Dự thi Khu phố đợi chờ – Híp bốn mắt

Dự thi Khu phố đợi chờ – Híp bốn mắt

Híp
Híp
  • Thành Viên 30
[Dự thi Nhà trong phố – Khu phố đợi chờ – Híp bốn mắt]

Khu phố đợi chờ

Thằng Tôm đang ngồi kiểm kê lại số tài sản của hai anh em nó. Dịch dã đến là khổ, đúng là covid thì không chừa một ai. Hiện tại người giàu nhất chính là người có thức ăn, vậy nên đống tài sản trước mặt này quả thật quý giá. Những bó rau, quả mướp,… được chia ra thành nhiều túi, buộc cẩn thận để xếp vào tủ lạnh. Nam thanh niên mới mười lăm tuổi mà cứ lèm bèm cả ngày như ông lão tám lăm, làm em gái nó cũng phát hoảng.

“Anh có đếm thêm mấy lần nữa thì số rau củ cũng không nhiều thêm đâu.” Cái Tép ngán ngẩm nhìn anh nó.

“Mày thì biết cái gì, lo mà làm bài đi không lại đúp lớp năm. Cả gia phả nhà mình chưa có tiền lệ đúp tiểu học đâu. Anh mày đang vận dụng hết vốn liếng toán học chín năm để chia chỗ này ra thành đồ ăn cho ba ngày đấy.” Tôm nhăn mày, thè lưỡi nhát lại.

“Anh Tôm ơi sao bố cấm trại lâu quá vậy? Mấy tháng rồi bố chưa được về.” Cái Tép thở dài nhìn ra cửa.

“Đơn vị bố đang trực chiến, mày không nghe tiếng máy bay của bố bay ầm ầm suốt ngày đấy à.” Tôm xoa đầu an ủi cô công chúa nhỏ.

Nhà nó là một căn cấp bốn nhỏ, nằm trong khu tập thể quân đội, gần sân bay quân sự. Bố bọn trẻ là bộ đội ở đó. Bình thường hai anh em đi học, bố đi làm về thì tranh thủ cơm nước cho hai đứa. Mẹ chúng mất năm trước vì tai nạn giao thông. Bà nội, bà ngoại vì vậy vẫn thường thay nhau từ quê lên phụ chăm hai đứa.

Mấy tháng gần đây dịch bệnh kéo dài, thành phố đã cấm các phương tiện ra vào nên các bà ở quê không cách nào lên với hai đứa được. Đơn vị bố có lệnh nội bất suất, ngoại bất nhập, thường trực trong tình trạng chờ báo động, bố không thể về nhà. Cũng may thằng Tôm đã lớn, đỡ đần bố được rất nhiều. Hai anh em vừa ngoan, vừa hiểu chuyện, trong khu phố này ai cũng quý, cũng thương.

Khu tập thể này toàn là người già, phụ nữ và trẻ em. Còn những người đàn ông thì đang công tác hoặc bảo vệ ở một vùng trời nào đó của tổ quốc. Vậy nên người ta còn gọi đây là khu tập thể đợi chờ. Có người còn gọi là khu đợi chồng nữa.

Từ ngày giãn cách, khu phố đã vắng nay còn vắng hơn. Mấy ông bà già không còn đi bộ tập thể dục, mấy đứa trẻ con cũng thôi nô đùa. Cái Tép chính là một thành viên máu mặt của khu. Nó thường cầm đầu lũ trẻ gần đó chơi đua xe cút kít, chơi trò cảnh sát bắt cướp… Vậy mà giờ con bé cũng phải khuất phục trước sức mạnh của covid, chỉ dám đấu khẩu với thằng bé nhà đối diện qua cái cửa sổ.

Trong khu trồng rất nhiều hoa sữa. Chớm sang thu mà cả phố đã thấm đượm mùi hoa. Những cánh li ti rải đầy mặt đất, nắng nhuộm vàng vắt ngang khung cửa sổ từ bao giờ. Thế nhưng những người đàn ông vẫn chưa thấy ai về.
Truyện ngắn Khu phố đợi chờ - Văn học trẻ.jpg

(Nguồn ảnh: Ký họa "Ngõ nhỏ phố nhỏ" - Họa sỹ Phạm Ánh)

“Anh Tôm… Tôm, bố gọi điện về nè.” Đang chuẩn bị cơm chiều thì nghe tiếng cái Tép vọng từ ngoài vào.

Tay vẫn cầm cái muôi canh, chẳng kịp bỏ xuống, Tôm cũng vội vàng chạy ra. Đã một tuần nay rồi bố mới lại gọi về.

“Hai đứa ở nhà ổn cả chứ? Tuần vừa rồi bố bay nhiệm vụ, hôm nay mới gọi được cho hai đứa. Sao? Báo cáo tình hình đi các đồng chí.” Giọng bố trầm ấm phát ra từ chiếc điện thoại nhỏ. Người đàn ông khuôn mày đầy vẻ mệt mỏi nhưng trên môi không dấu nổi nụ cười khi nhìn thấy các con.

“Báo cáo đồng chí bố, đồng chí Tép ở nhà rất ngoan. Thực hiện đúng chỉ thị 5K của Chính phủ và chỉ thị 3C của đồng chí Tôm.” Cái Tép cười toe tét, tranh điện thoại nói.

“Ha ha… Đào đâu ra cái 3C nữa vậy hả.” Bố phá lên cười nghi hoặc

“Dạ. Anh Tôm bảo con phải thực hiện kèm theo chỉ thị: Chăm học, chăm ăn và chăm làm việc nhà ạ.” Tép hùng hồn báo cáo.

“Thế đồng chí Tôm thì sao? Cho bố gặp đồng chí Tôm cái nào.”

“Con đây, ở nhà vẫn ổn. Con với cái Tép vẫn học online, cũng hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc. Bố yên tâm.” Thằng Tôm mới không thèm chơi cái trò trẻ con của bố nó và cái Tép, nói.

“Vậy tốt. Hai đứa ở nhà chăm nhau nhé. Bố là bộ đội, không như bố nhà người ta, không thể lúc nào cũng bên hai đứa được. Bố thật sự xin lỗi hai đứa.” Giọng bố nhỏ dần, sau màn hình điện thoại nỗi nhớ nhà lại càng dày thêm .

“Chúng con không sao, bố giữ gìn sức khỏe nhé. Bố làm nhiệm vụ nhưng cũng phải nhớ ăn uống đầy đủ. Nếu mà ốm là không có con và anh Tôm chăm sóc đâu.” Cái Tép bắt đầu sụt sùi.

“Ngoan, đừng khóc. Cuối tuần này máy bay bố sẽ về đơn vị đón các cô chú bác sỹ đi chi viện cho miền Nam. Bố tranh thủ ra cổng gặp hai đứa. Ở nhà nghe lời anh Tôm, cuối tuần hai đứa vào với bố nhé. Giờ bố phải làm nhiệm vụ đã. Gặp hai đứa sau nha.” Lúc cúp máy, mắt người đàn ông cũng cay, không nén được mà rơi nước mắt. Một mình anh gà trống nuôi con không sợ vất vả, chỉ sợ hai đứa nhỏ ở nhà thiếu thốn sự quan tâm.

Cuộc điện thoại của bố đã nâng tâm trạng tụi nhỏ lên một cấp bậc mới, chúng háo hức chờ cuối tuần bố từ miền Nam bay về. Thằng Tôm nấu cơm thì cái Tép quét nhà. Thằng Tôm giặt đồ thì cái Tép trèo lên ghế để phơi. Hai anh em mỗi đứa một việc, không ai bảo ai, cứ như một doanh trại quân đội nhỏ vậy.

Tiếng bà Lan hàng xóm từ ngoài cổng vọng vào: “Tôm ơi, mai có phiếu đi chợ đấy, con có cần bà đi mua đồ gì không hay là tự đi thì bà đưa phiếu cho?”

Treo bộ quần áo cuối cùng lên dây, Tôm đeo khẩu trang ra ngoài: “Con chào bà, mai con tự đi ạ, com muốn mua ít đồ cuối tuần vào thăm bố.”

“Bố vẫn chưa được về hả? Nếu cần gì cứ gọi ông bà nhé, hai đứa hôm nào bận học không nấu cơm được thì bảo bà nấu cho. Thêm cái bát, đôi đũa nữa thôi nên hai anh em đừng có ngại. Bố tụi bây lúc đi dặn ông bà rồi. Có mấy quả hồng lộc thắp hương, cầm lấy hai đứa ăn.” Bà Lan vừa nói vừa bỏ phiếu đi chợ vào túi quả rồi treo lên cổng.

“Con cảm ơn bà ạ.” Cái Tép cũng chạy ra, cặp mắt híp thành hình vầng trăng của nó câu lên làm ai cũng phải cười.

Hai đứa ở nhà không có người lớn nên các cô dì hàng xóm đặc biệt quan tâm. Hôm thì cho rau, hôm thì cho quả. Con trai bà Lan cũng là bộ đội, nhưng chú ấy hi sinh trong một lần máy bay rơi vài năm trước, giờ chỉ còn lại hai ông bà. Bà Lan thương anh em nó lắm, có gì ngon cũng nấu rồi bê sang. Những ngày giãn cách thế này cũng nhờ có ông bà mà bố bọn trẻ cũng yên tâm công tác.

Đêm trước ngày cuối tuần, thằng Tôm, cái Tép chúi đầu vào danh sách những đồ cần mua. Bố ở đơn vị ăn cơm nhà nước, nhưng không phải muốn cái gì cũng có. Mai là ngày tới phiên nhà nó có phiếu đi chợ, chúng sẽ mua thật nhiều đồ ăn, hoa quả để tiếp tế cho bố cùng các chú trong đơn vị.

Cái Tép đắn đo mãi cuối cùng mua thêm hộp dao cạo râu mới, hôm trước gọi điện nó thấy râu bố hơi dài rồi. Chiếc xe cào cào đã cũ của thằng Tôm chở phía sau là thùng bánh trái, hoa quả, cùng một ít đồ sinh hoạt cá nhân. Đằng trước là cái Tép ngồi vắt ngang khung xe, mặt thì nhăn nhó.

“Anh đừng có đánh võng nữa, em sắp rớt khỏi xe luôn rồi.” Tay cái Tép bám chặt anh trai, miệng thì gào sau lớp khẩu trang.

“Do mày nặng hơn cái thùng đằng phía sau nên xe bị lắc đó, không phải anh.” Vừa nói, Tôm vừa đảo bánh như rang lạc để dọa thêm con bé.

Xe dừng bên cạnh cổng khu doanh trại quân đội, khí thế uy nghiêm nơi đây làm bọn trẻ không dám náo loạn nữa. Cách rào chắn khoảng hai mét, Tôm báo với mấy chú gác cổng muốn vào thăm bố.

“Đang dịch bệnh nên cấm ra vào doanh trại, hai đứa sang cổng ngách đứng chờ, chú báo trực ban gọi bố. Chắc bố đang ở sân bay nên không nghe điện thoại hai đứa gọi đâu.” Chú bộ đội gác cổng dặn dò anh em nó một hồi rồi đi vào.

Tôm nắm tay em nó, sốt ruột ngóng qua cổng nhìn vào trong. Đôi bàn tay đổ mồ hôi ẩm ướt. Từ ngày mẹ mất, nó đã tự nhắc mình phải mạnh mẽ, phải thay mẹ chăm sóc em gái và là hậu phương vững chắc cho bố. Tôm cũng nhớ bố, nhưng nó không dám thể hiện ra ngoài vì sợ làm cái Tép buồn hơn.

“Tôm… Anh nhìn xem váy em có nhăn không? Lâu rồi không gặp bố, em phải chọn mãi mới ưng bộ này đấy.” Tép kéo kéo vạt áo anh trai, hỏi.

“Đẹp rồi, mày chính là người đẹp nhất nhà. Không phải lo, mày có mặc cái dẻ thì bố cũng nhận ra nhá.” Thằng Tôm nhăn nhở trả lời.

Từ đằng xa, người đàn ông cao lớn mặc quân phục chạy lại. Mặc dù đeo khẩu trang nhưng chúng vẫn dễ dàng nhận ra là bố.

“Bố, bố… Tụi con tới thăm bố nè.” Cái Tép kích động nhảy lên, đứng bám vào rào chắn. Không có những cái ôm vì phải tuân thủ giãn cách, ba bố con tranh thủ hỏi han.

“Bố chỉ có mười lăm phút thôi lại phải đi luôn rồi. Hai đứa ở nhà ngoan, chú ý ăn uống. Cần gì cứ nói với các cô, các bác hàng xóm, bố đã gọi điện nhờ cả rồi. Nhớ lời bố dặn, giữ gìn sức khỏe.” Nói rồi bố quay sang nhìn Tôm dặn dò: “Mọi việc nhờ hết vào con đấy Tôm. Chờ hết dịch bố sẽ về.”

Hai đứa trẻ đứng sát hàng rào nhìn về phía người cha cách hai mét mà bao yêu thương cũng không nói nổi thành lời. Cảm xúc bỗng vỡ òa sau mấy tháng trời xa cách. Những giọt nước mắt của bố được che đậy bằng lớp khẩu trang, nhưng ánh mắt ấy thì không có gì che nổi khi đứng trước hai đứa trẻ. Chưa bao giờ gia đình họ lại xa cách nhau lâu đến vậy.

Gió thu se lạnh thổi, cuốn bước chân vội vã của người cha về phía phi trường, phía sau là hai đứa nhỏ vẫn đau đáu nhìn theo.

Phút gặp gỡ tranh thủ từng phút tuy ngắn ngủi nhưng như vậy cũng là đủ rồi. Bố vẫn phải làm nhiệm vụ, chống dịch như chống giặc. Cả nước chung tay, biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ khác cũng đang gồng mình chống dịch. Những người chiến sĩ ấy dù đang trên mặt trận nào, lĩnh vực nào thì chỉ cần họ quay lại sẽ thấy phía sau luôn có người nhà đang chờ.

Tôm và Tép giống như những người trong khu tập thể của chúng. Họ ở lại là hậu phương, là điểm tựa cho người lính. Có người chờ chồng, có người chờ con, cũng có hai đứa nhỏ chờ bố.

Dịch đi qua bố sẽ về.​
 
1K
6
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top