Dự thi Đun cạn bếp lửa thời gian - Xú giai nhân

Dự thi Đun cạn bếp lửa thời gian - Xú giai nhân

Bạn có đánh giá thế nào với bài viết của tôi?

  • Tốt

    Bình chọn: 0 0.0%
  • Khá

    Bình chọn: 0 0.0%
  • Tệ

    Bình chọn: 0 0.0%

  • Số thành viên bình chọn
    0
Có một bài thơ trong chương trình Ngữ văn phổ thông mà tôi vô cùng ấn tượng, đó là bài "Bếp lửa" của nhà thơ Bằng Việt. Tôi ấn tượng bởi cái "hồn Việt" thân thương gần gũi mà cũng rất đỗi thiêng liêng trong từng câu chữ tác giả truyền tải. Tuổi thơ tôi may mắn được lớn lên cùng ông bà nội. Năm tôi học 12 thì bà mất, cũng trong tiết đông lạnh giá khắc nghiệt. Bà nội đi rồi, bếp lửa mà bà nhóm bao năm cũng nguội lạnh. Con người ta hình như đã quen với bếp ga, bếp từ, lò nướng điện... để rồi chẳng mấy ai nhóm thứ bếp củi vừa rắc rối vừa bụi bặm kia nữa.

Nhà tôi ở lưng đồi miền trung du Bắc Bộ, mùa đông nơi đây rất lạnh, Đông Chí sương muối dày đặc. Trong trí nhớ của tôi khi còn nhỏ, ngoài cái bếp lò rang chè thì nhà nào cũng có thói quen đun bếp củi. Bếp củi mùa đông là một thứ gì đó thần thánh lắm! Căn bếp lụp xụp đen nhẻm vì bồ hóng của bà nội tôi hồi ấy rất đơn sơ: một chiếc kiềng ba chân cùng niêu đất, nồi gang, siêu nhôm... Trên cây kèo bếp quanh năm mọt nghiến treo lủng lẳng dăm ba củ hành củ tỏi, vài xâu ngô tẻ, mo hạt giống khô, còn treo cả một âu mỡ lợn để tránh mèo ăn vụng. Quanh bếp lửa nhiều tro là cái cắp tre, cái ống thổi bằng nứa cùng vài cái ghế gỗ con con. Trên nóc chum gạo bà để mấy lọ gia vị, ít ỏi, nhưng các món ăn bà nấu đều thơm ngon và "tốn cơm" vô cùng. Bố mẹ tôi thường đi làm nương suốt, hai anh em tôi đi học về là quanh quẩn bên ông bà. Mùa đông hai đứa ngồi rịt trong bếp vừa sưởi lửa vừa xem bà nấu nướng. Có niêu cơm mới róc cháy, có chảo trứng rán hành vàng ươm, có nem cuốn giòn rụm, nồi canh cải đồng toả hương thanh ngọt cạnh siêu thuốc bắc sôi lục bục... Dưới lớp than nóng đỏ, ông nội khi thì đặt ấm trà, khi thì vùi mấy củ khoai lang... Khói bếp mờ mờ cuốn dần lên len qua kẽ những viên ngói bạc thếch, đưa mùi hương những món ăn đồng nội ấy bay xa.

Mùa đông quê tôi cũng là thời điểm nông nhàn, nên dù lương thực khan hiếm, bà nội vẫn lâu lâu chế biến những món ngon cho chúng tôi. Tỷ như bà dắt tôi đi sang làng bên nghiền bột gạo, đem về pha với nước, bắc bếp quấy món bánh đúc có nhân thịt nạc mộc nhĩ. Hoặc là bà bẻ mấy cái lá nghệ đặt lên chảo rồi đập trứng gà lên để "nướng", ăn một lần nhớ mãi về sau. Thích nhất có lẽ vẫn là mấy ngày cuối cùng của tháng Chạp, cả nhà quây quần bên bếp trông nồi bánh chưng thật lớn. Thêm củi rồi lại thêm củi, những khúc củi to khô cong, cháy ra lửa than thật đượm, anh em tôi hai má nứt nẻ đỏ au ngắm nhìn ngọn lửa liếm lên vung nồi mới thích mắt làm sao! Bánh trưng bà nội tôi gói đều và đẹp lắm, năm ấy bà còn khoẻ đã dạy cho tôi cách lấy sợi lạt rang mềm để ràng những cái bánh chưng dài sao cho thật chắc chắn và đều tăm tắp. Tiếc rằng từ ngày bà đi, nhà tôi không gói bánh chưng dịp Tết thêm lần nào nữa.

Còn nhiều món ăn ngon mà bà hay
nấu cho hai đứa cháu còi, tôi không nhớ được nữa, càng không nhớ hương vị thế nào, chỉ biết rằng rất đậm đà, rất vừa miệng, chứa mùi thơm của than củi, hơi ấm của bếp lửa, cũng chứa cả tình thương của bà. Không chỉ nấu cho tôi ăn, bên bếp lửa bà còn dạy tôi may vá, đan len, rồi bao câu chuyện cổ tích, bao câu chuyện thực thời kháng chiến, thời bao cấp ông bà kể, bao bài thơ bài hát đơn sơ mà ý nghĩa... Ấy vậy mà tôi lớn lên vụng về, giờ đơm cúc cũng không chắc chắn, đan len chỉ biết mỗi kiểu đan hạt gạo, hát thì càng không hát được hay như bà. Thời gian bên bếp lửa của bà trôi qua thật chậm, bởi bà là người phụ nữ Việt Nam đẹp đẽ thiêng liêng. Bà giữ lửa cho nhà, giữ lửa cho xóm làng, vun vén cho con cháu, lưu trữ bao câu chuyện gắn với lịch sử dân tộc. Bóng bà hắt lên vách bếp ám khói mịt mờ năm ấy lại khiến lòng tôi thấu suốt hơn rất nhiều so với quãng đời vội vã mơ hồ khi trưởng thành về sau. Cứ mỗi độ mưa phùn giáp Tết là thèm cái hơi ấm bên bếp lửa, thèm cái nhịp thời gian chậm thật chậm để tìm về cảm giác bình yên. Ấy vậy mà chỉ có thể tìm bình yên từ trong ký ức còn mỏng hơn làn khói xanh bay lên từ căn bếp nhà ai.

Mặc dù ký ức rồi cũng nhạt nhoà theo thời gian, nhưng những người thân yêu thì vẫn sống mãi trong lòng ta. Mùa Đông năm nay rét muộn, tôi được nghỉ nhiều hơn mọi năm, quyết định xách ba lô về quê làm vườn. Thấy trên nương sẵn củi khô, tôi đem xe kéo xuống chất đầy một xe củi chở về nhà, lôi cái kiềng cũ ra nhóm lại một cái bếp củi. Rồi từ trong đám lửa tí tách vui mắt, tôi cảm nhận được bà luôn bên tôi. Cái vụng về lóng ngóng khiến tôi nhiều khi cũng làm tắt bếp, hoặc là nhóm bếp mãi không cháy lên, lúc đun thì không biết chỉnh lượng củi vừa đủ khiến món ăn bị khét, bị oi khói... Hôm nào đun bếp xong hai tay tôi cũng khô nứt và mặt mũi thì nhọ nhem hết cả! Đổi lại mỗi khi ngồi sưởi lửa trong tiết đông lạnh giá này, tôi bắt được nhịp thời gian trôi chậm lại, huyên náo ngoài kia và cái phiền não trong lòng bị ngọn lửa bập bùng lấn át. Thả vào đống tro vài quả bồ kết, đặt một siêu nước đun vỏ bưởi, thêm một chén trà và một cuốn sách là tôi có thể ngồi bên bếp như vậy lâu thật lâu.

Kỳ thực chúng ta có thể không hiểu vì sao càng lớn con người lại càng bị thời gian mài mòn nhiệt huyết và đam mê. Tôi nghĩ điều này đơn giản là do "ngọn lửa" trong ta không còn cháy vượng như những năm tháng đầu đời. Nhưng cũng giống như bếp lửa của bà tôi được nhóm lại thành bếp lửa của tôi, tôi tin rằng "ngọn lửa" trong mỗi người dù không cháy to nhưng vẫn sẽ âm ỉ, hoặc nó chỉ vừa tạm tắt, chỉ cần ta thổi vài cái là ngọn lửa ấy sẽ lại bùng lên và cháy dữ dội. Mong bạn mùa đông này tìm được bếp lửa, ở bên người thân thương, sống chậm hơn để sống cuộc đời có chất lượng.

"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen!
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng,
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa!"
(Trích Bếp lửa - Bằng Việt)

------
Cuộc thi viết "Mùa Tết" Văn Học Trẻ 2023
Ký - Đun cạn bếp lửa thời gian
Xú giai nhân

#muatet
#vanhoctre #duncanbepluathoigian
inbound5088667841474652726.jpg
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
#muatet #vanhoctre duncanbepluathoigian
359
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top