Một số bài thơ tiêu biểu thuộc khuynh hướng tôn giáo của thơ văn Lí Trần

Một số bài thơ tiêu biểu thuộc khuynh hướng tôn giáo của thơ văn Lí Trần

a) Bài kệ di ngôn của thiền sư Vạn Hạnh

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông).

- Bốn câu kệ nói về lẽ sinh hoá, về quá trình biến đổi của muôn vật, trong đó có con người:

+ Ví đời người như “bóng chớp”, như cảnh tươi héo của cây cối, như giọt sương khi đọng khi tan trên ngọn cỏ. -> Đời người thịnh suy, ngắn ngủi, mong manh là qui luật.
+ Con người thường không giác ngộ, thường sợ hãi, đau buồn trước cái chết. Còn bậc tu hành có thể vượt lên trên sự “biến động vô thường”, đến với cái đại ngã của vũ trụ.

=> Giáo huấn nhà Phật về sự trở về với tinh thần “vô úy”, giữ tâm bình thản, chấp nhận sự kết thúc của đời người để hướng tới bản thể trường tồn, an nhiên với cõi “vô thuỷ vô chung”.

~ Thân như tường bích dĩ đồi thì,
Cứ thế thông thông thục bất bị.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di.


(Thân như tường vách đã lung lay
Lật đật người đời những xót thay.
Thấu lẽ tâm không, không tướng sắc,
Sắc, không ẩn hiện mặc vần xoay).

(Tâm không - Thiền sư Viên Chiếu)

~ Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát,
Phong xuy thiên lý phức thần hương.


(Cây héo vào xuân hoa nở rộ
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)

(Thiền sư Viên Chiếu)

=> Tư tưởng: “kiến tính thành Phật” giải thích sự huyền diệu của Phật và Thánh: như ánh sáng mặt trời rực rỡ, như vầng trăng thanh tĩnh; như mùa xuân ấm áp khiến chim oanh hót líu lo, như mùa thu về thì cúc vàng rực rỡ. Tuy khác nhau ở giáo lí nhưng cả hai đều cần thiết, cùng giúp ích cho đời.

b) Cáo tật thị chúng - Thiền sư Mãn Giác

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vì xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiên tạc dạ nhất chi mai.


(Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai).

- Phát biểu về một vấn đề của Phật học: vũ trụ, thiên nhiên, cuộc đời tuần hoàn theo qui luật. Con người, vạn vật đều biến đổi, chỉ có bản thể trường tồn. Thể xác nhà sư có thể chết đi nhưng “chân thân” của người tu hành đạt thành chính quả sẽ vượt khỏi vòng sinh tử luân hồi để đến với cõi vĩnh hằng => “nhành mai” là hình tượng trong trẻo và sáng láng của lẽ chân như.

- Thể hiện vấn đề nhân sinh: Thiên nhiên luân hồi theo vòng biến chuyển một năm. Cuộc sống con người luân hồi theo vòng biến chuyển một đời người => nhận thức qui luật khách quan của một triết gia, đến bâng khuâng, xao động, nhạy cảm của thi nhân trước số phận con người trong thế giới vô cùng.

c) Ngôn hoài - Không Lộ thiền sư

Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thượng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.


(Kiểu đất long xà chọn được nơi
Thú quê nào chán suốt ngày vui.
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời).

- Bài thơ cho thấy hình ảnh con người:

+ Có tâm hồn khoáng đạt, tinh thần thoải mái tột cùng, không câu nệ và bị trói buộc bởi những tín điều cứng nhắc khô khan.
+ Con người hòa nhập với thiên nhiên, rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên và sở hữu cái đẹp thiên nhiên.
+ Con người sống với chính mình, tách rời ngoại cảnh để tâm sáng, an yên.

=> Miêu tả phút “đốn ngộ” của người đắc đạo bỗng loé sáng trí tuệ, đạt được Phật tâm. Đó là hiện tượng kì diệu trong tu Thiền, là thành tựu và khát vọng của người tu hành. Nhận định, đắc đạo là “phút giây thăng hoa trí tuệ”, con người hòa nhập vào đại ngã, hơi thở như “hòa vào khí vũ trụ”. -> khuyên nhủ con người đến với thiền đạo

d) Bài phú Nôm Cư trần lạc đạo – Trần Nhân Tông

- Nội dung:

+ Miêu tả cuộc sống giản dị, thanh tịnh của bậc tu hành: “Ăn rau ăn trái, vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc”, “áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa”,...
+ Thể hiện lời thuyết lí của bậc tu hành có bản lĩnh, đề cao tinh thần chủ động, tích cực rèn luyện, dứt bỏ lòng dục để có thể ngồi giữa thị thành mà vẫn giữ được tâm tự tại và ý chí sáng suốt. => “Tu tại tâm”.
+ Cảnh thiên nhiên hiện lên là những bức tranh đẹp mang ý vị Thiền học.

- Nghệ thuật: lối văn biền ngẫu, lời văn cổ kính, sử dụng nhiều từ Hán Việt, phần lớn là thuật ngữ liên quan đến triết học Phật giáo. Bên cạnh đó cũng có nhiều từ cổ, từ ngữ quen dùng trong dân gian.

=> Sự hòa hợp giữa nhà Thiền học có bản lĩnh và nhà thơ có tâm hồn lạc quan, tinh tế

* Đánh giá: Trong thơ đời Lí, những hình tượng thiên nhiên là phương tiện nghệ thuật thể hiện nội dung tư tưởng, triết luận tôn giáo => Văn chương gắn với chức năng tôn giáo, với tư duy trực cảm tâm linh.
 
Từ khóa
chức năng tôn giáo tư duy trực cảm tâm linh van chuong
354
0
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top