Dự thi Miêu ca - Phong

Dự thi Miêu ca - Phong

Gió lạnh tràn về, Minh khẽ vuốt đôi vai gầy xuýt xoa. Cậu đi mua bao thuốc lá về cho bố dượng. Chiếc áo phông đỏ in hình ngôi sao vàng năm cánh giữa ngực cậu đang mặc có phần sờn cũ chẳng thể giữ ấm cho cơ thể, phối chiếc quần đùi màu xanh quân đội cũng đã cũ lại rộng chun giống như xin được của ai về mặc, thi thoảng lại thấy cậu xách quần lên rồi bước tiếp. Đi gần tới dãy nhà trọ, cậu liếc mắt qua lùm cây, bóng dáng một chú mèo nhỏ khiến cậu chú ý, bộ lông của nó màu xám khói giống như mây mùa đông, nhưng đôi mắt lại xanh biêng biếc giống như bầu trời nắng hạ, hai thái cực đối lập trong một cá thể, Minh dừng chân nhìn chằm chằm vào con mèo trong bụi cây ấy. Đôi mắt xanh như sáng lên, nó không hề tỏ ra sợ hãi con người. Chưa bao giờ Minh nhìn thấy một con mèo nào xinh đẹp thế. Nhìn Minh giây lát, con mèo đủng đỉnh bước vào đám cỏ, thoáng chốc đã không thấy đâu, Minh tiến tới gần bụi cỏ, khẽ gọi “Meo, meo”, nhưng không thấy nó đáp lại cậu. Cậu thất vọng, đi về.

miêu ca.jpg

(Miêu ca- Ảnh minh họa sưu tầm)

Dãy trọ tối om, ánh sáng trong những ngôi nhà khép kín hắt ra đủ thấy đường đi, Minh bước vội về nhà. Vừa mở cửa, bố dượng đã ném cái dép trúng cậu rồi lớn tiếng quát:

- Mày ngủ ở đấy hả thằng kia.

Cậu nín thinh, cúi đầu, rón rén đến gần bố dượng đưa bao thuốc lá, gã nhận lấy bao thuốc tiện tay cốc đầu cậu một tiếng cộp đau nhói.

- Lần sau còn lề mề ông đánh chết mày. Cút đi cho tao.

Cậu nhanh chóng chạy vào góc nhà, lấy sách vở ra tranh thủ làm bài tập. Căn phòng không quá hẹp, nằm trong dãy phòng trọ cho công nhân, vừa đủ cho các cặp vợ chồng đi làm ăn xa nhà có nơi trú ngụ. Mẹ của Minh dù là một người mẹ đơn thân, nhưng thị hẵng còn trẻ nên nhanh chóng cặp kè yêu đương với người mới. Tới người đàn ông này là người thứ tư thứ năm chẳng rõ, những người cũ thì chơi bời yêu đương với thị một thời gian, thị nhắc tới đám cưới thì đều chạy hết, chỉ có gã cặp với thị lâu nhất, chịu làm đám cưới với thị. Thị cũng tự biết, yêu đương với thị thì những người đàn ông ngoài kia vơ một nắm cũng ra, nhưng sẵn sàng lấy thị cũng chỉ có người đàn ông này. Ai mà thèm lấy một người không quá đẹp lại có một đứa con đem theo như thị. Nghĩ tới đây, thị lại cảm thấy mình hi sinh quá nhiều cho thằng con, thế nên những lần gã đánh Minh, thị lờ đi như không thấy.

Phòng trọ nói chật thì chẳng chật, chỉ là có thêm nó mọi thứ dường như hẹp quá, nhất là khi gã với thị muốn “hành sự”, thế nên ngày nào cũng tầm chín, mười giờ đêm, nếu cậu không tự giác đi ra ngoài thì cũng bị đuổi ra.

Đêm nay, trời trở rét, Minh khoác thêm cái áo phao của mẹ nó để ra ngoài. Gió thổi từng cơn nghe rào rạt, tán cây cuốn theo gió gù mình theo cú đạp của gió. Minh tuy mặc chiếc áo phao nhưng quần lửng thò ra đoạn bắp chân, cậu thu mình vào chiếc áo khoác rộng cố che phần da thịt hở ra thì lại thò ra bàn chân vẫn không có cách nào che hết. Đành chịu vậy, Minh nghĩ. Cậu chán chường nhìn từng cơn lốc xoáy nhỏ dưới chân cuốn theo đám lá rụng và bụi tung lên cao rồi lang thang cùng gió. Bỗng, cậu lại thấy con mèo lúc chập tối nay đi qua.

“Meo, meo”. Minh giả tiếng mèo, gọi nó.

Con mèo đẹp quá, chắc là mèo tây nhà ai quanh đây mới mua, trước giờ cậu chưa nhìn thấy nó bao giờ. Con mèo dễ thương, nhưng cái dáng đi đủng đỉnh, kiêu ngạo của nó khiến Minh nghĩ nó sẽ phớt lờ mình.

“Hừ, ngu ngốc”. Con mèo liếc đôi mắt xanh nhìn Minh rồi nói. Dù vậy, nó cũng không vội vã mà tiếp tục đủng đỉnh đi ngang qua.

Minh há mồm, cái gì vậy, hình như con mèo đó vừa nói đấy ư?

“Mày, mày biết nói hả”, cậu hỏi.

“Chà, thế ngươi nghe được ta nói sao?”, con mèo ngồi xuống, đáp.

Minh ngơ ngác gật đầu.

“Ngươi và ta có duyên đấy. Hà. Ta lang thang qua bao nơi, đã lâu lắm rồi mới lại có người nghe được ta nói”. Miệng con mèo có lẽ ai nhìn qua trông như đang kêu meo meo, nhưng Minh lại có thể hiểu nó nói gì.

“Mày…là mèo yêu ư?”, Minh dè dặt hỏi.

Hừm, cứ coi như vậy đi. Nhưng nhà ngươi thật chẳng biết trên dưới gì hết”, con mèo có vóc dáng nhỏ bé nhưng giọng nói mang theo một sự uy nghiêm khiến Minh thấy mình cũng thật là vô lễ.

“Anh mèo,...miêu ca….miêu đại ca”, Minh dò hỏi.

“Ngươi muốn gọi cái nào cũng được. Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”, con mèo giơ một chân trước lên liếm khẽ rồi hỏi Minh.

“Em mười một tuổi”. Nó đáp.

“Không bằng số tuổi lẻ của ta”. Minh cảm thấy trong lời đáp của con mèo như muốn nói cậu mới chỉ là tên nhãi ranh còn hôi mùi sữa.

Kể từ cuộc gặp kì lạ ấy, Minh có thêm một thú vui, một người bạn mới cho cuộc sống không mấy vui vẻ của cậu.

Không phải hôm nào Minh cũng có thể gặp gỡ Miêu ca, buổi tối gió lạnh, hai bàn tay cậu chà xoa vào nhau, chiếc dép tổ ong cụt mũi, một chiếc để lót dưới mông. Kể từ ngày ấy tới nay đã hơn một tháng cậu và Miêu ca trở thành bạn bè. Những buổi tối buồn chán vô nghĩa trở thành sự kiện đáng chờ mong, cậu sẽ được đi gặp gỡ bạn cậu và nghe Miêu ca kể những câu chuyện về thế giới ngoài kia. Miêu ca giỏi lắm, điều gì cũng biết, đôi khi Minh được nghe một truyền thuyết về anh hùng mèo chiến đấu với mãng xà, những cuộc chiến đấu trường kì với đàn chuột cống hung ác. Loài chuột cống to bự và hiếu chiến, nếu chúng tập trung thành đàn và trực diện chiến đấu thì loài mèo cũng phải cực kì khó khăn để chiến thắng, chỉ cần non nớt không đủ kĩ năng, chiến sĩ mèo cũng chịu vết thương rất nặng. Loài mèo có chín linh hồn, nhưng không phải con mèo nào cũng có thể tập hợp đủ, phải có cơ duyên hiếm gặp mới có thể gom hết những mảnh khác lang thang trong trời đất. Khi có hai mảnh hồn, con mèo ấy trở nên tinh anh, khôn khéo và có thể hiểu được tiếng con người, có ba mảnh hồn, tuổi thọ của loài mèo sẽ rất dài, có mảnh hồn thứ bốn có thể giao tiếp với loài người. Miêu ca là con mèo sống gần chùa Linh Ứng, được sư trụ trì Thích Nhật Minh nuôi nắng đặt tên cho miêu ca là Khai Trí, có lẽ từ khi còn nhỏ đã được nghe kinh giảng, Khai Trí từ lúc chưa hiểu biết đã có thể nhìn thấy những ánh sáng nhỏ lơ lửng, mảnh ánh sáng tròn có to có nhỏ, nhưng có thể nói chuyện cùng mèo con. Hiển nhiên, Miêu ca mới có 4 mảnh hồn, có lúc Minh tò mò hỏi nếu có 5 mảnh hồn thì con mèo sẽ có năng lực đặc biệt gì, Miêu ca cười (đấy là nó nghĩ Miêu ca cười) và nói với nó rằng:

“Thật ngốc, ta cũng mới có bốn mảnh hồn mèo, sao ta biết được cái mình chưa trải qua?”

“Miêu ca cũng chưa từng gặp con mèo khác có những mảnh hồn ư?”


Con mèo nắm giữ năm mảnh hồn ta chưa từng gặp, nhưng chín mảnh hồn thì ta lại có chút thông tin. Con mèo có chín mảnh hồn có khả năng chiêu gọi thần linh của loài người và truyền lời nói, nếu ta nắm giữa chín mảnh hồn, có lẽ sẽ có thể biến thành hình dạng con người và dịch chuyển. Tổ tiên loài mèo được ghi lại trong sách cổ của loài người, nhưng ta nghĩ đó chỉ là bề ngoài con người chưa từng biết đến. Loài người cũng có kì ngộ của riêng họ và loài mèo cũng thế”.

Miêu ca đủng đỉnh đi tới, trong tiềm thức của Minh, chưa khi nào thấy Miêu ca vội vàng, kể cả lúc chạy nhanh cũng lộ ra một vẻ ưu nhã. Sự đường hoàng, điềm tĩnh đầy vẻ học thức này làm Minh khao khát và kính trọng. Cậu hô lên vui vẻ dù âm lượng rất thấp:

“Miêu ca, em ở đây”

Mặt mũi sao xanh tím thế kia?”, con mèo hỏi.

Minh chần chờ vài giây, rồi lại toe toét trả lời:

“Không có gì đâu, em quen rồi”

Con mèo dường như phát ra tiếng thở dài, nói:

Loài mèo chúng ta có một sự truyền thừa muôn đời, dù là những con mèo thông thường cũng tuân theo đó là: luôn sống hiền lành, trung thành với chủ nuôi nhưng đối với ác ý và kẻ thù thì dứt khoát chiến đấu hoặc là bỏ đi. Không được sống ngu muội và nô lệ. Nhờ đó mà loài mèo dù nhỏ bé nhưng không loài nào có thể coi thường sự sinh tồn của chúng ta trong thế giới này.”

Ngừng một lát, nhìn lên Minh, con mèo lại nói:

Ta có cây kẹo hình cây thông, cho ngươi này”- nói rồi con mèo chạy vào bụi cây ngoặm một cây kẹo đi ra.

“Sao miêu ca có cây kẹo này”, cậu cầm cây kẹo ngắm qua ngắm lại, đó là cây kẹo hình cây thông Giáng sinh màu xanh, điểm tô màu sắc trang trí vô cùng đẹp.

Con mèo dường như không muốn nói ra lí do cho lắm, đáp lại bằng giọng miễn cưỡng:

“Grugru, nhìn ngươi kìa, có mỗi một cây kẹo cũng khiến ngươi vui vẻ muốn nhảy lên. Làm như ngươi chưa từng ăn kẹo vậy”.

Quả thật em chưa từng được ai đưa cho cây kẹo cả, nhất là cây kẹo đẹp thế này.” - Cậu gãi đầu, cố đè nụ cười khỏi ngoác ra.

“Mấy cô bé đầu phố, thấy ta xinh đẹp liền rút ra mấy cây kẹo dỗ ta cho vuốt lông một cái. Nghĩ sao một con mèo có thể bị dụ bởi một cây kẹo kia chứ.” - con mèo tỏ vẻ kênh kiệu.

“Đúng là trái lòng. Nếu không cây kẹo này từ đâu mà có”, Minh thầm nghĩ, liên tưởng tới cảnh Miêu ca kiêu ngạo chịu cúi đầu để cho người ta vuốt ve, cậu vui vẻ vô cùng. Cậu sẽ coi đây là quà Giáng sinh sớm của Miêu ca dành cho mình.

Tối đó, có một con mèo kể cho một cậu bé nghe truyền thuyết về loài mèo đã trợ giúp thần linh cùng loài người chiến đấu với quân đội của kẻ xâm lược ra sao? Buổi tối đầu đông có vài hạt mưa mỏng tang bay bay, đậu xuống mái tóc cậu bé như lớp sương giăng trên mạng nhện mỗi sớm mai kèm theo hơi lạnh giá. Cậu bé dường như chẳng để ý tới, căng chiếc áo khoác ôm con mèo trong lòng nghe kể chuyện, khóe miệng cong cong, đôi mắt ánh lên niềm sung sướng.

Minh cất chiếc kẹo chẳng nỡ ăn, cậu còn bỏ vào cặp sách mang theo đến trường, giờ ra chơi lại bỏ chiếc kẹo ra ngắm nghía đôi chút. Cậu đếm chấm đỏ vàng trên cây thông Noel, bỗng nhiên cây kẹo bị giật khỏi tay. Lại là thằng Béo nữa, cậu nhíu mày. Thằng Béo luôn bắt nạt cậu, cũng chỉ vì cậu trông nghèo hèn dù cậu có bị đánh cũng chẳng ai đứng ra bênh vực, không giống thằng Béo, nếu nó bị giáo viên gọi phụ huynh thì cũng chỉ nhận được một câu xin lỗi của phụ huynh, còn cậu buộc phải tỏ ra cao thượng mà chấp nhận giảng hòa. Nếu không giảng hòa thì có thể làm gì được chứ? Ai sẽ lên tiếng thay cậu? Minh vừa ghét vừa ghen tị với thằng Béo.

“Ái chà, thằng nhà nghèo, mày lấy đây ra cây kẹo.” - nói rồi nó đưa cây kẹo của Minh lên xem.

Minh chồm lên muốn giật lại thì thằng Béo lại giơ kẹo lên cao. Thằng Béo cười đắc thắng, nói:

“Chắc mày lại ăn trộm của ai chứ gì, loại ăn nhờ ở đậu như mày đến tiền học còn không chịu đóng còn đòi có kẹo ăn”

“Trả lại tao”
- cậu tức giận đến bừng bừng cả mặt.

Thằng Béo trêu tức, đòi bóc vỏ cây kẹo, Minh lao vào muốn lấy lại, hai đứa từ giành giật cuối cùng thành đánh nhau.

Lúc ngồi trên phòng quản lí học sinh, bố dượng cậu và mẹ của thằng Béo đều có mặt. Thằng Béo chột dạ, đổ lỗi cho Minh ăn trộm cây kẹo của nó, Minh cãi lại bảo không phải. Mẹ của thằng Béo, có lẽ biết cái nết thằng con trai nhưng cũng không muốn mất mặt, liền cười giả lả lộ vẻ khôn khéo.

“Thôi, có cây kẹo, hai đứa làm hòa đi, con đưa bạn về mẹ mua cái khác cho nhé.”

Trái lại, bố dượng của Minh không dễ dàng như vậy, gã gầm lên:

“Con mẹ mày, tao dạy mày thói ăn trộm ăn cắp thế à, mày có đưa đồ trả bạn, xin lỗi đàng hoàng hay không, quỳ xuống cho tao”, nói đoạn một cái tát như trời giáng xuống đầu thằng bé, đầu cậu ong ong.

Cậu không có lỗi, sao phải quỳ xuống xin lỗi kia chứ, nước mắt không tự chủ được chảy ra, người ta có cha có mẹ thì được bao bọc, cưng chiều. Còn cậu thì sao? Năm bữa một trận nặng, ngày nào cũng bị ăn đòn, làm bất cứ việc gì cũng phải thật cẩn thận. Cậu khẽ khàng đi lại làm việc thì người đàn ông quát lên: “Tao dạy mày trông như thằng trộm cắp vậy à”, nhưng nếu phát ra tiếng động thì gã sẽ chửi bới: “Mày thích phá giấc ngủ của tao phải không?”. Dù cậu làm gì, chỉ cần gã muốn đánh đập thì đều có cớ rất chính đáng.

Mỗi lần cậu bị đánh trận đòn no, mẹ lại ôm, vỗ về cậu rồi nói: Bố đánh cũng muốn con đường hoàng, yêu cho roi cho vọt. Nhả cho cậu chút thương hại để cậu gắng gượng tới giờ. Minh đã cố gắng học hành, cũng làm việc nhà phụ mẹ, cậu không phải con ruột nên dượng không yêu thương cũng hiểu được, cậu từng mong dần dà dượng thấy cậu ngoan ngoãn sẽ có thiện cảm, yêu thương cậu hơn nhưng mong chờ đó ngày càng mỏng manh, trận đòn roi ngày một nhiều hơn, mạnh hơn. Cậu tủi thân, tu lên khóc.

“Mày còn khóc nữa à”, gã xách áo nhấc cậu ra khỏi ghế, đạp một cái khiến đầu gối cậu quỳ phịch xuống đất.

Mẹ con thằng Béo thấy thế cũng hoảng sợ, thằng Béo cầm cây kẹo vứt xuống chân cậu, lí nhí nói:

“Thôi, mày cầm lấy đi”, nói đoạn nó ngồi im trên ghế, giống như con chó hung hăng thấy kẻ còn hung hăng hơn cả mình lập tức cúp đuôi trốn vào góc.

Trưa hôm đó, cậu bị phạt quỳ ngoài cửa, thật đen đủi, mưa đông ghé về như cười nhạo tình cảnh của cậu. Trời theo cơn mưa mỗi lúc một lạnh sâu, Minh run lẩy bẩy, những vết đòn càng thêm xanh tím, đôi môi thâm tái va lập cập vào nhau. Bên trong nhà có tiếng nói nhỏ của mẹ cậu: “Anh cho con vào nhà đi, trời lạnh thế, nó ốm đau lại tốn tiền thuốc men, chiều mình đi làm về nó còn cơm nước, nhịn trưa là đủ rồi.” - “Con cô chứ con tôi” - hắn gắt lên, nghe thấy vậy nước mắt cậu rơi lã chã, nắm chặt cây kẹo trong túi quần giờ đã nát vụn.

Tối ấy, cậu ngồi co ro bên mái hiên nhà ai đó đầu ngõ, giờ này người ta ngủ cả rồi nên cậu cứ ngồi thế thôi. Cậu không tíu tít đòi Miêu ca kể chuyện nữa. Con mèo ngồi xuống, mắt nhìn màn mưa cùng cậu, hỏi:

“Ngươi tính sống thế này tới khi nào? Kẹo là để thưởng thức, không phải là để vì nó mà chuốc lấy phiền phức, đớn đau.”

Miêu ca thở dài nhìn mảng tím trên tay Minh, đặt đệm tay hồng hào lên mảng tím xanh trên đùi lộ ra ngoài, Minh cảm thấy hơi ấm truyền qua cái đệm thịt ấy, nơi đó bớt đau hẳn. Chiếc quần đùi mỏng càng làm lộ ra đôi chân gầy guộc đen nhẻm.

“Đi ra đường lớn, căn nhà 56 gần ngay khu trường học của ngươi có một vị luật sư tốt bụng, nếu có việc gì, ta nghĩ ngươi có thể tới đó xin sự giúp đỡ”, con mèo nói tiếp.

“Sao Miêu ca biết người đó tốt bụng?”, Minh tò mò hỏi.

Cánh cửa nhà ấy có màu vàng sáng xen lẫn màu hồng, màu vàng của sự chính trực, màu hồng của sự thương yêu, lương thiện” - con mèo ngừng chút lại bổ sung- “Nhà ngươi có một tia sáng nhỏ là ngươi, thật thà, lương thiện, còn hai màu xám và đen kia ngày càng đục, chẳng có tình yêu nào cho ngươi đâu, một kẻ coi ngươi là gánh nặng, màu thương yêu đã nhạt dần, mỏng tang, một màu của sự ác độc ngày càng mất kiềm chế”, con mèo thở dài, “Ta luôn cảm thấy ngươi sắp có đại nạn”.

Con mèo nói, Minh không ngạc nhiên, chỉ càng thấy u buồn, giống như đã cố tình che đậy nay bị cào bới ra càng thêm đau xót, tủi nhục.

Ngươi còn một người bà ngoại ở quê đúng không, bà ấy là người tốt, ta có ngó trộm trong tâm thức của mẹ ngươi, thấy có sự cố chấp với bà ngoại rất lớn. Con người a, không buông bỏ được chấp niệm, không chịu nhìn nhận vào cái sai của mình mà chọn cách né tránh, một đời khổ đau”.

Minh cúi xuống nhìn Miêu ca nói những lời triết lí trong thân hình bé nhỏ tương phản khiến nó bất giác mỉm cười. Nỗi buồn dài dằng dặc tạm trôi theo giọt mưa đông thấm xuống đất mẹ, bên Miêu ca, cậu bé lại cười ngây ngốc trở về đúng với số tuổi của mình.
***
miêu ca 2.jpg

((Miêu ca - Ảnh minh họa sưu tầm từ Leila)
Cạch.

Tiếng cửa nhà đóng sập, Minh thót tim nhìn về phía cửa, tối om. Đèn bật sáng cả căn phòng thay thế cho ánh sáng bị ngăn lại ngoài kia.

Thằng con hoang, mày dám lấy cơm của tao đi nuôi mèo hả. Ha hả, tao đã chú ý tới hành vi lén lút của mày bấy lâu, lần này mày chết với tao”, gã cầm trên tay một khúc gỗ to, gã đã rình thấy con mèo và thằng con hoang này đi vào phòng được một lúc, liền lén lút đi theo sau để khóa trái cửa.

Hắn nhằm trúng chỗ con mèo mà đập, đương nhiên không dễ để theo kịp sự nhanh nhẹn của loài mèo, thế là cả căn phòng tràn đầy sát khí, tiếng đập đồ lẻng kẻng cộng thệm tiếng chửi rủa khiến người nào nghe thấy cũng giật mình hoảng hốt.

Minh sợ hãi tột độ, cậu nghe tiếng tim mình đập như muốn nhảy ra ngoài, thình thịch thình thịch… không thể để dượng đánh chết Miêu ca được, phải làm thế nào đây, hốc mắt cậu nóng bừng chạy tới mở cửa, sau đó cậu ôm chân bố dượng gào to:

Chạy đi, Miêu ca, con cầu xin dượng đừng đánh nữa.” - gã hất văng cậu ra.

Cảnh đứa bé nhào lên người đàn ông khiến bất cứ ai nếu nhìn thấy cũng phải thầm nể phục sự lì đòn của cậu bé. Gã càng lúc càng điên tiết khi thấy con mèo chui vào gầm giường mà thằng con hoang cứ ôm chân, gã cầm khúc gỗ đập luôn lên cậu. Máu trên đầu cậu bé tuôn ra chảy dọc xuống thái dương nhưng vẫn kiên trì ôm chân gã. Con mèo bỗng xông tới cắn gã, gã mất kiên nhẫn đập loạn xạ, con mèo bị đập bay vào tường, nằm im. Minh gào lên đấm gã giống như con kiến cắn con voi, chỉ khiến gã thêm tức giận giáng cho cậu một trận.

Máu, bóng tối, cậu bé rơi vào sự tuyệt vọng, hận thù, đớn đau, đôi mắt chăm chăm nhìn về phía Miêu ca nằm im trên mặt đất. Gã dượng nhổ bãi nước bọt bực tức bỏ đi, hàng xóm lúc ấy mới dám mở cửa đi sang, xuýt xoa kêu thằng bé số khổ, cầm máu cho cậu.

Minh thều thào:

“Giúp cháu đến nhà số 56 Tô Ngọc Vân, được không cô. Cháu cầu xin cô.” - nước mắt giàn ra hòa cùng máu, khiến những người hàng xóm vốn thờ ơ cũng phải gật đầu đồng ý. Những lần trước cậu bé bị đánh đập, họ sợ mang vạ vào thân, cũng chẳng phải chuyện của họ, mẹ thằng bé còn chẳng quan tâm, những người lạ như họ càng không nên quan tâm.

Bà cô hàng xóm đột nhiên động lòng trắc ẩn, đưa cậu tới trước cửa nhà 56 bấm chuông. May mắn thay, cửa nhà mở ra, một người đàn ông hơn 50, dáng người nhỏ, đầu hơi hói nhưng nhìn đầy đức hạnh và uyên bác. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi:

“Xin hỏi, có chuyện gì thế?”

Minh lên tiếng:

“Cháu xin bác, cứu giúp cháu, cháu sắp không thể sống được nữa”.

Quả nhiên như lời Miêu ca nói, người đàn ông đó là một luật sư già có lòng nhân ái, ông giúp Minh nhập viện chữa trị vết thương, lấy giấy chứng nhận thương tật, khuyên nhủ được bà cô hàng xóm làm chứng, kiện gã bố dượng ta tòa về tội ngược đãi trẻ em. Chứng cứ đầy đủ, luật sư có chuyên môn, ngày ra toàn đối với gã bố dượng đã định chắc về án tù.

Minh nằm viện, trên đầu treo băng gạc, nỗi đau thể xác không sao bằng nỗi đau mất đi một người bạn, nước mắt cậu lại rơi, đầu tiên âm thầm chảy, về sau nấc lên thành tiếng thê lương. Có bàn tay ai ôm siết lấy cậu, vỗ về:

“Đừng khóc, đừng khóc, bác đã nghe về chuyện của con. Bác sẽ cố gắng để con về với bà ngoại, nếu bà không đủ khả năng nuôi nấng con, bác sẽ làm hồ sơ nhận con nuôi”, là ông luật sư xách theo hộp cháo tới đưa cậu. Minh dụi đầu vào bàn tay của ông mà khóc như trút hết nỗi lòng. Đến người lạ cũng đối xử với cậu ấm áp thế kia mà.

Ông luật sư tay bón từng thìa cháo cho Minh, một người phụ nữ vội vàng chạy lại bên giường bệnh, quỳ xuống bên giường bệnh, nói:

Mẹ lạy con, mẹ xin con, con đừng đối xử với mẹ như vậy, cả cuộc đời mẹ chưa đủ khổ hay sao mà con còn muốn bố con vào tù. Mẹ van con hãy nói với người ta là con trèo cây bị ngã đi. Đừng có khai bố con ra”, vừa nói người phụ nữ vừa khóc lóc cầu xin.

Ông luật sư nhìn không nổi cảnh tượng ấy, nói bằng giọng nghiêm nghị:

“Nó có phải con chị không?”

Lúc này, người phụ nữ mới nhìn sang người đàn ông đầy tri thức, người đó và chị ta ở hai tầng lớp khác nhau, không chỉ khác về vật chất và quan điểm sống, tư tưởng cũng ở hai thế giới khác nhau, ánh mắt ông ta nhìn thôi cũng đủ khiến chị ta chột dạ, nhưng chị vẫn cứng miệng:

“Bác thì biết cái gì, bác làm sao hiểu cảnh người lao động kiếm từng bữa ăn qua ngày như chúng tôi. Thiếu đi trụ cột gia đình, con thiếu bố, vợ thiếu chồng đi đâu cũng phải khúm núm, lo sợ”.

Thôi, chị đừng nói mấy lí lẽ dở hơi ra biện minh nữa, tôi chỉ biết có người bố người mẹ như vậy thằng bé mới không thể sống tốt được.” Ông luật sư cau mày nói.

Mà bác là người ngoài, đừng có xen vào chuyện gia đình tôi”, nói rồi người đàn bà quay sang con trai, cầm tay thủ thỉ:

Minh à, mẹ biết con đau, mẹ biết mẹ sai khi không chăm sóc cho con được tử tế. Con thương lấy mẹ, đời này của mẹ đã không suôn sẻ, mãi mới tìm được người thương, con nỡ nhìn mẹ cô quạnh cả đời ư?”, người phụ nữ dùng tình cảm muốn cho Minh nghĩ lại. Thị biết con trai mình khát khao tình cảm thế nào.

Mẹ giữ con lại để ông ấy không đánh mẹ thôi đúng không? Nếu thiếu con, ông ấy sẽ đánh mẹ nên mẹ nhất quyết muốn nuôi con có phải không mẹ”, Minh nhìn thẳng mẹ mà hỏi, ánh mắt cậu quật cường không cho thị phản bác.

Sao, sao nó lại biết được? Câu nói của Minh như xé toạc điều thị muốn che giấu không muốn đối mặt.

“Bố dượng có tính vũ phu, mẹ cũng biết mà, nếu không có con để dượng giải tỏa thì mẹ cũng sẽ bị đánh như đánh con này, mẹ tính sống với người đó cả đời hay sao”, cậu bé hơn mười tuổi nhưng lời nói cứ như đã trải qua cuộc đời dài.

“Nếu mẹ không nuôi được con thì sao không cho con về với bà, sao cứ phải tỏ ra hạnh phúc chụp ảnh cả gia đình gửi về bà? Rõ ràng là tạm bợ, rõ ràng là sống không hạnh phúc cơ mà. Con không muốn phải ghét mẹ”, cậu chất vấn.

Người đàn bà môi mấp máy, dường như bị lột trần cuộc đời thất bại của mình, thị vội vã rời đi. Ngày trẻ, mẹ ngăn cấm thị đừng yêu đương với bố ruột của Minh, nhìn kiểu cách cả ngày ăn chơi đàn đúm, gặp mẹ của người yêu cũng không biết chào hỏi thì làm sao có thể thật lòng. Thị lúc ấy còn trẻ, nhất quyết cãi lời mẹ, còn thề trước mặt mẹ mình sẽ sống tốt hơn cho mẹ thấy, độc ác nói mẹ không chồng, sống làm sao biết được cảm giác được người đàn ông bao bọc. Rồi thị bỏ đi theo tình nhân, có bầu lại bị bỏ rơi, thị tủi nhục khốn khó nhưng tính hiếu thắng của người trẻ khiến thị gắng gượng làm đủ nghề, qua lại với hết người đàn ông này tới người đàn ông nọ. Cuộc đời cứ như trêu đùa với thị, chẳng khi nào được mái ấm trọn vẹn như thị muốn.

Gã đàn ông bị phán hai năm tù về hành vi ngược đãi trẻ em. Minh được tòa phán cho bà ngoại nuôi dưỡng, bà lặn lội đường xa tới đưa cháu về, biết được tình cảnh cháu ruột, con ruột như vậy, bà đau lòng lắm. Cả đời bà cứng cỏi, li hôn chồng xong một tay nuôi con khôn lớn nhưng chẳng hiểu sao con gái càng lớn càng hay chống đối bà. Chưa đầy mười tám tuổi con gái đã đòi đi lên phố với người yêu, bà can ngăn không được, hơn mười năm sau, cuộc đời nó lại tệ hại như thế. Bà không nỡ chửi mắng đứa con gái lớn tuổi mà không biết suy nghĩ bằng đứa cháu mới hơn mười tuổi. Làm sao không có lỗi của bà đây. Nếu như bà không thất vọng mà buông tay sớm đứa con, nếu bà quyết tâm đánh đập cũng phải lôi nó về.

Ra bến xe về quê, ông luật sư có đưa tiễn, trước khi lên xe, Minh quỳ xuống chân ông mà nói:

“Con đội ơn ông nhiều lắm. Ơn này cả đời con chẳng biết lấy gì báo đáp.”

Đứa trẻ đã biết cư xử đến bậc này khiến người xung quanh không kìm được mà bật khóc.

Đứng lên con. Con ngoan lắm. Là người lớn chúng ta có lỗi với con. Ông mong con tai qua nạn khỏi, một đời bình an”, ông luật sư đặt vào tay nó bức tượng Phật bằng ngọc xanh.

Phía xa xa, người phụ nữ đứng nhìn mẹ mình và con trai lên xe mà khóc nức nở. Thị nghĩ đến những ngày trước đây khi đi làm về mệt mỏi, thằng nhóc còn bé mà tình cảm, mang khăn ấm ra lau mặt, bóp vai cho mẹ. Những lần thị thất tình, thằng con ôm thị mà an ủi, nói rằng “Mẹ còn con đây”. Nhiều khi thị quên đi mất con mình mới chỉ là một cậu bé con, dù có cư xử khéo léo như một người lớn thì nó vẫn còn là đứa trẻ muốn được yêu thương bao bọc. Thị chẳng còn mặt mũi nào mà ra gặp mẹ, gặp con.

***
Đã hơn một tháng kể từ ngày Minh về quê cùng bà ngoại. Bà ngoại là người phụ nữ khác hẳn với mẹ. Bà chẳng cần người đàn ông nào bên cạnh, bà nói còn một năm nữa sẽ nghỉ hưu sẽ ở bên Minh nhiều hơn. Cuộc đời Minh chưa bao giờ nhẹ nhõm như vậy, cậu bắt đầu có những người bạn mới, cùng đi ra lò gạch chân đê, chôm viên gạch non chưa nung, mang về khoét cái lỗ ở giữa, bỏ mấy quả thông khô vào làm lò nướng khoai rất oách. Tuy vậy, Minh chưa từng quên đi Miêu ca. Buổi tối, cậu cặm cụi vẽ bức tranh con mèo, bà ngoại ngồi khen cậu vẽ đẹp, Minh nói:

“Đây là Miêu ca của cháu đấy bà ạ”, rồi cậu bắt đầu kể về người bạn mèo của cậu: “Một đêm đông nọ, có một cậu bé ngồi co ro ngoài đường….”. “Thật khó tin phải không bà, nhưng mà đây là chuyện có thật, miêu ca cũng là thật”. Rồi Minh khóc, gục mặt vào lòng bà. “Con kể với mẹ, mẹ nói con đừng nói tào lao không dượng lại đánh”.

Bà ngoại ôm nó vào lòng, đôi mắt trĩu nặng suy tư. Thằng bé đã dần cởi mở hơn, cũng đã có nụ cười, nhưng nó luôn cẩn thận ngoan ngoãn quá khiến bà đau lòng. Bà càng dồn tình yêu cho thằng bé. Tết đã sát gần, năm nay bà phải đưa Minh đi may vào bộ quần áo mới, quần áo của thằng bé cũ mèm, ít ỏi, làm giẻ lau người ta cũng không tiếc, ấy vậy mà lại là khối tài sản duy nhất của nó khi dọn về ở cùng bà.

“Minh có thích pháo bông không? Bà mua cho Minh mấy cây đốt cùng tụi thằng Hoàng nhé”, bà xoa đôi má của nó nói.

Thích quá bà nhỉ, mấy bạn rủ con ném pháo bùn, nhưng pháo bông chắc chắn là sang hơn.” Minh quệt nước mũi, sự chú ý của cậu đã chuyển sang thứ lung linh trước nay cậu hằng ước ao.

Tối 27, lần đầu tiên trong đời Minh được gầy bánh chưng bên bà, củi cháy lép bép, đập cây củi xuống nền còn tóe ra những ánh sáng đẹp như ánh sáng của trăm con đom đóm cùng bay lên. Mùi bánh thơm phức, bếp đầy khói từ những nhánh củi chưa khô giòn vào trong khiến mắt cậu cay xè, nhưng hơi ấm của bếp sưởi ấm khát khao hạnh phúc, hong cho đôi má hây hây. Hai bà cháu nhìn nhau cười rộn rã.

Đêm giao thừa, bà dẫn Minh lên chùa hái lộc, cầu cho năm mới nhiều may mắn. Cậu thắp nén hương lên bát hương dưới chân Bồ Tát, học theo bà chắp hai tay nhắm mắt cầu nguyện. Minh cầu cho bà khỏe mạnh, cầu cho mẹ sớm về với hai bà cháu cậu, cầu cho Miêu ca có thể trở lại. Thâm tâm Minh luôn giữ tình yêu và niềm tin rằng Miêu ca không phải là con mèo thông thường, Miêu ca sẽ không dễ dàng bị đánh bại, cũng như niềm tin rằng người mẹ yêu thương cậu một ngày nào đó sẽ hồi tâm. Mở mắt ra, cậu bỗng thấy bóng dáng con mèo xám, Minh mở ra mắt, vui mừng quá đỗi, điều ước của cậu thành sự thật. Con mèo chạy ra ngoài sân chùa, dưới gốc cây bồ đề con mèo dừng lại:

“Cậu bé, lâu quá không gặp”, chiếc đuôi khẽ vẫy vẫy.

Miêu ca còn sống đấy ư, em mừng quá”, nói đoạn cậu nhấc con mèo lên ôm vào lòng.

Ta đã thu thập được mảnh hồn thứ năm rồi, ngươi có biết chuyện gì xảy ra không?”, con mèo không đợi Minh đáp lại liền nói tiếp: “Ngày ấy ta đoán ngươi có đại nạn đổ máu, nếu không có sự chết chóc thì người đàn ông đó không ngừng tay, ta sống cũng đã nhiều, muốn để lại cho ngươi đi tiếp cuộc đời này. Thật may mắn, vì ngươi luôn nghĩ đến ta, luôn tin tưởng ta còn sống thế nên thân xác tuy chết đi nhưng phần hồn lại được gom nhặt trong suy nghĩ của ngươi. Vừa qua thời khắc chuyển giao giữa năm cũ năm mới, giữa mùa đông với mùa xuân, mảnh hồn thứ năm vừa lúc nhập vào, giờ đây ta có thể tự tạo ra thân xác mới. Sau này chỉ cần ngươi nhớ ta muốn gặp ta, thì ta sẽ có thể dịch chuyển tới theo tâm thức ngươi mà đến”.

Dù không hiểu hết lời Miêu ca nói, Minh vẫn thầm thì:

“Cảm ơn Miêu ca đã còn sống”, các điều ước của cậu có phải vậy mà thành sự thực hết không?

Là ta phải cảm ơn ngươi. Thì ra cơ duyên để có được năm linh hồn mèo chính là ở chỗ có người luôn yêu thương nhớ tới bạn, để bạn sống trong tâm trí thì dù có chết cũng chính là sống”. Cho đi biết đâu lại là nhận lại. Phải chăng vì thế nó mới trở thành con mèo gom nhặt được năm linh hồn duy nhất.

<<Mùa đông năm nay lạnh lẽo, gắt gỏng và nhiều biến cố xảy ra, cậu bé Minh đã vượt qua bằng sự dũng cảm và bằng tình thương yêu, giúp đỡ của rất nhiều người: ông luật sư, bà ngoại, cô hàng xóm và nhất là Miêu ca đã tiếp thêm dũng khí cho cậu. Cám ơn cuộc sống này đã luôn có những điều tốt đẹp đáng để chờ đợi như vậy.>>

Tác giả: Phong
Bài dự thi cuộc thi viết chủ đề Chuyện của mùa đông

Mình viết bài này bắt đầu từ khi cuộc thi diễn ra nhưng lề mề không xong. Hôm nay, dành chút thời gian hoàn thành tác phẩm lại đúng lúc xảy ra chuyện cô bé 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết. Mong rằng bài viết này sẽ gửi đến các bạn thông điệp về lòng tốt cần có trong xã hội ngày nay.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
chuyện của mùa đông cuộc thi viết chủ đề chuyện của mùa đông miêu ca minh phong
1K
8
3

Xuân Hòa

Thành Viên
26/7/21
156
154
43,000
Xu
1,660,339
Nếu như bé V.A 8 tuổi gặp được chú mèo và ông luật sư thì có lẽ cái kết đã như chú bé Minh này chăng? Nhưng cuộc đời không có nếu như.... Truyện nếu như không có vụ bé Va chắc tôi đã nghĩ tác giả viết quá, nhưng giờ mới biết cuộc đời xấu và tốt luôn song song tồn tại
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top