Baivanhay Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân

Baivanhay  Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân



Đi sâu vào cuộc sống để tìm hiểu về những nét đẹp và giá trị của người phụ nữ dân tộc thiểu số, Tô Hoài đã thành công trong việc khắc họa nhân vật Mị trong tác phẩm
“Vợ chồng A Phủ”. Bởi lẽ, với năng lực sáng tác thiên phú của mình, Tô Hoài đã khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi trải nghiệm diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.

tây tiến (1).png


Đề bài: Em hãy viết bài văn để phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
BÀI LÀM MẪU

Đi sâu vào cuộc sống để tìm hiểu về những nét đẹp và giá trị của người phụ nữ dân tộc thiểu số, Tô Hoài đã thành công trong việc khắc họa nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Bởi lẽ, với năng lực sáng tác thiên phú của mình, Tô Hoài đã khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi trải nghiệm diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.

Ở mảng văn học hiện thực Tô Hoài đã ghi dấu ấn với tập truyện Tây Bắc bao gồm ba truyện ngắn nói về cuộc sống của người dân tộc miền núi phía Bắc những năm tháng trước cách mạng tháng tám. Trong đó Vợ chồng A Phủ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất bởi những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc được lồng ghép trong bối cảnh hiện thực đất nước lúc bấy giờ.

Mị trong Vợ chồng A Phủ chính là một điển hình cho những số phận bất hạnh, đau khổ tột cùng của vùng trời Tây Bắc, cuộc đời Mị tưởng như đã chết từ khi bước chân vào nhà thống lý Pá Tra, thế nhưng với sức sống mạnh mẽ, khao khát tự do tột độ, trong đêm tình mùa xuân ấy, Mị đã thức giấc, bắt đầu phản kháng, tìm lối thoát cho riêng mình.

Mị xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, bố Mị phải đi vay tiền cưới vợ, món nợ ấy mãi đến khi Mị đã lớn khôn, trở thành một cô gái xinh đẹp, giỏi giang mà vẫn chưa trả hết nợ. Chính món nợ truyền kiếp khốn khổ đó đã kéo theo cuộc đời của Mị xuống những bất hạnh tột cùng. Vì để trả nợ cho cha, Mị phải chấp nhận làm con dâu gán nợ cho nhà thống lý Pá Trá, bị bắt ép chung sống với A Sử, người mà Mị không thương, chấp nhận từ bỏ tình yêu của cuộc đời.

Ngày đầu tiên về là dâu, Mị đã bỏ trốn về nhà, trong tay cầm nắm lá ngón chỉ muốn chết quách đi cho xong, Mị đã cố gắng vùng vẫy, phản kháng để chống lại số phận. Thế nhưng Mị chết rồi thì lấy ai trả nợ cho người cha già, cái hiếu, cái tình đã giữ Mị ở lại với cuộc đời này, thế nhưng Mị sống cũng chẳng khác nào cái xác không hồn, chỉ đơn giản là đang tồn tại. Mang tiếng về làm dâu nhà giàu, nhưng Mị sống không khác gì một nô lệ, làm việc quần quật không kể ngày đêm, liên tục từ mùa này qua tháng khác, chưa từng ngơi nghỉ đến một ngày. Cái khổ sở về thể xác cùng với sự hành hạ về tinh thần khi phải chung sống với người đàn ông vũ phu dường như đã giết chết trái tim, giết chết tâm hồn Mị. Mị tựa như một cỗ máy lao động, suốt mấy năm trời người ta chẳng nghe Mị nói chuyện lần nào, cứ lặng im, "lầm lũi như con rùa trong xó cửa", đi qua từng năm tháng khổ đau. Rõ ràng là một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo, tuổi đời tầm hai mươi thế nhưng lại sống như một nắm tro tàn, lạnh lẽo, đơn độc, thậm chí không còn cảm nhận được niềm vui sướng hay đau khổ bởi "ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi". Ấy vậy mà trong sự chai lì đến vô cảm, không thiết tha với cuộc đời, Mị vẫn còn nhận thức được cái khổ đau không bằng loài trâu ngựa của người đàn bà sống trong nhà thống lý Pá Tra rằng "Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày". Chi tiết nhỏ này đã khắc họa mạnh nỗi đớn đau, bất hạnh cùng cực không chỉ của riêng nhân vật Mị mà là của chung nhiều những thân phận đàn bà khác ở Hồng Ngài, là người nhưng sống kiếp không bằng loài vật nuôi, đớn đau đến tột cùng.

Không chỉ là nỗi đau về thể xác khiến Mị trở nên chai sạn, mà thực tế chính những vết thương trong tâm hồn mới khiến Mị trở nên thờ ơ với tất cả. Từ một cô gái xinh đẹp, thổi sáo, thổi lá giỏi, được biết bao chàng trai si mê, lại có một tình yêu đẹp tưởng như gần đâm hoa kết trái, Mị bỗng trở thành con dâu gán nợ, chịu cảnh chung đụng với một kẻ thô lỗ, bị giam cầm trong một căn phòng tối tăm chỉ có một ô cửa sổ bé bằng lòng bàn tay lúc nào cũng mờ mờ không biết là màu sương hay là màu nắng. Mị phải từ bỏ tất cả những mong ước của đời mình, từ bỏ cuộc sống tự do, chôn vùi tuổi trẻ trong cuộc hôn nhân gán nợ, lấy người chồng sang giàu nhưng chẳng khác nào địa ngục trần gian. Mị không có quyền được lựa chọn, không có một con đường nào khác, cô chỉ còn cách bọc mình lại trong cái vỏ chai lì, lầm lũi để tiếp tục những ngày tháng tối tăm, tuyệt vọng.

Những tưởng cuộc đời Mị cứ mãi thinh lặng, bế tắc và vĩnh viễn bị chôn vùi dưới cái ách của thần quyền và thần quyền, thế nhưng chính đêm tình mùa xuân cùng với tiếng sáo gọi bạn réo rắt - âm thanh của sự sống trong Vợ chồng A Phủ, dường như đã đánh thức tâm hồn Mị. Một tâm hồn chưa chết hẳn, nằm sâu trong nắm tro tàn ấy chính là những hòn than nóng bỏng, vẫn nồng nhiệt niềm khao khát được sống, được tự do của Mị, chỉ trực chờ ngày được phất lên ngọn lửa rực rỡ. Khi mùa xuân đến, những cô gái, chàng trai trẻ tuổi nô nức hẹn hò, người ta khoác lên mình những bộ váy áo màu sắc sặc sỡ, thổi sáo, thổi lá tình tứ suốt ngày này qua ngày nọ. Mị nghe thấy tiếng sáo vọng lại "thiết tha bổi hổi", trong vô thức mị bất chợt lẩm nhẩm theo bài hát của người vừa thổi, những câu hát mà có lẽ đã lâu lắm rồi Mị không còn nhắc tới. Có thể nói rằng, ở một chi tiết nhỏ này, người ta đã thấy được trái tim vốn chai sạn của Mị hình như đang dần sống lại, bởi lẽ làm gì có người nào lại hát khi tâm hồn đã nguội lạnh. Những câu hát ấy, dù không thành tiếng, thành lời thế nhưng nó lại là tiếng vang của tâm hồn, một tâm hồn khởi sắc, dần bước ra khỏi lớp vỏ chai lì bấy lâu nay vẫn mang.

Sự thay đổi trong tâm hồn Mị càng được bộc lộ rõ ràng thông qua chi tiết Mị uống rượu "Ngày Tết Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát". Trên thực tế Mị ở trong nhà thống lý Pá Tra không hề có một vị trí nào, cô sống cuộc đời còn bần cùng khổ sở hơn cả loài vật nuôi, thế nên việc uống rượu đối với Mị là một sự kiện xa xỉ, thậm chí nếu bị bắt được có lẽ Mị sẽ bị đánh trói, bắt phạt. Dù thế nhưng Mị vẫn lén lấy rượu uống, điều đó giống như là một sự phản kháng, Mị muốn đòi quyền lợi cho mình, cả nhà thống lý đều được uống rượu ăn Tết đủ đầy, Mị cũng muốn được như vậy, Mị muốn một lần được sống như con người ở cái nơi đã mang đến cho Mị biết bao nhiêu là đau khổ. Và cứ thế Mị uống rượu ừng ực, từng bát, uống không phải để thỏa mãn cái niềm khao khát, thèm muốn, mà dường như Mị đang cố uống cho trôi đi hết tất cả những uất ức khổ đau, cũng là cái cách mà cô thể hiện sự phẫn nộ, khó chịu trong lòng bấy lâu nay. Trong men rượu cay, Mị bỗng nhớ về những ngày xa xăm, khi Mị còn chưa bị ép làm dâu nhà thống lý, cô cũng có một cuộc sống tươi đẹp, tương lai đầy hứa hẹn, khi bản thân Mị là người con gái tài sắc vẹn toàn, chăm chỉ lao động, lại có một tình yêu đẹp sắp đơm bông. Thế nhưng chỉ trong một đêm tất cả đã trở thành ác mộng, càng nghĩ Mị lại càng ngẩn ngơ trong hoài niệm. Thế rồi người cũng về hết, còn lại một mình Mị ngồi trơ giữa nhà, trong lòng Mị bỗng nảy ra điều gì đó, Mị đứng dậy đi vào buồng "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Tâm hồn tưởng đã chết của Mị đã thực sự sống lại một cách diệu kỳ, đã biết bao lâu rồi Mị không còn cảm nhận được cái cảm giác vui sướng, cái phơi phới của một tâm hồn son trẻ, có lẽ là từ lúc Mị bước chân vào nhà thống lý Pá Tra. Không chỉ là về cảm xúc mà dấu ấn chứng minh cho sự sống lại của tâm hồn Mị còn nằm ở nhận thức về cuộc đời về tuổi trẻ của mình "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ", đồng thời bộc lộ thành khao khát, ước muốn rằng "Mị muốn đi chơi". Có thể nói rằng đến lúc này niềm khao khát tự do, khao khát được sống, được hưởng thụ cuộc đời của Mị đã bộc lộ một cách rõ rệt nhất. Mị không còn là người đàn bà trẻ tuổi sống lầm lũi, thinh lặng, chịu đựng trong nhà thống lý Pá Tra với khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi nữa, mà đã gần như khôi phục được sự sống quay về với bản tính con người trước kia, một cô gái trẻ đẹp, yêu đời, giỏi thổi sáo, bắt đầu dám phản kháng lại để giành lại hạnh phúc cho bản thân.

Đêm tình mùa xuân đã kết thúc bằng việc Mị bị trói đứng trong buồng ngủ, thế nhưng đó không phải là sự kết thúc, mà thực tế rằng tất cả những sự kiện diễn ra tuần tự đều có ý nghĩa dần dà đánh thức tâm hồn đang nép kỹ trong lớp vỏ chai sần của Mị. Cho đến khi Mị hoàn toàn ý thức được nỗi đau thân phận, ý thức được giá trị của bản thân, cùng với niềm khao khát mãnh liệt được sống, được tự do, thì cũng chính là lúc Mị hoàn toàn sống lại một cách đúng nghĩa cả thể xác lẫn tinh thần. Sự kiện A Sử trói Mị chính là tiền đề, khởi đầu cho những sự phản kháng mạnh mẽ, tự giải thoát cho người khác và cho chính bản thân Mị, để tìm đến một cuộc đời, một tương lai mới tốt đẹp hơn.

Tóm lại, với sự am hiểu sâu sắc về đời sống của người đồng bào miền nui91, Tô Hoài đã diễn tả tinh tế nét chuyển biến trong khao khát ước mơ hạnh phúc của Mị trong đêm tình mùa xuân. Qua đó, Mị cũng đang có những sự thay đổi để dẫn đến sự nổi lên phản kháng của Mị trong tương lai.

Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY
 
Từ khóa Từ khóa
nhân vật mị tô hoài vợ chồng a phủ
2K
2
1
Phân tích nhân vật Mị là đề rất dễ viết. Mọi người cần nắm kĩ, đó là tâm lí người phụ nữ xuân xanh điển hình mà chịu áp bức.

Cần ghạch đầu dòng các luận điểm tránh sót ý và dùng văn phong súc tích sẽ dễ đạt điểm tối đa hơn.
 

Địa phương TOP

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.