Dự thi Mùa đợi nắng

Dự thi Mùa đợi nắng

Bốn giờ sáng, dì Lợi tỉnh giấc, len lén ngồi dậy, nhẹ nhàng dém lại góc chăn cho đứa cháu nhỏ. Thằng Minh trở mình, lật qua lật lại tìm hơi ấm bên cạnh từ người dì. Nó quờ quạng tìm kiếm một lúc, trống trơn. Trong cơn say ngủ, nó cuộn vội cái chăn dày kéo lên cổ, vo tròn quanh người như một cái kén tằm, ngăn cách khí lạnh ở bên ngoài. Hơi thở đều đều Minh lại chìm vào giấc ngủ sâu. Dì Lợi lúc này mới yên tâm chui ra khỏi mùng. Nhiều lần đứa nhỏ này tỉnh dậy theo dì rồi cũng lục đục phụ làm việc chứ không chịu ngủ tiếp. Dì thương nó còn nhỏ; cuối đông trời vẫn còn lạnh, nhất là sáng sớm; nó đang tuổi ăn tuổi lớn, muốn để nó ngủ thêm một chút nên dì phải thật khẽ khàng.

Với lấy cái áo ấm treo trên cọc mùng, dì Lợi mau chóng mặc vào người. Tháng chạp rồi, không còn cái lạnh cắt da cắt thịt như những ngày giữa đông, nhưng vẫn phải hai lớp áo như vậy mới chịu được. Rót nước sôi trong bình thủy ra một cái thau nhỏ bằng nhựa, dì khẽ đẩy cánh cửa bước ra giếng, múc nửa gáo nước lạnh pha thêm vào thau. Chừng vừa đủ ấm, dì nhúng cái khăn mặt bằng cotton xỉn màu vào thau nước, vắt khô rồi đưa lên lau mặt. Cái khăn ấm ôm lấy khuôn mặt tròn của dì; mùi nước ấm, mùi xà bông giặt, mùi vải cũ của cái khăn hòa lẫn vào nhau, gần gũi và dễ chịu. Đây có lẽ là khoảnh khắc dễ chịu nhất trong ngày đông lạnh giá.

Dì Lợi làm nghề tráng bánh. Ngày nào dì cũng phải dậy thật sớm để xả bột, nhóm lò… chuẩn bị cho việc tráng bánh; như vậy mới kịp để sáng ra có bánh ướt bán, rồi tráng bánh khô cho kịp nắng để phơi. Trễ quá thì bánh không đủ nắng, bánh sượng. Tiết mùa đông không có nhiều ngày nắng, tráng được một hôm thì nghỉ phải dăm ba hôm. Vì không đủ nắng, bánh khô ra cũng không dẻo, không ngon. Từ hôm kia đến giờ đã có ba người mắng vốn rằng bánh sượng, dì nghĩ đến mà vô thức thở dài. Mùa đông năm trước đã thử sấy bằng than, nhưng chi phí bị đội lên cao quá thành ra chẳng có lời nên thôi.​

1641628093701.jpeg

("Không đủ nắng, bánh khô ra cũng không dẻo, không ngon" - Ảnh minh họa. Nguồn: vietnammoi)​

- Hôm nay nắng đấy, xả cả đi. Tao mới đi xem về, quang mây lắm, vàng rực ở đằng đông.

Dì Lợi đang lúi húi múc bột từ cái thau to gần bằng miệng giếng qua một cái xô nhựa nhỏ thì tiếng bà Hiệp trầm trầm cất lên từ đằng sau.

- Vậy hả má? Để con xả hết, má phụ con dọn quán ra nhé! Mình con sợ không kịp. - Quầy hàng buổi sáng đơn giản gồm mấy bộ bàn ghế nhựa đã có tuổi, dĩa nhựa, hộp giấy và một số thứ đũa, muỗng linh tinh. Món bánh bà Hiệp bán mỗi sớm mai cũng đơn giản y như mấy cái dụng cụ của quán: bánh ướt nóng thoa dầu hẹ, mấy miếng hành phi thơm lừng, sang trọng nhất có lẽ là vài sợi chà bông rắc lên trên, ăn kèm nước mắm chua ngọt. Món bánh bình thường ấy dường như cũng chiều lòng được người dân quê mấy mươi năm qua, ngày nào cũng bán hết nhẵn.

Bà Hiệp dáng hơi khòm, mỗi khi đi nhanh hai tay bà lại đánh thật mạnh như lấy đà, nhanh chóng dọn bàn ghế ra chuẩn bị bán. Buổi sáng dậy sớm, bà sẽ đi về hướng cánh đồng phía đông để nhìn trời, ở đó thoáng đãng. Sân vườn nhà bà bị khuất mấy bụi chuối chát thân cao, nhìn không tới. Tráng bánh lâu năm kinh nghiệm dày mình, bà nhìn một cái cũng đoán được hôm nay trời có mưa có nắng. Bà Hiệp năm nay gần bảy mươi tuổi. Có hai cô con gái, má thằng Minh là con cả, gả chồng khi hơn hai mươi tuổi nhưng phước mỏng, sinh được thằng Minh thì mất. Anh con rể còn trẻ, bà đem thằng Minh về nuôi để anh ấy đi bước nữa. Dì Lợi là con gái thứ hai, nay cũng ba mấy rồi, cũng có mấy đám hỏi thăm nhưng dì chưa chịu, thương mẹ già cả, chắc định ở vậy với bà. Bà Hiệp cũng khuyên bảo nhiều nhưng dì không nghe.

Xả xong thau bột, dì Lợi xuống nhóm lò. Đổ trấu vào cái xô bằng thiết đặt trên miệng lò, đáy xô bị khoét một lỗ to cho trấu chảy xuống. Cái lò tráng đã có từ ngày xưa, được đắp bằng đất. Phần nồi là một chiếc chảo to bằng gang, lòng sâu, dì đổ nước vào lưng lưng nồi rồi đậy nắp lại. Cái nắp đan bằng tre to tràm miệng nồi, phía trên nắp là một cái cán gỗ được cầm nhiều năm rồi nên bóng lưởng. Vơ một nắm rơm khô, đốt cháy xong dì thả vào đáy lò đã đầy trấu. Cháy hết nắm rơm, trấu cũng bắt đầu cháy. Thỉnh thoảng dì đưa tay lắc lắc cái xô thiết cho trấu chảy vào lò. Bóng dì thoăn thoắt, đứng lên ngồi xuống liên tục, thoáng cái đã xong công đoạn chuẩn bị. Đun nước hơi nóng lên, dì Lợi mở nắp, căng một tấm vải mỏng bằng phi bóng ngang miệng nồi, chừa hở một khe nhỏ để tiếp nước vào bên trong. Tấm vải luôn được dì giặt sạch sau mỗi lần tráng, là nơi để đổ bột lên, tráng đều và hấp chín thành cái bánh.

- Sao dì không gọi con dậy làm phụ?

Giọng thằng Minh mới ngủ dậy còn đặc sệt vang lên sau lưng. Dì Lợi quay đầu lại, nhìn thấy đứa cháu mắt nhắm mắt mở, đầu tóc bờm xờm, mặc cái áo thun đỏ mỏng manh, đứng gãi gãi bụng nhìn dì.

- Lấy áo ấm mặc vào, trời lạnh đấy! - Dì Lợi nhỏ giọng nhắc nhở.

- Con không thấy lạnh, hình như hết lạnh rồi dì. - Thằng Minh chu môi lên phản đối, nó không thấy hôm nay lạnh như mấy tuần trước nữa.

- Gió mùa này vẫn độc lắm, mặc vào giữ ấm cho cái ngực, để nhiễm lạnh rồi lại ho thì đến khổ.

Dì Lợi vừa nói vừa trừng mắt giả bộ nạt đứa cháu. Thằng Minh quay đi, lén lè lưỡi một cái nhại lại dì nhưng sợ bị phát hiện thì toi. Dì Lợi thương nó lắm nhưng miệng lưỡi cũng đáo để, lại hay cằn nhằn nên nó không dám cãi. Thêm cái tính tiết kiệm của dì, nó ho là một chuyện, trẻ con mùa này đứa nào chả ho hen vài ngày, nhưng tốn tiền thuốc mới đúng là vấn đề cần lo nghĩ. Thằng Minh biết tỏng cái bụng dì mình. Nó nghe lời vào nhà lấy thêm cái áo len mặc vào cho bà dì thôi lải nhải.

- Ra phụ dọn quán với bà đi. Dì tráng có bánh thì gọi vào bưng ra. - Dì Lợi nói với theo đứa cháu đã mất dạng sau cánh cửa. Nghe nó cao giọng “dạ” một tiếng rõ to. Dì cười khúc khích, thằng nhỏ nó biết nghe lời lắm.

Như mọi ngày dì tráng chừng năm ký bánh ướt, bà Hiệp bán tới khoảng bảy rưỡi sáng là hết sạch. Hôm nào không có nắng, không tráng được bánh phơi, nghỉ sớm thì khỏe, nhưng tiền lời ít chục ngàn từ năm ký bánh ướt không đủ chi tiêu một ngày. Hôm nay trời đẹp, mong là nắng to, dì tráng hết thau bột chắc kiếm đủ tiền đóng học phí kỳ này cho thằng Minh. Mỗi lần đứa cháu xin tiền, nghe dì nói chưa đủ, mặt mũi nó lại buồn thiu, cũng không dám năn nỉ nhiều, trông đến tội nghiệp. Có mấy lần nó nói khéo muốn ở nhà phụ bà ngoại phơi bánh, thấy bà còng lưng bưng vỉ đi phơi nó thương lắm. Dì biết ý nó muốn nghỉ học lo phụ kiếm tiền, mỗi lần như vậy đều bị dì mắng té tát nó mới thôi. Càng nghĩ càng thương đứa cháu còn nhỏ dại đã biết lo lắng chuyện gia đình.

- Bánh đây má, lứa cuối cùng rồi. Con bắt đầu tráng bánh phơi nhé! - Dì Lợi bưng rổ bánh ướt cuối cùng của sáng ngày hôm nay ra cho bà Hiệp. Bà nhận lấy, nhẹ nhàng xếp vào trong cái thùng xốp cỡ nhỏ, giữ bánh cho nóng khách mới thích ăn.

- Ừ! Xong chỗ này tao vào phụ cho bay. - Bà Hiệp miệng nói với con gái, tay không ngừng nghỉ xếp bánh vào hộp giấy cho khách.

- Bột mới không, hôm trước mua một hộp trúng bột cũ hay sao hơi chua đấy cụ, con Lucifer nhà tôi cũng chả thèm ăn. - Mợ Chanh nói với bà Hiệp, giọng chua lè giống hệt cái tên của mợ, mợ điệu chảy nước, một câu nói nhấn nhá mấy lần, phát bực.

- Có bà chua đấy, bột người ta mới xay hôm qua, bánh thơm phức đây không ngửi được à?

Dì Lợi cũng không vừa, nhưng chỉ lẩm bẩm trong miệng sợ mợ nghe thấy. Lucifer là con chó nhà mợ Chanh. Rõ ràng là chó ta, mợ kêu Lucifer cho nó tây, nhưng vẫn ăn được bánh ướt nhà dì đấy thôi.

- Mợ phiên phiến cho, mấy hôm rồi không có nắng, rộng(*) nửa thau bột chỉ tráng bánh ướt. Hôm qua còn gần một xô tôi đã bỏ rồi. Bánh hôm nay bột mới đấy, để tôi bù thêm cho mợ nhé! ((*) chứa bột trong thau, cho thêm nước vào để giữ bột lâu hỏng).

- Thế thì còn được. - Mợ nghe bà Hiệp nói bù thêm cũng xuôi xuôi, mắt còn nguýt một cái rõ bén sang phía dì Lợi.

- Má bán đi, con vào cho con Behemot ăn sáng đã. Xong má vào phơi phụ con nhé!

Dì vừa nói vừa nhìn thẳng mợ Chanh ánh mắt vẻ khiêu khích. Bà Hiệp chẳng biết Behemot trong lời dì Lợi là ai, có lẽ con gái bà muốn nói đi cho lợn ăn, cũng đến giờ cho con lợn trong chuồng ăn rồi. Quả đúng vậy, con lợn đấy vốn chẳng có tên, nhưng vì muốn chọc tức mợ Chanh nên dì Lợi gọi nó như vậy. Mùa này ít tráng bánh phơi được, bột rộng lâu bị sình phải đổ cho nó uống. Con lợn chẳng mấy chốc mà ú nu. Đến tết chắc mẩm thằng Minh cũng được hai bộ đồ mới từ chỗ thịt ấy. Nghĩ vậy dì Lợi mới thôi xót của.​

***​

- Hôm nay nắng đẹp, cụ để cháu trăm bánh ngày hôm nay nhé!

Bà Hiệp đang lum khum trở đầu mấy vỉ bánh còn lại ở trước sân thì tiếng cô Năm từ ngoài hàng rào nói với vào đặt bánh. Bên ngoài cũng bán nhiều bánh tráng bằng máy công nghiệp, sấy than, nhưng người ta vẫn thích ăn bánh tráng thủ công hơn; nhất là tay nghề dì Lợi cũng khá tốt, bánh tráng đều, gặp nắng nữa thì hạng nhất rồi. Bà Hiệp tặc lưỡi tiếc hùi hụi:

- Nay được cỡ ba trăm bánh, có người đặt cả rồi cô Năm. Mấy hôm trước bánh sượng, giờ phải bỏ bù cho người ta. Cô đợi ngày mai nhé! Khổ, có dám xay nhiều đâu, sợ không nắng thì rộng mấy ngày bột lại chua. Được hôm nắng đẹp thì không có bột tráng.

Khuôn mặt già nua đầy nếp nhăn và dày đăc đồi mồi của bà cụ ngẩng lên cười với cô Năm, nụ cười cũng thiếu đi phần tươi tắn. Bà đang nhẩm tính tiền lời ngày hôm nay xem có đủ cho thằng Minh đóng học phí không. Vẫn chưa đủ rồi!

- Mai thấy báo lại mưa đấy cụ. Thôi để hôm nào nắng như hôm nay thì con lấy.

Cô Năm nói rồi đi ngay, không nhìn thấy một tia buồn bã đựng trong đáy mắt bà Hiệp. Lại mưa rồi. Những cơn mưa vào độ này không phải kiểu dầm dề cả ngày mà là mưa phùn lất phất, vừa đủ làm lạnh đi niềm hy vọng nhen nhóm của người thợ tráng bánh thủ công về một ngày nắng tươi. Bà Hiệp buồn rầu, không biết bao giờ mới đủ tiền đóng học phí cho thằng nhỏ.

- Má, nhà ông bảy Công vừa đặt cái lò sấy bánh bằng điện đấy. Nó bằng inox, mới cóng. Mà cái máy rõ dài, muốn gấp đôi cái phòng khách nhà mình. Thế là không phải lo nắng mưa, sướng má nhỉ?

Dì Lợi vừa đi giao bánh về, chưa vào tới sân đã phóng xuống khỏi chiếc xe đạp mi ni Trung Quốc cũ mèm, thả vội chiếc xe dựa vào nọc rơm, ánh mắt lấp lánh tỏ ra ao ước nói với bà Hiệp.

- Thế bao tiền? Mà to thế nhà mình đặt chỗ nào?

- Má này, tiền đâu mà tính chỗ đặt rồi?
- Dì Lợi cười lớn đáp lời bà cụ. Thằng Minh đang học bài trong nhà nghe được cũng phì cười. Nó nghĩ bụng: mấy trăm ngàn đóng học phí còn chưa có đủ, bà ngoại hỏi như thể nhà có sẵn tiền vậy.

- Chưa có hỏi bao nhiêu, nhưng chắc không rẻ. Với lại cái máy lớn lắm, người ta tráng bánh máy, năng suất lớn mới phải dùng tới máy đấy. - Dì vừa nói, tay vừa nhanh nhảu đong gạo ra thau chuẩn bị ngâm, xay mẻ bột mới cho ngày mai.

- Mai lại mưa rồi, ngâm ít gạo thôi. - Bà Hiệp thở dài nhắc nhở con gái. Nắng được có một hôm lại mưa. Cái nghề đến mùa này nó khổ vậy đấy.

- Mưa mãi có khi lại mất Tết. - Bà trầm ngâm. Còn chưa đầy một tháng nữa đến Tết rồi, không tráng được thì lấy tiền đâu sắm sửa.

- Không sao đâu má, con mới hỏi bên xóm chổi, sắp Tết bên đó cần người, từ mai rảnh con qua phụ bó chổi kiếm thêm. Hôm nào nắng thì mình tráng bánh. Mới giao trăm bánh cho cô Hoan, cô ấy đặt tiền trước hai trăm nữa, nắng mới lấy, mai có tiền cho thằng Minh đóng học phí nhé! - Câu cuối dì Lợi cố ý nói thật to.

- Thật hả dì? Ha ha… mai con có tiền đóng học phí… - Thằng Minh cười vang, vui vẻ chạy ra ôm dì Lợi, ôm bà ngoại một lượt làm khóe mắt hai người lớn cay cay.

- Gì mà mừng dữ vậy? - Dì Lợi trêu đứa cháu.

- Dì không biết đâu, cuối tuần nào cô giáo cũng nhắc, mắc cỡ lắm! Nhưng nhà mình nghèo biết làm sao? Dì với ngoại cũng rất vất vả. Nhiều lúc con muốn nghỉ học nhưng sợ hai người buồn.

- Nói bậy! - Bà Hiệp gắt.

- Vì mình nghèo nên con càng phải ráng học để sau đỡ khổ. Bây giờ túng thiếu một chút, nhưng dì sẽ cố gắng cho con ăn học, phải học chăm đấy! - Dì Lợi khuyên bảo đứa cháu.

- Dạ. - Thằng Minh lí nhí đáp lời dì. Nó hiểu được dì Lợi và bà thương nó, vất vả sớm hôm lạnh lẽo vẫn lui cui làm lụng, kiếm tiền nuôi nó. Thằng Minh tự nhủ trong lòng sẽ cố gắng học hành, một ngày lớn lên nó sẽ kiếm đủ tiền để mua cái máy sấy bánh bằng điện như nhà ông bảy Công cho dì và bà đỡ vất vả. Không biết đến lúc đấy nhà nó có còn tráng bánh hay không nhưng cái máy sấy điện đang là “mục tiêu trưởng thành” của đứa nhỏ ngây thơ ấy.

Như thấu được suy nghĩ của đứa cháu, dì Lợi càng ra sức củng cố cho quyết tâm đẹp đẽ của nó:

- Một năm có mùa hè cũng sẽ có mùa đông. Cái nghề nhà mình sang mùa đông thì hơi khó khăn vậy đấy. Đấy là cuộc sống, không thể tránh khỏi. Càng khó khăn càng phải cố gắng, cố gắng thích nghi với từng hoàn cảnh và vươn lên. Giống như dì đây, lạnh quá thì pha nước ấm rửa mặt; bột sình thì nuôi thêm con lợn cho nó ăn, tiện vỗ béo; không tráng bánh thì có thời gian dì xin đi làm chổi, cũng là kiếm tiền, đợi khi nắng lên lại trở về nghề bánh. Miễn là có ý chí học tập, lao động thì dù là một hay mấy mùa đông đi nữa chúng ta đều vượt qua, nhỉ?

- Đúng ạ! - Nghe dì nói phải, thằng Minh vui vẻ gật đầu liên tục.

Dưới ánh nắng nhạt hiếm hoi của một buổi chiều cuối mùa đông, tiếng cười ấm áp vang vọng trong góc sân nhỏ nhà bà Hiệp.

---
Tác giả: A Kha
Bài dự thi "Chuyện Của Mùa Đông"











 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
cố gắng mất tết mùa đợi nắng tráng bánh thủ công
  • Like
Reactions: Ngu Van and Seussi
956
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top