Một thời đã rất xa

Một thời đã rất xa

Một thời đã qua rồi có ngày sẽ nhớ. Nhiều nỗi nhớ mãi mãi khắc ghi nhưng có nỗi nhớ chỉ thoáng qua rồi mất hẳn. Ta cũng có cái cảm giác ấy khi cứ ngày 20/11( Ngày Nhà giáo Việt Nam) về thì trong tôi đong đầy kỉ niệm. Chả biết những đồng nghiệp của tôi vào ngày ấy có mấy ai còn nhớ hay không? Mái trường một thuở đã 19 năm xa cách. Ngôi trường mà tôi và biết bao nhiêu thầy cô đã một thập niên gắn bó những buồn vui: trường tiểu học Kà Ốt. Tên gọi mới nghe, ai cũng biết trường thuộc vùng dân tộc ở một nơi xa xôi nào ấy. Vâng! Ngôi trường một thủa của xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh nằm trong ngôi chùa Phật giáo Kà Ốt(Kiri Sattray Menchey) cách chợ Kà Tum khoảng chừng hơn hai cây số chạy thẳng vào con đường đất đỏ. Tên trường nay không còn tên trên phần mềm dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa bởi đã là điểm lẻ của trường tiểu học Tân Đông B. Giờ gọi tên, tôi dâng tràn niềm cảm xúc một thời là hiệu trưởng nhà trường.
Sự trăn trở
Hồi ấy, năm 2002, cách nay đã 19 năm, tôi được điều động từ trường tiểu học Nước Trong(xã Tân Hội, Tân Châu, Tây Ninh) lên làm quản lí ngôi trường ấy khi mới được thành lập cuối năm học 2001-2002. Trường nằm sâu trong ấp cùng tên của xã Tân Đông, nơi đồng bào Khmer sinh sống. Học sinh toàn dân tộc không lẫn một người Kinh nào. Khó khăn chồng chất khó khăn. Vừa dạy tiếng Việt lại phải chen một vài tiết tiếng Khmer cho tất cả các khối lớp. Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, ai đã từng làm và tiếp cận rồi mới thấy vất vả nhường nào. Nhất là trẻ lại không được qua lớp mẫu giáo. Ròng rã bao nhiêu năm gắn bó với ngôi trường, nhiều khi tôi cứ muốn xin quay về ngôi trường cũ cho thoải mái, nhẹ nhàng để dạy học trò người Kinh nhưng không ai cho phép. Thuận lợi thì đong đếm trên đầu ngón tay còn khó khăn thì chao ôi, nhiều không kể siết: Học sinh biệt lập trong vùng của một “sóc”(ấp) giao tiếp bằng ngôn ngữ Khmer Nam Bộ. Các em suốt ngày quanh quẩn chơi trong chùa Kà Ốt bởi sân chùa rộng và mát. Cây cối nhiều, phong cảnh làm cho ai mới tới lần đầu cũng thích thú. Một số em lớn thì suốt ngày dang nắng, dầm mưa, chân trần theo người lớn ra cánh đồng làm việc, giấu tuổi thơ vào những khoảnh ruộng với bờ mương. Chân tay lúc nào cũng lem luốc bùn đất, bắt cua, mò ốc, lội ruộng như mục đồng ngoài giờ học. Chúng tôi dạy học cả hai thứ tiếng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thương các em nhiều lắm và cứ mong em nào cũng đi học đều gói chữ vào người để mai sau được đi học xa hơn tận dưới trường dân tộc nội trú của tỉnh. Bao trăn trở…rồi đôi khi cũng chán nản, chẳng có sự nhiệt huyết gì cả.
9EA35394-71A3-4099-8630-94E5FFE6683D.jpeg

(Ơn thầy-Văn học trẻ-Ảnh internet)
Dường như đêm nào tôi cũng mơ thấy một điều kỳ diệu đã giúp tôi đi đến thành công. Suy nghĩ nhiều về công việc, tôi gầy rạc đi, thi thoảng phải truyền nước biển để có sức khỏe làm tốt nhiệm vụ cùng các thầy cô trong trường. Người ta trồng cây nơi khô cằn sỏi đá mong mùa thu hoạch bội thu. Chúng tôi“ trồng người” nơi vùng dân tộc thiểu số mong học sinh học giỏi nên người mà lấm tấm mồ hôi trên trán. Ngày tháng trôi… Bàn chân tôi có khi chai sần nơi này mà tôi không tường hết. Đã có những gian nan chúng tôi bắt gặp nhất là công tác Phổ cập cho người dân. Kể làm sao để rồi bút mực nào ghi được và những lúc như thế, tôi tự an ủi mình cố gắng vượt qua. Mình được lãnh đạo của Phòng Giáo dục Tân Châu giao trọng trách, quyết làm tốt nhiệm vụ “ có công mài sắt, có ngày nên kim”. Có thể một ngày nào đó sẽ gặt hái thành quả thì còn gì bằng cơ chứ!
Sự quan tâm của các cấp và thành công
Như một ngọn gió trời thổi làn gió mát, các anh ở Phòng Giáo dục quan tâm tới ngôi trường tôi nhiều lắm. Như để động viên tôi, nhà trường được rào chắn xung quanh bằng rào lưới mắt cáo. Tường quét vôi như được thay áo mới. Mái ngói cũ mục được lợp bằng mái tôn, đóng la phông toàn bộ. Cơ sở vật chất được đầu tư rồi hoàn toàn mới. Trông ngôi trường đẹp hơn mọi nơi khác. Ai một lần ghé thăm cũng tấm tắc ngợi khen làm tôi càng có niềm tin. Chưa có nơi nào được ưu tiên như trường tôi. Lãnh đạo phòng Giáo dục thi thoảng cứ điện thoại hỏi thăm xem tình hình có ổn để các anh còn tìm giải pháp. Chẳng khi nào gặp tôi mà các anh lại không hỏi một câu, nhất là trưởng phòng anh Lê Trúc Lâm, Phó trưởng phòng anh Nguyễn Việt Quang, bộ phận chuyên môn, tổ chức…: Ổn không em?
Nghe sao như có gì đấy thôi thúc để tôi công tác. Mười năm công tác ở đấy là mười năm tôi lại được Sư thầy(Cả chùa Kà Ốt) với trưởng ấp anh Danh Ngất và các cấp của Đảng và chính quyền xã Tân Đông giúp đỡ nhiều lắm. Công ơn của các cấp làm tôi thêm tin yêu hơn dẫu biết rằng những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn.
Tôi nhớ như in những năm tháng gian nan, vất vả, cứ tưởng ngôi trường vùng dân tộc thiểu số ấy mãi giậm chân tại chỗ về chất lượng. Thầy cô giáo giảng dạy nơi này cũng không dám tham gia các phong trào gì do huyện tổ chức bởi họ biết có tham gia cũng chẳng đạt kết quả gì do học sinh của mình toàn người dân tộc thiểu số không nhanh nhẹn và làm tốt như mọi nơi.
Với kinh nghiệm dạy học trước khi lên làm hiệu trưởng, tôi đã tham gia cùng tập thể nhà trường bước đi những bước chân “khiêm nhường” họa chăng đạt đích vinh quang, chở những chuyến đò sang sông cập bến bình an là niềm vui lớn nhất. Tôi vào cuộc thuyết phục được rất nhiều thầy cô tham gia hội giảng cấp huyện và đạt kết quả tốt bắt đầu năm học 2006-2007 và cũng năm học đó nhà trường có đà cho những năm tiếp theo. Sự vỡ oà niềm vui khi năm học 2007-2008 trường lần đầu tiên được công nhận tập thể lao động Tiên tiến cho tới khi trường sát nhập lại với trường khác năm học 2012-2013, rồi tôi chia tay đồng nghiệp sang ngôi trường khác mang trong lòng niềm tiêng tiếc một thuở với ngôi trường nhìn ra cánh đồng lúa của đồng bào dân tộc Khmer thẳng cánh cò bay, phong cảnh hữu tình nhuốm mùi quê thanh bình, yên ả.
Ôi! Nhớ cái năm học nào trường tôi tham gia Hội khoẻ Phù Đổng cấp huyện đạt giải Nhì môn bóng đá nam mới kì lạ chứ. Sau khi giành chiến thắng, thầy trò ôm nhau khóc trong niềm vui vỡ oà trông thấy mà thương cho các em. Khi nhận tin từ thầy Khoa(Tổng phụ trách Đội, nay là Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Tân Châu, Tây Ninh), tôi không tin đó là sự thật. Món quà quý giá nhất mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên trong đời. Rồi tôi và giáo viên Hồ Thị Huệ(nay đang giảng dạy trường Khoa phụ trách) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Tây Ninh năm học 2010-2011. Và rất nhiều thầy cô khác như Nguyễn Thị Thuỳ Dung(chuyển về Hoà Thành), Phạm Thị Vân Anh(công tác trường tiểu học Thị trấn Tân Châu B); Nguyễn Thị Phương Lan(chuyển về Bình Dương); Nguyễn Thị Vân(chuyển về trường tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Tây Ninh) cũng đều là chiến sĩ thi đua cơ sở thời công tác với tôi. Cứ thương cho thầy Nguyễn Văn Bảnh bị bệnh rồi về với miền đất xa xăm thiên cảnh cuối trời sâu trong lòng đất mẹ.
Ôi! Thật là diệu kỳ một thuở gắn bó với ngôi trường nay không còn tên gọi.
Tiếc nuối một thuở
Xa trường rồi mỗi người chuyển mỗi nơi. Đội ngũ giáo viên do tôi quản lý thời ấy, thi thoảng điện thoại cho tôi mà nhắc mãi tên trường thuở bước chân lên vùng sâu biên giới giảng dạy nghẹn ngào, tiếc nuối làm tôi dâng tràn cảm xúc.
Ngày 20/11 sắp đến, giáo viên và học sinh của những năm học đầu tiên vào lớp 1 ấy gửi cho tôi những tấm ảnh như một thông điệp truyền cảm hứng nhắc mãi tên tôi. Lòng tôi chộn rộn với biết bao kỉ niệm về mái trường nằm trong khuôn viên chùa Kà Ốt của ấp văn hoá đầu tiên xã Tân Đông vinh dự đón nhận. Tôi đã xa nơi miền quê ấy về nơi thành phố Tây Ninh công tác, lòng khắc khoải nhớ mái trường quê một thuở mỗi sáng, mỗi trưa nghe tiếng chuông chùa vọng vang âm thanh trong trèo. Ước được một lần bước trên con đường đất mà 10 năm đã bước, được nhìn lại cái cổng trường tiểu học Kà Ốt thân quen và dạo bước trên cái sân trường cỏ hoa học sinh tôi trồng thuở ấy. Được ngồi vào cái bàn làm việc thân quen, uống hớp nước chè mỗi sáng tự tay mình pha rồi được nhìn đám học sinh đen nhẹm ngồi chơi trò chơi ô ăn quan, chạy đuổi nhau vô tư, e dè, khép nép nhìn tôi mỗi ngày. Gặp lại anh Danh Ngất, vào chùa thắp cây nhang trầm tưởng nhớ Sư cả đã viên tịch chốn bình yên. Cùng anh em ngồi uống cafe kể cho nhau nghe chuyện nay rồi chia tay tiễn biệt ra về.
Ôi! Nhớ quá trường xưa, đồng nghiệp cũ của tôi ơi! Khi nào ta gặp lại?
Bài của Phùng Văn Định
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
học sinh ngày nhà giáo
1K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top