sáng tác Mai hoa tiên

sáng tác Mai hoa tiên

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Dương Quang làm chức Quốc tử giám giáo thụ (Chánh bát phẩm) thời vua Lê Thánh Tông, 60 tuổi, ông cáo quan trở về quê trấn Tuyên Quang mở lớp dạy học trò. Trong số học trò của Dương giáo thụ có Lương Văn Thanh là người tài đức mà ông ưng ý nhất. Lương Văn Thanh tuổi trẻ, sự học hành rộng mở, tiền đồ sáng lạn. Cậu rất yêu ngâm thơ, đánh cờ, vẽ tranh. Gần lớp học, có một ngọn núi, trên ấy có hai gốc mai cổ rất đẹp. Vốn là người yêu mến cái đẹp, lại trân trọng những vật có khí khái quân tử như mai, sau mỗi chiều học Lương học trò thường đi lên núi để ngắm cảnh, tán thưởng vẻ đẹp quê hương. Nhiều bạn học khác cũng có thú lên núi thưởng cảnh mai nở trắng cuối đông, còn tiện tay bẻ cành cắm trước bàn học. Đêm về bên ngọn đèn dầu, lơ thơ cành mai trắng mới tao nhã biết bao. Thanh thấy vậy bèn ngăn bạn học:

“Đồng học chớ vội ngắt mai, người quân tử thực sự yêu mai thì chẳng đành lòng vì muốn chiếm làm của riêng mà làm tổn hại cây.”

Có người nói sau lưng chàng là ngụy quân tử, có người thì thầm tán thưởng Thanh mới thực là bậc si mai.

Cuối đông, hoa trắng nở rực rỡ như trổ hết nét tinh khiết, rạng ngời so sắc cùng mây. Chàng học trò mỗi ngày đều ghé qua, đứng dưới tàng mai vịnh thơ, họa mai. Ngày mưa dầm dề, gió rét thổi từng cơn tái lòng, người ta bận trốn hết trong nhà để ấm cúng, yêu hoa đến nhường nào mới có thể được như Văn Thanh cầm ô lên núi bầu bạn cùng mai. Chàng ngồi cạnh gốc mai thương cây mai cô đơn giữa lạnh giá, môi chàng tím tái, lạnh run lên bần bật, nhìn nhành mai khẳng khiu mà cứng cỏi giữa đông giá mà vẫn trổ bông dường như đấu lại khắc nghiệt trời đất, Thanh mới đùa rằng:

“Ước gì có truyền thuyết Liêu Trai là thật để nàng mai hóa mĩ nhân cùng ta vui thú đèn sách”, nói đoạn chàng cũng tự bật cười.

Nhành mai run run như động lòng phàm, cánh hoa ủ rũ dưới mưa sa bỗng như bừng nở sinh động thêm vài phần.

Qua xuân, tới hạ, mai hoa đã tàn từ lâu, để cho lá xanh đơm chồi biếc rung rinh đón gió. Đứng trên núi Vi nhìn xuống hồ nước trong veo xanh biếc, bè đánh cá của lão nông lênh đênh giữa hồ, tay quăng lưới ra xa, hát lên một điệu ca dao quen thuộc:

Ai đi đâu đấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
Tìm bể cạn thấy đàn chim di
Ai mang nhân ngãi ta đi
Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!.


Văn Thanh đeo gùi lên rừng hái nấm đào măng, nghe được tiếng hát cũng làm vui lòng, huýt một điệu sáo vui vẻ mà lên núi. Chiếc áo nâu sờn cũng chẳng che khuất được quý khí của chàng.

mai hoa tien.png

(Ảnh minh họa - Mai hoa tiên - Văn học trẻ)

Mùa hè, cơn mưa đột ngột kéo tới sầm cả núi Vi, mưa như trút nước, mái nhà tranh của Văn Thanh cũng dột lách tách xuống nền đất thành vũng, đi không khéo là trượt ngã. Chàng cầm cuốn sách y, toan đọc thêm mấy loài thảo dược chữa bệnh cho dân làng: “Lá đào có tính độc, trị được bệnh nấm và chấy rận, hái lá đào tươi nấu lên để tắm gội tránh để nước lá vào vùng mắt…”. Tia sét loang loáng liên hồi bên ngoài làm chàng phân tâm lạ, nhìn lá đào vẽ trong sách, lòng chàng nhớ tới gốc mai nọ, lòng chàng bồn chồn không yên.

Thanh khoác áo rơm, đội nón đi lên núi. Gốc mai không biết đã hứng mấy đạo sét cháy đen vài thùi, chàng lo lắng chạy tới không màng hiện tượng đang rậm rịt kì quái trên đỉnh đầu, mây đen kìn kịt xoáy thành một hố sâu thẳm, chín đạo sét đánh xuống một tia cuối cùng trúng Văn Thanh. Chàng ngất lịm.

Cơn mưa gió, sấm sét bất thường ấy tới ngày hôm sau như chưa từng xảy ra, trời trong veo, nắng vàng ruộm, vài cơn gió mát lành thổi qua cỏ cây khẽ lay động khiến núi Vi như bừng sức sống. Văn Thanh mở mắt ra, kí ức về đêm hôm qua như trong giấc mộng không chân thực. Chàng thấy một cô gái trẻ trước mắt dáng hình thon thả, tóc đen nhánh dài cập eo, váy trắng thướt tha đang quay lưng lại phía chàng. Cô gái quay lại, gương mặt tựa trăng rằm, ánh mắt sáng ngời, lông mày lá liễu, môi hồng chúm chím cười rộ như hoa mai thanh khiết, nàng thấy Thanh đã tỉnh liền nói:

- Chàng đã tỉnh đấy ư?

- Nàng là ai? Sao lại ở phòng của ta thế này?
- Lúc này Thanh mới nhận ra, căn phòng này cũng không phải của chàng, nhà Thanh nghèo, hai vách tường đất trộn rơm còn ở đây là phòng gỗ chắc chắn, đồ đạc trang trí nhìn là biết của một nhà giàu có quyền quý.

Không đợi Thanh hỏi thêm, cô gái đẹp đáp lời:

- Thiếp chính là mai tiên, tạ ơn chàng đã vì thiếp mà đỡ một đạo sét của thiên đình. Muốn thành hình lên tiên phải trải qua chín hồi sét đánh, thiếp đã qua tám đạo, chỉ còn lại hơi tàn, may nhờ có chàng nguyện ý giúp đỡ mới vượt qua thiên kiếp thành công.

Vừa nói nàng lại vừa như thẹn thùng quay đi, má hồng lên giống như áng mây hồng mỗi sớm từ đỉnh núi Vi xoa tan quang cảnh núi rừng âm u.

- Chẳng phải …chẳng phải Lương sinh từng nói muốn có giai nhân tri kỉ bầu bạn đấy ư? Thiếp nguyện bầu bạn cùng chàng có được chăng? - nàng e lệ nói.

Trong đầu Văn Thanh bỗng hiện lên câu:

“Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu”


Chẳng có người quân tử nào có thể qua ải giai nhân, Văn Thanh cũng vậy.

Núi Vi chẳng hiểu tự khi nào có thêm một nhà sàn gỗ khang trang, cầu thang sơn son rực rõ, thấp thoáng bóng dáng một cô gái họ Mai, tên Nhạc. Lương sinh đặt tên nàng là Mai Thị Nhạc - vừa có nghĩa là cây mai trên núi lớn cũng vừa có ý như lạc - vui thích, hỉ ái. Lúc thì nàng khâu vá áo cho người thương, lúc lại giã gạo nhào bánh…Một người lạ không biết từ đâu đến, nhưng không ai trong làng dị nghị về nàng. Người ta thấy Mai Nhạc hòa nhã với tất cả mọi người, luôn cười tươi thắm theo chị em trong làng giũ áo, tắm gội. Bánh hoa mai nàng làm có mùi hương thanh tao, ngọt nhẹ, ai ăn vào nhớ mãi không quên. Dù nàng dạy mọi người nhưng chẳng ai có thể làm ra loại bánh ngon như nàng. Mai Nhạc được tất cả mọi người yêu mến. Thấm thoắt qua mười năm trời sớm chiều bên nhau hòa hợp, chàng thổi sáo, nàng múa hoa như trong mộng cảnh.

Sóng gió đến vào lúc tưởng chừng như đôi uyên ương sẽ hạnh phúc bên nhau tới cuối đời. Một ngày nọ, Lương phụ bệnh nặng gọi con về, chàng cùng Mai Nhạc vội vã qua nhà cha mẹ thăm nom. Tới nơi, cha già gọi riêng Văn Thanh vào mà nói:

- Ta chỉ có mỗi con là con trai, bấy năm chịu khó nhọc nuôi con ăn học chỉ mong con làm rạng danh dòng dõi. Ấy vậy mà con lại vui thú giai nhân, bỏ mặc học hành, ta lấy làm buồn bã. Nay ta sắp gần đất xa trời, chỉ mong con hứa hẹn một lời để ta yên tâm.

Những năm này, Dương giáo thụ lẫn cha đôi khi tìm chàng thuyết phục, chàng không phải không suy nghĩ. Nhưng còn lời hứa với Mai Nhạc khi thành đôi chàng vẫn nhớ rõ từng lời: “Nếu chàng muốn cưới thiếp, phải lập lời thề cả đời không vào chốn quan trường, nếu chàng vi phạm lời thề, ta buộc lòng phải xa nhau”.

Từ hôm ấy, Văn Thanh buồn rầu, Mai tiên hỏi gì chàng cũng chỉ ậm ừ đáp lời, còn thường vuốt ve sách vở mà thở dài, ủ ê. Nàng làm ít bánh mang xuống thăm Lương phụ. Dân làng thấy nàng mặt cúi xuống, gót sen nặng nề bước vào làng.

-Mẹ, cha đã khỏe hơn chăng? - Nàng hỏi mẹ chồng.

Bà thở dài nói cha muốn gặp nàng. Từ ngày Mai Nhạc về làm dâu, nhà cửa khá dần lên. Mái tranh dột thay bằng mái gỗ, liếp thưa thay bằng rèm châu. Nàng khéo tay may vá, làm cơm, ai cũng khen nhà họ Lương tốt số. Vén mành đi vào, Mai Nhạc thấy người già âu sầu nằm trên giường, đôi khi khẽ ho lụ khụ vào tiếng. Thấy nàng, ông ra hiệu cho ngồi xuống rồi nói:

- Con ơi, ta biết con là con dâu tốt, phận làm dâu chẳng thể chê trách, phận làm vợ tròn nghĩa phu thê. Con với Văn Thanh nên vợ nên chồng hòa thuận ấm êm ta mừng lắm, nhưng những năm này mái nhà vắng tiếng trẻ thơ, ta sắp chết cũng chỉ mong có đứa cháu ẵm bồng. Ta xin con tìm vợ lẽ cho chồng. Dâu cả nhà này là con chẳng thể xoay chuyển. Người già đội ơn con lắm. - Lương phụ khẩn cầu nói.
Mai Nhạc cúi đầu buồn bã. Nàng biết chút y thuật, khám cho Lương phụ cũng biết bệnh của ngài không nặng đến thế, lại thêm nàng truyền đôi phần tiên khí vào người cha mẹ từ lâu, không sống thọ cùng trời đất cũng được trăm tuổi, bệnh tật không có. Bệnh của Lương phụ chính là bệnh tâm lí, suy nghĩ của người phàm nàng mãi chẳng thể hiểu thấu vì đâu nhất định phải lưu danh thiên cổ?

Suy cho cùng tiên phàm khác biệt, giống loài khác biệt chẳng thể sinh con đẻ cái. Hòa hợp chăn gối, tình cảm phu thê nồng đượm bấy lâu cũng chẳng biết có vượt qua được sóng gió người đời.

Đêm hôm ấy, hai người quay lưng về phía nhau, lắng nghe tiếng sáo diều ai thả trên trời vi vu não lòng. Ánh trăng xen qua khe cửa chiếu vào mắt nàng lấp lánh nỗi buồn. Nàng khẽ lên tiếng:

- Lang quân bấy lâu buồn rầu vì chuyện chữ hiếu chữ trung ấy chăng?

Bàn tay chàng từ bên hông ôm siết eo nàng, hơi thở nồng bên tai thổn thức, chàng đáp:

- Mình, ta… - Văn Thanh ngập ngừng muốn nói lại thôi, nhiều điều muốn nói mà lại chẳng thể nói ra. Chàng nợ cha mẹ, nợ thầy, cũng nợ Mai Nhạc một lời thề nguyền.

- Thôi thôi, thiếp đã hiểu ý chàng. Nếu chàng đã muốn làm nghiệp lớn, thiếp cũng chẳng thể làm gì hơn. Một hai năm có thể níu chân chàng nhưng ba bốn năm chàng sẽ oán thiếp. Ấy là điều thiếp chẳng nghĩ mong. Duyên ta đã đến hồi kết, chẳng đấu lại ý trời.

- Sao nàng lại nói thế? Ta vẫn yêu nàng, sẽ chẳng ngừng yêu nàng. Ta lên kinh thi cử, đợi ngày đỗ đạt sẽ rước nàng lên kinh, hưởng phú quý cao sang. Mình hứa với ta sẽ đợi ta nhé. Hay nàng đi theo ta, đi đâu có vợ có chồng.

Nàng lắc đầu:

- Thiếp chẳng thể rời xa bản thể (gốc mai) của mình được. Chỉ ở nơi này chúc chàng toại nguyện.

Trong màn đêm tĩnh, chàng như thể muốn chứng minh tình yêu, hôn lên tóc mai mềm mại, lên gáy, lên môi, nồng nhiệt như lúc ban đầu.

Ngày Lương sĩ khăn gói lên kinh, cả làng mừng vui tiễn biệt, duy có Mai Nhạc chẳng nói chẳng rằng dõi theo bóng chàng đi xa. Từ ngày ấy, cũng chẳng ai thấy Mai Nhạc đâu nữa.

Lương Văn Thanh quả nhiên tuổi trẻ tài cao, chẳng mấy chốc được trọng dụng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Hữu thị lang Bộ Công, Binh bộ Thượng thư. Người đời ca tụng Dương Quang trò giỏi hơn thầy, sóng sau xô sóng trước, ca ngợi Lương thượng thư có tài có đức, nhiều người muốn gả con gái cho chàng nhưng chàng đều từ chối. Mỗi lần chàng khăn gấm về quê, tiệc lớn ngày đêm, cả họ vui mừng, chàng đã làm tròn bổn phận làm con, cha mẹ cũng vì thế luôn rạng rỡ, thầy cũng nói vì chàng càng có thể ngẩng cao đầu. Chuyện vợ con cha mẹ nhiều lần muốn khuyên chàng đi bước nữa nhưng thấy vẻ cương quyết của chàng lại không nỡ nói nhiều lần. Chàng dành thời gian tìm lại nhà xưa nhưng cửa đều đóng. Giai thoại về tình yêu của chàng với Mai Nhạc cũng nhiều người nhắc tới, nhưng đều lạ thay sao nàng biến mất. Người ta đi tìm nàng, rồi người ta lại trách nàng. Đến Văn Thanh cũng trách - trách nàng cứng lòng…

Năm mươi tuổi, Văn Thanh cáo quan về quê dù cho vua đích thân mời lại, song chàng quyết ý. Lúc đấy, cha mẹ cũng đã qua đời, chàng về lại căn nhà xưa mà nhiều năm qua trở về tìm đều không có nàng. Những kỉ niệm thời mặn nồng vẫn nguyên như ngày nào: chiếc giường son, cầu thang nàng thường khâu vá, chiếc sáo trúc chàng thổi nàng múa, bàn cờ tướng ta nhường nàng tiến. Chàng nỉ non:

- Ta đã về, ta đã về mình ơi.

Chàng gọi quanh nhà vẫn vắng lặng, chàng lại ra gốc mai năm nào tìm kiếm. Gốc mai vẫn còn đó nhưng chỉ còn một cành duy nhất. Chàng ôm thân cây, bàn tay vuốt ve những cằn cỗi xù xì trên lớp vỏ như đang vuốt mái tóc người yêu. Kể từ đó, ngày nào chàng cũng lên núi Vi không kể ngày mưa, tháng nắng. Năm qua năm, tới khi Văn Thanh đã chín mươi, chàng vẫn da thịt hồng hào, đầu óc minh mẫn, dường như thời gian bốn chục năm chỉ qua nháy mắt. Bao nhiêu chuyện năm xưa chưa từng quên đi điều gì. Và, chàng vẫn chờ…

Lại một mùa xuân về núi, đàn chim én chao liệng giữa thinh không gọi nhau ríu rít. Núi Vi hôm ấy có một bóng hồng yểu điệu thướt tha, cầm chiếc ô xoay tròn. Văn Thanh dường như thấy mái tóc dài hôm nao của người vợ, vội vã đuổi theo, miệng gọi “Mai Nhạc”.

Cô gái đẹp như trong tranh vẽ, dáng đi uyển chuyển cảm thấy có người chạy theo phía sau, liền quay lại, nhìn Văn Thanh đáp:

- Ngươi đi theo ta sao?

Hiển nhiên, người đó không phải nàng, Văn Thanh hụt hẫng, không che giấu mất mát nhưng vẫn không mất lễ nghĩa, chắp tay chào cô gái đáp lời:

- Cô giống người vợ đã lâu không gặp của ta, thế nên ta nhận nhầm người, thất lễ, mong cô bỏ qua.

- Ngươi có phải là Lương sinh, chồng của Mai tiên đấy không?
- cô gái quan sát một lúc rồi hỏi.

- Cô biết Mai tiên? - Văn Thanh đôi mắt sáng lên hi vọng. Chàng đã đợi quá lâu, đợi một tin của nàng như mùa xuân đợi cánh én, chỉ mong một lần được thỏa nguyện vọng. Chàng biết nàng ấy chỉ quanh quẩn núi Vi sẽ không đi xa được, nhưng tại sao bao năm vẫn không xuất hiện.

- Bản thể của ta là cây đào núi, nơi này không khí trong lành, đất đai màu mỡ, nhiều linh khí để tu tiên. Cây cối chung nguồn, vẫn thường ngầm nói chuyện dưới lòng đất sâu, ta với nàng ấy cũng đã quen biết cả ngàn năm.

Chẳng đợi Văn Thanh phải giục giã, nàng lại đáp lời:

- Ngươi không biết ấy thôi, cây cối hóa người, muốn kết nhân duyên phải lập lời thề trọn kiếp, nếu như người thương sai hẹn thì nhân kiếp hóa hư không, trở về trong cát bụi. Ngươi đã không giữ được trọn lời thề, đừng tìm nàng ấy nữa, nàng ta còn chút hơi tàn bám vào cành mai kia, nhưng nhiều năm qua chung quy chẳng thể nở, cố đợi lang quân về để nói lời từ biệt. Lúc bên nhau có lẽ Mai tiên đã trao cho ngươi tiên khí của nàng, vậy nên ngươi có thể sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật ốm đau. Mai tiên thực lòng yêu mến ngươi đó. Ta chẳng dám bàn đúng sai, vì từ giây phút chọn hóa kiếp người, nàng ta cũng có đã có đường sinh mệnh riêng của mình. Duyên số giữa nàng và ngươi ngắn ngủi, ông trời chỉ ban cho nàng bấy năm hạnh phúc ấy là số mệnh của nàng. Thôi, ta đi đây. - Đào tiên từ giã, cầm chiếc ô hoa yểu điệu đi xa dần.

Thì ra, lời từ biệt của nàng là nói thật không phải lời giận dỗi gì cả. Bấy lâu chàng trách nàng chẳng chịu gặp, tưởng cách xa vài năm ai ngờ là mãi mãi. Một lời thề, với chàng là giới hạn, với nàng là sinh mệnh.

Văn Thanh ôm gốc mai già khóc nức nở, từng giọt từng giọt rơi tí tách vào gốc cây:

- Mai Nhạc, là ta hại nàng rồi.

Trên cành cây khô cằn, một nhánh mai chợt nhú nụ hoa rậm rịt. Trong giấc mơ đêm ấy, Văn Thanh gặp lại Mai tiên, vẫn đẹp xinh như ngày đầu, váy dài trắng chấm gót, tóc đen mượt cập lưng eo, nàng dịu dàng gọi:

- Lang quân, thiếp tới để từ biệt chàng. Mười năm ngắn ngủi dương thế nhưng thiếp cảm thấy rất vui vẻ. Chàng đừng tự trách, con đường thiếp chọn thiếp chưa từng hối tiếc. Ngàn năm bầu bạn với núi, tắm sương thưởng trăng đã quá đủ, gặp chàng ta mới biết thế nào là ái ân. Mười năm được làm tri kỉ bầu bạn bên chàng thiếp đã toại nguyện.

- Nàng đừng đi.
- Văn Thanh gọi lớn, muốn níu bàn tay nàng nhưng thân hình nàng như mộng ảo. Đứng gần đấy cười nói nhưng lại như xa xôi chẳng thể với. - Nàng đưa ta theo được không? - Nước mắt hắn lại lã chã rơi nhìn theo bóng nàng tan dần trong sương khói.

Hôm sau, Văn Thanh dưới gốc mai khô từ lúc nào, lập hai bia mộ, một cái cho Mai Nhạc, một cái cho mình. Ai cũng bảo chàng đã già nên gàn dở, can chàng nên bỏ bia mộ đi. Chàng chỉ cười nhẹ, đáp rằng:

- Nếu ta chết, nhớ chôn ta ở đây, cạnh vợ ta nhé.

Chàng không biết tới lúc nào Mai Nhạc mới đưa chàng đi. Xuân qua xuân, vẫn thấy một ông cụ hơn trăm tuổi râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào, minh mẫn, chống gậy lên núi Vi đều đặn. Ấy chính là Lương thượng thư đã về hưu. Ai gặp ông cũng cúi chào tỏ lòng kính ngưỡng.

Có lần, chàng lại gặp Đào tiên đang vui vẻ đi cạnh một chàng trai. Người đó khuôn mặt tuấn tú, dáng vẻ cao lớn vạm vỡ nhưng miệng líu ríu nói cười không ngừng, một câu vợ ơi, hai câu vợ à, quanh quẩn Đào tiên như một đứa trẻ, cả thế giới chỉ có nàng. Văn Thanh ngẩn ra, dường như nghĩ lại quá khứ lại dường như không hiểu tại sao Đào tiên lại chọn đấng lang quân có chút…có chút ngốc nghếch như vậy. Hắn nhớ tới trước lúc tiễn thầy về trời, Dương giám thụ từng nói rằng: “Con người cả đời đều tham, sống ít thường cầu sống lâu, nghèo khó thường cầu giàu sang, nông sĩ thì cầu làm quan…khó mà biết điểm dừng. Chỉ khi có tất cả rồi mới biết chân tình mới là đáng quý”.

Phải rồi, lần gặp Đào tiên trước đây chàng cũng không tò mò tại sao Đào tiên hóa hình người. Thì ra, nàng cũng đã gặp được chân tình, bỏ tiên tịch bỏ trường thọ. Uổng cho hắn sống lâu đến vậy vẫn chẳng nhận ra chân lí đơn giản này. Chàng tự cười mình mới là kẻ ngốc.

Một ngày nắng đẹp lại về núi Vi, gió thổi mát lành, trời trong veo như đón nhận chuyện mừng vui. Người ta lại phát hiện Lương thượng thư về trời, mặt mày thư thái như ngủ một giấc mộng đẹp, môi khẽ cười bên cạnh gốc mai khô.

- Phong Cầm-

Mai hoa tiên - Truyện không có thật, mọi nhân vật chỉ là tưởng tượng.​
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
mai hoa tiên
  • Like
Reactions: Hoàng Văn Thạnh
878
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top