[Keigo Higashino] PHƯƠNG TRÌNH HẠ CHÍ – Một bước đi, vạn nỗi đau

[Keigo Higashino] PHƯƠNG TRÌNH HẠ CHÍ – Một bước đi, vạn nỗi đau

“Một số nhà văn mong muốn lay động độc giả, số khác muốn viết ra những câu văn đẹp. Riêng tôi, tôi muốn người đọc phải không ngừng ngạc nhiên trước những ý tưởng của mình” – Phát biểu của nhà văn Higashino Keigo (2011).

Cùng với “Phía sau nghi can X” (2005); “Sự cứu rỗi của thánh nữ” (2008)”, “Phương trình hạ chí” (2011) cũng nằm trong series tiểu thuyết về Thám tử Galileo – Yukawa Manabu. Trong chuyến đi tham dự hội nghị của Desmec – một cơ quan chịu trách nhiệm cho các hoạt động thăm dò tài nguyên, khoáng sản vùng biển được tổ chức tại thị trấn Harigaura, nhà vật lý Yakawa biết đến nhà trọ Lục Nham Trang thông qua cuộc gặp gỡ tình cờ với cậu bé Esaki Kyokei. Cái chết của khách trọ Tsukahara Masatsugu – cựu cảnh sát hình sự thuộc Sở Cảnh Sát Tokyo bên vách đá gần biển Harigaura buộc cảnh sát phải khai quật hồ sơ một vụ án đã xảy ra cách đó mười sáu năm. Tuy nhiên, bằng óc sáng suốt của mình, nhà vật lý Yakawa Manubu đã nhận ra những điểm bất thường trong quá trình điều tra song hành cùng cảnh sát. Ngược dòng thời gian, một bí mật tưởng chừng như được chôn sâu dưới đáy đại dương lại có một ngày tìm về ánh sáng của Tokyo sau nhiều năm lẩn khuất trong bóng tối.

1. Sự lên ngôi của trinh thám cổ điển – hơi hướng của Sherlock Holmes

Yukawa – người được mệnh danh là thám tử Galileo đã trở lại sau hai tập truyện “Phía sau nghi can X” và “Sự cứu rỗi của thánh nữ”. Với tần suất xuất hiện dày đặc, gần như là xuyên suốt câu chuyện, Yukawa đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong lối điều tra của tác phẩm.

Dừng chân tại nhà trọ Lục Nham Trang, Yukawa vô tình bị kéo vào một vụ án. Nạn nhân là ông Tsukahara, cũng là khách trọ như nhà thám tử vật lý. Người ta phát hiện ra ông Tsukahara rơi xuống bãi đá ở ngoài biển, chấn thương sọ não dẫn tới tử vong. Trái với những suy luận ban đầu, thông qua kết quả khám nghiệm tử thi, nguyên nhân thật sự của cái chết không phải là chấn thương sọ não, vách đá gồ ghề chỉ là hiện trường thứ hai mà hung thủ dựng lên.

Bản thân vụ án không quá phức tạp, không có những ý tưởng gây ngạc nhiên như cách mà Higashino Keigo đã từng làm trong các tác phẩm của mình, Phương Trình hạ chí dẫn dắt người đọc bằng cách đề cao những suy luận logic. Truyện không chịu chịu sự chi phối của pháp y, của các vật chứng – điều mà trinh thám hiện tại hay dẫn lối. Từ góc nhìn và điểm suy luận của Yukawa, vụ việc dần dần được hé mở.

Xuất phát từ ngòi bút của Keigo, Phương trình hạ chí cũng không thoát khỏi lối đi của các tác phẩm trước đó. Vẫn là một câu chuyện với tổng thể các nhân vật không liên quan và rời rạc nhưng cuối cùng lại có quan hệ mật thiết, móc xích với nhau. Mạch truyện ổn định, yếu tố trinh thám thuần khiết. Thực ra ngay từ lúc đầu, hung thủ là ai cũng khá dễ suy luận nhưng không vì thế mà truyện mất đi sức hút riêng. Bởi bằng tài năng vốn có của mình, Keigo vẫn xếp mọi thứ đâu vào đó rồi làm thỏa mãn người đọc sau khi khép lại trang sách cuối cùng.

2. Mối liên hệ từ góc độ thực tiễn

Đó là thế giới của toán học, vật lý và bảo vệ môi trường:

  • Trên toa tàu, ta biết được một miếng thiếc có khả năng làm gián đoạn sóng điện thoại. Khi hành khách không muốn tắt nguồn điện thoại thì chỉ cần dùng thiếc bao chung quanh nó.
  • Một bài toán đơn giản như sau: “Hãy tính các góc của một hình đa giác có mười tám cạnh” cũng mang những triết lý sâu xa. Từ chuyện giải đoán, ta có thể định hình khả năng của một đứa trẻ. Nếu từ những bước đơn giản nhất mà con người ta cũng không thể bắt đầu thì hành trình dài sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Và thay vì chờ đợi, chúng ta phải tự giải quyết ngay tức khắc vấn đề mà mình đang gặp phải.
  • Khí CO được sinh ra trong điều kiện cháy không hoàn toàn có thể gây chết người. Khi sưởi ấm bằng than tổ ong trong mùa đông, nếu để nó hoạt động trong môi trường thiếu oxi, than sẽ không cháy ra khí CO2 mà tạo ra một biến thể khác có độc là CO.
  • Con người ngày càng khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mục đích lợi nhuận của mình mà quên đi bốn chữ “bảo vệ môi trường".
3. Thông điệp của tác phẩm
Truyện đề cao sự hy sinh thầm lặng cho người mình thương. Mượn câu nói của Phan Quân trong “Người Phán Xử”, “Phương Trình Hạ Chí” cũng tuân thủ theo quan điểm của nhân vật: “Gia đình là cái tồn tại duy nhất. Còn những cái khác, có hay không có, không quan trọng”.

Bên cạnh đó, những mẩu chuyện nhỏ nhỏ trong quá trình tìm đến sự thật giữa Galileo và cậu bé Kyohei cũng khiến ta cảm nhận được sự ấm áp giữa người với người.

Suy cho cùng, những dòng còn lại ở trang cuối của tác phẩm mới là thứ khiến chúng ta phải suy ngẫm: “…Cuộc đời con người cũng vậy. Có lẽ rồi đây sẽ xuất hiện những vấn đề mà ngay lúc ấy chúng ta không thể đưa ra câu trả lời. Mỗi vấn đề xuất hiện đều đáng để chúng ta trăn trở. Nhưng không cần phải sốt ruột. Bởi nhiều khi chúng ta cần phải trưởng thành hơn mới có thể đưa ra câu trả lời. Chính vì thế mà con người mới phải học tập, nỗ lực và trau dồi bản thân.”


_Trần Hàn_
 
Từ khóa
#higashinokeigo #tacgiatranhan
1K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top