Dự thi Đợi năm nào khá khẩm...

Dự thi Đợi năm nào khá khẩm...

Tôi tan trường lúc nền trời đã giăng đầy những ánh hồng tím lên áng mây. Nhà xe đông nghẹt những người. Ai cũng vội vã chen chúc nhau để mau mau chạy về nhà, ăn vội miếng cơm, thay vội cái áo để tiếp tục cả tối học thêm vì dẫu sao cũng chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp, người nào người nấy chỉ mong níu thêm được vài phút ở lò luyện thi, giải thêm dăm ba tập trắc nghiệm. Tôi dắt xe khỏi dòng người, đứng vẫy vẫy chào đám bạn cùng lớp còn kẹt cứng giữa những hàng xe ngang dọc.

Tôi lái xe chầm chậm trên đường, thả hồn mình lên khoảng trời cao rộng và vắt nó ngang qua những áng mây. Chẳng hiểu sao tôi lại rất thích nhìn ngắm khoảng không mênh mông và vô tận ấy. Đôi lúc việc đưa mắt đến chốn xa xôi nọ khiến tôi gặp phải những tai nạn nhỏ, thường thì hay gặp phải một dải cát nhỏ ven đường, bánh xe loạng choạng và té sầm xuống đất hoặc chẳng để ý đèn đỏ mà đụng trúng phía sau xe của người khác và hứng một trận quát đến sững người. Vậy mà tôi bỏ không được cái thói quen kì lạ ấy và nhờ nó tôi học được cách nhìn trời rồi đoán gần như chính xác thời điểm đó. Bây giờ là độ năm giờ hai mươi hoặc hơn kém hai ba phút gì đó.

Đang dõi theo dải sắc màu hoàng hôn buông xuống, tầm mắt tôi chợt chú ý đến những người đàn ông vai gầy, mặc bộ quần áo tối màu, vài chỗ đã phai vì quá cũ kĩ đang bưng bê những chậu cúc, chậu quật* lên phía bên kia đường. Người ta sắp mở chợ hoa dịp Tết. Chợ Tết ở nơi này là vậy. Những nhà bán hoa trưng hàng trăm chậu cây cảnh trên lề đường từ sau ngày tiễn ông Táo đến tận ba mươi, vài hàng còn bán cả cá cảnh nhưng chủ yếu vẫn là cây, hoa cảnh phần nhiều. Chỉ riêng cúc mà có đến tận cả chục loại khác nhau: cúc vạn thọ to và vàng rực, cúc kim cương cánh mảnh, thon dài,... nhiều đến mức tôi chẳng nhớ hết. Rồi tôi lướt ngang qua một hàng quật cảnh, tay phải bất giác bóp nhẹ phanh để xe đi chậm lại. Những trái quật vàng cam, to tròn, láng mịn nổi bật trên màu xanh sẫm của lá. Lòng tôi chợt rung lên, một cái gì đó rất thân thuộc ùa về trong tiềm thức...

Đó là chuyện của một mùa Tết đã cũ, cái thời mà ta còn tới từng nhà để hỏi thăm chúc Tết thay vì biếng nhác hẹn nhau ở một quán cà phê nào đấy để hỏi chuyện năm cũ. Cái Tết đó gia đình tôi còn chật vật vì ngặt nỗi mới cất nhà xong, nợ nần còn chồng chất, cố lắm mới mua được hai chậu cúc để trưng trước nhà. Mẹ tôi nhìn hai chậu cúc, đuôi mắt cụp lại, buồn thiu, để lộ những vết chân chim- bằng chứng cho những ngày gồng gánh qua cơn đói. Trước khi cất nhà ra ở riêng, gia đình tôi thuộc dạng đủ ăn đủ mặc, ba là lao động chân tay, mẹ là nhà giáo làm công ăn lương. Vậy mà cất cái nhà xong, bốn miệng ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc. Mẹ nhìn hai chậu cúc cố vay mượn chút đỉnh mua được mà chua chát, xoa xoa đầu tôi rồi thủ thỉ: “Đợi năm nào khá khẩm, ba làm ăn được chút của để thì nhà mình mua chậu quật về trưng Tết”. Sau câu nói ấy là một nụ cười gượng trên gương mặt mẹ. Năm đó rồi năm sau, năm sau nữa và đến tận năm nay, gia đình tôi vẫn chưa khá lên nổi. Tiền nợ từ hồi cất nhà đã trả xong thì lại thêm nợ để trang trải hai năm cô vít- hai năm bệnh dịch triền miên khiến ba tôi thất nghiệp, bốn miệng ăn trên cái lương nhà giáo bèo bọt của mẹ tôi. Mà Tết năm nào tôi cũng thấy mẹ thở dài thườn thượt, miệng lẩm bẩm: “Đợi năm nào khá khẩm...”

Một cái chậu quật cảnh để trưng Tết thôi, nhưng với nhà tôi nó là cái gì xa xỉ lắm, chẳng Tết năm nào có được. Có đôi lúc tôi nghĩ thầm, có khi điều mẹ tôi muốn không phải là mua được một chậu quật cho ngày Tết được trọn vẹn mà thứ mẹ muốn chính là cái “khá khẩm” trong câu nói của bà. Mẹ tôi mong một năm làm ăn khá khẩm để hai đứa con được sống đầy đủ hơn, để cả gia đình đón cái Tết ấm cúng hơn thay vì những ngày tháng vất vả chắt chiu từng đồng ăn sáng. Có lẽ mẹ tôi không hề hay biết tiếng thở dài và câu nói “Đợi năm nào khá khẩm” mà bà lặp đi lặp lại mỗi bận Tết đến đã in sâu vào tâm trí của tôi, khiến tôi nghĩ suy và đau đáu rất nhiều.

Tết năm nay, trước hiên nhà tôi vẫn là hai chậu cúc nhỏ và mẹ tôi khi bày mâm cúng tất niên vẫn khẽ thở dài, miệng lẩm bẩm: “Đợi năm nào khá khẩm...”. Mẹ tôi cứ chờ hoài vậy đấy mà chẳng thấy đời sống gia đình khấm khá lên chút nào. Nhưng tôi biết... Còn đợi nghĩa là còn tin, còn hi vọng để mà dắt díu nhau qua những ngày vất vả. Dù rằng sự chờ đợi ấy có đằng đằng đến đâu, tôi vẫn cứ tin vào một cái Tết ấm cúng và sung túc giống như mẹ tôi thường hay tự an ủi mình rằng: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Tôi tin rằng trong tương lai sẽ có một cái Tết mà khách khứa đến thăm nhà tôi phải trầm trồ: “Cây quật cảnh nhà anh đẹp quá ta!”.
*miền Bắc gọi là tắc, miền Nam gọi quất và miền Trung gọi quật
Nguồn ảnh: pinterest
inbound1523722698.jpg
 
  • Like
Reactions: Phong Cầm
629
1
1

Mộng Nguyệt

Thành Viên
1/1/22
12
19
3,000
18
Xu
94,846
Năm mới nhớ chuyện năm cũ. Nhiều lúc mình thấy đắng đót trong lòng mỗi lần nghe mẹ nói: "Đợi năm nào khá khẩm". Hi vọng năm đó sẽ đến sớm
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top