

Sự vận động và phát triển trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:

- Trước cách mạng tháng Tám: phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân được thâu tóm trong 1 chữ "ngông"
- thể hiện lối sống độc đáo ko giống ai, khác đời, hơn đời, khi in vào văn chương thì đó là lối làm văn chương duy nhất không ai có.
+ Đối tượng trong sáng tác của Nguyễn Tuân thời kì này là những con người đặc tuyển, những văn nhân, sĩ phu thất thế chỉ còn 1 thời vang bóng: làm rõ qua Chữ người tử tù.
+ Hành văn cầu kì, giọng điệu trang nghiêm, cổ kính, hệ thống từ ngữ mới lạ do ông sáng tạo ra.
+ Cảm hứng hoài cổ thể hiện qua phẩm chất nhân vật, không khí truyện, nghệ thuật truyền thống (thư pháp), ngôn ngữ đối thoại…
- Sau cách mạng tháng Tám:
+ Vẫn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hoá, thẩm mĩ, vẫn khai thác nét đẹp tài hoa nghệ sĩ, nhưng Nguyễn Tuân hướng ngòi bút tới những người lao động bình thường
+ những người lao động bình thường trong thời đại mới của đất nước: làm rõ qua hình tượng người lái đò
+ Không khí nghệ thuật: gắn với hơi thở thời đại, nhịp sống của đất nước
+ Thiên nhiên vẫn là thiên nhiên đẹp, vừa dữ dội vừa thơ mộng, chỉ có điều khác với trước Cách mạng, ông khám phá cảnh sắc, con người tự nhiên đời thường của đất nước mình trong hiện tại: cảnh sông Đà
+ Ngôn ngữ vần đậm chất uyên bác, cầu kì nhưng ko còn nặng màu sắc cổ kính như trước.

Bài văn tham khảo​


Xê khốp đã cho rằng: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả, nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn hiện thực”. Quả thực phong cách nghệ thuật là một phạm vi quan trọng trong văn chương đó chính là chỗ độc đáo về tư tưởng hay nói cách khác phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mỹ, chỉ sự thống nhất tương đối của hệ thống hình tượng, biểu hiện nghệ thuật nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn. Trong tác phẩm riêng lẻ, trào lưu văn học hay trong văn học dân tộc, nhận định của Phương Lựu khái niệm phong cách được đề cập là phong cách nghệ thuật của nhà văn. Không phải bất cứ nhà văn nào cũng có phong cách chỉ có những nhà văn có tài năng, có bản lĩnh như nhà văn ưu tú mới có được phong cách riêng độc đáo. Những nhà văn phong cách chính là đem lại một tiếng nói mới trong văn học, đó là sự độc đáo mà đa dạng bền vững luôn đổi mới. Đặc biệt nó phải có tính chất thẩm mỹ dồi dào, phong cách không chỉ biểu hiện sự trưởng thành của nhà văn khi tài năng nở rộ mà còn là bằng chứng của một nền văn học đã trưởng thành.

Phong cách nghệ thuật, có cội nguồn từ cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Cá tính sáng tạo là sự hợp thành của những yếu tố như thế giới quan, tâm lý, khí chất, cá tính sinh hoạt phong cách từ đó mà trưởng thành nên cũng mang dấu ấn của dân tộc và thời đại. Có thể dễ dàng nhận ra rằng phong cách của nhà văn trong tác phẩm có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm thì có bấy nhiêu chỗ cho phong cách nhà văn thể hiện. Bàn về phong cách nghệ thuật của nhà văn, Antoine Compagnon cho rằng: Phong cách vừa hướng về một cái tất yếu đồng thời hướng về một sự tự do.

Cụ thể là qua cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật đối với cuộc đời qua giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác. Phong cách còn được biểu hiện qua nét riêng trong sự lựa chọn xử lý, đề tài xác định, chủ đề, đối tượng miêu tả, cuối cùng phong cách thể hiện ở tính thống nhất, ấn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật. Các biểu hiện của phong cách văn học không tồn tại, tách rời mà hàm chứa lẫn nhau, tất cả tạo thành một nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật, đem lại cho hiện tượng văn học một chỉnh thể vẹn toàn. Và qua 2 tác phẩm “Chữ người tử tù” và “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là một bằng chứng cụ thể cho phong cách ấn tượng, sâu sắc khó quên trong người đọc, thể hiện rõ ràng quá trình biến đổi từ cá tất yếu đến cái tự do để thăng hoa ngòi bút của chính ông lên một tầm cao mới.

Trong hai tác phẩm “Chữ người tử tù”“Người lái đò sông Đà”, người đọc vẫn bắt gặp một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác. Tuy nhiên, giữa hai tác phẩm còn rất nhiều khác nhau về phong cách nghệ thuật của tác giả.

Nét ổn định đã làm nên phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nhà văn viết hai tác phẩm thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến con người có phẩm chất tài hoa và ở họ đều mang phẩm chất người nghệ sĩ. “Chữ người tử tù” xuất hiện một Huấn Cao dám chống lại triều định phong kiến thối nát với hoài bão tung hoành của một con người có lí tưởng sống cao cả, khát vọng tự do; là tử tù nhưng không bị khuất phục trước sức mạng cường quyền; là nghệ sĩ nhưng không vì vàng ngọc mà ép mình viết chữ; là anh hùng đầy kiêu hãnh, khinh bạc trước cái tầm thường của xã hội nhưng vẫn biết cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục. Cho tới sau cách mạng tháng Tám, “Người lái đò sông Đà” ra đời dựng nên người lái đò không tên tuổi nhưng đầy tài năng, dũng cảm và sở thích mạo hiểm: “Chạy đò trên đoạn sông không có thác nó dễ dại tay, dại chân và bù ngủ”(có bản viết “buồn ngủ”). Mấy ai dám làm nghề nguy hiểm vất vả trên sông nước ấy. Trước một dòng sông hung bạo đến thế, ông lái đò vẫn bình tĩnh tự tin vào tài năng trí tuệ của mình. Bởi lẽ đó mà người lái đò lại hiện lên như một chiến sĩ dũng tướng.

Hai tác phẩm dường như không quan tâm đến những chi tiết thuộc về đời thường nên hình tượng nổi bật hơn về lí tưởng cao cả. Không người đọc nào phải băn khoăn về đời tư Huấn Cao. Nhà văn chỉ tập trung vào phát họa chân dung, thần thái của nhân vật trong những ngày tháng vào kinh chịu án. Bút pháp lãng mạn trong xây dựng nhân vật chủ yếu là những nét vờn vẽ trên nền chung của cảnh tượng xưa nay chưa từng có: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh, căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực.” Tác phẩm thứ hai cũng vậy. Người lái đò là ông bạn của tác giả đang sống giữa cuộc đời này cùng với công cuộc xây dựng đất nước nhưng tác giả cũng bỏ qua những chi tiết về đời thường. Nguyễn Tuân chủ yếu giới thiệu nhân vật với sự thông minh và trí tuệ, tài hoa trong lao động với một vẻ đẹp của một dũng tướng anh hùng trước trận chiến sông Đà. Tác giả tập trung thể hiện hình ảnh của nhân vật trong chuyến đò cuối cùng trước khi giải nghệ vì thế mà nhân vật có dịp biểu diễn tài năng lái đò của mình. Hình tượng nhân vật cũng trở nên lớn lao, phi thường trước cái lớn lao của thiên nhiên hùng vĩ.

Phong cách chung là thế nhưng ở mỗi tác phẩm Nguyễn Tuân còn sáng tạo riêng cho mình những sự khác biệt cả về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật.
Nội dung tư tưởng trước và sau cách mạng tháng Tám cũng có sự thay đổi. Trước cách mạng tháng Tám “Chữ người tử tù” chiếu lên anh hùng lẫm liệt Huấn Cao khí phách nhưng vẫn là một anh hùng thất trận, tử tù. Tuy nhiên Nguyễn Tuân để ý nhiều hơn chuyện cho chữ của ôn Huấn. Nghệ sĩ Huấn hẳn người của một người khoa bảng cho chữ và xin chữ để thưởng thức, để giữ gìn. Đó là hiện thân văn hóa truyền thống tốt đẹp ông cha ta. Ngợi ca Huấn là ngợi ca truyền thống dân tộc, ít nhiều bày tỏ thái độ không chịu làm lành trước hiện thực nhơ nhớp ngục tù của hiện thực xã hội đương thời. Sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân lại tìm đến cái đẹp ở người lao động cùng thời của nhà văn. Chất nghệ sĩ ở đây là con người trong lao động gắn bó với hiện thực cuộc sống. Người lái đò là người anh hùng chiến thắng thiên nhiên rộng lớn và vẻ đẹp phi thường được thể hiện trong hình cảnh người lái đò đã năm được quy luật tất yếu của dòng sông Đà. Nếu Huấn Cao là nghệ sĩ sáng tạo ra thư pháp thì người lái đò là nghệ sĩ biểu diễn, thi tài với tạo hóa; đó là người nghệ sĩ đang khoe tài đầy mạo hiểm trước sân khấu biểu diễn thác nước để rồi qua đó nhà văn ngợi ca vẻ đẹp bất tử của cái đẹp trong lao động.

Về nghệ thuật cũng thết. “Chữ người tử tù” là một truyện ngắn thành công trong việc sáng tạo nhân vật, dựng hình tượng nhân vật, nhất là trong không khí cổ kính trang nghiêm. Bút pháp hiện thực và lãng mạn vẫn toát lên chất trữ tình mặc dù truyện ngắn chưa phải là sở trường của ông. “Người lái đò sông Đà” lại khác. Nó là tùy bút được Nguyễn Tuân xem như độc tấu. Tùy bút của ông mang yếu tố truyện mà tác giả đã thành công khi vẽ nhân vật. Đặc biệt với tùy bút này, nhà văn được thể hiện tài năng của một chuyên viên tiếng Việt, ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh được sử dụng sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn.

Như phần trên đã nói, ngoài sự ổn định thì phong cách của Nguyễn Tuân vẫn có sự mới mẻ trong từng giai đoạn. Có lúc nó hùng tráng, nghiêm trang, có lúc nhẹ nhàng mà thoáng đãng nhưng dù ở khía cạnh nào tác giả vẫn thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật người nghệ sĩ tài hoa. Do đó, độc giả cần khích lệ nhà văn trên con đường sáng tác của mình để tâm hồn kia sẽ là một trong những nhà văn vang bóng một thời.
 
Từ khóa
antoine compagnon bàn về phong cách nghệ thuật bảng b năm học 2022 có một vòng tròn rất hoàn mỹ phong cách nghệ thuật nguyễn tuân phong cách vừa hướng về một cái tất yếu đề thi hsg ngữ văn tỉnh hòa bình đồng thời hướng về một sự tự do
  • Like
Reactions: Vanhoctre
4K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top