Lý Hoài Xuân - Một góc nhìn

Lý Hoài Xuân - Một góc nhìn

Đọc thơ Lý Hoài Xuân hiện diện con người đa cảm, trái tim thường trực đam mê đắm đuối với đời sống, với quê hương nguồn cội. Một cử chỉ, lời nói, một lần gặp gỡ hay chia ly, một bông hoa, một hẻm phố.. tất cả nhập vào hồn thơ anh. Dòng cảm xúc hệt con sông luôn đầy ắp phù sa, len lỏi mọi nơi mọi lúc, cuồn cuộn tràn vào cánh đồng thơ. Dĩ nhiên, điều quan trọng, trên cánh đồng đó nhà thơ gom nhặt được những gì?

Nhà thơ khiêm tốn tự ví: Anh như của rơi/ Nằm bên vệ cỏ. Thứ của rơi ấy tượng trưng cho sự thiêng liêng sáng tạo, tượng trưng cho khát vọng tự do:

Bởi vì sợ mất
Em đã buộc anh
Bằng nhiều sợi chặt
Bởi vì sợ trói
Anh tuột khỏi em

Của rơi
là bài thơ tình cụ thể, có đối tượng, có tình cảnh: Sống giữa tay em/ Anh vui có lúc/ Anh buồn có khi. Nhưng không dừng ở đấy, hình tượng thơ mở rộng hướng tới ý tưởng mạnh mẽ. Ra thế, trong cuộc sống nếu khư khư cốt giữ những gì ta cho là quý nhất, thật là sai lầm! Mọi ràng buộc đều trở nên khắt khe nếu không nói là khắc nghiệt. Con người cần được giải phóng, có lẽ, trước hết một trong những mục tiêu đầu tiên, phải giải phóng năng lực sáng tạo. Đối với nhà thơ, sáng tạo đôi khi như của rơi trời cho, nằm ngoài ý muốn chủ quan: Câu thơ muốn ngọt, sấu thì lại chua (Bài thơ quả sấu rừng).

Trong sáng tạo, yếu tố hợp lý mang đến người đọc cái nhìn trực diện, cảm tính, ngược lại, yếu tố phi lý giữ vai trò đặc biệt, nó quyết định sự thăng hoa của hồn thơ, mở ra khoảng không gian liên tưởng cảm xúc. Từ một góc nhìn ảo Chế Lan Viên thấy sự đồng điệu giữa hoa và người: Đến nỗi anh qua rồi, quay ngoắt lại/ Hỏi:”Hoa súng hồng/ Hoa súng hồng/ Mày có phải hoa không? (Hoa súng hồng). Cũng một góc khác Lý Hoài Xuân viết: Thích thế cái làn hương/ Bước qua rồi ngoảnh lại/ Muốn đến gần để hái/ Nhưng sợ buồn cho cây (Hoa ấy). Người cật vấn, người muốn được hái hoa mang về, nhưng lại sợ buồn cho cây. Mỗi người đều có cái nhìn riêng, một cái nhìn phi lý về hoa, nhưng thấm đẫm niềm nhân văn thi sĩ. Nhà thơ bao giờ cũng tìm cách khai thác các hình tượng phi lý để làm giàu thêm sắc thái biểu cảm:

Giữa hai người một bông hoa

Giữa hai người chợt hiện ra hai người

(Giữa hai người)

Tôi ở giữa hai người - một đôi tình nhân. Tôi như cái gạch nối vậy. Nhưng giữa hai người lại hiện ra hai người, hóa ra thành bốn. Phi lý mà có lý, đấy là cái lý của tình yêu. Nàng bây giờ là của người ta, nhưng trong tâm tưởng, nàng với thi nhân hợp thành đôi tình nhân khác. Chỉ có ba người mà Lý Hoài Xuân vẫn sắp đặt thành bốn người. Một ảo ảnh cảm xúc. Dạng thức ảo còn được triển khai qua bài thơ “Tôi đưa bạn đến gặp em”: Yêu rồi vẫn thẹn, hay chưa/ Cũng cần phải có “người thừa” cùng đi. Kỳ lạ chưa! Người thừa ấy lại ghen với bạn mình:

Bởi vì bạn đứng có đôi

Mà tôi chỉ một mình tôi, như là…

Cái sự tình “như là” ấy là cái gì? Nhà thơ không lý giải. Lại một khoảng trống, một ảo ảnh khác. Thật rối rắm, cũng thật thơ. Yếu tố phi lý như đã nói qua các tập thơ chưa nhiều, chưa đủ khẳng định một thi pháp riêng biệt, nhưng đủ để người ta cảm tình.

Nghệ sĩ có cái quyền lớn nhất, quyền được cảm hứng sáng tạo. Nhưng sử dụng quyền năng ấy chẳng dễ dàng gì. Chính Lý Hoài Xuân đã tự bạch: Anh đâu biết phía trước anh vực thẳm/ Thơ bao nhiêu cũng không đủ lấp đầy (Đoản khúc). “Vực thẳm” đó chính là món nợ cuộc sống suốt đời nhà thơ phải trả.

Từng tham gia giải phóng Quảng Trị và ngay sau đó không lâu trong những căn nhà tạm dùng để trao trả tù nhân chính trị sau Hiệp định Pari bên dòng sông Thạch Hãn, Lý Hoài Xuân đã được dự trại viết văn về đề tài chiến tranh cùng với Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Tính, Tăng Phiệt, Vũ Thuộc, Doãn Yến, Đinh Thế Huynh… rồi lại về đơn vị chiến đấu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Lẫn trong cái mất cái còn” anh có những suy ngẫm vừa viển vông vừa chân thành: Tôi mơ ước thế kỷ không áo lính/ Trái đất như cô gái dậy thì (Thế kỷ sau áo lính còn chăng?). và cũng “lẫn trong cái mất cái còn” nhà thơ nhìn thấy: Suốt mùa cấy mẹ đi lùi/ Bàn chân vết nứt đất vùi hóa nâu để rồi cất tiếng gọi não lòng của đứa con nơi chiến trường vọng về:

Hỡi ai bên mẹ đừng quên

Đỡ cho dáng mẹ khỏi nghiêng trên đồng

(Dáng mẹ trên đông)

Một tiếng gọi day dứt, ám ảnh. Làm sao lấp nổi những món nợ thiêng liêng? Nhà thơ nói cho mình cũng để nói cho người. Mỗi người một số phận, với niềm vui, nỗi đau, hạnh phúc, bất hạnh khác nhau. Ai cũng muốn mình được chia sẻ, được phải giãi bày. Xuyên qua các tập thơ đã xuất bản, đến Ánh ngày”, anh tự nói cho mình bằng lời nói giản dị, như thầm thĩ, như hơi thở ấm áp nhẹ nhàng mà hàm chứa, ẩn náu bao triết lý nhân sinh về tình yêu lẽ sống, thế thái nhân tình, về cái đẹp vĩnh hằng, đôi khi có cả sự phản kháng trước những gì còn bất công. Bài thơ Thương ngày trái chín lẩy ra từ một hiện tượng rất bình thường: Cây hẹn với ngày trái chín/Anh tin cậy, ngồi chờ. Giống mọi sự kiên nhẫn, nhà thơ đặt tất thảy vào đấy: Mọi người khen anh giàu lòng tin/ Anh phấp phỏm đợi ngày trái chín.. Con người ai cũng mang trong mình một xác tín, nó như phép mầu nhiệm giúp con người ta sống, hy vọng, giúp người ta vượt qua mọi chông gai trên đường để vươn tới. Trong thực tế, sự đỗ vỡ luôn luôn là bài học cảnh tỉnh để người ta tiếp tục lập nên xác tín mới cao hơn. Nhưng cái giá của sự đỗ vỡ hết sức đau đơn:

Bỗng

Một sáng ra vườn

Gió lạnh

Bàng hoàng chẳng thấy trái đâu


Bài thơ dựng trên cái tứ chắc chắn có thể xem như khuynh hướng sáng tác nổi trội thành công trong thơ Lý Hoài Xuân. Sự giản dị của thơ, nhiều người đã bàn, nhưng không phải tất cả sự giản dị đều là thi pháp chuẩn. Bởi lẽ hệt như trò chơi trên đây, nếu hệ thống cấu trúc của hình tượng thơ quá đơn giản, bài thơ trơn nhẵn, không neo víu vào đâu, sẽ rơi và mất hút. Đằng sau sự biểu đạt giản dị thường là một không gian ẩn, người đọc có thể chiêm nghiệm bao nhiêu vấn đề khác, cái phần mà nhà thơ ngõ hầu muốn trao lại cho độc giả tự giải mã, tiếp tục công việc sáng tạo. Với lối viết này Lý Hoài Xuân găm được ở một loại bài như: Nếu, Trước đám cháy, Của rơi, bài thơ quả sấu rừng, Đối diện, Vợ người vợ ta, Dáng mẹ trên đồng, Đoản khúc, Những ngôi nhà trong đêm, Hương khói đồng, Gửi Hàng Than, Kiến Giang ơi



Nhà thơ

HOÀNG VŨ THUẬT

(Nguyên Chủ tịch

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình
)
 
Từ khóa
lyhoaixuan nhatholyhoaixuan tholyhoaixuan
  • Like
Reactions: Phong Cầm
685
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top