Chia Sẻ "Giấc mơ" của Văn Cao - một góc nhìn

Chia Sẻ "Giấc mơ" của Văn Cao - một góc nhìn

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
B7020025-DD9E-4778-9279-3B89252B13F4.jpeg
Ảnh: Nhạc sĩ Văn Cao (sưu tầm)

Văn Cao là một nghệ sĩ thiên tài. Ông sáng tác thành công ở cả lĩnh vực âm nhạc, hội họa và thơ.Trong suốt cuộc đời của mình, Văn Cao sáng tác không nhiều.Trừ các tác phẩm nhạc, ít ai biết được rằng thơ và họa của Văn Cao đã để lại những ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Có dịp đọc tập thơ duy nhất của Văn Cao, độc giả sẽ không khỏi buông tiếng thở dài ái ngại cho cuộc đời một người nghệ sĩ tài hoa.

“Lá” được xuất bản năm 1988, in tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Tập thơ chỉ có 28 bài - ngắn có, dài có - ghi lại hành trình của cuộc đời người nghệ sĩ với những chiêm nghiệm nhân sinh, những thâm trầm, u buồn …Ấn tượng nhất có thể kể đến tác phẩm “Giấc mơ”.

“Dưới mái nhà

Một người đang ngủ

Với giấc mơ của những vì sao

Những vì sao đang kể chuyện

Giấc mơ của mái nhà

Giấc mơ của một người đang ngủ.”


Bài thơ “Giấc mơ” được tác giả Văn Cao sáng tác vào 5-1-1972. Đây là giai đoạn sống gió chưa qua trong cuộc đời người nghệ sĩ đa tài. Lần đầu đọc bài thơ, chắc nhiều người cùng chung cảm nhận giống tôi: Văn Cao mơ nhiều quá! Bởi chỉ với 32 chữ, từ “giấc mơ” đã lặp lại 3 lần. Vậy giấc mơ là gì? Giấc mơ đơn giản chỉ là trạng thái ngủ mơ của một người. Khi ngủ mơ, con người có thể trải nghiệm một hoặc một vài sự viêc ít khi diễn ra trong thực tế. Hay đơn thuần giấc mơ chỉ là những hình ảnh phản chiếu ảo tưởng của con người. Đôi khi, có những “giấc mơ tỉnh táo”, người nằm mơ ý thức được mình đang mơ và có thể làm thay đổi được thực tại giấc mơ. Trường hợp này thường gặp ở những giấc mơ của các nghệ sĩ thiên tài. Nếu thế, người đọc có thể nghĩ “Giấc mơ” là một bài thơ ghi lại quá trình ngủ mơ của tác giả Văn Cao. Trong giấc mơ của mình, nhà thơ đã thấy một người đang ngủ dưới mái nhà với giấc mơ của những vì sao – những vì sao kể chuyện giấc mơ của mái nhà và giấc mơ của người đang ngủ.

Thật ấn tượng. Con người thường hay kể về giấc mơ đêm qua của mình. Thông thường họ mơ thấy mình xây nhà, cưới vợ, sinh con hoặc một vài việc linh tinh thường nhật khác. Thế nhưng “Giấc mơ” của Văn Cao lại khác biệt. Khác biệt ở tính chất của giấc mơ – có nhiều giấc mơ của nhiều đối tượng hoặc cùng một đối tượng trong cùng một giấc mơ. Thật thú vị, nhan đề là “Giấc mơ”, Văn Cao kể về những giấc mơ trong một giấc mơ. Bài thơ, theo tôi nghĩ, đã không còn là thơ nữa, thơ đã là họa mất rồi. Bằng tài năng của mình cùng với chất liệu vô cùng đặc biệt, Văn Cao đã vẽ thành một bức tranh siêu thực như những giấc mơ chỉ với 32 từ. Nói cách khác, Văn Cao vẽ tranh bằng thơ.

“Bức tranh - bài thơ” của Văn Cao hiện lên trước mắt người đọc là hình ảnh của một khung cảnh lãng mạn nên thơ. Một người đang ngủ dưới mái nhà; bên ngoài, bầu trời hàng ngàn ngôi sao lấp lánh. Hoăc ít nhất, những ngôi sao lấp lánh trên cao kia đang trong tâm trí của người đang ngủ.

“ Dưới mái nhà

Một người đang ngủ

Với giấc mơ của những vì sao”


Vấn đề đặt ra ở đây là người ngủ đang mơ giấc mơ về “những vì sao” hay mang theo “giấc mơ của những vì sao” vào giấc ngủ? Cụm từ “những vì sao” gợi nghĩ đến bầu trời cao rộng với nhiều ngôi sao lấp lánh. Những ngôi sao ấy phải chăng chính là Văn Cao và những nghệ sĩ đa tài như ông? Vậy ra “giấc mơ của những vì sao” chính là giấc mơ của những nghệ sĩ tài năng – những ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Như thế “giấc mơ của những vì sao” - giấc mơ chân chính của người nghệ sĩ, luôn hiện hữu và thường trực trong những giấc ngủ của Văn Cao.

Thế nhưng điều đặc biệt về giấc mơ của nhạc sĩ họa sĩ nhà thơ Văn Cao – người đang kể về giấc mơ của chính mình; đồng thời cũng là người đang ngủ dưới mái nhà - lại chính là câu chuyện mà “những vì sao” đang kể:

“Những vì sao đang kể chuyện

Giấc mơ của mái nhà

Giấc mơ của một người đang ngủ.”


Bài thơ tưởng như phi lí đến mức siêu thực vì “những vì sao” trong giấc mơ của người đang ngủ lại đang kể chuyện “giấc mơ của một người đang ngủ”. Cái gam màu (giấc mơ) rối mắt đến rối trí người đọc đến nỗi các màu sắc khác, các từ ngữ khác như mờ đi. Lúc ấy hiện lên trên bức tranh thơ chỉ còn là đường nét vẽ về giấc mơ. Nhìn kĩ bạn thấy được gì? Một “giấc mơ” lớn (nhan đề), bao trùm lên những “giấc mơ” khác theo cấu trúc bắc cầu, điệp vòng:

Giấc mơ (của người đang ngủ) = giấc mơ của những vì sao

Với tính chất bắc cầu, giấc mơ của người đang kể cũng là giấc mơ của người đang ngủ. Mà giấc mơ của người đang ngủ cũng lại chính là giấc mơ của những vì sao. Hóa ra chủ thể của tổng thể các giấc mơ là một. Chủ thể ấy chính là Văn Cao. Trong các giấc mơ của mình, Văn Cao đã tự chia tách mình ra thành những bản ngã khác nhau. Có một Văn Cao bằng xương bằng thịt sống giữa cuộc đời (người đang ngủ). Văn Cao ấy vì cuộc sống mưu sinh mà phải “viết vội” (Nam Cao), thậm chí ông đã phải “giết chết chính mình”.

“Giữa sự sống và sự chết

Tôi chọn sự sống

Để bảo vệ sự sống

Tôi chọn sự chết.”

(Chọn, 26.8.1957)

Văn Cao đã chọn “chết” để vẽ tranh ngay cả trên một bao diêm làm sinh kế. Và lẽ thường khi con người ta đối mặt với hiện thực tàn khốc, cùng cực,… người ta thường hay mơ. Khi màn đêm buông xuống là lúc Văn Cao ngủ mơ và thoát ra khỏi thực tại cuộc sống bế tắc. Lúc này “giấc mơ tỉnh táo” của Văn Cao đã “chọn sự sống”. Thế nên “những vì sao” (tài năng âm nhạc, thơ ca, hội họa) xuất hiện trong giấc mơ của “người đang ngủ” rất có thể là Văn Cao – con người nghệ thuật tách vỏ từ cõi chết để hồi sinh. Vì vậy ngay trong giấc mơ của một Văn Cao khắc khoải vì nghèo khó đang nằm ngủ mơ kia, một Văn Cao đa tài với những khát khao táo bạo về nghệ thuật, về tự do sáng tạo nghệ thuật, về những cách tân nghệ thuật đang kể chuyện về giấc mơ của mái nhà, kể chuyện về giấc mơ của một người đang ngủ. Nói cách khác, Văn Cao (con người nghệ thuật) đang kể chuyện cho một Văn Cao – con người của cuộc sống thường nhật hàng ngày. Vậy trong câu chuyện kể ấy, “mái nhà” mơ gì? “người đang ngủ” mơ gì? Có phải đang mơ về:

“Những mái nhà ủ những cánh chim đêm

Ủ những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng”

(Năm buổi sáng không có trong sự thật)

Các giấc mơ cứ như bám chặt lấy ông. À không, phải là Văn Cao đang bám riếc vào giấc mơ. Bởi mơ không phải là đời. Mơ đẹp hơn nhiều so với đời thật. Vì vậy hiện thực trong giấc mơ đã giúp “người đang ngủ” (Văn Cao của đói nghèo, tù túng) có thể vượt qua những nhọc nhằn, cơ cực trong cuộc sống mưu sinh. Vượt qua cơn lốc xoáy “Văn nhân Giai phẩm” kéo dài 30 năm không dứt. Ông mơ một ngày mở mắt ra là “bầu trời sao lồng lộng”. Mơ một ngày, mái nhà - vòm trời trên cao, đủ rộng và đủ cao để “những vì sao” có thể tự do tỏa sáng theo cách riêng nhất của mỗi vì sao.

“Giấc mơ” không tầm thường của một người phi thường. Đó cũng là một trong những tác phẩm thơ đặc sắc của Văn Cao. Bài thơ “Giấc mơ” với sáu dòng thơ ngắn, câu chữ không bóng bẫy, hạn chế tối đa những âm thanh, tiết kiệm tối đa về mặt ngôn từ nhưng đã mở toan tất cả cánh cổng của tư duy. Đọc bài thơ, người đọc thật sự đã lạc vào mê cung của những tầng nghĩa được xếp chồng lên nhau như các mặt của trò chơi xúc xắc. Phải chăng “Giấc mơ” chính là minh chứng cho lối tư duy nghệ thuật đầy sáng tạo của Văn Cao? Và nếu thế, có thể khẳng định rằng, bài thơ “Giấc mơ” chính là tác phẩm điển hình trong cách tân nghệ thuật thơ mà Văn Cao là người khởi xướng. Bạn nghĩ gì về điều này?
………………………
Triều Anh​
 
Từ khóa
bài thơ giấc mơ giac mo một góc nhìn triều anh văn cao
440
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top