Chia Sẻ Đừng dạy: Phải cống hiến

Chia Sẻ Đừng dạy: Phải cống hiến

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Đừng dạy phải cống hiến, hãy dạy Ý thức

Nhân bài thi THPT Quốc gia vừa qua, có nói về vấn đề cống hiến, và cũng tình cờ đọc được bài của người anh/người bạn cũ cũng bàn về “cống hiến” thì tôi có trăn trở về cái từ “cống hiến” với giới trẻ hiện nay.

Tôi không bàn về “Cống hiến” vội, mà tôi nói tới Ý thức về vị trí cá nhân trước.

Gần đây, có nhiều lùm xùm, phốt “khoe khoang” của một số người nổi tiếng mà tôi từng nhắc tới trước đó. Tại sao những người được gọi là sao, là người của công chúng đó lại không ý thức được lời nói, hành động, việc làm của mình có tính chất làm gương? Đối tượng “người của công chúng” mà tôi nhắc tới, trước hết là những người được phong “nghệ sĩ”, tự viết bản giới thiệu cá nhân là nghệ sĩ, nghệ sĩ nhân dân được nhà nước phong tặng, những người làm truyền thông xuất hiện trên TV như: MC, diễn viên, ca sĩ cũng chung nhóm đối tượng này. Tôi tạm lược đi những người chưa phải nghệ sĩ nhưng có lượt theo dõi cao, làm lĩnh vực truyền thông như youtuber, titoker…gọi chung là “người có tầm ảnh hưởng”. Họ có hiểu vì sao mình được gọi là “sao/ người của công chúng/ người có tầm ảnh hưởng”, bởi vì bất cứ hành động nhỏ nào của họ đều có tác động lớn tới những người theo dõi họ, đặc biệt là lớp trẻ khi đang hình thành suy nghĩ đúng đắn/sai lệch bằng việc bắt chước những người khác, thì những đối tượng tôi vừa kể trên sẽ là người được lớp trẻ chọn mặt gửi vàng. Lượt yêu thích, theo dõi nhiều thế chắc hẳn người đó là chuẩn mực xã hội phải không? Thế thì mình bắt chước theo cũng chắc hẳn được yêu thích rồi. Và, do vậy, nhóm “sao”(vì sao hay minh tinh) đó cũng nên ý thức về vị trí của mình để tỏa sáng như sao trên bầu trời: lung linh, rực rỡ và ĐẸP (đẹp từ hình thức lẫn đẹp hành động, đẹp bên trong).

Ấy thế mà, những vì sao ấy chỉ coi nó là một nghề nghiệp bình thường, đòi hưởng dụng những lợi ích về danh tiếng, tiền bạc mang lại nhưng lại không cần trả giá (tự do đời sống, tự do phát ngôn).

-Khoe trình độ nấu ăn/kiến thức không bằng học sinh Tiểu học: Cái này sẽ có nhiều người phản bác tôi là cái này thuộc về phạm vi cá nhân, đúng là vậy, nhưng tại sao lại phải khoe một món ăn hỏng, một sự ngu dốt do lười biếng tạo thành mà không phải là những món ăn ngon khiến người ta ngưỡng mộ? Có nhiều page mà nhiều người theo dõi, yêu thích vô cùng đó là page: “Ghét bếp, không nghiện nhà” dường như lập ra để dành cho những người không thể nấu ăn ngon. Nhưng cái thực sự họ hướng tới không phải để kêu gọi nhau: Ngưng nấu ăn vì đã có nhà hàng, đầu bếp, nhưng chúi đầu vào công việc nhà để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp của thanh xuân. Không phải, họ chỉ chia sẻ những khó khăn trong quá trình học tập nấu ăn, nỗ lực cố gắng nhưng kết quả lại không như ý để tạo ra tiếng cười và lời động viên bởi ai cũng đã từng mắc phải trong quá trình làm bếp. Quay lại với người nổi tiếng nọ nấu ăn dở, và có người chê bai bên dướ: vụng mà khoe như hay lắm. Hiển nhiên bình luận này đã bị chửi rất nhiều. Fan thì bênh thần tượng, người qua đường thì chửi: Nó khoe gì mặc m* người ta, mắc gì nói lời khó nghe. Nghe cũng có lí nhỉ? Nhưng các bạn đã thấy cái tai hại khi ngày càng nhiều bạn trẻ khoe clip nấu ăn kiểu cho tất cả vào trong một cái nồi, nấu ăn cho là tốt lắm rồi và trở nên hot trong nháy mắt không? Bởi vì nó đã tạo ra xu hướng những bạn trẻ lười biếng thích ăn, thích khoe, thích hưởng mà không thích làm đấy. Rồi thì “Xuân Quỳnh là nữ à?” , “Ấn Độ ở Châu Phi” thành hottrend trong giới trẻ. Ừ thì, những người đó cũng thôi đi, nhưng người nổi tiếng thì nên ý thức việc làm của mình. Mà chúng ta hay có câu “Tưởng thế là hay” để nói về tình trạng này.

- Khoe con? Ủa, khoe con cái thì có gì đâu nhỉ? Tại sao lại có mục này? Vì cái chuyện một người nổi tiếng, một diễn viên hài có bài đăng về con gái, lại bị nhiều người xúm vào chê xấu, phát ngôn không hay, thế là anh ấy đòi kiện. Mấy người chê bai con trẻ quả là vô duyên, vô học, thế nhưng làm người nổi tiếng, và bất cứ bậc cha mẹ khác cũng cần lưu tâm tới điều này, đó là khi mình có rất nhiều người xăm soi đời tư, thì mình nên cẩn thận trước hành động khoe con cái, khoe đời tư. Mình có quyền tự do khoe, thì nhiều người có quyền tự do bình luận, trách làm sao? Kiện thế nào? Hay lại định giở thói giang hồ như một vài nghệ sĩ nào đó tới tận nhà người phản đối mình dằn mặt, quay video bắt người ta xin lỗi? Tự cho mình đúng, nhiều người ủng hộ là được phép xâm phạm quyền cá nhân của họ? Đây là ý thức cá nhân cần lưu ý vì rất nhiều người Việt mình thích khoe, khoe từ cái nhỏ nhất khoe ra nhưng lại quên rằng mỗi người cũng có sở thích xăm soi: chê thì chê thái quá, moi móc thái quá và ngược lại, sùng bái thái quá, không có sự nhìn nhận khách quan đa chiều.

- Nhận quảng cáo vô tội vạ những thứ chưa được kiểm chứng: từ thuốc men, thực phẩm chức năng, mĩ phẩm…cứ có tiền quảng cáo là nhận. Vụ việc này đã từng nổi lên một thời gian với danh hiệu “Người phụ nữ bị nhiều bệnh nhất showbiz Việt” dành cho một nghệ sĩ Việt mà quảng cáo thuốc nào cũng thấy có mặt và: “Trước đây tôi bị…từ ngày sử dụng…thì đỡ hẳn triệu chứng…”. Cái này chắc tôi không cần nói nhiều về cái ý thức gần như không có về vai trò nghệ sĩ của một vài đối tượng. Quả thực là dở lắm.

- Đứng ra nhận tiền quyên góp: quyên mùa lũ mà tận mùa dịch mới nhận được? Bê bối này lớn tới mức mà một nghệ sĩ nào đó bị tước mất danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Dù cho người này luôn chân thành, vẫn được nhiều người tin tưởng giao phó tiền bạc, thế nhưng dù anh không có động cơ phạm tội, nhưng anh phải ý thức được trách nhiệm của mình là phải đưa ra thông báo, đưa ra chương trình: từ thiện cho ai/ khi nào/ giải ngân thế nào? Nếu chưa kịp làm thì sẽ để số tiền này làm gì? Chứ không phải là tôi làm từ thiện tôi không được đồng nào còn bị nói ra nói vào? Giờ lừa đảo nhiều lắm, có kẻ lừa đảo nào không nói mình vì người khác.

Bàn về cống hiến

Cống hiến có thể hiểu là đóng góp của cá nhân cho gia đình, trường lớp, xã hội, đất nước về trí tuệ, hành động, tiền bạc giúp cho gia đình, trường lớp, xã hội, đất nước phát triển vững bền hơn, giàu có hơn. Người ta nói: mỗi người phải có trách nhiệm cống hiến. Ở một cái xã hội mà mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được kì vọng phải làm nên trò trống, mát mặt bố mẹ, ông bà, dòng tộc, thì áp lực của chúng vô cùng lớn. Đâu phải ai sinh ra cũng định sẵn là một thiên tài? Nhìn thực tế xã hội mà xem, rõ ràng người ta lo lắng về tệ nạn nhiều hơn là không có thiên tài.

Một con người lớn lên, hoàn thành các bài thi đạt trung bình trở lên (tức điểm 5 trở lên) đã là một cái tốt. Tại sao phải có điểm trung bình là vì vậy. Dưới góc độ của tôi, một đứa trẻ có nhận thức đúng đắn về mọi việc, có ý thức đúng về bản thân. Ý thức vứt rác đúng nơi quy định. Ý thức về việc đi học về giúp ông bà bố mẹ làm việc nhà. Ý thức làm bài tập, ý thức tiết kiệm, ý thức về việc gia đình mình giàu/nghèo để nỗ lực học tập, chi tiêu cho xứng đáng. Ý thức được lòng tự tôn dân tộc: Cần chém Đường luỡi bò khi cần thiết/ Donate vào quỹ vác xin thay vì donate ủng hộ idol tận Hàn, trung xuất đạo nhưng bằng tiền cha mẹ/ Ăn nói lịch sự ở những diễn đàn quốc tế vì ý thức được bộ mặt dân tộc. Ý thức được mình đã là một người có gia đình, cần làm việc vì những đứa con, cần tránh xa những rung động từ cô gái xinh đẹp vừa đưa lời kết bạn. Có những ý thức đầy đủ thì khi có điều kiện, chắc chắn rằng mỗi cá nhân sẽ hiểu mình cần cống hiến những gì. Nhưng thay vì dạy cống hiến, hãy dạy mỗi đứa trẻ ý thức. Tài năng cao, địa vị xã hội tốt, mỗi mùa lũ đều bỏ tiền túi tới vài chục triệu ủng hộ, ai cũng biết sự cống hiến của anh ta. Thế nhưng, đánh đập vợ con cũng là anh ta, ngoại tình cũng là anh ta, vạch bụng chửi bậy, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi… cũng là anh ta, thì cái cống hiến của anh ta lại trở nên thấp kém vô cùng.

Ý thức về công việc, toàn tâm toàn ý cho sản phẩm để cái mình làm ra giúp ích cho đời – đó cũng là cống hiến.

Ý thức về nuôi dạy những đứa con khỏe mạnh, lương thiện (đừng nói tới học giỏi) cũng đã là một cống hiến cho xã hội, góp phần tạo ra những công dân tốt.

Ý thức về bài giảng hay: đó cũng là cống hiến

Đôi khi, ý thức về một nụ cười, một cái cúi đầu chào hỏi cũng đã cống hiến cho đời nhiều niềm vui hơn. Rất đơn giản.

Chỉ khi có ý thức tốt, khắc có cống hiến. Hãy dạy ý thức, đừng dạy phải cống hiến.

- Phong Cầm -
Bản quyền thuộc về Văn học trẻ
 
Từ khóa
khoe khoang khoe dốt nghệ sĩ hiện nay suy nghĩ về cống hiến vị trí con người trong xã hội ý thức cá nhân
  • Like
Reactions: Phan Hoa
1K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top