Giữa hai người - Tập thơ đáng yêu

Giữa hai người - Tập thơ đáng yêu

Thơ tình Lý Hoài Xuân được xe bằng những dây tơ tình mỏng mảnh thành ra những sợi bền chắc da diết tình người, tình đời. Nó vô hình mà có sức “trói”. Nó “trói buộc” người ta bằng cái thật thà, hồn nhiên: thi sĩ không biết nói dối! Người đời, ai không mê thích cái đẹp. Nhưng mà mê thích rồi vin cớ “không dối” để bất chấp, càn bậy, vơ lấy cho riêng mình thì đó là hạng người tham, không biết tự trọng. Đọc Lý Hoài Xuân, bất ngờ tôi gặp những câu thơ thật thánh thiện:

Thích thế, cái làn hương

Bước qua rồi, ngoảnh lại

Muốn đến gần để hái

Nhưng sợ buồn cho cây

(Hoa ấy)


Bài thơ “Giữa hai người”, nhân vật thứ ba - con “người thừa” “lâm trận” bị rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng may còn biết tự chủ, vì thế người ta khen cách cư xử đẹp của “chàng thơ” và đây chính là “thông điệp” của thi sĩ đa tình gửi đến người đọc:

Thương tôi em biết kiệm lời

Thương em tôi buộc lòng ngồi xa em

Một người lạ hai người quen

Bồi hồi chén rượu tỏa men thơm nồng


Hầu hết các bài thơ trong tập được viết bởi một phong cách giản dị. Có những bài giản dị đến mức không thể nào giản dị hơn, nhưng ý tưởng toát ra từ những tứ thơ ấy thì lại không giản dị, đơn sơ chút nào. Ở “Bài thơ quả sấu rừng anh viết:

Mời nhau quả sấu giòn tan

Cười vui, em bảo: - Anh làm thơ đi!

Xốn xang anh biết viết gì

Câu thơ muốn ngọt, sấu thì lại chua


Tôi ưa lấy “Câu thơ muốn ngọt, sấu thì lại chua” để làm đề tài cho tập thơ này.

Thơ Lý Hoài Xuân có những bài chứa đựng tính triết lý sâu sắc, chất thế sự nung nấu ẩn bên trong một hình thức giản dị. Chẳng hạn bài “Của rơi”, thơ bốn chữ, hình thức, nhịp điệu, ngôn từ chẳng khác gì bài đồng dao, ấy vậy mà tính triết lý thật không nông cạn chút nào. Tôi cho đây là một bài thơ tạo dựng được tứ thơ độc đáo của Lý Hoài Xuân. Xin chép ra đây mấy câu cuối của bài để người đọc cùng suy ngẫm:

Bởi vì sợ mất

Em đã buộc anh

Bằng nhiều sợi chặt

Bởi vì sợ trói

Anh tuột khỏi em

Lại nằm trên cỏ


Thơ viết về mẹ, Lý Hoài Xuân viết bằng chính tâm can mình nên nó thật và có sức thuyết phục bởi sự phát hiện bất ngờ và cách nói giản dị của anh:

Suốt mùa cấy mẹ đi lùi

Bàn chân vết nứt đất vùi hóa nâu

(Dáng mẹ trên đồng)

Giữa vòng tay mẹ ấm lưng

Tôi đâu biết mẹ tận cùng khổ đau

(Đêm mơ gặp mẹ)


Để nhận thức ra nỗi “tận cùng khổ đau” của mẹ phải bằng cái giá rất đắt: Mẹ không còn tồn tại trên mặt đất này. Lý Hoài Xuân phần nào đã giúp chúng ta tự nhìn lại mình một cách nghiêm túc và xót xa hơn.

Ở trên có nói thơ Lý Hoài Xuân ở tập này là thơ tình - thế sự. Anh đã cố gắng thể hiện rõ chất trí tuệ qua cảm xúc trong rất nhiều bài thơ, trong sự đa dạng về hình thức, thể loại. Có thể anh muốn thể nghiệm năng lực thơ của mình về mặt bút pháp, cũng có thể để tránh sự đơn điệu giọng thơ.

Những bài Thao thức Lũy Thầy”, “Bài ca đàn chim Lạc”, “Xao xuyến Quảng Bình Quan, “Cát”, “Với ông nội” là những bài thơ đậm sắc chất suy tư thế sự. Anh buồn, cái buồn sâu vì sự bất lực của thế hệ con cháu không kế tục nổi cái hồn văn hóa của cha ông. Anh “thao thức” bởi một Lũy Thầy đã “hoang phế”, có còn chăng chỉ còn trong ý niệm của những ai biết coi trọng lịch sử. Bài thơ vì thế nó cồn cào một dấu chấm hỏi lớn cho bây giờ, cho mai sau. Bài thơ khoáng đạt, lãng mạn nhờ một câu kết “thả neo” của anh:

Ước gì đứng trước biển Đông

Cùng Thầy chạm ốc rượu nồng hầu thơ

(Thao thức Lũy Thầy)

Thơ Lý Hoài Xuân thể hiện được chiều sâu. Chẳng hạn ở các bài Huế trước ngày anh xa”, “Bài ca đàn chim Lạc”…

Lý Hoài Xuân có ý thức “kiêng khem” trong việc dùng từ ngữ. Anh không thích đại ngôn. Cái tạng của anh nói năng nhỏ nhẹ, dễ hiểu, chừng mực, pha một chút triết lý, lại “lúng liếng” quá đi một chút đa tình…



Nhà thơ

DIỆP MINH LUYỆN
 
Từ khóa
lý hoài xuân lyhoaixuan nhatholyhoaixuan tholyhoaixuan
  • Like
Reactions: Phong Cầm
539
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top