Dự thi Giao Thừa

Dự thi Giao Thừa

Tiếng chuông báo thức inh ỏi vang lên làm An thức giấc. Khẽ cựa mình, An với tay lấy chiếc điện thoại bên gối đầu, vội vàng tắt đi thứ âm thanh chán ghét kia. Đưa tay dụi mắt cho tỉnh hẳn, An uể oải đứng dậy, khoác balo lên vai rồi lững thững bước xuống cầu thang.

Vừa ra khỏi nhà trọ đã buốt cả tai vì khí trời lạnh giá, An bất giác so vai, nhưng mau chóng hít một hơi thật mạnh rồi ưỡn thẳng người trở lại. Vì anh tự nhủ không khí này cũng như hoàn cảnh của anh đang trải qua, gian nan nhưng không có tư cách trốn tránh. Chưa đầy mười phút, xe buýt đã xuất hiện, dừng lại trước mặt anh. Bước lên xe, An tìm một chỗ trống rồi ngồi xuống, xung quanh không có ai ngoại trừ người soát vé đang tựa một bên cửa.

An nhìn theo xe buýt, tâm trí tua ngược về thời điểm năm năm trước. Đó là ngày anh vừa tốt nghiệp cấp ba, chuẩn bị lên Đại học. Không lựa chọn thi vào trường Y theo ý của bố, anh bày tỏ mong muốn trở thành ca sĩ, khởi đầu là việc thi vào trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội. Đúng như An nghĩ, bố không ủng hộ anh đi theo ngành viễn vông xa rời như nghệ thuật. Cuối cùng, An lựa chọn rời khỏi nhà, quyết tâm lên thành phố xây dựng tương lai. Mang theo một ánh nhìn kiên định, trái tim sôi sục nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng khát khao được tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật, An quay lưng bước đi, không hề ngoái đầu nhìn lại.

Kim đồng hồ tích tắc trôi qua, mới đó đã hơn một ngàn tám trăm ngày. Trong khoảng thời gian ấy, anh miệt mài tìm kiếm cơ hội ở thành phố nhưng không mấy khả quan. Quanh đi quẩn lại, mãi cho đến lúc này, anh vẫn chỉ là một kẻ vô danh, một ca sĩ không ai nhớ đến. À không, anh không phát hành bài hát, lấy tư cách gì để nhận hai chữ “ca sĩ” đây? Một kẻ say mê âm nhạc có lẽ là danh xưng phù hợp nhất.

Không muốn bị nhấn chìm trong khoảng thời gian chờ xe chạy, An cắm tai nghe vào điện thoại rồi mở nhạc, thanh âm của những bài hát quen thuộc vang lên, anh bất giác ngân nga theo giai điệu của chúng. Mãi cho đến khi bánh xe chuyển động, anh vẫn không hề hay biết mình đã rời khỏi thành phố.

Suốt một quãng đường dài anh chìm đắm trong âm nhạc, hoàn toàn không để ý đến bất cứ điều gì. Với anh, âm nhạc là sự sống, là linh hồn. Tuy nhiên, mãi mà không cơ hội nổi tiếng, anh sinh ra nản chí, muốn buông xuôi, phó mặc tất cả. Qua cuộc trò chuyện cùng với em gái đêm hôm trước, anh quyết định trở về nhà, thăm người bố đang bị bệnh vì làm việc quá sức. Sau cùng, có thể anh sẽ từ bỏ ước mơ, an phận kế nghiệp gia đình.

Chẳng mấy chốc, mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Xe cập bến, An thu dọn hành lý rồi bước xuống. Đặt chân lên mảnh đất quê hương đã bao nhiêu năm xa cách, anh cảm nhận được sự thân thuộc của cái gọi là miền ký ức. Đi dọc một bên đường, anh đưa mắt ngắm nhìn quanh cảnh xung quanh, mọi thứ đã thay đổi ít nhiều nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc vốn có của vùng quê yên bình.

Đi thêm khoảng ba trăm mét, anh rẽ phải vào một con đường nhỏ, cứ thế về tới nhà. Bước qua cánh cổng, anh dừng chân, đưa mắt nhìn khắp căn nhà một lượt. Hít một hơi thật sâu, anh nhẹ nhàng đặt tay lên nắm cửa rồi mở. Cửa không khóa, hẳn là có ai đang ở nhà, anh hy vọng đó không phải là bố.

Nghe tiếng bước chân, Nguyên ló đầu ra khỏi bếp, mắt mở to. Vừa nhìn thấy An, cô bé thoáng ngạc nhiên rồi cất lời:

- Sao bây giờ anh hai mới về? Bố mẹ đi ăn tất niên ở nhà dì Năm rồi.

- Ờ.

An hờ hững đáp lại, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi.

Rửa tay xong, Nguyên đi lên nhà trên. Lấy áo khoác trên ghế sofa, cầm thêm đôi dép trên tay, cô bé hỏi:

- Anh hai đi qua nhà dì Năm ăn tất niên với em không? Nếu biết anh về, bố mẹ sẽ mừng lắm đấy.

- Không! Mày đi đi. Tao chỉ muốn ngủ.

- Dạ! Vậy thôi anh hai nghỉ ngơi đi. Tí em đem đồ về cho ăn.

- Ừ!

Nói chuyện với An được đôi ba câu, Nguyên ra khỏi nhà. Cánh cửa khép lại, chút ánh sáng rọi vào nền gạch cũng biến mất, bóng tối bao trùm lấy An. Ngả người nằm dài trên ghế sofa, anh khoanh tay lại, mắt nhắm nghiền, chìm sâu vào trong giấc ngủ.

Khi An tỉnh dậy đã là bốn giờ chiều. Căn nhà vẫn tối om, An gom hành lý rồi đi thẳng vào trong phòng. Đã năm năm không về, căn phòng này vẫn không hề thay đổi. Xếp đồ đạc gọn vào một góc, anh đi tắm. Lúc tiếng nước chảy dừng hẳn, anh nghe thấy giọng bố mẹ xì xào bên ngoài. Khi trở ra, nhìn thấy họ, anh cất lời:

- Bố Mẹ!

- Sao bây giờ mày mới về hở con? – Bà Tâm nói giọng trách móc rồi bước tới.

Đứng đối diện con trai đã nhiều năm không gặp, bà nhìn một lượt từ trên xuống dưới rồi cảm thán.

- Mẹ thấy mày ốm đi nhiều rồi đấy.

- Con vẫn vậy mà mẹ. – anh đáp lời, ánh nhìn có chút ngại ngùng.

Trái ngược với mẹ, bố anh im lặng không nói, cầm theo cái radio rồi bước vào phòng. Thấy mắt An hơi sụp xuống, bà vội an ủi.

- Dạo gần đây sức khỏe ông ấy không được tốt. Đừng để tâm.

- Dạ!

Căn nhà vẫn trầm mặc như nó vốn có, chỉ có tiếng lạo xạo ở dưới bếp. Chắc Nguyên đã về trước, đang nấu cơm, An nghĩ.

Bữa tối được dọn lên sau đó một tiếng. Đón con trở về, bà Tâm liên tục gắp thức ăn vào chén An cùng giọng nói ngọt ngào:

- Ăn đi! Ăn cho có sức mà làm việc.

- Dạ!

An lí nhí đáp. Cầm bát cơm trên tay, anh chậm rãi ăn từng chút một. Từ nãy đến giờ, anh không dám nhìn bố, cũng không dám lên tiếng. Cứ nghĩ tới lời nói năm xưa, anh lại thấy hổ thẹn. Bao nhiêu năm trôi qua, anh bây giờ chẳng khác gì lúc trước, vẫn là một kẻ vô danh, không ai nhớ mặt đặt tên.

- Công việc sao rồi? Có ổn không?

Bố anh lên tiếng. Cũng như anh, ông không nhìn con mà chỉ lặng lẽ cất lời. Nén một tiếng thở dài, An đáp:

- Con định… ở nhà giúp bố trông coi tiệm cá.

- Không cần bận tâm, bố vẫn chưa chết được. Lo cho tương lai của mày đi, đừng có chút khó khăn đã bỏ cuộc. Một khi đã quyết tâm thì phải làm cho bằng được chứ?

- Nhưng…

- Mày đừng làm mất mặt bố.

Nói xong, ông đứng dậy, bỏ chén cơm còn dang dở xuống bàn. Khi dáng người hao gầy của ông khuất sau cánh cửa, An thấy mắt mình ươn ướt.

- Đừng nghĩ nhiều, bố mày thương mày lắm đấy.

An biết điều đó. Mỗi lần gọi điện cho An, mẹ anh đều kể là bố anh bắt gọi. Ông không trực tiếp nói hỏi thăm, chỉ ngồi bên bà Tâm để nắm bắt tình hình của con. Việc bố bị bệnh thoái hóa cột sống là do Nguyên mách, còn bố mẹ thì tuyệt nhiên không hé nửa lời.

Mãi một lúc sau, An mới gật đầu, lặng lẽ ăn cho xong bữa cơm.

- Cánh gà anh hai thích ăn nhất này, em nhường đó, sau này nổi tiếng nhớ cho em một chân đi làm trợ lý nhé!

- Cái con bé này, lo ăn đi rồi con rửa chén.

Nghe mẹ nói, Nguyên thở ra một hơi dài thườn thượt, môi vểnh lên:

- Giờ mẹ có con trai yêu quý rồi, đâu cần đứa con gái này nữa.

Vừa nói Nguyên vừa thở dài, lắc đầu với vẻ mặt chán nản.

- Đúng rồi! Mày là con ghẻ, mau mau lấy chồng cho mẹ rảnh nợ - bà Tâm nhìn Nguyên, mặt cười cười nói.

Nguyên bĩu môi không đáp, tiếp tục ăn.

Ngồi chứng kiến mẹ và em gái lời ra tiếng vào, An chỉ biết cười trừ. Đã lâu lắm rồi cậu mới thấy trái tim mình ấm áp trở lại.

Đêm đó nằm trên giường, An nhìn lên trần nhà nghĩ ngợi. Trong đầu anh, viễn cảnh về ngày bản thân nổi tiếng, được đứng trên sân khấu lớn, nghe tiếng reo hò cuồng nhiệt của người hâm mộ vẫn chưa hề mất đi. Hình ảnh đó trôi qua trong tâm trí chưa được bao lâu, An đã ngủ say.

- Bà ơi!

- Đàn ông không được khóc. Phải mạnh mẽ lên chứ.

Như ngày còn thơ, bà vuốt nhẹ mái tóc An, ánh mắt vô cùng trìu mến.

An gật đầu, lau vội dòng nước mắt rồi ngồi dậy. Khi bình tâm trở lại, An nở nụ cười đắng chát:

- Có phải con vô dụng lắm phải không bà? Đã đi theo đuổi ước mơ bao nhiêu năm mà chẳng thể nổi tiếng được.

Cảm thông cho suy nghĩ của đứa cháu còn trẻ người non dạ, bà lắc đầu an ủi:

- Ít ra con còn còn có ước mơ. Chỉ cần có ước mơ, kiên trì theo đuổi, con sẽ thành công. Tin bà đi, con cứ cố gắng hết sức mình, không cần biết là bao lâu, rồi con sẽ đạt được điều mình muốn. Hứa với bà nhất định không được bỏ cuộc.

- Dạ!

Được bà tiếp thêm động lực, An cảm nhận được máu mình đang sục sôi, nhiệt huyết căng tràn trong lồng ngực. Trên chiếc giường đã cũ, An bất giác nở một nụ cười, khuôn mặt rạng rỡ hơn hẳn. Một lúc sau, màn sương phủ đầy trong tầm mắt, che đi dáng vẻ của người bà quen thuộc, An giật mình tỉnh giấc. Ngồi trên giường, An hồi tưởng lại giấc mơ vừa qua, tự nhủ:

- Nhất định con sẽ làm được.

Lấy điện thoại nằm bên gối đầu, anh bật nút mở nguồn, ánh sáng xanh phản chiếu khuôn mặt anh tuấn của An. Màn hình hiển thị ba giờ năm phút. Không ngủ được nữa, An bước xuống giường, xỏ dép rồi đi nhẹ ra ngoài. Dừng lại trước bàn thờ của bà nội, anh thắp nhang, khấn ván thật thành tâm. Nhìn di ảnh của bà đang mỉm cười, anh cười lại, cả người như thể được khoác lên mình một sức sống mới.

Không đợi đến khi mặt trời ló dạng, An để lại vài chữ, khoác balo trên vai rồi lên đường, rời khỏi căn nhà còn đang ngủ say. Ra tới đường quốc lộ, anh đón xe trong cái khí lạnh của những ngày cuối năm, bất giác run lên. Ngang qua những ngôi nhà còn đỏ lửa trước, nồi bánh chưng thơm lừng bên bếp lửa, An chợt nhớ về ngày mình còn thơ. Khi đó, không khí Tết cũng ấm áp như bây giờ. Lần này trở về, anh đã cho mình thêm cơ hội để bước tiếp. Rồi mai đây khi thành công, anh sẽ trở về với tất cả những điều tự hào nhất. Từ sâu trong tim mình, An tin chắc ngày đó sẽ không còn xa nữa.

Quay lại nơi mình thất bại, An không từ chối bất cứ cơ hội nào. Với niềm tin kiên định, An làm việc cật lực, bất kể ngày đêm. Từ việc hát ở câu lạc bộ, phòng trà cho tới các chương trình thiện nguyện, An đều chấp nhận. Chỉ cần được hát, với cậu ở đâu cũng là khởi đầu tốt, ở đâu cũng sẽ có cơ hội được tỏa sáng.

Mới đó đã gần một tuần xa nhà, An thấy suy nghĩ của mình thay đổi rất nhiều. tuy chưa có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp nhưng An tin mình đang đặt những viên gạch đầu tiên, tạo bệ phóng tương lai sau này. Chong đèn trong phòng trọ, một tay cầm guitar, một tay cầm bút, An đang viết những ca khúc đầu tiên trong cuộc đời mình. Thay vì hát bài hát của người khác, cậu sẽ thể hiện mình qua các sáng tác cá nhân. Cùng lúc đó, chuông điện thoại reo vang, An bắt máy.

- Ngủ chưa?

- Dạ chưa anh. – người gọi đến là quản lý phòng trà nơi An đã từng biểu diễn.

Không vòng vo, Minh đi thẳng vào vấn đề chính:

- Tết này cậu không về quê đúng không?

- Dạ, em mới về nên không về nữa.

- Vậy đêm giao thừa cậu có rảnh không? Chẳng là anh có một người bạn muốn tìm người hát cho trại trẻ mồ côi, chợt nhớ đến cậu nên anh gọi hỏi thử, tuy thù lao không cao nhưng trải nghiệm ở môi trường mới cũng là một cái hay. Cậu thấy sao?

Mấy ngày cuối năm, An cũng không có lịch trình gì cụ thể, nếu ở một mình trong phòng trọ thì cũng buồn, anh nghĩ. Vì vậy, An nhận lời.

- Vậy hẹn gặp cậu vào cuối tuần nhé. Tôi cũng sẽ đến ủng hộ cậu.

- Cảm ơn anh.

Kết thúc cuộc gọi, An sáng tác xong bài hát rồi đi ngủ.

Mấy ngày trôi qua, cậu đến sinh hoạt ở câu lạc bộ rồi trở về phòng. Trong lúc chờ biểu diễn ở trại trẻ mồ côi, cậu cẩn thận lựa vài bài hát phù hợp với trẻ em. Chuẩn bị xong, cậu thu dọn ít đồ để vào balo, mai lên đường tới ngoại ô thành phố.

Tờ mờ sáng, An đã thức dậy. Một bên là đàn guitar, bên còn lại khoác balo, An bước ra khỏi phòng, hướng về phía đường quốc lộ mà đi. Ở đó, Minh đã chờ sẵn.

- Đi thôi!

Theo chân quản lý của phòng trà, An di chuyển tới trại trẻ mồ côi.

Sau khi An được Minh giới thiệu với mọi người, anh về phòng, chuẩn bị cho mấy tiết mục tối nay. Đêm xuống, gió lùa qua ô cửa làm lung lay mấy tấm rèm cửa. An cầm theo đàn guitar đi ra ngoài, tiến về sân khấu được đặt giữa khoảng đất rộng rãi. Qua vài câu trình bày mục đích của buổi văn nghệ ngày hôm nay từ phía MC, An bước lên sân khấu. Dưới ánh đèn rực rỡ, cậu ngồi trên ghế, tay ôm đàn guitar ngân nga tiếng hát. Đám trẻ mồ côi xì xào một hồi rồi im lặng, đắm mình trong lời ca tiếng hát của người nghệ sĩ trẻ ôm nhiều mộng mơ, trong số đó có hai chị em nhìn anh chăm chăm, không hề rời mắt cho tới khi phần trình diễn kết thúc. Không có tiếng vỗ tay nào, mấy đứa trẻ quay sang nói chuyện với nhau, An mỉm cười, lặng lẽ trở về nơi ở được sắp xếp.

Nằm trên giường, giữa bốn bức tường, An trằn trọc mãi, không sao chợp mắt được. Sau vài lần thở dài, Anh ngồi bật dậy, cầm theo cây guitar ở góc phòng đi ra ngoài. Không muốn ảnh hưởng tới mọi người, An đi lui sau trại trẻ mồ côi, ngồi bên tảng đá, nhìn vào màn đêm tĩnh mịch rồi bắt đầu gảy lên những âm thanh đầu tiên, cất tiếng hát.

“Ngày xanh trôi nhanh hơn khi xưa ta nghĩ, lúc ấy chỉ muốn mau lớn khôn, để không ai gọi trẻ con…”

Khi bài hát vừa kết thúc, một giọng nói cất lên:

- Anh có thể hát bài đó một lần nữa không?

Giật mình, An ngoái đầu nhìn lại. Ở ngay lối cầu thang, một cô bé tầm 12 tuổi đang nhìn về phía anh, ánh mắt trong veo tựa như mặt hồ. Khẽ mỉm cười, An hỏi:

- Em thích nó sao?

- Anh hát đi. – cô bé giục.

Thấy nó muốn nghe, anh lại tiếp tục say sưa đàn hát. Giai điệu cuối cùng kết thúc, An nghe thấy tiếng vỗ tay.

- Anh hát hay lắm, em thích giai điệu của bài hát. Bài này tên gì vậy anh?

- Tên là… - An ngập ngừng một lúc rồi nói –… ai cũng có ngày xưa.

- Tối mai anh có ra đây hát nữa không?

- Có. Nếu em muốn nghe, anh sẽ hát thêm các bài khác nữa.

Lần đầu tiên có người yêu thích sáng tác của mình, An hào hứng hơn hẳn.

- Không! Em chỉ thích bài này thôi!

Nói xong, cô bé đứng dậy, mất hút sau lối đi ở cầu thang.

Giao Thừa - Trần Hàn.jpg


Cũng như hôm trước, An trình bày thêm mấy bài hát mình đã chọn cho tụi nhỏ nghe. Hát xong, An phóng tầm mắt bao quát hết bên dưới thì bắt gặp cô bé hôm qua đang vòng tay ôm lấy một cậu em trai. Chạm phải ánh mắt anh, cô bé nhìn sang chỗ khác. Bất giác mỉm cười rồi lắc đầu, An về phòng. Vì đêm qua thức khuya nên cơ thể mệt mỏi, An lên giường đi ngủ.

Chợp mắt không bao lâu, An nghe thấy tiếng gọi cửa dồn dập. Lờ mờ mở mắt, An bước xuống giường, đi ra ngoài.

- Mau giải tán nhanh, cháy rồi!

An chỉ nghe ai đó nhắc, hoàn toàn không nhìn thấy được khuôn mặt của anh ta. Không nghĩ nhiều, An ôm đàn guitar rồi bỏ chạy.

Trại trẻ mồ côi bốc cháy – một khung cảnh thật hỗn loạn. Từ dưới lòng đường nhìn lên, cả một khoảng trời mịt mù sương khói. Người ra người vô nườm nượp, họ dắt tay nhau rời khỏi đó.

- Đi nhanh lên!

Một người phụ nữ tay bế tay bồng kéo theo mấy đứa trẻ chạy xuống từ cầu thang bộ. Những người khác cũng nối đuôi theo, ai ai cũng đều hốt hoảng, gương mặt lấm lem, bước chân trở nên vội vã. Trẻ con thì khóc ré lên, người trẻ thì chạy thụt mạng, người già thì ho sặc sụa bởi làn khói vương vít xung quanh.

Vừa tới chân cầu thang, An đã bị giữ lại. Quay sang, anh thấy cô bé hôm qua mếu máo khóc cầu xin:

- Anh ơi! Anh giúp em tìm em trai em được không? Em bị lạc nó trong lúc bỏ chạy rồi, tìm mãi mà không thấy.

- Em lạc nó chỗ nào? – An hỏi vội, lúc này trong đầu cậu nhớ lại hình ảnh của đứa bé lúc tối.

- Chắc là… lúc xuống cầu thang.

Đưa đàn guitar cho cô bé, An dặn:

- Ra bên ngoài đợi anh, anh sẽ tìm em trai cho em.

Nói xong, anh chạy ngược trở lên, mặc cho lửa đang lan rộng.

Vì không tìm được chị, thằng bé nép sau cánh cửa của hội trường, mếu máo khóc. Mãi một lúc sau, trước khi nó ngất đi, An cũng đã tìm thấy. Lấy thân mình che chắn cho cậu bé, An ôm cậu trở ra. Trước khi tới được cầu thang bộ, đòn tay bị lửa thiêu, rớt xuống đè lên người anh. Lúc đội cứu hỏa tới, anh đã tắt thở, đứa bé thì không hề hấn gì.

***

- Cũng như năm ngoái, hôm nay tôi xin phép được trình bày ca khúc: “Ai cũng có ngày xưa”, một sáng tác của nhạc sĩ An. Nếu không có anh ấy, sẽ không có tôi ngày hôm nay.

Linh Đan vừa dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Khi mọi thứ chìm vào im lặng, ánh đèn sân khấu mờ dần, trong bóng tối, cô cất tiếng hát, bao nhiêu kỷ niệm của ngày xưa ùa về. Hát xong bài này, cô sẽ trở về nhà đón giao thừa cùng với em trai, chờ đợi pháo hoa nổ tung trên bầu trời. Tương lai đang chờ cô ở phía trước, dù bây giờ đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng, cô vẫn không sao quên được hình ảnh của chàng trai trẻ ôm guitar hát nghêu ngao trong đêm tối hôm đó.

Bài hát kết thúc, ban nhạc ngừng đánh, tiếng vỗ tay một lần nữa lại vang lên, khóe mắt ai cũng rưng rưng, bao gồm cả cô. Sân khấu sáng đèn, Linh Đan mỉm cười cúi đầu chào khán giả. Trong làn nước mắt nóng hổi chưa kịp khô, cô lờ mờ thấy bóng dáng của chàng trai trẻ năm xưa. Lau vội dòng nước mắt, Linh Đan nhìn kĩ khắp khán phòng một lần nữa nhưng chỉ toàn những gương mặt xa lạ. Cô thở ra một hơi, lùi bước về sau cánh gà.

Ngoài trời, người ta kéo nhau về nhà, chuẩn bị xem pháo bông chào đón năm mới sắp ghé thăm.





* Lời bài hát “Ai cũng có ngày xưa”, sáng tác và thể hiện: Phan Mạnh Quỳnh.

* Nguồn ảnh: Pinterest
Tác giả: Trần Hàn
Bài dự thi "Mùa Tết quê tôi"
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
#tacgiatranhan #giaothua #noitieng
  • Like
Reactions: Phong Cầm
814
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top