Nhà Đêm nằm mơ phố

Nhà Đêm nằm mơ phố

[ Dự thi " Nhà]

Đêm nằm mơ phố


Khoảng hạ lẳng lặng trôi theo nắng gió tròn đầy ra ngoài thành phố. Thu đã chớm nở bên sông và duyên dáng tỏa khí trời trên triền biển lộng. Có một nỗi buồn tỉ tê dai dẳng không biết tự bao giờ mà hôm nay lòng người hiu hắt âu sầu không tên. Nhìn ngắm phố đã tiễn hoàng hôn sau chân biển, bên trên là gió lạnh thấm đẫm hơi sương, ước gì bây giờ phố biết vui thì làm gì cuộc đời dung nạp một kẻ biết buồn thêm chi nữa. Phố tắt nụ cười vì đại dịch, phố nằm mơ màng vô vọng đón đợi tình lang, phố nhớ chàng không sao mà nói, chỉ biết le lói chút sáng mờ đục của chiếc đèn mà phố ôm ấp từ lâu. Hỡi ơi nơi này cũng nhớ hương phố như biển nhớ dấu chân người đã đi…

Quy Nhơn của ta không nhộn nhịp như không khí của các thành phố lớn, mà đằm thắm và biết giữ mình xiết bao. Có lẽ đứa con do người mẹ Miền Trung đứt ruột sinh thành nên nó cũng thừa hưởng những bình yên, rạch ròi giữa hai bờ giản đơn- phát triển. Tức trong nó đã dung chứa sẵn long mạch của sự phồn vinh nhưng vẻ bề ngoài không thèm tô điểm. Đôi lúc người yêu thành phố này hiểu và chỉ biết được một điều này thôi: Quy Nhơn chỉ cần là Quy Nhơn.

Lắng nghe thanh âm của tiếng xe ngơn ngớt, các cặp đôi áo trắng lụa là không còn ôm ấp nhau đi, những đàn chim trời bay qua mái nhà ngang phố muốn làm tổ ở đây như đang trả lại Quy Nhơn ngày nào hoang sơ nhưng không tiều tụy. Vẻ đẹp thiên nhiên đã tạo tác cho mảnh đất bán nguyệt này một cõi bờ đầy sức sống. Con người từ đó mà sinh sôi với những dựng xây làm giàu đẹp phần hồn và phần thân thịt người con gái ấy. Quy Nhơn đã đón những lần tan tác với khói lửa chiến chinh nhưng sau đó phục hồi nhanh như có ai hóa bùa phù phép. Thành ra vẻ đẹp của nó không đơn thuần là khuôn mặt của thời gian mà còn là sức mạnh đấu tranh với tâm hồn trinh trắng.

Mới đây còn hãy nô nức trên phố phường những người và xe, vậy mà đại dịch đã làm thay đổi không khí thành phố chỉ mới thật sự đi lên vài năm trở lại. Âu cái duyên chỉ có thể làm bạn với bình yên hay những tài hoa bốn phương chưa nắm tay làm bạn nên còn phận số truân chuyên? Thế nào người con gái cũng chẳng buồn đâu. Người mẹ bao dung sinh ra đứa con xinh đẹp thì sao bỏ quên được nó ở lại phía sau. Và những trái tim yêu lấy nó chưa được ngắm nhìn sâu sắc dung nhan thì không thể vì đại dịch mà phai nhạt cảm tình. Người ta yêu phố vì phố có giai nhân, tôi yêu phố vì tháng năm xưa cũ đã chứng kiến được cả phố và người cùng nhau thay đổi. Nhưng nói cho hết lòng thì cũng nằm trong một nỗi nhớ thương về Quy Nhơn kí ức. Lúc ấy lâu lâu ngắm lại phố một lần nên đem lòng tơ tưởng. Đứa trẻ ở quê xa thấy nó đẹp biết bao, lộng lẫy biết chừng nào. Ấy rồi lớn lên lại sợ cái cảm giác va nhau trên cùng đại lộ, chen nhau ở giữa ngã tư đường và cô đơn giữa biết chừng bao người trên biển. Tận cùng của nỗi buồn là thế, sợ cô đơn mà lại cô đơn.

Nhưng rồi hôm nay phố phường tĩnh yên trong những ngày giãn cách. Quanh mình còn hơi ấm người thân. Tiếng hỏi han bảo bọc nhau trong lúc hoang mang vì đại dịch bỗng xua dần cô đơn. Ai có biết được sao lúc trẻ hồn mình lại mẫn cảm trước cái đẹp rồi muốn đi thật xa để tận hưởng nó một mình. Bây giờ ngoái đầu nhìn lại thấy mình ích kỷ quá đi. Đi cho cùng tận những thênh thang cuộc đời, gia đình là nơi tạo cho ta cảm giác an toàn nhất cho dù ngoài kia có biển động phong ba. Và thành phố cũng làm mình an tâm trong một khoảng cách nhất định nào đó. Vì thành phố còn biết bao người tình đơn phương, người tình trong mộng, làm gì có người gái đẹp nào chịu sống một kiếp đời quẩn quanh, ở trong lòng biển mà bờ đã lỡ? Cho dù mang tiếng thủy chung, sắt son tôn thờ cái “ tình thứ nhất” như Xuân Diệu thì nó vẫn sống nên trái tim rung nhịp là chuyện thường tình. Mình không giữ bản thân được thì nó bạc tình lí nghĩa nào có thể đôi co…

Nhưng ta tin rằng Quy Nhơn sẽ không đối xử với những người yêu nó da diết thế đâu! Người ta nói một cô gái đẹp là phải biết giữ phẩm giá của mình. Ngày nay trong ta đã chấp nhận sự giao hợp của nền văn hóa phương Tây nên chuyện yêu đương có phần nhẹ dạ. Quy Nhơn có rất nhiều người phải lòng, nó đáp lại bằng những bữa no và những nụ cười cho dù kẻ nào đang cô đơn tuyệt vọng. Như thế, Quy Nhơn dành cái nghĩa cho ta hơn là cái tình thoáng qua hời hợt. Những cuộc đãi ngộ lưu dân ở các thành phố hoa mộng cuối cùng cũng là lệ chan chứa tô cơm. Có người thiếu ăn, thiếu mặc nằm vật vã ra đường chờ kết thúc cái nợ trần gian và cũng vì đại dịch. Ở đây không có quá nhiều cảnh tượng thương tâm, nhìn chung nơi nào mà không có người khổ sở. Nơi đây đã đón và tiễn đưa từ những người vô công đến anh chàng trật trầy ấp ôm chí lớn. Ấy vậy mà họ vẫn thành danh. Để rồi giúp đỡ bà con bằng các bữa cơm từ thiện, hổ trợ người bán vé số trú ngụ trong rét mướt trời chuyển sang thu. Thành phố nghĩa tình hợp tan. Thành phố yêu thương mọi cuộc đời, mọi số phận, mọi hoàn cảnh và oằn mình chấp nhận sự đứng yên trong những ngày giãn cách.

Đôi khi cứ ngỡ thành phố nhỏ bé của ta là ngôi nhà mà núi phía xa là cha còn biển trước mặt là mẹ. Ngắm biển nhìn non khi nắng tà xiên ngang một đường thẳng tắp, đêm mơ về phố trước mảnh trăng ngày hạ cuối mùa nhớ thương. Người ta đã ở trong nhà, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, con cái, cũng có dịp báo hiếu ngày lễ Vu Lan. Người ta đang sống những ngày nhàn nhã, cố giắng giữ tâm tuệ mình bình yên trước sóng gió cuộc đời. Đại lộ to rộng thưa vắng bóng người qua, còn sót lại những công chức viên chức tan tầm đi về chốn cũ, khuya trời những cô chú lao công khua chổi quét đường. Tiếng náo động ngày mới của mấy đứa trẻ khi nắng đang lên trên mặt biển, tiếng điện thoại reo lên vì những đơn hàng của người ta đã được đưa đến tận tay. Đêm cũng như ngày, đều sống đầy lặng lẽ nhưng cốt là lo cho sức khỏe mà thôi. Đại dịch đã làm cho thành phố thay đổi nề nếp, dáng hình, thúc đẩy tầm nhìn đổi thay bộ mặt trong tương lai gần nhất.

Rồi ước gì đêm nay mình bên cạnh người yêu như cái lúc trời chiều thấy chàng trai nắm tay cô gái chở nhau trên đường. Người trẻ hạnh phúc thế thôi, ấm áp vậy là đã đủ cho sinh lực dồi dào mong muốn được yêu.

Cha mẹ, người thân yêu ở nhà thấy mình đi đâu chưa về cũng phải bấm máy tận vài cuộc gọi. Xưa tối khuya mình không thèm bắt máy. Nay lo lắng gọi về liền. Nó lo, nó thấy những cuộc chia ly không được nhìn nhau lần cuối mà tan nát cõi lòng. Nên dẫu có qua sóng viễn thông nó cũng thấy đủ đầy một tình thương rất lớn. Thì gia đình mà, ai mà không trân quý được đâu. Đêm nằm mơ phố hay mơ về một mái nhà có người bao bọc chở che. Trong giấc mơ thấy có thằng bé được bố mẹ chở đi ngắm nhìn cảnh vật, rồi nhõng nhẽo đòi mua vài thứ đồ hàng con nít. Đêm nay tỉnh giấc thấy mình lớn khôn, mình cũng muốn bĩu môi thích được cưng chiều. Mà cảm giác đó thấy ái ngại quá. Để mình làm duyên với phố, với nàng thì dễ dàng mà tỏ ý hơn chăng?

Ngày qua ngày tâm hồn tĩnh yên cùng phố, thích nề nếp này hơn là nhộn nhịp, xô nghiêng. Vì ai mà không có phút giây muốn được nghỉ ngơi, dừng lại. Nhưng hành trình của cuộc sống, của thành phố là phát triển để làm giàu đời sống người ta. Bình yên thì thích thật, nhưng đói khổ thì có mấy ai bằng lòng? Phố sẽ hết buồn thôi, phố sẽ trở lại với dáng vẻ đang điểm tô của nó. Và nó đang lớn lên với sự dậy thì mãnh liệt của nhan sắc, tâm hồn.

Phố trầm tư đi vào giấc ngủ ngắn hạn, chắc nó đang mộng một sự thức giấc thiên thu. Phố lờ mờ đèn. Phố cản trăng khuya trên trời không cho thắp sáng. Phố bàng bạc một nỗi nhớ nhung. Phố đã anh hùng giữ mình không cho đại dịch lan tràn thêm chi nữa. Phố nào của riêng ta, phố đã phủ khắp tình chung một nhà.

Phố ơi, dẫu em có là ai đi nữa, anh vẫn yêu em một nỗi da diết lạ kỳ.

Phố ơi, em êm đềm đừng cố mình vội vã. Nếu mệt quá thì hãy nghỉ ngơi đi.

Phố ơi, đêm nay anh mơ về phố. Ngày sau anh vẫn nhớ thương em.

Phố ơi …


Tấn Huy


đêm nằm mơ phố.jpg
 
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top