Dự thi Giao thừa thứ tám

Dự thi Giao thừa thứ tám

Nguyên
Nguyên
  • Thành Viên 28
“Mẹ ơi, không biết năm nay con có được đón giao thừa không nhỉ?”

Trên giường bệnh trắng toát là một thân hình nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa giường. Quanh người cắm đầy dây nhợ, nối với đủ thứ máy móc khác nhau. Từng nhịp thở đều vô cùng khó nhọc, dưỡng khí không đủ nuôi thân thể, cho dù đã được hỗ trợ hô hấp, giọng nói vẫn cứ thều thào.

Đôi mắt của cô bé mở lớn, hai bên đồng tử hơi giãn, không có tiêu cự, cả hai mắt hướng về phía trước như đang nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định nào đó. Cũng có lẽ, cô bé chỉ theo thói quen mở mắt như hồi thị lực vẫn còn bình thường.

Người mẹ ngồi bên cạnh giường bệnh vội vàng dùng tay áo dài thượt quệt đi nước mắt vương đầy trên đôi mi, hắng giọng một tiếng để cổ họng bớt nghẹn, rồi mới trả lời con gái: “Chắc chắn là có chứ. Sắp đến Tết rồi, cả nhà chúng ta sẽ cùng nhau đón giao thừa.” Bàn tay run lẩy bẩy đặt hờ trên đầu con gái, hơi do dự, cuối cùng vẫn quyết định không xoa lên mái đầu đã bị cạo trọc của cô bé. Chị sợ, sợ con gái nhỏ sẽ phát hiện ra mẹ đang không bình tĩnh.

“Bé Nhi ngoan. Con sẽ được đón giao thừa năm nay, sang năm, và rất nhiều giao thừa nữa.” Mới an ủi con gái vài câu, giọt lệ đắng chát đè nén trong hốc mắt của chị đã lại trào ra.

Những lời chị vừa nói đều là nói dối. Khối u ác tính trên não tiến triển rất nhanh, đã xâm lấn các tổ chức xung quanh, đè ép các dây thần kinh. Hai mắt của bé Nhi đã không nhìn thấy gì từ lâu, thính giác cũng bị ảnh hưởng, chỉ có thể nghe hiểu được nếu xung quanh không quá ồn ào. Ngoài khối u trong não, cô bé còn có một khối u trong ổ bụng, cũng là ác tính.

Không ai biết rốt cuộc khối u nguyên phát nằm ở đâu. Cũng không ai biết tại sao một cô bé con còn chưa đầy tám tuổi đã phải chịu đựng sự hành hạ của căn bệnh quái ác này. Người ta chỉ biết, kết quả giải phẫu bệnh giống như một lời tuyên án tử hình đối với cô bé bảy tuổi, lứa tuổi lẽ ra sẽ còn có cả tương lai phía trước. Trong khoa này có không ít những bệnh nhi ở độ tuổi như cô bé, cũng đang ngày ngày phải chống chọi với căn bệnh ung thư. “Còn nước thì còn tát”, tất cả mọi người đều giống nhau, chỉ đang bám víu vào một tia hi vọng rất đỗi xa vời.

Bé Nhi mới được phát hiện bệnh hồi đầu năm. Căn bệnh diễn tiến một cách âm thầm, khi cô bé ngất đi trong lớp học, được các thầy cô đưa tới bệnh viện, bệnh đã tới giai đoạn nguy hiểm, các tổ chức ung thư đã di căn. Cô bé được cho nhập viện ngay lập tức. Trải qua không biết bao nhiêu đợt hóa trị, dùng không biết bao nhiêu loại thuốc giảm đau, từ liều nhẹ tới liều nặng. Cô bé càng ngày càng gầy rộc đi, thân hình nhỏ bé chỉ còn lại làn da tái nhợt bọc bên ngoài bộ xương.

Còn tương lai? Tương lai là thứ gì đó quá đỗi mịt mờ. Tới việc mình có được đón giao thừa lần thứ tám hay không, cô bé còn phải hỏi mẹ với một giọng điệu đầy sự hoài nghi, thì làm sao có thể nghĩ tới tương lai xa hơn được.

“Qua năm mới là con lên tám tuổi rồi. Em Quân cũng lên sáu tuổi, sẽ vào lớp một.” Cô bé tủm tỉm cười, tìm những chuyện vui để nói với mẹ: “Em Quân sẽ học chung trường với con đúng không mẹ?”

Người mẹ trẻ nắm lấy bàn tay gầy guộc của con gái, gật đầu: “Ừ, đúng rồi, em Quân sẽ học cùng trường với con.” Chị không nhắc con gái sự thật rằng con trai nhỏ của chị, em Quân của cô bé, đã thành học sinh lớp một từ cách đây vài tháng.

Gần đây, suy nghĩ của bé Nhi không được rõ ràng cho lắm. Chị cũng quen rồi, quen với việc chọn lời hay để nói với con, ít nhất cũng giúp tâm trạng của con tốt hơn một chút.

Nhìn con gái một mình chống chọi với những cơn đau, chị không ít lần thương con tới ứa nước mắt, chỉ hận không thể thay thế vị trí của con, nằm trên giường bệnh thay con hứng chịu nỗi bất hạnh này. Chỉ tiếc rằng chị chẳng làm gì được. Đứng trước lưỡi hái tử thần, cả chị, chồng chị, con gái chị, và những người xung quanh, bao gồm các bác sĩ trong bệnh viện này, đều bất lực như nhau. Là một người mẹ, chị chỉ có thể nuốt nước mắt ngồi bên cạnh bầu bạn và trò chuyện với con mà thôi.

Dường như không nhận ra giọng nói của mẹ đã lạc đi, bé Nhi vẫn rất hào hứng với chuyện em trai đi học lớp một: “Vậy thì sau này con và em có thể đi học cùng nhau rồi. Đợi con khỏi bệnh, con sẽ dắt em đi học để bố mẹ đi làm. Mẹ cứ yên tâm, có con ở trường, sẽ không ai có thể bắt nạt được em Quân.”

Cô bé nói thêm vài câu thì lại thấy đau đầu. Cơn đau khiến khuôn mặt nhỏ trở nên nhăn nhó, vặn vẹo, cơn đau rút cạn sức lực toàn thân, làm xương khớp cả người đều gồng cứng cả lên. Sợ mẹ lo lắng, cô bé không kêu đau, chỉ nhẹ giọng nói: “Mẹ ơi, con hơi buồn ngủ… Con ngủ một lúc nhé!”

Lời vừa dứt, cô bé đã nhắm mặt lại, làm bộ muốn ngủ. Người mẹ trẻ buông một tiếng thở dài, nhẹ nhàng vuốt lên mu bàn tay con gái, rồi đi ra ngoài.

Chị đứng ngoài cửa phòng hành chính khoa, dè dặt gõ vài cái lên cánh cửa khép hờ. Bác sĩ đang ngồi lúi húi ghi chép gì đó lên cuốn bệnh án trước mặt, nghe thấy tiếng gõ cửa liền ngẩng đầu lên: “Chị Hà đấy à? Bé Nhi lại có vấn đề gì à chị? Lại sốt? Hay đau?” Bệnh nhân trong khoa này toàn là những người nằm viện trong khoảng thời gian dài, tính bằng tháng bằng năm, nên các y bác sĩ đều có thể nhận ra cả bệnh nhân và người nhà. Hỏi xong, không đợi người được hỏi trả lời, bác sĩ đã đứng dậy, đi thẳng ra cửa: “Để em sang xem xem bé thế nào rồi.”

“Hình như con bé lại đau. Chị thấy con bé mặt mũi nhăn nhó, người cũng co rúm lại, nhưng mà…” Chị không nói được câu tiếp theo, vì có gì đó nghẹn ứ nơi cổ họng, đã chặn lại tất cả những lời chị muốn nói.

Bác sĩ khoác ống nghe lên cổ, cầm bệnh án có ghi ba chữ “Nguyễn Hà Nhi”, bước nhanh về phía phòng bệnh cuối hành lang. Bác sĩ vừa dỗ vừa hỏi hồi lâu, bé Nhi mới nhăn nhó nói ra hai chữ: “Con đau.”

“Lần sau không được nói dối mẹ, biết chưa? Nếu con đau thì con phải nói là con đau, các cô các chú mới cho con dùng thuốc giảm đau được.” Bác sĩ dặn dò cô bé con vài câu, rồi đi ra hành lang cao giọng gọi: “Chị Ánh, tiêm cho bé Nhi một liều giảm đau giúp em!”

Ở trong phòng bệnh, bé Nhi nhỏ giọng lẩm bẩm một mình: “Nhưng tiêm thuốc cũng đau lắm…” Hiện tại, những loại thuốc giảm đau thông thường đã không còn tác dụng gì đối với cơn đau của cô bé. Cho dù là đường uống hay đường tiêm, dùng thuốc xong cơn đau cũng chẳng giảm đi chút nào.

Chị Hà loáng thoáng nghe thấy con gái nói gì đó, tưởng con nói chuyện với mình, nên hơi sốt sắng hỏi lại: “Con vừa nói gì cơ?”

“Không có gì đâu. Mẹ ra hỏi cô bác sĩ xem con có được đón giao thừa không đi.” Bé Nhi lắc đầu, tìm một cái cớ để bảo mẹ đi ra ngoài, không nhìn thấy bộ dạng mình nhăn nhó vì đau đớn nữa.

Cô bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi khu vực bệnh phòng, đang đứng ngay ngoài cửa. Mang theo tâm sự nặng nề đi tới bên cạnh bác sĩ, người mẹ trẻ thở ra một hơi dài thườn thượt: “Bác sĩ… Cho chị hỏi… liệu con bé có sống được qua cái Tết này không? Con bé muốn đón giao thừa với gia đình.” Muốn đón giao thừa với gia đình, một mong ước rất giản đơn, rất bình thường, lại thật khó để khẳng định là có thể thực hiện hay không.

Mọi lời nói của các bác sĩ đều phải trải qua cân nhắc kĩ càng, không thể khiến người nhà và bệnh nhân đánh mất hoàn toàn hi vọng, cũng không thể gieo cho họ những niềm tin và hi vọng hão huyền. Bác sĩ nhìn vào đôi mắt đầy buồn lo của người mẹ trẻ, muốn nói lại thôi mấy lần.

“Nói thật với chị là tình trạng của cô bé hiện tại rất không ổn, tiên lượng cực kì xấu. Hôm thứ hai em đã giải thích với cả chị và anh nhà rồi, đúng là còn nước còn tát, nhưng một khi nước cạn khô, em cũng chẳng biết phải tát cái gì nữa.” Ánh nhìn thương cảm và ái ngại xuyên qua cửa kính phòng bệnh, đọng lại trên đôi môi trắng nhợt của cô bé đang nằm trên giường bệnh.

Một ngày lại trôi qua, với đớn đau nối tiếp đớn đau, càng thêm chồng chất trên thân thể nhỏ bé của cô bé bảy tuổi. Và những giọt nước mắt cứ thi nhau rơi xuống từ hốc mắt của đấng sinh thành.

Cô bác sĩ mới ra trường vài năm đã được chứng kiến quá nhiều thời khắc sinh ly tử biệt ở bệnh viện K chuyên điều trị cho bệnh nhân ung thư, cũng trằn trọc cả đêm trong phòng nghỉ cho bác sĩ. Có cố gắng thế nào, cô cũng không thể ngủ được. Vừa mới nhắm mắt, trong khoảng không tối đen vô tận, cô lại nhớ tới khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu với đôi mắt đen lay láy của cô bé Nhi ngày đầu nhập viện, và khuôn mặt hốc hác cùng đôi mắt đờ đẫn hiện tại. Hai khuôn mặt nhập vào làm một, hướng về cô với ánh nhìn tha thiết. Bên tai cô lại văng vẳng lời nói xen lẫn tiếng nấc nghẹn của mẹ bé Nhi.

“Con bé muốn đón giao thừa với gia đình.”

Lăn qua lật lại cả một đêm, khi trời còn chưa sáng hẳn, cô bác sĩ đã đưa ra quyết định: “Nhất định phải để bé Nhi được đón giao thừa!” Chưa đến giao thừa, thì các bác sĩ và gia đình có thể tạo ra một giao thừa riêng cho cô bé.


734724e4313bfd65a42a.jpg



Ý thức của bé Nhi gần đây hơi mơ hồ, thỉnh thoảng lại chìm vào hôn mê, khi tỉnh lại không biết mình đang ở ngày nào tháng nào. Chỉ có một niềm mong mỏi hết sức mãnh liệt vẫn luôn thường trực trong đầu cô bé, là muốn được sống đến giao thừa, muốn đón giao thừa cùng với gia đình.

Cô bé tỉnh rồi lại mê, mê rồi lại tỉnh vài lần. Lần nào tỉnh lại cũng kéo tay mẹ hỏi: “Mẹ ơi, sắp đến giao thừa chưa mẹ?”

Đôi mắt không có tiêu cự hướng lên trần phòng bệnh. Cô bé cố gắng căng mắt ra, nhưng tất cả những gì nhìn thấy vẫn là một khoảng không trắng xóa. Chỉ mười mấy giây, cô bé đã bỏ cuộc, chớp chớp mắt, khẽ gọi: “Mẹ ơi!”

Mẹ cô bé chưa kịp trả lời. Cô bé cũng quên luôn việc chờ đợi câu trả lời của mẹ, vì một giai điệu hết sức quen thuộc đã truyền vào từ bên ngoài phòng bệnh, là giai điệu của bài hát “Happy New Year”. Sau khi bài hát kết thúc, lại có mấy bài nhạc Tết giai điệu vui tươi nối tiếp nhau vang lên.

Nhìn đôi bàn tay con siết chặt tấm ga trải giường trắng tinh, trên khuôn mặt là nét rạng rỡ đã lâu không thấy, chị Hà nhoẻn miệng cười. Chị cẩn thận gỡ từng ngón tay đang siết chặt ga giường của con, rồi dùng hai bàn tay ấm áp của mình bao trọn bàn tay vừa nhỏ bé vừa gầy guộc lại vừa lạnh lẽo.

“Mẹ đây.” Chị khẽ nói: “Con dậy đúng lúc quá! Sắp đến giao thừa rồi đấy!”

Bé Nhi cười rất tươi, giọng nói cũng hào hứng hơn so với mọi khi, giống như không thể tin được hỏi lại, hơi dồn dập: “Thật à mẹ? Con thật sự được đón giao thừa rồi đúng không mẹ? Còn bố với em Quân, các cô chú bác sĩ đâu rồi ạ? Mọi người không đón giao thừa ạ?”

Hành lang bệnh viện vẫn lạnh lẽo như mọi ngày. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người ta rên rỉ kêu đau hòa lẫn vào nhau, dội vào màng nhĩ người đàn ông đang bế con trai trên tay, bước nhanh về phía cuối hành lang. Đi gần tới phòng bệnh của con gái, anh đã thấy cô bác sĩ điều trị cho con đứng ngay trước cửa. Điện thoại di động trên tay cô đang phát một file âm thanh.

Nhận ra sự xuất hiện của bố và em trai bệnh nhi, bác sĩ đưa ngón tay trỏ lên môi, khẽ “suỵt” một tiếng, nháy mắt ra hiệu với hai người. Người đàn ông khẽ gật đầu, bế con trai vào phòng bệnh đầy mùi thuốc sát trùng.

Khi anh mở miệng, trong giọng nói chẳng hề có chút lo lắng hay buồn bã nào cả: “Công chúa của bố, hôm nay con thấy trong người thế nào? Có đỡ mệt hơn chút nào không?”

“Bố, chúc mừng năm mới.” Cô bé đang nằm trên giường tươi cười, hướng ánh mắt về phía cô bé nghĩ là cửa ra vào.

Người mẹ trẻ nhìn con tươi cười nói chúc mừng năm mới với bức tường, không kìm được nước mắt. Chị luống cuống đứng dậy, cắn chặt môi, chỉ kịp trao đổi một ánh mắt với chồng rồi chạy thẳng ra ngoài.

Cậu bé được bố bế trên tay đòi tụt xuống dưới. Bàn tay nho nhỏ vuốt vuốt bàn tay chị gái, cậu bé nhớ rõ lời dặn của người lớn, ra vẻ trưởng thành nói: “Chúc mừng năm mới chị!”

Sau một loạt ca khúc vui tươi là tiếng đếm ngược và tiếng pháo nổ đùng đoàng. Ngoài hành lang cũng vang lên không ít lời chúc mừng năm mới. Cô bé nằm trên giường bệnh chợt thấy ý thức của mình dần dần trở nên mơ màng. Giữa những âm thanh rộn rã chào mừng một năm mới đến, cô bé trút hơi thở cuối cùng.

Cô bệnh nhân nhỏ kiên cường chiến đấu với căn bệnh quái ác suốt gần một năm đã ra đi khi tuổi đời chưa bước sang năm thứ tám.

Bên ngoài, ánh nắng chiều cuối đông nhảy múa trên các tán cây, sắc vàng rực rỡ dường như cũng ảm đạm đi vài phần khi một sinh linh xinh đẹp rời bỏ thế gian. File âm thanh trong điện thoại di động của cô bác sĩ đã tắt từ lâu. Cô lặng lẽ hoàn thành những thủ tục cuối cùng để xác nhận tử vong cho bệnh nhân, hai hàng nước mắt lạnh lẽo còn lăn dài trên má.

Bệnh nhân Nguyễn Hà Nhi, tử vong vào ngày hai mươi tháng mười hai âm lịch, sau khi đón giao thừa thứ tám của riêng mình.

Tác giả: Nguyên
Bài dự thi "Mùa Tết Quê Tôi"
 
947
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top