Dự thi Hôm nay là Giáng Sinh

Dự thi Hôm nay là Giáng Sinh

Hôm nay là Giáng Sinh, và ba nó vẫn không về…

Đây không phải lần đầu tiên nó đón Giáng Sinh không có ba. Và tự khi nào, nó dường như đã quen với sự thiếu vắng ba nó, nên chẳng thiết mong ngóng hay buồn bã nữa. Vì nó biết, có buồn thế nào đi nữa, ba nó cũng không về…

Đông năm nay không lạnh như mọi khi, thậm chí có phần nóng hơn, nhưng nó chẳng thiết để ý đến. Từ khi nào đối với nó, mùa Giáng Sinh nào cũng như nhau cả, cũng đều vắng hình bóng ba nó trong căn nhà lộng gió. Có lẽ, thời tiết còn không lạnh bằng trái tim của nó bây giờ…

Nó đã từng năn nỉ rất nhiều, khóc lóc ăn vạ ba nó rất nhiều. Nhưng rốt cuộc, vẫn là câu nói cũ rích mà nó đã nghe đi nghe lại đến nằm lòng từ ba nó: “Ba bận công việc rồi. Lần tới nhé!”…

Gia đình nó khá giả, cả ba lẫn mẹ của nó đều là bác sĩ – một cái nghề cao quý, người người ngưỡng mộ và ca tụng, nó biết rất rõ điều đó. Ba nó lại là Phó Giám đốc của một bệnh viện lớn ở Thủ Đức, nên có thể nói, nó may mắn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, và nó luôn hãnh diện về ba nó bất kể nơi đâu, bất kể lúc nào.

Thế nhưng, càng lớn, nó lại càng buồn, càng lo sợ nhiều hơn về địa vị của ba nó. Nó cảm thấy rùng mình, thậm chí là khó chịu mỗi khi có ai đó nhắc đến ba nó như một người sếp “tài giỏi và mẫu mực”. Nó dần lạnh nhạt trước những lời khen như thế, có thể vì nghe đã quen quá rồi, và vì cảm thấy lạ lẫm, giống như người ta đang nói về ai đó khác.

Nó có yêu ba không? Có, chắc chắn là có! Nó có tự hào về ba nó không? Rất nhiều! Thế nhưng, nó cũng hận ba nó rất nhiều… Nó hận rằng, ba nó đã lựa chọn “người ngoài”, thay vì nó.

Vì tính chất công việc, ba nó thường xuyên vắng nhà, nên nó đã phải “trưởng thành” từ rất sớm. Tự ăn, tự chơi, tự học,…từ đấy, nó bắt đầu làm quen với sự cô đơn. Nó không có “lựa chọn” nào khác ngoài việc gần gũi với mẹ, nhưng mẹ không hiểu nó như cách ba hiểu nó. Mẹ là phụ nữ, và nuôi dạy nó theo những tiêu chí của một người phụ nữ, điều đó làm nó cảm thấy ngộp và có phần lao đao. Nó mệt mỏi bởi sự chi li quá mức của mẹ nó, mệt mỏi trước những thúc ép của mẹ nó trong sinh hoạt,… Nó khao khát sự hiện diện của ba trong nhà, để nó có thể cảm thấy cân bằng.

Vì cái chức danh “Phó Giám đốc”, ba nó thường xuyên say xỉn mỗi khi trở về. Dù biết ba nó “bắt buộc” phải say xỉn để tiếp khách, để tạo dựng mối quan hệ bên ngoài nhằm phục vụ công việc, nhưng nó tự hỏi đâu mới là điểm dừng đây? Nó có rất nhiều điều muốn kể, muốn tâm sự với ba nó, nhưng đâu ai có thể nói chuyện với người say. Nó từng mong ngóng đến các dịp lễ, Tết, kì nghỉ,…để được gần ba nó; nhưng càng lớn, nó càng hụt hẫng, vì những ngày lễ, Tết vẫn ở đấy, nhưng chẳng thấy ba nó đâu nữa rồi…

Nó đã từng rất lo sợ mỗi khi ba say xỉn, vì nó biết chắc chắn ba mẹ nó sẽ cãi nhau. Từ khi nó vào lớp Một, nó thấy ba mẹ cãi nhau còn nhiều hơn nói chuyện với nhau, và thường xuyên đến mức hầu như ngày nào cũng xảy ra một vài trận cãi nhau. Những tiếng đồ đạc đổ vỡ, những câu chửi thô tục đầy thù hằn, những tiếng gào, tiếng quát vang tận tâm can,…nó trải qua mỗi ngày, và chẳng thể làm gì khác ngoài việc nhắm mắt cầu nguyện mọi thứ êm xuống nhanh chóng. Nó đau lòng, nó khóc lóc, nó sợ hãi…đến chai sạn, giờ nó cũng chẳng thiết buồn hay sợ nữa, và cũng chẳng hi vọng đến viễn cảnh khá hơn, vì nó biết ngày mai cũng sẽ giống như ngày hôm nay mà thôi…

Càng lớn, nó càng bế tắc về câu hỏi “Tại sao ba nó lại đối xử với nó, với gia đình như thế?” – câu hỏi nó đã tự hỏi bản thân rất nhiều lần nhưng chẳng thể có một câu trả lời thỏa mãn. Nó được học từ ba rất nhiều về sự cầu tiến, về sự trách nhiệm và hết lòng với công việc, nhưng những điều ấy lại mâu thuẫn với tình cảm của nó. Nó muốn được quan tâm, muốn được yêu thương và chia sẻ, nó không muốn nhìn thấy ba nó chỉ biết lao đầu vào công việc, rồi khiến người thân lo lắng về sức khỏe của ba, hay đau khổ, bất mãn về ba. Biết bao lần ba nó say xỉn gặp tai nạn phải nhập viện, biết bao lần nó rớt nước mắt khi thấy ba nó nằm đau đớn trên giường bệnh,… Nó sợ, rất sợ cuộc đời, danh vọng sẽ cướp ba nó khỏi nó, nhưng lại chẳng thể thuyết phục được ông. Nó chẳng biết làm gì, ngoài việc chứng kiến và quan tâm trong đau khổ, như một vòng lặp vô tận…

Hôm nay là Giáng Sinh, người trong xóm đã đưa nhau đi chơi từ sớm chiều, xung quanh im ắng đến lạ thường, càng khiến nó càng thêm lạnh. Nó nhớ về những dịp Noel xưa, từ rất lâu về trước, những dịp ba nó còn ở nhà, còn ở bên cạnh nó. Lúc ấy thật vui, nó cười suốt cả ngày, và háo hức chờ đến tối để được ba nó chở đi chơi. Những hang đá nhân tạo, những ánh đèn nhiều màu sắc, những cây thông cao lớn được trang trí công phu, những chiếc xiên que mới chiên còn bốc khói…Nó nhớ cả những cái ôm, những cái nắm tay của ba nó giữ ấm cho nó, cả những khi nó nghịch ngợm mặc chiếc áo khoác to đùng của ba nó để cảm nhận mùi hương, hơi ấm thân thương từ ba nó,… Nó nhớ mồn một từng thứ ấy, như một vùng kí ức được nó cất giữ thật kĩ trong đầu để tự an ủi chính mình.

Nó đã không còn là trẻ con, đã không còn muốn những thứ như thế nữa, nó tự nhủ như thế và cảm thấy bồi hồi. Có lẽ nó đang tự tội nghiệp chính mình, khi nhận ra tuổi thơ của nó đã kết thúc quá chóng vánh. Giờ đây, nó đã là một đứa hiểu chuyện, không tự buồn tự lo, và cũng không nói nhiều như xưa. Giữa nó và ba bây giờ thường chỉ là sự im lặng, ngoài những câu hỏi về sinh hoạt hằng ngày. Nó đã đau đớn nhận ra, ba nó đã lựa chọn sự nghiệp thay vì gia đình, đã lựa chọn “người ngoài” thay vì nó. Nó nghĩ, chắc là ba nó đang sống cuộc đời của riêng ông – một cuộc đời không có nó bên cạnh. Nó không còn là niềm vui của ba nó, không là gì khác ngoài nỗi lo về cơm áo gạo tiền, về bệnh tật mà ba nó phải gánh thêm. Nó không muốn làm phiền ba thêm, đâm ra chỉ tự buồn rồi tự hết thế thôi…

Mùa Giáng Sinh năm nay, ba nó vẫn không về, vì ông bận lo chuyện tất niên trên cơ quan. Trên chiếc bàn im ắng trong căn bếp lạnh lẽo, lác đác vài món ăn đã nguội từ lâu – những món ăn mà ba nó rất thích, mà nó và gia đình đã đặc biệt chuẩn bị để đón ba nó trở về. Ở phòng khách, mẹ nó đắm mình vào những chương trình dịp Giáng Sinh trên ti vi, gương mặt chả xúc động mảy may. Ngôi nhà bốn người chìm trong lạnh lẽo, chẳng thiết nói gì với nhau vì thiếu vắng sự hiện diện của người thứ năm. Chỉ còn tiếng ti vi, đôi lúc là tiếng nhạc Giáng Sinh vang lên không có thính giả:

“Last Christmas, I gave you my heart

But the very next day, you gave it away…”

Vẫn là một Giáng Sinh buồn, như mọi năm. Nó tự hỏi, Giáng Sinh năm nay đã mang trái tim nó đi đâu…
 

Đính kèm

  • 493073568c6f1f9322b50edd002a42d2.jpg
    493073568c6f1f9322b50edd002a42d2.jpg
    97.6 KB · Lượt xem: 517
Từ khóa
dự thi
939
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top