Dự thi Họa một người

Dự thi Họa một người

Họa một người

Năm nay trời vừa ngã gió sang xuân là chị đã mua bánh kẹo bày bán Tết. Những năm trước làm gì sớm như bây giờ. Đợi xong mùa hành, có chút tiền vốn, phải trang trải cho mấy em và cha mẹ, chị chỉ còn dư chút ít. Có lần muốn mua cái áo mới mà bấm bụng nghĩ mình còn nhiều áo, để phần đó mua đồ cho con, cho em. Có lẽ lần này trời thương nên hành được giá, nhưng đôi vai chị nặng gánh chuyện áo cơm hơn.
* * *

Nhà không mấy khá giả, chỉ có chiếc xe đạp cũ đã mười mấy năm theo chị rong khắp các nẻo đường. Còn nhớ hồi mua về, đó là chiếc xe của ông chú ở trong thành phố bán lại. Ông bán để giúp chị tạo cái nền cho công việc mưu sinh. Chẳng biết tình thương máu thịt quá đỗi ruột rà hay nó là thứ kỷ vật gì, lúc đưa tiền cho chú, tay chị run run, chú bảo:

- Ừ thì tao cũng không muốn lấy tiền chi đâu, mà ngoặc cái thím bay bã cứ hối ra hối vào, nên đành...

Chưa nói dứt câu, chị cười rồi vỗ nhẹ vào yên xe:

- Dạ xe còn tốt quá chú. Cái đây con chạy lên chợ huyện rồi lâu lâu muốn thăm chú thím con đi vào cũng còn dư sức.

Bà thím ở đâu vọng ra một tiếng nghe chua chát:

- Con Hai chưa về na bay?

- Ông chở nó đi xuống Tuy Phước lấy tui cái áo dài mới may rồi để nó bắt xe nó về. Xe này từ cha mẹ vô rồi lấy luôn một thể. Ở nhà quê đi đâu mà mang về mệt không...

Chị hiểu. Chị đành nghe theo lời của thím. Đến đường huyện, chú chị đi lấy đồ rồi về. Còn chị đứng chờ xe đến xế chiều không thấy ai. Tầm này chợ đã vãn từ lâu, chỉ còn lưa thưa vài đứa học sinh trung học đi về. Chị muốn khóc. Từ đó mà về tới nhà thì phải chiều mai. Chị bắt đầu đi bộ, những dấu chân mỏi mệt lăn trên con đường đất đỏ hằn những vệt bụi bay. Đến ngã ba nọ, có anh lái xe chở cá ghé tai hỏi thăm:

- Cô dì ơi, gần tối rồi mà sao đi đâu một mình thế này?

Chị lui về phía ruộng, nhẹ nhàng nói:

- Tui nhà ở Phù Mỹ, mà bắt xe không thấy ai nên đi bộ về lần.

Anh lái xe ngơ ngác một lúc, anh thấy thương người con gái ấy quá!

- Cô không ngại thì lên đây tui chở về một đoạn, xe tui đi Đề Gi, có gì bắt xuồng qua là tới chỗ cô rồi?

- Dạ được vậy thì tốt quá. Mà anh lấy bao tiền?

Anh cười:

- Thôi cô ơi, tui chở cô về giúp thôi chứ tiền bạc gì đêm hôm này!

Thế rồi chị lên xe. Suốt một quãng đường đi hai người nói với nhau nhiều chuyện. Hỏi ra mới biết anh này cũng là người cùng quê với cô, đang lái xe cho ông anh họ hàng gần. Tiếng xe kít mạnh, thế là tới Đề Gi. Chị muốn mở cửa xuống xe đi về, nhưng anh tài xế vội bảo:

- Cũng tối rồi nên bến đò không có ai đâu, nhà cô cũng không xa nên thôi để tui đưa cô về cũng được.

Chị ngồi im và gật đầu nhẹ. Tay vẫn nắm vào chiếc nón lá như hồi hộp và lo sợ một điều gì.

Đến khúc đèo hoang vu những cây đan chồng lên đá, tiếng xe dồn dập mỗi lúc một nhanh, gió rít qua tận khe cửa làm thân thể run lên như có ai lấy đá ướm vào da thịt. Xuống đèo, xe chạy chầm chậm. Anh tài xế bỗng nhiên dừng lại, tắt phụt hết động cơ. Tim chị đập từng hồi như trống. Tay anh choàng lên vai cổ rồi đưa lên cổ ve vuốt, mái tóc tơ suôn mượt tự nhiên đã cong quắp lại vì sợ hãi tột cùng. Chị nín ngắt. Khuôn mặt đơ đi, đôi tay vẫn ghì chặt chiếc nón lá đã rách một nửa vành. Anh tài xế lao đến, chị vùng vẫy nhưng không thành. Sau một hồi chống cự, cơn thú tính của hắn đã dứt. Hắn hỏi:

- Mình muốn tui đưa mình về tận nhà rồi ra mắt mẹ cha hay mình tự về?

Lúc này chị chỉ biết nắm lấy cổ áo đã đứt vài cúc áo, môi bịn rịn níu theo những giọt nước mắt rơi rồi nói:

- Cho tao xuống.

Hắn thích giọng cười một cách đê tiện, mở cửa xe để chị đi xuống.


Chao ôi, từ chỗ đó đến nhà là một quãng rất xa. Những bước đi loạng choạng, trái tim đã khô héo chỉ trong vòng một đêm tối đốt sáng dẫn lối chị về nhà. Con đường sao xa quá, xa hơn cả một đời người. Xa và đen tối, có bước chị hụt chân va xuống bãi đầm lầy ruộng mới cày làm ướt sũng hết đôi chân. Giữa đêm khuya, chị về tới nhà. Ngôi nhà nhỏ đã tắt đèn, chỉ còn ánh sáng của ngọn đèn đường lúc bật lúc tắt. Chị cảm thấy đau đớn, như có ai bắt chị phải đi chết, buộc chị phải vào nấm mồ bốn bên là tường đất không có một tiếng nói yêu thương. Bóng tối đã làm chị ngã quỵ giữa nơi mà mình cảm thấy yên ổn nhất. Tiếng chó sủa vang cả xóm, chị lao nhanh vào nhà. Ngôi nhà cửa không khóa, chỉ có chiếc tivi là đắt giá nhất thì sợ mất gì! Cha mẹ chị giật mình, ngỡ là ăn cướp đã la to lên. Nhưng khi bật đèn mới thấy hình dung con gái mình. Một thân thể đã va vào thứ bỉ ổi, trông thật nhếch nhác. Một bộ dạng lấm lem những bùn, những đất, những máu, những vết bầm tím trên mặt, trên cổ, trên tay, trên ngực trông thật đớn đau. Chị nhìn mặt cha mẹ mà rưng rưng khóc, quỳ xuống xin tha tội mà không thành tiếng. Cha mẹ chị như hiểu được cơ sự, người cha nói với vợ:

- Bà nấu nước cho con nhỏ nó tắm, rồi hai mẹ con vô ngủ, tui lên nhà trên ngủ với thằng ba con tư.

Sáng hôm sau chị thẫn thờ nhìn ra ngoài đường cái, như tưởng nhớ đến một ân nhân và khắc sâu vào trí nhớ bộ mặt của một con người tàn nhẫn. Người con gái ngoan hiền nay đã không còn trong trắng. Thứ còn lại chỉ là một tâm hồn thanh đẹp, mà điều đó chỉ mỗi mình chị là hiểu rõ mà thôi. Còn người ngoài nhìn vào, đều cho rằng đứa con gái này là thứ đàn bà đáng xấu hổ. Những ngày mang thai đứa bé trong bụng, chị vẫn phải gánh hàng đi bán, những ngày mưa như xối cho bầm dập cuộc đời có lần cướp luôn đứa con không mong cầu ấy. Nhưng nó vẫn ở lại, đó là chút động lực để chị cố gắng, kiên cường nhiều hơn. Nói thì thế thôi, bà con vẫn ủng hộ chị nhiều lắm. Gánh hàng cứ thế vơi dần, rồi lại đầy thêm. Sự đánh đổi giữa sự sống và cái chết không gì cao hơn vị trí người mẹ. Dù mới sinh con, chị vẫn phải làm việc, cây đòn gánh trì đôi vai chị xuống, con bé trong thúng nâng cuộc đời chị lên. Mẹ con khổ cực bên nhau chưa một ngày được sướng. Miếng ăn tàn nhẫn đến nỗi nó chỉ dành cho người nhiều tiền, còn những ai nghèo khổ sẵn, nó có thèm quan tâm đến! Thế là khổ lại hoàn khổ, mấy đời người đến đời chị có ngóc đầu nổi đâu. Chao ôi sao mà muốn rơi nước mắt!

Hai mươi năm trôi qua lưng tròng một cây đòn gánh những nắng mưa. Ngôi nhà vẫn vậy, con đường cũng vậy, chỉ có con người là tiều tụy phong sương ít nhiều. Cha mẹ chị giờ đây tóc đã ngả trắng một mái đầu, chị hơn bốn mươi tuổi nhưng lưng không còn thẳng, tóc không còn suôn dài như trước. Đứa con gái ngày nào ngồi trong thúng theo mẹ đi chợ đã lớn. Nó lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng đủ đầy hơi ấm yêu thương. Có lần nó ngây ngô hỏi ngoại:

- Ngoại ơi cha con đâu?

Nó kể nhiều về những người bạn trên lớp:

- Mấy đứa bạn con mỗi lần đi học về nó được cha mua cho ly sương sa ăn ngon lắm. Ngày mai ngoại cũng mua cho con ăn vậy nha?

Gió thổi ngang qua tóc con bé. Bàn tay bà lắm những đồi mồi ve vuốt lên mái tóc tơ, xoa lên đôi tay bé bằng chiếc lá xoài trước hiên cửa. Bà nhìn ông mà chẳng nói câu gì, ánh mắt long lanh những muộn phiền tâm sự, sao mà đời con mình nó ngoặc toàn chuyện dở dang, muộn màng. Bà chỉ dám nghĩ đến một người vợ cô đơn, một đứa con không cha, chứ còn chuyện khác, hai mươi năm trôi qua cũng đủ chữa lành những tổn thương...

* * *

Chiều về làm mềm những con đường bao mùa đâm nhói trái tim người đã đi. Tiếng xe cũ nghe văng vẳng từ đầu đường. Chị chở theo đứa con gái đi học ở tỉnh về. Nó học sư phạm, làm cô giáo mầm non gõ đầu trẻ cũng bằng bạn bằng bè. Chị dựng xe ở góc sân, hai mẹ con lững thững bước vào nhà và thắp nén hương lên bàn thờ. Một năm rồi con bé mới trở về. Hai năm đi học ở xa nhìn nó khác quá. Cao và đầy đặn hẳn ra, tóc cũng dài và suôn hơn ngày trước. Ông ngoại từ nhà dưới đi lên thấy vậy liền tới nắm tay đứa cháu:

- Bà nó ơi, con Hai nó về.

- Cháu tui nay đẹp gái dữ ông. Mẹ bay chở bay đi chắc sốc hông lắm, thôi ngồi xuống mà nghỉ cái lưng, nhan đưa đây ông dâng lên ông bà.



Bà ngoại như chuẩn bị từ trước, bưng lên ca nước dừa có đá dành phần sẵn cho cháu. Hai ông bà lâu rồi mới nở nụ cười trên môi. Những ngày quạnh hiu trong căn nhà nhỏ thấy cũng chán và buồn. Phải chờ tròn một năm nhân cái ngày Tết mới được sum vầy bên nhau. Nghĩ cho cùng, niềm vui thì ngắn ngủi, chỉ có ưu phiền dài lâu. Nhưng người ta thà chọn hạnh phúc ít ỏi trong cuộc đời còn hơn sống một đời dài mà chỉ quanh quẩn trong cái buồn, cái khổ.

Đằng xa xa có chàng trai nọ đứng qua lại bên đường. Chị chạy ra dẫn anh ấy vào nhà. Đứa con gái nép vào sau lưng ông bà, khói hương thơm lấy căn phòng trống cửa. Con chó sủa vang nhà khi thấy có người lạ bước vào, rồi nhảy lên người chàng như muốn vồ cắn lấy. Ông la to, con chó ngoan ngoãn chỉ còn ư ử vài tiếng rồi quấn quýt bên chân chị. Cúi đầu qua khung cửa lớn, chàng trai lễ phép chào ông bà. Hai người ngạc nhiên, nhìn nhau không hiểu đó là ai. Chị nở nụ cười hiền từ thưa chuyện với ngoại:

- Dạ đây là Trí, người yêu của con Hai. Hai đứa nó có chuyện muốn thưa với ông bà.

Ngừng một lát, ông bà mới nhận ra đứa cháu của mình bây giờ đã lớn khôn thật rồi.

- Con Hai đâu, làm gì đứng sau lưng tao vậy bay, lại chỗ rể mà đứng cho ông coi.

Giọng của ông nghiêm nghị, vừa dễ chịu lại vừa pha chuyện giỡn. Lòng chị thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn còn chút lo lắng...

Chàng trai không dám ngồi, đi lại ngay phía ông bà rồi nắm tay hai người:

- Dạ tất cả lỗi là do con. Con lỡ...

Bà ngoại kéo tay lại, nhăn mày hỏi:

- Mày lỡ sao?

Chàng trai run, nắm chặt tay ông bà hơn làm hai người đều thụt tay ra.

- Dạ con lỡ...

- Mày làm gì cháu tao?

- Dạ...

Con bé quỳ xuống. Chàng trai thấy vậy quỳ theo. Cả hai không biết làm thế nào liền quay sang nhìn chị. Lúc này chị cũng rối bời, chỉ biết nói:

- Dạ cha ơi, có gì cha tha lỗi cho tụi nó.

Bà ngoại hỏi:

- Mà lỗi gì mà tha, sao đâu mấy cái đứa này...

- Dạ con với Hiền lỡ có bầu với nhau. Dạ hôm nay con xuống đây để thưa chuyện với ông bà, mong ông bà...

Chưa nói hết câu chàng trai đã bị hụt hơi vì lấy hết sức bình sinh mà nói nhanh như vậy. Ông bà tủm tỉm cười:

- Ừ thôi đứng lên đi. Trước cửu huyền thất tổ nè, mày có chịu trách nhiệm với cháu tao không?

Chàng trai thốt một hơi thật mạnh:

- Dạ có.

Chị mừng thần trong bụng. Rồi hỏi:

- Thằng Trí đã nói chuyện với gia đình nhà con chưa?

- Dạ con nói rồi, ông bà đồng ý thì ngày mai cha mẹ con xuống làm lễ trầu cau hỏi em Hiền ạ. Cha mẹ con nói làm lễ cưới trong tháng chạp luôn. Tại...

- Có gấp quá không con, nhanh quá người ta nẫu nói?

Bà đáp lại chị:

- Chuyện của mình mà con. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Tao thấy vậy cũng được rồi. Xưa tao với cha mày cưới nhau cũng trong tháng chạp. Gần Tết nhất có chuyện gì bà ở trên cao cũng rộng lòng thứ tha cho tụi nó ăn ở cả đời với nhau.

- Vậy thằng Trí ở lại ăn với ông bà bữa cơm rồi về. Mà bay đi cái gì xuống dưới chỗ đất cát này?

- Dạ con đi xe máy. Nhà con cũng ở xã này mà cách tới mấy thôn. Gặp em Hiền hồi năm nhất...

Chàng gãi đầu ngại ngùng rồi nhìn con nhỏ cười thật tươi. Biết ý chị bảo hai đứa ngồi xuống ghế, còn chị và bà ra sau nấu bữa cơm trưa. Đúng lúc cậu Ba, cô Tư về nhà thăm cha mẹ. Nhìn chàng trai hai người hỏi những câu khó xử. Nhưng có ông giải vây giúp chàng.

Một hồi sau khi bàn đến chuyện cưới hỏi, cậu Ba không đồng ý. Đòi đuổi con Hiền ra khỏi nhà:
- Nuôi dạy tử tế, cho đi học đại học chứ đâu phải để nó theo trai. Cha không nghĩ cái danh dự của cha thì còn cho tui. Mấy ông ở xã nhìn tui sao cha. Ở nhà có một người chửa...

Chưa kịp nói thì cô Tư vội ngắt lời:

- Thôi thôi. Dù gì cũng là cháu mình. Thằng nhỏ nó dám làm dám chịu là đời cháu mình nó còn may. Chứ gặp người khác không phải khổ rồi sao anh. Làm theo ý của cha đi, tui thấy tốt đó.

Cô Tư chỉ biết nói nhỏ giọng, làm dịu lại những mâu thuẫn của mấy người đàn ông.

Phía dưới chị nghe được hết. Giọt nước mắt rơi vào làn da sạm đen trông như pha lê. Chị gạt đi nước mắt, lại ôm ngoại rồi đổ tiếp những dòng nước mắt tủi thân, bất lực:

- Mẹ ơi sao con khổ thế này mẹ ơi. Con của con nó lại như đi trên vết xe đổ của con sao mẹ?

Bà cũng khóc:

- Không sao đâu con, thằng Ba nó nói vậy thôi chứ đường nào cũng chịu.

Rồi mẹ con đi lên nhà trên, chị nhìn cậu Ba với ánh mắt buồn không nói một lời gì. Cậu như thấy ân hận, đứng lên xin lỗi ông và thở một hơi dài:

- Mai cha mẹ con xuống đây, rồi lo cưới xin còn đón Tết nữa. Mùi gì thơm dữ ông, chị Hai nấu món cá kho quẹt đúng không?

Không khí trở nên chan hòa. Chị nhẹ lòng và muốn cười thật tươi. Chị lại chỗ cậu Ba, nói lời cảm ơn cậu. Cô Tư thấy vậy ôm hai người vào:

- Vậy là chị tui sắp được làm bà ngoại rồi, mớ hành kiệu coi phơi rồi đem đi ngâm để Tết cho ông Ba hít hà nữa chớ?

Mọi người nhìn nhau cười, chị cười trong ánh mắt long lanh muốn khóc.

* * *



Hôm 25 tháng chạp, nhà gái tưng bừng những người, những xe, những lời chúc phúc dành cho đôi trẻ. Chị mặc tà áo dài vừa người, do cô Tư đặt may ở đâu trên huyện. Tà áo dài đỏ như sự hạnh phúc của một đời người mà đến hôm nay mới thật sự trọn vẹn.


Hôn lễ cử hành thuận lợi. Cặp đèn thắp trên bàn thờ cháy suốt buổi hôn lễ. Chị đứng ở phía cánh sau sân khấu nhìn đứa con gái của mình trong bộ váy cưới lộng lẫy và bên cạnh người chồng dấu yêu. Đời chị còn một bức họa chưa thành. Đó là hình chị trong đám cưới của mình mà thôi...

Screenshot_20220120-222116_Gallery.jpg
 
Sửa lần cuối:
883
3
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top