Dự thi Đứa con của đồn

Dự thi Đứa con của đồn

Tham gia cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi”
Truyện ngắn
:

ĐỨA CON CỦA ĐỒN

Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trường Cao đẳng Y Dược thằng Mừng vui lắm, cuối cùng thì nó không phụ lòng mong đợi của ông Vòng, bà Mai và các ông bố, bà mẹ của nó ở đồn Lốc Dù rồi. Vậy là ước mơ của nó cũng đã trở thành hiện thực, nó biết đây mới chỉ là bước đầu, nó tự hứa sẽ tiếp tục phải học tập thật nhiều để mang kiến thức về phục vụ bà con tiếp nối con đường mà bố mẹ nó đã giành cả đời để thực hiện.

Đứng trên đỉnh núi cao chót vót ngước mặt lên cảm giác như mũi chạm đến mây, thò tay ra có thể vốc được những cụm mây trắng bồng bềnh trước mặt, hít căng bầu ngực những ngụm gió từ dưới thung sâu đưa đến, Mừng dang hai tay bật căng vồng ngực hét to lên những tiếng “a…a…a…”vang vọng khắp núi rừng. Mừng muốn bay lên, bay cao như những con chim đang dang rộng đôi cánh chao lượn dưới bầu trời kia. Đã có lúc Mừng tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng, nhưng dưới sự động viên của mọi người nó luôn phải tự nhủ phải cố gắng, cố gắng thật nhiều. Chính trong những ngày cùng ông Vòng đi học các bài thuốc từ các ông lang, bà mế và lang thang khắp các cánh rừng vùng biên viễn này để tìm và điều chế thuốc cứu người đã nhen nhóm trong Mừng một ước vọng mai sau sẽ phải học về Y Dược để có thêm những kiến thức hòng tiếp nối con đường mà bố nó đã từng theo.

Rời ngọn núi, Mừng guồng chân theo những con đường chuột chạy gập ghềnh xuyên qua những khu rừng, vượt qua những con suối để về bản, dường như những bông hoa ven đường cũng đang hòa chung với niềm vui của Mừng đua nhau khoe sắc và rung rinh vẫy chào theo từng bước chân Mừng. Bản kia rồi, những ngôi nhà nhỏ bé nép mình dưới những tán cây nằm im lìm trong màn sương bảng lảng. Từ ngày về hưu ông Vòng đưa Mừng chuyển hẳn về bản để sống, rời xa những tháng ngày ở đồn cùng mọi người, nơi đã nuôi dưỡng Mừng suốt thuở ấu thơ, rèn giũa cho Mừng bản lĩnh của một người lính thực thụ.

Khi những niềm vui đã qua đi với cái tin Mừng đỗ Cao đẳng Y Dược, một tối ông Vòng dẫn Mừng lên ngọn núi sau nhà bảo là có chuyện muốn nói với nó.

vna_potal_giup_dong_bao_dan_toc_vung_bien_gioi_on_canh_on_cu_stand.jpg

Phía xa xa trên cao kia ánh trăng lơ lửng, bàng bạc nhập nhòa sau lớp sương mỏng manh bảng lảng luồn lách khắp các thung khe, khắp cả núi rừng. Sương đêm lành lạnh vương vít trên đầu, trên cổ, luồn lách qua từng khe hở của áo quần làm cho Mừng khe khẽ co người lại, nó háo hức theo chân ông Vòng đi lên mỏm đá đen thẫm mà hằng ngày thi thoảng nó vẫn lên đấy để nhìn ngắm bầu trời trong vắt trên đầu với những ước vọng cho tương lai.

Sau khi đã yên vị trên mỏm đá, ông Vòng bèn bảo Mừng:

- Con thổi kèn lá cho ta nghe một bài hát mà con thích nhất đi. Đã lâu rồi ta chưa được nghe con thổi kèn rồi.
Mừng vâng lời đi chọn một chiếc lá cây xanh mướt còn đẫm hơi sương nhẹ nhàng đưa lên môi thổi điệu kèn réo rắt vang lên giữa thinh không và sự lặng yên của núi rừng. Mừng như hòa mình vào bài hát “người H’Mông”:

“Nyob saum ntoo tus kab npauj npaim (ở trên cây là con bươm bướm)
Nyob saum ntuj yus nplooj saib (ở trên trời là tâm hồn của ta)
Nyob pem hav zoo tus puav tus dais (ở trên rừng là con dơi, con gấu)
Nyob pob saum ntuj yus nplooj saib (ở trên trời là tâm hồn của ta)
nắng, nắng sớm vàng cứ theo trời lên nương lên cỏ xanh rừng xanh chân đồi
đếm đếm hết từng chú chim muông kia mà chưa thấy đong đầy
rồi đứng trên đồi cao tâm hồn ta chưa thỏa hết cùng gió mây ngàn
hà há ha hà ha…hà ha há ha hà ha…” (*)


Trong cơn thần hứng của thứ “sa- man giáo” nào đó, thần rừng như đã nhập hồn vào Mừng, tiếng kèn lá cao vút chập chờn bay bổng loang ra trong không gian như muốn nói lên tiếng nói của đại ngàn biên cương. Mừng như hóa thân vào tiếng kèn lúc trầm, lúc bổng:

…ghập ghềnh núi cao đã quen sớt chia cùng vách đá
ngày ngày rẫy nương đêm cầm bát rượu tìm vui
người H’Mông đấy, say vui lắm đấy, người H’Mông không thấy, không cần thấy sau ngọn núi kia…là bao giông bão, hay là nắng gió, chỉ vô tư sống bên ngọn lửa hồng vui suốt đêm ngày
hà há ha hà ha hà ha há há ha hà…” (*)


Những ngày sống ở đồn Mừng đã được ông Vòng cho xuống các bản người Mông xung quanh chơi đùa, đồng thời học tập những nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Trong những tháng năm đó cùng với tài thổi kèn lá, Mừng cũng đã học được cách biểu diễn những điệu khèn H’Mông đặc sắc và nổi nên như một hiện tượng ở nơi đây với tài điều khiển chiếc khèn một cách điêu luyện mỗi khi xuống chợ phiên hay trong dịp lễ hội Gầu tào.

Mỗi lần đến phiên chợ, hòa chung với đám trai gái H’Mông từ trên núi cao đổ xuống dập dìu. Người đi bộ, người đi ngựa, không ai bảo ai nhưng trên vai ai cũng có một cây khèn H’Mông. Con trai H’Mông người nào cũng đều có chiếc khèn trên vai mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Họ xuống chợ để nhớ, để thương, để tỏ tình, để truyền gọi và bên nồi thắng cố với hương rượu ngô nồng nàn của men lá, các chàng trai cầm khèn thổi, khom lưng nhún nhẩy lượn quanh những cô gái… Nếu đôi nào ưng ý nhau thì dắt tay nhau tan biến vào núi rừng. Tiếng khèn của Mừng với những bài dân ca và tình ca của người H’Mông, nó réo rắt như ngấm sâu vào từng thớ thịt của mọi người, thân quen như mèn mén, rượu ngô. Âm thanh của khèn vút cao vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi… và cũng mạnh mẽ như chính hơi thở cuộc sống người H’Mông nơi núi rừng biên cương này. Tiếng khèn của Mừng như mang trong mình một ma lực quyến rũ, vang vọng và nồng nàn giữa núi rừng đầy huyền bí nhưng rất gần với con người. Trong quá trình hòa mình vào với tiếng khèn Mừng có thể vừa nhảy nhót, vừa nhào lộn như những ảo thuật gia, chao lượn như những cánh chim rừng giữa đại ngàn.

Hôm nay không có khèn, Mừng thổi kèn lá cho ông Vòng nghe, giai điệu tuy không hay bằng khi thổi khèn và không thể biểu diễn những điệu như khi múa khèn nhưng trong ấy mang đầy đủ những lời nói, những tâm sự thật nhất của người con núi rừng. Ông Vòng ngôi lặng im thất thần lắng nghe, tiếng kèn đã lặng đi từ lúc nào mà ông vẫn không hay, ông vẫn cứ hướng đôi mắt về phía xa xăm không biết đang nghĩ ngợi điều gì như lung lắm. Chỉ đến khi có tiếng chim gọi nhau trong đêm bất chợt vang lên mới làm ông bừng tỉnh.

- Con thổi kèn hay lắm, đã lâu rồi bố mới được nghe lại những giai điệu như thế, tiếng kèn của con dường như cũng có sự tiến bộ hơn nhiều rồi đấy.

Mừng chỉ ngồi im lặng bên cạnh nghe ông Vòng khen, chợt nó ngước lên nhìn vào mắt ông Vòng:

- Bố…

Ông Vòng chợt ngắt lời Mừng:

- Ừ, hôm nay bố cùng con lên đây là có chuyện muốn nói với con. Những năm tháng qua con đã sống ở đây, đã hòa mình vào với văn hóa phong tục của người H’Mông nơi đây, con đã chơi khèn không khác gì người H’Mông thậm chí còn hơn nhiều người H’Mông khác, nhưng con có biết mình thuộc tộc người nào không?

- Con là con bố tất nhiên là người H’Mông chứ ạ? - Mừng vẫn nhìn chăm chắm vào ông Vòng, chưa hiểu ông định nói điều gì.

- Con là con ta nhưng con cũng không phải là con ta, ta chỉ có công dưỡng chứ không sinh ra con. Con là người Dao chứ không phải người H’Mông. Điều này chỉ gần đây ta mới biết....

Thằng Mừng ngỡ ngàng nhìn ông Vòng chờ ông nói tiếp.

- Ta không biết con đã biết gì về thân thế của mình hay chưa. Thực ra ta và mọi người cũng không định giấu con, chỉ thống nhất khi nào con lớn lên, hiểu chuyện và khi nào tìm thấy gia đình của con thì mới cho con biết. Thậm chí nếu như không tìm thấy gia đình con thì sau khi con khôn lớn vẫn phải cho con biết để khi có điều kiện con có thể tìm về cội nguồn của mình. Bởi sự thật về thân thế của con nó có những điều rất tàn khốc và nó cũng mơ hồ quá, ta nói ra sợ rằng con không chịu đựng được và khi biết được không biết con có còn dám tìm về cội nguồn của mình nữa hay không. Hiện nay con cũng đã lớn khôn và có thể tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình và ta cũng đã có thể dám khẳng định đã tìm thấy gia đình thực thụ của con, không biết con có muốn nghe hay không?

Nghe ông Vòng nói Mừng như đi vào đám mây mù và chìm vào suy tư. Vậy là hóa ra nó không phải con của ông Vòng, bà Mai như nó vẫn nghĩ bấy lâu nay, nó không phải người H’Mông, nhưng từ bé nó đã sống trong những bản làng người H’Mông, những nét văn hóa H’Mông đã thấm vào nó một cách tự nhiên như những con nước từ thượng nguồn uốn mình chảy theo những khe núi về xuôi, như những hạt ngô lăn lóc trên nương nảy mầm bám rễ lớn lên từng ngày…

- Bố cứ nói đi, con không sao đâu! - Sau một hồi trầm tư, Mừng ngước lên bảo ông Vòng.

- Đó là một chiều đông lạnh giá. Bố nhặt được con trong một lần đi rừng kiếm lá thuốc. Bữa ấy sau gần một ngày lặn lội ở một khu rừng giáp biên ấy ta bèn tìm một gốc cây để nghỉ ngơi, uống nước và chuẩn bị đồ đạc để về thì chợt thấy nghe thấy tiếng khóc trẻ con như gần, như xa, đâu đó ở trên đầu. Lúc đầu ta tưởng nghe nhầm, nhưng sau đó nghe tiếng khóc ngằn ngặt, da diết như kêu cứu, như tủi sầu sắp sửa rời bỏ sự sống ta lại tưởng là có ma trong rừng. Nhưng ta không tin chuyện ma mãnh bèn đi kiếm tìm xung quanh thì thật bất ngờ phát hiện ra tiếng khóc ngay ở cành cây trên đầu, trong một chiếc giỏ cũ kỹ. Ta bèn trèo lên hạ xuống thì thấy một đứa trẻ nằm trong đống lá khô bỏ trong giỏ, nó đang bị đám kiến bu vào cắn, miệng còn mấy chiếc lá, chắc bị nhét vào để khi khóc khỏi phát ra tiếng nhưng đã bị đứa bé đùn ra, khi được đưa xuống gỡ hết lá trong mồm ra nó đã khóc lên ngằn ngặt, ai oán rồi lịm đi vì kiệt sức. Đứa bé ấy chính là con đấy, Mừng ạ!

Thấy cảnh đó ta thực sự đã choáng. Choáng vì không hiểu ai đã đang tâm dứt bỏ đứa con mới lọt lòng như vậy. Ta đã đuổi đám kiến đang bu lên người con, đốt đám lá khô sưởi ấm cho con bớt lạnh hòng tìm lại sự sống đang lịm dần đi trong con. Bằng kinh nghiệm của người thầy thuốc ta đã giành lại sự sống cho con từ lưỡi hái tử thần. Sau khi con tỉnh lại ta cho uống tạm chút sữa tươi ta mang bên mình mỗi khi đi rừng, cuốn con vào trong chiếc áo của ta, nhìn con ngủ ngon lành với những vết kiến cắn trên người ta thực sự đau lòng.

Ta định bụng sẽ đem con đến các bản làng xung quanh hỏi xem ai đã bỏ con thì nhận lại hoặc có ai nuôi thì để cho họ nuôi, nhưng trời sắp tối, đường về đồn còn xa, và bất chợt ta lại nghĩ một khi nếu bố mẹ con nỡ từ bỏ con như vậy thì khi mang con về họ có chịu nhận hay không, hay là họ từ chối vì sợ, hoặc là có thể họ lại bỏ con đi lần nữa sau khi ta trở về. Với lại vợ chồng ta cưới nhau mấy năm nay chưa có con, ta định mang con về nuôi biết đâu ông trời lại thương sót cho ta được mụn con. Ta bèn cho con vào giỏ lá thuốc sau lưng rồi đưa con về báo cáo với chỉ huy đồn. Như con biết đấy ta và mẹ con đều là y sỹ, y tá của đồn biên phòng Lốc Dù nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, ngoài công việc của đồn chúng ta còn tham gia chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho những người dân nơi đây, ta thường tìm hiểu và điều chế các vị thuốc dân gian của đồng bào vùng cao để cứu người. Có lẽ chính vì hay đi rừng tìm kiếm các vị thuốc ta mới có duyên gặp được con. Và có lẽ ông trời thương sót mà sau đó 2 năm mẹ con đã sinh được em Duyên của con. Ta mừng vì ông trời đã mang đến cho ta nên đặt tên con là Mừng, và có lẽ vì cái duyên ấy mà ta cũng đã có đứa con do vợ sinh ra nên em gái con ta đặt tên là Duyên để kỷ niệm việc 2 anh em con đã về với chúng ta.

128344031565791457087655mumx_ERWY.jpg

Anh em chỉ huy trong đồn khi ấy khi thấy ta mang con về và nghe ta báo cáo lại ý định họ đều ủng hộ và hứa sẽ cùng chung tay chăm sóc con lớn khôn và quyết định không nói với con về thân thế trước khi con trưởng thành. Quả thực lúc ấy ta cũng không biết con thuộc tộc người nào ở mảnh đất rất nhiều tộc người này. Ta và mẹ con hầu như suốt ngày ở trên đồn nên con cũng ở luôn cùng chúng ta, mọi người đều coi con là đứa con của đồn biên phòng Lốc Dù. Những ngày đầu chúng ta vừa đưa con đi xin sữa của những người đàn bà có con nhỏ ở bản làng quanh đồn và cả bằng sữa ngoài, được cái con cũng ngoan và không quấy, cứ lớn lên và khỏe mạnh từng ngày. Con được lớn lên trong tình yêu thương của tất cả mọi người trong đồn, một chiến sĩ tí hon của đồn Lốc Dù. Mặc dù các đời chỉ huy lẫn chiến sĩ của đồn luôn có sự thay đổi nhưng mỗi lớp người đến rồi đi đều coi con là con em của mình. Đi đâu về có miếng gì ngon mọi người đều để giành phần con, con đã lớn lên trong sự bao bọc, quan tâm che chở của tất cả mọi người. Nếu sau này con có đi đâu, làm gì ta cũng mong con hãy nhớ và giữ lấy những tấm chân tình ấy của tất cả cán bộ chiến sĩ ở đồn Lốc Dù giành cho con Mừng ạ!

Lớn lên con được mọi người dạy cho cái chữ, cho con xuống hòa nhập với các bản làng người H’Mông ở xung quanh, mọi người đều rất quý con và ai cũng nghĩ con là con của ta, họ đã truyền thụ cho con nhiều bài học về núi rừng và những kinh nghiệm sống ngàn đời được truyền thụ lại ở nơi đây.

Đến tuổi đi học chúng ta đã gửi con xuống điểm trường của xã để học, rồi khi con học cấp 2 đã cho con xuống huyện học. Ta vẫn nhớ mãi có lần ta đã để con tự đi học cho quen và rèn luyện tính tự lập cho quen, đường đến trường phải qua nhiều núi, nhiều bản, lội qua mấy con suối mới đến nơi. Bữa ấy trời tối rồi mà vẫn chưa thấy con về cả đồn lo lắm bèn tổ chức đi tìm, hóa ra con đói quá, phải vượt qua chặng đường dài, leo núi, vượt suối mà kiệt sức nên chui vào bụi cây ven đường rồi ngủ quên lại cả đồn một phen hốt hoảng. Có những lúc con nản lòng không muốn học mọi người lại phải động viên con, chỉ sợ con không có cái chữ thì rồi cái núi, cái đồi nó lại đè bẹp như những người dân nơi đây mất thôi, rồi lại bị con suối, con sông nó cuốn đi như những cánh lá rừng…Và rốt cuộc con cũng đã không phụ lòng của tất cả mọi người để có ngày hôm nay. Phía trước còn nhiều khó khăn vất vả ta cũng mong con cố gắng vượt qua.

3s1c-5a-w550.jpg

Những ngày sau đó ta và mọi người vẫn âm thầm hỏi thăm, tìm kiếm chút manh mối về thân thế của con. Chính khi đó chúng ta mới phát hiện ra một sự thật, sự thật đáng sợ đến rùng mình vì những hủ tục lạc hậu ở miền biên cương này. Đó là, một số bản người Dao có thể do quá nghèo, lại kém hiểu biết, khi họ đẻ con ra không như mong muốn, có thể bị tật nguyền bẩm sinh, hoặc giới tính không theo mong đợi, họ bèn đem vào rừng treo lên cây trả lại cho Trời. Trời trong tâm thức người Dao không như các dân tộc khác, với họ Trời đôi khi chỉ là cái cây trong rừng mà thôi. Đứa trẻ sinh ra trước 3 ngày nó vẫn chưa là con trong nhà, nó vẫn là hoa, là nụ của Trời, nếu không thích nuôi thì trả lại cho Trời, nó có chết cũng không phải ma nhà mình. Đẻ xong không muốn nuôi thì đem vào rừng treo lên cho nó đi đầu thai kiếp khác, vừa không phải mất bạc trắng, lợn gà mời thầy đến cúng ma. Những đứa bé treo trên đó hầu hết đều bị kiến hay côn trùng cắn chết, hoặc do bố mẹ chúng nhét lá vào mồm rồi cũng tắc thở mà chết. Khi những chiếc giỏ đựng bị thủng xương cốt rơi xuống thì cũng bị cầy cáo tha đi, toàn bộ cơ thể không còn lại gì, mọi sự lại trở về với hư vô như chưa từng hiện hữu có một đứa bé được sinh ra đời. Cũng có những đứa trẻ may mắn được cứu sống như con, nhưng có lẽ cũng không nhiều. Khi phát hiện ra thì hầu hết bố mẹ chúng cũng không dám thừa nhận, họ sợ nhiều thứ lắm. Họ âm thầm làm điều đó đã nhiều năm nhưng ít ai dám nói ra.

Khi phát hiện ra những điều ấy đồn Lốc Dù đã phát động phong trào đi xuống các bản người Dao để tuyên truyền, vận động bà con loại bỏ những hủ tục lạc hậu mông muội và dã man ấy và đó cũng chính là phạm vào tội “giết người”. Có lẽ chính sự suy nghĩ đơn giản, không hiểu hết quy định của luật pháp, và cũng do các hủ tục lâu đời mà sinh ra như vậy. Khi hiểu ra họ cũng đã nhận thức ra được vấn đề. Từ bấy đến nay đã không còn những việc ấy diễn ra nữa.

Ta đoán con là con của một gia đình như thế. Nhưng việc tìm ra thân thế của con không hề đơn giản như ta nghĩ. Bởi người Dao thi thoảng cũng có sự xáo trộn di cư giữa các vùng miền, hoặc do cuộc sống khó khăn họ bỏ đi nơi khác kiếm ăn nên suốt mười mấy năm ta không tìm được chút manh mối nào cả. Nhiều lúc ta định buông xuôi rồi mặc định coi con như là ruột của mình.

Cho đến một ngày gần đây khi ta nhận lời đi khám bệnh cho một gia đình ở bản những người mắc bệnh phong ở sâu mãi trong rừng heo hút giáp gần biên giới nước bạn. Ở đấy ta đã gặp một người đàn ông mà thoạt nhìn ngoài cái vẻ lam lũ ra thì có những nét giống con như đúc. Ta đã giật mình ngờ ngợ, hỏi thăm ra mới biết gia đình họ chuyển đến đây cũng khá lâu rồi, một gia đình tám đứa con trai nhồng nhồng như nhau, đã có vài ba đứa lấy vợ sang bên kia biên giới, người vợ gần đây bỗng trở chứng mắc bệnh điên, khi tỉnh, khi dại, người chồng thì ốm yếu, căn nhà thì rách nát thông thống gió lùa tứ phía, cuộc sống khốn khó đến cực cùng. Ta đã tìm đến người đàn ông chủ nhà dò hỏi, ông ta cũng khi nhớ khi quên, nhưng vẫn nhớ được khi xưa gia đình do có quá đông con trai, mong muốn có mụn con gái mà không được, khi sinh hạ được đứa con trai nữa, lại nhìn như nó bị dị tật chi đấy nên mới bỏ nó ra rừng vì nghèo quá sợ không nuôi nổi. Sau rồi gia đình cứ trôi dạt đi khắp nơi kiếm ăn và cuối cùng nghe nói nơi đây có nhiều sản vật của núi rừng nên dừng chân để kiếm sống, nhưng cuộc sống vẫn chẳng khấm khá được hơn. Ta có hỏi ông ấy có nhớ về đứa con năm xưa đó không, ông ấy bảo quên rồi, mà chắc nó cũng đã về với Trời rồi chả nhớ làm gì nữa. Ta cũng không nói chuyện con còn sống vì cũng không dám chắc đấy là gia đình con, chỉ là sự linh cảm của ta vậy thôi, vì ngày ấy có nhiều nhà bỏ con mình như vậy. Khi về ta có nói chuyện này với mẹ của con và một vài người trong đồn đã nghỉ hưu, họ ai cũng tỏ vẻ căm phẫn và không muốn con nhận lại gia đình ấy, nếu thật sự đấy là nơi con được sinh ra.

Sắp tới con cũng phải nhập trường rồi, trước khi con đi xa nơi này để thực hiện ước mơ của mình ta muốn cho con biết tất cả rồi tùy con quyết định. Nếu muốn ta có thể dẫn con đến nơi có gia đình ấy và ta có cách để biết con có phải con họ hay không, nếu đúng việc con có nhận họ hay không là tùy vào con, giờ con cũng đã lớn rồi và tự có trách nhiệm với những quyết định của mình….Con thấy sao?

Ông Vòng ngừng lời ngó nhìn khuôn mặt đang thẫn thờ của Mừng, không biết nó có chấp nhận nổi sự thật này hay không, nhưng dù sao ông vẫn phải nói cho nó biết, ông cũng chỉ sợ nó bị sốc như lần đầu tiên ông nhìn thấy nó đỏ hỏn trong chiếc giỏ giữa rừng với đàn kiến bu quanh. Giá như ông không gặp gia đình ấy là một nhẽ, nhưng từ ngày gặp ông vẫn canh cánh một nỗi niềm mà bấy lâu nay ông vẫn mong mỏi kiếm tìm, đó là tìm lại cội nguồn cho Mừng. Cây có gốc, suối có nguồn, con người có tổ có tông, không ai tự nhiên sinh ra cả, mặc dù ông có công nuôi dưỡng nhưng vẫn không phải là người sinh ra Mừng, và dù cha mẹ Mừng có ra sao trong thâm tâm ông vẫn mong muốn nó về nhìn nhận họ, dù chỉ là một lần thôi cũng được. Nhưng ông chưa muốn nói ra với Mừng điều ấy, ông muốn để nó tự quyết định.

- Bố, bố để cho con suy nghĩ đã được không? Rồi con sẽ trả lời câu hỏi của bố. Nhưng dù sao đi nữa con vẫn là con của bố mẹ và là con của đồn Lốc Dù, điều ấy mãi mãi không bao giờ thay đổi! - Sau một hồi trầm tư, Mừng ngước lên nói với ông Vòng.

Ông Vòng với tay ôm Mừng vào lòng như hồi còn bé, vỗ vỗ vào tấm lưng vạm vỡ của nó:

- Được rồi con trai, con cứ suy nghĩ cho kỹ đi. Bố mẹ luôn tôn trọng quyết định của con. Thôi, khuya rồi mình về thôi kẻo mẹ và em lại chờ.

Bóng hai người đàn ông khoác vai nhau nhập nhòa trong sương đêm lành lạnh. Bóng trăng trên đỉnh đầu như vén mây mù soi hộ họ những bước chân đi.

1-44-640x410.jpg



*****

Sáng sớm. Khi mặt trời còn chưa kịp thức giấc, những bản làng còn như đang ngái ngủ sau một đêm say giấc, trong làn sương mờ ảo đang phủ trắng núi rừng, theo những tiếng chim dậy sớm chào đón bình minh, trên con đường ruột dê vắt ngang triền núi bóng hai người đàn ông lầm lũi bước đi từng bước chắc nịch. Người đi trước khoác một túi thuốc nhẹ, người đi sau địu theo một lù cở đầy những thứ vật dụng cần cần thiết cho cuộc sống như mắm, muối, gạo, ít bộ quần áo…

Đó là hai bố con ông Vòng và Mừng.

Sau mấy ngày suy nghĩ, Mừng nom như rạc hẳn người đi, có lẽ nó đã phải đấu tranh với bản thân lung lắm trước khi quyết định cùng ông Vòng đến với bản người mắc bệnh phong, nơi mà có thể là gia đình bố mẹ đẻ ra Mừng đang ở đấy. Nhiều đêm Mừng đã âm thầm khóc không hiểu tại sao trong bấy nhiêu anh em bố mẹ lại nỡ rứt bỏ mình, không cho mình quyền được sống mà nhẫn tâm bỏ vào rừng cho chết, nếu như không có ông Vòng có lẽ giờ này không biết linh hồn thằng bé hồi ấy đang phiêu dạt ở nơi đâu.

Trên đường đi ông Vòng hỏi Mừng có trách bố mẹ đẻ mình hay không? Mừng chỉ bảo, con đã nghĩ thấu rồi, có lẽ bố mẹ không ghét bỏ gì con, chắc phải bần cùng lắm mới bỏ con đi, khi nghe bố kể con có trách họ nhưng giờ con không trách họ nữa, có lẽ chính cái hủ tục đã buộc họ phải làm thế, có trách thì trách những cái hủ tục lạc hậu đã ràng buộc bắt con người ta phải làm như vậy, chứ thực ra họ không đáng trách. Ông Vòng đã rất mừng khi thấy Mừng nhận thức ra được vấn đề như vậy.

Vượt qua trùng trùng những ngọn núi, những cánh rừng, khi mặt trời sắp lặn hai bố con Mừng mới đến được cái bản nhỏ nhoi nằm giữa mờ mờ ảo ảo sương núi, tít hút mãi thượng nguồn dòng Nậm Thia.

Ông Vòng dẫn Mừng đến một ngôi nhà sàn sập xệ nằm nép mình cuối bản. Ngôi nhà tứ bề vách nứa phập phành, mái gianh thủng lỗ chỗ, ban đêm có thể nằm ngắm được hết những ánh sao trời, những phên cót lát sàn cứ lành phành theo từng bước chân người đi, nếu không khéo có thể sụt ngã xuống đám đồ lỉnh kỉnh bên dưới. Trong góc nhà nơi có chút kín đáo một người đàn bà đầu tóc bù xù nằm lặng im trong mảnh chăn rách bươm, tơ tướp. Ngôi nhà trống huơ trống hoác, không có một vật dụng gì đáng giá.

Người đàn ông đang rào lại chút phên dậu chợt ngước lên khi thấy bố con ông Vòng. Bất chợt gặp ánh mắt của người đàn ông nhìn mình, Mừng giật mình thấy như có một luồng điện chạy dọc sống lưng, lành lạnh.

- Ông lại đến chữa bệnh cho nhà Chài đấy à? - Thấy ông Vòng, người đàn ông chợt hỏi.

- Ừ, tôi có đem theo cả thuốc cho bà nhà uống nữa đây! - Ông Vòng hạ chiếc túi sau lưng xuống rồi kéo Mừng lại phiến đá trên sân ngồi. Nhà đi đâu hết rồi mà vắng thế này?

- Mấy đứa vào rừng kiếm chút của rừng rồi mang xuống chợ đổi đồ, đứa đi đào củ mài kiếm chút đồ ăn, chắc chút nữa mới về. Mà bệnh vợ tôi chắc gì đã khỏi mà ông mang thuốc làm gì, chúng tôi cũng không có tiền trả đâu. Từ ngày mắc bệnh bà ấy cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lúc tỉnh lúc điên. Lúc tỉnh thì vui vẻ, tình cảm lắm, thi thoảng còn hay nhắc đến đứa con đã từng bỏ nó vào rừng, nhưng lúc điên thì đuổi cắn cả chồng con, lang thang ra bờ suối cứ ôm những hòn đá rồi khóc, lạy lục van nài mãi mới chịu về cho. - Người đàn ông bỏ dở công công việc đến ngồi bên ông Vòng tâm sự.

Nhân thể người đàn ông nhắc đến đứa trẻ bỏ đi năm xưa ông Vòng gợi chuyện:

- Ông có tin rằng đứa trẻ mà vợ chồng ông bỏ vào rừng năm xưa nó vẫn còn sống hay không? Nếu nó tìm về với ông thì ông nghĩ sao?

Người đàn ông chợt thần người ra rồi rơm rớm nước mắt:

- Ông đừng nhắc đến nó nữa, tôi biết nhà tôi có tội với nó. Nếu còn sống tôi mong nó có cuộc sống tốt đẹp hơn chúng tôi, nó có trở về tôi cũng không dám nhìn thẳng vào mặt nó nữa. Có lẽ vì nhớ nó, ân hận vì việc mình đã làm nên ông Trời mới trừng phạt mẹ nó ra nông nỗi này. Thực lòng ngày ấy đói quá, nếu nuôi thêm nó nữa chúng tôi không kham nổi, đành trả nó về với Trời để cho các anh nó được sống thôi ông ạ.

- Nó vẫn còn sống và sống tốt, khỏe mạnh đấy. Ông bà đã sinh ra nó như cành cỏ dại ven rừng, nhưng giờ đây nó đã nở thành một bông hoa. Hôm nay tôi mang nó về cho vợ chồng ông đây. Nhưng để cho chắc chắn tôi muốn làm một chút thủ thuật nhỏ để xác nhận huyết thống của hai người.

Bằng chút thủ thuật của ngành y và bằng kinh nghiệm dân gian, việc xác nhận huyết thống đã diễn ra nhanh chóng và kết quả không khác gì so với những suy đoán của ông Vòng.

Nhìn cảnh người đàn ông khóc rống lên rồi đột nhiên quỳ sụp xuống chân Mừng cứ ôm chân nó mà khóc ông Vòng chợt thấy mắt mình cay cay. Thằng Mừng cúi xuống ôm bố đẻ nó lên rồi cũng cứ thế mà khóc theo. Bất chợt từ trên nhà bóng người đàn bà rũ rượi chạy băng qua mấy bậc cầu thang xuống, rồi ngã xõng xoài trước hiên nhà, luôn mồm hét lên:

- Ôi con tôi, con tôi nó trở về rồi, trời ơi…

*****

VĨ THANH

Vài năm sau.

Một buổi chiều mùa thu mát mẻ, đồn biên phòng Lốc Dù nhộn nhịp hơn hẳn so với mọi ngày. Rất nhiều người cả quân và dân đi lại xếp đặt những mâm cỗ đơn giản ở sân đồn. Gương mặt ai cũng hiện rõ lên nét vui vẻ và hân hoan.

Sau khi mọi người đã yên vị, một người đàn ông bước lên chiếc micro phía trên trịnh trọng tuyên bố:

- Kính thưa toàn thể các đồng chí! Thưa tất cả mọi người! Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây là để chúc mừng cho cháu Mừng, đứa con của đồn Lốc Dù chúng ta đã tốt nghiệp xuất sắc trường Cao đẳng Y Dược để về công tác tại tỉnh nhà. Đồng thời cũng chúc mừng cho sự đoàn tụ của gia đình cháu Mừng, nhất là người mẹ sinh thành ra cháu sau một thời gian chuyển ra ngoài này sinh sống và chữa trị đã khỏi hẳn bệnh. Những chuyện buồn chúng ta hãy bỏ lại phía sau để hướng tới những điều tốt đẹp còn đang ở phía trước. Chúng ta cũng chúc mừng cho thành công của đồn chúng ta đã giúp bà con nơi đây loại bỏ những hủ tục lạc hậu từ trong cốt tủy, trong nỗi ảm ảnh của những người nơi đây bằng tình thương yêu, sự bao dung, tha thứ, bỏ qua mọi oán hờn, để không còn đứa trẻ nào phải chịu số phận hẩm hiu nữa…Cho dù đi đâu, về đâu cháu Mừng vẫn mãi là người con của đồn Lốc Dù chúng ta…

Lần đầu tiên Mừng được bước lên bục chụp bức ảnh chung với cả hai gia đình, vừa là nơi sinh, vừa là nơi dưỡng, hai cặp bố mẹ cùng những người anh em ai nấy đều nở những nụ cười rạng rỡ lấp lánh niềm hạnh phúc.

a1234.jpg

HẾT
(*) Lời bài hát Người H’Mông, sáng tác Vy La Thành




Nguyễn Công Đức
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
giấy báo trúng tuyển hoc tap kiến thức lốc dù mây trắng người lính trong tim tôi đỉnh núi cao đứa con của đồn
  • Like
Reactions: Vanhoctre
806
1
1

Vanhoctre

Văn Học Trẻ
Thành viên BQT
19/8/19
803
679
362,999
Việt Nam
vanhoctre.com
Xu
1,330,599
Một buổi chiều mùa thu mát mẻ, đồn biên phòng Lốc Dù nhộn nhịp hơn hẳn so với mọi ngày. Rất nhiều người cả quân và dân đi lại xếp đặt những mâm cỗ đơn giản ở sân đồn. Gương mặt ai cũng hiện rõ lên nét vui vẻ và hân hoan.

Sau khi mọi người đã yên vị, một người đàn ông bước lên chiếc micro phía trên trịnh trọng tuyên bố:

- Kính thưa toàn thể các đồng chí! Thưa tất cả mọi người! Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây là để chúc mừng cho cháu Mừng, đứa con của đồn Lốc Dù chúng ta đã tốt nghiệp xuất sắc trường Cao đẳng Y Dược để về công tác tại tỉnh nhà. Đồng thời cũng chúc mừng cho sự đoàn tụ của gia đình cháu Mừng, nhất là người mẹ sinh thành ra cháu sau một thời gian chuyển ra ngoài này sinh sống và chữa trị đã khỏi hẳn bệnh. Những chuyện buồn chúng ta hãy bỏ lại phía sau để hướng tới những điều tốt đẹp còn đang ở phía trước. Chúng ta cũng chúc mừng cho thành công của đồn chúng ta đã giúp bà con nơi đây loại bỏ những hủ tục lạc hậu từ trong cốt tủy, trong nỗi ảm ảnh của những người nơi đây bằng tình thương yêu, sự bao dung, tha thứ, bỏ qua mọi oán hờn, để không còn đứa trẻ nào phải chịu số phận hẩm hiu nữa…Cho dù đi đâu, về đâu cháu Mừng vẫn mãi là người con của đồn Lốc Dù chúng ta…
CÔNG ĐỨCMột câu chuyện thật cảm động. Cháu đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn vẹn nguyên xúc động như lần đầu.

Các tác phẩm chú @CÔNG ĐỨC viết có đời sống rất thực, và cũng rất văn học nữa. Qủa là khó cho chúng cháu chấm giải :((
 
  • Like
Reactions: CÔNG ĐỨC

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top