Baivanhay Hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài

Baivanhay Hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài

Ta biết đến một Nguyễn Minh Châu qua ngòi bút văn chương sắc sảo luôn khơi dậy trong lòng độc giả nhiều lớp sóng suy tư, băn khoăn, day dứt về cuộc đời, về những người xung quanh, về chính bản thân mình. Một nhà văn đầy bản lĩnh và kinh nghiệm như thế tất nhiên sẽ có một nhận thức sâu sắc đầy đủ về mối quan hệ giữa đời sống với văn chương. Và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” có thể nói chính là hệ quy chiếu sáng rõ cho nhận định, cho quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

4843



Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Văn học và đời sống là những đường tròn đồng tâm và tâm điểm chính là con người.” Từ việc phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn này hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Bài làm​

Nếu như trong vở kịch “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng đã khẳng định: “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi”, hay trong truyện ngắn “Giăng sáng”, Nam Cao đã tha thiết: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối” thì với “Chiếc thuyền ngoài xa” Nguyễn Minh Châu cũng góp thêm một cái nhìn về vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật đích thực và hiện thực cuộc sống, ông chỉ ra rõ tâm điểm của bức tranh cuộc sống, văn học đó chính là “CON NGƯỜI”. Bởi lẽ như nhà văn từng quan niệm: “Văn học và đời sống là những đường tròn đồng tâm và tâm điểm chính là con người”. Với tác phẩm của mình, và cụ thể qua việc miêu tả, khắc họa nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nhà văn đã giúp cho người đọc hiểu được hành trình khám phá hiện thực ở bề sâu và cũng là khám phá hạt ngọc ẩn dấu, khuất lấp trong mỗi con người, khám phá được tâm điểm của bức tranh văn học - cuộc sống.

Ngay từ trong chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã mong mỏi làm sao để người viết có thể ôm cho hết vòng tay của mình hiện thực bề bộn của cuộc sống, để mỗi tác phẩm viết ra người đọc có thể thấy dáng dấp và nhịp sống thực của họ trên trang sách. Khi đất nước đã vắng tiếng đạn bom, ông vẫn là người ý thức rất rõ về điều này. Mỗi tác phẩm của ông là một sự tiếp xúc hiện thực ở cự ly gần không gian, trong lòng người. Và với nhân sinh quan sâu sắc, Nguyễn Minh Châu đào xới ngòi bút của mình gắn chặt với những băn khoăn trăn trở về số phận con người, đó là những con người bình thường ở trong đời sống bình thường. Giữa văn học và hiện thực đời sống luôn có sự gắn bó mật thiết mà Nguyễn Minh Châu gọi là “hai vòng tròn đồng tâm”. Và điều đáng chú ý ở đây là tâm điểm của hai vòng tròn ấy, tâm điểm của khám phá nghệ thuật đó chính là con người. Với phép so sánh sinh động, thú vị, ta nhận ra con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học. Đồng thời con người cũng là hệ quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề trong xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Bên cạnh sự khẳng định rất đúng đắn bản chất, thiên chức của văn chương chân chính, nhà văn còn nhấn mạnh về tư chất của người cầm bút - những người phải “mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người”. Chính vì lấy con người làm tâm điểm khám phá nên yêu cầu nhà văn phải là nhà nhân đạo chủ nghĩa. Những “niềm hân hoan say mê, nỗi đau đớn khắc khoải, mối quan hoài thường trực về số phận và hạnh phúc của những người xung quanh mình” là cung bậc cảm xúc khác nhau của nghệ sĩ nhưng chúng đều xuất phát từ tấm lòng nhân hậu cao cả, tình yêu thương sâu sắc của người cầm bút. Như vậy qua ý kiến này, Nguyễn Minh Châu muốn khẳng định mục đích cuối của văn chương luôn là con người và những người viết nên trang văn, trang thơ phải là những nhà nhân đạo thực sự. Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn!

Ta biết đến một Nguyễn Minh Châu qua ngòi bút văn chương sắc sảo luôn khơi dậy trong lòng độc giả nhiều lớp sóng suy tư, băn khoăn, day dứt về cuộc đời, về những người xung quanh, về chính bản thân mình. Một nhà văn đầy bản lĩnh và kinh nghiệm như thế tất nhiên sẽ có một nhận thức sâu sắc đầy đủ về mối quan hệ giữa đời sống với văn chương. Và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” có thể nói chính là hệ quy chiếu sáng rõ cho nhận định, cho quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn ra đời năm 1983, khi cuộc chiến tranh chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, chúng ta trở về muôn mặt của đời thường, từng bước đi lên xây dựng cuộc sống mới. Tại đây, nhà văn đi khám phá về những tầng bậc sâu xa của cuộc sống, số phận cũng như vẻ đẹp tâm hồn của con người, cụ thể nhìn đối tượng soi chiếu xoay quanh và kết tinh qua nhân vật người đàn bà hàng chài. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn mang đến một cách nhìn nhận cuộc sống con người với những trăn trở thấm đẫm tinh thần nhân đạo của Nguyễn Minh Châu.

Sau những năm tháng chiến tranh vất vả, gian lao mà oai hùng vẻ vang, thế hệ những nhà văn như Nguyễn Minh Châu đi tìm cảm hứng mới cho những sáng tác của mình. Với cảm hứng thế sự rất gần gũi, những sáng tác của Nguyễn Minh Châu thời hậu chiến mang hơi thở của thời đại, xoáy sâu vào số phận vẻ đẹp con người trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn. Đó cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của tinh thần nhân đạo trong ngòi bút nghệ sĩ này. Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tinh thần nhân đạo của tác giả được thể hiện rõ qua số phận éo le, đau thương đầy nghịch cảnh của người đàn bà hàng chài.

Truyện mở đầu trong khung cảnh miền biển đầy thơ mộng với phát hiện quý giá của nhiếp ảnh gia tên Phùng. Nhưng trớ trêu thay, sau phát hiện về cảnh biển đẹp như bức tranh mực tàu ấy, Phùng đã phải chứng kiến một cảnh tượng xấu xí, tàn nhẫn. Câu chuyện bắt đầu và xoay quanh nhân vật chính - người đàn bà hàng chài. Đây là người đàn bà không tên, điển hình cho những người phụ nữ có số phận bất hạnh nhưng giàu tình thương yêu. Người đàn bà đó có ngoại hình trạc ngoài 40, cao lớn với những đường nét thô kệch, mặt rỗ và tấm lưng áo bạc phếch. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ. Có lẽ chăng đây chính là chân dung con người có một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, sinh ra để gánh vác công việc, để chèo chống với phong ba! Con người chỉ vì xấu xí nên cơ hội hạnh phúc ít hơn những người khác. Bệnh đậu mùa khiến chị rỗ mặt. Mặc dù gia đình khá giả, có nhà ở trên phố nhưng vì ngoại hình xấu xí nên không nên duyên với ai. Người đàn bà lại có mang với một anh con trai nhà hàng chài hay đến nhà mua đồ về đan lưới nên họ đã trở thành vợ chồng. Hoàn cảnh gia đình ấy cũng nghèo khổ và thiếu thốn. Một gia đình đông đúc trên một con thuyền chật hẹp nghèo túng quanh năm. Những ngày không đi biển được, cả nhà phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Cả nguồn sống của ngần ấy miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào biển cả khi dịu êm, khi phong ba bão táp.

Không chỉ vậy, người đàn bà hàng chài còn phải chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của cảnh bạo lực gia đình. Người chồng của chị vốn hiền lành nhưng cục tính, bị cái nghèo, cái khổ và nỗi vất vả đè nặng nên biến đổi tâm tính trở thành kẻ vũ phu, thường xuyên đánh vợ để giải tỏa những khó chịu, ấm ức “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, cứ khi nào lão thấy khổ quá lại lôi vợ ra đánh, trút giận với những lời lẽ cay độc”. Người đàn bà chỉ nhẫn nhịn chịu đựng “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn”. Những khổ sở, dằn vặt về tinh thần: khi phải chứng kiến đứa con căm ghét bố đến tột cùng mà mình không có cách nào để xóa đi sự thù hằn đó, người đàn bà đã ý thức được sự nguy hiểm của cái ác và thói côn đồ hình thành trong lòng đứa con. Chị đã cho con về sống với ông ngoại ở trên rừng nhưng mỗi lần đi cùng ông chở gỗ về miền biển, thằng bé lại không thể làm ngơ khi mẹ bị đánh. Với sự bồng bột của tuổi trẻ, đứa con đã ném hận thù về phía người cha và sẵn sàng giấu con dao trong người để giết cha, khiến người mẹ vô cùng đau đớn. Nỗi đau này lớn hơn nỗi đau thể xác. Có nỗi đau nào đau khổ hơn khi là mẹ mà phải chứng kiến con hận cha, gia đình tan nát, không có yêu thương chỉ có hận thù?

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tái hiện tất cả đó qua câu chuyện của người đàn bà nơi tòa án huyện. Người đọc không thể nào quên những hình ảnh một người phụ nữ miền biển mang trong mình nỗi đau khổ, sự nhẫn nhục của một cuộc đời lam lũ, vất vả đến cùng cực. Nhà văn đã khơi gợi trong người đọc sự cảm thông sâu sắc với những số phận như người đàn bà này. Nếu không có một tấm lòng nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Minh Châu làm sao có thể viết nên những trang văn là những trang đời thấm đượm tình người như thế!

Ngòi bút khám phá con người của Nguyễn Minh Châu còn được thể hiện qua sự phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn của con người dù sống trong tăm tối khó khăn. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn, phẩm chất của người đàn bà hàng chài. Ẩn sau một số phận nghiệt ngã, những biểu hiện có phần nhu nhược, yếu đuối lại là một tấm lòng sáng ngời. Người đàn bà hàng chài là một người vợ thương chồng, một người mẹ thương con. Chị chấp nhận, cam chịu bị đánh không kêu ca, không trốn chạy bởi chị hiểu trong cuộc sống mưu sinh đầy gian khổ trên con thuyền rất cần người đàn ông dù người đàn ông ấy có man rợ, tàn bạo. Vì cuộc sống của những đứa con, chị thà bị đánh chứ không chịu bỏ chồng. Chị đã từ chối lời đề nghị giải thoát khỏi lão chồng vũ phu với lí lẽ: “Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như trên đất được”. Đây là cách ứng xử thể hiện tình yêu thương con vô bờ. Tấm lòng người mẹ còn ôm ấp nghẹn ngào, gọi con, ôm chầm lấy con, đau đớn khi con đã chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Người phụ nữ sống vì gia đình ấy là hiện thân cho một tấm lòng nhân hậu, vị tha. Chị có một cái nhìn rất thương cảm với chồng. Nếu nghệ sĩ Phùng nhìn người đàn ông dưới góc độ lí lịch, thành phần, chánh án Đẩu nhìn người đàn ông dưới góc độ pháp luật, thằng Phác nhìn người đàn ông dưới con mắt trẻ thơ thì chỉ duy nhất người phụ nữ - nạn nhân của bạo hành gia đình lại nhìn anh ta dưới con mắt thương cảm bởi chị hiểu lí do vì sao người chồng lại trở nên độc ác như vậy. Đó là vì cái đói cái nghèo, vì gánh nặng mưu sinh đã ghì con người ta xuống sát đất, biến đổi cả tâm tính con người. Trong khi mọi người nhìn người đàn ông như một ác nhân thì người phụ nữ nhìn anh ta như một nạn nhân. Chị luôn chắt chiu, trân trọng những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, đời thường: vui nhất khi nhìn đàn con được ăn no, khi vợ chồng, con cái sống vui vẻ, hòa thuận. Người đàn bà hàng chài dường như không biết nghĩ đến mình, đối xử với mọi người bằng tình thương và sự đồng cảm.

Chị tuy thất học nhưng có cái nhìn sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời, thấu tình đạt lí. Chị xuất hiện ở tòa án huyện trong tâm thế bị động, không tự nguyện và cũng không muốn viết đơn bỏ chồng. Khi mới bước chân đến tòa án, chị tỏ ra rất lúng túng và sợ sệt, xưng hô lễ phép “con” - “quý tòa” và nhìn xung quanh với ánh mắt lo sợ. Nhưng khi nghe lời khuyên và hiểu thiện chí của Đẩu, của Phùng, chị thay đổi thái độ: từ chối lời đề nghị giúp đỡ, đau đớn đánh đổi mọi giá để không phải bỏ chồng, đưa ra những lí do bằng việc kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Qua câu chuyện ta thấy được trong sự cam chịu, nhẫn nhục đầy vô lí ấy lại chứa đựng cái lí của sự hi sinh. Có thể thấy sự sắc sảo, hiểu biết, thấu hiểu lẽ đời ở người phụ nữ này không bộ lộ, hiển hiện ở bên ngoài mà được cất giữ, giấu kín ở bên trong. Đây là người phụ nữ khiêm nhường, dù biết tất cả nhưng không chọn cách sống cho riêng mình.

Đã có những sự thay đổi trong cách nhìn nhận cuộc sống để nhà văn phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ này - cách nhìn đa chiều, không dễ dãi, giản đơn và thấm đượm tình người. Tất cả đó xuất phát từ tinh thần nhân đạo trong trái tim người nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu.

Cùng với việc thể hiện thế giới quan của mình về cuộc sống, con người, toát lên từ trang văn ấy, ta còn nhận được một điều gì cao cả hơn như vậy, phải chăng chính là tư tưởng của Nguyễn Minh Châu qua sự khám phá đó. Đó là một tấm lòng cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ, bất hạnh của người phụ nữ; đau đớn trước tình trạng bạo hành gia đình, trước những bi kịch của con người trong cuộc sống thời bình.

Bên cạnh đó tác phẩm còn thẫm đượm hồn văn của một trái tim luôn khắc khoải, băn khoăn, trăn trở, suy tư sâu lắng về những vấn đề của đời sống nhân sinh, của nghệ thuật. Đời sống vốn phức tạp, đầy bí ẩn, chứa đựng vô vàn những nghịch lý nên liệu có thể nhìn cuộc đời bằng cái nhìn giản đơn, dễ dãi, xuôi chiều? Chiến tranh đã qua đi nhưng cuộc đời của những con người lao động nghèo khổ sẽ như thế nào, liệu có tươi sáng hơn? Tương lai của những đứa trẻ như thằng Phác sẽ ra sao? Phải chăng cuộc chiến chống đói nghèo, tăm tối còn gian nan, quyết liệt hơn cả cuộc đấu tranh chống ngoại xâm? Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, sao cho con người ngày một tốt hơn; đã đến lúc văn học phải viết về con người, trước sau con người cũng leo lên trên sự kiện để đòi quyền sống? Người nghệ sĩ cần ứng xử như thế nào về mối quan hệ giữa hiện thực đời sống và văn chương nghệ thuật? Nghệ thuật tiếp cận hiện thực ra sao để không bỏ quên số phận con người? Phải chăng tác phẩm là một lời nhắc nhở hay là một niềm tin sâu xa của Nguyễn Minh Châu về sứ mệnh cao quý của người cầm bút? Lí giải cho tất cả những băn khoăn, trăn trở ấy, Nguyễn Minh Châu chính là “người mở đường tinh anh và tài năng nhất”, chọn cho mình tư tưởng sáng tác hướng về con người. Tâm điểm của văn học và cuộc sống chính là con người và người vẽ nên chiếc “tâm” của những “đường tròn đồng tâm” kia sao cho trọn vẹn nhất lại phụ thuộc vào chính cái “Tài” và cái “Tâm” của một người nghệ sĩ chân chính.

Câu nói của Nguyễn Minh Châu ngắn gọn mà ý nghĩa rất hay, rất sâu, rất đáng nghĩ. Văn học – cuộc sống mãi mãi không thể tách rời nhau và cả hai đều xuất phát, đều hướng về tâm điểm duy nhất: Con người. Luôn hướng con người tới chân thiện mỹ, gột rửa những xấu xa của cuộc đời phức tạp, góp phần thanh lọc tâm hồn con người để cuộc sống tốt đẹp hơn, đó chính là sứ mệnh cao cả của văn chương, của nền nghệ thuật vị nhân sinh. Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy rõ đối tượng mà ngòi bút của mình quan tâm hướng đến, đó là cuộc sống mà trung tâm bức tranh đó chính là con người - người đàn bà hàng chài với toàn bộ những khía cạnh số phận cuộc đời và cả những nét đẹp ẩn giấu trong con người lam lũ ấy. Cách xây dựng tình huống truyện và nghệ thuật kể chuyện độc đáo, chân thực, nghệ thuật xây dựng nhân vật sống động, đào sâu tâm lý để nhân vật tự đối diện và trải lòng mình, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện thành công những suy tư của mình về con người và cuộc đời. Như Tô Hoài nhận xét “Những cái tưởng như bình thường, lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý”. Qua việc phản ánh thế giới quan của mình, nhà văn thể hiện rõ cái “Tài” và “Tâm” của một nhà văn chân chính, dùng ngòi bút để phản ánh và làm cuộc sống trọn vẹn hơn.

Tóm lại, ý kiến của Nguyễn Minh Châu là phù hợp và đúng đắn đối với văn học nghệ thuật ở mọi thời. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” với tình huống truyện độc đáo và những nhân vật điển hình như người đàn bà hàng chài chính là minh chứng rõ nhất cho tư tưởng đó. Chúng ta, những người tiếp nhận văn học và cũng là cái đích hướng tới của văn học hãy biết trân trọng những lao động nghệ thuật chân chính, tìm hiểu và tiếp thu những bài học nhân sinh được gửi gắm qua tác phẩm để từ đó hiện thực ước muốn trân quý của nhà văn. Có như vậy, “tâm điểm” của “hai đường tròn đồng tâm” văn học và cuộc sống mới luôn tỏa sáng, đứa con tinh thần thấm đượm tinh thần nhân đạo của người nghệ sĩ chân chính như Nguyễn Minh Châu mới trường tồn mãi với thời gian.
 
Từ khóa
chiec thuyen ngoai xa hình tượng người đàn bà hàng chài ngữ văn 12 nguyen minh chau
2K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top