Dự thi Lạc - Xuân Vũ

Dự thi Lạc - Xuân Vũ

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Đêm đông tháng mười hai, cái lạnh như con dao sắc lẹm đang cứa vào da thịt con người. Gió mùa rít gào từng hồi đầy thê lương, gió luồn lách qua từng vách nhà, chen vào từng khe cửa để gieo rắc cái tê buốt kinh hoàng cho con người. Mùa đông lạnh còn làm con người sinh ra bao tật: đau lưng, nhức khớp, căng cơ, tê tay,... những thứ bệnh ấy đủ làm cho người ta thấy cực nhọc và khổ đau sau một ngày dài lao động. Ấy vậy mà hình như thấy những hộ dân ở xóm nghèo này vẫn chưa đủ khổ, ông trời còn bắt họ chịu đựng một điều kinh khủng hơn, mệt mỏi hơn: tiếng chửi.

“Xoảng”

-Thằng mất dạy! Hôm nay tao giết mày!

Đấy, tiếng chửi từ căn nhà lụp xụp nơi cuối hẻm lại vang lên, vọng rõ một vùng trời. Không biết cái nơi ấy có đủ tư cách được gọi là nhà không, vì nó tồi tàn không khác gì một cái túp lều bị gió giật, mưa kéo sau cơn giông bão, mái nhà được lợp bằng mấy tấm tôn rỉ sét nhặt từ bãi phế liệu xiên xiên vẹo vẹo trông thật đáng thương. Trong cái lều tồi tàn đó có ba kiếp người mòn mỏi: thằng Sáo, con Sen và thằng cha khốn nạn của hai đứa.

Thằng Sáo năm nay chắc được mười một, mười hai tuổi hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ hơn, chẳng ai biết. Dáng nó nhỏ, thân hình lại gầy nhom, mặt hốc hác như cái đầu lâu. Người ta sợ nó, sợ cái xác tàn như lá mùa thu chờ đông sang để rụng xuống, sợ cả cái ánh mắt sắc lẹm của nó. Cặp mắt nó to, tròn, đen lay láy như hai hòn than, ốm yếu quá thành ra đôi mắt ấy cứ trố ra, như lườm lườm người khác. Ánh mắt của thằng Sáo không giống một đứa trẻ mà luôn mang vẻ mệt mỏi, uể oải tựa cái linh hồn tàn lụi vừa đi qua một đời thăng trầm. Nhìn vào đôi mắt già cỗi ấy, không ai biết chắc thằng nhóc đã sống trên cõi đời cay nghiệt này được bao năm.

Cha của chúng nó là một thằng nát rượu, từ khi người ta nhận ra sự hiện diện của gia đình nó, họ đã thấy hình bóng một con ma men lảng vảng khắp hang cùng ngõ hẻm. Rượu vào thì lời ra, hằng ngày hai đứa nhỏ bị mắng chửi bởi một cách thậm tệ, đến mức ban đầu nhiều người còn tưởng cha nó đang đánh, đang mắng một con chó ghẻ nào đó. Cũng có người từng can, nhưng người ta chẳng thể nào nói chuyện được với một kẻ say, có người định báo công an, nhưng thằng Sáo lại chửi họ nhiều chuyện. Người trong cuộc đã lên tiếng thì họ có tư cách gì xen vào? Đã vậy dân xóm này cũng nghèo, mà một người khổ thì chỉ lo đến cái khổ của họ chứ còn hơi sức nào quan tâm đến chuyện người dưng, mãi rồi người ta cũng chán, cũng quen, chẳng còn ai đoái hoài tới.

-Anh hai! Anh hai có sao không? Anh!

Con Sen mếu máo khóc rồi chạy lại đỡ anh của mình dậy sau cái tát trời giáng của cha. Hôm nay cha nó đánh đau hơn mọi ngày, chắc là do thiếu tiền uống rượu. Thân hình anh nó đã ốm yếu, ăn một tát liền văng ra tận góc nhà, nằm ngay đơ. Nó xám hồn, cứ tưởng thằng anh của mình chết rồi nên rú lên như một con chó hoang. Các vết roi hằn đỏ trên da thịt của Sáo trông như một đám rắn rết bò lổn ngổn, trông thật kinh hãi, một bên mắt của nó bầm tím sau cú đấm của người cha kính yêu làm cho tầm nhìn giảm đi trông thấy. Vừa lồm cồm bò dậy, thằng Sáo vừa quay qua quát em mình một tiếng:

-Nín! Câm cái họng lại!

Nó buộc phải làm vậy. Lần gần đây nhất Sen khóc, con bé đã bị cha đánh một cú thật đau đến toác cả da đầu chảy máu. Nếu nó không im, lần này chắc còn phải thảm hơn. Con Sen lấy hai tay bịt miệng mình lại, ngăn không cho bất kì tiếng nấc nào lọt ra ngoài rồi lụi cụi đỡ anh vào căn buồng nhỏ cạnh xó bếp. Con bé lôi ra từ gầm tủ một chai dầu xanh, đổ một tí ra tay, xoa thật đều rồi bôi lên những vết tím trên người Sáo. Con Sen vụng về, nhiều lần không khéo bôi nhầm vào những vết thương hở còn rỉ máu làm thằng Sáo đau điếng hồn, vậy mà thằng nhóc vẫn cắn răng chịu, không dám rên lên một tiếng.

-Anh hai có đau lắm không? – Con Sen thút thít hỏi, mắt vẫn còn ầng ậng nước.

-Tao không sao. Lần sau thấy ổng về thì né ra biết chưa! – Sáo nghiến răng, cố nén lại cơn đau.

-Còn anh hai, sao anh không né như mọi hôm? Sao chui ra chi để ổng đánh cho vậy? – Sen hỏi ngược lại.

- Tại...

- Tại sao vậy anh?

-Tại nhà hết gạo rồi...

Con Sen không hỏi nữa. Thằng Sáo cũng im. Căn nhà lại rơi vào im lặng, chỉ văng vẳng đâu đây tiếng ngáy của một gã đàn ông say mềm. Hai đứa nó sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp của cha, đồng tiền đã ít ỏi mà còn bị con ma men đem đi tế thần Rượu, thành ra hai đứa nhỏ bữa đói bữa no, có bao nhiêu cái ngon Sáo dành cho em hết nên cái thân mới gầy gò, ốm yếu như vậy. Bình thường cứ đến chừng giữa tháng, thằng Sáo sẽ đợi cha ngủ say rồi lén lục túi lấy tiền mua gạo. Hôm nay xui rủi làm sao, ông ta tỉnh lại đúng lúc thằng nhóc mò vào, vậy là nó ăn một trận đòn te tua thay cơm.

Hai đứa nhóc chen chúc trong một căn buồng chật chội, con Sen nằm trên cái giường ọp ẹp, còn thằng Sáo trải chiếu dưới đất. Căn nhà rách nát chẳng ngăn nổi gió mùa đông, hơi lạnh cứ ùa vào dồn dập như muốn nuốt chửng chút ấm áp duy nhất còn sót lại từ cơ thể rệu rã của hai đứa trẻ. Trời càng ngày càng lạnh, con Sen bắt đầu ho khan. Thằng Sáo bèn mang cái mền rách của mình đắp lên người em thêm một lớp nữa mặc dầu cái mền mỏng như tấm lụa này chẳng che chắn được cho ai huống chi là đòi ấm.

-Anh hai đưa cho em rồi anh lấy gì mà đắp? – Sen chưa ngủ, nó nhổm dậy đẩy tay anh ra.

- Kệ tao, tao đưa thì mày cứ đắp đi. Nhiều chuyện! – Thằng Sáo gắt lên, bắt con Sen nằm xuống rồi phủ cái chăn rách lên người cô em gái.

Con Sen không dám cãi lời anh. Anh của nó là một thằng nóng tính, lúc nào cũng la em gái vì việc này việc kia. Nhưng nó biết, biết anh nó có ý tốt, những lần anh nó la đều là vì bắt nó ăn hết bát cơm nóng khi anh còn vét cơm cháy trong nồi, là những lần bắt nó mặc chiếc áo khoác mới toanh khi trên người anh chỉ có độc mỗi cái áo ba lỗ. Anh nó mắng nhưng không phải là cái mắng chì chiết của lão cha say rượu ngoài kia, nó cảm nhận được tình yêu thương của anh mình. Con Sen thương anh Sáo lắm.

-Anh hai ơi?

- Gì?

- Hay là em nghỉ học nha... – Con Sen lí nhí.

-Mày nói cái gì? Sao lại nghỉ? – Thằng Sáo bất ngờ ngồi bật dậy.

-Em không muốn học nữa... – Con bé ngập ngừng.

- Đừng có lười biếng! Đi học đàng hoàng cho tao! – Sáo gắt lên, nhíu mày lại giận dữ.

- Nhưng đi học chán lắm, em muốn đi làm chung với anh hai! – Sen nài nỉ.

- Câm! Làm cái gì mà làm, ai mướn đứa con nít như mày mà đòi làm. Tao mà thấy mày bỏ học là liệu hồn!

- ...

Mưa rơi trên mái tôn, từng hạt nặng nề dội xuống, dần dần đọng lại thành một vũng nước ướt đẫm nền nhà. Bộp. Bộp. Tiếng mưa rơi như xé tan màn đêm yên tĩnh. Thằng Sáo còn tức, nhà nhỏ quá nên con em nghe rõ tiếng thở hồng hộc, tiếng nghiến răng ken két của anh mình. Đoán chắc anh thực sự giận rồi, con Sen không nói nữa, nó trở mình quay mặt về phía tường. Ai nói con Sen không thích đi học, nó thích thầy cô, trường lớp, bạn bè, Sen mê học như người ngư dân mê đi biển. Nhưng mà nó thấy anh mình cực quá, khổ quá, anh nó lang thang qua mấy vựa ve chai để đi xin từng quyển tập, quyển sách cho nó học, đến tối thì đi làm lén cho cái quán nhậu sau chợ, tại anh nó chưa đủ tuổi lao động, người ta không dám thuê, phước lắm mới được ông lão chủ quán mướn về rửa chén. Bởi vậy con Sen chỉ muốn lớn thật nhanh để đi phụ anh mình. Còn thằng Sáo, nó hay nghe người lớn nói chỉ cần học hành tới nơi tới chốn ắt sẽ đỡ khổ nên nó bắt con Sen phải đi học bằng mọi giá. Đó cũng là lí do duy nhất níu chân nó ở lại căn nhà tồi tàn này, ở lại chịu trận từ con ác quỷ say rượu. Phải có cha hoặc mẹ thì con Sen mới được đến trường, mới được đi học giống như bao đứa trẻ cùng lứa khác. Bởi vậy khi người ta dọa báo công an bắt cha nó đi tù, nó sợ lắm, nó la hét mắng chửi người ta là nhiều chuyện. Bắt cha nó đi rồi, hai đứa sẽ bị gửi vô trại mồ côi, mà biết trong đó có tốt hơn ở ngoài này không? Mấy lần nó có đi ngang qua trại mồ côi, nhìn cái cánh cổng to đùng khóa kín không hiểu sao nó thấy sợ, nó sợ vào đó chẳng thể nào ra ngoài, nó sợ trong đó cũng có những con quỷ dữ tợn như cha của mình. Thời đó nước mình đói lắm, cái ăn của bản thân người ta còn lo chưa xong huống chi là giúp những kẻ xa lạ. Nó lắc đầu ngao ngán rồi quay về với cái hẻm nghèo của mình.

Chắc thấy mình quát em hơi quá, thằng Sáo nằm xuống suy nghĩ một hồi rồi nói bâng quơ:

-Thôi, ngủ đi. Có tiền rồi, mai đi mua gạo sẵn tao mua cho mày cây kẹo bông gòn.

*

Mưa mùa đông, mưa phùn, hạt mưa không to nhưng đủ để con người ta run lên vì lạnh. Cơn mưa ấy cứ kéo dài, rả rích từng hạt, ảm đạm và thê lương như một con người mãi trăn trở về một mối sầu vạn kiếp nào đó. Thằng Sáo cõng bao gạo trên lưng, một tay giữ thăng bằng, tay còn lại nắm lấy đôi tay gầy gò của đứa em. Thật ra bao gạo cũng chẳng nặng là bao, chỉ là do nó ốm yếu quá nên mới xách không nổi. Lâu lắm hai đứa nhóc mới đi dạo phố lại, trước kia chúng nó cũng thường hay tới chợ nhưng làm quái gì có đồng bạc nào mà mua đồ, chúng chỉ đứng ngó qua ngó lại, nhìn quanh các quầy hàng. Thấy chúng nó tả tơi quá, ai cũng nghĩ chúng là đám ăn cắp vặt, không xua đuổi thì cũng nói bóng nói gió, mà thằng Sáo lớn rồi, nó cũng biết nhục chứ; vậy nên một tháng hai đứa nhỏ mới dắt nhau lên phố một lần, một tháng mới có một ngày người ta xem chúng là người.

-Lẹ lên anh, không là ông Hảo dọn hàng đó!

-Từ từ, tao biết rồi!

Thằng Sáo nhìn đứa em gái ham ăn lôi lôi kéo kéo tay mình, lòng vui vẻ lạ. Từ khi nhận thức được sự hiện diện của mình trên cõi đời này, nó đã có một con em kề kề bên cạnh, một con em phiền phức lúc nào cũng chem chép miệng đòi ăn. Nhiều khi nó nghĩ, nếu không có con Sen chắc nó cũng không phải ốm yếu tới mức này, chắc cũng không đến mức khổ như vậy. Nhưng cái suy nghĩ ấy chẳng bao giờ kéo dài được hơn mười giây trong óc nó. Đời nó khổ, nó chưa từng được ai bảo vệ hay che chở, không ai cứu nó khỏi những đòn roi, không ai cứu nó khi bị cái đói cào cấu nên hơn ai hết nó hiểu, nó thấu cái cảm giác cô đơn và tuyệt vọng của con người khốn cùng. Thấy đời mình tàn quá, nó buông, nó phải dành hết những gì tốt nhất cho con em của mình, để con bé không như nó, Sen phải hạnh phúc hơn, sống tốt hơn.

-Sáo! Con!

Tiếng gọi từ một người phụ nữ ở phía xa làm thằng Sáo sững sờ. Cái giọng nói ấy, dáng người ấy làm nó đã ngờ ngợ nhận ra nhưng lòng không muốn tin. Chưa kịp định hình, người đàn bà ấy chạy vụt lại ồm chầm hai đứa nhóc vào lòng, tay xoa đầu, vuốt lưng, hôn lấy hôn để. Đến cái lúc hai gương mặt đối diện, bốn mắt nhìn nhau, thằng Sáo mới chắc chắn đó là mẹ, người mẹ ruột thịt của nó! Nhìn cái vết sẹo trên dọc xương quai của mẹ, nó chợt nhớ về một quá khứ xa xăm, cái quá khứ mà nó cố vùi chôn bao lâu nay. Hồi còn con gái mẹ nó đẹp như một nàng kiều nữ, có biết bao nhiêu chàng trai say đắm vẻ đẹp đó mà buông lời trăng hoa hẹn thề. Cơ mà nhà ngoại nó lại nghèo xơ nghèo xác, lăn lộn trong sự khổ cực đó từ nhỏ nên người con gái ấy khao khát lắm cái mùi giàu sang, trùng hợp thay khi ấy cha nó lại là công tử của một gia đình giàu có, vậy là hai con người đó nên duyên. Nhưng mẹ nó lại không ngờ người chồng giàu có là một thằng phá gia chi tử, là một con nghiện cờ bạc, ăn chơi trác táng không có điểm dừng. Thời gian thấm thoát trôi qua, ông bà nội thằng Sáo mất, tài sản trong nhà có nhiều đến bao nhiêu cũng bị cha nó cá độ hết ráo, người ta siết nhà trừ nợ, cả nhà nó lại phải chuyển về cái xó của những kẻ bần cùng này. Cái nghèo lại một lần nữa đeo bám mẹ nó, nhưng lần này còn khủng khiếp hơn vì nhà có thêm hai miệng ăn là thằng Sáo với con Sen. Phải quay về với cái cảnh nghèo đói, nợ nần làm mẹ nó phát điên. Soi bóng mình trong gương, người phụ nữ ấy thấy mình còn trẻ quá, còn đẹp quá, vậy nên vì cớ gì mình phải chôn thây ở cái đáy xã hội này! Mình có thể bỏ đi, bỏ đi thật xa khỏi cái nơi chết tiệt này, rồi mình sẽ cưới một lão chồng giàu có khác, sẽ được sống giàu sang, được ăn ngon mặc đẹp. Nghĩ vậy mẹ nó trang điểm thật đẹp, diện đầm diện váy ngày ngày lên phố. Một đêm mùa đông nọ, trời cũng lạnh như hôm nay, người đàn bà ấy lủi thủi về nhà lúc nửa đêm, lục đục gói ghém cái gì đó. Thằng Sáo thức dậy, có thể do tiếng động ồn ào trước nhà đánh thức nó hoặc cũng có thể là do đứa trẻ non nớt ấy linh cảm được điều gì không hay.

-Mẹ ơi, mẹ đang làm gì vậy? – Thằng Sao dụi dụi mắt, ngây ngô hỏi.

Nghe thấy giọng con trai, người đàn bà giật mình, gương mặt lấm lét như một thằng ăn trộm bị bắt quả tang. Bà quay sang nhìn đứa con, nhìn thật kĩ, thật lâu. Hình như trong khoảnh khắc đó ả đàn bà ấy nhớ ra mình cũng là một người mẹ, mình cũng có hai đứa con. Nhưng rồi rất nhanh, âm thanh của những cái lắc vàng, lắc bạc trên tay nhắc bà ta về một cái tương lai tươi sáng đang chờ phía trước, cái tương lai giàu sang, sung sướng mà bà hằng ước ao. Đúng, muốn giàu có thì phải rời khỏi đây, phải xóa sạch dấu vết của mình với cái nhà rách nát này, không được để ai biết, không một ai được biết mình từng sống ở cái cống rãnh hèn hạ, thối nát này!

-Mẹ! Mẹ làm gì vậy?

- ...

- Mẹ, sao mẹ dọn đồ đi đâu vậy?

- ...

- Mẹ!

- Câm mồm! Tao không có con!

Người đàn bà ấy gào lên, đứng phắt dậy rồi gạt phăng đôi bàn tay gầy gò của thằng con ra khỏi người mình. Thằng nhóc hoảng sợ, mặt mày xám lại, mẹ nó dùng lực mạnh quá làm nó ngã nhoài ra sàn nhà lạnh buốt, nhưng nó vẫn gượng dậy nắm lấy cái gấu quần của mẹ, nắm thật chặt, không buông.

-Bỏ ra, tao nói mày bỏ ra!

-Con lạy mẹ, mẹ đừng bỏ con đi! Mẹ đi đâu, mẹ cho con theo với!

-Cút ra! Tao không cần mày!

Hai mẹ con giằng co qua lại một lúc thì thằng cha nát rượu của nó vừa về đến nơi. Mấy ngày nay người ta thấy mẹ nó thường tay trông tay với một lão già nào đó trên phố, rồi người ta bắt đầu đồn, một đồn trăm, trăm đồn ngàn, lời đồn đến tai cha nó, hắn ta gầm lên như một con thú dại, cầm chai rượu đang uống dở trên tay lao thẳng về nhà. Vừa hay cảnh tượng trước mắt là một bằng chứng hoàn hảo cho sự dâm loạn của con vợ ti tiện này.

-Con kia, mày đi đâu? Mày đi đâu? – Hắn chỉ tay vào mặt người đàn bà, lặp đi lặp lại câu hỏi với chất giọng khàn đặc của một con thú dữ.

Bình thường những lúc như vậy, người đàn bà ấy sẽ hóa thân thành một cô vợ ngoan hiền, sẽ dùng lời ngon ngọt để thoát khỏi đòn roi của ông chồng khốn nạn. Nhưng bấy giờ đang bực mình thằng ôn con ghì chân mình lại với có sức mạnh của đồng tiền cổ vũ phía sau làm người đàn bà ấy bỗng trở nên dũng cảm hơn, ả đứng thẳng người lên đối diện trực tiếp với con quái vật trước mắt, rồi chửi vào mặt nó:

-Mày hỏi tao đang đi đâu á? Tao đi khỏi ngôi nhà tồi tàn này chứ còn đâu! Tao sẽ đi tới cái nơi không còn bóng dáng của mày nữa đấy thằng khốn ngu độn!

“Xoảng”

Người đàn ông ném thẳng chai rượu vào người mà mình gọi là vợ, chai rượu vỡ, mảnh chai đâm vào da thịt người phụ nữ khốn khổ ấy, máu bắt đầu tuôn ra, màu máu đỏ thẫm. Mẹ nó đau quá nằm vật ngay ra dưới chân thằng nhóc, tay ôm vết thương trên vai, la hét thống khổ. Ả cay đắng, tức giận, rồi trừng mắt về phía thằng Sáo, do nó mà ả đã chần chừ, do nó níu chân mà ả bị chậm trễ, do nó mà ả mới bị ăn đánh, cái vết sẹo xấu xí ấy sẽ đi theo ả mãi, ai sẽ yêu một con đàn bà sẹo dọc sẹo ngang, ai sẽ cho ả tiền khi thấy vết sẹo kinh tởm này, do nó, vì nó mà đời ả thảm hại.

-Mày thấy chưa? Mày giết tao rồi! Mày làm nó giết tao rồi!

Lăn lộn trong vũng máu, người đàn bà ấy gào thét rồi bổ nhào vào thằng con, buông những lời cay nghiệt để đổ lỗi cho nó. Cái ánh mắt hằn học, hung tợn ấy với đôi bàn tay máu me làm thằng bé 8 tuổi đứng đơ ra, mặt nó không còn tí biểu cảm nào, nó ngưng khóc nhưng hai hàng nước mắt vẫn cứ chảy đều đều.

Tiếng chửi với tiếng khóc, nước bọt với nước mắt.

Giàu sang và nghèo hèn, ấm no và đói khổ.

Giằng xé

Ầm ĩ

Hỗn loạn

...

Đêm hôm ấy, thằng Sáo đã chẳng còn là một đứa trẻ.

Mẹ nó mua cho hai anh em mỗi đứa một cây kẹo bông. Mẹ nó bỏ đi hồi con Sen còn nhỏ quá, thực ra nó còn chẳng nhớ rõ mặt của bà, nhưng nó cũng thấy thích thích khi được gọi mẹ như bao đứa bạn khác, hóa ra nó cũng có mẹ như ai kia, cũng được mẹ mua quà vặt, được dẫn đi chơi, nó không thấy phiền. Còn thằng Sáo thì ngược lại, từ nãy đến giờ nó vẫn nhìn chằm chằm vào bà với cái ánh mắt tràn đầy sự căm hận. Người mẹ khốn khổ ấy muốn nói gì đó nhưng cứ ngập ngừng rồi lại thôi. Thằng Sáo thấy mẹ mình thay đổi nhiều quá, làn da trắng hơn, mái tóc cũng cắt ngắn đi nhuộm màu nâu hạt dẻ, trên người mẹ nó nồng nặc mùi nước hoa, ăn mặc cũng sang hơn. Nó biết chắc cuộc sống của mẹ mình đã tốt hơn nhiều, điều đó lại làm nó thêm hận bà vì đã bỏ rơi nó ở chốn địa ngục trần gian. Ba mẹ con cứ đứng đực ra đó, chẳng ai nói với ai câu nào, một lúc lâu sau có một người đàn ông bước đến gọi tên mẹ nó, bà hốt hoảng bỏ đi chỉ kịp dúi vào túi quần con Sen đồng bạc năm chục. Đó là cuộc gặp mặt đầu tiên của hai đứa trẻ sau ba năm vắng bóng mẹ.

-Anh hai ơi, người đó là mẹ mình thiệt hả? – Đợi bóng người đàn bà đi khuất, con Sen thì thầm hỏi anh.

- ...

- Có phải không anh? Nào giờ em tưởng mình không có mẹ mà?

- Con nhỏ này, ai mà lại không có mẹ. – Thằng Sáo thở dài, xoa đầu đứa em non nớt.

Ai mà lại không có mẹ, chỉ là... lòng mẹ không có ta. Từ ngày ấy, tháng nào chúng nó đi mua gạo cũng được bà chủ ở đó gửi cho một phong bì đựng tiền và thư, lúc một trăm, khi hai trăm, mẹ nó nhờ người ta đưa hộ. Sáo không hiểu hành động này là gì, nó cứ tưởng mẹ mình đã ruồng bỏ hai anh em, tưởng bà căm thù mình vì vết sẹo trên vai. Phải chăng cuộc gặp gỡ ấy lại lần nữa đánh thức chút tình mẫu tử còn sót lại trong trái tim khô cằn của người đàn bà ấy, hoặc cũng có thể là sự hối hận muộn màng cho hành động năm xưa. Nó nghĩ mãi cũng chẳng thông, duy chỉ hiểu rõ một điều rằng số tiền đấy có thể cho hai anh em ăn những bữa cơm đúng nghĩa. Thông qua những bức thư, nó biết mẹ mình đang làm vợ của một lão nhà giàu nào đó tít trên tỉnh đúng như cái giấc mơ bà từng ấp ủ. Thế nhưng cuộc sống của bà ở nhà chồng cũng không dễ dàng gì, người ta đồn ra đồn vào mẹ nó từng đi làm gái, từng có gia đình. Lão chồng lớn hơn bà cả hai con giáp là một người gia trưởng, khó tính, nghe những lời đồn đại cũng mặt nặng mày nhẹ nhưng nhìn vợ mình đẹp quá nên lão không nỡ bỏ, vậy nên thỉnh thoảng say rượu lão lại lôi cái quá khứ của bà ra mà chì chiết cho bỏ ghét. Cuộc đời này rốt cuộc có ai là sung sướng?

*

Cũng vào một ngày giữa tháng, thằng Sáo lên phố mua gạo nhưng lần này không có con Sen theo cùng vì con bé bận thi nên về trễ, sợ con bé sẽ buồn nên Sáo dặn lòng hôm nay sẽ mua hẳn hai cây kẹo bông cho con em. Nghĩ đến cảnh con Sen thích chí nhảy cẫng lên lòng thằng nhóc thấy vui đến lạ.

-Sáo!

Ngước mặt lên, nó thấy hình bóng mẹ mình ngay trước mắt, ý cười trên môi chợt tắt hẳn. Thằng nhóc nhìn mẹ, không biết suy nghĩ gì lại cắm đầu xuống đất đi thẳng một mạch lướt qua. Mẹ nó thấy thế liền gọi với theo:

-Sáo! Ngày mai mẹ ra Huế rồi!

Câu nói vừa dứt, thằng nhóc liền đứng khựng lại, trầm ngâm một lúc nó hỏi:

-Mẹ nói với con làm gì?

- Mẹ... Nếu mẹ ra Huế sẽ không thể chăm sóc cho hai đứa nữa!

- Chăm sóc? Mẹ chăm sóc tụi này được ngày nào?

Hỏi xong nó mới ngớ người nhận ra cái “chăm sóc” cao thượng mà mẹ nó nói là số tiền mà bà gửi hàng tháng cho hai đứa nhỏ. Lúc này nó mới thấy mình ngu, hóa ra bấy lâu nay nó cũng nhận được cái “tình thương” của mẹ - người mà nó đã định hận thù suốt cuộc đời này, cái đói đã gặm nhấm sạch trơn cái lòng tự trọng rách nát trước khi nó kịp nhận ra. Bằng cách này hay cách khác nó đã không còn đủ tư cách để hận mẹ mình. Thấy bầu không khí gượng gạo, người đàn bà ấy giả lơ câu hỏi của nó rồi nói thẳng:

-Mẹ biết hai anh em ở với cha rất khó khăn nhưng cuộc sống của mẹ cũng không khá hơn là bao. Sắp tới mẹ phải chuyển ra Huế ở luôn, mẹ muốn hỏi Sen có muốn đi theo mẹ không? Ở ngoài đó sẽ tốt hơn ở đây, mẹ sẽ cho con bé đi học, việc đó cũng đỡ cho...

- Vậy còn con thì sao?

Thằng Sáo cắt lời, quay lại nhìn người mẹ của mình với đôi mắt ráo hoảnh, miệng nó còn nở một nụ cười khổ. Cái gương mặt ấy như cái vết dao găm vào da thịt người đàn bà làm mẹ này, nó làm bà nhớ về cái ánh mắt thằng nhóc nhìn mình trong đêm đông năm nào, cũng là đôi mắt mơ hồ, vô định đó, đôi mắt của biết bao cảm xúc hỗn loạn: đau đớn, buồn bã, phẫn uất, thất vọng và bất lực. Cái ánh mắt ấy đốn gục người đàn bà, làm ả đứng sững ra. Nhưng biết phải làm sao bây giờ, lão chồng phát hiện ra ả lấy tiền đem cho con riêng bèn nổi trận lôi đình, cũng may khi ấy ả dùng cái thai trong bụng vịn cớ mà xin lão cho mình dắt theo mấy đứa con, nói rằng sau này chúng nó sẽ chăm em, phụ làm việc nhà đỡ đần cho hai vợ chồng. Lão nghĩ cũng có lí, nuôi một đứa nhỏ còn tiện hơn bỏ tiền thuê vú em, con nít vừa ăn ít lại còn nghe lời, sau này lão già đi mà đứa con ruột chưa kịp lớn thì cũng có đứa con này chăm cho gọi là có phúc như bao người. Nhưng nuôi hai đứa thì tốn quá, lão chỉ cho ả dắt theo một đứa thôi, mà thằng Sáo trông gầy gò, cái mặt đen nhẻm còn kênh kênh làm lão không ưa, lão vẫn thấy mấy đứa con gái ngoan hiền, dễ bảo hơn, mẹ nó cũng thấy sờ sợ thằng Sáo vì nó nhắc bà nhớ về cái quá khứ hãi hùng đêm mùa đông năm nào nên đành chậc lưỡi bỏ qua đứa con này.

-Mẹ lại định bỏ rơi con lần nữa sao? – Thằng Sáo hỏi, nó vẫn cười, một nụ cười đắng chát.

Mẹ nó không đáp, quay mặt đi như để né tránh ánh mắt của thằng con, đôi mắt của thằng Sáo đen đục nhưng sao ả lại thấy nó lại sáng như mặt gương, rọi đến từng góc tối trong lòng dạ người đàn bà chán chồng bỏ con này. Điều đó làm ả thấy khó chịu và nhục nhã.

-Mẹ chỉ có thể làm đến thế thôi. Con hãy về nói em thu xếp hành lí rồi ra đây đứng đợi mẹ. Đừng có trẻ con nữa kẻo hối hận đấy, con phải biết nghĩ cho em mình chứ!

-Con bé sẽ không đi đâu cả! – Thằng Sáo hét lên, trừng trừng nhìn mẹ.

Người đàn bà ấy nhìn đứa con trai của mình, lấy một hơi dài chuẩn bị giở cái giọng chua ngoa ra mắng nó như khi xưa. Nhưng rồi chẳng hiểu sao bà ta lại nuốt ngược cơn tức vào trong, thở dài nói:

-Được rồi, tùy hai đứa. Con cứ về hỏi em đi, 7 giờ hôm nay tàu chạy đấy. Nếu có đi thì phải đến sớm nghe chưa.

Nói rồi mẹ lại dúi vào tay thằng nhóc vài tờ bạc rồi quay bước bỏ đi, thằng Sáo vẫn đứng ở đó, hướng mắt dõi theo đến tận khi bóng mẹ hòa vào đám đông. Nó mua gạo, mua kẹo bông như thường lệ nhưng không về nhà ngay mà ngồi thơ thẩn ở cái ghế đá ven đường. Nó bắt đầu suy nghĩ về những lời mẹ mình vừa nói. Ngẫm đi ngẫm lại cũng đúng, sống ở đây thì liệu nó lo cho con Sen được đến đâu? Giỏi lắm là con bé học được hết cấp 2, mà học nhiêu đó thì làm sao mà đủ cho tương lai sau này, rồi thì con nhóc cũng phải đi làm thuê làm mướn cho người ta, đời nó cũng sẽ bế tắc như chính mình vậy. Nhưng rồi một suy nghĩ khác lại nảy ra trong đầu thằng Sáo: rủi ra đó người ta đối xử không tốt với con bé thì sao? Đúng rồi, mẹ nó vốn dĩ đâu phải là một người giàu lòng thương, ắt hẳn bà ta cũng đang tính toán cái gì đó, chắc chắn mẹ sẽ lợi dụng con em của mình. Chắc gì ra đó nó được ăn sung mặc sướng như lời bà ta đã hứa, lỡ chồng mới của bà ta ghét bỏ con riêng của vợ rồi lấy cớ đánh đập nó thì sao? Lúc đó làm gì có Sáo ở đó, ai sẽ cứu con Sen, ai sẽ bảo vệ nó khỏi đòn roi. Nghĩ đến đó, nó tự nhiên thấy quyết định của mình là sáng suốt, quả nhiên con Sen vẫn nên ở cùng nó, nó sẽ xem như chưa từng có cuộc trò chuyện này rồi tự dặn lòng mình con Sen cũng sẽ đồng ý với nó. Mải nghĩ mà quên cả thời gian, đến khi thằng Sáo thoát khỏi chuỗi độc thoại của bản thân cũng là lúc đất trời tối mịt, thằng nhóc ba chân bốn cẳng chạy ngay về nhà.

Vừa về đến đầu con hẻm nó chợt nghe thấy tiếng chửi quen thuộc rồi cả tiếng hét thất thanh của một đứa bé, đoán biết có chuyện không hay xảy ra nó vứt luôn bao gạo rồi lao thẳng về nhà.

-Tao hỏi mày cái gì đây? Cái gì đây hả?

Cha nó nắm tóc con Sen giật thật mạnh, tay còn lại cầm đống thư mà mẹ nó gửi đập liên tiếp vào mặt con bé tra hỏi. Gã đã phát hiện ra rồi, phát hiện hai đứa nhỏ lén lút đi gặp người vợ lăn loàn của mình, nghĩ đến cái con vợ khốn nạn ấy làm cơn giận tưởng chừng như bị vùi chôn bao năm qua trong lòng gã cháy lên, sôi lên sùng sục. Do đợi anh lâu quá chưa về, con Sen thấy chán nên lôi đống thư mẹ gửi ra đọc, xui xẻo làm sao vừa đúng lúc cha của nó quay về từ sòng bạc. Hôm nay vừa ăn được một mớ tiền lớn làm hắn ta cảm thấy vô cùng vui vẻ, mà rượu chỉ khi buồn thì uống mới ngon, vậy nên hôm nay hắn không say. Mà khi không say hắn mới nhớ ra hình như mình cũng có một hay hai đứa con gì đó, hình như hắn cũng là cha, tự nhiên hôm nay hắn muốn xem thử mấy đứa con của mình tròn méo ra sao. Thấy lão ta bước ra sau nhà, con Sen giật mình giấu đống thư ra sau lưng như một phản xạ, cái hành động đó liền rơi vào mắt gã rồi, cái ngọn lửa năm nào được khơi lên, nhưng lần này không còn người vợ ở kế bên để hắn đánh chửi nên mọi tội lỗi ấy đều do con Sen gánh chịu hết.

-Thả con Sen ra!

Thằng Sáo hét lên một tiếng rồi nhào vô kéo tay người đàn ông ra khỏi con em gái tội nghiệp.

-Mày! Hai đứa mày, tao hỏi tụi bây gặp con điếm này từ khi nào?

Hắn ta gầm lên, đôi mắt đỏ long sòng sọc như con quái thú muốn cắn muốn nuốt hai đứa nhỏ. Thằng Sáo chạy lại đỡ con em, không quên nhìn thẳng vào mắt gã đầy oán hận. Khổ nỗi thằng Sáo có cái gương mặt giống mẹ nó quá, trước kia đói ăn nên hai bên má hóp lại làm gã không để ý, giờ đây nhìn mặt thằng Sáo gã lại càng điên hơn nữa. Hắn bắt đầu chuyển hướng sang tấn công thằng Sáo, đầu tiên là một cái tát trời giáng mở màn, thằng bé choáng váng mà lăn quay ra sàn, hắn ta lại dùng chân đá vào bụng thằng nhóc. Thấy anh mình bị đánh thảm thương, con Sen không thể đứng nhìn thêm phút giây nào nữa, nó lao tới nhanh như một con sóc rồi cắn thật mạnh vào bắp tay cha mình. Người đàn ông hét lên một tiếng rồi hất con bé văng ra, con Sen va đầu vào cạnh bàn, máu bắt đầu túa ra.

Trời ơi! Lại là máu! Nhìn dòng máu đỏ tươi lăn dài từ đầu qua mặt, qua cổ con em mà đầu nó tự tái hiện lại cái cảnh tượng đêm hôm ấy, mắt nó trố ra, mặt trắng bệch.

“Mày thấy chưa? Mày giết tao rồi! Mày làm nó giết tao rồi!”

Câu nói năm nào của mẹ cứ văng vẳng bên tai nó, đầu nó như sắp nổ tung ra, nó bật dậy thật nhanh, cõng con Sen trên lưng rồi bỏ chạy trước khi cha nó kịp hoàn hồn. Nó đi chân trần, đôi chân trần dẫm lên sỏi đá, đất cát xé tan màn đêm đưa em nó chạy thật nhanh. Vừa chạy hai hàng nước mắt của nó vừa rơi, cái hình ảnh con Sen nằm ngay đơ đã xát muối vào vết thương lòng năm ấy và tạo nên một cú sốc quá lớn làm nó quên đi cả việc kêu cứu, nó cứ chăm chăm chạy thật nhanh về phía trước. Nhưng bây giờ nó phải đi đâu? Ai sẽ cứu con Sen, ai sẽ cứu được nó? Sao nó thấy phía trước mịt mù quá, còn đằng sau vẫn văng vẳng tiếng chửi rủa của cha nó, hắn ta vẫn còn đuổi theo, hắn phải bắt được hai đứa con để trút giận. Trời ơi! Sao đời nó thảm quá! Sao con Sen cũng thảm quá!

Khoan

Nó còn mẹ!

Đúng rồi, nó còn có mẹ!

Mẹ nó sẽ cứu được con Sen, mẹ sẽ mang con bé đi xa thật xa, em nó sẽ thoát khỏi xiềng xích của con quái vật này. Nghĩ rồi nó ngay lập tức rẽ hướng chạy đến nhà ga.

Mấy giờ rồi, có còn kịp nữa không?

Sao hôm nay trời tối quá, rốt cuộc đã mấy giờ rồi? Tàu đã lăn bánh chưa, đã đến ga chưa?

Nó cứ chạy, chạy miệt mài khi miệng cứ ú ớ cái gì đó không rõ. A, hóa ra nó đang nói lời xin lỗi.

Tao xin lỗi mày Sen ơi, đáng lẽ ra tao không nên bỏ mày ở nhà một mình

Tao xin lỗi mày, đáng lẽ tao phải đưa mày theo mẹ sớm hơn

Sen ơi, tao xin lỗi.

Con Sen là nguồn sống duy nhất của thằng Sáo, là tia lửa nhỏ níu kéo cái xác tàn của nó ở lại trần gian. Mỗi khi bị đòn, bị đánh chỉ cần nghĩ về đứa em dù đau đến mấy nó cũng có thể chịu được. Bởi vậy đứng trước lời mời gọi hấp dẫn của mẹ, thằng anh hai mẫu mực ngày nào bỗng trở nên ích kỉ đi, tự dưng nó lại muốn con Sen ở lại với mình. Giờ thì nó hối hận rồi.

Tiếng chửi vẫn đuổi theo nó đến từng góc phố, thằng nhóc co giò mà chạy, đôi bàn chân của nó trầy xước rồi bắt đầu rỉ máu. Tiếng chửi ở đằng sau, tiếng chửi càng ngày càng gần, tiếng chửi đuổi theo nó qua từng góc phố đến khi nó nghe tiếng xe đâm mạnh.

“Kétttttt..... Rầm”

Tiếng chửi ở phía sau ngưng hẳn, thay vào đó là một tiếng hét thất thanh, rồi lại thêm một tiếng hét khác, rồi nhiều tiếng hét nữa. Nó quay lại và thấy cha mình nằm vật ra đường trước đầu một chiếc ô -tô, bất động.

Mắt nó tối sầm lại, cả thế giới trước mắt như sụp đổ. Mồ hôi và cả máu thấm ướt vai áo nó, đôi chân nó run rẩy, cái miệng cứ giần giật. Tai nó ù đi trong tiếng la hét của mọi người xung quanh, trước khi hai tai điếc đặc hình như nó còn nghe thấy tiếng gió xào xạc, tiếng còi tàu vang xa mãi. Tự nhiên nó thấy một ánh sáng, ánh sáng từ đèn pha ô – tô, ánh sáng từ đầu con tàu hay ánh sáng từ thiên đàng? Rồi nó chợt nhận ra đó không phải là ánh sáng mà là một màu trắng xóa. Trước đây nó thường tự hỏi thế giới này có màu gì? Chắc chắn không phải là màu hồng dịu êm, cũng không phải là màu xanh của hi vọng, phải chăng là màu đen tối tăm, là màu đỏ của máu, hay màu xám u buồn? Ôi! Giá mà cuộc đời của nó có cái màu nào đó, giá mà nó nhìn thấy một chút sắc màu nào đó. Nhưng tại sao thế giới của nó lại là màu trắng? Nó không thấy gì hết, hình như bàn chân nó còn không chạm đất, mà đâu mới là mặt đất, nó đang đứng hay đang trôi, sao nó mở mắt mà lại chẳng thấy gì hết, sao xung quanh mơ hồ vậy?

Bơ vơ

Mịt mờ

Thẫn thờ

Mông lung

Vô định

Chuyến tàu đã lăn bánh, tiếng xe cứu thương ngày một gần, dòng đời vẫn cứ xoay, chỉ có nó bị vây kín bởi những điều mơ hồ, chỉ có nó chìm vào trong cơn mơ.

Chỉ có nó... lạc.


Nguồn ảnh: Sưu tầm trên Pinterest
 

Đính kèm

  • Lạc - Văn học trẻ.jpg
    Lạc - Văn học trẻ.jpg
    54 KB · Lượt xem: 215
Sửa lần cuối:
Từ khóa
dự thi mùa đông
815
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top