Chia Sẻ Lê Thánh Tông - vị vua tài giỏi trong lịch sử Việt Nam

#Hà Nội Chia Sẻ  Lê Thánh Tông - vị vua tài giỏi trong lịch sử Việt Nam

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) được biết đến là vị vua tài giỏi trong lịch sử Việt Nam. Trị vì nước nhà 37 năm, vua tạo dựng được nhiều thành tựu rạng rỡ về văn hóa , luật pháp, văn học… Bản thân vua là người ham đọc sách, với những răn dạy quý báu về việc đọc.

Ngự chế Việt sử tổng vịnh (của Tự Đức) nhận xét: “Lê Thánh Tông sáng lập chế độ mới mẻ, văn học và nhân vật bấy giờ rất khả quan; cõi bờ mở mang thổ địa và dư đồ nước nhà càng thêm rộng”... “nước nhà trong ngoài đều vô sự, và hàng năm lúa thóc được mùa luôn, cho nên người ta gọi đời vua Lê Thánh Tông là đời thái bình thịnh trị vậy”.

Đọc sách giúp giữ mình trong sáng

Riêng bản thân vua Lê Thánh Tông đối với sách vở, được Lịch triều hiến chương loại chí ngợi ca là: “ham học không biết mỏi, tay không rời sách vở; kinh, sử, chư tử, lịch số, toán, chương đều tinh thông; văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi”.

Không chỉ là người trọng sách vở, siêng trau dồi kiến thức, vua còn thực hành việc ấy trong việc trị vì đất nước. Trong việc chọn nhân tài, vua chú trọng lấy nhân tài qua thi cử, đỗ đạt, thứ đến mới dùng phép bảo cử, tiến cử, tập ấm... Những người đỗ đạt phải là những giỏi, hay chữ, hiểu lễ nghĩa thánh hiền.
vualethanhtonganhtl_LHAQ.jpg

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) được biết đến là vị vua tài giỏi trong lịch sử Việt Nam Ảnh: T.L

Thời vua ở ngôi, Quốc Tử Giám hoạt động hiệu quả để đào tạo nhân tài. Không chỉ vậy, theo nghiên cứu của Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (Lê Kim Ngân) cho biết dạo ấy có Quốc sử viện giữ việc ghi chép, biên soạn sử sách. Nhiều cơ chuyên môn cũng có những chức việc lo vấn đề sách vở. Chẳng hạn, Hàn lâm viện có chức Hàn lâm viện thị độc giữ việc đọc sách, Tả hữu thuyết thư coi việc giảng nghĩa kinh sách… Thuộc Hàn lâm viện lại có Sùng văn quán là “cơ quan trông coi về những sách vở, đồ thư [địa đồ, thư tịch], cốt để cung cấp tài liệu và chỉ bảo học sinh”.

Năm Đinh Hợi (1467), lại cho đặt chức học quan với tên gọi Ngũ kinh bác sĩ chuyên việc nghiên cứu năm bộ sách kinh điển của Nho gia gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu để dạy học trò ở Quốc tử giám. Việc đặt ra chức học quan này căn cứ vào hiện trạng dạo ấy các giám sinh trường Giám chủ yếu học Kinh Thi, Kinh Thư mà lại bỏ lơi Lễ Ký, Chu DịchXuân Thu.

Sử cũ ghi chép thời trị vì của vua Lê Thánh Tông có nhiều sự kiện thể hiện việc coi trọng của vua đối với sự học, sự đọc như thế nào. Trong quan điểm của vua, việc đọc sách giúp hiểu thấu đạo lý để kẻ làm quan nhờ đó giữ mình trong sạch, nên năm Đinh Hợi (1467), Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, vua dụ Thượng thư Bộ Hình Trần Phong rằng: “Nay trẫm trịnh trọng ký thác ở nhà ngươi, nhà ngươi chỉ làm thế nào giữ được 4 chữ “cần, thành, đôn, xác” [siêng năng, thành thật, đôn hậu, cẩn thận] thôi. Như thế thì nhà ngươi có lẽ nào lại không cố gắng dùi mài đọc sách để hiểu rõ được đạo lý sáng khôn giữ mình hay sao?”.

Với quân đội, dẫu việc luyện tập thao trường, trận đồ làm trọng để thực hành khi có chiến tranh, phản loạn, nhưng vua vẫn chú ý việc bồi dưỡng kiến thức cho lĩnh vực này thông qua tìm hiểu nơi sách vở, nên năm Đinh Hợi (1467), Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ngài “sai quyền Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải và Thông chính ty tả thừa Nghiên Nhân Thọ dạy các quân Kiêu dũng, Binh mã đọc sách”.

Đối với việc đào tạo con người, vua cũng nhiều lần có những chỉ dụ liên quan coi trọng vai trò của việc học hỏi từ sách. Cụ thể như năm Ất Mùi (1475), chỉ rõ con cái của quan tam phẩm và con của tụng quan văn võ từ tứ đến bát phẩm nếu như kẻ nào mà không biết đọc sách thì sẽ sung làm quân ở vệ Vũ Lâm; còn nếu biết đọc sách và thi đỗ thì sung làm nho sinh ở Túc lâm cục, là nơi trông nom dạy bảo con cái quan viên. Chỉ việc biết chữ nghĩa đã phân chia lĩnh vực, thứ bậc rồi, trong đó người nào có “bồ chữ” rõ ràng là được trọng dụng, ưu đãi hơn hẳn.

Đến năm Đinh Dậu (1477), ngài ra lệnh cho con trưởng của các tản quan từ tam, đến bát phẩm, nếu ai tuổi trẻ và thông minh ham học thì cho vào Sùng văn quán làm học sinh đọc sách. Việc này đã được áp dụng cụ thể cho nhiều trường hợp. Tỉ như năm Đinh Hợi (1467), cho Lang trung Nguyễn Tường, Lê Đình Tuấn, Tri huyện Nguyễn Nhân Thiếp, Đào Thuấn Cử, Viên ngoại lang Phạm Như Lan, Tấu sứ Trần Quý Huyên “đều được vào đọc sách tại Bí thư giám, vì thi đỗ khoa Hoành từ”, rồi sau đó lại ấy Đào Thuấn Cử làm Hàn lâm viện đãi chế cho vào đọc sách tại Bí thư giám…

Răn cấm làm sách mê tín, giữ sách công làm của riêng

Lực lượng đọc sách nhiều chính là lớp trí thức, học trò. Biết được tầm quan trọng của nhân tài từ khoa cử mà ra, nên vua chú trọng ban cấp sách vở cho những đối tượng này. Toàn thư còn ghi vào năm Đinh Hợi (1467), Nhà nước ban cấp bản in sách Ngũ kinh cho Quốc Tử Giám.

Đối với các địa phương, sách công đủ loại như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục, các loại sách thuốc cũng được ban cấp hàng năm. Tuy nhiên có thực trạng là khi sách công ban xuống cho các phủ thì có phủ quan tham ô giữ sách ấy cho mình mà không giao cho học quan (quan giữ việc dạy học) và y quan (quan y tế). Để ngăn trừ tệ nạn này, năm Giáp Thìn (1484), Nhà nước quy định “Hiến ty các xứ hãy kiểm soát các phủ trong hạt mình, nếu thấy những sách nói trên mà quan bản phủ cố tình giữ riệt, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan, thì cứ thực tình tâu hặc lên, giao cho Hình bộ trị tội”. Việc tham ô sách công đã bị quy tội lên tới Bộ Hình là nơi chuyên việc xét xử của triều đình.

Lại để lưu giữ, phổ biến luật lệ thời kỳ đầu nhà Lê, vào năm Quý Mão (1483), vua Lê Thánh Tông sai các quan Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận làm sách Thiên Nam dư hạ tập gồm 100 quyển. Sách này ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, điều lệ, cáo sắc của cả một thời mà hiện nay còn lưu lại một ít nội dung.
sachthiennamduhatapbiensoanthoilethanhtonganhtl_REWN.png

Sách Thiên Nam dư hạ tập biên soạn thời Lê Thánh Tông
Ảnh: T.L​

Cũng thời vua Lê Thánh Tông, để phòng chống, trừng phạt tệ làm sách gây hại đến phong hóa nước nhà, là những sách mê tín dị đoan, trong việc thể chế hóa thành luật lệ nơi Quốc triều hình luật hay Thiên Nam dư hạ tập, đã có những điều luật liên quan đến vấn đề này được ban hành.

Xem Thiên Nam dư hạ tập, tập IX, có ghi rõ lệnh cấm được ban năm Ất Dậu (1465) “Khắc in các tạp thư về Phật Lão” với nội dung: “Kẻ nào làm càn khắc in tạp thư về Phật Lão, đục khoét của cải của dân, làm rối loạn, mê hoặc tín ngưỡng của dân thì bị xử tội đồ” (Tội đồ ở đây là giam cầm hoặc bắt lao động khổ sai). Quy định này cũng nằm trong Điều 119 thuộc Chương Vi chế (Làm trái pháp luật) của Quốc triều hình luật.

Bản thân vua Lê Thánh Tông vốn là người hay chữ, thường cùng văn thần xướng họa văn thơ, “lập ra hội Tao Đàn, tự mình làm Nguyên súy” (theo Ngự chế Việt sử tổng vịnh). Trong thời trị vì vua cũng cho làm sách của mình. Vào năm Bính Thìn (1496) vua viết sách Xuân vân thi tập. Trước đó vào năm Ất Mão (1495), thấy hai năm liền được mùa to, vua đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành “nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn”... tập hợp làm thành sách Quỳnh uyển cửu ca thi tập.

Theo Thanh Nien
 
Từ khóa Từ khóa
hà thành lê thánh tông vua
140
3
0

Địa phương TOP

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.