Đề thi Đề thi thử môn Ngữ Văn THPTQG tỉnh Tiền Giang - có đáp án

Đề thi Đề thi thử môn Ngữ Văn THPTQG tỉnh Tiền Giang - có đáp án

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 20
Đề thi thử môn Ngữ Văn THPTQG tỉnh Tiền Giang
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA- NĂM 2019

Môn: Ngữ văn

Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 15/5/2019 (Đề thi có 01 trang)​

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Trong bài diễn thuyết tại buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Liberty (Mỹ) năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã nhắn gửi:

Đừng từ bỏ, đừng lùi bước, và đừng bao giờ ngừng làm những điều mà bạn cho là đúng [...] Các bạn hãy nhớ không có cái gì đáng giá trên đời này lại đến với ta một cách dễ dàng. Sống đúng theo các giá trị của mình có nghĩa là bạn phải sẵn sàng đối mặt với chỉ trích từ những người không đủ dũng cảm để làm những gì đúng đắn. Họ biết rõ điều gì là đúng, nhưng họ không đủ can đảm và nghị lực để làm điều đó. Đó gọi là con đường hẹp ít người dám đi. Tôi biết các bạn sẽ làm điều đúng, chứ không phải điều dễ dàng, các bạn sẽ sống đúng với bản thân, đất nước và niềm tin của mình,


(Theo tạp chí Time)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

Câu 2: Anh/chị hiểu “con đường hẹp ít người dám đi" được nói đến trong đoạn trích là gì?

Câu 3: Theo Tổng thống Donald Trump, khi “sống đúng theo các giá trị của mình”, con người cần phải làm gì ?

Câu 4: Anh/chị có cho rằng “sống đúng theo các giá trị của mình” là điều cần thiết không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm).
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Các bạn hãy nhớ: không có cái gì đáng giá trên đời này lại đến với ta một cách dễ dàng".

Câu 2. (5,0 điểm)

Mở đầu đoạn trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài giới thiệu nhân vật Mị:

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi công nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.


Kết thúc đoạn trích, sau khi Mị cắt dây trói cứu A Phủ, nhà văn viết:

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vật chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn bằng đi, Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

A Phủ chợt hiểu.

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.

A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.


(Theo Ngữ văn 12,Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.4 và tr.14).

Phân tích hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi trong tâm lý của nhân vật này.

----------- Hết ----------

Đáp án đề thi thử THPTQG môn Ngữ Văn năm 2019 tỉnh Tiền Giang
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:
Nêu nội dung chính của đoạn trích trên: Đoạn trích trên có nội dung khích lệ mỗi con người hãy kiên trì theo đuổi lối sống đúng đắn và sống theo các giá trị của mình.

Câu 2:

“Con đường hẹp ít người dám đi” là lối sống của những con người dũng cảm, sống đúng theo các giá trị của mình dù biết cuộc sống ấy sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Câu 3:

Theo Tổng thống Donald Trump, khi “sống đúng theo các giá trị của mình", con người cần phải:

"Sẵn sàng đối mặt với chỉ trích từ những người không đủ dũng cảm để làm những gì đúng đắn "nghĩa là phải có can đảm và nghị lực trong cuộc sống. Tránh lối sống không dám đấu tranh cho điều đúng đắn.

Câu 4:

Con người cần “sống đúng theo các giá trị của mình"

Nêu quan điểm: Đồng tình. Vì:

  • Chỉ có sống đúng theo các giá trị thì con người mới hoàn thiện được nhân cách.
  • Khi đó con người mới thanh thản, bình an trong tâm hồn và nhận được sự yêu mến, kính trọng của những người xung quanh.
  • Nếu mỗi người sống đúng theo các giá trị đó, xã hội sẽ tốt đẹp.
-> Vì vậy, sống đúng theo các giá trị là sứ mệnh, là trách nhiệm của con người với cuộc đời.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm).

Giải thích:


Cái đáng giá trên đời là một khái niệm rất rộng, là những gì tốt đẹp thuộc về tinh thần và vật chất mà con người đang có (như sức khỏe, sự sống, kiến thức, tình yêu thương, niềm tin ...). Những điều đó không đến một cách dễ dàng mà bản thân con người phải trải qua quá trình nỗ lực, rèn luyện mới có thể đạt được.

Khẳng định:

- Đây là ý kiến có ý nghĩa sâu sắc nhằm khích lệ con người kiên trì theo đuổi lối sống đúng đắn, nỗ lực để đạt được những gì tốt đẹp và biết trân trọng, gìn giữ nó.

(Thí sinh có thể có quan điểm khác).

- Bàn luận: Để có được những điều đáng giá trên đời, mỗi con người cần: Nhận thức được những cái đáng giá trên đời để kiên trì, dũng cảm, nỗ lực làm những điều đúng đắn, không sợ hãi, không bỏ cuộc; hiểu được để có những điều đáng giá đôi khi bản thân phải trả giá.

- Phê phán lối sống ích kỉ, hèn nhát, nhiều dục vọng cá nhân ... ... (các ý kiến khác)

(Thí sinh cần đưa một số dẫn chứng cụ thể kết hợp lý lẽ để bàn luận)

- Bài học nhận thức và hành động:

  • Mỗi cá nhân cần có nghị lực để xây dựng giá trị của riêng mình và sống đúng theo các giá trị đó.
  • Xã hội cần tôn vinh những điều tốt đẹp, khích lệ mỗi người sống có trách nhiệm với chính mình và cuộc đời.
Câu 2. (5,0 điểm)

Mở bài: Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật Mị trong hai đoạn văn.

Thân bài: Phân tích vấn đề:

Giới thiệu ngắn gọn lại lịch, ngoại hình, phẩm chất của nhân vật Mị:

Lai lịch: Mị nghèo, mang món nợ truyền kiếp của bố mẹ để lại.

Mi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, bị cúng trình ma nhà thống lí Pá Tra. Mị phải sống trong cuộc hôn nhân không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”.

Ngoại hình, phẩm chất:

- Trước khi bị bắt làm dâu gạt nợ, Mị xinh đẹp, có tài thổi sáo.

- Mị có những phẩm chất đáng quý (hiếu thảo, yêu tự do ...)

-> Như vậy, Mị là một hình tượng đẹp về người con gái Tây Bắc nhưng lại rơi vào bi kịch của thân phận làm dâu gạt nợ, khổ hơn con trâu, con ngựa nhà thống lí.

Sự thay đổi tâm lý của nhân vật Mị qua hai đoạn văn:

Ở đoạn văn mở đầu:

Hoàn cảnh: Đoạn văn giới thiệu nhân vật Mị trong một hoàn cảnh đầy nghịch lý: Mị là con dâu nhà thông lệ quyền thế, giàu có nhưng sao lúc nào Mị cũng phải lao động, mặt lúc nào cũng cúi “buồn rười rượi".

Trạng thái và hành động của Mị: Bằng nghệ thuật liệt kê chuỗi công việc Mị làm, miêu tả vị trí Mị ngôi, dùng từ láy ... tác giả giúp người đọc hình dung ra hình ảnh cô gái cô độc, âm thầm, lặng lẽ như lẫn vào các vật vô tri, thấp hèn (như tảng đá, tàu ngựa ...). Trạng thái đó gợi liên tưởng tới một số phận buồn đau, tủi nhục, cam chịu, lầm lũi.

Ở phần kết thúc đoạn trích:

- Hoàn cảnh: Sau khi nhận thức được sự bất công, tàn bạo mà cường quyên, thần quyền của giai cấp thống trị phong kiến miền núi gây ra, Mị đã cắt dây trói cứu A Phủ và tự giải thoát mình.

- Trạng thái và hành động của Mị:

Khi A Phủ vùng chạy đi, “Mị đứng lặng trong bóng tối.” Câu văn ngắn tách thành một đoạn đã diễn tả một khoảnh khắc nhưng dường như với Mị đó là cả một khoảng lặng kéo dài. Lúc đó, tâm lý Mị diễn biến phức tạp: giải thoát mình theo A Phủ hay ở đây chờ chết?

- Cách sử dụng ngôn ngữ tài tình (các câu văn ngắn, ngắt nhịp dồn dập, đảo ngữ, điệp từ ...) miêu tả hành động giải thoát mình đã tiếp tục thể hiện quá trình tự nhận thức và vùng lên phản kháng của nhân vật

- Lời thoại ngắn, giọng điệu gấp gáp là tiếng nói khát khao được sống, được tự do mà sau bao năm lầm lũi cam chịu, thậm chí tưởng như tê liệt sức sống này Mị mới thốt lên được.

- Hành động “băng đi”, “lao chạy xuống dốc núi” là biểu hiện sự phản kháng quyết liệt của Mị.

Nhận xét:

Qua hai đoạn văn, tác giả đã thể hiện thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Nếu ở đoạn đầu Mị câm nín cam chịu thì ở phần cuối đoạn trích này Mị đã vùng lên mạnh mẽ. Sự câm lặng trước đây của Mị là kết quả của những năm tháng nô lệ buồn đau bế tắc chứ không phải bản chất con người Mỹ. Sự thay đổi của Mị trong đoạn cuối là biểu hiện của sức sống tiềm tàng trong người lao động, là sự phát triển tất yếu của tâm lý con người khi bị áp bức bất công đến tận cùng. Khi ấy họ sẽ vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Tất cả đã bộc lộ tư tưởng nhân đạo của nhà văn.

Kết bài:

Hai đoạn văn đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, làm nên sức sống của nhân vật và tác phẩm. Qua đây, ta thấy được tài năng, tấm lòng của nhà văn Tô Hoài..
 
750
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top